Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bánh Mì Cô Đơn

Cuốn tiểu thuyết Bánh Mì Cô Đơn của tác giả Judith Ryan Hendricks viết về những thân phận phụ nữ hết sức đời thương. Là Wyn Morrison, biết rất nhiều nhưng không rõ mình muốn gì? Là Christine Mayle, yêu sàn diễn đến cháy bỏng, nhưng không dễ gì tìm được người đàn ông của đời mình. Là người mẹ hoàn hảo của Wyn, sau nhiều năm trời im lặng đã mở ra những tâm sự chân thành cùng con gái. Là những phụ nữ vừa bình dị vừa độc đáo ở hiệu bánh Quen Srteet. Tất cả ít nhiều đã giúp Wyn nhìn lại chính mình sau khi mải sống cuộc đời nhung lụa của một cô vợ được cưới về chỉ cốt để làm sang cho chồng.

Và rồi Wyn nhận ra rằng thứ công việc cầm cự mưu sinh ở tiệm bánh mì đã an ủi lòng cô một cách kỳ diệu và bất ngờ giúp cô một lần nữa hiểu được rằng chẳng có gì giống như trước nữa… Bánh mì nở ra, những nỗi đau dịu lại, trái tim được hàn gắn, và cánh cửa tương lai hé mở.

***

Có thứ nữ tính ngọt ngào như mật ong sánh lăn trên lát bánh mì phết bơ, có thứ nữ tính nồng nàn như cà phê ấm sực một góc mùa đông, lại có thứ nữ tính vụng về đáng mến trong những tâm sự khù khờ, và cũng có thứ nữ tính ram rám mà cảm động đến thắt lòng.

“Bánh mì cô đơn” là bản dịch đã theo tôi trong hai năm, qua năm thành phố, ba đất nước, hai châu lục, với rất nhiều khắc khoải của cuộc sống và nỗi cô đơn của chính tôi. Với bản thân, tôi coi đây là cuốn sách cho tuổi tam thập nhi lập, và cho phần cứng rắn quyết liệt gàn dở bên trong đội lốt ẻo lả nhõng nhẽo mau nước mắt bên ngoài của mình.

Là người dịch, phần nào có nghĩa là phải bắt được thần thái của nhân vật và khiến nhân vật hiện lên sống động và sắc nét bằng từ ngữ. (Trừ trường hợp các nhân vật vốn nhạt nhòa ngay từ trong nguyên tác).

Dù chủ ý nhận dịch tác phẩm ở những thể loại khác nhau, tôi vẫn coi mình là một kẻ học việc, tìm cách mở rộng “vùng dễ chịu” của mình để đến với những tác phẩm, những nhân vật lạ lùng hơn, gai góc hơn, khác với bản thân tôi hơn.

“Bánh mì cô đơn” là một ca từa tựa như vậy, với dàn nhân vật nữ mỗi người một vẻ, từ mơ màng đa đoan, cá tính quyết liệt, trầm tư giản dị, đến nanh nọc cục súc, và nhẫn nại một cách đầy ích kỷ. Có thứ nữ tính ngọt ngào như mật ong sánh lăn trên lát bánh mì phết bơ, có thứ nữ tính nồng nàn như cà phê ấm sực một góc mùa đông, lại có thứ nữ tính vụng về đáng mến trong những tâm sự khù khờ, và cũng có thứ nữ tính ram rám mà cảm động đến thắt lòng.

Nguyên tác là của tác giả, nhưng tôi tìm thấy những mặt khác nhau của mình trong từng nhân vật, và bản dịch có một phần của tôi trong đó…

***

TIẾNG THIẾT BỊ BÁO CHÁY bíp bíp đánh thức tôi dậy. Gượm đã. Thiết bị báo cháy bình thường rít lên chứ có bíp bíp thế này đâu. Tôi ngồi dậy, thấy căn phòng đang chao đảo, mọi thứ méo đi như hình ảnh trong gương nhà cười. Tiếng đồng hồ báo thức chăng? Tôi quay đầu quá nhanh. Đau buốt như một kiểu tra tấn cổ xưa của người da đỏ bộ tộc Apache vậy. Những dải da mới lột còn ướt, được bó chặt lại, kệ cho khô.

