Cuốn Cấu Trúc Các Cuộc Cách Mạng Khoa Học được Kuhn viết và cho xuất bản vào năm 1962, lúc đầu được đăng tải như một mục trong bộ Bách khoa Thư Khoa học Thống nhất [International Encyclopedia of Unified Science] do các nhà duy thực chứng của Câu lạc bộ Wien ấn hành.
Khác với quan niệm về tính phản nghiệm của Karl Popper, trong cuốn sách của mình, Kuhn muốn chứng minh rằng các lý thuyết khoa học trong lịch sử không hề bị loại bỏ khi chúng tỏ ra sai, mà chỉ đến khi nào chúng được thay thế. Sự thay thế này là một hiện tượng “xã hội” đòi hỏi phải có sự tham gia của cả một cộng đồng các nhà nghiên cứu, cùng thống nhất với nhau về một quy trình xoay quanh việc giải thích một số hiện tượng hoặc một số thí nghiệm nhất định. Cộng đồng này có một cấu trúc đặc thù riêng (các cuộc tọa đàm, hội thảo, các ấn phẩm…). Trong lịch sử, theo ông, không hiếm khi xảy ra trường hợp nhiều trường phái cùng tồn tại trong một mối quan hệ đối lập, và ở một mức độ tương đối, họ không hề biết tới công việc của nhau.
Dấu ấn của Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học cho đến giờ này vẫn chưa hề phai nhạt và tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn. Công trình của Kuhn ngày nay vẫn được sử dụng khá triệt để trong khoa học xã hội, chẳng hạn trong những tranh cãi về Quan hệ Quốc tế của các trường phái hậu thực chứng.
Khái niệm "mẫu hình" của ông dường như là một khái niệm cơ bản của môn Xã hội học về Tri thức Khoa học. Có thể nói không ngoa rằng hiếm có sinh viên thuộc các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn nào không nghe nói đến Thomas Kuhn và lý thuyết về “mẫu hình” của ông. Cho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất.
Sự ra đời của nó vào năm 1962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm 1930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
***
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười hai* của tủ sách SOS², cuốn Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học của Thomas S. Kuhn. Cuốn sách này đã trở thành kinh điển từ lần xuất bản đầu tiên năm 1962. Bản dịch dựa vào bản xuất bản lần thứ ba năm 1996. Đây là một cuốn sách về triết học khoa học, phân tích cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học, cấu trúc các cộng đồng khoa học, sự phát triển của khoa học. Ông phân sự phát triển của các khoa học thành các giai đoạn tương đối “ổn định” mà ông gọi là khoa học thông thường, bị ngắt quãng bởi các thời kì được gọi là cách mạng khoa học. Trong khoa học thông thường về cơ bản không có cạnh tranh, các nhà khoa học tiến hành công việc khoa học như việc giải các câu đố. Khi các dị thường (sự không khớp giữa các tiên đoán và quan sát) xuất hiện, các nhà khoa học thường tìm cách giải quyết nó, và thường thành công. Tuy vậy có các dị thường có thể gây ra khủng hoảng. Khoa học khác thường nổi lên trong các giai đoạn như vậy. Nảy sinh nhiều trường phái khác nhau. Vì có tự do tư duy và cạnh tranh, thường chỉ có một trường phái duy nhất sống sót, và khoa học lại bước vào pha khoa học thông thường mới. Tuy ông lấy các thí dụ chủ yếu từ lĩnh vực vật lí học, cuốn sách đề cập đến khoa học nói chung, và chủ đề của nó càng có ý nghĩa đối với các khoa học xã hội, các khoa học “chưa” thật “trưởng thành”.
