"Cuộc đời vui quá, không buồn được" là một câu do Trần Nhã Thụy mượn từ nhà thơ Tuân Nguyễn để đặt tên cho tập tản văn vừa xuất bản của anh. Cái tên ấy cũng gói ghém trong các bài viết ngắn nhiều nỗi niềm riêng, chung của tác giả trong dòng chảy cuộc sống đô thị ồn ào và hoài niệm về ký ức làng quê.
Nếu ví nôm na các bài viết ngắn trong Cuộc đời vui quá, không buồn được là những bức ảnh chộp lại nhiều khoảnh khắc đó đây trên bước đường đời rong ruổi của Trần Nhã Thụy, độc giả có thể hình dung người nhiếp ảnh gia này không ngần ngại bày ra những góc đẹp tinh tế lẫn những góc bụi bặm, buồn bã và xù xì của cuộc sống.
Trần Nhã Thụy chia sẻ với độc giả niềm vui khi phát hiện thảm hoa mười giờ đỏ tươi mọc ở một khu gần một đại lộ ầm ĩ xe cộ ngày đêm. "Một đám hoa mười giờ đỏ thắm xuất hiện, như muôn vàn dấu son bất ngờ in xuống", những câu chữ tươi tắn reo trên trang viết như ấp iu giây phút lãng mạn hiếm hoi còn sót lại, không phải ở ngoại cảnh, mà là chính trong tâm hồn con người.
"… Tôi hình dung Trần Nhã Thụy viết tạp văn cũng như anh trồng những khóm rau, bụi ớt, giàn mướp trong khoảnh vườn nhỏ bên nhà. Anh trồng cho anh mà cũng là cho chúng ta, những người đã có một thời xanh và vẫn muốn sống mãi một thời xanh, dù cho Làng Mai ngày nay bị lấn đất đang phải thu hẹp dần với bao luyến tiếc…" (Trích bài viết: Tạp văn của Trần Nhã Thụy: Những nắm lá thuốc Nam của Huỳnh Như Phương).
***
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm việc tại Ban Văn hoá – văn nghệ báo Tuổi Trẻ, Trưởng đại diện báoTuổi Trẻ & Đời Sống tại TP.HCM, Trưởng chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra kiêm Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII nhiệm kỳ 2015-2020. Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn)
– Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài)
– Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn)
– Gối đầu trên mây (tập tạp văn)
– Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết)
– Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn)
– Cuộc đời vui quá không buồn được (tập tạp văn)
– Mùi (tập truyện ngắn và tạp văn 2012)
– Hát (tiểu thuyết 2014)
– Triều cường, chân ngắn và rau sạch (tạp văn 2014)
Giải thưởng văn học:
– Giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam 1998).
– Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên – báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn VN 2003).
– Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước(năm 2009).
Quan niệm về văn học:
‘Viết, là tự lưu đày bản thân’ như Linda Lê nói, hay ‘tự sát thương’ mình, theo tôi cũng là theo nghĩa đó. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào.
***
Khi văn chương biến thành hàng hóa, và tên tuổi nhà văn trở thành thương hiệu, bên cạnh việc can thiệp khủng khiếp của phương thức PR… thì những nhà văn không chỉ còn là tác giả nữa mà trở thành… nhân vật.
Trần Nhã Thụy
1. “Cuộc đời vui quá, không buồn được”.
Tôi như bị ám ảnh bởi câu thơ này sau khi đọc xong tập ký Ba phút sự thật của Phùng Quán (NXB Văn nghệ 2006). Và, nếu là người làm công việc tuyển chọn, giới thiệu; tôi sẽ không ngại ngần, đắn đo khi lấy câu thơ ấy đặt tựa cho cuốn sách. Bởi, dù là người suốt đời đi tìm sự thật, coi sự thật còn lớn hơn cả tình yêu; nhưng trong bài viết Ba phút sự thật, Phùng Quán xem đấy là bài học về nghệ thuật sử dụng ngôn từ: "Cả những điều lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 phút đồng hồ…"
"Ba phút sự thật" là một cách nói, bởi con đường đi đến sự thật cũng cần có thời gian và lòng dũng cảm. Có khi đi hết cả một cuộc đời mà vẫn chưa chạm được sự thật. Nhưng, thú vị nhất có lẽ là câu thơ … cà rỡn này đây: “Cuộc đời vui quá, không buồn được”(!)
