Vào một ngày hè nóng nhất năm 1935, cô bé mười ba tuổi Briony Tallis bất chợt trông thấy chị gái Cecilia trút bỏ áo quần rồi lao mình xuống bể đài phun nước trong khu vườn rộng trước nhà. Cùng chứng kiến cảnh ấy, là Robbie Turner, người bạn của nàng từ thuở nhỏ, và cũng như nàng vừa trở về từ đại học Cambridge.
Đến cuối ngày hôm ấy cuộc đời của cả ba người đã vĩnh viễn thay đổi. Robbie và Cecilia sẽ vượt qua một biên giới mà họ chưa từng hình dung rằng có tồn tại, và trở thành nạn nhân của trí tưởng tượng của cô bé mười ba tuổi kia. Còn Briony, em đã chứng kiến những chuyện bí ẩn và phạm phải một tội ác mà để chuộc lại thì có lẽ cần nhiều hơn một đời người.
Chuộc tội được làm nên bằng từng chi tiết được khắc họa tỉ mỉ đến tinh xảo, những nhân vật và tâm hồn nhân vật được xây dựng cá biệt nhưng thống nhất cao độ, những khám phá cơ hồ thanh tân về sự dối trá của vẻ bề ngoài và sự ngây thơ ẩn tàng diệt hủy, tất cả đặt trong một kết cấu độc nhất vô nhị - dàn trải mà vẫn tập trung, phi tuyến tính nhưng hoàn toàn logic. Vẫn những chủ đề quen thuộc như tình yêu và tội lỗi, giận dữ và thứ tha, nhưng Chuộc tội đã được tạo tác tuyệt vời đến mức không gì trong cuốn sách đem lại cho người đọc cảm giác cũ mòn. Phảng phất u tối nhưng quyến rũ kỳ lạ, cho đến nay đó thực sự là tác phẩm viên mãn nhất của McEwan, xứng đáng với giải thưởng cao quý National Book Critics Circle Award dành cho thể loại tiểu thuyết vào năm 2002.
"Một tiểu thuyết tuyệt tác" - Independent
"Những khám phá xuất sắc về dòng chảy của tội lỗi, nỗi hổ thẹn và sự giận dữ…" - Scotsman
***
Ian McEwan sinh ngày 21/6/1948 tại Aidershot, Anh. Ông từng học ngành Văn học Anh tại Đại học Sussex và tốt nghiệp cử nhân năm 1970, sau đó lấy tiếp bằng Thạc sĩ Văn học Anh tại Đại học East Anglia.
Các tác phẩm của McEwan được giới phê bình thế giới đánh giá cao. Ông đã giành giải thưởng Somerset Maugham Award năm 1976 cho tập truyện ngắn First Love, Last Rites; giải Whitbread Novel Award (1987) và Prix Femina Etranger (1993) cho tác phẩm The Child in Time; đồng thời giành được cả giải Germany’s Shakespeare Prize vào năm 1999. Ông đã nhiều lần lọt vào danh sách đề cử chốt của giải Man Booker Prize và đến năm 1998 đã giành được giải thưởng cao quý này cho tác phẩm Amsterdam. Cuốn tiểu thuyết Atonement đã giành được giải WH Smith Literary Award (2002), giải National Book Critics’ Circle Fiction Award (2003) của giới phê bình Anh, giải Los Angeles Times Prize dành cho thể loại hư cấu (2003) và giải Santiago Prize dành cho Tiểu thuyết Châu Âu (2004). Năm 2000, ông cũng được trao giải CBE, giải thưởng cao quý của Hoàng gia Anh dành cho những người có cống hiến xuất sắc. Năm 2006, cuón tiểu thuyết Saturday của ông đã giành được giải James Tait Black Memorial Prize. Còn tại lẽ trao giải British Book Awards 2008, Trên bãi biển Chesil đã giành được giải Book of the Year (Cuốn sách của năm) đồng thời đem lại cho tác giả của nó danh hiệu Author of the Year (Tác giả của năm).