Khái niệm paradigm do ông đưa ra được thảo luận chi tiết trong cuốn sách này. Theo từ điển các từ Việt Nam tương ứng với paradigm là mẫu, mô hình. Do chưa có thuật ngữ Việt thống nhất tương ứng, chúng tôi tạm dùng từ “khung mẫu” để chỉ khái niệm này. Khung mẫu là cái mà một cộng đồng khoa học chia sẻ, là hình trạng (constellation) của các cam kết của một cộng đồng khoa học, là mẫu dùng chung của một cộng đồng khoa học. Có lẽ nên dùng nguyên paradigm thay vì “dịch” ra tiếng Việt. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thường chỉ phiên âm các khái niệm mới, không đặt vấn đề “dịch” khái niệm ra tiếng mẹ đẻ vì việc dịch như vậy là không thể làm được và không có ý nghĩa [ma trận xuất phát từ matrix phiên âm qua tiếng Trung Quốc là một ví dụ khá quen thuộc]. Trong bản dịch này khung mẫu không phải là từ “được dịch” của paradigm, nó là một từ được dùng để chỉ khái niệm paradigm. Bạn đọc đừng bận tâm paradign, khung mẫu, matrix, ma trận “có nghĩa” là gì, chúng chỉ là những cái tên, các nhãn của các khái niệm. Phải tiếp cận với các khái niệm trước và sau đó dùng các tên hay các nhãn như vậy để gọi chúng. Ta sẽ bắt gặp thêm các khái niệm như cộng đồng khoa học, cách mạng khoa học, khoa học thông thường, khoa học khác thường, v.v. trong cuốn sách này. Tất nhiên trong một cộng đồng ngôn ngữ việc thống nhất tên gọi của các khái niệm là hết sức quan trọng.
Cuốn sách sẽ bổ ích cho các triết gia, các nhà sử học, các nhà khoa học (tự nhiên và xã hội), các sinh viên, và tất cả những ai quan tâm đến khoa học, đến sáng tạo.
Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác và dễ đọc, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót. Phần chỉ mục nội dung, ở mỗi mục chính, có kèm theo thuật ngữ tiếng Anh để bạn đọc tiện tham khảo.
Mọi chú thích của tác giả được đánh bằng số. Tất cả các chú thích đánh dấu sao (*) ở cuối trang là của người dịch. Trong văn bản đôi khi người dịch có đưa thêm từ hay cụm từ để cho câu được rõ nghĩa, phần đó được đặt trong dấu [như thế này]. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư [email protected] [email protected]
06-2005
Nguyễn Quang A
***
Tiểu luận này là báo cáo được xuất bản đầy đủ đầu tiên về một công trình khởi đầu được hình dung ra gần mười lăm năm trước. Khi đó tôi là một nghiên cứu sinh về vật lí lí thuyết sắp hoàn thành luận văn của mình. Một sự dính líu may mắn với một cua thử nghiệm dạy khoa học vật lí cho người không nghiên cứu khoa học đã lần đầu tiên đưa tôi đến với lịch sử khoa học. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên, rằng việc tiếp xúc với lí thuyết và thực hành khoa học lỗi thời đã làm xói mòn triệt để một số quan niệm cơ bản của tôi về bản chất của khoa học và các lí do cho thành công đặc biệt của nó.
Đó là các quan niệm mà tôi đã rút ra một phần từ bản thân quá trình đào tạo khoa học và một phần từ một chí thú có từ lâu với triết học khoa học. Chẳng hiểu sao, dù tính hữu dụng sư phạm của chúng và vẻ hiển nhiên trừu tượng của chúng có thế nào, các quan niệm này không hề hợp với công việc mà nghiên cứu lịch sử phơi bày. Thế mà chúng đã và vẫn là cơ bản cho nhiều thảo luận về khoa học, và vì thế có vẻ đáng theo đuổi kĩ lưỡng sự thất bại của chúng về vẻ thật. Kết quả đã là một sự dịch chuyển quyết liệt trong các dự định sự nghiệp của tôi, một sự dịch chuyển từ vật lí học sang lịch sử khoa học và sau đó, dần dần, từ các vấn đề lịch sử tương đối dễ hiểu quay trở lại các lo ngại triết học ban đầu đã dẫn tôi đến với lịch sử. Trừ một vài bài báo, tiểu luận này là tác phẩm đầu tiên trong các công trình đã xuất bản của tôi trong đó các mối lo ngại ban đầu này chi phối. Một phần nào đó nó là một nỗ lực để giải thích cho bản thân tôi và các bạn bè trước hết tôi đã bị kéo từ khoa học sang lịch sử khoa học như thế nào.
