Ký ức tuổi thơ trong một số tác phẩm được giải năm 1995 ở Pháp
(trích)
Đặng Thị Hạnh
Hầu hết các giải thưởng văn học lớn ở Pháp đều được trao vào cuối mùa thu hàng năm, còn được gọi là mùa khai diễn lại.
Năm nay, cuốn Di chúc Pháp của Andrei Makine, giải Goncourt, được giới báo chí khen ngợi nhiệt liệt: “Di chúc Pháp mùa thu năm nay sáng ngời lên với một ánh rạng rỡ đặc biệt. Một cuốn tiểu thuyết hay”. (Báo Le Figaro). “Một sự tráng lệ yên bình, chắc chắn đó là một trong những tiểu thuyết vào đời hay nhất của những năm gần đây. (Báo Le Croise). “Andrei Makine đã viết một kiệt tác. Một kỳ công về văn xuôi, một tiếng nhạc khiến ta sững sờ, như thể Tchékhov viết bằng tiếng Pháp” (Báo Elle).
*
Gần mười năm sau khi rời khỏi đất Nga sang Pháp, người kể chuyện hồi tưởng lại về thời thơ ấu và tuổi mới lớn của mình, sống chia sẻ giữa một thành phố lớn bên bờ sông Volga (nơi bố mẹ ở) và thị trấn Saranza ở vùng Ukraine là nơi người bà ngoại gốc Pháp ở.
Trong nhiều năm, theo một tập quán không thay đổi, trên một ban công giữa vườn, mỗi chiều hè, người bà lại kể cho hai chị em cậu bé những mẩu chuyện về nước Pháp, quê hương của bà, những mẩu chuyện rời rạc, có khi lặp đi lặp lại, điều mà cả người kể lẫn người nghe đều không mấy quan tâm, đối với đứa trẻ, mỗi chuyện kể hay đều có thể nghe đi nghe lại mà không biết chán. Cùng với an bom gia đình, những bài dân ca, thơ văn các nghệ sĩ nổi tiếng, rồi những kỷ vật, vài hòn cuội, một mẩu kim loại bí ẩn… các câu chuyện kể cứ làm hình thành dần trong đầu óc cậu bé, một hình ảnh về nước Pháp, giống như những mẩu trong một bức tranh ghép mảnh. Mở đầu của mọi chuyện, chắc chắn là chuyện kể về Paris vụ lụt mùa đông năm 1910: sông Seine biến thành biển, dân Paris lênh đênh trên những con đò, và nước Pháp của bà ngoại đi lên từ sóng nước như một hòn đảo Atlantide. Nhưng liền ngay sau đó lại là một Paris khác, rực rỡ ánh xuân, đang chờ đón Sa hoàng Nicolas đệ nhị và Hoàng hậu Alexandra. Cả hai xuất hiện trẻ măng, đẹp đẽ Nhiều năm sau, người kể chuyện (lúc ấy còn là người nghe chuyện) mới biết là sự kiện ngoại giao lớn, Paris đón Sa hoàng, là xảy ra vào năm 1896, trước vụ lụt hàng chục năm. Nhưng mọi sự sai niên đại đều chẳng quan trọng gì. Điều quan trọng là trên ban công ngôi nhà của Charlotte, tên người bà, mỗi chiều hè “giống như cái bình cầu cổ dài của một nhà luyện kim, trong đó diễn ra sự chuyển vi nguyên tố của quá khứ”: điện Elysée xuất hiện trong ánh lấp lánh những đèn chùm gương soi, nhà hát Opéra sáng rực vì những đôi vài trần phụ nữ, còn Nhà thờ Đức Bà lại khiến ta cảm thấy rợn người vì chất đá lạnh toát dưới bầu trời vẩn mây…
Cứ như vậy, cho dù các giấc mộng chiều hè đó mỗi năm một lần lại lùi ra xa, mờ đi sau đám sương thu và những cơn bão tuyết đầu tiên- cậu bé trở về với cuộc sống học sinh và thành phố - thì cái mà sau này cậu sẽ gọi là Francité (tính Pháp) vẫn cứ đọng lại như những “địa tầng” trong tâm hồn cậu, cùng với cái đó là những xung đột giữa hai bản ngã khó dung hòa. Cũng như chính tác giả, người kể chuyện cảm thấy “mình vừa là Pháp, lại vừa là Nga: và không ở đâu, tính đối nghịch đó lại biểu hiện rõ như trong ngôn ngữ: “Khi tôi đọc (từ Tsar) bằng tiếng ngan thì một tên bạo chúa tàn ác đứng sừng sững trước mặt tôi, trong khi đó từ “Tsar” trong tiếng Pháp lại tràn ngập ánh sáng, tiếng động, gió, ánh đèn chùm, những vai trần phụ nữ lấp lánh…” Ngôn ngữ, cái mầm ghép hoang đường… Rất lâu sau này, người kể chuyện mới có dịp thể nghiệm cái chất liệu bí ẩn này, nhưng chắc anh sẽ khó thành công nếu ngay từ thời thơ ấu, trong con người anh, trong ngôn ngữ anh, đã không mang tính kép, cái mà có lúc anh đã muốn rũ bỏ cho kì được. “Thói ủy mị Pháp đã ngăn trở không cho tôi sống”: lớn dần lên, cậu bé đã nhận ra như vậy, khi cảm thấy mình lạc lõng giữa cái xã hội mini là trường học, bạn và thầy. Vào một mùa hè, khi cậu đã 14 tuổi, cậu trở về Saranza với “ý định kết thúc với cái nước Pháp của Charlotte”, thì một lần nữa, cậu lại ra đi với bao nhiêu khám phá về bản thân mình, về ngôn ngữ, nhất là về người bà của mình, đơn giản chỉ vì bà xuất hiện dưới bầu trời Nga “như một con người- ngoài trái đất” nhưng lại đã “hội tụ được trong cuộc đời mình các thời điểm mấu chốt của lịch sử nước chúng tôi”.