McEwan đã kết hôn hai lần. Người vợ thứ hai của ông, Annalena McAfee, từng là biên tập viên cho mục Bình luận của tờ The Guardian danh tiếng. Ngoài sự nghiệp, ông còn khá nổi tiếng trên mặt báo khi vào năm 1999 người vợ đầu tiên của ông bắt cóc đứa con trai 13 tuổi khi tòa trao quyền giám hộ con chỉ cho mình ông. Tiểu thuyết Chuộc tội cũng từng bị cáo buộc là đạo văn từ cuốn No Time for Romance của Lucilla Andrews. Tuy nhiên McEwan công khai khẳng định mình vô tội trên tờ The Guardian, lý do là trong ghi chú cuối tiểu thuyết của mình, ông đã nêu rõ tác phẩm của Andrews.
Bộ phim cùng tên dựng lại từ tác phẩm Chuộc tội của McEwan đã được đề cử bảy giải Oscar quan trọng và giành được giải Nhạc nền xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 80 năm 2008. Cùng năm đó, bộ phim cũng đồng thời giành được giải Phim hay nhất ở cả giải Quả cầu Vàng và giải British Academy Film Awards của Viện Điện ảnh Anh Quốc.
Hiện Website chính thức của tác giả tại địa chỉ www.iannicewan.com.
***
Review Thu Hoài - Trạm Đọc:
Bất cứ lúc nào bàn về tội ác ấu dâm, người ta cũng chỉ nói đến nỗi đau thể chất và tinh thần của người bị hại, thế còn tinh thần của những người chứng kiến thì sao?
Khi mà xã hội ngoài kia đang sôi sục về những vụ ấu dâm thì tôi cũng đọc được một câu chuyện ấu dâm khác trong thời Thế chiến thứ Hai, khi con người ta còn nhiều nỗi lo hơn so với cái xã hội rảnh như bây giờ. Bất cứ lúc nào bàn về tội ác ấu dâm, người ta cũng chỉ nói đến nỗi đau thể chất và tinh thần của người bị hại, thế còn tinh thần của những người chứng kiến thì sao?
Cấu trúc truyện lồng trong truyện trong cuốn sách Chuộc tội của Ian McEwen kể về lời khai của một cô bé mười ba tuổi khi là nhân chứng duy nhất trong vụ cưỡng hiếp người chị họ, kèm theo nỗi đau tinh thần đã kéo dài hơn sáu mươi năm, và một lời thú tội muộn màng.
Mùa hè 1935, Robbie Turner bị bắt vì tội cưỡng hiếp cô bé Lola mười lăm tuổi, một người họ hàng của gia đình Tallis. Nhân chứng và lời khai duy nhất của vụ án là con gái út mười ba tuổi, Briony Tallis, người đã chắc chắn khẳng định hung thủ là Turner, khi cô tình cờ bắt gặp cảnh tượng khủng khiếp ấy trong đêm tối tại khu vườn gần nhà. Turner là con trai người hầu và người giúp việc của gia đình Tallis, đồng thời cũng là người bạn ấu thơ của Cecilia Tallis. Qua lời tố cáo của Briony, Turner cũng là người đã bắt Cecilia cởi bỏ đồ trước mặt hắn, viết bức thư dâm đãng gửi và tra tấn Cecilia trong thư viện. Trong thời chiến tranh, để huy động hết lực lượng quân số, những người mang trọng tội như Turner đã được cho phép đi lính thay vì ngồi trong tù của chính phủ Anh.
Đọc đến đây, bạn có thể nói “Đáng đời hắn, những kẻ vô nhân tính như hắn đáng phải đền tội” hay những câu tương tự như vậy. Tôi cũng phần nào đồng cảm với bạn. Nhưng lời khai của một đứa trẻ tuổi vị thành niên có đáng tin không?
Nếu là thời nay chắc cảnh sát và truyền thông còn phải mổ xẻ rất nhiều tình tiết trong lời khai ấy. Nhưng khi ấy, cảnh sát và quân đội Anh còn phải lo về thuốc súng đạn dược trong cuộc chiến tranh với Đức, ai rảnh đâu đi điều tra lời nói của một đứa bé. Họ thậm chí còn mừng thay khi có một nhân chứng, và nhân chứng ấy lại vô cùng quả quyết, chắc chắn về những gì mình nhìn được. Briony có lẽ còn xứng đáng trở thành anh hùng trong lòng các cô gái trẻ ấy chứ.
