Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Triển Lãm Thuộc Địa

Louis muốn làm chánh tham biện thuộc địa. Thực ra, đó là mong muốn của bà Marguerite, mẹ anh… Đến lúc lên đường, anh không còn thấy “nơi đó” kỳ lạ, mà chỉ thấy kinh khủng… Những xứ sở xa xôi mà người ta thèm muốn bỗng trở nên đáng sợ và Louis từ chối ra đi… Sau này, anh trao lại cho Gabriel, con trai mình, sứ mệnh thực hiện mơ ước của bà nội. “Triển lãm thuộc địa” là câu chuyện về nước Pháp đầu thế kỉ 20 được thổi phồng qua góc nhìn hạn hẹp. Đó là câu chuyện về một kỹ sư, say mê cây cao su, nhựa cao su và những chiếc lốp xe.

Well Leon dịch

***

Erik Orsenna tên thật là Erik Arnoult, sinh ngày 22 tháng 03 năm 1947 tại Paris, là một chính trị gia, đồng thời là tiểu thuyết gia người Pháp.

Một số tác phẩm của ông:

1973 Loyola’s blues

1977 La Vie comme à Lausanne

1977 Espace national et déséquilibre monétaire, dưới tên thật là Érik Arnoult

1980 Une comédie française

1988 L’Exposition coloniale

1992 Besoin d’Afrique, với sự cộng tác của Éric Fottorino và Christophe Guillemin

1993 Grand amour

1996 Histoire du monde en neuf guitares, với Thierry Arnoult

1996 Mésaventures du Paradis, mélodie cubaine, với Bernard Matussière

1997 Deux étés

1998 Longtemps

2000 Portrait d'un homme heureux : André Le Nôtre

2001 La grammaire est une chanson douce

2003 Madame Bâ

2004 Les Chevaliers du subjonctif

2005 Portrait du Gulf Stream

2006 Voyage au pays du coton

***

Mở đầu là cửa hiệu sách.

Tôi đề cập đến thời mà sách vở vẫn còn được coi trọng. Một thời kỳ lùi quá xa với lịch sử của chúng ta, phân cách chúng ta qua hai cuộc xung đột mang tính chất thế giới, vài cuộc thử nghiệm diệt chủng, thiết lập, thối chí, tháp Eiffel và một số các sự kiện khác ít quan trọng hơn.

Như vậy mở đầu là cửa hiệu sách. Tôi đã được thụ thai chính tại đây, giữa môi trường thuận lợi cho những tính cách thích đi đó đây, những mẩu chuyện về các cuộc hành trình, những tấm bản đồ, những cuốn sổ tay vệ sinh nhiệt đới. Bố mẹ tôi mới làm quen với nhau chưa được bao lâu, nhưng nỗi đắm say hai người dành cho nhau thật mãnh liệt. Do đang sống ở nhà bà nội, bố không thể đưa mẹ về chỗ mình. Hơn nữa, bố tôi ghét đồng quê và do chỗ người vợ chưa cưới của ông khước từ những cuộc du ngoại bằng xe ngựa thuê và đến những phòng thuê từng ngày một nên chỉ còn mỗi cửa hiệu.

- Hành động mà nhờ nó con có được cuộc đời đã xảy ra quá nhanh gọn, - mãi nhiều năm sau này ông mới thổ lộ với tôi. – Nếu bố đã giữ được lâu hơn thì chắc con đỡ bị bé nhỏ. Nhưng bố có các tình tiết được giảm nhẹ tội, cửa sắt không hạ, một vị khách có thể xộc vào bất cứ lúc nào… Bố xin lỗi con.
Những lời xin lỗi đã được chấp thuận. Vĩnh biệt vẻ oai vệ! Ta chẳng nói đến nữa.
Mở đầu là cửa hiệu sách. Chính từ đây, Louis, bố tôi, đã tới bệnh viện khi đến đúng thời hạn. Quanh bên chúng tôi, các bà xơ từ thiện đi đi, lại lại, vỗ nhẹ các cặp má, làm dịu những tiếng kêu khóc, yêu cầu cho đưa nước sôi tới, trao bình sữa và bô, luôn miệng tạ ơn Chúa, như ta thường thấy diễn ra ở các nhà hộ sinh. Thờ ơ trước cảnh ồn ào náo nhiệt này, bố Louis cúi người bên nôi tôi, ghé miệng vào sát tai.
- Ông nên để cháu bé ngủ yên.- một xơ nói.

