Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cuốn Sách Tiên Tri

"Trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này, một Erika Swyler đầy tài hoa đã xuyên suốt qua nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ, dịch chuyển một cách khéo léo và dệt các mạch truyện thành một tấm thảm tuyệt đẹp. Tôi ngay tức khắc hòa mình vào trong câu chuyện gia đình đầy thủ đoạn và bất hòa. Văn chương của Swyler hoa mỹ và thanh tao tới mức vô cùng dễ hiểu, tỏa sáng hệt như giọng nói đặc biệt của bà - cách miêu tả của bà về biển và vẻ hung hãn của nó có thể sánh ngang với Annie Proulx trong tác phẩm Shipping News. Tôi thực sự yêu thích cuốn sách này và đã ngấu nghiến đọc một mạch từ đầu đến cuối"

- Trích lời Sara Gruen, tác giả cuốn Water for Elephants; At the Water's Edge -

***

Văn học giả tưởng, ma mị là một thể loại cực kỳ thu hút độc giả. Mời các bạn đón đọc review Cuốn sách tiên tri – một câu chuyện cực hot trong thể loại trên.

“Trong khi Peabody vẽ và mơ ước, hàng xe vẫn đi theo con đường quanh co chạy theo chiều dài Catawba. Trục xe rên rỉ phản kháng, những cánh cửa xe đóng sập lại và bị kẹt, không khí ẩm ướt khác thường bao trùm lên cả gánh xiếc khi họ mù quáng đi vào trong sương mù.”

Cuốn sách tiên tri có cái ma mị của ‘Rạp xiếc đêm’, cũng có chút bất cần tuổi trẻ của ‘Những thành phố giấy’. Cái ma mị bí ẩn trong hình ảnh ngôi nhà bên vách đá gắn với những kỉ niệm, hiệu sách cũ, lửa trại, những lá bài tarot, gánh xiếc, người cá, cuốn sách cổ, những cái chết.. tất cả góp phần tạo nên một không gian truyện bí ẩn và cuốn hút.

Đan xen vào đó là những khao khát, ước mơ và cả tình yêu của những con người trẻ tuổi, những con người mang trong mình những đam mê nồng cháy và cảm xúc bùng nổ khi đối diện với người họ thương yêu.

Bằng cách kể chuyện song song ở hai khoảng thời gian hiện tại và quá khứ, tác giả như đang thì thầm những bí mật về những con người xa lạ hóa ra lại có mối liên hệ gắn bó và bị thu hút về phía nhau vậy. Tớ rất thích cách viết gắn kết những con người tưởng chừng không chút liên quan, mà qua ngòi bút của tác giả, sợi dây liên kết giữa họ rõ ràng hơn và kì diệu hơn rất nhiều.

Không chỉ có vậy, đây còn là câu chuyện về tình cảm gia đình gắn bó, những kỉ niệm đã qua vẫn còn lưu lại trong kí ức tuổi thơ của những kẻ trưởng thành cô đơn, hay những day dứt về sự bồng bột và những hành động trong quá khứ vẫn xuất hiện trong tâm trí họ. Liệu người thân hay chính bản thân họ có dám đối diện với những sai lầm ngày còn trẻ, có thể bằng lòng tha thứ hay không?

Bên cạnh đó thì đôi lúc mạch truyện cũng hơi chậm, cảm giác như tác giả cũng đang băn khoăn tìm hướng đi cho nhân vật vậy. Tớ cũng không thích vài chi tiết tình cảm người lớn trong cuốn này, cứ thấy cái gì đó không hợp câu chuyện lắm đâu.

Chung lại thì đây là một cuốn khá ổn, nếu anh em muốn thử một cuốn bí ẩn ma mị mà không thiếu đi sự sâu lắng của tình cảm con người thì tớ nghĩ đây sẽ là một câu chuyện phù hợp đó.

Cuốn sách tiên tri xoay quanh Simon Watson, anh chàng thủ thư vừa mất việc, rơi vào chán chường vì mất việc đồng nghĩa với không có tiền sửa sang lại căn nhà thơ ấu với bao kỉ niệm cùng bố mẹ và em gái Enola.

