Henri Bacbuyxơ (Henri Barbusse, 1873 – 1935) là một nhà văn cách mạng lớn đã đặt nền móng cho phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Pháp. Ông là một chiến sĩ cộng sản kiên quyết bênh vực những kẻ bị áp bức bóc lột, dũng cảm đấu tranh cho tự do và tiến bộ. Hội nhà văn quốc tế đánh giá ông là “người chiến sĩ phản đối chiến tranh đế quốc đầu tiên và lớn nhất trong văn học thế giới”. Và G. Đimitrôp viết: “Tên tuổi của H. Bacbuyxơ sẽ chói lòa trên những lá cờ của hàng triệu người đấu tranh chống lại thế giới cũ, thế giới của sự bóc lột, của sự nô lệ và của những cuộc chiến tranh ăn cướp”.[1]
Henri Bacbuyxơ sinh ngày 17 tháng 5 năm 1873 tại Axnierơ (quận Xen) nước Pháp. Cha ông, Anđriên Bacbuyxơ, là một nhà viết báo và viết kịch. Mẹ, Eni Benxơ, là con một chủ trại ấp người Anh. Bà mẹ chết lúc Bacbuyxơ mới lên ba tuổi.
Lúc còn là học sinh, Bacbuyxơ đã tỏ ra có biệt tài về văn thơ. Năm 1895, sau khi tốt nghiệp đại học, ông chính thức bước vào nghề viết văn, làm báo. Cũng chính năm đó, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay, một tập thơ được Catuylơ Mendet (một nhà thơ Pháp nổi tiếng đương thời) hết sức ca ngợi.
Năm 1903, Bacbuyxơ viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Những người van xin (Les suppliants) và năm 1908 viết cuốn Địa ngục (L’Enfer). Hai cuốn này được các nhà văn Mateclink và Anatôn Franxơ coi là những tác phẩm lớn của một nhà văn có thiên tài.
Trong giai đoạn sáng tác này, Bacbuyxơ đã bắt đầu đi theo phương hướng hiện thực chủ nghĩa, nhưng mãi đến những năm chiến tranh 1914 – 1918, ông mới thực sự bước vào con đường sự nghiệp của một nhà văn và nhà chiến sĩ cách mạng.
Ngày 19 tháng 7 năm 1914, cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh này là những mâu thuẫn nội bộ của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa bọn đế quốc Anh và đế quốc Đức. Với mục đích đòi chia lại thị trường thế giới, ngay trong những năm 1879 – 1882 Đức đã liên minh với Áo, Hung và Ý nhằm chống lại Nga, Pháp và Anh. Và từ đầu thế kỷ XX, ở châu Âu đã dần dần thành hình hai phe đối địch. Cuộc chiến tranh thế giới năm 1914 đã lôi cuốn 28 nước với số dân trên một tỷ rưỡi, và có đến 74 triệu người bị động viên.
Lúc đó, Henri Bacbuyxơ đã ngoài bốn mươi, đã quá tuổi tòng quân. Nhưng dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn tình nguyện gia nhập quân đội. Ông vào quân đội không phải để phiêu lưu, mạo hiểm mà là để làm bổn phận đối với tổ quốc và nhìn cho rõ thực chất ghê tởm của chiến tranh đế quốc, đặng vạch trần nó, góp phần tiêu diệt nó. Tháng chạp năm 1914, ông được điều ra mặt trận với trung đoàn bộ binh 231, sống với một tiểu đội mà ông đã mô tả sâu sắc trong tác phẩm Khói lửa (Le Feu) bất hủ.
Sau những ngày lăn lộn ở chiến hào, sát cạnh những người lính bình thường, hàng ngày đụng đầu với gian khổ, khủng khiếp và chết chóc, Bacbuyxơ mang về hậu phương một quyển sổ ghi chép bết bùn. Từ quyển sổ tầm thường ấy, bắt đầu từ cuối năm 1915 và sau 6 tháng, Khói lửa ra đời.
Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1916, Khói lửa được đăng dần trên báo Sự nghiệp, (Œuvre), bị kiểm duyệt cắt mất nhiều chỗ, và năm 1917, được xuất bản thành sách. Ngay từ lúc đầu, độc giả đã nhiệt liệt hoan nghênh, mặc dầu những công kích của bọn sô vanh chủ nghĩa. Tác phẩm đoạt giải thưởng Gôncua (Goncourt) và đến nay đã được dịch ra trên sáu mươi thứ tiếng.
Sau Khói lửa, cuốn Ánh sáng (Clarté), ra đời năm 1919, là một tác phẩm khác nổi tiếng của Bacbuyxơ. Ánh sáng có thể được coi là tiếng lòng của tác giả và của cả một lớp người trẻ tuổi đáp lại tiếng vọng của cuộc cách mạng tháng Mười Nga. Viết Ánh sáng, H. Bacbuyxơ đã gửi vào đấy một mối hy vọng: Từ cảnh chết chóc của chiến tranh, do sức mạnh của quần chúng, một thế giới mới sẽ ra đời, trong đó con người được nảy nở toàn diện và cuộc sống thật là tốt đẹp.
Từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, Bacbuyxơ càng ra sức hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Ông đã thành lập Hội cựu binh và thương binh ở Pháp (năm 1919) và Tổ chức cứu tế của Cựu binh sĩ (năm 1920). Cũng năm 1920, cùng với Raymôn Lơfevrơ (Raymond Lefevre) và Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier), ông sáng lập tạp chí Ánh sáng, cơ quan của nhóm Ánh sáng, một nhóm còn có tên là Tổ chức quốc tế của tri thức. Trong những năm đầu, tạp chí Ánh sáng đã có ảnh hưởng khá lớn, được sự cộng tác của các nhà trí thức tiến bộ toàn thế giới.
Từ năm 1917, trong những bài báo và diễn văn của mình, Bacbuyxơ luôn luôn lên tiếng ca ngợi Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa cộng sản. Đến năm 1923, giữa lúc chính phủ phản động Pháp ráo riết đàn áp phong trào của giai cấp công nhân, lùng bắt các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản, Henri Bacbuyxơ đã chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Ông tuyên bố: “Tôi đã lấy tư tưởng của họ làm tư tưởng của tôi thì ngày nay tôi phải chịu đựng những gian nguy mà họ phải chịu”.
Dưới lá cờ của Đảng, H. Bacbuyxơ càng có thêm nhiệt tình và phương hướng đúng đắn đấu tranh cho chân lý, cho sự nghiệp giải phóng những người bị áp bức bóc lột. Tiếng nói chính nghĩa của ông đã không ngớt vang lên tố cáo mọi bất công và tàn bạo. Năm 1925, ông đã kêu gọi chống chiến tranh xâm lược Marôc. Khi bọn thống trị ở Bancăng tiến hành khủng bố trắng đối với nhân dân vùng này, ông đã sang tận nơi điều tra, đã thành lập những ủy ban bảo vệ nhân dân của cuộc khủng bố và lúc về nước Pháp, đã viết bản tố cáo đanh thép Những tên đao phủ (Les bourreaux) (1925).
Cạnh những hoạt động chính trị có ý nghĩa lớn đó, Bacbuyxơ vẫn hăng say tiếp tục sự nghiệp văn học của mình, một sự nghiệp văn học tích cực phục vụ hoạt động chính trị chân chính. Năm 1925, ông cho xuất bản cuốn Những sự trói buộc (Enchainements) một cuốn sách vạch trần nguyên nhân đầu tiên của mọi tội lỗi: nạn người bóc lột người.
Năm 1926, cuốn Sức mạnh (Force), tập truyện ngắn, và năm 1927, cuốn Jêdu (Jésus) của ông ra đời. Cũng trong năm 1927, Bacbuyxơ đã đi thăm Liên-xô, và ở Mạc-tư-khoa, ông đã tham dự vào việc thành lập Tổ chức quốc tế của các nhà văn cách mạng, mà sau này ông là một trong những người lãnh đạo. Khi trở về Pháp, ông đã viết cuốn Đây, người ta đã làm gì cho xứ Georgi (Voici ce qu’on a fait de la Géorgie) (1927). Năm 1928, Bacbuyxơ sáng lập tờ tuần báo Thế giới (Le monde). Tờ báo được coi như là một công cụ để giải phóng trí thức và là cơ quan liên lạc của những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa.
