Sư tử (nguyên bản tiếng Pháp: Le Lion), tác phẩm của nhà văn người Pháp Joseph Kessel, là câu chuyện về một cô gái và chú sư tử của cô.
Patricia có một tài năng hiếm có: trò chuyện với thú vật, và cô bé nghĩ mình có thể điều khiển mọi thứ. Cô bé nổi tiếng với cả thú vật và con người. Câu chuyện được thuật lại thông qua một người đàn ông Pháp trong chuyến viếng thăm Kenya. Câu chuyện xoay quanh tình bạn giữa Patricia và chú sư tử King, được Patricia nuôi từ khi mới sinh ra. Ouriounga, một thiếu niên người Maasai mong muốn kết hôn với Patricia đã quyết định thể hiện mình bằng cách giết sư tử, như tục lệ ở bộ tộc cậu. Tuy nhiên, chú sư tử mà cậu chọn giết lại là King. Cha của Patricia đã bắn King để bảo vệ Ouriounga khỏi cái chết. Cái nhìn lý tưởng của Patricia về thảo nguyên châu Phi tan vỡ, cô bé đầu hàng trước yêu cầu của mọi người và rời đi cùng với người kể chuyện, đi học tại một trường nội trú ở Nairobi.
Irene và Louis Kamp đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành kịch bản cho bộ phim cùng tên năm 1962, với sự tham gia của William Holden, Trevor Howard, Capucine, và Pamela Franklin.
***
Joseph Kessel sinh ra ở Clara, Achentina, ngày 10-02-1898. Cha ông là người Nga gốc Do Thái chạy trốn sự truy nã của Sa hoàng, sang Pháp học ngành Y. Nước Pháp trở thành Tổ quốc tinh thần của gia đình Kessel từ đấy. Bác sĩ Kessel tình nguyện đi làm thầy thuốc cho một khu di dân nông nghiệp Do Thái ở Achentina, và Joseph Kessel ra đời ở Tân Thế Giới.
Khi gia đình trở về Pari, Joseph chuẩn bị thi cử nhân văn khoa trong khi vẫn mơ ước trở thành một diễn viên hài kịch. Nhưng một dịp tốt đã đến, cho phép ông làm việc tại tòa báo Journal des débats, tờ báo hàng ngày có uy tín nhất ở Pari. Ở tòa báo, người ta vẫn còn thấy chiếc ghế bành của Chateaubriand để đó.
Thế rồi chiến tranh xảy ra, và vừa đúng lúc mười tám tuổi, ông bỏ hẳn sân khấu và tạm thời bỏ nghề báo để làm phi công. Chính trong nghề này mà ông tìm thấy nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết Phi đoàn. Nhà phê bình Henry Clouard cho rằng Kessel là người đầu tiên viết mảng văn học về hàng không.
Năm 1919, Kessel tình nguyện sung vào quân đội viễn chinh của Pháp sang Siberi. Ông đã kể lại chuyến đi ấy trong tiểu thuyết Thời hoang dã. Ông trở về qua Trung Quốc, Ấn Độ và khép lại vòng đi thế giới đầu tiên.
Sau đó, ông luôn luôn ở vị trí hàng đầu thuận lợi cho việc quan sát thời sự. Ông tham gia cuộc nổi dậy của Ái Nhĩ Lan chống lại nước Anh. Ông được chứng kiến những bước đầu của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Hai mươi năm sau, ông nhận được giấy nhập cảnh vào nước Ixraen non trẻ, tờ visa mang số 1. Ông đi theo những người buôn nô lệ cuối cùng trên biển Đỏ cùng với Henri de Monfreid. Ông được thấy những bước đầu của bưu điện Hàng không cùng với Mermoz và Sain Exupery. Ở nước Đức đang thời biến động, ông gặp “người đàn ông mặc áo đen xoàng xĩnh, chẳng có vẻ gì lịch sự, chẳng có vẻ gì quyền thế, chẳng có chút gì ưa nhìn, của một người đàn ông nào đó, vẻ buồn buồn và khá tầm thường”. Người đó là Hitler.
Sau cuộc chiến năm 40 mà ông bắt đầu trong một trung đoàn công binh và kết thúc ở vị trí một phi công của nước Pháp tự do, Joseph Kessel lại trở về nghề văn và nghề báo. Ông được bầu và Viện Hàn Lâm Pháp tháng 11 năm 1962. Ông mất năm 1979.
Joseph Kessel là tác giả của hơn hai mươi tiểu thuyết và truyện như: Phi đoàn, Những trái tim trong trắng, Sư tử, Tiểu đoàn trên không, Đoàn quân bóng tối, Chợ nô lệ, Người đàn bà đi qua quán cà phê…
***
Tôi dâng tặng tiểu thuyết này tới cơ quan quản trị các Vườn quốc gia Kênya đã có công bảo tồn sự sống hoang dã miền đông Phi châu cho các thế hệ tới, để ca ngợi lòng tận tụy nhiệt thành của những con người gánh vác trách nhiệm các khu bảo tồn đó, đặc biệt để ca ngợi bạn tôi, ông giám đốc Tabêrê, trong ngôi nhà anh tôi đã phác họa xong chủ đề câu chuyện này.