- Ông không bị cảm đấy chứ? – Một xơ khác bảo.

- Thưa ông, mong ông đừng làm cháu bé bị mệt – bà xơ thứ nhất lại lên tiếng bảo.

Nhưng cháu bé không bị mệt. Nó vẫn được ấp ủ, có điều theo một cách khác. Hơi ấm của lòng mẹ tiếp theo sự âu yếm dịu dàng trong lời nói của cha. Và những cảm giác mới lạ khác nhau, không kém phần ngọt ngào, đôi lỗ tai nhỏ bé, trung khu của thính giác, có thể gây cho tâm hồn nhiều vui thích như toàn bộ da thịt. Sự thật này được năm tháng khẳng định.
Các xơ từ thiện lo ngại cho sức khỏe của tôi:

- Thưa ông, tôi xin ông, thưa ông, trẻ sơ sinh cần tĩnh lặng.

Các xơ thì biết gì?

Do chỗ người nói chuyện không cần bận tâm ngay cả đến sự hiện diện của các xơ, các xơ liền cầu cứu hai anh trực phòng. Họ lôi ra khỏi phòng chàng Louis vẫn lẩm bẩm câu chuyện của mình. Gần đâu đây, sản phụ thiếp ngủ.

Cô gái được gọi là Sản phụ hẳn đã hút về mình tất cả giấc ngủ có được trong khu vực Paris, vì Louis, khi quay về nhà, không tài nào chợp mắt nổi, anh chong chong thao thức. Ta có con trai, ta có một đứa con trai, điệp khúc này như ánh mặt trời sưởi ấm lòng anh. Nửa đêm, đang đắm mình trong hồi ức của Christophe Colomb, Louis chợt tự hỏi: điều gì làm con người hạnh phúc hơn, có một đứa con trai hay phát hiện ra châu Mỹ? anh hoang mang khi nghe có tiếng gõ cửa hiệu sách ở dưới nhà.

- Thưa ông, thưa ông…

Một trong hai anh chàng trực phòng, cái tay lực lưỡng nhất, đã thô bạo tống khứ anh rời khỏi phòng, đang í ới gọi qua cửa.

- Mời ông lại ngay cho, mời ông lại ngay đi…

Louis vội nhảy bổ xuống.

- …Con trai ông cứ gào khóc hoài, bác sĩ trưởng khoa nghĩ rằng gào mãi thế cháu có thể chết mất.

- Từ bao lâu rồi?

- Dạ, từ lúc ông rời khỏi phòng.

Hai người vội lao tới bệnh viện. Các xơ đứng đợi ngoài hành lang, tay lần tràng hạt bằng gỗ hoàng dương.

- Mời ông vào đây, nhanh lên, lạy Đức Jésus, Marie, Joseph, ông vào nhanh lên…

Louis ngồi xuống và vừa mở miệng bắt đầu kể những câu chuyện của mình thì chú thính giả bé bỏng liền im bặt, nhìn cặp môi méo xệch và mép dúm lại, tất cả các xơ đang có mặt đều nhất trí cho rằng đấy là nụ cười đầu tiên. Từ lúc đó, chẳng ai còn nghĩ cách tống khứ người nói chuyện nữa. Họ còn cấp cho anh một chiếc giường xếp và một chiếc áo sơ mi theo quy định, rộng thùng thình, dài, màu trắng, vạt trái in hình Sacré – Coeur màu đỏ. Bố tôi phải ngừng kể một lát để xỏ áo. Lập tức những tiếng gào thét của tôi lại dội lên…

