Chạm Tay Vào Hạnh Phúc viết về một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, để ta thấy rằng ở đâu đó, theo một cách nào đó, hạnh phúc vẫn luôn hiện hữu, chờ ta với tay chạm vào nó.
Bị vợ bỏ ở tuổi năm mươi, Paul phải làm quen trở lại với cuộc sống độc thân, mà việc đầu tiên là tự đi siêu thị. Và ở đó, ông đã gặp Julie, để rồi cả cuộc đời ông và cuộc đời cô đều rẽ sang một hướng khác…
***
Tết đến thì mình làm gì? Tranh thủ vài khoảnh khắc được xả hơi sau khi thực hiện chiến dịch dọn dẹp nhà cửa bở hơi tai.
Đầu năm 2020, mình đã hoàn thành quyển tiểu thuyết tình cảm của nữ nhà văn Pháp – Agnes Ledig với tựa đề “Chạm tay vào hạnh phúc”. Đây là quyển sách mình mua được trong gian hàng xả kho của Nhã Nam mới đây với giá khá hời (56.000 – đã giảm 50% so với giá bìa). Mặc dù vậy, đây là quyển sách đã thu hút mình đọc liên tù tì 3 ngày. Vì sao ư? Vì đây là quyển sách có thể chạm đến trái tim của người đọc theo cái cách riêng của Ledig.
Đúng như lời bình của Le Figaro, “Chạm tay vào hạnh phúc” không bị cái cảm giác giả tạo của những cuốn sách an ủi bằng cách tô hồng mọi thứ trước những ý nghĩa u ám của độc giả. Mà giống như một trải nghiệm sống thực sự …, khi bất hạnh không làm ta gục ngã. Quyển sách xoay quanh câu chuyện về một cô thu ngân tại siêu thị chỉ mới vừa chạm ngưỡng 20 đã phải mưu sinh vì đứa con thơ. Cuộc sống của cô mang một màu tăm tối khi từng ngày phải chiến đấu với những cái nhìn đầy miệt thị của khách hàng, sự vô cảm và tàn nhẫn của tên giám đốc luôn lấy cô ra để mua vui mỗi khi con thú trong hắn trỗi dậy. Và rồi, một ngày kia, cuộc sống cô chuyển sang bước ngoặt mới khi gặp gỡ vị cứu tinh cũng mang trong mình những vết sẹo của cuộc đời. Những con người mới với những mặt tối trong con người họ bước vào cuộc sống cô một cách bất ngờ và dần dần thay đổi con người cô, và cả chính họ. Thế nhưng, có lẽ thượng đế luôn thích trêu ngươi chúng ta, thích thử thách xem con người mạnh mẽ đến nhường nào khi bất hạnh ập xuống họ. Tất nhiên, con người luôn là những sinh vật mạnh mẽ, họ vượt qua được tất thảy dù rằng mang trên mình những vết sẹo mà năm tháng khó phai mờ được. Đến cùng, những người trong câu chuyện này đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình và rằng họ xứng đáng được chạm tay vào hạnh phúc.
Hãy thử một hương vị mới mà Ledig mang tới để làm ướt át một chút cuộc sống của bạn. Để qua đó, có thêm niềm tin về hạnh phúc trong cuộc sống này.
Vũ Hàn Review
***
Việc bạn yêu thương và bị cuốn hút bởi cuốn sách này cũng giống như đột nhiên muốn nghe và thấy ứa nước mắt trước những bài hát cũ của Richard Marx.
Có những lúc tự nhiên như vậy, sự thành thật đến từ câu chữ, ý tứ, từ cảm xúc hơn là cốt truyện… khiến bạn lay động, giúp bạn nới lỏng bản thân và thành thật với chính mình, rằng u sầu là điều không tránh khỏi, rằng ai cũng từng có cái hố của riêng mình và phải gắng gượng ngoi lên bề mặt, rằng cứ đi, cứ tin, cứ yêu và thả lỏng đôi chút hoặc nhiều chút để được hàn gắn và hồi sinh, bởi "có những lúc cần nới lỏng dây cương để nỗi buồn phi nước đại", Agnes Ledig viết.
Đọc Chạm tay vào hạnh phúc của Agnes Ledig, bạn phải thực sự kiên nhẫn. Bởi phần đầu của câu chuyện dễ khiến người đọc lầm tưởng với những cuốn truyện cổ tích kẹo ngọt. Julie, người mẹ đơn thân nghèo đang phải vật lộn với công việc thu ngân, được một ông khách già giàu có để mắt tới, mời cô và con trai ba tuổi cùng tham gia một kỳ nghỉ hè. Và cuộc đời cô thay đổi mãi mãi sau cái gật đầu đồng ý đó.