Tôi thả chân xuống qua mép giường, chớp hai mí mắt sưng húp. Khoang miệng khô nghẹt như tấm lưới chắn bụi vải trong máy sấy quần áo. Tôi vẫn đang mặc chân váy lót và áo sơ-mi lụa màu ngà từ tối hôm qua. Đồng hồ đeo tay trượt đi, lằn một rãnh sâu lên cánh tay tôi: 6:45 phút sáng. Một chai Puligny-Montrachet rỗng không trên bàn. Hình như chỉ có rượu rẻ tiền mới làm người uống nhức đầu thôi chứ. Tôi đã làm cái quái gì với chiếc ly nhỉ?

Tôi đứng dậy, chân bước loạng choạng. Đi xuống nhà. Từ từ nào. Bám vào tay vịn cầu thang. Vào bếp. Máy làm bánh mì. Sao cái máy bé tí mà kêu to thế? Tiếng bíp bíp phát ra cùng nhịp điệu với mạch đập của tôi. Tôi ấn nút. Cái máy ngừng kêu và nắp bật mở, tỏa ra một đám mây mùi bánh. Tôi quay vội đi và nôn vào bồn rửa. Tôi vặn nước súc miệng, đứng thở và bám vào thành đá lạnh ngắt của mặt bàn bếp. Rồi tôi nhớ ra. David.

Tôi nhấc ổ bánh còn ấm ra, đặt trên mặt tấm thớt nặng bằng gỗ phong, một ổ bánh nâu hoàn hảo.

• • •

Công ty giới thiệu việc làm là một văn phòng bận rộn trong một tòa nhà bằng kính và thép gần sân bay Los Angeles. Các cửa sổ nhìn ra quang cảnh ngoạn mục trên đường cao tốc liên bang 405, mười giờ rưỡi sáng mà xe cộ vẫn nối nhau san sát. Các ứng viên đông kín khu vực chờ - đa phần là phụ nữ trông trẻ hơn tôi chừng chục tuổi, hình như cô nào cũng tên là Heather, Fawn hoặc Tiffany. Nơi này có chút khí thế hừng hực như những căn phòng bàn chiến sự trong các bộ phim về Thế chiến II. Thiếu mỗi ông Winston Churchill là đủ bộ. Chẳng có ai thủng thẳng chuyện gẫu bên đài phun nước. Ai ai cũng lăm lăm điện thoại, bấm bấm bàn phím, hoặc đi phăm phăm ở hành lang, ánh mắt găm thẳng, tránh mọi sự phân tán mất tập trung. Giống hệt như tôi.

Ngoại lệ duy nhất là một phụ nữ trẻ ngồi ở bàn phía trước. Khi đã chuốt xong cái móng tay ương bướng bị xước, cô ấy nhìn lên và mỉm cười.

- Tôi giúp được gì không?

Tôi cố gắng vui vẻ tách mình khỏi guồng quay này.

- Tôi có hẹn với chị Lauren lúc mười một giờ. Tôi biết mình đến sớm, nhưng…

- Không sao. - Cô ấy đưa tôi một bảng cứng kẹp mấy mẫu giấy tờ. - Chị điền vào cái này, rồi chúng tôi sẽ tiếp tục với phần phỏng vấn và kiểm tra chị.

Cô ấy đưa tôi cái bút chì; chỉ dãy ghế bằng sắt và da bọc kê dọc một mảng tường.

Còn kiểm tra gì nữa? Nhiêu khê quá. Tôi ngồi xuống ghế; đầu vẫn còn lùng bùng bất kể đã uống hai viên aspirin và một tách đúp cà phê espresso. Giải quyết từng thứ một nào. Tên: “Justine Wynter Franklin”. Có lẽ không nên dùng tên sau khi đã kết hôn. Tôi cố gắng xóa chữ “Franklin” đi, nhưng cục tẩy vừa cũ vừa bở, càng tẩy càng lem nhem. Tôi gạch đi, viết chữ “Morrison” đè lên. Bây giờ trông có vẻ như tôi không chắc chắn.

Địa chỉ. Số điện thoại. Tôi điền được dễ dàng. Ngày sinh. Số an sinh xã hội. Loại công việc mong muốn. Có lẽ viết “Không biết” thì không hay lắm. Tôi điền “Việc văn phòng”. Chung chung quá ư? Kỹ năng. Tôi nhìn chằm chằm vào khoảng trống trên giấy. Nó như đang doãng ra, thách tôi có dám điền vào hay không.