Cơ hội đầu tiên của tôi để theo đuổi sâu vài trong các ý tưởng nêu ra dưới đây là ba năm với tư cách một Nghiên cứu sinh Trẻ của Hội các Nghiên cứu sinh của Đại học Hardvard. Không có giai đoạn tự do đó thì sự chuyển đổi sang một lĩnh vực nghiên cứu mới chắc đã khó hơn nhiều và có thể đã không đạt được. Một phần thời gian trong các năm đó tôi đã dành cho lịch sử khoa học đích thực. Đặc biệt tôi đã tiếp tục nghiên cứu các tác phẩm của Alexandre Koyré và đầu tiên làm quen với các tác phẩm của Emile Meyerson, Hélène Metzger, và Anneliese Maiser.[1] Sáng tỏ hơn hầu hết các học giả khác gần đây, nhóm người này đã cho thấy cái gì giống như suy nghĩ khoa học trong một thời kì khi các chuẩn mực khoa học rất khác các chuẩn mực ngày nay. Mặc dù tôi ngày càng nghi ngờ một vài trong số các diễn giải lịch sử cá biệt của họ, các công trình của họ, cùng với Great Chain of Being của A. O. Lovejoy, đã chỉ đứng sau các nguồn tư liệu gốc trong tạo hình quan niệm của tôi về lịch sử các ý tưởng khoa học có thể là gì.
Phần lớn thời gian của tôi trong các năm ấy, tuy vậy, được dùng để khám phá các lĩnh vực không có quan hệ rõ ràng với lịch sử khoa học nhưng trong đó nghiên cứu ngày nay phơi bày ra các vấn đề giống các vấn đề mà lịch sử đã làm cho tôi chú ý. Một chú thích bắt gặp tình cờ đã dẫn tôi đến các thí nghiệm mà Jean Piaget đã làm sáng tỏ cả các cuộc đời khác nhau của đứa trẻ đang lớn và quá trình chuyển tiếp từ một [cuộc đời] sang [cuộc đời] kế tiếp.[2] Một trong các đồng nghiệp của tôi bảo tôi đọc các bài báo về tâm lí học tri giác, đặc biệt các nhà tâm lí học phái Gestalt; đồng nghiệp khác giới thiệu cho tôi những suy ngẫm của B. L. Whorf về ảnh hưởng của ngôn ngữ lên thế giới quan; và W. V. O. Quine mở ra cho tôi các câu đố triết học về sự phân biệt giải tích-tổng hợp (analytic-synthetic).[3] Đó là loại khám phá có tính ngẫu nhiên mà Hội các Nghiên cứu sinh cho phép, và chỉ qua đó mà tôi đã có thể bắt gặp cuốn chuyên khảo hầu như không được biết đến của Ludwik Fleck, Entstehung und Entwicklung einer wissenschaftlichen Tatsache (Basel, 1935), một tiểu luận thấy trước nhiều ý tưởng riêng của tôi. Cùng với một nhận xét của một Nghiên cứu sinh Trẻ khác, Francis X. Sutton, công trình của Fleck đã làm cho tôi thấy rõ là các ý tưởng đó có thể cần được đặt trong xã hội học của cộng đồng khoa học. Tuy dưới đây bạn đọc sẽ thấy ít dẫn chiếu đến các công trình hay các đối thoại này, tôi mang ơn chúng theo nhiều cách hơn là bây giờ tôi có thể tái dựng lại hay đánh giá.
Trong năm cuối với tư cách một Nghiên cứu sinh Trẻ, một lời mời giảng cho Viện Lowell ở Boston đã tạo cơ hội đầu tiên cho tôi để thử quan niệm vẫn đang phát triển của tôi về khoa học. Kết quả là một loạt gồm tám bài giảng công khai, được trình bày tháng Ba, 1951, về “Truy tìm Khoa học Vật lí – The Quest for Physical Science”. Trong năm tiếp theo tôi bắt đầu dạy lịch sử khoa học đích thực, và gần một thập niên các vấn đề giảng dạy trong một lĩnh vực tôi chưa bao giờ nghiên cứu một cách có hệ thống đã không để cho tôi có mấy thời gian cho trình bày tường minh các ý tưởng đầu tiên đã kéo tôi vào lĩnh vực đó. Tuy vậy, thật may mắn các ý tưởng đó đã tạo một nguồn của định hướng ngầm định và của cấu trúc-vấn đề nào đó cho phần lớn việc giảng dạy bậc cao hơn của tôi. Vì thế tôi có các sinh viên để cảm ơn vì các bài học có giá trị cả về khả năng đứng vững của các quan điểm của tôi và về những kĩ thuật thích hợp cho việc truyền đạt chúng một cách hiệu quả. Cùng các vấn đề và định hướng mang lại tính thống nhất cho hầu hết các nghiên cứu lịch sử chiếm đa số, và rõ ràng khá đa dạng, mà tôi đã công bố kể từ khi kết thúc học bổng nghiên cứu sinh của tôi. Nhiều trong số chúng đề cập đến vai trò trọn vẹn do siêu hình học này hay kia đã đóng trong nghiên cứu khoa học sáng tạo. Những nghiên cứu khác khảo sát cách trong đó các cơ sở thí nghiệm của một lí thuyết mới được tích tụ và được những người cam kết với một lí thuyết cũ không tương thích tiêu hoá ra sao. Trong quá trình chúng mô tả loại phát triển mà dưới đây tôi sẽ gọi là “sự nổi lên-emergence” của một lí thuyết hay phát minh mới. Ngoài ra có các ràng buộc khác như vậy.