Các sự kiện trong câu chuyện diễn ra tại bảo tồn Ambôlêsi. Hẳn là mỗi khu vườn quốc gia đều có một vị giám đốc. Thế nhưng tính các vị giám đốc trong cuốn sách này cũng như tính các bà vợ và cô con gái ông lại hoàn toàn do tác giả tạo ra. Là các nhân vật tiểu thuyết, các tính cách đó chẳng có chút gì chung với gia đình Tabêrê cả. Dẫu sao tôi cũng ngỏ lời cám ơn anh vì anh đã chia sẽ với tôi những kinh nghiệm lâu đời và hiếm hoi của anh về các giống thú hoang. Không được anh giúp sức, cuốn sách này hẳn đã không thể nào ra đời.
***
Phải chăng nó đã vành mi mắt tôi để coi thử trong đó có gì? Tôi không thể đoán chắc điều đó. Khi thức giấc, rõ ràng tôi đã thấy như là có một ngọn bút lông mềm và nhám dạo dọc khuôn mặt mình, thế nhưng khi tỉnh dậy hẳn thì tôi lại thấy nó đang ngồi rất ngoan ở ngang tầm cái gối và nhìn tôi chăm chú.
Tầm vóc nó không lớn hơn một sọ dừa. Bộ lông mọc ngắn của nó có màu vỏ dứa khô. Với bộ lông như thế từ đầu ngón chân tới đỉnh hộp sọ, trông nó như thể mặc lông dệt. Riêng cái mặt lại phủ bằng một thứ mặt nạ satanh đen, xuyên qua đó long lanh hai giọt nước: đôi con mắt.
Trời chưa rạng hẳn, nhưng cây đèn bão đêm qua tôi quên tắt vì mệt cũng đủ sáng để tôi nhìn thấy rành rành trên nền tường vôi trắng vị sứ giả bất ngờ đó của bình minh.
Vài giờ sau, sự hiện diện của nó hẳn sẽ là chuyện bình thường đối với tôi. Nó có cả bầy sống trên những cây cao xung quanh gian lều; nhiều gia đình đông đủ giỡn chơi trên cùng một cành cây. Nhưng bữa qua, lúc chiều sẩm tối mới tới đây, người kiệt lực. Vì vậy, vào lúc này, tôi đã nín thở mà nhìn con khỉ tí xíu ngồi rất gần mặt tôi.
Cả nó cũng không nhúc nhích. Cả đôi giọt nước bên trong cái mặt nạ satanh đen cũng bất động.
Trong đôi mắt nhìn ấy không thấy sợ sệt, nghi kỵ và cả tò mò nữa. Tôi chỉ là đối tượng cho một sự xem xét nghiêm túc, vô tư.
Thế rồi cái đầu dệt lông ấy, to bằng nắm tay trẻ nhỏ ở tuổi còn nằm trong nôi, bỗng ngoẹo về bên trái. Đôi mắt khôn ngoan lộ ra một vẻ buồn rầu, thương hại. Nhưng đó là buồn thương cho tôi.
Tưởng chừng đôi mắt ấy mong muốn cho tôi những chuyện tốt lành, muốn đem cho tôi một lời khuyên. Nhưng lời khuyên gì vậy?
Lúc đó hẳn tôi đã có một cử động vô ý. Thế là cái nắm tròn màu ngà ngà vàng đó nhảy vụt lên, bay từ bàn này sang ghế kia cho tới khung cửa sổ để ngỏ, và tan biến đi trong sương mù buổi sáng.
Quần áo đi rừng của tôi từ đêm qua vứt đó vẫn y nguyên dưới đất cạnh chân giường, gần cây đèn bão.
Tôi lấy mặc vào và đi ra ngoài hiên.
Bữa chiều qua, mặc dù trời tối mù mịt, tôi nhớ rằng có để ý thấy những bụi gai lớn bao quanh gian lều mình ở, và trước lều là một cánh rừng thưa mênh mông chạy dài hút trong màn đêm bí ẩn. Nhưng lúc này sương mù đã che kín hết. Vật chuẩn duy nhất cho tôi chỉ còn ngay trước mặt tôi, nối với trời cao trên nóc thế giới, cái bàn khổng lồ chứa tuyết vĩnh cửu quanh đỉnh núi Kilimanjarô.
Một tiếng động giống như có ai lăn vội những con xúc xắc đã khiến tôi ngoảnh nhìn về những bậc cầu thang gỗ thô dẫn tới hàng hiên. Một con linh dương thong thả, ung dung leo lên các bậc tam cấp.
Một con linh dương thực sự, nhưng rất nhỏ xinh, tai nó không chấm đầu gối tôi, sừng giống như những lá thông, và vó chỉ to bằng móng tay.