Ấy vậy mà, người “anh hùng” của chúng ta, Briony lại sống trong những năm tháng đau khổ và dằn vặt suốt phần đời còn lại của mình. Năm năm sau, cô trở thành y tá thực tập trong bệnh viện London thay vì đi học tại Cambridge. Những lần chứng kiến thời khắc cuối cùng của người lính, cô thường nghĩ đến số phận của Robbie ngoài chiến trường. Cô cũng đã viết rất nhiều bức thư gửi chị gái Cecilia, người đã từ bỏ gia đình sau khi Robbie bị bắt và trở thành y tá, nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm. Cô đã lo sợ nếu không gặp được chị gái, cô sẽ không bao giờ có thể nói được lời xin lỗi, vì sự thật mà cô tiết lộ vô cùng đau lòng. Hung thủ mà Briony nhìn thấy năm năm trước hóa ra lại không phải là Robbie Turner.
Đối với cô khi ấy, Robbie là một con quỷ dâm dục nhưng trước đó cũng là người mà cô vô cùng cảm mến. Briony đã từng liều mình nhảy xuống hồ chỉ để xem liệu Robbie có cứu mình không, và để nói lời yêu với anh. Nhưng hỡi ôi, một cô bé ngây thơ và nông nổi trong thâm tâm không muốn người mình yêu ở bên cạnh chị cô nên đã sẵn sàng nói dối dù đã mười mươi nhìn thấy hung thủ là ai, một lời nói dối đủ làm thay đổi cuộc đời của cả ba con người.
Trong suốt những năm tháng làm y tá, Briony vẫn viết, nhưng không còn là những tiểu thuyết mộng mơ như thuở nhỏ nữa. Ngồi cô độc đánh máy trong những đêm lạnh tại bênh viện, Briony đã viết một lời thú tội chân thành không màu mè, hoa mỹ cho những người đã tin vào những lời nói dối năm xưa của cô. Lời thú tội đó sau cùng trở thành cuốn tiểu thuyết cuối đời của cô, cuốn sách mang tên Chuộc Tội.
Nhưng rốt cuộc đó vẫn chỉ là sự hèn nhát sau cuối của Briony, khi tất cả những người liên quan đều đã chết, họ mãi không được biết sự thật. Dù có viết bao nhiêu cuốn sách cũng không thể bù đắp lại được cuộc đời hạnh phúc cho Robbie và Cecilia. Vở kịch đầu tiên của Briony xuất hiện ở cuối truyện giống như nhắc lại cuộc đời hai con người ấy suy cho cùng cũng chỉ là vở kịch mà người khác dựng lên.
Briony đã nhận sai, nhưng vẫn tiếp tục làm sai, vẫn chỉ là con người hèn nhát không giống như trong cuốn tiểu thuyết kia.
Briony đã đi đến cuối đời bằng nỗi tuyệt vọng và tự lừa dối chính mình bằng ảo tưởng hạnh phúc. Không có gì sai khi lên tiếng trước một tội ác, chỉ là đừng như Briony, hãy làm người hùng thật đúng cách để không bao giờ phải nhận lấy đau khổ khi đứng trước sự thật mà thôi.
***
Vở kịch - mà vì nó Briony đã thiết kế áp phích, tờ chương trình và vé, dựng quầy bán vé từ một bình phong xiêu vẹo quây lại và lót hộp thu tiền bằng giấy kếp đỏ - được em viết trong hai ngày sáng tác vũ bão, khiến em bỏ mất một bữa sáng và một bữa trưa. Khi mọi chuẩn bị đã chu tất, em chỉ còn việc thưởng ngoạn bản thảo hoàn chỉnh và đợi các em họ từ phương Bắc xa xôi đến. Sẽ chỉ có một ngày duy nhất để diễn tập trước khi anh trai em về. Lúc ớn lạnh xương tủy, khi buồn đau bén ngọt, vở kịch kể một câu chuyện của trái tim mà thông điệp được của nó, được chuyển tải trong phần mào đầu có vần điệu là tình yêu không được dựng xây trên nền tảng lý trí thì rồi sẽ lụi tàn. Nỗi đam mê bồng bột của nhân vật chính Arabella dành cho một tên bá tước ngoại quốc gian ác đã bị vận rủi trừng phạt: nàng mắc phải bệnh tả khi bốc đồng lao đến một thị trấn ven biển cùng kẻ ngỡ là sẽ cưới ấy. Bị hắn và hầu như hết thảy mọi người ruồng bỏ, nằm liệt giường trên một căn phòng gác xép, nàng khám phá ra tự trong mình khiếu hài hước. Số phận đem lại cơ hội thứ hai cho nàng xuất lộ dưới hình hài một vị thầy lang bần hàn - thực ra là chàng hoàng tử vi hành tự nguyện lao động giữa những người cùng khổ. Được chàng chữa lành bệnh, Arabella lần này chọn lựa một cách sáng suốt, và được đáp đền bằng cuộc đoàn tụ với gia đình và lễ cưới với chàng hoàng tử-thầy lang trong “một ngày xuân ngập tràn nắng và gió”.
