Làm thế nào để dẫn dắt một tập thể giành được những thành công ở tầm thế giới trong suốt một thời gian dài? Sir Alex Ferguson là một trong số rất hiếm hoi những nhà lãnh đạo làm được điều này! Trong sự nghiệp 38 năm làm huấn luyện viên bóng đá, ông giành được tổng cộng 49 danh hiệu, đồng thời góp phần biến CLB bóng đá Manchester United trở thành một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới. Trong cuốn sách đầy cảm hứng và rất thẳng thắn này, Sir Alex tiết lộ với chúng ta những “bí mật” thú vị đằng sau sự nghiệp lừng lẫy của ông. Tác giả tập trung trình bày những kỹ năng quản lý và lãnh đạo mà ông xem là quan trọng nhất, cũng chính là những gì mà chúng ta ngay lập tức hình dung khi nghĩ về “phong cách huấn luyện của Sir Alex Ferguson”: kỷ luật, kiểm soát, tinh thần đồng đội và động lực thi đấu. Ngoài ra, tác giả không quên đề cập tới những khía cạnh dường như không nổi bật, nhưng không kém phần quan trọng trên con đường đi tới thành công, chẳng hạn như việc giao trách nhiệm và ủy quyền, phân tích dữ liệu, cách ứng xử trước những thất bại …
***
Năm 16 tuổi, khi rời trường trung học Govan ở Glasgow để bắt đầu học nghề làm thợ tại nhà máy Remington Rand cũng như bước vào cuộc đời bóng đá tại CLB Queen’s Park, tôi chẳng thể nào hình dung được rằng 55 năm sau mình có cơ hội đứng trong giảng đường của trường kinh doanh Harvard và chia sẻ về bản thân với các học viên một khóa học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại đây.
Trong lớp học đầu tiên mà tôi giảng, vào tháng 10-2012, giảng đường đã không còn chỗ trống. Từ bục giảng, tôi nhìn thấy các học viên kiên nhẫn ngồi chờ tôi trong các hàng ghế, với những tấm danh thiếp của từng người trước mặt họ, cùng rất nhiều người đứng nghe ngay tại các lối đi trong phòng học. Quang cảnh quả là ấn tượng, nhưng đó chính là minh chứng cho sức hấp dẫn của… Manchester United. Và không chỉ có MU, trong môn Marketing chiến lược thuộc khóa học Creative Industries (Các ngành kinh doanh sáng tạo – ND) tại đây, học viên còn nghiên cứu các tổ chức khác như nhà bán lẻ thời trang Burberry, công ty truyền hình cáp hàng đầu tại Mỹ Comcast; hãng Marvel Enterprises lừng danh với các bộ phim Spider Man và Iron Man; thậm chí các hoạt động kinh doanh của các ngôi sao ca nhạc Beyoncé và Lady Gaga.
Nhìn các học viên đang có mặt trong phòng học thuộc giảng đường Aldrich hôm đó, tôi thực sự ấn tượng trước sự đa dạng về chủng tộc, tuổi tác cũng như trình độ của họ. Họ có nhiều quốc tịch như… bất kỳ đội bóng nào thuộc Premier League, họ có những bằng cấp cao trong học thuật, đang hoặc đã từng làm việc cho những công ty thành công nhất trên thế giới. Tất cả đều là những người đang sẵn sàng hướng tới những năm tháng tươi đẹp và thành công nhất trong cuộc đời. Tôi không thể không có suy nghĩ rằng những người im lặng và sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin chính là những người có khả năng thành công nhiều nhất.