*
Từ ngày ấy, gần hai mươi năm đã trôi qua. Bị cuốn theo những biến động xã hội người kể chuyện nay đã ở trên đất Pháp. Và điều gì đã xảy ra? Về những tháng dài nghèo khổ và lang thang trên đất Pháp, anh sẽ rất ít lời. Xuống đến tận cùng của tuyệt vọng, có lúc anh đã nghĩ đến cái chết, nhưng chính một hồi ức của tuổi thơ lại đã cứu anh. Vào một sáng tinh mơ, khi anh gần như quỵ xuống cạnh một bức tường: Lũ tháng giêng 1910, những dòng chữ trên xuất hiện như nhờ phép lạ trên một tấm kim loại đã gỉ, đen xì. Và ngay tức thì, cả một quá khứ ùa trở lại: “… Sức nóng của một thành cầu thang gỗ trên cái ban công treo giữa không trung vào một chiều hè. Những mùi hương cỏ, khô và cay cay. Tiếng kêu xa xôi và buồn bã của một đầu tàu… Tiếng giấy nhẹ sột soạt trên lòng người đàn bà đang ngồi giữa hoa. Mái tóc đã điểm bạc. Giọng nói của bà…”Đến đây điểm nhìn của người kể chuyện đã đảo ngược lại, thời ấy còn là nước Pháp nhìn từ nước Nga qua truyện kể của bà, bây giờ lại một hồi ức về đất Nga nhìn lại từ nước Pháp.
Cũng như vậy, trong hai mươi trang cuối chuyện, tình huống sẽ bị rạt lại. Trong hơn hai trăm chín mươi trên ba trăm linh bẩy trang của cuốn tiểu thuyết, người kể chuyện chỉ làm có một việc là vẽ lại cho chúng ta sự hình thành của tính Pháp trong con người anh. Vậy mà khi anh tưởng như đã có điều kiện để đưa người bà trở về thăm nước Pháp thì một bức thư của Charlotte viết trước khi và mất: Di chúc Pháp lại là để nói với anh về đời một người đàn bà Nga, mẹ của anh: bà đã đón từ tay của một phụ nữ Nga bị chết trong trại tập trung, và đã hứa với người đó chỉ báo cho anh biết điều này vào thời điểm chậm nhất. Vậy là tất cả những gì mà suốt thời gian qua anh coi như biểu hiện của tính Pháp di truyền trong anh đều không có, hoàn toàn không có.Nhưng đấy cũng là điều kiện để anh nghĩ tới sự hiện diện của người bà, “kín đáo và tự nhiên như chính cuộc sống vậy. Đối với tôi, duy nhất chỉ còn thiếu các từ để nói lên điều đó”.
Cũng giống như kiệt tác của Proust, khi chuyện kể đóng lại là lúc báo hiệu cuốn tiểu thuyết sẽ bắt đầu.
*
Trên đây chỉ là tóm tắt sơ lược của truyện kể và khó có thể hình dung một tác phẩm hay nếu không biết đến văn viết. Nhưng đấy là việc của người đọc, không ai có thể làm thay. “Mỗi độc giả trước tiên là độc giả của chính mình. Với văn phong trong sáng, dễ hiểu, với cốt truyện giản dị. Di chúc Pháp vẫn là một tác phẩm phức hợp, có thể được đọc ở nhiều tầng. Trong phạm vi bài này không thể nói tới các âm hưởng khác nhau có thể tìm thấy trong tác phẩm. Nhưng một điều có thể nhận thấy ngay, là người độc giả Việt Nam đã quen với tiểu thuyết Na và Xô viết trước đây (tuy bây giờ dường như chúng đã bị xếp xó) sẽ nhận thấy trong người đàn bà gốc Pháp nhiều nét gợi nhớ tới các nữ nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Nga, và cả trong các tác phẩm Xô viết họ đã đọc. Còn một số độc giả khác sẽ nhạy cảm với “tiếng nhạc nhỏ của các hồi ức Proustienm cứ đệm theo dòng chuyện kể, gợi nhớ “những giây lát không trôi qua”, cái sẽ còn lại mãi mãi phía trên dòng thời gian luôn chảy./.
