Cuốn tiểu thuyết lịch sử Bí Thuật Đen này nói về cuộc đời của một bác sĩ không có thật (do tác giả tưởng tượng ra) sống dưới thời Phục Hưng - bác sĩ Zéno ở thành phố Bruges, và phản ánh sự lôi cuốn với những điều huyền bí của tác giả. Cá tính và cuộc đời của Zeno là sự tổng hòa của danh họa DaVinci, bác sĩ, nhà giả kim Paracelsus, nhà thiên văn học Copernicus và nhà triết học, nhà vũ trụ học Giordano Bruno. Thông qua việc tìm kiếm sự thật của Zeno và những nhân vật ở quanh vị bác sĩ này, Yourcenar kể lại những sinh hoạt và cuộc sống trong thế kỷ 16, dựng lại được giai đoạn giao thời giữa thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng một cách hoàn hảo.
***
Marguerite Yourcenar sinh năm 1903 tại Bruxelles, bố người Pháp và mẹ người Bỉ. Bà lớn lên tại Pháp song sau đó sống chủ yếu tại nhiều nước khác: Ý, Thụy Sĩ, Hy Lạp, rồi sang Mỹ, sống tại đảo Mount Desert trên bờ biển đông bắc nước Mỹ cho đến khi chết vào năm 1987.
Marguerite Yourcenar được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp năm 1980. Các tác phẩm của bà gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, thơ và thơ văn xuôi, truyện ngắn, ký, kịch bản sân khấu và các tác phẩm dịch thuật. Tiểu thuyết lịch sử Hồi ký Hadrien là cuốn sách lớn đưa Marguerite Yourcenar vào vị trí các nhà văn lớn trên thế giới, cùng với cuốn Bí thuật đen được trao giải Femina năm 1968.
***
Nec certam sedem, néc propriam facicm, nec munus ullum peculiare tibi dedimus, o Adam, ut quam sedem, quam faciem, quae munera tule optaveris, ea, pro voto, protua sententia, habeas et possideas. Definila ceteris natura intra praescriptas a nobis leges coercetur. Tu, nullis angustiis coercitus, pro tuo arbitrio, in cuius manu te posui, tibi illam praefinies. Medium te mundi posui, ut circumspiceres inde commodius quicquid est un mundo. Nec te caclestem neque terrenum, neque mortalem neque immorlalem fecimus, ut tui ipsius quasi arbitrarius honorariusque plastes et ficlor, in quam malueris tute formam effingas..
Pic de la Mirandole,
Oratio de hominis dignitate
Ta không cho anh khuôn mặt, không đặt anh vào chỗ của anh, cũng không cho anh những thiên chất anh có, hỡi Adam, để anh muốn có chúng, anh hãy tự mình giành giật và chiếm hữu lấy khuôn mặt, chỗ đứng và thiên chất của anh. Thiên nhiên chứa đựng nhiều loài khác trong những quy luật do chính ta thiết lập. Nhưng anh, người không giới hạn nào bó buộc, với ý chí của anh, trong đôi tay của ý chí ấy nơi ta đặt anh vào, anh tự định nghĩa chính mình. Ta đã đặt anh vào giữa thế giới, để anh có thể suy ngẫm rõ hơn những gì chứa trong thế giới đó. Ta không tạo anh thành thánh, không thành người trần, không thành kẻ sẽ chết đi, không thành kẻ bất tử, để từ chính anh, theo cách một họa sĩ tài ba hay một nhà điêu khắc khéo léo, anh tự do hoàn thiện khuôn hình cho chính mình.
***
Henri-Maximilien Ligre rong ruổi từng chặng nhỏ trên đường đến Paris.
Anh không hay biết gì về những cuộc phân tranh giữa Nhà Vua và Hoàng Đế[1]. Anh chỉ biết rằng hòa bình có từ mấy tháng nay đã bị xé tơi tả như bộ quần áo cũ mặc lâu ngày. Không ai là không biết Francois de Valois vẫn tiếp tục dòm ngó miếng đất Milanais như anh chàng si tình không may đứng ngắm người đẹp; từ nguồn đáng tin cậy người ta đã biết rằng ông ta ngấm ngầm trang bị và tập hợp trên biên giới đất của công tước de Savoie một quân đội mới toanh, có nhiệm vụ chiếm lại mũi đất đã mất ở Pavie. Qua những câu chuyện khô khan về các chuyến đi của bố anh, chủ nhà băng, trộn lẫn với những mẩu chuyện của Virgile, Henri Maximilien tưởng tượng bên kia dãy núi phủ trắng tuyết những kỵ sĩ theo nhau phi xuống những miền đất rộng lớn màu mỡ và đẹp như mơ: những đồng bằng đất hung đỏ, những dòng sông cuồn cuộn chảy nơi đàn gia súc màu trắng đến uống nước, những thành phố được chạm khắc như những chiếc tráp, đầy ắp những vàng, gia vị và da thuộc, giàu như những kho tàng, trang nghiêm như những nhà thờ; những khu vườn đầy tượng, những căn phòng đầy những bản thảo chép tay quý hiếm; những phụ nữ trong trang phục bằng lụa tươi cười chào đón chàng đại úy; tất cả mọi kiểu cách cầu kỳ trong ăn uống và trụy lạc, và, trên những chiếc bàn bằng bạc khối, trong những bình thủy tinh Venise, ánh lên màu sóng sánh của rượu vang Malvoisie.
