Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chúa Tể Đầm Lầy

Michel Tournier, sinh năm 1924 ở Paris, đoạt Giải Thưởng Lớn của Viện Hàn Lâm quốc gia về Tiểu Thuyết với tác phẩm Gã Thứ Sáu hay là Ngày Tháng Thái Bình Dương, và giải thưởng Goncourt với tác phẩm Chúa tể đầm lầy. Ông được bầu vào Viện Hàn Lâm Goncourt năm 1972.

Riêng nhan đề Chúa tể đầm lầy là một sự hướng đến thần thoại của dân tộc Đức, đến những biểu tượng sâu thẳm. Nhưng tiểu thuyết cũng bắt gặp một huyền thoại có tính phổ biến hơn, đó là huyền thoại về Gã hung thần.

Một tuổi nhỏ mất hẳn tình thương, một thời mới lớn chuốc nhục, một nghề thấp kém, tất cả đã biến Abel Tiffauges thành kẻ thù của xã hội. Nhưng một giai đoạn của đời y là làm học sinh giúp cho y đinh ninh rằng có một sự đồng lõa âm thầm giữa việc đời và phần số của y: số là một hôm ra trước hội đồng kỷ luật, y cầu sao cho trường bị cháy rụi. Bình thường lời mong cầu như thế chẳng bao giờ thành, thì nay trận hỏa hoạn giải phóng lại xảy ra…

Trong con người Tiffauges có tính chất của vị sứ đồ và của Gã hung thần, mà sứ đồ thì dẫn dắt và cứu độ cho hung thần. Nhờ thế mà đang khi một vụ hiếp dâm lăm le bắt y đi tù đày thì đợt tổng động viên 1939 giúp y được miễn tố: ngôi trường bị cháy lần nữa!

Làm tù binh năm 1940, y bị đưa sang vùng phía đông nước Phổ. Nhưng trong khi đồng bọn kêu trời tại vùng đất bao la hoang dại thì Tiffauges lại cho là vùng đất màu nhiệm mình hằng mong đợi, và cảm thấy mình được giải phóng một cách khác thường trong cảnh ngộ tù tội.

Hai gã hung thần thượng đẳng đang ngự trị trong chốn rừng xanh và đầm lầy: Goring, là Gã hung thần vùng Rominten, tàn sát nai và ngốn thịt rừng, và Hitler, là Gã hung thần vùng Rastenburg kẻ nhồi sung đại bác bằng thịt trẻ con nước Đức. Tiffauges trở nên Gã hung thân vùng Kaltenborn, một pháo đài Đức của ngày xưa mà nay là nơi chọn lọc và rèn luyện lớp thanh niên nhắm trở thành tinh hoa của Đức quốc xã.

Bước bôn ba tiêu biểu của một gã vô chính phủ lọt vào cạm bẫy của phát xít, cuộc đời ba chìm bảy nổi hiện thực của một tù binh Pháp trên đất Đức, một chuỗi biến tấu có mạch lạc về chủ đề chất thịt tươi sống và nuôi dưỡng thế nào cho thịt được tươi sống, chân dung dăm Gã hung thần, cuốn tiểu thuyết này còn có một tham vọng sâu xa hơn: tham vọng diễn dịch cuộc “thế chiến quái đản”, cái chủ nghĩa Hitler, các trại tập trung và sự tràn sang của hồng quân theo một hướng thuần túy biểu tượng và không dùng đến các lợi khí xưa củ của lịch sử và tâm lý.

Sau hết, Chúa tể đầm lầy, đặt vào viễn tượng do cuốn Gã Thứ Sáu hay Ngày Tháng Thái Bình Dương đã từng mở đường, hiện ra như là một tiểu luận nhằm miêu tả một kiểu thúc mới về dục tính thông qua ngõ ngách thông dụng.

***

3.1.1938. Anh là một hung thần, đôi khi Rachel bảo tôi vậy. Một tên hung thần ư? Nghĩa là một con quỷ trong truyện thần kỳ, xuất hiện từ trong bóng đêm của thời gian? Phải, tôi tin ở bản chất thần kỳ của mình, nghĩa là sự a tòn bí ẩn ngấm trộn lẫn dòng đời tôi với dòng đời sự vật, và cho phép đời tôi uốn sự vật theo chiều của nó.