Thực ra tôi vẫn có thể ngâm Ballade des pendus, khúc ba-lát cho những kẻ treo cổ của François Villon. Hoặc bàn về ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp đối với tiểu thuyết Anh. Để xem nào… Tôi nấu được thứ cơm hoàn hảo, không có chút nước đọng nào ở đáy nồi, từng hạt cơm tơi bông nở đều. Tôi biết cách làm hồ tiêu và hạt bách xù để lâu ngày trong tủ bếp dậy mùi trở lại như mới, hoặc đánh mượt sốt crème anglaise bị vón. Nếu cần làm mềm thịt bằng nút bấc chai rượu, hoặc tách sáp nến khỏi khăn trải bàn, cứ việc tìm đến tôi. Từ khoảng cách năm mươi bước chân, tôi có thể phân biệt được khăn quàng chính hãng Hermès với hàng Hàn Quốc nhái. Tôi có cú ve trái cắt mặt sân quần vợt rất mạnh mẽ. Cách đây lâu lẩu lầu lâu rồi, tôi biết đánh máy chữ, nhưng với một tốc độ chẳng có gì đáng khoe cả. Ai đó từng nói rằng giọng tôi trả lời điện thoại nghe rất êm tai. “Trả lời điện thoại chăng?”

- Cô Justine Franklin?

Giật mình, tôi nhìn lên.

- Chào cô, tôi là Lauren Randall.

Người phụ nữ đứng trước mặt tôi mỉm cười phô ra hàm răng hoàn hảo. Trông chị ấy có vẻ tự nhiên thoải mái như đang ở nhà mình. Tầm bốn mươi tuổi, đẹp một cách thanh lịch hơn là xinh đẹp, vẫn trên người bộ váy lụa đũi màu be. Mái tóc vàng của chị ấy vẫn gọn phía sau, chặt đến mức trông như cặp lông mày nhướn lên một vẻ ngạc nhiên.

Khi tôi đứng lên để bắt bàn tay Lauren đã chìa ra, tấm bảng cứng kẹp giấy tờ trượt rơi xuống sàn. Mặt nóng bừng, tôi vội nhặt nó lên, phớt lờ mọi ánh nhìn, đi theo Lauren dọc hành lang trong khi chị ấy bắt đầu gợi chuyện một cách hết sức bài bản.

- Tôi rất mừng được gặp người mặc áo vest. Chắc cô không hình dung nổi đủ loại trang phục tôi từng thấy đâu. Các bạn nữ trẻ trung đến đây mà cứ như đi biển chứ chẳng có vẻ gì là đi tìm việc làm.

Thế là tôi đã nằm ngoài diện “các bạn nữ trẻ trung”… Lauren nhận bảng kẹp giấy tờ từ phía tôi, đưa tôi vào phòng làm việc của chị, một phòng nhỏ xíu với hai chiếc ghế và một bàn nhỏ chất đầy tài liệu.

- Xem chúng ta có gì nào. Cô đang tìm loại công việc gì?

- Việc văn phòng nói chung chị ạ. Sắp xếp giấy tờ, trả lời điện thoại…

Có khoảng năm chục bộ phim thuộc thể loại mẹ tôi thích, trong đó cô Doris Day, một kiểu bạn nữ trẻ trẻ xinh xinh, rời nhà đi chinh phục chốn phồn hoa đô hội và kiếm được một chân thư ký - nói như vậy là đủ thấy tôi chẳng trẻ trung gì nữa rồi. ngày đầu tiên làm việc ở một công ty quảng cáo danh tiếng, cô ấy - nhã nhặn trong váy liền màu hồng với cổ cánh sen trắng - đánh đổ cà phê lên khắp người anh chàng bảnh trai ở phòng thư tín. Nàng xấu hổ không để đâu cho hết, còn chàng quá say đắm vẻ thẹn thùng ấy, và đã phải lòng nàng ngay tắp lự. Sau rất nhiều thắt mở ngớ ngẩn, đôi trẻ làm đám cưới, nàng thôi việc để làm một quý cô nhàn nhã, đại thể giống như vị trí mà tôi đang từ bồ đây. Tôi những muốn hỏi Lauren xem ở đây có áp dụng kiểu kịch bản như vậy không. Cô lễ tân với sự nghiệp trở thành một người phụ nữ được chồng nuôi và chỉ việc hưởng thụ.

- Cô từng làm lễ tân phải không?