Mấy hôm trước, anh đã từ bỏ không tiếc nuối ngôi nhà nơi anh sinh ra tại Bruges, từ bỏ luôn tương lai của con trai một thương gia. Một buổi tối, một trung sĩ què huênh hoang là đã phục vụ tại Ý dưới thời Charles VIII, đã kể cho anh bằng cả mồm mép lẫn chân tay những tháng ngày vinh quang nhất của hắn. Hắn tả lại những cô gái và những túi vàng có lần hắn thủ được trong những vụ cướp bóc các thành phố. Henri-Maximilien trả công cho những lời khoác lác này bằng một chầu tại quán rượu. Lúc về, anh tự nói với mình rằng đã đến lúc phải khám phá xem thế giới này vuông tròn ra sao. Ngài nguyên súy tương lai lưỡng lự không biết nên đầu quân cho Hoàng đế hay cho Vua nước Pháp; cuối cùng anh quyết định bằng cách tung đồng xu xem sấp ngửa; Hoàng đế thua. Một cô người hầu để lộ việc anh chàng chuẩn bị lên đường. Henri-Juste lúc đầu giáng cho thằng con trai hư đốn vài đòn chí mạng, rồi dịu lại khi thấy ánh mắt của người em, trong bộ áo chùng, đang đi lại trên mép tấm thảm phòng khách, và với giọng giễu cợt pha bông đùa ông chúc con thuận buồm xuôi gió ở xứ sở những người Pháp khờ dại. Phần ít vì tình cảm cha con, phần nhiều vì kiêu hãnh ngầm, và để chứng tỏ có thể lực rộng, ông tự hứa với mình sẽ viết thư và lúc cần thiết cho Thầy Muzot tại chi nhánh của mình ở Lyon, để phó thác thằng con bất trị cho đô đốc Chabot de Brion, người đang nợ đầm đìa nhà băng Ligre. Henri-Maximilien giũ sạch vương vấn với gia đình một cách nhẹ nhàng. Con trai của một người có thể cho làm tăng hay giảm giá thực phẩm và cho các ông hoàng vay tiền không phải là đồ vô tích sự. Bà mẹ người hùng tương lai nhét đầy thực phẩm vào các túi và giúi cho anh tiền đi đường.
Khi đi qua Dranoutre, nơi bố anh có một trang trại, anh đã thuyết phục ông quản gia cho anh đổi con ngựa đã tập tễnh để lấy con đẹp nhất trong chuồng ngựa của ông chủ nhà băng. Song anh đã bán nó ngay khi đến Saint-Quentin, phần vì bộ yên cương tuyệt vời như có phép thần làm tăng vọt số tiền thanh toán tại các quầy rượu, phần vì những đồ vật quá tươm tất này làm cho anh không tận hưởng được cái thú vui đường dài. Để tiền trong túi vơi chậm lại, vì nó chảy qua kẽ tay anh nhanh hơn anh tưởng, anh ăn mỡ hôi và đậu mỏ với những người đánh xe tại những nhà trọ tồi tàn, còn tối thì ngủ trên rơm, nhưng sẵn lòng nướng vào những chầu đãi đằng hay chiếu bạc ở những nhà trọ sang nhất số tiền tiết kiệm được. Thỉnh thoảng, trong một trang trại lẻ loi, bà góa nào đó giàu lòng thương người cho anh ăn và ngủ tạm. Anh không quên những quyển sách quý bọc da cừu nằm nặng cả túi, những cuốn đó anh lấy trước từ của thừa kế ở thư viện ông chú, linh mục phụ tá Campanus, người sưu tầm sách. Buổi trưa, nằm dài trên đồng cỏ, anh bật cười to khi đọc đến một câu hài hước La tinh của Martial[2], hay mơ mộng hơn, buồn bã nhổ bọt xuống ao và mơ về một phu nhân kín đáo và đoan trang nào đó mà anh sẽ tặng cả tâm hồn lẫn cuộc sống trong những bài thơ xonnê theo kiểu Petrarque[3]. Anh chập chờn ngủ, đôi giày dựng lên trời như tháp nhà thờ, những ngọn yến mạch cao như những tên lính mặc áo choàng xanh, còn cây mỹ nhân như cô thiếu nữ với chiếc váy hơi nhàu. Vào lúc khác, chàng trai cao lớn nằm dài ra đất. Một con ruồi hay tiếng chuông nhà thờ trong làng làm anh thức dậy, chiếc mũ sụp xuống tai, vài cọng rơm trên mái tóc màu vàng, khuôn mặt dài xương xương, nhất là mũi, đỏ lựng vì mặt trời và vì nước lạnh, Henri-Maximilien vui vẻ bước tới vinh quang.