Một đặc điểm của nỗi u sầu là dễ khiến bạn hay nghi ngờ. Người đọc mở đầu câu chuyện với nỗi u sầu của Julie và cảm thấy nghi ngờ với những gì mình đang đọc. Cũng giống như Julie nghi ngờ mục đích của ông già Paul giàu có quyết định chóng vánh đưa cô đến với kỳ nghỉ ba tuần ở biển. Ông già cần gì ở cô gái trẻ sau khi vợ bỏ đi? Và thưa Agnes, chị định thiết đãi độc giả chuyện gì khi lọ lem gặp hoàng tử quá sớm? Nhưng rồi câu chuyện dần dần được mở ra theo hướng không ngờ khi các nhân vật xuất hiện với quá khứ khổ đau và thực tại ngổn ngang, họ là Jerome đang chìm sâu trong nỗi đau mất vợ, là Caroline vụng về và thiếu tự tin, là Romain đơn độc, là Manon vui tươi nhưng vô hướng, là chính Paul luôn dằn vặt về cuộc hôn nhân 30 năm lạnh lẽo… Đám đông mà Agnes tạo nên là một tập hợp của những con người bị tổn thương, thu mình lại trong vạn vạn lớp vỏ hoặc quẩn quanh trong cái hố của chính mình mà chưa ý thức, hoặc ý thức nhưng bất lực về cách vượt thoát. Cho đến khi họ gặp nhau, được kết nối bằng niềm âu yếm, tình yêu và cả những nỗi đau mới toác miệng. Giống như cách nói của Julie, họ là những mảnh lego rời rạc, cố gắng cố kết và bám trụ, người yếu nhất dựa vào người mạnh nhất, và người mỏng manh nhất đôi khi lại là liều thuốc liền sẹo cho người ngỡ là rắn rỏi nhất.
Sự mộc mạc của người phụ nữ nghiệp dư tập viết văn từ năm 2005, bằng thiên khiếu, tính nữ và cả những nỗi đau thực sự từ cuộc sống riêng đã giúp Agnes Ledig gọi tên được một điều vô hình trong cuốn sách của mình: Niềm âu yếm. Đó không hẳn là tình yêu, càng không phải là tình dục, niềm âu yếm là ngọn lửa nhỏ sưởi ấm và đánh thức khao khát được kết nối trong mỗi con người. Niềm âu yếm khiến các nhân vật, và cả người đọc nhận ra rằng vẫn có những điều dịu dàng đợi chờ mình ngoài kia, dù bên trong lớp vỏ này chất đầy những cay đắng. Đó là cái nắm tay và nụ cười bất ngờ Lulu dành cho Jerome, là cử chỉ Romain không nỡ gập lá thư dày nặng tình yêu thương của Julie bỏ vào túi mà khe khẽ để lên bàn, và đặc biệt là đêm đầy sao khi Jerome ôm Julie say ngủ giữa dập dềnh sóng biển. Bạn cần dụi đầu thật sâu vào lồng ngực ai đó, bạn cần một bàn tay ấm nóng chạm nhẹ và sưởi ấm làn da, hay khóc thành thật và không kìm nén để thoát khỏi khổ đau và bắt đầu chạm vào hạnh phúc… Đó là niềm âu yếm riêng mà Agnes Ledig gửi đến cho những người đọc kiên nhẫn của mình. Một cuốn sách tuyệt vời cho những kỳ nghỉ dài trước mắt.
***
Julie ấy mà, cô đã quen với việc này lắm rồi.
Cô đã có thể phản đối, mạo hiểm, mất việc làm, nhưng giữ được phẩm giá cho bản thân.
Phẩm giá nào nhỉ?
Cái thẻo đàn bà này đã đánh mất phẩm giá từ đời nảo đời nào rồi. Khi động chạm tới vấn đề sống còn, ta đành xếp xó những lý tưởng vĩ đại vẽ ra từ hồi còn là một cô bé. Và ta chịu đựng, câm lặng, để mặc người khác muốn nói gì thì nói, ta cam chịu.
Vả lại, cô cần công việc này. Thực sự cần. Gã Chasson chó đẻ này biết thế. Gã giám đốc cục cằn có thể đuổi việc một nhân viên thu ngân chỉ vì tính nhầm mười euro. Đằng này những năm mươi euro!