Năm 1932, Bacbuyxơ viết tác phẩm Đời Zôla (La vie de Zola). Trong công trình lịch sử và phê bình văn học này ông đã vạch rõ tác dụng tích cực và những hạn chế của Zôla và của chủ nghĩa tự nhiên trong văn học. Ông cũng đã trình bày tính chất và nhiệm vụ của văn học là phải thật sự hiện thực và phải phục vụ cho sự nghiệp giải phóng con người.
Trong những năm cuối cùng của đời mình, Bacbuyxơ đã ra sức chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh đang đe dọa thế giới, mặc dầu sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Ông đã tham dự và lãnh đạo nhiều cuộc hội nghị quốc tế chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Năm 1933, ông đã sang tận nước Mỹ nói chuyện trước nhiều cuộc mít-tinh và thành lập Liên đoàn chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít ở châu Mỹ.
Xtalin một thế giới mới nhìn qua một con người (Staline, un monde nouveau vu à travers un homme) ra đời năm 1935, là tác phẩm cuối cùng của đời ông. Trong cuốn sách này, ông đã hết lòng ca ngợi ý chí, tài năng của Xtalin, người đồng chí, người bạn và người kế nghiệp của Lênin.
Tháng 7 năm 1935, nhận lời mời của các nhà văn Xô-viết, ông lại sang thăm Liên-xô và đã tham dự Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản. Lúc này, thân thể ông đã suy nhược, lại bị bệnh sưng phổi, nên ngày 30 tháng 8 năm 1935, ông đã từ trần tại Mạc-tư-khoa.
Nhân dân Pháp, nhân dân Liên-xô và nhân dân thế giới hết sức thương tiếc Henri Bacbuyxơ. Suốt trong ba ngày, nhân dân thành phố Mạc-tư-khoa liên tục diễu qua trước linh cữu ông. Sau đó, linh cữu ông được đưa về Pháp và ngày 7 tháng 9 tang lễ đã được cử hành trọng thể ở Pa-ri.
Đối với Việt Nam chúng ta, thân thế và sự nghiệp văn học của Henri Bacbuyxơ đã có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn và các nhà hoạt động cách mạng ngay trong những năm trước Cách mạng tháng Tám. Bacbuyxơ đã nghiêm khắc lên án chế độ thuộc địa vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp. Đã từ lâu, báo chí Việt Nam đã có những bài giới thiệu H. Bacbuyxơ như một nhà văn dùng nghệ thuật của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ chân lý, phục vụ chủ nghĩa xã hội.[2]
Khói lửa mà Henri Bacbuyxơ gọi là “Nhật ký của một tiểu đội” và đề tặng hương hồn những bạn đồng đội đã hy sinh bên cạnh mình ở Cruy và trên sườn đồi 119, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng không những trong sự nghiệp sáng tác của Bacbuyxơ mà cả trong nền văn học hiện đại Pháp.
Có thể khẳng định rằng giá trị chủ yếu của Khói lửa là ở chỗ đã chống đối mãnh liệt chiến tranh đế quốc. Annet Viđan (Annette Vidal), nữ thư ký của H. Bacbuyxơ, đã từng phân tích Khói lửa, coi đó là cuốn tiểu thuyết của chiến tranh, của chiến hào, của người lính, của sự thật và là cuốn tiểu thuyết viết cho nhân dân. Ý nghĩa phản đối chiến tranh đế quốc của tác phẩm biểu lộ trước hết ở chỗ vạch trần sự thật khủng khiếp và cái vô lý của chiến tranh.
