Chiến trận là tác phẩm mở đầu cho một loạt tiểu thuyết tiếp theo: Danh nhân (chân dung người cha), Thế giới rất gần (về đám tang người cha) và Quà tặng (chân dung người mẹ), kết thúc bằng Như ở trên trời (về cảnh chia li), tất cả hợp thành một bộ sách về gốc gác con người.
Khi viết về chiến tranh người ta thường nhắc nhiều tới máu, súng đạn và nước mắt. Tác giả người Pháp nhìn chiến tranh từ một góc khác, không trực diện nhưng xuyên thấu nỗi đau.
Giải Goncourt năm 1990 đã vinh danh tiểu thuyết Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) của Jean Rouaud để cổ vũ cho nỗ lực làm mới một đề tài tưởng như đã sáo mòn. Tác phẩm như một làn gió mới trong các sáng tác về đề tài chiến tranh của văn đàn Pháp lúc bấy giờ. Nỗi đau của cả nhân loại được cảm nhận từ khung cửa sổ của một gia đình trung lưu ở vùng ngoại ô theo cách riêng.
Khi cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất đang trong giai đoạn khốc liệt cho đến cuối những năm 80 của thế kỉ 20 đã có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc binh lửa tàn khốc này. Với những tác giả là người lính từ chiến trường trở về, họ mang cái nhìn trực diện về chiến tranh vào trong tác phẩm. Đôi khi hiện thực được lột tả sát tới mức chúng ta tưởng chừng có thể ngửi thấy mùi thuốc súng trên trang giấy.
Là một nhà văn sinh ra khi cả hai cuộc Đại chiến Thế giới đã trở thành quá khứ, Jean Rouaud không cố tình đóng vai là “người trong cuộc” để viết về cuộc chiến như cách mà một số nhà văn ở thế hệ ông đã làm. Tác giả viết về chiến tranh bằng tâm thế và góc nhìn của một con người sinh ra sau chiến trận. Những trang văn không nồng nặc mùi thuốc súng nhưng vẫn khiến người ta day dứt.
Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, mang âm hưởng của một cuốn hồi ký gia đình. Từ chính câu chuyện của gia đình mình, tác giả đã khắc họa sâu sắc nỗi đau dai dẳng của chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ trước, dưới mái nhà mà ông đang sống, đã diễn ra những cuộc tiễn đưa khiến người ta hoảng sợ.
Những người đàn ông và có cả những chàng trai trẻ khoác lên mình bộ quân phục và đi về phía bom đạn. Sự khốc liệt của chiến tranh đã vĩnh viễn cướp họ khỏi vòng tay người thân. Nhưng những người lính ấy không bao giờ chết. Họ vẫn sống trong ký ức của người thân. Một thứ ký ức buồn và dai dẳng như màn mưa dai dẳng của vùng Loire-Inferieure.
Đọc những trang đầu của Chiến Trận (Chiến trường vinh quang), nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: “Liệu đây có phải là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký về gia đình?”. Trong những chương đầu, tác giả tập trung miêu tả các thành viên trong gia đình với một bút pháp tỉ mỉ và tinh tế đến lạ lùng, làm cho người đọc có cảm giác như đang xem một cuốn phim tư liệu.
Nhà văn dành một tình cảm đặc biệt cho bà cô Marie, một con người sùng đạo, cả đời không kết hôn và nguyện phụng sự cho Chúa. Đây cũng chính là nhân vật mở nút cho cuốn tiểu thuyết tưởng chừng không có kịch tính này.
Trước lúc lâm chung, bà Marie liên tục nhắc đến cái tên Joseph. Cái tên gợi cho tác giả nhớ đến người cha tội nghiệp của mình, người ra đi vì bệnh tật khi chỉ mới 40 tuổi. Nhưng không, ông đã nhầm, trong đại gia đình còn một thành viên khác cũng mang tên Joseph. Đó là người anh trai tội nghiệp của bà Marie, người đã tử trận năm 1914, khi mới 26 tuổi. Một chàng trai chưa nếm vị ngọt của hôn nhân và còn nhiều hoài bão.