Một ngày, Simon nhận được cuốn sách cổ từ chủ hiệu sách Churchwarry&son mà trong đó, anh chợt nhận ra những mối liên hệ bất ngờ và một sự trùng hợp kì lạ về những con người đặc biệt từ nhiều năm về trước.

Trích dẫn Cuốn sách tiên tri:

“Trong khi Amos mơ những giấc mơ của một Cậu bé Rừng xanh – có những đầm lầy dồi dào muông thú, có những đám rong rêu mềm mại để anh ngủ ngon lành trên đó, có sự sảng khoái của những dòng sông mát lạnh áp vào da thịt, có một cô gái đáng yêu trong nước, mái tóc bồng bềnh xung quanh như thảm cỏ – thì những giấc mơ của Evangeline lại u ám hơn nhiều. Cô mơ đến việc bò ra khỏi ngôi nhà màu xám ở Kromeskill, đầu gối đẫm máu, bùn đóng cứng lại cùng với lá thông. Lúc nào bà cô cũng đi theo cô, khuôn mặt tím tái, cầu xin lòng nhân từ và sự cứu giúp. Tại sao? Tại sao? Bà rất yêu cháu.

Gánh xiếc đang rời Philadelphia để đến những ngôi nhà gạch có đầu nhọn ở New Castle thì bầu trời nổi gió và mưa trút xuống đe doạ sẽ cuốn trôi cả bầy thú. Con ngựa nhỏ đá chân và lồng lên bên trong xe ngựa của mình, con lạc đà rít lên như một đứa trẻ bị thương. Lo sợ rằng việc cố gắng đi tiếp sẽ khiến chúng bị sa lầy, Peabody lệnh cho tất cả các cỗ xe dừng lại cho đến khi mưa tạnh. Màn đêm buông xuống với hơi nóng dày đặc buộc mọi người phải lên giường đi ngủ. Không khí nặng nề với những đám mây mưa, bầu trời như một quả cân kéo Evangeline xuống như bà của cô đã từng làm. Cô ngủ một giấc ngủ bồn chồn, không yên vì tội lỗi.”

Với Cuốn sách tiên tri, tớ chấm 4/5 điểm.

***

Ngôi nhà cheo leo bên rìa dốc thẳng đứng trông thật nguy hiểm. Cơn bão đêm qua đã cày tung đất, khuấy đảo vùng biển, khiến bãi biển đầy rẫy chai lọ, rong biển, mai cua hình móng ngựa. Mảnh đất tôi đã sống cả cuộc đời này không chắc có thể trụ qua được mùa bão. Eo biển Long Island rải rác tàn tích của những ngôi nhà và những mảnh đời, tất cả bị chôn vùi trong cái dạ dày tham lam của cát. Nó là một kẻ chết đói.

Các biện pháp như xây vách ngăn, tôn nền cao đều không có. Sự thờ ơ của bố đã khiến tôi phải gánh chịu một vấn đề không thể giải quyết, một vấn đề quá tốn kém với một thủ thư ở Napawset. Nhưng, những thủ thư chúng tôi nổi tiếng là có tài xoay xở.

Tôi đi về phía những bậc thang gỗ dẫn xuống vách đá. Chân tôi đau nhói ở nơi đá găm vào. Ở bờ biển Bắc này, có một vài thứ cần thiết hơn là bàn chân chai cứng. Vào mùa hè, tôi và em gái Enola thường chạy chân đất cho đến khi vỉa hè nóng ran đến nỗi ngón chân chúng tôi lún xuống nhựa đường. Người ngoài không thể đi bộ trên những bờ biển thế này.

Frank McAvoy vẫy tay với tôi từ dưới chân bậc thang trước khi quay ra nhìn chằm chằm vào vách đá. Ông mang theo con thuyền nhỏ xinh xắn, trông như thể được đục đẽo từ một tấm gỗ duy nhất. Frank McAvoy là thợ đóng thuyền gỗ và là một người tốt bụng, đã quen biết gia đình tôi trước cả khi tôi chào đời. Khi cười, khuôn mặt ông hằn lên những nếp nhăn loang lổ của một người Ireland bao năm dãi dầm mưa nắng; cặp lông mày cong lên trên và mất hút dưới vành mũ cũ kỹ. Nếu bố tôi sống đến sáu mươi tuổi, có thể trông ông sẽ giống như Frank, với hàm răng vàng khè và những vết tàn nhang ửng đỏ.