Trong Khói lửa, những người phải trực tiếp ra mặt trần phần lớn là công nhân, nông dân và dân nghèo. Lấy tiểu đội của tác giả làm ví dụ: hầu như không có ai là nghệ sĩ, tri thức hoặc tư sản. Dưới bề ngoài bình thường và phức tạp, họ chứa chất những tình cảm dịu hiền, lành mạnh. Họ hết sức thương yêu bố mẹ, vợ con, làng mạc, quê hương, trân trọng giữ từng lá thư nhà để sưởi ấm lòng. Blerơ đã từng chăm chú mài giũa làm chiếc nhẫn tặng vợ, Fuiat những lúc rảnh rỗi đã từng mơ tưởng về quê hương yêu dấu. Pôteclô vì mong thấy mặt vợ mà quên hết mọi gian nguy và trước hoàn cảnh éo le, những ý nghĩ ghen tuông của anh đã pha trộn nhiều niềm tha thứ. Lamuydơ coi trọng tình đồng đội, nhiều lúc quên mình để cứu bạn. “Họ không phải là lính tráng, họ là những con người…”. Nhưng chiến tranh đã bắt buộc người lính làm những điều trái ý muốn và tâm tư của họ. Ở trận địa có khi họ đánh đổi một mạng người lấy một bao diêm, một cặp ống chân lấy một đôi bốt. Họ phải trở thành ích kỷ, phải xoay sở, giành giật lẫn nhau. Có người đã phải kêu lên: “Tiến đến đây, thì ai cũng như thú dữ. Sống mãi như súc vật rồi đến thành súc vật cả nút”… Chiến tranh còn là chia ly, tan tác. Một lá thư của Bikê gửi an ủi mẹ, một bà mẹ suốt đời chỉ sống vì con bị trả về tiểu đội anh khi anh đã vĩnh viễn lìa đời: chiến tranh đã đẩy mẹ anh phiêu bạt không biết đi đâu. Lamuydơ bị đạn đại bác cướp mất Ođôxi và, khi anh được tự do gần nàng, ôm nàng thì nàng đã thành một trong những cái xác rữa nát, hôi thối dưới cái hầm bị sập. Và Pôteclô lìa đời trong lúc hình ảnh vợ anh cười nụ bên cạnh mấy thằng sĩ quan Đức trong căn buồng đầy ánh sáng, ở miền bị Đức chiếm, chưa làm anh hết băn khoăn. Cả một tiểu đội gồm 17 người, đến cuối tác phẩm bị tiêu hao gần hết. Cảm động nhất là cái chết của Mexin Anđrê. “Hắn có sáu anh em… Bốn đứa đã ngoẻo rồi, hai đứa nghoẻo ở Anđat, một ở Sampanhơ và một ở Acgôn…” Và Mexin cũng đã hy sinh.
Trong lúc ấy, bọn giàu sang ở thành thị coi chiến tranh chỉ là một việc bình thường, và cho rằng mỗi người một nghề, chúng ở hậu phương buôn bán, bóc lột làm giàu, công lao cũng không kém những người ra trận!
Bên cạnh việc mô tả đầy tính chất hiện thực cuộc chiến tranh đế quốc với những thảm trạng và bất công của nó; Khói lửa còn phản ánh được quá trình giác ngộ của những người lính. Lúc đầu, họ hục hặc với tất cả, họ phá phách và đôi khi độc ác. Dần dần sự phản ứng ấy đã hướng được vào đúng chỗ. Từ thái độ đối với bọn nhà báo bồi bút, đến sự phản kháng có ý nghĩa trước cái chết của Caja, và cơn phẫn nộ đối với bọn phục hậu, dần dần, người lính đã thấy rằng “một sự khác biệt bắt đầu hình thành giữa những con người, một sự khác biệt thật sâu xa, không thể dung hòa được… sự khác biệt giữa những kẻ bóc lột và những người phải làm quần quật, phải hy sinh tất cả… còn những kẻ khác thì giẫm đạp lên họ, tiến lên, mỉm cười và toại nguyện…”. Bước đầu giác ngộ giai cấp đã khiến họ có những suy nghĩ đúng đắn về chiến tranh: “… từng đoàn quân chui vào lò sát sinh là để cho một giai cấp đeo lon vàng có thể ghi tên tuổi quí phái của chúng vào lịch sử, để cho những kẻ cũng đeo đầy vàng, cũng thuộc vào một đẳng cấp như bọn kia có thể ôm đồm kinh doanh nhiều hơn để phục vụ cá nhân chúng…” Họ biết mình sinh ra là để làm những người chồng, người cha, làm những con người đúng với nghĩa của nó, chứ không phải để làm những con thú dữ cắn xé nhau, gieo khổ cho nhau. Cái băn khoăn của Mactơrô về bọn lính Đức không thích xung phong mà sao vẫn cứ phải ra trận, câu chuyện của anh lính phi cơ ở trạm cấp cứu về những lời cầu nguyện giống nhau trong một buổi sáng chủ nhật của lính Đức và lính Pháp, càng khẳng định thêm tội ác gây chiến của bọn thống trị bóc lột. Họ đã tự đặt nhiệm vụ phải tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt ở Đức và ở tất cả các nước một khi nó bành trướng đến và phải trừ khử chiến tranh ngay trong lòng tất cả các nước. Mục tiêu chiến đấu của họ là rồi đây phải chống những điều tội lỗi chứ không phải chống riêng một nước nào. Xã hội cần có một sự đổi thay và họ “hé thấy một cuộc Cách mạng nào đó lớn lao hơn cuộc cách mạng kia[3]”.