Tôi có cơ hội xuất hiện tại Đại học Harvard hồi tháng 10-2012 do một loạt hoàn cảnh tình cờ trước đó. Khoảng một năm trước, một giáo sư của trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) là Anita Elberse có liên hệ với tôi, vì bà quan tâm đến cách tôi quản lý CLB cũng như những thành công mà MU đã giành được. Sau chuyến làm việc trong vài ngày của Anita tại MU – bà bám sát tôi trên sân tập vào buổi sáng, rồi thực hiện các cuộc phỏng vấn tôi vào buổi chiều – kết quả là là một bài nghiên cứu của Harvard với tiêu đề Sir Alex Ferguson: quản trị Manchester United. Cùng thời gian đó, bà giáo sư mời tôi tới nói chuyện tại một lớp học của bà ở Boston. Tôi cảm thấy thích thú, tuy có đôi chút hồi hộp, và đã nhận lời.
Sau này nhìn lại, có thể dễ dàng thấy rằng buổi giảng hôm đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn chuyển tiếp trong sự nghiệp của tôi. Chúng tôi chỉ vừa trải qua vài tuần đầu tiên trong mùa bóng cuối cùng của tôi tại Old Trafford (lúc đó tôi chưa biết điều này!), và đầu óc tôi khi đó rất bận rộn. Năm ngoái chúng tôi đã để tuột danh hiệu vô địch Anh vào tay người hàng xóm Manchester City chỉ vì thua hiệu số bàn thắng bại, và chúng tôi đang rất quyết tâm thay đổi điều đó. MU khởi đầu mùa bóng rất mạnh mẽ: hai ngày trước khi tôi bay qua Boston, đội bóng đã giành chiến thắng 3-0 trước Newcastle ngay trên sân khách St James’ Park: trận thắng thứ 5 trong 7 trận đã đấu, giúp MU đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Premier League với 4 điểm sau Chelsea. Chúng tôi cũng chạy đà hoàn hảo cho chiến dịch chinh phục Champions League năm đó.
Nhưng lúc này đây, khi đứng trước lớp học MBA tại trường Harvard, tôi phải gạt mọi suy nghĩ về Premier League và Champions League sang một bên, để tập trung chia sẻ với học viên về những bí quyết đằng sau những thành công gần đây của CLB Manchester United.
Lớp học bắt đầu với Giáo sư Elberse cung cấp một tổng quan về những thành phần khác nhau mà tôi phải xử lý trong vai trò huấn luyện viên trưởng của Manchester United – cầu thủ và nhân viên, fan hâm mộ và giới truyền thông, Hội đồng quản trị và các chủ sở hữu câu lạc bộ. Tôi tiếp theo bằng việc chia sẻ với sinh viên những ý kiến của tôi về những yếu tố chính của vấn đề lãnh đạo. Sau đó tôi trả lời một số câu hỏi của sinh viên. Đó là phần lý thú nhất của buổi học và nó gợi lên những chủ đề mà khiến tôi phải suy nghĩ trong những ngày tiếp theo. Tất cả các sinh viên đều tò mò về việc làm thế nào tôi trở thành một người lãnh đạo, những cá nhân đã có ảnh hưởng to lớn đến cách tiếp cận cuộc sống của tôi, cách tôi cư xử với những anh chàng trẻ tuổi tài năng phi thường và được trả lương khủng, cách United duy trì được lòng khát khao đối với sự xuất sắc – và hàng loạt chủ đề khác. Và cũng dễ hiểu khi họ muốn biết về thói quen thường ngày của những tên tuổi như Cristiano Ronaldo và David Beckham.
Tôi phải mất một chút thời gian để điều chỉnh cho thoải mái với việc đứng trước một tấm bảng đen hơn là ngồi trong băng ghế huấn luyện cạnh sân vận động, nhưng tôi từ từ nhận thấy rằng việc giảng dạy cũng có một số điểm tương đồng với việc huấn luyện bóng đá. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất trong cả hai hoạt động này là truyền cảm hứng cho một nhóm người để họ thể hiện bản thân tốt nhất. Những giáo viên giỏi nhất là những người anh hùng thầm lặng trong bất kỳ xã hội nào, và ở lớp học đó tôi không thể không nghĩ đến Elizabeth Thomson, một giáo viên ở Trường Tiểu học Broomloan Road, người đã khuyến khích tôi học hành chăm chỉ và giúp tôi nỗ lực để được nhận vào Trường Trung học Govan.