Nhìn vào Frank, tôi lại nhớ đến tôi hồi trẻ thơ, đang bò giữa những thanh củi được xếp để đốt lửa trại, bàn tay to lớn của ông kéo tôi khỏi một khúc gỗ đang lung lay. Ông khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm về bố, khi ông đang loanh quanh với món lợn quay, ngô nướng, mùi vỏ khô cháy thành than và mùi lụa cháy, trong khi Frank tiêu khiển cho chúng tôi bằng những câu chuyện đi câu. Frank có biệt tài nói dối như thần, đó là điều rất rõ ràng. Mẹ tôi và vợ ông ấy giục ông kể tiếp, tiếng cười của họ khiến cho lũ mòng biển cũng phải khiếp sợ. Hai người họ giờ đã không còn nữa. Tôi nhìn Frank và thấy bố mẹ tôi, tưởng tượng rằng ông không thể nhìn tôi mà không thấy những người bạn đã mất.

- Có vẻ như cơn bão đã ảnh hưởng nhiều đến cháu đó. - Ông nói.

- Cháu biết. Cháu mất một mét rưỡi. - Một mét rưỡi là đã nói giảm nói tránh rồi.

- Bác đã bảo bố cháu phải dựng kè, trồng thêm cây. - Nhà ông McAvoy cách nhà tôi vài trăm mét về phía tây, nằm xa biển, với một cái dốc đứng có bậc thang và cây trồng, được thiết kế để bảo vệ ngôi nhà trong bất cứ hiểm nguy nào.

- Bố cháu không bao giờ biết lắng nghe cả.

- Đúng thế. Ngoài ra thì một hay hai miếng che trên kè có lẽ đã có thể cứu cháu khỏi một biển rắc rối.

- Bác biết bố cháu thế nào mà. - Sau đó là một khoảng lặng đầy cam chịu.

Frank hít không khí qua kẽ răng, tạo ra một tiếng huýt sáo khô khốc.

- Bác cho rằng bố cháu nghĩ ông ấy có nhiều thời gian hơn thế để sửa chữa mọi thứ.

- Có lẽ vậy. - Tôi nói. Ai mà biết được bố tôi đã nghĩ gì.

- Dù vậy, mấy năm nay, nước đã lên cao.

- Cháu biết, cháu không thể để việc này tiếp diễn lâu hơn được nữa. Nếu bác quen một ai đó mà bác tin tưởng, cháu sẽ rất cảm kích nếu được bác cho biết tên của một nhà thầu.

- Chắc chắn rồi. Bác có thể gửi người đến chỗ cháu. - Ông gãi đầu - Nhưng bác không muốn nói dối, tiền công sẽ không rẻ đâu.

- Không còn gì khác nữa phải không bác?

- Không, bác nghĩ là không.

- Cháu có thể xem xét bán một số thứ.

- Thật buồn khi thấy cháu làm việc đó. - Vầng trán Frank nhăn lại, khiến chiếc mũ sụp xuống.

- Đất đai còn có chút giá trị ngay cả khi ngôi nhà biến mất.

- Hãy suy nghĩ thêm.

Frank biết vấn đề tài chính eo hẹp của tôi. Cô con gái Alice của ông cũng làm việc tại thư viện. Tóc hoe đỏ và xinh xắn, Alice có nụ cười của bố và cô ấy rất biết cách lấy lòng bọn trẻ. Alice biết cách giao thiệp với mọi người hơn tôi, đó là lý do tại sao cô ấy làm nhiệm vụ thiết lập chương trình, còn tôi làm công việc tra cứu. Nhưng chúng tôi không ở đây để nói về Alice, hay tình trạng nguy hiểm của căn nhà. Chúng tôi ở đây để làm công việc chúng tôi đã làm suốt một thập kỷ qua, thả phao để cách ly một vùng ngập nước. Cơn bão đủ mạnh để kéo phao và mấu neo vào bờ, để lại một đống những dây xích han gỉ và dây thừng bện màu cam, san sát những hàu. Tôi thấy hơi ngạc nhiên khi bị mất đất.