Bà Tallis đọc bảy trang vở kịch Những gian nan của nàng Arabella trong phòng ngủ, tại bàn trang điểm, với vòng tay của tác giả choàng qua vai suốt thời gian ấy. Briony chăm chú theo dõi từng dấu hiệu biến đổi cảm xúc trên khuôn mặt mẹ, và Emily Tallis chiều lòng con bằng vẻ mặt khi thảng thốt, lúc khúc khích hân hoan, rồi cuối cùng, nụ cười khích lệ và những cái gật đầu lịch duyệt, tán thành. Bà vòng tay ôm con gái vào lòng - ôi, cái cơ thể nhỏ nhắn mịn màng ấm nóng bà nhớ từ khi còn đỏ hỏn này, vẫn còn chưa lìa khỏi bà, chưa lìa hẳn - và bảo vở kịch thật “tuyệt diệu”, rồi ngay lập tức thì thầm vào vành tai đang căng ra của con gái đồng ý cho phép trích dẫn từ này lên tấm áp phích sẽ treo trên giá dựng ở tiền sảnh cạnh quầy vé.
Khi đó Briony cơ hồ chưa biết, nhưng lời nhận xét ấy chính là cực điểm thành công của công trình này. Không gì đem lại cảm giác thỏa nguyện hơn thế, tất cả còn lại chỉ là mộng mơ và thất vọng. Có những khoảnh khắc chiều hè chạng vạng, khi ánh sáng phòng lụi tắt, vùi mình trong sự ảm đạm ngọt ngào của chiếc giường bốn cọc màn, em khiến tim mình rộn lên bằng những tưởng tượng lung linh, khao khát, mang trong chúng những vở kịch ngắn nho nhỏ, từng vở một đều có vai chính là Leon. Ở vở này, khuôn mặt to, hiền lành của anh nhăn lại vì đau đớn khi Arabella rơi vào cảnh cô đơn và quẫn bách. Ở vở kia, kìa anh đó, ly cocktail trên tay tại một quán bar thành phố thời thượng, đang lớn tiếng huênh hoang với đám bạn: Phải, em gái tớ đấy, văn sĩ Briony Tallis, các cậu hẳn đã nghe tiếng rồi. Vở thứ ba, anh đắc chí đấm tay vào không khí khi sân khấu hạ màn, mặc dù chẳng có tấm màn nào hết, cả khả năng tồn tại một tấm cũng không. Vở kịch em viết không phải để dành cho mấy đứa em họ, nó dành cho anh của em, để chào mừng anh trở về, để khơi dậy ở anh lòng ngưỡng mộ và hướng anh tránh xa khỏi hàng loạt cô bạn gái kế tiếp nhau một cách thiếu suy nghĩ, đến hình mẫu người vợ chân chính, người vợ sẽ thuyết phục anh về sống ở vùng quê, người vợ sẽ dịu dàng đề nghị Briony làm phù dâu cho lễ cưới.
Em là đứa trẻ bị ám ảnh bởi nỗi khát khao biến thế giới thành nơi trật tự tuyệt đối. Trong khi phòng chị em là mớ hổ lốn những sách không gấp, áo quần không xếp, giường không dọn, gạt tàn không đổ, thì phòng Briony là một thánh đường cho vị thần thích kiểm soát trong em: mô hình trang trại đồ chơi trải ra trên bậu cửa sổ sâu vào phía trong, gồm những súc vật quen thuộc, nhưng tất cả đều hướng về một phía - chủ nhân của chúng - như thể toan cất lời đồng ca, và ngay cả đàn gà mái trên sân trại cũng được quây lại gọn ghẽ. Mà thực ra, phòng Briony là căn phòng ngăn nắp duy nhất ở tầng trên trong nhà. Các em búp bê lưng được đặt thẳng đứng trong biệt thự nhiều phòng của chúng dường như tuân theo một chỉ thị nghiêm ngặt là không được phép chạm vào tường; vô vàn các con giống đồ chơi to cỡ ngón tay cái trên bàn trang điểm - những chàng cao bồi, những thợ lặn biển sâu, những chú chuột hình người - được sắp xếp theo hàng lối ngay ngắn và cách nhau đều đặn như một đạo dân quân đang chờ lệnh.
