Trông lên rất đẹp được Vương Sóc ra để tưởng niệm thời tuổi thơ của mình. Đó là câu chuyện về khoảng thời gian từ 3 tuổi đến 8 tuổi của một đứa bé trai ở một nơi rất đặc biệt.
Phương Thương Thương sinh vào năm 1960, khi mà cả đất nước Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc Cách mạng Văn hóa rầm rộ. Không có thời gian để chăm sóc con, bố mẹ cậu bé đã gửi cậu vào một trường quản dưỡng nội trú. Ở đây, trẻ em bị thiết quân luật chặt chẽ bỡi những cô giáo giáo điều và đôi khi tàn nhẫn.
Nhưng Phương Thương Thương là một trường hợp khiến họ cũng lắm lúc không khỏi đau đầu. Cậu bé sinh ra đã cứng đầu, lập dị. Những sinh hoạt hằng ngày nơi cái trại lính nhi đồng đó đã diễn ra hết sức đa dạng, bé nhỏ nhưng vô cùng sống động. Tất cả đã tương tác với tính cách của Phương Thương Thương, tạo nên những suy ngẫm trẻ thơ, những cú sốc, những vết thương. Từ đó, không khí của thời đại tiền Cách mạng Văn hóa được khắc họa sâu sắc, chất chứa những câu hỏi về sự hình thành ra nhân cách con người trong thế kìm hãm, mất tự do của bản ngã. Thêm một tác phẩm nữa từ một thế hệ nhà văn mới của Trung Quốc, những người không tin gì cả, cười nhạo tất cả…
***
Vương Sóc sinh năm 1958 tại Bắc Kinh trong một gia đình quân nhân. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Vương Sóc đi bộ đội, làm y tá ở một đơn vị hải quân. Năm 1978 tác phẩm đầu tay “Chờ đợi” ra đời. Năm 1980 ông được điều về toà soạn tạp chí “Văn nghệ quân giải phóng”. Sau khi phục viên ông về công tác ở Công ty Dược. Năm 1984, Vương Sóc xin thôi việc, làm nhà văn tự do, chuyên viết tiểu thuyết, kịch bản phim, tuỳ bút và phê bình văn học. Năm 1992, Văn tập Vương Sóc ra đời, gồm 4 cuốn, 31 loại, 1 triệu 60 vạn chữ. Tác phẩm chủ yếu của Vương Sóc là “Cô gái hàng không”, “Mất đứt tình yêu của tôi”, “Một nửa là ngọn lửa, một nửa là nước biển”, “Nổi lên mặt biển”, “Nghiền cho đã rồi chết”, “Chúa gàn”, “Chơi nhưng mà hồi hộp”, “Tao là bố mày”, “Ðộng vật hung dữ”, “Xin chớ coi tớ là người”… Nhiều tiểu thuyết của Vương Sóc đã chuyển thành kịch bản phim như “Khát Vọng”, “Câu chuyện ở ban biên tập”, “Anh không phải là người thường”, “Yêu em không thương lượng”…. Văn của Vương Sóc hóm hỉnh, dí dỏm, phóng túng, thường hay dùng ngôn ngữ lưu hành ở đô thị, tự xưng là “tiểu thuyết mang mùi vị đô thị mới”.
Sau một thời gian bảy năm gác bút đi buôn, lập công ty làm kinh tế, tháng 3 năm 1999, Vương Sóc lại xuất hiện trên Văn đàn với tác phẩm hoàn toàn khác trước: “Trông vào đẹp lắm” có độ dài 233.000 chữ, do Nhà xuất bản Hoa Nghệ xuất bản lần đầu 200.000 cuốn. Tháng 8 năm 2000, Vương Sóc lại cho ra cuốn phê bình tiểu luận: “Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê”, dài 100.000 chữ do Nhà xuất bản Văn nghệ Trường Giang xuất bản, in lần đầu 200.000 cuốn.