Chặng cuối cùng trong sự phát triển của tiểu luận này bắt đầu với một lời mời làm việc cho năm 1958-1959 ở Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về các Khoa học Hành vi – Center for Advanced Studies in the Behaviorial Sciences. Lại một lần nữa tôi có khả năng chú tâm hoàn toàn vào các vấn đề được thảo luận dưới đây. Thậm chí quan trọng hơn, sống một năm trong một cộng đồng chủ yếu gồm các nhà khoa học xã hội, tôi đã đối mặt với các vấn đề không được dự kiến trước về những khác biệt giữa các cộng đồng như vậy với cộng đồng các nhà khoa học tự nhiên mà trong đó tôi đã được đào tạo. Đặc biệt, tôi bị ấn tượng bởi số lượng và mức độ của các bất đồng không úp mở giữa những nhà khoa học xã hội về bản tính của các vấn đề và các phương pháp khoa học chính đáng. Cả lịch sử lẫn sự quen biết làm cho tôi nghi ngờ rằng những người hành nghề khoa học tự nhiên có những câu trả lời vững chắc hơn hay vĩnh cửu hơn cho các câu hỏi như vậy so với các đồng nghiệp khoa học xã hội của họ. Thế nhưng, không biết làm sao, sự thực hành thiên văn học, vật lí học, hoá học, hay sinh học thường không gây ra các tranh cãi về những cái cơ bản mà ngày nay thường có vẻ như căn bệnh địa phương giữa, thí dụ, các nhà tâm lí hay các nhà xã hội học. Việc thử khám phá ra nguồn của sự khác biệt đó đã khiến tôi nhận ra vai trò trong nghiên cứu khoa học của cái từ đó tôi đã gọi là các “khung mẫu – paradigm”*. Những cái này tôi coi là các thành tựu khoa học đã được công nhận một cách phổ quát mà trong một thời gian cung cấp các vấn đề mẫu và các lời giải cho một cộng đồng của những người thực hành. Một khi cái miếng hình ghép của tôi khớp vào chỗ trong câu đố ghép hình, thì một bản thảo của tiểu luận này hiện ra nhanh chóng.
Câu chuyện tiếp theo của bản thảo đó không cần được kể ở đây, nhưng phải nói vài lời về hình thức mà nó vẫn giữ được qua các lần soát xét lại. Cho đến khi một phiên bản đầu tiên được hoàn thành và phần lớn được soát xét lại, tôi đã dự kiến rằng bản thảo sẽ xuất hiện chỉ riêng như một tập trong Bách khoa thư Khoa học thống nhất – Encyclopedia of Unified Science. Các biên tập viên của công trình tiên phong đó đã đầu tiên cố thuyết phục, rồi giúp tôi cam kết vững chắc, và cuối cùng kiên nhẫn chờ đợi kết quả với sự tế nhị lạ thường. Tôi mang ơn họ rất nhiều, đặc biệt Charles Morris, vì tạo ra kích thích cơ bản và vì khuyên tôi về bản thảo được hình thành. Các giới hạn về chỗ của Bách khoa thư, tuy vậy, khiến cho tất yếu phải trình bày các quan điểm của tôi ở dạng cực kì cô đọng và giản lược. Tuy các sự kiện tiếp theo có giảm nhẹ các giới hạn đó một chút và đã làm cho việc công bố độc lập đồng thời là có thể, công trình này vẫn là một tiểu luận hơn là một cuốn sách đầy đủ tầm cỡ mà đề tài của tôi cuối cùng sẽ đòi hỏi.