Thích vật thu nhỏ là một khía cạnh của tinh thần ngăn nắp. Một khía cạnh khác là đam mê bí mật: trong chiếc tủ đánh véc ni quý giá có một ngăn kéo bí mật chỉ mở ra được bằng cách nhấn vào thớ gỗ của cái mộng đuôi én khớp lại một cách khéo léo, ở đó em cất giấu cuốn nhật ký khóa bằng móc gài, và cuốn sổ viết bằng thứ mật mã do em tự chế ra. Trong cái két đồ chơi mở bằng mật mã sáu số, em lưu thư từ và bưu thiếp. Một hộp thiếc cũ đựng tiền nhỏ xíu được giấu dưới một tấm ván sàn cạy lên được dưới gầm giường em. Trong hộp là kho báu em tích trữ được trong bốn năm qua, bắt đầu từ lần sinh nhật chín tuổi: một quả sồi đôi đột biến, viên quặng pyrit, một bùa làm mưa mua tại hội chợ giải trí, một cái sọ sóc nhẹ bẫng như chiếc lá.
Nhưng ngăn kéo bí mật, nhật ký khóa cài và hệ thống mật mã không che được cho Briony một sự thật giản dị: em chẳng hề có bí mật nào. Khát khao vươn tới một thế giới trật tự hài hòa tước khỏi em khả năng bốc đồng làm điều sai trái. Phá hỏng và hủy diệt là những thứ quá hỗn loạn không phù họp với sở thích của em, và bản tính em cũng không phải là người ác nghiệt. Thân phận thực tế là đứa trẻ duy nhất trong nhà, cộng với việc ngôi nhà gia đình Tallis khá hẻo lánh, đã khiến em, ít ra là trong suốt những ngày nghỉ hè dài dặc, không tham dự vào các trò con gái với đám bạn. Không gì trong cuộc sống em đủ độ hấp dẫn hay đáng xấu hổ đến mức phải giấu đi; không ai biết về cái sọ sóc dưới gầm giường, mà cũng chẳng ai buồn biết. Không gì trong số những điều vừa kể là nỗi ưu phiền gì đặc biệt; có chăng chỉ phảng phất vậy khi hồi cố lại, mà khi đó, giải pháp đã được tìm ra.
Năm mười một tuổi, em viết câu chuyện đầu tay - một chuyện tình xuẩn ngốc, mô phỏng đến quá nửa tá truyện dân gian và thiếu, sau này em nhận ra, sự hiểu biết thiết yếu về cách thế giới vận hành để buộc độc giả phải ngưỡng phục. Nhưng thử nghiệm vụng về đầu tiên này mở ra cho em biết trí tưởng tượng, chỉ riêng nó thôi, đã là cả một nguồn sản sinh bí mật: một khi em bắt đầu một câu chuyện, sẽ không ai biết gì cả. Ngụy tạo thế giới bằng ngôn ngữ là việc quá không chắc chắn, quá yếu ớt, quá xấu hổ không thể để ai biết được. Ngay cả viết ra những cô nói, những và rồi cũng khiến em nhăn mặt, và thấy mình thật ngốc nghếch khi tỏ vẻ hiểu cảm xúc của một sinh vật tưởng tượng. Tự phơi bày chính mình là điều không thể tránh khỏi khi em miêu tả sự yếu mềm của nhân vật; độc giả buộc phải ngờ rằng em đang miêu tả chính em. Em còn có tư cách nào khác nữa chứ? Chỉ khi câu chuyện kết thúc, mọi số phận được dàn xếp ổn thỏa và toàn bộ vấn đề đã hoàn toàn khép lại để giống như, ít nhất ở khía cạnh này, mọi câu chuyện có kết thúc khác trên thế giới, thì em mới cảm thấy yên tâm, và sẵn sàng đục lỗ trên lề, dùng dây đóng các chương lại, vẽ bìa bằng màu hay chì đen, rồi mang tác phẩm hoàn tất đến khoe với mẹ, hoặc cha, khi ông có nhà.
Mời các bạn đón đọc Chuộc Tội của tác giả Ian McEwan.