Tôi cũng tin rằng mình xuất thân từ bóng đêm của thời gian. Tôi luôn luôn khó cảm thông với sự nhẹ dạ của những ai miệt mài băn khoăn đến những gì xảy ra sau khi chết đi, mà lại chẳng buồn để ý đến những gì trước khi mình sinh ra. Đời trước cũng như đời sau. Mà tôi thì đã có mặt từ lâu, từ nghìn năm, trăm nghìn năm khi trái đất mới còn là một hòn lửa quay quay giữa một bầu trời bằng chết ê-li-com, thì cái linh hồn giúp cho nó phân phật lửa và quay quay là linh hồn của tôi. Và vả lại cái thời xa lơ xa lắc ngờm ngợp của căn nguyên tôi cũng đủ để giải thích cái quyền năng siêu nhiên của tôi: bản thể và tôi, cả hai xưa nay đi bên nhau, cùng là bạn cố tri, đến nỗi, dù chẳng cảm tình đặc biệt với nhau, nhưng vốn quen hơi nhau già năm như trái đất, chúng tôi hiểu nhau, chẳng khước từ gì nhau.

Còn như cái chất quỷ…

Mà trước hết quỷ là gì? Quỷ là quái, quái là quỷ, quái quỷ quái kiệt…, là cái trưng bày ra, phô diễn ra[1]. Quỷ là cái gì được người ta chỉ trỏ - bằng ngón tay, trong hội chợ, v.v. Và do đó một sinh vật càng quái quỷ, nó càng được trưng bày. Đó là cái khiến tôi dựng tóc gáy, tôi vốn chỉ sống nổi trong bóng tối và vốn tin rằng đám đồng loại của tôi sở dĩ để cho tôi sống là nhờ họ chẳng hiểu tôi, chẳng biết tôi.

Muốn đừng là quỷ, thì phải giống như đồng loại, cùng khuôn mẫu với chủng loại, hoặc là cha mẹ sao thì mình vậy. Hoặc là có một dây tua con cái mà ta là cái mắc xích đầu tiên của một chủng loại mới mẻ. Chẳng qua loài quỷ không phải là loài sinh con đẻ cái. Con bê sáu chân làm sao sống lâu được. Con vật sinh ra từ cha lừa mẹ ngựa hoặc mẹ lừa cha ngựa thì có ra đời cũng chẳng sinh sôi, chẳng khác nào tạo hóa muốn xóa bỏ một thử nghiệm xét thấy vô lối. Và tôi tìm lại được cái lý do vĩnh cửu của mình, do cha mẹ cũng có mà do con cái cũng có. Tôi già như trái đất, tôi bất tử như trái đất, tôi chỉ có thể có cha và mẹ tinh thần, và chỉ có thể có con nuôi thôi.

Tôi đọc lại mấy dòng trên đây. Tôi tên là Abel Tiffauges, tôi trông coi một cửa hiệu sửa xe ở quảng trường Porte - des - Ternes, và tôi không điên. Tuy nhiên những gì tôi vừa viết ra đều nên được xem xét một cách đầy đủ nghiêm túc. Rồi sao nữa? Rồi tương lai sẽ có nhiệm vụ thiết yếu là chứng minh – hay nói cho đúng hơi, là minh họa – tính cách nghiêm túc của những dòng trên đây.

6.1.1938. Hình con ngựa mọc cánh của hãng ét-xăng Mobilgas sáng lên bằng đèn nê-ông trong bầu trời tối ẩm, rọi xuống tay tôi, và tắt ngấm ngay. Ánh chớp đỏ ấy cùng với mùi mỡ thiu thấm nhập vào mọi thứ ở nơi này tạo nên một không khí mà tôi ghét nhưng hóa ra lại quen hơi mà không nói ra. Nói rằng tôi đã quen sống là chưa đúng: không khí này thân thuộc với tôi như hơi hám chỗ nằm hay là như cái khuôn mặt mỗi buổi sang tôi thấy lại trong gương. Nhưng nếu như lần thứ hai tôi ngồi xuống với cây bút trong bàn tay trái trước trang giấy trắng – trang thứ ba của Những trang viết bằng tay trái -, là vì tôi tin chắc, như người ta thường nói, mình đang ở vào một khúc ngoặt của đời sống, và vì tôi có phần trông cậy vào tập nhật ký này để thoát khỏi cửa hiệu sửa xe, khỏi những tính toán hèn mọn trói buộc tôi chốn này, và trong một ý nghĩa nào đó là để thoát khỏi chính tôi.

Mọi thứ đều là ký hiệu. Nhưng cần có một thứ ánh sáng hay âm thanh chói lọi mới chọc thủng tình trạng đui điếc của ta. Kể từ những năm học vỡ lòng tại trường cấp hai Saint - Christophe, tôi không ngừng quan sát những nét chữ dọc ngang nguệch ngoạc trên đường tôi đi và nghe ngóng những lời nhỏ to vo ve bên tai mà chẳng hiểu gì, chẳng rút tỉa được gì ngoài một nỗi ngờ vực gia tăng phủ lên lối sống của mình, nhưng thật sự cũng có thêm cái bằng chứng, một lần nữa, rằng bầu trời không trống rỗng. Còn cái thứ ánh sáng kia, những cảnh ngộ xoàng xĩnh nhất đã giúp nó lóe lên hôm qua, và nó không ngừng soi sáng con đường tôi đi.