- À…

- Cô có thể xử lý được bao nhiêu đường dây điện thoại? Cô đã dùng hệ thống Rolm bao giờ chưa? Hoặc là Honeywell? - Lauren không để ý gì đến sự im lặng của tôi. - Xin lỗi nhé, chắc tôi đã gọi phỏng vấn khi cô chưa kịp điền hết vào đơn. Tôi sẽ ghi chú vào đây, khi chúng ta xong thì cô có thể làm bài kiểm tra kỹ năng đánh máy.

- Không cần làm bài kiểm tra ấy đâu chị ạ, tôi không đánh máy gì từ năm năm nay rồi.

- Không sao. - Chị ấy khẽ phất tay. - Giống như đi xe đạp ấy mà. Phản xạ sẽ quay trở lại khi cô bắt tay vào làm. - Lauren nhìn khoảng trống ở mục “Kinh nghiệm”. - Hiện giờ cô có đang làm việc không?

Tôi từng đọc nhiều bài báo viết chắc như đinh đóng cột rằng nội trợ và công tác tình nguyện cũng có giá trị tương xứng với bất cứ công việc được trả thù lao nào. Dám cá là Lauren không hề đọc những bài báo ấy.

- Justine này…

- Wynter ạ, tôi thường dùng tên đệm.

- Xin lỗi nhé. Wynter này, cô cho tôi biết kinh nghiệm làm việc của cô được không?

Thở sâu, tôi nói:

- Ba năm dạy tại trường trung học. Một năm kinh doanh bất động sản…

Lauren nhìn tôi với vẻ trông đợi, chờ đến đoạn tôi nói vào công việc chính.

- Và tôi đã làm việc cho các ủy ban. Bệnh viện Cedars-Sinai, dàn nhạc giao hưởng… - Tôi lục tung trí nhớ ngắn hạn của mình, cố tìm cho ra điều gì đó ấn tượng hơn.

- Thế sao cô lại muốn làm việc văn phòng tạp vụ? Chỉ cần cô gia hạn chứng chỉ sư phạm hoặc kinh doanh bất động sản trở lại thì sẽ thu nhập được khá hơn đấy.

- Tôi không quay lại bất động sản được vì tôi làm dở tệ, chưa từng bán được thứ gì.

- Vậy dạy học thì sao? Gia hạn chứng chỉ sư phạm không khó…

- Tôi ghét dạy học lắm. - Tôi nắm chặt tay ghế bằng những ngón tay dinh dính mồ hôi.

Lauren ngả người ra sau, khoanh tay lại, nhìn tôi chừng như đang suy xét điều gì. Tôi có thể đọc được suy nghĩ trong mắt chị ấy: lại một nàng bảo ngọc ở khu Hancock Park hết được nuôi ăn đây mà. Trong bụng chị ấy chắc đang cười như điên mất. Lauren bắt chéo đôi chân thon, để một bên quai giầy cao gót trật khỏi gót chân. Rồi chị ấy nói, một cách lặng lẽ:

- Tôi không muốn làm cô sợ đâu, Wynter ạ, nhưng tôi ghét công việc này. Đôi khi ta phải làm những việc mà ta ghét cay ghét đắng.

Tôi đã đứng dậy, chẳng hiểu sao tôi đứng như vậy từ bao giờ rồi.

- Cảm ơn lời khuyên của chị.

Tôi ra khỏi văn phòng bé xíu ấy, đi qua bàn lễ tân, rời khỏi công ty. Nếu đi nhanh, trông tôi sẽ như đang vội đến một cuộc hẹn phỏng vấn.

Tôi ngồi ở bãi đỗ xe, trong chiếc Mazda RX-7 vốn là quà tặng sinh nhật tôi cách đây ba năm. Khốn thật. Mi thì biết cái gì chứ?

Tại sao tôi phải bận tâm tìm việc làm? Tối nay thôi, David và tôi sẽ ngồi lại với nhau và giải quyết sự việc đâu vào đó. Anh mệt và căng thẳng cực điểm. Chắc anh sẽ về nhà với hoa hồng trên tay hay gì đó tương tự, nói rằng anh xin lỗi… Chúng tôi sẽ đi xa vài ngày. Tới Mexico. Uống rượu margaritas, yêu nhau và ngủ. Mọi chuyện sẽ ổn cả. Tôi xoay chìa khóa khởi động xe.