- Chúng ta đi chứ? - Tôi hỏi.

- Tại sao không? Thời gian không còn dài nữa.

Tôi cởi áo, nhấc dây xích và dây thừng lên một bên vai, rồi chầm chậm bước xuống nước.

- Có chắc là cháu không cần giúp một tay không? - Frank hỏi. Con thuyền đã chạm mặt cát khi ông đẩy nó xuống nước.

- Dạ không, cảm ơn bác, cháu làm được. - Tôi có thể tự mình làm việc này, nhưng có Frank đi theo vẫn an toàn hơn. Ông ở đây không phải vì tôi, mà là vì cái lý do đã khiến tôi làm việc này vào mỗi năm: để tưởng nhớ mẹ tôi, Paulina, bà đã chết đuối ở vùng nước này.

Eo biển thật lạnh lẽo vào tháng 6, bước xuống tôi hòa mình vào nó, bàn chân tôi quắp vào nhũng hòn đá bám đầy tảo biển. Dây xích có móc neo khiến tôi chậm lại, nhưng Frank vẫn duy trì tốc độ, xoay tròn mái chèo. Tôi bước đi cho đến khi nước ngập đến ngực, rồi đến cổ. Ngay trước khi lặn xuống, tôi thở hết ra, rồi hít vào, như mẹ tôi đã hướng dẫn tôi trong một buổi sáng ấm áp vào cuối tháng 7, như tôi đã hướng dẫn em tôi.

Mẹo để nín thở là chịu khát.

“Thở một hơi thật nhanh và mạnh,” mẹ tôi nói, giọng bà êm ái bên tai. Ở vùng nước nông, mái tóc đen dài của mẹ trôi quanh chúng tôi tựa một dòng sông. Hồi đó tôi năm tuổi. Bà ấn bụng tôi cho đến khi các cơ thắt chặt vào, rốn gần chạm xương sống. Bà đẩy mạnh, móng tay sắc nhọn chọc vào tôi, “Bây giờ con hãy hít vào, nhanh. Nhanh, nhanh, nhanh. Xương sườn căng ra. Nghĩ rộng ra.” Bà hít vào, lồng ngực mở rộng, những chiếc xương mảnh như xương chim bành ra cho đến khi bụng bà tròn như cái thúng. Bộ áo tắm của bà là một ánh sáng trắng rạng rỡ trong nước. Tôi nheo mắt nhìn. Bà xỉa một ngón tay vào xương ức tôi. “Con đang thở ra đấy, Simon. Nếu con thở ra, con sẽ chết đuối.” Một cái chạm khẽ khàng. Một nụ cười mỉm. Mẹ bảo tôi hãy tưởng tượng rằng tôi đang khát, cổ họng khô khốc và trống rỗng, rồi uống không khí vào. “Hãy thư giãn xương cốt và uống vào thật nhiều, thật sâu.” Khi bụng tôi đã tròn như chiếc trống cái, bà thì thầm, “Tuyệt, tuyệt. Bây giờ chúng ta lặn xuống nào.”

Lúc này tôi lặn xuống. Những tia nắng mềm mại xuyên xuống quanh bóng chiếc thuyền của Frank. Thỉnh thoảng, tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi, đang trôi giạt trong làn nước, và thỉnh thoảng tôi thoáng thấy bà, phía sau lớp rong biển, mái tóc đen hòa lẫn với tảo bẹ.

Hơi thở của tôi biến thành một màn sương đẹp đẽ bao phủ lên làn da.

Mẹ tôi là một diễn viên ở rạp xiếc và lễ hội, người bói bài tarot, trợ lý ảo thuật gia, và người cá, chuyên sống bằng cách nín thở. Bà dạy tôi bơi như cá, và bà khiến bố tôi mỉm cười. Bà thường xuyên biến mất. Bà thường bỏ việc hoặc làm đồng thời hai hay ba việc một lúc. Bà ở khách sạn chỉ để thử những chiếc giường khác nhau xem chúng như thế nào. Bố tôi, Daniel, là một thợ máy và là một người chồng chung thủy. Ông ở nhà, mỉm cười, đợi vợ trở về, đợi bà gọi ông là anh yêu.