Để hai bố con tôi được tự do tâm sự, người ta đã ngăn cho hai bố con tôi một tấm bình phong đen thường dùng để cách ly những người hấp hối với thế giới bên ngoài. Do đó, trong căn phòng công cộng rộng, chúng tôi nghe nổi lên quanh mình những bài kinh cầu siêu và những lời cầu nguyện cho người chết. Dĩ nhiên, phần lời đệm đó không gây hại cho niềm hạnh phúc của cả ba người: tôi – Gabriel - đứa trẻ sơ sinh, Louis - người kể chuyện và mẹ tôi - sản phụ, giữa lúc đó đã thức giấc và chăm chăm nhìn chồng không rời mắt. Các xơ thay phiên nhau lần lượt bước vào căn buồng chúng tôi, viện lý do lấy tin (bà và ông đều ổn cả chứ? Ông và bà cần gì không?). Thật ra, họ làm ra vẻ như muốn có ý kiến và định giải đáp một câu hỏi mang tính thần học: tôi bặt khóc khi bố tôi vừa ghé vào tai tôi nói, liệu đấy có phải là một điều diệu kỳ không? Một số người sẵn sàng chấp nhận điều đó và cảm tạ Đấng Tối Cao đã chọn tu viện hèn mọn của họ để tỏ rõ tất cả Lòng Khoan Dung của Người… Nhưng đại đa số nữ tu sĩ cho rằng đây là loại các sự kiện thuộc kẻ hơi hạ cấp và người ta có thể gọi là ái tình, không thể hơn thế nữa.
Mãi đến tận cuối đời mình, bố Louis của tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, tại nơi đó, giữa các bà xơ ở Saint- Vincent-de-Paul, bố đã được hưởng những giờ phút tốt đẹp nhất. Các xơ đã ân cần chăm sóc, chăm chút từng li từng tí và thậm chí sùng kính bố tôi (bởi vì giả thuyết về điều kỳ diệu không hoàn toàn loại bỏ, có lẽ cũng còn do ông đẹp trai và trẻ trung biết bao, chưa đầy mười tám cái xuân xanh). Họ bỏ qua cho bố tôi mọi ý thích thất thường, lo sợ ông bỏ về và tôi lại làm huyên náo ầm ĩ. Và bố Louis đã lợi dụng tình thế đó, ngay sáng hôm sau, miệng vừa kể chuyện cho con trai, ông vừa ca cẩm đủ mọi thứ bệnh và có trời mới biết nổi sức tưởng tượng về nỗi khắc khoải của ông thật phong phú biết nhường nào. Lúc thì ông kêu mình bị đau nhức cơ gian sườn, lúc thì kêu tay trái như bị kiến cắn râm ran, ruồi lọt vào mắt, và quãng chín giờ ông lại kêu hai mông ê ẩm… Mỗi lẫn ông kêu ca, người ta lại phải mời bác sĩ đến để an ủi ông:
- Không, thưa ông, ông hoàn toàn khỏe mạnh.

- Ông thề đi! - Bố Louis yêu cầu.

- Có Chúa chứng giám, tôi xin thề đấy.

Và thế là chứng bệnh ám khó xác định đành lòng thuyên giảm và để bố tôi được yên vài giờ.

Ngày hôm thứ mười, sáng ra đã thấy có mấy người đến phòng ở của nhân viên gác cổng, nơi dùng làm chỗ cấp cứu.

- Ở đây có bán sách về du lịch không?

- Không, thưa ông, đây là bệnh viện.

- Nhưng người ta đã cho tôi địa chỉ hiệu sách nhà Ambroise – Paré, lầu hai, hành lang Velpeau.

Bố Louis khi thu xếp nhặt nhạnh áo quần vào cái đêm đầy xúc động nọ, vẫn còn tranh thủ thời gian dán lên cửa cửa hiệu địa chỉ mới của mình.

- Quả thật, thưa ông, ông đã vượt quá giới hạn- giám đốc bệnh viện nói với bố tôi.

- Không buôn bán, tôi lấy gì mà sống?

Một lần nữa bên hành chính lại phải nhượng bộ. Và các hành lang màu lục nhạt của nhà hộ sinh phải chứng kiến cảnh khách quen thuộc lũ lượt kéo tới: các chú choai choai đỏ mặt hau háu những tên sách dâm dục, các giáo sư băn khoăn về những chi tiết đề cập đến vương quốc ở Mali (1240-1599) các người lính cưỡi lạc đã chẳng mấy mong muốn lênh đênh hai năm giữa Tenéré mà không mang theo bản đồ, cuối cùng, hạng người sau chót, ưa thích cửa hiệu sách hơn hết, những cặp vợ chồng viên chức trước khi lên đường yêu cầu lời khuyên về vệ sinh, cách ăn mặc, cách chống muỗi và những loài cắn đốt người.

Mời các bạn đón đọc Triển Lãm Thuộc Địa của tác giả Erik Orsenna.