Tuy nhiên, Julie biết ai đã ăn cắp năm mươi euro đó, khi cô vừa quay lưng đi. Nhưng ai mà ưa những kẻ tố cáo đồng nghiệp. Chẳng ai ưa. Chuyện này sẽ khiến ta phải gánh lấy tiếng xấu cũng dai dẳng chẳng khác nào một con chấy bám trên tóc. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
“Cô Lemaire ạ, tôi có thể đuổi việc cô ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi biết hoàn cảnh của cô, tôi biết cô không thể hoàn trả số tiền được. Coi chừng đấy, tôi có thể yêu cầu cô tìm một giải pháp để sửa chữa những sai lầm cô mắc phải trong công việc thu ngân. Cô hiểu ý tôi muốn nói gì không? Nếu không, hãy hỏi vài đồng nghiệp nữ của cô, họ biết phải làm thế nào rồi đấy”, hắn văng những lời này vào mặt cô, mắt hắn nhìn cô chòng chọc không chút ngại ngùng, môi nở nụ cười nham hiểm.
Đồ đểu!
Tuy nhiên, hắn trông rất ra dáng. Chàng rể lý tưởng. Cao lớn, năng động, tươi cười, cằm vuông và tóc ngả hoa râm hai bên thái dương. Bàn tay lúc nào cũng đặt lên lưng người khác để trấn an, khích lệ. Luôn có một câu tử tế khi ghé qua chào nhân viên mỗi sáng thứ Hai. Một cô vợ thanh lịch và những đứa con lễ phép. Mẫu đàn ông xuất thân tầm thường đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để leo dần lên, buộc người ta phải tôn trọng và ngưỡng mộ. Đấy là mặt lấp lánh của tấm huy chương. Thế rồi, khi lật nó lại, ta sẽ thấy có chó sói, thú săn mồi, gã đàn ông muốn phụ nữ quỳ mọp dưới chân để chứng tỏ mình là kẻ mạnh nhất.
Vài phút sau, Julie rảo bước dọc hành lang dài nối liền phòng giám đốc với khu vực bán hàng. Giờ nghỉ của cô đã hết. Cô những muốn dành quãng thời gian đó cho việc khác chứ không phải dạng triệu tập này. Cô lấy ve ống tay áo quệt mạnh giọt nước mắt vương trên má. Một dấu hiệu yếu mềm đáng thương hại mà cô phải gạt đi tức khắc.
Bởi vì Julie ấy mà, cô đã quen với việc này lắm rồi.
Cô thuộc những người mà số phận chẳng mấy khi nương tay.
Có những người như thế đấy…
Paul Moissac dừng lại trước quầy pizza đông lạnh, hoài nghi. Ông chẳng gặp vấn đề gì khi chọn lốc bia đang cầm trên tay, nhưng còn vụ này! Có lẽ đây chính là lần đầu tiên ông đặt chân tới siêu thị. Hoặc ít nhất cũng là lần đầu tiên đi một mình.
Vợ ông đã bỏ ông cách đây một tháng. Trước khi đi, trong mối hăm hở rộng lượng sau chót có lẽ sẽ để lại trong bà cảm giác thú vị vì đã hoàn thành nghĩa vụ, bà đã chất đầy đồ ăn vào tủ lạnh. Người phụ nữ hoàn hảo không chút tì vết, cho đến tận những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sẽ không ai trách cứ bà về vụ ra đi đột ngột và chẳng hẹn ngày về này.
Nhưng hôm nay, Paul không còn cách nào khác. Sụt mỗi tuần một ki lô có thể có lợi trong thời gian đầu nhưng lại có vẻ nghiêm trọng nếu vượt quá một ngưỡng nào đó. Chỉ nghĩ đến việc một mình ngồi vào bàn ăn trong nhà hàng cũng đã khiến ông nản chí đến độ mất cả cảm giác ngon miệng. Ở tuổi năm mươi mốt, có lẽ đã đến lúc cần biết tự xoay xở trong một cửa hàng thực phẩm. Cuối cùng ông quyết định chọn loại pizza đắt nhất. Chỉ còn thiếu mỗi chuyện ông ăn vớ vẩn cho qua bữa với cái cớ là vợ ông đã bỏ đi sau ba mươi năm chung sống.
Khi phải lựa chọn, ông luôn chọn thứ đắt nhất, tin chắc rằng đó là một đảm bảo cho chất lượng.
Khi đi ngang quầy “rau quả”, trong đầu ông chợt hiện ra một trong những câu vợ ông ưa thích nhất, thường được tuôn ra một cách máy móc, giống như mọi câu khác. “Năm lại rau quả mỗi ngày.” Bà chêm câu này vào giữa câu “Thuốc lá sẽ giết chết anh” và câu “Rượu không tốt cho sức khỏe của anh đâu.” Sao mà bà ấy có thể khiến người ta mệt mỏi đến thế!