Tôi đã dành hầu hết thời gian trong cuộc đời mình để khơi gợi những điều tốt đẹp nhất từ những người trẻ tuổi và lớp học tại Harvard đã cho tôi một cơ hội tương tự. Khi năm tháng qua đi, tôi nhận thấy rằng cả sự khao khát và sự trân trọng của tôi đối với nhiệt tình tuổi trẻ ngày một tăng lên. Người trẻ tuổi luôn đạt được những điều bất khả thi – cho dù đó là trên sân bóng, tại một công ty hay những tổ chức lớn khác. Nếu tôi điều hành một công ty thì tôi sẽ luôn luôn muốn lắng nghe suy nghĩ của những người trẻ tuổi tài năng nhất, bởi vì họ là những người kết nối nhiều nhất với thực tại của hôm nay và với viễn cảnh của ngày mai.
Những cuốn sách tôi đã viết trước đây về lòng đam mê bóng đá luôn đầy ắp những chi tiết về những cuộc cạnh tranh, những trận đấu và việc hình thành những đội bóng mà tôi đã chơi và huấn luyện. Quyển đầu tiên, A Light in the North: Seven Years with Aberdeen (Ánh sáng phương Bắc – 7 năm với Aberdeen), xuất bản vào năm 1985, hai năm sau chiến thắng tại cúp C2 châu Âu của Aberdeen. Vào năm 1999, sau khi Manchester United đạt được cú ăn ba – Premier League, cúp FA và UEFA Champions League – tôi đã cho xuất bản quyển Managing My Life (Quản trị đời tôi), và một vài tháng sau khi tôi nghỉ hưu vào năm 2013, quyển My Autobiography (Hồi ký)1 được xuất bản.
Riêng cuốn sách này có những khác biệt. Tôi cố gắng tóm tắt những gì tôi đã học được từ cuộc sống của tôi nói chung, và từ quãng thời gian tôi làm huấn luyện viên trưởng – đầu tiên là 12 năm ở Scotland với các CLB East Stirlingshire, St Mirren và Aberdeen, và sau đó, qua biên giới về phía nam, là 26 năm với CLB Manchester United. Tôi cũng đưa vào đây một số dữ liệu thú vị suốt thời gian tôi làm huấn luyện viên và một số tài liệu lưu trữ chưa từng được trình bày trước đây, như là một cách để minh họa cho một vài chủ đề được đề cập. Dữ liệu và tài liệu lưu trữ có thể được tìm thấy ở cuối sách.
Việc tìm ra được những yếu tố cần thiết để giành chiến thắng với quả bóng tròn khác biệt với những thách thức mà những nhà lãnh đạo của các tập đoàn kinh doanh như BP, Marks & Spencer, Vodafone, Toyota hay Apple, hoặc những người điều hành những bệnh viện, đại học hay tổ chức từ thiện toàn cầu lớn phải đối mặt. Nhưng sẽ có những đặc điểm đúng với tất cả những người chiến thắng, và với những tổ chức mà người lãnh đạo chúng mong muốn thành công. Tôi cố gắng giải thích việc tôi đã xây dựng, lãnh đạo và quản lý tổ chức tại Manchester United như thế nào, và ghi lại những thứ có tác dụng đối với tôi. Tôi không giả vờ dù chỉ một phút rằng các bí quyết đó có thể được áp dụng một cách dễ dàng vào những nơi khác, nhưng tôi hy vọng độc giả sẽ tìm thấy một vài ý tưởng hay đề xuất mà có thể được mô phỏng hoặc điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của riêng mình.