Anh hay bông đùa với khách dọc đường và hỏi thăm tin tức. Đi quá La Fere, anh thấy một lữ khách phía trước, cách khoảng một trăm toise[4]. Anh ta đi nhanh. Đang buồn vì không có ai cùng chuyện trò, Henri-Maximilien dấn bước lên theo.
- Hãy cầu kinh cho tôi ở Compostelle, anh chàng vui tính người Flamand nói.
- Ông đã đoán đúng đấy, người kia nói. Tôi đi đến đó.
Anh ta quay đầu lại dưới cái áo liền mũ vải nâu, và Henri-Maximilien nhận ra Zénon.
Chàng thanh niên gầy gò, cổ dài, có vẻ như đã lớn hơn một khuỷu tay so với lần đi chơi hội chợ mùa thu năm ngoái. Khuôn mặt đẹp vẫn xanh xao như thế song trông đã tròn trịa ra, bước đi của anh ta như vội vã dữ dằn.
Xin chào người anh em họ - Henri-Maximilien vui vẻ nói - Linh mục phụ tá Campanus đã chờ anh suốt mùa đông tại Bruges; ông hiệu trưởng Magnifique ở Louvain thì bứt rứt khổ sở vì anh biệt tăm, giờ anh lại xuất hiện trên con đường vắng, tôi trông chẳng biết là ai.
- Tu viện trưởng được đội mũ lễ1 tu viện Saint-Bavon tại Gand đã tìm cho tôi một chỗ làm - Zénon nói với vẻ thận trọng. Đó chẳng phải một người bảo trợ chính đáng hay sao? Nhưng tốt hơn hãy nói cho tôi vì sao cậu lại lê la trên những con đường xứ Pháp này?
- Có thể anh đến đó vì một chuyện gì đó, người trẻ tuổi hơn trả lời. Tôi đã bỏ ngân hàng của ông già như anh[5] bỏ trường thần học. Nhưng giờ biết anh rơi khỏi vòng tay của ông hiệu trưởng Magnifique để đến với tu viện trưởng đội mũ lễ thì…
- Cậu đùa chăng, thầy tu nói. Ai mà chẳng khởi đầu sự nghiệp bằng cách phục vụ cho ai đó.
- Với tôi thì đúng hơn là vác súng hỏa mai, Henri-Maximilien nói.
Zéon ném về phía bạn đường cái nhìn khinh thường.
- Bố cậu đủ giàu để mua cho cậu đội quân đánh thuê tốt nhất của César Charles - anh nói - tất nhiên là nếu bố con cậu thấy nghề cầm súng là một nghề đáng làm.
- Đội quân mà bố tôi có thể mua với tôi cũng quyến rũ như bổng lộc tu viện đối với anh vậy thôi. Mà vả lại chỉ có ở Pháp người ta mới phục vụ các quý bà - Henri-Maximilien trả lời.
Câu nói đùa rơi vào chỗ trống. Đại úy tương lai dừng lại mua của một nông dân nắm quả anh đào. Hai người ngồi xuống sườn dốc ăn.
- Anh đang giả làm thằng ngốc - Henri-Maximilien vừa nói vừa tò mò quan sát quần áo người lữ khách.
Phải, Zénon nói. Nhưng tôi chán làm con mọt sách lắm rồi. Tôi thích đánh vần những câu chữ chuyển động hơn: một nghìn con số La mã và Ả rập; các ký tự chạy lúc thì từ trái sang như cách viết của chúng ta, lúc thì từ phải sang như trong các giấy tờ người phương Đông. Những nét gạch xóa như bệnh dịch hạch hay như chiến tranh. Những chương mục hiện lên trong máu đỏ. Những ký tự đó có ở khắp nơi, đây đó còn có những vết tích kỳ lạ hơn cả các ký tự nữa… Phải ăn mặc thế nào thích hợp nhất để đi trên đường mà không để ý? Đôi chân tôi lang thang trong thế giới này như con mọt chui trong cuốn sách Thánh dày cộp.
- Đúng vậy - Henri-Maximilien nói lơ đễnh - Nhưng sao anh lại đến Compostelle?Tôi không nghĩ anh lại cùng hội cùng thuyền với các giáo sĩ to béo chuyên hát bằng giọng mũi.
- Ôi, lữ khách nói. Tôi làm gì với cái lũ lười biếng và ngu như bò ấy? Nhưng linh mục tu viện trưởng Jacobites ở Leon rất yêu thích giả kim thuật. Ông ta đã thư từ với linh mục phụ tá Bartholommé Campanus, ông chú tốt bụng của chúng ta, ông già ngốc nghếch nhạt nhẽo ấy thỉnh thoảng cũng phiêu lưu vào những giới hạn cấm mà không để ý thấy. Đến lượt tu viện trưởng Saint-Bavon đã viết thư thuyết phục để ông ấy dạy cho tôi những gì ông ta biết. Nhưng tôi phải đi gấp đây, vì ông ấy già rồi. Tôi sợ rằng chưa kịp dạy lại kiến thức cho người khác thì ông ấy đã chết.
Mời các bạn đón đọc Bí Thuật Đen của tác giả Marguerite Yourcenar.