***
Năm 1991, viết hơn một triệu chữ cả tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, phim truyền hình. Năm sau đã gặp báo ứng, rơi vào khủng hoảng sáng tác. Thực tình thì đó là sự khủng hoảng của tinh thần, tôi bỗng nảy sinh mối hoài nghi rất lớn trước cuộc sống sáng tác của mình lẫn tất cả những gì đã viết ra. Còn nhớ như in thời gian, địa điểm xuất hiện cảm giác lung lay đó. Một buổi trưa, mười một giờ, trước cửa hàng bán đồ ăn Tây Bá Hà bên đường vành đai ba, tôi rẽ qua đó ăn bữa cơm. Hôm đó, chớm sang hè, nắng rất đẹp, tôi đi giữa sương khói bảng lảng bỗng chân nhũn xuống, dùng giọng lưỡi thậm xưng của đám đàn bà tiểu tư sản là tôi thấy trong tôi sụp đổ. Dĩ nhiên là không ngã xuống, nằm giữa phố, mà vẫn bước đi, có điều đầu óc quay cuồng những câu hỏi ngắn vụt tới tấp: Tôi đang làm gì? Thế này coi như tôi đang sống chăng? Cái tôi cần chính là những thứ đang ở trước mắt đây?
Bỗng dưng mất sạch hứng thú trước lối viết vốn đã rất thuần thục, cảm thấy đi cùng với nó là sự đánh mất, sự mai một những ý tưởng ban đầu, thuần thục nhưng lại để vuột mất những điều cốt tủy. Đó là chỗ lung lay cực kì rõ ràng, như lỗ thủng trên bít tất, người khác không thấy nhưng chính mình rất rõ: cái lối viết mà tôi những hô hào với rêu rao kia thực chất chỉ là đơn giản hóa cuộc sống.
Ấy là nói đỡ cho. Nghiêm khắc thì là: bóp méo cuộc sống. Cuộc sống nào cũng đan xen chằng chịt trăm thứ cảm xúc, mà nào có ai giống ai, cớ sao phản ánh vào văn chương lại thành một bộ mặt sơ sài, đơn giản, chẳng hạn: mang tính chất của thể hài kịch. Dĩ nhiên, ở đây cũng bao gồm những hạn chế tự thân của văn chương - một thứ công cụ biểu đạt: câu chuyện thường vẫn có xu hướng tìm tòi một kết thúc viên mãn, sự giới hạn về số lượng chữ khiến người ta chỉ có thể tập trung vào những phát triển chính, còn bao nhiêu sự thực khác đều không ôm đồm nổi. Cũng còn bởi vấn đề của sự thú vị. Tiếng Bắc Kinh đặc trưng khi nói có xu hướng ồn ào rôm rả, nói ra rất dễ lời tiếp lời, một chuyện giản đơn mà xoay tới trở lui viết ra hàng đống giấy, khoái cảm nơi cửa miệng khiến người nói say sưa, tưởng mình thông minh, lại càng “nổ”, càng “diễn”. Nếu đơn thuần chỉ để tạo điểm khác biệt, kiếm mấy tiếng tung hô, hoặc phụ họa cho hợp thế thời, thì cũng chả gì ghê gớm. Nhưng, không giấu quý vị, tôi còn có một “tâm nguyện ban đầu” với văn học, đó chính là: “trả lại cuộc sống nguyên vẹn”. Ý tôi là đi tìm những tác nhân thực sự ảnh hưởng đến hành động nhân vật, những thứ không bị đổi thay bởi ý thức con người, những nhân tố chi phối nguyên sơ nhất, ẩn bên trong của mọi thứ biểu cảm bề ngoài.
Bởi tôi không dám tin vào phản xạ đầu tiên của mình. Bởi hành động thường đa nghĩa. Bởi tư duy quá đỗi phức tạp, bóc tách từng chút một cũng chưa chắc đã khỏi bất ngờ sao mình lại có phản xạ như thế. Ở đây liên quan đến động cơ.
Chắc gì bạn có thể hiểu và nhìn thấu nhân vật dưới ngòi bút của chính mình. Chắc gì anh ta sẽ không mới vui đã buồn, gặp yêu sinh hận - dù nguyên mẫu chính là bạn. Động cơ không nắm rõ, hành vi trượt khỏi quỹ đạo, chỉ còn lại chút tính hài được dàn xếp sẵn, chạy theo những vui buồn yêu giận “lấy ngay”, tới đâu hay đó… trông cũng “thể diện”, nhưng rốt cuộc vẫn trơ trơ một lời tự vấn thiếu hồi đáp: vốn dĩ là vậy hay sao?