“(…) tôi ghi lại đây tên thật những người ấy với một niềm thích thú trẻ nít cùng niềm xúc động sâu xa, trong khi không thể kể hết tên bao người khác nữa hẳn cũng đã từng hành động tương tự và nhờ họ mà nước Pháp vẫn tồn tại đến ngày nay (…)”
MARCEL PROUST
Thời gian tìm lại được
“Người dân Xibêri có bao giờ xin ông trời cây ôliu, hoặc người dân cứ Provence cây klukwa?”
JOSEPH DE MAISTRE
Những tối đàm luận ở Saint Petersbourg
“Tôi hỏi nhà văn Nga cách thức ông làm việc và lấy làm ngạc nhiên là ông không tự dịch bản viết, mặc dù ông nói một thức tiếng Pháp hết sức trong sáng, hơi chậm rãi tí chút do lối suy nghĩ tinh tế của ông.
Ông thú thật là Viện Hàn lâm với pho từ điển của nó khiến ông buốt cóng.
ALPHONSE DAUDET
Ba mươi băm ở Paris
***
Andreï Makine sinh ngày 10/9/1957 tại Krasnoyarsk, Xô Viết.
Năm 1987, ông sang Pháp là thành viên của chương trình trao đổi giáo viên và quyết định ở lại. Quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông La fille d'un héros de l'Union soviétique (A Hero's Daughter) được xuất bản năm 1990, khi ông trình bày rằng nó đã được dịch từ tiếng Nga, vì không nhà xuất bản nào tin rằng ông có thể viết bằng tiếng Pháp. Với quyển tiểu thuyết thứ ba, Au temps du fleuve Amour (Once Upon Love River), ông mới được công nhận là một nhà văn Pháp. Và đến quyển tiểu thuyết thứ tư, Le Testament Français (Dreams of My Russian Summers), năm 1995, ông trở thành tác giả đầu tiên chiến thắng được cả hai giải thưởng văn học hàng đầu nước Pháp Prix Goncourt và Prix Médicis.
Năm 2001, Andreï Makine bắt đầu bí mật xuất bản dưới bút danh Gabriel Osmonde với tổng cộng 4 quyển tiểu thuyết trong hơn 10 năm. Đây là một bí ẩn của nền văn học Pháp. Mãi đến năm 2011, một học giả nhận thấy quyển Les 20 000 Femmes de la vie d'un homme của Osmonde được lấy cảm hứng từ Le Testament Français (Dreams of My Russian Summers) của Makine, sau đó sự việc mới được sáng tỏ. Khi được hỏi tại sao lại sử dụng bút danh, ông đã trả lời rằng: “Tôi muốn tạo ra một người sống xa sự ồn ào náo nhiệt của thế giới”.
Các tác phẩm:
- La fille d'un héros de l'Union soviétique , 1990 (A Hero's Daughter , 1996)
- Confession d'un porte-drapeau déchu , 1992 (Confessions of a Fallen Standard-Bearer , 1996)
- Au temps du fleuve Amour , 1994 (Once Upon the River Love , 1996)
- Le Testament français , 1995 (Dreams of My Russian Summers , 1997)
- Le Crime d'Olga Arbelina , 1998 (Crime of Olga Arbyelina , 2000)
- Requiem pour l'Est , 2000 (Requiem for a Lost Empire , 2001)
- La Musique d'une vie , 2001 (A Life's Music , 2004; also published as Music of a Life)
- La Terre et le ciel de Jacques Dorme , 2003 (The Earth and Sky of Jacques Dorme , 2005)
- La femme qui attendait , 2004 (The Woman Who Waited , 2005)
- L'Amour humain , 2006 (Human Love , 2008)
- Le Monde selon Gabriel , 2007
- La Vie d'un homme inconnu , 2009 (The Life of an Unknown Man , 2010)
- Cette France qu'on oublie d'aimer , 2010
- Le Livre des brèves amours éternelles , 2011
Dưới bút danh Gabriel Osmonde:
- Le Voyage d'une femme qui n'avait plus peur de vieillir, 2001
- Les 20 000 Femmes de la vie d'un homme, 2004
- L'Œuvre de l'amour, 2006
- Alternaissance, 2011
Mời các bạn đón đọc Di Chúc Pháp của tác giả Andrei Makine.