Tôi không cần việc làm. Đặc biệt là thứ việc văn phòng phục dịch thời vụ vớ vẩn và vặt vãnh.

Xe của tôi có mùi rất dễ chịu. Không rõ thợ rửa xe đã làm gì với lớp da bọc trên ghế mà xe vẫn còn mùi như mới thế này. Một món quà rất David. Anh định sắm cho tôi một chiếc Mercedes, nhưng tôi luôn thấy dòng xe ấy có vẻ ù lì kém thời trang. Tôi muốn thứ gì đó khiến tôi vui và hào hứng, thứ gì đó có cần số. Một chiếc Porsche chẳng hạn. Biết tôi ham tốc độ, anh đã dứt khoát không thể là Porsche được. Chúng tôi không nói đến chuyện đó nữa. Rồi, sáng hôm sinh nhật, tôi vừa xuống nhà đã thấy một hộp nhỏ đặt cạnh cốc nước cam. Tôi cứ ngỡ đó là món trang sức nào đó. Cơ mà nằm giữa những nếp xa-tanh trắng là một chiếc chìa khóa đen. Chiếc RX-7 của tôi đang đậu bên ngoài, ngay sát mặt đường, dù trời trông như muốn mưa. Chúng tôi chạy xe vài dặm qua những ngọn đồi, cho đến khi mây trên đầu vỡ ra và rải mưa xuống.

• • •

Đã quá trưa mà tôi vẫn chưa ăn gì. Tôi tấp xe vào quán burger In-n-Out đầu tiên bắt gặp, gọi món qua cửa sổ xe ô-tô, hầu như không thấy rõ đó là thứ gì. Trở lại đường cao tốc, hướng bắc theo đường 405, hướng tây theo đường 10, rồi đường PCH thẳng ra bờ biển. Lần đầu tiên tôi để ý hôm nay là một ngày đẹp trời biết chừng nào. Bên trái tôi là Thái Bình Dương xanh thẳm, lấm tấm những đỉnh sóng bọt tung trắng xóa, hắt màu trời biếc điểm xuyết những cụm mây trắng. Khung cảnh mà có bị lật ngược thì ta cũng chẳng thể phát hiện ra được, như những bức tranh trong truyện thiếu nhi vậy. Bên phải tôi, những sườn dốc nâu bao lấy bãi biển Malibu chốc chốc lại rực lên những mảng màu - những giàn hoa giấy đỏ thắm, từng vạt sen cạn màu vàng tươi và da cam, hoa xuyến chi tím ngát xen lẫn với ngọc giá trắng và cây bụi khô. Một khung hình muôn thuở như kéo dài ra mãi, trừ khi ta biết đôi chỗ trên đường có những đống đá chực lở ra và trượt xuống.

Vừa lái xe vừa nhét khoai tây rán vào miệng, tôi kín đáo quan sát những người đang chạy xe khác. Sao trông ai cũng như biết rõ mình đang đi đâu và sẽ làm gì khi đến nơi thế nhỉ?

Ký ức về những ngày hè thong dong hạnh phúc thôi thúc tôi rẽ vào đường ra bãi biển Zuma. Vừa tấp xe vào bãi đỗ gần như trống, tôi thấy một chiếc Mercedes đen và hơi thở lập tức như nghẹt lại. David ư? Dòng xe khác, biển số khác. Mà liệu anh có thể làm gì ở đây cơ chứ? Chiếc xe từ từ chạy qua tôi, một phụ nữ tóc đỏ cầm lái.

Tôi nhìn đăm đăm những con sóng bạc đầu cuộn vỗ vào bờ trong khi ban nhạc The Supremes tự hỏi “Tình yêu của chúng ta đã ra đi về đâu?”, còn tôi tự hỏi: ra đi khi nào. Được rồi. Đúng là gần đây không có nhiều những khoảnh khắc ngọt lịm như quảng cáo trên ti-vi, những tiếng cười và thậm chí những mục tiêu chung. Nhưng phải chăng như thế có nghĩa là tất cả đã hết? Miếng bánh burger phô mai đầu tiên rơi xuống dạ dày tôi như hòn đá rơi xuống một bể bơi cạn nước. Tôi dúi phần còn lại vào túi cùng với khoai rán đã nguội ngắt.