Simon, con yêu. Bà cũng gọi tôi như vậy.

Tôi lên bảy tuổi vào ngày bà gieo mình xuống nước. Tôi cố quên, nhưng nó đã trở thành kỷ niệm thân thương nhất của tôi về bà. Bà đã bỏ chúng tôi sau khi chuẩn bị xong bữa sáng. Trứng luộc chín phải được đập vào cạnh đĩa và phải dùng móng tay để bóc vỏ. Tôi đập và bóc trứng cho em gái, cắt chúng thành miếng cho vừa những ngón tay nhỏ xíu của đứa trẻ mới chập chững biết đi. Có bánh mì nướng khô và nước cam đi kèm. Những giờ đầu điên của mùa hè khiến bóng tối trở nên tối hơn, khuôn mặt trở nên sáng hơn và chỗ hõm trở nên góc cạnh hơn. Mẹ Paulina là một cảnh tượng đẹp trong sáng hôm đó, vô cùng duyên dáng, không ai sánh bằng. Bố tôi đang làm việc ở nhà máy. Chỉ có mẹ ở nhà với chúng tôi, quan sát, và gật đầu khi tôi cắt trứng cho Enola.

- Con là một người anh tốt, Simon à. Con hãy trông chừng Enola. Con bé sẽ muốn chạy trốn khỏi con. Hãy hứa với mẹ rằng con sẽ không để em đi.

- Con hứa.

- Con là một chàng trai tuyệt vời, phải không? Mẹ không bao giờ trông chờ điều đó. Mẹ không trông chờ điều đó ở con một chút nào.

Quả lắc trên chiếc đồng hồ chim cu tích tắc qua lại. Bà gõ một gót giày lên tấm vải son lót sàn nhà, yên lặng. Enola bôi đầy trứng và mảnh bánh mì vụn lên người. Tôi vật lộn với việc vừa ăn sáng, vừa giữ cho em gái tôi sạch sẽ.

Một lát sau, mẹ đứng dậy và vuốt thẳng vạt trước của chiếc váy mùa hè màu vàng bà đang mặc rồi nói:

- Gặp lại con sau nhé, Simon! Tạm biệt Enola!

Bà hôn lên má Enola và áp môi lên đỉnh đầu tôi. Bà vẫy tay tạm biệt, mỉm cười và đi làm, tôi đã nghĩ như vậy. Làm sao tôi có thể biết được lời tạm biệt đó lại chính là lời vĩnh biệt. Những suy nghĩ khó khăn chất chứa trong những lời nói nhỏ bé. Khi bà quan sát tôi trong buổi sáng hôm đó, bà biết rằng tôi sẽ chăm sóc cho Enola. Bà biết chúng tôi không thể theo bà. Đó là thời gian duy nhất bà có thể đi.

Không lâu sau đó, khi tôi và Alice McAvoy đang đua xe trên chiếc thảm trải sàn phòng khách nhà cô ấy, mẹ tôi đã trẫm mình xuống eo biển.

Tôi lao xuống nước, đẩy nước bằng ngực, thọc chân sâu xuống. Sau khi đã lặn thêm vài mét nữa, tôi thả một cái neo, nó rơi xuống với một tiếng vang nghẹt lại. Tôi nhìn vào bóng của chiếc thuyền. Frank đang lo lắng. Mái chèo đập xuống mặt nước. Hít thở dưới nước sẽ như thế nào nhỉ? Tôi tưởng tượng khuôn mặt méo mó của mẹ tôi, nhưng vẫn tiếp tục đi cho đến khi tôi có thể thả một cái neo khác, và rồi tôi đẩy hết không khí ra khỏi phổi và bước về phía bờ, cố gắng ở phía dưới lâu nhất có thể - đó là một trò chơi mà tôi và Enola đã thường chơi. Tôi chỉ bơi khi không thể giữ nổi thăng bằng để bước đi, sau đó cánh tay tôi di chuyển thành những sải bơi ổn định, cắt qua eo biển như một trong những chiếc thuyền của Frank. Khi nước vừa đủ sâu để ngập đầu, tôi lại chạm xuống dưới đáy. Điều tiếp theo tôi làm là vì Frank.