Vì đau lòng, vì không muốn những người lính thoát chết trong trận can qua cảm thấy tội lỗi, mọi người tránh không nhắc tới ông. Nhưng ông vẫn tồn tại theo cách của riêng mình. Cả đại gia đình đã thực hiện một cuộc hành trình về lại chiến trường xưa để tìm di cốt những người đã ngã xuống. Những người chiến đấu vì đất nước nhưng giờ đây không còn một nắm xương tàn.
Với Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) Jean Rouaud đã chọn một lối kể chậm rãi, chi tiết và tinh tế, tạo nên một văn phong không lẫn lộn. Nhà văn giống như một nhà điêu khắc đang tỉ mẩn đục đẽo từng con chữ. Càng về cuối tác phẩm, sự khốc liệt và tàn nhẫn của chiến tranh mới lộ rõ. Ở đó, không chỉ có súng đạn, máu và nước mắt. Bom hóa học và những quyết sách lạnh lùng của nhà cầm quyền còn khiến chúng ta ghê sợ hơn nhiều.
Bằng một cách dẫn dắt rất riêng, nhà văn người Pháp không phơi bày tất cả hiện thực ra trước mắt người đọc. Ông kín đáo giấu nó vào sâu trong những câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan. Đó là cách Jean Rouaud định vị bản thân và làm mới những đề tài tưởng chừng đã cũ. Lịch sử của một quốc gia là một thứ rất vĩ đại, nhưng đôi khi nó được xây nên từ chính hồi ức của từng gia đình.
***
Jean Rouaud sinh ngày 12/12/1952, ông nghiên cứu văn học hiện đại tại trường Đại học Nantes. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Jean Rouaud làm nhiều công việc khác nhau như bơm khí hay bán bách khoa thư y tế. Năm 1978, ông cộng tác với tòa soạn Presse – Océan. Sau khi chuyển đến Paris ông làm việc trong một hiệu sách rồi bán báo. Năm 1988, Jean Rouaud gặp Jérôme Lindon, giám đốc cũng là tổng biên tập của NXB Minuit, người đã phát hiện ra tài năng văn chương của ông.
***
Tóm lại, đó là quy luật “Họa vô đơn chí” mà đột nhiên chúng tôi khám phá ra sự bí mật sắp đặt buồn thảm của nó – thực ra từ xưa điều bí mật này đã được phát hiện song mỗi lần bị che phủ lại được vén lên, vùi dập một cách phũ phàng, làm cho chúng tôi ngơ ngác, u mê vì buồn phiền. Chính ông ngoại đã bưng bít cái quy luật ấy theo phương cách chẳng mấy tác dụng: “Chúng mày hãy chôn nó vào góc sâu kín nhất trong đầu đi”. Nhưng sự việc thì tự nó cứ tiếp diễn, như học bài mãi mà chẳng thuộc. Và lời nói của ông như miếng đòn thừa chẳng ai để ý, song đối với ông thật cần thiết. Một buổi tối, chẳng có nguyên cớ gì, ông mắng chúng tôi một trận thậm tệ. Chuyện này có thể do tuổi tác, nhưng vào tuổi bảy mươi sáu, ai bắt ông phải nghe theo. Những dấu hiệu gần đây cho thấy ông đã lẩm cẩm so với vẻ ngoài ông cố tỏ ra. Một con người cổ lỗ, bí hiểm, khó gần và hay đãng trí. Sự lập dị cộng với vẻ cầu kỳ quá đáng trong cách ăn mặc cũng như phong thái khiến ông có gì đó giống người Tàu. Hình hài của ông cũng vậy, cặp mắt nhỏ nứt rạn, đôi lông mày dựng như góc các nóc chùa chiền, màu da vàng bợt không phải do gốc gác giòng giống Á châu mà vì hút quá nhiều thuốc lá, một loại thuốc cực hiếm chỉ còn thấy mỗi mình ông hút – gói thuốc xanh màu hạnh nhân, dòng chữ cũ rích, có lần chúng tôi hỏi thì ông trả lời là đã đem từ nước Nga xa xôi về, một lần khác, ông nói với một thái độ nghiêm túc là đã đưa về từ Pampelune[1]. Nhưng điều chắc chắn loại thuốc ấy không còn được sản xuất nữa vì sự độc hại chết người của nó. Song quả thực ông thích hút loại này, như chỉ dành cho riêng ông. Ông đốt hết điếu nọ đến điếu kia, cả khi đang lái chiếc 2 CV[2] chẳng khác nào một cuộc biểu diễn chế ngự dã thú ngẫu hứng. Cái đầu mẩu thuốc lá hút xong đang kẹp giữa hai ngón cái và trỏ thì điếu tiếp theo đã nằm ở khóe môi rồi.