Một sự cố vặt vãnh bắt tôi ngưng dùng tay mặt một thời gian. Tôi muốn sử dụng tay quay lột bỏ mấy miếng chằng nơi xác-măng của máy nổ bị yếu điện. Tay quay bật lại, nhưng may là cánh tay tôi để lỏng và vai để hờ. Chỉ có cổ tay là chịu sức bật, và chắc là có tiếng rắc trong gân. Thiếu đường ọc lên một tiếng, vì đau đớn, và dưới lớp vải cao su băng bó cồm cộm, tôi thấy mạch máu bùng nhùng nhức nhối. Không thể đến hiệu xe làm việc gì hết bằng mỗi một tay, tôi leo lên tầng hai lánh mình vào một phòng xép chứa sổ sách và báo cũ. Để khỏi rảnh trí, tôi dùng tay kia hí hoáy dăm ba chữ không đầu không đuôi trên lốc giấy.

Lúc ấy tôi bất ngờ phát hiện mình viết được bằng tay trái! Phải, chẳng cần tập trước, chẳng ngập ngừng chậm chạp, bàn tay trái của tôi vững vàng kẻ những nét chữ toàn vẹn, nét uốn lượn khác thường, lạ mắt, hơi co quắp, chẳng giống gì với chữ viết quen thuộc, chữ viết của bàn tay phải. Tôi sẽ trở lại biến cố đảo lộn này mà tôi chẳng dè nguồn gốc, nhưng trước hết phải ghi lại các cảnh xui khiến lần đầu tiên tôi cầm bút là chỉ để trút nỗi lòng và lớn tiếng nói lên sự thật. Liệu có nên nhắc nhở một hoàn cảnh khác nữa, một hoàn cảnh có lẽ không kém phần quyết định, là sự dứt đoạn của tôi với Rachel? Mà thế thì cả một câu chuyện phải đêm ra kể lể, một câu chuyện tình, câu chuyện tình của tôi vậy. Đương nhiên tôi không thích, có lẽ vì không quen thói. Đối với một kẻ kín miệng một cách tự nhiên như tôi, phơi ruột phơi gan trên giấy thì lúc đầu ngấy thật, nhưng bàn tay đưa đẩy, hình như đã trót kể thì không dừng được trước khi cạn lời. Cũng có thể biến cố đời tôi từ nay không thể nối đuôi nhau nếu không có sự phản chiếu của lời mà ta gọi là nhật ký?

Tôi đã mất Rachel. Nàng là người đàn bà của tôi. Không phải là vợ trước mặt Chúa và người đời, mà là người đàn bà của đời tôi, có nghĩa là – nói một cách không kiểu cách chút nào – con người nữ của vũ trụ riêng tôi. Tôi quen biết nàng cách đây mấy năm, như tôi quen biết mọi người, như khách hàng của cửa hiệu sửa xe. Nàng xuất hiện ngồi cầm tay lái một chiếc Peugeot tàn, lộ rõ nét hí hửng vì có người ngạc nhiên bắt gặp một phụ nữ lái xe, điều này có thật vào thời ấy hơn là ngày nay. Với tôi nàng làm ra vẻ thân quen ngay, mượn cớ chuyện xe cộ kết hợp qua lại, rồi vẻ thân quen nhanh chóng bắt quàng, thoắt một cái nàng lọt vào giường tôi.

Lúc đầu tôi ngẩn người theo dáng khỏa thân của nàng, khoả thân một cách dễ chịu, bình thường, mặc lớp da không hơn không kém mặc một thứ gì khác, áo quần du lịch hay là áo dạ hội. Cái tệ nhất của một người phụ nữ là không biết mình có thể khỏa thân, quả tình là thế, là không biết còn có những cái thói khoả thân và có luôn cả lớp vỏ khoả thân. Và tôi buộc lòng nhận ra được ngay hạng người phụ nữ ngu ngơ này do dáng vẻ khô khan thế nào ấy, do cái áo cái quần dính bám vào da họ một cách dị kỳ.

Mái đầu nhỏ sắc nét khi nhìn nghiêng, nón bảo hộ quai đen, Rache có một thân hình chắc nịch, tròn trĩnh, chất nữ khá bất ngờ với bắp về ấm áp, bộ ngực với đôi nuốm tím chài rộng, thắt lưng thóp sâu, và một loạt mum múp rắn chắc không tì vết, bao nhiêu thứ tràn trề khỏi năm ngón tay ôm và tạo chung thành một toàn thể không chiếm lĩnh nổi. Về mặt tinh thần, nàng thuộc loại “như con trai” không có nét gì độc đáo đáng kể, đó là loại phụ nữ rất ăn khách của một tiểu thuyết bán chạy nào đó.