“Chậm thôi, Simon. Hãy mở mắt ra, ngay cả khi con thấy cay mắt. Không được chớp mắt.” Mẹ bảo tôi. Muối làm cho mắt đau nhói nhưng mẹ không bao giờ chớp mắt, không chớp mắt trong nước, không chớp mắt khi không khí bắt đầu đập vào mắt mẹ. Bà đang di chuyển như một bức tượng. “Đừng có thở, ngay cả khi mũi con đã ở phía trên mặt nước. Nếu con hít thở quá nhanh, miệng con sẽ đầy muối. Hãy đợi,” Mẹ nói, kéo dài từ này như một lời hứa. “Đợi cho đến khi miệng con đã lên khỏi mặt nước, nhưng hãy hít thở bằng mũi, hay trông như con bị mệt. Con không bao giờ có thể bị mệt. Rồi con mỉm cười.” Dù miệng nhỏ và môi mỏng nhưng nụ cười của bà luôn căng rộng ra như làn nước. Mẹ chỉ cho tôi cách cúi chào đúng đắn: cánh tay giơ cao, ngực ưỡn ra, như một con sếu chuẩn bị bay. “Đám đông thích những người rất nhỏ và rất cao. Đừng gập cong người như một diễn viên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến con. Hãy để họ nghĩ rằng con cao hơn thực chất của mình. Mẹ mỉm cười với tôi khi đang giơ cao cánh tay bà. “Và con sẽ rất cao, Simon à.” Một cái gật đầu căng hết cỡ tới những khán giả vô hình. “Và con hãy thật duyên dáng, Hãy luôn luôn duyên dáng.”

Tôi không cúi chào, không phải vì Frank. Lần cuối cùng tôi cúi chào là khi tôi dạy Enola và muối đâm vào mắt chúng tôi đau đến nỗi trông chúng tôi như thể mới đánh nhau. Dù vậy, tôi vẫn mỉm cười và hít một hơi thật sâu qua mũi, để cho xương sườn giãn ra và lồng ngực căng đầy.

- Bác nghĩ là bác sẽ phải theo sau cháu. - Frank gọi.

- Cháu ở dưới bao lâu rồi bác?

Ông nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay bằng dây da đã rạn và thở ra:

- Chín phút.

- Mẹ cháu có thể làm được mười một phút. - Tôi giũ nước khỏi tóc, đập đập hai lần để nước ra khỏi tai.

- Không bao giờ hiểu được điều đó. - Frank thốt lên khi lôi mái chèo ra khỏi khóa. Chúng kêu loảng xoảng khi ông ném chúng vào thuyền. Có một câu hỏi mà cả hai chúng tôi đều không hỏi: mất bao lâu để một người nín thở bị chết đuối?

Khi tôi mặc áo, nó đầy cát, đó là hậu quả của việc sống ở bờ biển, cát luôn có trong tóc, dưới móng chân, trong những nếp khăn trải giường.

Frank đi đến sau tôi, thở hổn hển vì kéo thuyền.

- Lẽ ra bác nên để cháu giúp việc đó.

Ông vỗ lưng tôi:

- Nếu thỉnh thoảng bác không vận động thì bác sẽ chỉ có già đi thôi.

Chúng tôi nói chuyện phiếm về mọi thứ ở bến du thuyền. Ông phàn nàn về sự thịnh hành của những chiếc thuyền bằng sợi thủy tinh, cả hai chúng tôi đều lan man về Windmind, chiếc thuyền đua mà ông và bố tôi cùng sở hữu. Sau khi mẹ tôi chết đuối, bố tôi chẳng nói chẳng rằng đã bán luôn chiếc thuyền đó đi. Ông thật tàn nhẫn khi làm vậy với Frank, nhưng tôi cho rằng Frank đã có thể mua được nó ngay tức khắc nếu ông muốn vậy. Chúng tôi tránh không nói chuyện về ngôi nhà, dù rõ ràng là ông buồn rầu với ý tưởng bán nó đi. Tôi cũng không muốn bán nó. Thế nên chúng tôi cùng trao đổi những lời nhận xét hài hước về Alice. Tôi nói tôi đang để ý đến cô ấy, dù điều đó là không cần thiết.