Ông chú mục vào cái điểm đỏ đầu điếu thuốc hơn là bận tâm đến con đường, điều khiển xe phong thái nhẹ nhàng, từng lọn khói nhỏ ra, lan tỏa, hội tụ thành làn mỏng và chả mấy chốc trở nên đậm đặc, như một đám mây dày, đặc quánh bao quanh. Đầu hơi ngả ra phía sau, tránh lóa mắt, tay xua tan bớt khói thuốc, dương cùi chỏ nâng tấm kính cửa phía dưới, ném mạnh mẩu thuốc ra ngoài, mắt vẫn chẳng ngó ngàng tới lòng đường, ông tiếp tục điều khiển vô lăng một cách tùy tiện làm đám người đi đường chạy tán loạn: sự cẩn thận đã bị tuổi già làm cùn nhụt, hay sau một cuộc đời từng trải, đầy biến động, ông tự cho mình có cái quyền được miễn trừ nào đó. Rồi kết cục là chẳng mấy ai dám đi cùng xe với ông nữa. Mấy người anh em họ trẻ tuổi có lần đã bày trò (việc này đâu chỉ xảy ra vài lần) là cuốn quanh đầu một chiếc khăn phu-la hay chiếc cà-vạt mượn các ông bố và ngồi vào bên cạnh ông cụ, gào to lên rằng “Phi công cảm tử muôn năm”[3]. Dùng khăn vẫy cùng với những giọt nước mắt vờ vĩnh bày tỏ sự tử biệt có lẽ là tốt nhất. Mọi người nghĩ rằng xe chạy chậm thì chẳng có gì nguy hiểm cả, ấy thế mà mối nguy lại ở chỗ xe cứ liên tục chạy lấn vào vạch vàng, lảng sang tận phía đường bên trái, trườn cả lên bờ đường lở nham nhỏ. Chiếc 2 CV rung lên chuyển động một cách nặng nhọc qua ngã ba, ngã tư cực kỳ nguy hiểm để cuối cùng mọi người xuống xe mặt mũi tái xám như một lũ ma.
Những biện pháp tế nhị như dùng đèn chiếu ra hiệu cho ông phải đi cẩn thận chẳng có tác dụng gì sất. Vì cái vai trò ấy đã bị coi là không cần thiết, người ta thấy ở đây thái độ bất chấp mọi điều khiển - rồi điệu bộ quay chiếc vô lăng tưởng tượng trong không khí của người đi đường như nhắc ông thận trọng thật khôi hài. Chúng tôi biết ông có đủ mọi tính nết của một kẻ lăng xăng, nên chỉ mất thì giờ bắt ông phải cẩn thận. Chúng tôi kịp khoát tay ra hiệu cho ông rằng chướng ngại vật hiện chỉ còn cách vài centimét, ông chán nản nhìn qua làn khói thuốc, bình tĩnh chờ cái “pa-rơ-sốc” báo hiệu mối hiểm họa. Vì trò chơi ấy mà thùng xe bị bẹp dúm dó nhiều chỗ, méo mó cả cánh cửa. Chiếc xe mang biệt danh Bobosse đã từng chiến thắng vì thành tích méo mó. Dù luôn biết điều đó, ông vẫn tỏ ra hết sức thờ ơ lãnh đạm để không bị xúc động, trong suy nghĩ, ông đã coi chúng tôi chỉ là lũ trẻ ranh thò lò mũi xanh hay một cái gì đại loại như vậy. Có lẽ ông đã chế giễu thật sự.