Khi nắm được thực chất của chiến tranh đế quốc, họ đã xác định được lòng tin, tin ở sức mạnh của mình, tin ở ngày mai tươi đẹp, tin rằng xã hội xấu xa sẽ mất, chiến tranh sẽ bị tiêu diệt và tương lai sẽ rực rỡ, vì mặt trời vẫn tồn tại.
Vạch trần được nguyên nhân của chiến tranh, nêu được những mâu thuẫn xã hội, Khói lửa còn đề cao được mối tình quốc tế mới nhóm trong lòng những người lính bị đưa ra mặt trận. Trong bao nhiêu đau khổ và mất mát chung, lính Đức và lính Pháp dần dần hiểu nhau hơn, bước đầu thấy sự phân biệt chủng tộc là một điều vô lý và bịp bợm. Những người lính Pháp coi việc giết được nhiều lính Đức là một điều tội lỗi hơn là một vinh quang. Và lính Đức cũng thế, cũng chửi rủa chiến tranh, chửi rủa cấp chỉ huy của họ. Ở phần cuối của tác phẩm, những bọn dân tộc hẹp hòi được coi là quân dòi bọ và viên cai Bectrăng đã lớn tiếng ca ngợi Lepnick, một lãnh tụ của nhân dân Đức là “nhân vật đã vươn cao mình lên trên cuộc chiến tranh và sẽ luôn luôn sáng ngời vì lòng gan dạ đẹp đẽ và lớn lao…”
Khói lửa đã nghiêm khắc lên án chiến tranh đế quốc giữa lúc đa số đảng trong Đệ nhị quốc tế phản bội quyền lợi của giai cấp công nhân, chạy theo ủng hộ chiến tranh, giữa lúc bọn Trôtxky đề ra luận điệu lừa bịp “không thắng, không bại” nhằm lợi dụng chiến tranh chống lại bước tiến của Cách mạng. Khói lửa là tiếng nói của sự thật vọng lên từ những chiến hào bùn lầy, tuyết đọng, đầy thiếu thốn, và chết chóc. Khói lửa động viên và tập hợp những lực lượng trước kia còn phân tán để chống chiến tranh một cách tích cực hơn.
Không những về mặt nội dung, mà cả về phương pháp nghệ thuật, Khói lửa là một hiện tượng rất mới, rất đặc biệt, rất có ý nghĩa trong văn học Pháp đương thời. Giữa lúc văn học Pháp và văn học các nước phương Tây nói chung vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đang ngày càng sa vào những khuynh hướng đồi trụy, không lối thoát, giữa lúc chủ nghĩa tự nhiên còn ảnh hưởng khá sâu sắc đến các nhà văn có khuynh hướng tiến bộ, Khói lửa đã mang nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực mới, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngòi bút của Bacbuyxơ vừa phê phán sâu sắc, vừa gợi lên ý niệm về tương lai, bước đầu gây lòng tin tưởng ở cái mới rồi đây sẽ thắng cái cũ.