Đây là câu thơ mà Phùng Quán trích của người bạn cùng tiểu đội, tức nhà thơ Tuân Nguyễn (vốn tên thật là Nguyễn Tuân). Cuộc đời Tuân Nguyễn là một chuỗi những bi hài, cay đắng. Một người say mê văn chương, thần tượng Dostoievsky khủng khiếp; một con người hiền lành trong sáng nhưng lại bị bỏ tù (không biết vì lẽ gì) để rồi phải đành đoạn chịu "tôi là người có lỗi". Cái chi tiết đắt giá nhất là trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn có nhờ Phùng Quán tìm giúp một "đồng tiền vàng" (loại bao cao su có hộp giấy in hình đồng tiền vàng lúc bấy giờ). Phùng Quán không có, bèn giới thiệu sang một người khác. Tuân Nguyễn vốn tò mò muốn biết cái "đồng tiền vàng" ấy như thế nào thôi, để "lấy chất liệu" mà có dịp đưa vào tác phẩm, chứ lúc ấy đâu đã có "đối tượng sử dụng". Nhưng, oái ăm, khi bị bắt, lệnh buộc phải khám xét. Và, Tuân Nguyễn phải bỏ hết những đồ cá nhân trong người ra; đương nhiên phải tuồn cả "đồng tiền vàng". Một tình huống bi hài, cười ra nước mắt (!)
Trong Ba phút sự thật của Phùng Quán, ngoài bài viết về Tuân Nguyễn, còn có những bài ký sâu sắc, cảm động về Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Đức Thảo… Những nhân vật mà trong đó, theo tôi vẫn có thể vận đúng câu của Tuân Nguyễn: "Cuộc đời vui quá, không buồn được" (!)
2. Đọc Phùng Quán và mê Tuân Nguyễn, tôi chợt liên tưởng đến một nhân vật khác trong truyện ngắn Người đàn ông sau cánh cửa xanh của Ngô Tự Lập (trong tập Giấc ngủ kỳ lạ của ông Lương Tử Ban - NXB Hội Nhà văn 2005). Đó là Trí - một người đàn ông đam mê sách vở, có trí tuệ uyên bác; rất trong sáng, hiền lành. Nhưng, những người hàng xóm coi Trí đếch ra gì, thậm chí còn hùa theo "hạ nhục" anh chàng nếu có dịp. Những gì mà Trí nói ra, cho dù có là chân lý vẫn bị bóp méo, xuyên tạc; biến thành trò cười của đám người thô tục vô học.
Có một chi tiết thú vị là: đầu những năm 1980 VN nhập về chiếc xe Cúp màu ốc bươu. Ai nấy đều ngợi khen, nhưng anh chàng Trí dễ thương của chúng ta lại bảo: "Này, nhưng tôi thấy ai bình xăng hơi dở. Theo tôi phải biến cả phần dưới yên thành bình xăng, như thế vừa chứa được nhiều xăng vừa đẹp dáng…". Lần này nhân vật tôi ghi nhớ lại lời của "Trí thông tuệ" để có dịp kiểm chứng. Đến cuối những năm 1980, khi những chiếc Su 100 và Rim hai xuất hiện thì quả nhiên lời của Trí tiên liệu như thần. Song, đám "to mồm" kia vẫn có cách "hạ gục" anh chàng Trí dễ thương: "Thì ai bảo bình xe nằm trên yên… Bình xe chẳng ở dưới yên thì ở dưới l** mẹ thằng ăn mày à!"…
Thế là, dù những tiên đoán của mình là "y chóc", nhưng oái ăm Trí vẫn bị "đo ván" thêm một lần nữa. Chứng kiến tất cả những điều ấy, nhân vật tôi cảm thấy mình thật hèn hạ; hèn hạ vì sự câm họng không dám đứng về phía chân lý; hèn hạ vì không dám đối chọi lại đám đông; và: "Vì sự hèn hạ của chính mình mà tôi khóc"(Ngô Tự Lập).