Trời mưa như trút, một hiện tượng hiếm thấy ở vùng ven biển Đại Tây Dương,chiếc xe 2 CV nặng nhọc trườn lên trong gió thốc, lắc giật trong mưa gió tứ bề, như chiếc tàu buôn gặp nạn trên đại dương vì đã không tin vào dự báo thời tiết. Mưa xối ào ạt trên mui xe, tạo nên cảm giác chênh vênh, lo lắng. Sấm sét ầm ầm đe dọa, làm rung chuyển cái buồng lái nhỏ hẹp, như tiếng gọi từ đáy âm ty. Mới đầu là một giọt rồi đến hàng loạt giọt nhỏ li ti thấm qua trần xe, kết thành màng nước lớn dần lên nhanh chóng, dần dần, lung linh, rơi thẳng xuống đầu, tay, đầu gối chúng tôi. Và nếu như còn chỗ trống trên mặt ghế, nước mưa đọng lại, chảy thành rãnh, phải dùng khăn lâu khô mới ngồi được. Hệ thống đồng hồ cổ đo thời gian chạy bằng nước cứ loạn xị vì nước từ mọi phía chảy xuống tạo thành giọt không đều và rôi không đúng lúc. Nước mưa tóe ra từ các vết nứt nham nhỏ ở khe cửa. Cố gắng bắt chước ông, chúng tôi tỏ vẻ thờ ơ với cơn mưa bụi nhưng làm ướt đẫm chẳng khác một trận mưa rào, cùng ông điềm tĩnh xông pha trong bão táp như vượt qua một bức tường vô hình, xác minh “tất cả những cái ấy” (Thỉnh thoảng ông vẫn có lối diễn đạt nước đôi chán ngắt như vậy) thực ra xét cho cùng đó là một chuỗi định kiến, mà mưa gió chỉ là một lý do, đúng hơn là một nỗi gian truân, một tia sáng lấp lánh ảo ảnh toàn năng. Điều này chỉ phù hợp với những lúc tinh thần đạt đến độ hưng phấn tột đỉnh, thân xác nhẹ bềnh bồng lâng lâng - hay ít ra cũng ở trong những chiếc xe đầy đủ tiện nghi êm ru, không thấm nước mưa, tạo nên cảm giác như đang chu du trong một đám mây. Nhưng trong xe này, từ những cánh cửa hoen gỉ, rỉ sắt sùi lên, bắn vượn vãi những vết lấm ố vàng trên đệm ghế, phải thừa nhận trong suốt hàng chục kilômét thái độ của ông thật lì lợm và chỉ sau vài phút định thần theo lối ngồi thiền Yoga, ướt sũng, thấy thực tại quá tồi tệ, phũ phàng, ông mới chịu đựng những thứ quyền uy lễ giáo qua những việc đần độn đại loại như vậy tuổi thơ chúng tôi bị xô đẩy, mất thăng bằng trong sự phân rã mỏi mòn của cơ thể sống.