- Thế còn em gái cháu thì sao? Nó đã ổn định ở đâu chưa?

- Cháu không rõ. Thật ra mà nói, cháu không biết liệu nó có từng muốn vậy không.

Frank khẽ mỉm cười. Cả hai chúng tôi đều nghĩ về điều đó: Enola cũng hoạt bát như mẹ tôi.

- Vẫn đang bói bài tarot à?

-Nó đang xoay sở với công việc đó. - Em tôi đã bỏ đi cùng với một gánh xiếc. Khi nói ra điều này, chúng tôi đã kết thúc cuộc hội thoại tất yếu. Chúng tôi lau khô và nhấc chiếc thuyền nhẹ trở lại cái kè. - Bác sẽ lên chứ? Cháu sẽ đi bộ về với bác. - Tôi nói.

- Hôm nay trời thật đẹp. Bác nghĩ là bác sẽ ở đây thêm một lát nữa. - Nghi thức đã xong. Chúng tôi đi theo hai hướng khác nhau khi chúng tôi đã dìm chết hồn ma của chính mình.

Tôi bước lên những bậc thang trở lại, tránh cây thường xuân độc leo lên rào chắn và mọc dày đặc trên dốc đứng - không ai kéo nó xuống, bất cứ thứ gì bám chặt vào cát xứng đáng với bất cứ tội lỗi nào nó đem lại - Và cắt qua đám cỏ biển, hướng về nhà. Giống như rất nhiều ngôi nhà ở Napawset, nhà của tôi là một thuộc địa thực sự, được xây dựng vào cuối những năm 100. Có một tấm bảng từ xã hội lịch sử được treo cạnh cửa trước cho đến khi nó bị thổi bay mất trong một cơn gió đông bắc vài năm trước. Ngôi nhà Timothy Wabash. Với màu sơn trắng bong tróc, bốn cửa sổ vặn vẹo, và một bậc thang dốc, vẻ bề ngoài của ngôi nhà cho thấy nó đã bị lãng quên từ lâu và thiếu tiền tu bổ trầm trọng.

Trên bậc thang trước màu xanh lá bạc màu (phải nói đến điều đó) là một gói đồ được dựng mở trên cửa lưới. Người giao hàng luôn để cửa mở dù đã vô số lần tôi để lại lời nhắn là không được như vậy, tôi phải treo lại một cánh cửa vào một ngôi nhà đã không vuông vức kể từ ngày nó mới được xây. Tôi không đặt món hàng nào và không thể nghĩ được ai có thể gửi cho tôi món gì. Enola hiếm khi ở một nơi nào đủ lâu để gửi thư mà chỉ gửi một tấm bưu thiếp. Ngay cả nếu có vậy, chúng cũng thường trống trơn.

Gói hàng nặng, kỳ cục, và được đề địa chỉ bằng những nét chữ nguệch ngoạc, khẳng khiu của một người lớn tuổi - một kiểu mà tôi đã quen thuộc, vì khách quen của thư viện chủ yếu là một nhóm những người lớn tuổi. Điều đó nhắc tôi rằng, cần phải nói chuyện với Janice về việc kiếm thêm một khoản trong ngân sách của thư viện. Mọi thứ sẽ không quá tồi nếu tôi có thể đắp kè. Không cần phải tăng lương, chỉ cần một khoản tiền thưởng vào một dịp nào đó, vì thâm niên làm việc. Người gửi là một ai đó tôi không biết, một người nào đó có tên là M. Churchwarry ở Iowa. Tôi dọn sạch một chồng giấy khỏi mặt bàn, đó là một vài bài báo về gánh xiếc và lễ hội, những thứ tôi đã sưu tầm trong những năm qua để bắt kịp cuộc sống của em gái tôi.