Từ hai nhân vật của Phùng Quán và Ngô Tự Lập tôi chợt nhận ra rằng mẫu nhân vật "người hiền" này ngày nay quá hiếm hoi, nếu không phải nói là đang có "nguy cơ tuyệt chủng". Còn như ở lãnh vực văn chương mà nói, thì mẫu nhà văn trí tuệ nhưng trong sáng, hiền lành, yêu văn chương say đắm chân thành; dường như bây giờ đốt đuốc tìm không thấy. Một khi văn chương biến thành hàng hóa, và tên tuổi nhà văn trở thành thương hiệu, bên cạnh việc can thiệp khủng khiếp của phương thức PR… Thì những nhà văn không chỉ còn là tác giả nữa mà trở thành… nhân vật. Những nhân vật to mồm, biết sử dụng mạnh khoé, giỏi tiếp thị thì cho dù họ có ít học, không thể viết đúng chính tả, chịu sầu về hệ thống, thể loại văn chương v.v… vẫn trở thành những mẫu nhà văn mới được ưa chuộng. Và, một cuốn sách dù sâu sắc, thấm thía đến mấy mà nếu không có yếu tố gây "sốc" thì các nhà xuất bản, các đầu nậu làm sách cũng không mấy mặn mà.
Nhà văn như một người đi vắng (đi chỗ khác chơi), một người hiền, như cụ Trang Thế Hy là không thể tìm đâu ra trong bối cảnh hiện nay (!?)
3. Tương lai nào cho văn học?
Rất tình cờ tôi tìm được một cuốn tiểu luận khá hay: Tương lai văn học (Tác giả Frédéric Badré; Đa Huyên - Nguyễn Thanh Xuân dịch; Đoàn Cầm Thi giới thiệu; NXB Đà Nẵng 2006).
Trong cuốn sách này, Frédéric Badré đã phải không ít lần "cay đắng" thừa nhận rằng văn học đã không còn cái thời của nó. "Số phận của những cuốn sách có thể so sánh với số phận các món sữa chua" -Frédéric Badré đã cảm thán như vậy. Và, do thị trường tiêu dùng những "cuốn sách - sữa - chua" đó mà văn học cũng chẳng cần những tài năng xuất chúng, những nhân cách lớn làm gì. Thị trường sách chỉ cần những tác giả thích bung xung, giỏi chơi trò "nổi loạn", hoặc tầm tầm dễ thương kiểu "bèo giạt mây trôi… a… í… ôi"… Chỉ cần như vậy thì những người làm sách sẽ: “Biến những cuốn sách thành dạng bán chạy nhất (bestseller); và chủ yếu là “tiếp cận với một loại công chúng không phải độc giả bằng một đòn tấn công quảng cáo lạ thường vào chỗ hở này”(Trích theo Tương lai văn học, trang 17).
Với tôi, mỗi khi viết một cái gì đó mang tính chất như là sự đánh giá, nhận định thường lâm vào "hoàn cảnh" rất tội nghiệp là bị câu ngạn ngữ Do Thái: "Chúng ta suy nghĩ còn Thượng Đế thì cười" treo lơ lửng trên đầu. Nhưng Thượng Đế có lẽ ở xa, nếu có cười thì mình cũng chẳng biết; sợ nhất là bị mọi người xung quanh cười vì sự sơ xuất, nông cạn của mình. Thật may, bài viết này tôi cũng chỉ "lượm" những ý trong những cuốn sách đã đọc, chứ không hẳn là "ý kiến ý cò" cá nhân. Dù rằng, bản thân tôi, từ lâu cũng muốn "lên tiếng" về những điều này.
Song, giả dụ nếu có Thượng Đế, và để đáp lại nụ cười (nửa miệng) của ngài, thì tôi xin mượn câu thơ của Tuân Nguyễn mà đọc lên: "Cuộc đời vui quá, không buồn được"(!)
Viết ở làng Mai 2007
Mời các bạn đón đọc Cuộc Đời Vui Quá, Không Buồn Được của tác giả Trần Nhã Thụy.