Dẫu sao ông cũng nhét vài quả táo vào túi ni long rồi tiến về dãy quầy thu ngân. Ông cầm ba món hàng trên tay, chờ đến khi tìm thấy chút chỗ trống trên băng chuyền để đặt xuống. Đằng trước ông, một bà hộ pháp vừa trút xuống cả một xe hàng toàn những thứ linh tinh. Lại một phụ nữ hẳn là cũng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với bạn đời.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình đã không chọn được quầy thu ngân vắng nhất để có thể rời thật nhanh khỏi cái hang ổ tiêu dùng này, nhưng cô nhân viên thu ngân lại xinh. Mặt khó đăm đăm, nhưng xinh xắn. Đặc quyền của nhan sắc: bù đắp cho tính nết khó chịu. Luôn là vậy. Ta lượng thứ mọi chuyện cho những phụ nữ xinh đẹp, thậm chí trước khi họ kịp mở miệng. Cô nhân viên thu ngân này chỉ thoáng nhìn bà khách khi trả lại tiền thừa, và tranh thủ dịp đó để gạt đi một giọt nước mắt không rõ từ đâu đang lăn trên má. Cằm không run, hơi thở không gấp gáp, đôi mắt không long lanh, không, một gương mặt thản nhiên nhưng giọt nước mắt đã tự tiện lọt ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
Đến lượt Paul.
— Chào Julie!
— Chúng ta biết nhau sao? cô vừa hỏi vừa ngước nhìn ông, vẻ ngạc nhiên.
— Không, nhưng tên cô được viết trên thẻ nhân viên mà. Nếu không thì ta đeo thẻ có ghi tên để làm gì?
— Để tố giác chúng tôi với trưởng quầy thu ngân nếu chúng tôi tính nhầm ba xu lẻ. Hiếm khi để chào hỏi lắm.
— Tôi cũng có vài thói xấu, nhưng không có thói chỉ điểm.
— Ông chưa cân táo rồi, cô nói bằng giọng đều đều chán chường.
— Phải cân hả?
— Đúng rồi!
— Thế tôi phải làm gì bây giờ?
— Hoặc ông đi cân chỗ táo này, hoặc ông bỏ lại không mua nữa.
— Tôi sẽ đi cân, tôi làm nhanh thôi, Paul đáp, đoạn vớ lấy cái túi.
Nhưng tại sao ông lại tha thiết muốn mua chỗ táo này đến thế?!
— Cứ thong thả thôi, chuyện này sẽ chẳng thay đổi gì cuộc sống của tôi đâu! cô gái khẽ bình luận trong khi ông đã biến mất khỏi dòng người đang xếp hàng.
Các khách hàng đứng sau ông bắt đầu sốt ruột. Julie tranh thủ quãng nghỉ này để thư giãn cái lưng đã khiến cô đau đớn suốt tuần nay. Người đàn ông quay lại, thở hổn hển, rồi đặt chỗ táo đã được cân trước mặt cô gái.
— Ông chọn mã nho thay vì mã táo rồi!
— Thật sao?
— Nho Golden. Trên nhãn này ghi thế. Mà đây lại là táo Golden.
— Có nghiêm trọng không?
— Ông sẽ phải mua với giá cao hơn. Nếu ông muốn thì có thể quay lại đổi.
Tiếng ồn ào trong hàng người đứng chờ bắt đầu to lên khiến ông từ bỏ ý định.
— Không sao đâu, tôi trả tiền theo cái nhãn đó. Có lẽ vì thế mà táo sẽ ngon hơn! ông mỉm cười nói với cô.
Julie cũng khẽ cười. Lâu lắm rồi không có người đàn ông nào tử tế với cô. Đừng nói là theo kiểu này! Tuy nhiên, ở tuổi hai mươi, Julie đã không còn quen với kiểu quan tâm này nữa rồi. Sự vô tư đã nhập hội với phẩm giá ở nghĩa trang của những ảo tưởng vô vọng.
— Buổi tối xem bóng đá chăng? cô vừa hỏi vừa đưa biên lai cho ông.
— Không, sao cô lại hỏi thế?!
— Chẳng sao cả. Bia, pizza…
— Buổi tối của đàn ông độc thân!
— Đàn ông độc thân vẫn có thể xem bóng đá mà.
Julie không thèm trả lời khách hàng kế tiếp đang cố gắng lôi cô ra làm nhân chứng, bà ta phẫn nộ vì có người lại không biết rằng rau quả thì phải cân trước khi thanh toán. Loại “lèo nhèo” mà thậm chí cô còn không nghe nữa. Bộ quy tắc ứng xử đã làm cô ngán ngẩm từ lâu rồi. Mỉm cười - Xin chào - Tạm biệt - Cảm ơn. Cô chỉ áp dụng khi biết người ta đang giám sát mình. Vụ táo tủng kia ít ra cũng cho phép cô ngơi ra vài phút và uống chút nước thảo dược trong chai mang theo, để cố gắng nuốt trôi vị đắng của công việc này.
Mời các bạn đón đọc Chạm Tay Vào Hạnh Phúc của tác giả Agnès Ledig.