Tôi ra khỏi xe, tháo bỏ giầy và tất da chân. Đi qua mặt đường nhựa ấm lên dưới nắng, tới bờ cát ẩm ướt mát lạnh, choàng áo khoác quanh mình. Những trạm cứu hộ không người, ảm đạm co ro vào nhau là dấu hiệu rõ rệt nhất cho hay mùa thu đã đến miền nam bang California. Đôi khi đó là dấu hiệu duy nhất. Dọc theo bờ biển, một chú chó Lab lông vàng nhảy nhót cùng bọt sóng trong khi người chủ thuần thục quăng những cây gậy đi. Lác đác có vài người lướt sóng mặc bộ đồ bó đen, thoăn thoắt đứng lên nhún xuống trên ván, chờ con sl óng lớn. Một người đàn ông và một phụ nữ tóc đã muối tiêu nắm tay nhau nhịp nhàng tập các động tác khởi động. Còn lại, chỉ có tôi. Một lưỡi sóng lạnh buốt liếm qua chân, tôi cứ đứng im, nước ngập đến mắt cá. Nếu không đi tiếp, tôi sẽ mất thăng bằng mất.

Gió biển mằn mặn đánh rối tóc tôi, phả vào làm hai mắt chảy nước. Tôi đi về phía bắc, bước qua những dải rong biển, những vỏ sò vỡ, nửa con cua bị ruồi bâu kín. Tôi từng đọc thấy người ta nói rằng khi bắt đầu nhận thức được cái chết không thể trì hoãn nổi của bản thân, phản ứng đầu tiên của ta thường là, Mình không thể chết được. Mình còn vé đi nghe opera tuần sau cơ mà. Tại sao lại như vậy? Khi phải đối mặt với những gì ta không muốn chấp nhận, tại sao ta lại cố gắng bảo vệ bản thân bằng những thứ nhỏ nhặt vặt vãnh ấy? Khi mẹ đến trường đón tôi ra khỏi lớp và nói bố tôi đã mất, suy nghĩ đầu tiên của tôi trước khi rơi vào trạng thái bị xúc động mạnh là, Vậy mùa hè này nhà mình không đi Tahoe được nữa sao?

Giờ khi các ngón chân đã ngấm lạnh đến nhăn lại, tê cứng, cố gắng bám vào bờ cát, tất cả những gì tôi có thể nghĩ được là mẹ tôi sẽ thất vọng biết chừng nào. Bà luôn yêu quý David.

Trong câu chuyện theo phiên bản của mẹ tôi, anh là Hoàng tử Hào hoa. Chính anh đã giải cứu tôi khỏi - không phải khỏi rồng đâu nhé, mà là điều còn tệ hơn thế - khỏi mảnh đời nhàm chán của một cô giáo trung học chẳng mấy khi hẹn hò, các kỳ nghỉ thường đi chơi cùng những chị em độc thân khác. Anh đã lắp tôi vào một tòa nhà ở khu Hancock Park, cho tôi chiếc xe thể thao đỏ, quần áo đẹp, những món trang sức đắt tiền. Tất cả những gì tôi phải làm là ăn mặc vừa mắt, tổ chức những bữa tiệc tinh tươm, kết bạn đúng người, sẵn sàng đáp ứng khi anh muốn tôi, và không làm gì để anh bị bẽ mặt. Chẳng có gì phải thắc mắc nhiều.

Được rồi, đúng là tôi ghét dạy học. Khó có thể thổi bùng lên ngọn lửa say mê văn chương với những đứa trẻ có kỹ năng đọc hiểu dậm chân tại chỗ ở trình độ lớp năm. Đa phần trong số chúng chỉ giết thời gian ở lớp của tôi trong khi chờ sóng lên để đi lướt ván, hoặc chờ đến giờ học môn khác, hoặc đến 3:10 phút, chuông báo tan học và thế là chúng có thể vù ra tiệm Bob’s Big Boy.

Cũng đúng là đời sống xã hội của tôi phần lớn xoay quanh mấy cô bạn gái - CM, Sandy và Liz. Nếm rượu vang, ăn tại nhà hàng độc đáo, xem phim Pháp, dự triển lãm nghệ thuật, tất cả những trò vui tiêu khiển rất đặc trưng của phụ nữ độc thân. Như vậy không có nghĩa là tôi không hẹn hò. Chắc chắn rằng không phải cái gì mẹ tôi cũng biết.