Điều chủ yếu là trong Khói lửa, Bacbuyxơ đã sử dụng một ngòi bút hiện thực thật sinh động. Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi phải xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Khói lửa, như tác giả đã gọi, chỉ là một tập nhật ký, một tập ghi chép, không phải là một cuốn tiểu thuyết, không tập trung vào một nhân vật nhất định nào cả. Nhân vật ở đây là cả một tiểu đội binh sĩ, mỗi người một khía cạnh, một sắc thái đúc lại làm thành điển hình người lính Pháp trong đại chiến thế giới lần thứ nhất. Cảnh trong Khói lửa cũng thường thay đổi: khi là những chiến hào lầy bùn, âm u và ghê rợn, khi là chặng đường hành quân dài dằng dặc, khi là chỗ trú quân nơi sơn cước, khi là mặt trận khói đạn mù trời, khi là nơi hậu phương lúc nhúc những bọn phục hậu hèn nhát, khi là một làng đã hoàn toàn bị chiến tranh san phẳng v.v… Những cảnh đó, cộng lại, tiếp nhau, đã khiến người đọc hình dung được phần nào hình ảnh nước Pháp điêu đứng trong chiến tranh và làm thành môi trường hoạt động của nhân vật người lính.
Đối với nhà văn hiện thực, những chi tiết của cuộc sống có tầm quan trọng đặc biệt. Chi tiết đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, sẽ phản ánh được cụ thể bản chất của sự vật, nâng cao thêm tác dụng phê phán. Bacbuyxơ đã thành công nhiều ở điểm này. Ông đã mô tả sự thật đúng như sự thật, nhưng đã mô tả có khuynh hướng. Không bỏ sót một tí gì tai nghe mắt thấy, ông đã để cho sự vật tự nói lên kết luận, làm cho người đọc với lương tâm và lý trí của họ, thấy hết những đen tối, xấu xa của chiến tranh đế quốc. A. Ivasenkô, tiến sĩ ngữ văn Liên-xô đã nhận xét: “Bacbuyxơ liên miên bất tận trong những mô tả tàn khốc, vì bản thân thực tại cũng tàn khốc. Ở nhà tự nhiên chủ nghĩa, sự thể hiện tự nó là mục đích; ở nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa Bacbuyxơ, mô tả cái gì là đứng trên lập trường của một lý tưởng xã hội nhất định và nhằm phục tùng nhiệm vụ tác động đến thực tại về mặt tư tưởng…”[4]
Quan điểm tôn trọng sự thật vì hiểu được ý nghĩa của sự thật đã được Bacbuyxơ biểu hiện khá rõ rệt trong chương “Những lời văng tục”.
Tính chất hiện thực sâu sắc của Khói lửa thực tế đã tác động mạnh mẽ đến người đọc. Một nữ độc giả bình thường đã viết cho Bacbuyxơ: “Đọc xong tác phẩm của ông, tôi như vừa chui ở chiến hào ra…”[5] Có những lá thư khác, gửi từ mặt trận về đã viết: “Ông đã thét lên tiếng thét của chân lý… Tác phẩm của ông là bức tranh của cuộc đời tối tăm như địa ngục của chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn ông đã trả thù cho chúng tôi, đã tố cáo chiến tranh, đã vạch cho chúng tôi một tương lai vô cùng vinh quang…”[6]
Cho đến nay (1962) Khói lửa ra đời đã gần năm mươi năm, nhưng vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong văn học thế giới. Chủ nghĩa đế quốc vẫn còn, nghĩa là vẫn còn âm mưu gây chiến. Các nước đế quốc, cầm đầu là đế quốc Mỹ đang ra sức chạy đua vũ trang, gây tình hình căng thẳng trên thế giới. Các khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, trung tâm, Đông nam Á và các khối quân sự khác đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh chung. Và ngay trên đất nước ta, đế quốc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.
Đọc Khói lửa, càng ghê tởm những thảm trạng của chiến tranh, càng căm thù bọn đế quốc gây chiến, nhân dân thế giới càng nâng cao thêm ý chí đấu tranh cho hòa bình. Cái quyết định là lòng người. Khói lửa nhen thêm trong lòng mọi người sự căm ghét chiến tranh, nhất định sẽ góp phần xứng đáng vào việc chặn đứng mọi âm mưu gây chiến. Đối với bạn đọc Việt Nam, Khói lửa sẽ góp phần nung nấu thêm chí căm thù bọn Mỹ – Diệm khát máu, nâng cao thêm quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
NGUYỄN TRỌNG THỤ – LÊ VĂN TỤNG
Mời các bạn đón đọc Khói Lửa của tác giả Henri Barbusse.