Tôi không phải là một chuyên gia về quản lý hay một bậc thầy về kinh doanh, và không thích thú lắm với chuyện đi từ giảng đường này sang giảng đường khác để lặp đi lặp lại những bài giảng giống nhau. Vì vậy xin độc giả đừng mong chờ bất kỳ biệt ngữ học thuật hay những đoạn văn “đúng phép” nào. Xin đừng yêu cầu tôi giải thích về kế toán kép, làm cách nào để thuê 500 người trong sáu tháng, những thách thức của quản lý theo mô hình ma trận, cách điều hành một dây chuyền sản xuất để sản xuất ra 100.000 chiếc smartphone một ngày, hay cách tốt nhất để phát triển một phần mềm nào đó. Tôi chẳng biết gì về những điều đó, những kiến thức đó thuộc về những người khác, bởi cả cuộc đời tôi chỉ xoay tròn quanh trái bóng tròn. Quyển sách này chứa đựng những bài học và những quan sát về cách thức mà tôi đã theo đuổi sự xuất sắc bên trong và bên ngoài sân cỏ như thế nào.
Không giống như huấn luyện viên bóng rổ vĩ đại người Mỹ John Wooden, người mà mô hình “Pyramid of Success” (Kim tự tháp thành công) đã đồng hành với ông hầu như xuyên suốt sự nghiệp từ năm 1928 đến năm 1975, tôi không bao giờ sử dụng bất kỳ mô hình hay hướng dẫn nào từ đơn giản đến phức tạp mà có thể phát ra cho các cầu thủ vào đầu mỗi buổi tập và được xem như “cẩm nang” duy nhất. Tôi cũng không thích những chỉ dẫn cầm tay được viết trên những tấm thẻ 3 x 5 inch, hoặc những ghi chú hằng hà sa số được chồng chất qua tháng năm. Phương pháp lãnh đạo và quản lý của tôi được đúc kết qua những mùa bóng. Cuốn sách này chính là nỗ lực tóm tắt những gì tôi đã học được và cô đọng lại trên mặt giấy.
Quyển sách được ra đời sau khi tôi gặp Michael Moritz, Chủ tịch của Sequoia Capital, hãng đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ, nổi tiếng với việc giúp định hình và tổ chức những công ty như Apple, Cisco Systems, Google, Paypal, YouTube, và gần đây nhất là WhatsApp và Airbnb. Chúng tôi lần đầu tiên nói về chuyện hợp tác viết một quyển sách vài năm trước khi tôi nghỉ hưu, nhưng khi đó cả hai đều chưa thu xếp được thời gian. Hạnh phúc thay, trong một hai năm vừa qua, cả hai chúng tôi đã có thời gian để dành công sức cho việc viết lách. Hóa ra là Michael, người lãnh đạo Sequoia Capital từ giữa những năm 1990 đến năm 2012, đã luôn thắc mắc làm thế nào mà Manchester United lại duy trì được trình độ thi đấu đỉnh cao của mình qua vài thập kỷ. Khi chúng tôi trò chuyện, rõ ràng là sự thích thú của Michael bắt nguồn từ mong muốn đảm bảo rằng Sequoia Capital cũng làm được như vậy. Như các bạn đã biết, Sequoia Capital cũng đạt được những thành tích tốt hơn nhiều đối thủ khác. Michael đã viết lời kết cho quyển sách này, một chương sách mà thỉnh thoảng làm tôi phải đỏ mặt, đã giải thích đầy đủ hơn tại sao và làm thế nào con đường của chúng tôi gặp nhau.
Cuốn sách trên tay bạn là kết quả của vô số cuộc trò chuyện giữa tôi và Michael về nhiều chủ đề khác nhau – một số vấn đề trong đó tôi không hề suy nghĩ đến trước đây. Những lần trò chuyện đã giúp tôi thu thập suy nghĩ của mình về những vấn đề mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải đối mặt, nhưng do áp lực của công việc hàng ngày mà tôi chưa có thời gian để tập hợp lại. Tôi hy vọng các bạn sẽ thấy chúng hữu ích.
Alex Ferguson
Manchester Tháng 8- 2015
Mời các bạn đón đọc Dẫn Dắt - Lãnh Đạo Chứ Không Quản Lý của tác giả Sir Alex Ferguson & Michael Moritz.