Nàng bảo toàn tính độc lập của mình nhờ nghề kế toán tốc hành, đi tới các nghệ nhân, các nhà buôn hoặc cai quản các xí nghiệp nhỏ trình bày đầy đủ các con số. Nàng là người Do Thái, tôi có dịp nhận ra khách hàng của nàng toàn là Do Thái, do đó càng rõ thêm tính cách riêng tư của các giấy tờ dưới tay của nàng.

Kể ra tôi có thể không hợp với các óc người ngược đời của nàng, một cách nhìn làm tan tành sự vật, một tình trạng ngọ nguậy của não cân khiến nàng ngay ngáy sợ hãi buồn chán, thế nhưng cái óc dí dỏm của nàng, cái tài nhìn ra khía cạnh phi lý sâu xa của con người, của tình huống, cái vui tính có nồng độ mà nàng biết cách làm dậy lên từ cái xám xịt của cuộc sống, tất cả những thứ ấy đều gây ảnh hưởng tốt cho cái tính tự nhiên vốn lầm lì của tôi.

Viết mấy dòng này, tôi buộc mình lường xem nàng có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, và cổ họng tôi nghèn nghẹn khi tôi lặp lại rằng tôi đã mất Rachel. Rachel ạ, anh không thể nói là chúng ta có yêu nhau không, nhưng có điều chắc chắn là chúng ta đã cười thỏa thích với nhau, và như thế cũng là một cái gì đấy chứ?

Dù sao nàng vẫn cười và không hề có ác ý gì khi đề ra những tiền đề để cho cả hai, từ đó, bằng con đương khác nhau, đi đến kết luận giống nhau, là chia tay nhau.

Có khi nàng vụt đến, giao chiếu xe con cho thợ của tôi sửa hoặc súc, thế là chúng tôi thừa cơ lên phòng tôi, và nàng không khỏi thốt lên một lời gì đó muôn thuở có ý đùa bỡn cớt nhã có vẻ như lẫn lộn số phận chiếc xe với số phận nữ chủ nhân chiếc xe. Hôm ấy, vừa mặc áo xống, nàng vừa vu vơ đưa ra nhận xét rằng tôi làm tình “y như chim hoàng anh” vậy. Thoạt tiên tôi ngỡ nàng bắt tội tôi không hiểu biết, không biết cách. Nàng bảo không phải vậy. Giai do cái hấp tấp của tôi mà ra cả, theo nàng thì nó giống như bọn chim đóng dấu vội cho nhau để hoàn thành bổn phận vợ chồng. Rồi nàng mơ màng gợi nhớ kỷ niệm một trong những người yêu ngày trước, chắc hẳn là người đáng nhớ hơn cả. Hắn hứa với nàng sẽ hú hí với nàng ngay khi vào ngủ và sẽ không chịu buông trước khi trời sáng. Và hắn giữ y như lời, hành nàng cho tới khi ngày rạng. “Thật ra, nàng thật thà chua thêm, hai đứa đi ngủ muộn, mà đêm mùa ấy thì ngắn”.

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến chuyện chú dê con của ông Seguin muốn bắt chước con dê già nên cứu vớt danh dự bằng cách cầm cự suốt đêm với sói và mãi đến đầu sáng mới chịu bó tay.

Cũng nên để cho anh nghĩ rằng em có thể vồ ngay khi anh ngừng nghỉ, lời kết của Rachel.

Và lập tức tôi trông thấy nàng có dáng dấp con sói thật, với đôi mày đen, mũi hếch và mồm rộng hau háu. Lại một phen chúng tôi cười. Phen cuối cùng. Bởi tôi hiểu rằng cái đầu óc kế toán tốc hành của nàng đã chối từ sự bất kham của tôi và truy tầm được một nơi ngả lưng khác để đặt mình.

Y như chim hoàng anh. Lời nói thốt ra đã sáu tháng nay cứ âm trầm trong tôi. Lâu nay tôi biết rằng một trong những dạng thường nói đến hơn cả trong sự thất bại nam nữ là tình trạng xuất tinh sớm, nói chung là tình dục không biết nương giữ, trì kéo. Sự kết tội của Rachel đi xa, vì nàng nhắm nhe liệt tôi ở mấp mé tình trạng bất lực, hơn thế nữa nàng khai diễn nỗi bất hòa hợp đậm nét của lứa đôi, sự truất hữu thấm thía của phụ nữa suốt đời thụ tinh mà chẳng đời nào thoả dạ.

- Em sung sướng hay không, anh cóc cần mà.

Mời các bạn đón đọc Chúa Tể Đầm Lầy của tác giả Pascal Lainé.