Theo kinh nghiệm rộng một cách đúng mực của tôi, những phẩm chất của đàn ông - như ấm áp, chân thành, rộng lượng - thường tỉ lệ nghịch với độ hấp dẫn của vẻ bề ngoài. Điều này dẫn tôi đến kết luận rằng các chàng càng đẹp trai thì càng chẳng ra gì, vì tất cả những người nữ mà họ biết, bắt đầu từ mẹ đẻ, đã làm hư họ mất rồi.

Bất chấp thực tế này, hoặc có thể tại vì thế, tôi bị cuốn hút bởi những người đàn ông cao ráo, tóc vàng và bảnh trai, - như thiêu thân lao mình vào lửa. Điều này, như CM, cô bạn thân nhất của tôi, nhanh chóng chỉ ra, có thể là do bố tôi, người tôi hết sức ngưỡng mộ và đã qua đời khi tôi mười bảy, là người cao ráo nhất, tóc vàng đẹp nhất, và điển trai nhất trong số tất cả nam giới. Nhưng bố cũng là cuối cùng trong những đàn ông tử tế.

Đã gần mười lăm năm kể từ ngày bố mất, nhưng tôi vẫn có thể đi vào căn phòng làm việc nhỏ trong nhà mẹ mà hình dung ra bố đang ngồi trên ghế da, tờ báo đặt trong lòng, một ly Manhattan mát lạnh trên bàn bên cạnh. Bố thích thứ rượu không ngọt với một chút cốt chanh ấy. Mẹ đã cáu khi bố dạy tôi cách pha chế.

Bố dạy tôi mọi thứ. Biết yêu sách vở. Biết cưỡi ngựa kiểu Anh trong khi các bạn tôi cưỡi kiểu miền tây. Bố mua cho tôi một chiếc ô-tô với cần số trong khi các bạn tôi lái xe số tự động. Bố dạy tôi biết ngắm nhìn vòm trời Tahoe vào những đêm tháng Tám trời trong, dõi theo sao băng để nguyện cầu điều gì đó. Buộc nút thủy thủ thế nào, đánh bóng ve trái ra sao. Quẹt diêm bằng một tay. Thở trong khi bơi. Bố dạy tôi cách không sợ hãi khi mở to mắt dưới nước. Và cả trên mặt nước.

Đa phần đàn ông mà tôi biết đều không thể sánh được với bố. Ừm, có vài người có thể tôi không chắc lắm. Như Mark, anh họ của ai đó từ Del Mar, gặp tại một tiệc cưới. Andy, anh phi công có vợ ở Dallas. Một nhiếp ảnh gia với cái tên độc đáo Rocky Rivers. Dù sao tôi luôn cho rằng anh ấy quan tâm đến CM nhiều hơn. Chẳng ai trong số họ làm thế giới của tôi rung chuyển được cả.

Cho tới đêm tiệc sinh nhật lần thứ hai mươi ba của Paula bạn tôi. Tôi vẫn nhớ mình vừa đến đã bị cô ấy túm ngay lấy.

- Có người này cậu phải gặp.

Tôi móc áo khoác lên giá treo mũ cạnh phòng kho ở hành lang.

- Tại sao chứ?

- Anh ấy cao. Cao hơn cậu.

- Thế thì là Frankenstein rồi.

Tôi bắt đầu đi dọc hành lang đến nhà vệ sinh, nhưng Paula đã kéo tôi lại.

- Không phải Frankenstein mà. Nào, rồi cậu sẽ cảm ơn tớ cho coi.

Cô ấy lôi tôi đến trước một quầy bar dựng từ bàn chơi bài trong phòng khách, nơi một anh chàng không thể cao hơn, tóc vàng hoe và đẹp trai đang mở một chai bia.

- Wyn ơi, đây là anh Dave. Anh Dave, đây là Wyn. Thế nhé.

Paula biến luôn vào bếp. Tôi chỉ muốn chui ngay xuống dưới thảm, nhưng Dave mỉm cười và bắt tay tôi, xin lỗi vì tay anh đang lạnh. Đôi mắt anh xanh mênh mang, màu của đại dương tháng Bảy.

Rồi anh nói:

- Mà anh là David chứ không phải Dave. Em là Lynn phải không?

- Wyn ạ, như trong Wynter*.

Đồng âm với từ “winter”, trong tiếng Anh nghĩa là “mùa đông”.

Mời các bạn đón đọc Bánh Mì Cô Đơn của tác giả Judith Ryan Hendricks.