Khổ sở không chỉ mỗi điều đó. Chính bởi chưa tới được gốc gác nguồn ngọn, tự túm tóc phiêu diêu giữa lưng chừng, đã có người lôi xuống, thay mình tổng kết ra bộ ra hệ ra phương pháp nọ kia, nói mình chính là thế này thế này, lại còn được số đông chấp nhận. Tôi không nói những kẻ chê mắng tôi, quan hệ giữa tôi với bọn họ rất đơn giản, lập trường khác biệt, tình cảm, suy nghĩ tất thảy đều khác, những điều bọn họ chê tôi đại khái cũng không sai lệch, thỉnh thoảng có lạc sang tận nhà bà ngoại cũng chẳng ảnh hưởng gì. Tôi muốn nói đến những người yêu quý tôi, muốn gặp tôi, coi những thứ của tôi kia là của quý. Trước khi nói ra những lời dưới đây, tôi phải thanh minh trước: ở đây tôi nói sự việc, không nhắm vào người nào hết, tôi chỉ muốn làm rõ một số hiểu lầm từ bấy lâu nay, muốn tháo gỡ những thứ vốn không liên quan đến nhau, có thể là không công bằng, nhưng hoàn toàn không phải mượn dịp để hạ thấp ai đó, cố ý làm xấu ai đó, xin được độc giả chứng giám, xin người trong cuộc bỏ quá cho.
Tôi muốn nói tới những hình tượng nhân vật đã được điển hình hóa qua các phim ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của tôi, hoặc do chính tôi viết kịch bản. Diễn viên rất thành công, được khán giả quan tâm yêu thích, tôi cũng thích thế, cũng như thích những nhân vật khác trong các vở kịch vui khác đã khiến tôi bật cười. Nếu bảo loại hình tượng đó xuất phát từ những sáng tác của tôi, một cách độc đáo, thực tình chẳng dám. Như thế là ốc mò cò xơi, cướp vinh quang của người ta; bất quá như kiểu khôn ngoan của loại người: nhờ người mang thai hộ.
Họ thuộc một dạng người Bắc Kinh khác. Nói thế nào nhỉ? Chắc cũng lương thiện thật, có chút ranh ma, cực kì biết lắng (lấy) phần trong, gạn (bỏ) phần đục, vốn liếng to nhất là đầy một miệng “thấu hiểu” với “cảm thông”, sống “cặm cụi” kĩ càng, không bỏ lỡ cái gì bao giờ, bàn tính gảy rào rào trong bụng người ngoài cũng nghe thấy, một chút xúc cảm đã ngỡ là sâu sắc.
Người tốt! Người có tính như thế, trong cuộc sống này chỉ có lợi, không hại, ra trước công chúng phần lớn đều được cưng chiều, nhưng xuất hiện trong tác phẩm của tôi lại thành lầm lẫn. Toàn thể hiện sai. Chính là kết quả của sự sáng tạo lại của nghệ thuật điện ảnh.
Khác biệt giữa điện ảnh với tiểu thuyết đại để ở chỗ cho ra sản phẩm của ý chí tập thể, rất nhiều người tham gia lao động, cuối cùng đều nêu ý kiến, đều “gửi gắm” những phẩm chất ưa thích của mình vào trong nhân vật, rốt cuộc trả về cho anh một con người hoàn toàn xa lạ. Đương nhiên, điện ảnh ngày nay trước tiên phải là lợi nhuận, được ưa chuộng tức là thành công, hỏi tôi về ý tưởng trong nguyên tác, tôi nào có định như thế, viết hàng lô lốc những thứ dớ dẩn kia chỉ để dựng cho quần chúng một con người tốt. Đúng như lời người phê bình, tôi toàn viết những thứ “láo lếu”. Những lời nói có vẻ đầy nhiệt tình kia thật ra là trêu chọc. Cái thú trêu chọc người khác bắt nguồn từ cảm giác thâm căn cố đế: hơn người. Đúng vậy, tự nghĩ mình “siêu”, có sức nhào nhồi, có tài lập thân lập ngôn, rơi xuống đáy của xã hội mà không hay biết, thịt nát xương tan cái miệng vẫn còn, cho nên nói năng tự cao tự đại, như sống trong mơ, không hòa đồng cũng chẳng hòa tan. Là dạng thích ra oai, là lưu manh giả trượng nghĩa, không cam tâm sống đời hiu quạnh, nhưng rồi chẳng qua vẫn chỉ là hạng cười gắng nói gượng vô danh tiểu tốt.