Con vật kỳ diệu chui từ sương mù ra ấy chỉ dừng lại khi gặp mắt cá chân tôi và nó ngẩng mõm lên với tôi. Tôi khom xuống hết sức thận trọng và chìa bàn tay về phía cái đầu gọt giũa hết sức đẹp đẽ, hết sức tinh tế. Con linh dương nhỏ không cựa quậy. Tôi sờ vào hai cánh mũi nó, ve vuốt chúng.
Nó để mặc tôi, mắt nó nhìn chăm chú vào mắt tôi. Và trong vẻ trìu mến câm lặng của đôi mắt ấy tôi thấy có điều gì đó cũng hệt như khóe nhìn đến là buồn và đến là khôn ngoan của chú khỉ con. Cả lần này nữa, tôi cũng không đủ khả năng để hiểu.
Dường như muốn tạ lỗi vì không nói được, con linh dương liếm các ngón tay tôi. Rồi nói khẽ khàng gỡ mồm khỏi tay tôi. Sau đó, vó chân nó lại tạo ra trên bậc thang gỗ tiếng những quân xúc xắc lăn đi. Nó đi khuất.
Tôi chỉ còn có một mình.
Nhưng trải qua mấy giây lát ấy, bình minh nhiệt đới vốn ngắn ngủi lạ lùng đã nhường chỗ cho rạng đông.
Từ trong lòng bóng tối, ánh sáng đột ngột vọt ra, lộng lẫy, sáng lóa, rạng rỡ. Tất cả bừng lên, long lanh, lấp lánh.
Những mũi tên hồng xuyên qua tuyết trên đỉnh Kilimanjarô.
Khối sương mù dày đặc bị sức nóng mặt trời đào bới, phá phách, hút đi, đã tản ra thành những màng mỏng, thành cột, thành cuộn, thành đường xoắn, thành những khối, những giải, những sợi, và thành vô vàn hạt nhỏ tựa như bột kim cương.
Cỏ lúc thường, khô cứng và màu vàng, lúc này trông mềm ra và lộng lẫy sương mai.
Trên những cây mọc rải quanh lều tôi ở, ngọn cây có những chùm gai lúc này đã được chuốt bóng lại, chim đang hót và khỉ đang kêu choe chóe.
Và đằng trước hàng hiên, khói sương dần dần tan biến để mở ra một khoảng ngắt xanh càng vô cùng khoáng đãng và bí ẩn, và tít sâu trong đó vẫn còn những đám mây nho nhỏ mới tụ đang chập chờn bay và đến lượt chúng cũng lại bốc đi nốt.
Tấm màn này vén lên tiếp tấm màn kia, trái đất mở màn diễn những trò ban ngày và của muôn loài.
Sau hết, ở cuối cánh rừng thưa, nơi vẫn còn bám lại một dải sương mờ nhẹ như lông tơ, thấy có bóng nước long lanh.
Hồ? Ao? Hay đầm nước lầy? Không phải loại nào cả, mà chỉ là một vùng nước rộng. Bên dưới hẳn là có những mạch nước ngầm yếu ớt và nước không đủ sức lan xa hơn nữa, chỉ run rẩy lăn tăn giữa những đám cỏ cao, giữa những lau sậy và những bụi cây rậm rạp.
Những con thú tụ tập bên đầm nước.
Trong chuyến viễn du tôi vừa thực hiện tại vùng Đông Châu Phi, dọc theo các con đường lớn và đường mòn - Kivu, Tanganyika, Uganda, Kenya - tôi đã thấy nhiều con thú đó. Những bầy thú bị tiếng xe ầm ầm xua đuổi tan tác, những bóng hình thoăn thoắt, hốt hoảng, rồi biến mất.
Đôi khi tôi cũng có dịp rình trong giây lát một con thú hoang, việc đó chỉ thực hiện được từ rất xa hoặc kín đáo, có thể nói là xem trộm cũng được.
Tôi đã chiêm ngưỡng những tư thế của những sinh mệnh tự do và thuần khiết ở chốn rừng rậm khô khan với một tình cảm đặc biệt pha lẫn thèm khát, hào hứng, ước ao và thất vọng. Dường như được gặp lại một thiên đường tôi từng mơ ước, từng quen biết từ thuở nào không còn nhớ nổi. Tôi đã kề ngưỡng cửa thiên đường ấy mà không thể vượt qua.
Hết gặp gỡ này sang gặp gỡ khác, tôi chợt thấy có nhu cầu - hẳn là một nhu cầu - trẻ con nhưng ngày càng thúc bách - được thấy mình nhập vào cõi hồn nhiên trong trắng của những buổi đầu đã rất xa xưa của thế giới.
Vì thế, trước khi trở lại châu Âu, tôi đã quyết định ghé qua một trong những Vườn hoàng gia xứ Kênya, những khu bảo tồn có những luật lệ cực kỳ khắt khe chở các thú hoang được sống trong tất cả các hình thái đời sống của chúng.
Và giờ đây, chúng kia rồi.
Mời các bạn đón đọc Sư Tử của tác giả Joseph Kessel.