Hộp đồ có chứa một cuốn sách khá lớn, được bọc cẩn thận. Dù chưa mở thì cái mùi mốc, hăng hăng cho thấy đó là mùi giấy, gỗ, da và keo dán cũ. Nó được gói trong tấm vải mỏng và giấy in báo, khi mở ra, nó là một bìa sách da màu tối trên đó có thể là những họa tiết xoắn phức tạp nếu nó không bị nước hủy hoại. Tôi cảm thấy hơi choáng váng. Nó rất cũ kĩ, không phải một cuốn sách có thể sờ mó bằng những ngón tay trần, mà nó như một thứ đã bị hư hỏng hoàn toàn, tôi hồi hộp chạm vào nó như chạm vào một cái gì đó của lịch sử. Mép trang giấy không bị hỏng mà còn thật mềm mại. Bộ sưu tập săn cá voi của thư viện đã khiến tôi lao mình vào công việc lưu trữ và phục chế, đủ để nói rằng quyển sách có cảm giác như đã tồn tại ít nhất từ những năm 1800. Đây là một sự sắp đặt, không phải một cuốn sách bạn chuyển đến mà không báo trước. Tôi xếp những tờ báo của mình thành hai chồng nhỏ để đỡ cuốn sách - sự thay thế đáng thương cho một cái giá sách nó đáng có được, nhưng như vậy cũng ổn.

Có một lá thư được nhét bên trong bìa trước, được viết bằng mực nước cũng với nét chữ run rẩy đó.

Cậu Watson thân mến,

Tôi tình cờ thấy cuốn sách này tại một buổi đấu giá, nó nằm trong một mớ mà tôi đã mua để đầu cơ. Tình trạng hư hại của cuốn sách này cho thấy nó vô dụng với tôi, nhưng một cái tên bên trong nó - Verona Bonn - đã khiến tôi tin rằng nó có thể là mối quan tâm của cậu hay gia đình cậu. Đó là một cuốn sách thú vị và tôi hy vọng nó tìm được một ngôi nhà tuyệt vời với cậu. Làm ơn đừng do dự liên lạc với tôi nếu cậu có bất kỳ câu hỏi nào cậu cho rằng tôi có thể trả lời.

Nó được ký bởi một ông Martin Churchwarry của Hiệu sách Churchwarry & Son nào đó, và có cả một số điện thoại đi kèm. Một người bán sách, chuyên về những cuốn sách cũ và sách cổ.

Verona Bonn. Tên bà tôi xuất hiện trong cuốn sách này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Là một người biểu diễn lưu động như mẹ tôi, bà sẽ không có thời gian cho một cuốn sách như thế này. Tôi khẽ lật một trang sách bằng mép ngón tay. Trang sách bên trong đầy những chữ viết phức tạp, một bản khắc đồng được trang trí với những nét cong bay bướm kì dị. Có vẻ như nó là một cuốn sách kế toán hay hành trình của một ông Hermelius Peabody nào đó, liên quan đến điều gì đó có chứa từ xách tayphép màu. Bất cứ chi tiết nào khác để nhận dạng cũng rất khó đọc vì bị nước làm hư hại và vì sự cống hiến cho nghệ thuật viết chữ đẹp của ông Peabody. Tôi lướt qua thấy những bức phác họa về phụ nữ, nam giới, những tòa nhà, và những cỗ xe ngựa mái cong, tất cả đều màu nâu. Tôi chưa bao giờ biết mặt bà tồi. Bà mất khi mẹ tôi còn nhỏ, mà mẹ tôi thì chẳng bao giờ nói nhiều về bà. Tôi không rõ cuốn sách này có liên quan đến bà tôi không, tuy nhiên, điều đó cũng thật thú vị.

Tôi quay số, lờ đi những âm thanh ám chỉ đó là một tin nhắn. Nó reo một hồi vô cùng lâu trước khi chuyển sang chế độ trả lời tự động và giọng nói già nua của một người đàn ông nói rằng tôi đã gọi đến Hiệu sách Churchwarry & Son, hướng dẫn tôi nhắn lại ngày và thời gian ngoài một lời nhắn chi tiết về bất kỳ cuốn sách cụ thể nào mà tôi đang tìm kiếm. Chữ viết tay không nói dối. Đây là một ông lão.

Mời các bạn đón đọc Cuốn Sách Tiên Tri của tác giả Erika Swyler.