Những giọt nước nhỏ li ti thấm qua trần, bay xiên trong lòng xe làm tức tối khó chịu, kích thích trí tò mò và tạo nên không khí thật hài hước. Đợi chờ cái điều kỳ diệu là giọt nước bứt ra bay sướt qua người như trôi trên đầu vịt, kích động chúng tôi nghĩ ra trò đùa tinh nghịch với những giọt nước. Chúng bắn nhanh thẳng căng hoặc mềm mại, ngưng đọng thành giọt trước khi tham gia vào cuộc chơi. Những giọt nước rơi không chủ định vào khóe mắt, thái dương, gò má, hoặc nhằm thẳng vào lỗ tai, không thể tính được bao nhiêu giọt, một tham số cực kỳ phức tạp đến mức không có cách gì phòng ngừa trước được hay chí ít tìm cách chui đầu vào một chiếc túi. Cuộc chơi như trận thủy chiến thô sơ, đơn giản là khi một giọt nước mạnh hơn chạm vào làm chúng tôi giật bắn lên, mọi người chỉ cùng hét lên: “Chạm rồi”. Trận thủy chiến ấy tạo ra cảm giấc chúng tôi như những cái bia của một thiện xạ vô hình nào đó. Luật chơi duy nhất là trung thực, không được né tránh, phải tỏ rõ sức chịu đựng dày dạn trước những giọt nước vô hại. Và rồi một cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh trò chơi này, tất nhiên vẫn giữ thái độ trong một giới hạn nhất định, không được bốc cao giọng. Vì trong chiếc 2 CV của ông là một nơi rất quan trọng - cho dù vỏ xe đã rách mướp thảm hại, khoang thì như một xà lim.
Chỉ một lần duy nhất ông tham dự vào cuộc chơi của chúng tôi, ấy là lúc một giọt nước rơi xuống treo trên đầu mũi ông trông như tàn hoa nến, rồi từ trong im lặng bật ra một câu nói ẩn ý, pha lẫn tính cách đe nẹt, một thứ giọng hiếm khi dùng: “Cái mũi hỏng quá”[4]. Ngay lập tức, chúng tôi nín bặt, mới đầu cảm thấy khó chịu vì bị người lớn gây phiền nhiễu can thiệp vào cuộc chơi, nhưng rồi khi ngạc nhiên qua đi, như tin tốt lành mách bảo rằng cậu bé già nua hư hỏng trong ông đã trở về nhà: ông chẳng có gì xa lạ, cũng đã có những trò chơi như chúng tôi, chúng tôi tưởng tượng đến tuổi thơ của ông với những kỷ niệm cũ càng - thế là để giảm bớt không khí nặng nề và cũng có thể để biểu thị một thứ uy lực trong lúc ông đang lơ đễnh, chúng tôi cười phá lên, phải thoát, song cái cười ấy cũng là để giấu diếm sự chậm hiểu của chúng tôi đối với trò chơi chữ: cái mũi này đã chấm dứt một cách lý tưởng chiến trận của chúng tôi, rồi khi không lý giải được mục đích cuộc chơi, chúng tôi đành chịu bó buộc lặp đi lặp lại mãi cái quy tắc đáng thương ấy. Trò nghịch nước ngẫu hứng trong chớp mắt, lời nói của ông đã làm cho cạn kiệt, tỏ rõ dứt khoát là không được tiếp tục nữa. Từ lâu, những mệnh lệnh kiểu ấy là một thứ biên bản ghi nhận những điều tỉnh ngộ của chúng tôi nhân các tai họa xảy ra trong gia đình: sữa trào ra khỏi xoong, đèn không đủ sáng, xe tuột xích, đồng hồ không lên cót. Lời nói ấy còn nhằm ngay cả với những người có trách nhiệm: “Cái mũi hỏng quá” với cha là lúc xe còn cách thị trấn vài kilômét thì hết xăng. Trước khi đi, ông đã trù liệu chuyện xăng dầu phải đủ đi đến nơi về đến chốn dù có phải chạy ngoằn ngoèo. Nếu ông đã đi du lịch chứng kiến nhiều việc thì ngôn từ diễn đạt của ông chắc hẳn đơn giản thông dụng hơn. Có lẽ phải tài tình lắm may ra một trăm năm tôi mới phục hồi được nguồn gốc ý nghĩa của cái nhóm từ ấy.
Mời các bạn đón đọc Chiến Trận của tác giả Jean Rouaud & Phạm Văn Ba (dịch).