Hồi nhỏ, tôi là đứa bé hư, quen nhận từ xung quanh những trách mắng và “lừ mắt”, như thế mới cảm thấy mình là mình. Bỗng một ngày, tiếng vỗ tay vang lên, lại còn có người đi theo, tôi hoang mang mất phương hướng, cảm giác đó thật lạ lẫm, đột ngột, vừa dễ chịu vừa không thoải mái, cùng lúc với dễ chịu thường là không tự nhiên, hay đó là sa ngã?
Còn nhớ năm ấy đọc được bài phê phán đầu tiên dành cho mình (trước đó cũng đã có, tôi muốn nói loạt mới khi tôi bắt đầu để mắt tới). Bài do một kẻ nhàn rỗi viết ra, đăng trên Nhật báo Bắc Kinh số cuối tuần. Nội dung phê phán không nhớ nữa, cũng chẳng quan trọng, tóm lại là nói tôi không tốt, chẳng có chỗ nào được, cũng chẳng sao, quan trọng là bài phê bình khiến cảm giác của tôi thay đổi, có thể miêu tả là “cả trái tim rơi tọt xuống ổ bụng”. So với những động viên, khen ngợi từ sau lưng, những công kích, chửi mắng vỗ ngang trước mặt càng khiến tôi nhìn rõ mình đang ở đâu, mình là cái thứ gì, nhờ vậy càng giữ được bản chất - ý tôi là: tính ăn miếng trả miếng của chó sói. Làm sói thực ra tôi không ham, thành chó tôi cũng chẳng thích, so sánh hơn thiệt phải chọn cái đỡ thiệt hơn. Đây chính là cái lợi và sự cần thiết của kẻ thù. Tôi nghĩ tôi cần kẻ thù còn hơn cần bạn bè chiến hữu. Dĩ nhiên, tôi không muốn nói người phê phán tôi đều là loại kẻ thù vác súng bắn, đó chỉ là phép tu từ, nếu nói thế không ổn, tôi rất vui lòng gọi đó là những người sáng suốt, ra roi chỉ lối.
Đó là lời nói thật, tôi cảm ơn những người phê phán tôi. Chính những phê phán “buốt tai” đó giúp tôi nhìn rõ hơn những thứ bị “trông gà hóa quốc”. Tôi nghĩ trước thực tại đó mình cũng không nên quá tiêu cực, nói cách khác là cự tuyệt với nó. Bị hiểu lầm vốn là cái nghiệp của người diễn đạt, cũng chẳng nên coi tất cả những người đó là ngu dốt hết thuốc chữa hoặc nhận định có âm mưu này khác. Một phần nguyên nhân chắc chắn là ở bản thân, chính mình diễn đạt có chỗ mâu thuẫn, để người khác túm được gáy. Tôi nghĩ có một lối viết truyện có thể đem cuộc sống mà tôi nhìn thấy - cái diện mạo vốn có của nó - lột tả một cách chân thực. Kể cũng khá thú vị, đối mặt với những phê phán và mô phỏng chế giễu, tôi lại cảm thấy tư liệu cuộc sống của mình đầy đủ và tròn trịa, vẫn giữ được sự mới lạ khi chưa bị người ta khám phá, nhận biết, giữ được hương vị hoang dã, trinh nguyên. Điều đó quả thực không gì sánh nổi, cho một người viết lách ngót chục năm mà vẫn còn rất ham muốn sáng tác. Nó cũng có nghĩa là tôi vẫn còn cơ hội xây dựng một diện mạo mới mẻ, bước lên một bậc cao hơn, hoặc nói cách khác là lại tìm thấy chốn đào nguyên trong văn học.
Có thể chỉ là tôi đang quan trọng hóa mình quá mức, quá bận tâm với chính mình, không đủ thoải mái ung dung, làm hỏng mất tác phong của kiểu người như chúng tôi. Thế thì đã sao nhỉ? Thì coi như tôi còn thiển cận đi.
Mời các bạn đón đọc Trông Lên Rất Đẹp của tác giả Vương Sóc.