Vì mục tiêu cơ bản nhất của tôi là thúc đẩy một sự thay đổi nhận thức và đánh giá về các dữ liệu quen thuộc, tính giản lược của sự trình bày đầu tiên này không nhất thiết là hạn chế. Ngược lại, các bạn đọc mà lĩnh vực nghiên cứu riêng của họ đã chuẩn bị cho họ loại tái định hướng được chủ trương ở đây có thể thấy hình thức tiểu luận cả có tính gợi mở hơn lẫn dễ tiêu hoá hơn. Nhưng nó cũng có các nhược điểm, và chúng có thể biện hộ cho sự làm sáng tỏ của tôi ngay ở đầu về các loại mở rộng cả ở quy mô lẫn ở độ sâu mà tôi hi vọng cuối cùng sẽ được bao gồm trong một phiên bản dài hơn. Có sẵn nhiều bằng chứng lịch sử hơn nhiều mức tôi có chỗ để khai thác dưới đây. Hơn nữa, bằng chứng có từ lịch sử khoa học sinh học cũng như vật lí. Quyết định của tôi ở đây để chỉ đề cập riêng đến vật lí học một phần là do để tăng tính chặt chẽ của tiểu luận và một phần do năng lực hiện tại. Ngoài ra, cách nhìn về khoa học được trình bày ở đây gợi ý tiềm năng kết quả của một loạt loại nghiên cứu mới, cả lịch sử và xã hội. Thí dụ, cách trong đó các dị thường, hay các vi phạm sự mong đợi, thu hút sự chú ý của một cộng đồng cần nghiên cứu chi tiết, cũng như sự nổi lên của các khủng hoảng có thể do thất bại lặp đi lặp lại để làm cho một dị thường phù hợp với sự mong đợi gây ra. Hoặc lần nữa, nếu tôi đúng rằng mỗi cách mạng khoa học làm thay đổi viễn cảnh lịch sử của cộng đồng trải nghiệm nó, rồi sự thay đổi viễn cảnh đó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của các sách giáo khoa và các sách báo nghiên cứu sau cách mạng. Một tác động như vậy – một sự dịch chuyển về phân bố của tài liệu tham khảo được trích dẫn trong các chú giải của các báo cáo nghiên cứu – nên được nghiên cứu như một chỉ số khả dĩ đối với sự xuất hiện của các cuộc cách mạng.
Nhu cầu cô đọng khắc nghiệt cũng đã buộc tôi phải thôi thảo luận một số vấn đề chính. Sự phân biệt của tôi giữa các giai đoạn trước- và sau-khung mẫu (pre- and post-paradigm) trong sự phát triển của một khoa học, chẳng hạn, là quá giản lược. Mỗi trường phái mà sự cạnh tranh của chúng đặc trưng cho giai đoạn sớm hơn được cái gì đó rất giống một khung mẫu hướng dẫn; có các hoàn cảnh, tuy tôi nghĩ chúng là hiếm, trong đó hai khung mẫu có thể cùng tồn tại một cách hoà bình trong giai đoạn muộn hơn. Sự chiếm hữu đơn thuần một khung mẫu không hoàn toàn là một tiêu chuẩn cho quá độ phát triển được thảo luận ở Mục II. Quan trọng hơn, trừ các lời nói ngẫu nhiên ngắn hi hữu, tôi đã không nói gì về vai trò của tiến bộ công nghệ hay về các điều kiện xã hội, kinh tế và trí tuệ bên ngoài trong sự phát triển của các khoa học. Tuy vậy, ta không cần nhìn xa hơn Copernicus và lịch để nhận ra rằng các điều kiện bên ngoài có thể giúp một dị thường đơn thuần thành một nguồn khủng hoảng sâu sắc. Cùng thí dụ có thể minh hoạ cách theo đó các điều kiện ngoài khoa học có thể ảnh hưởng đến dải của các lựa chọn khả dĩ sẵn có cho người cố gắng kết thúc một khủng hoảng bằng đề xuất một cải cách cách mạng này hay cải cách cách mạng khác.[4] Xem xét tường minh các tác động như thế này, tôi nghĩ, sẽ không làm thay đổi các luận đề chính được trình bày trong tiểu luận này, nhưng chắc chắn sẽ đưa thêm vào một chiều giải tích của tầm quan trọng hàng đầu cho sự hiểu biết tiến bộ khoa học.
Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, các hạn chế về chỗ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự luận bàn của tôi về các hệ luỵ triết học của cách nhìn mang tính lịch sử này về khoa học của tiểu luận. Rõ ràng, có các dính líu như vậy, và tôi đã thử cả chỉ ra lẫn chứng minh bằng tư liệu những cái chính. Nhưng khi làm như vậy tôi thường tự kiềm chế thảo luận chi tiết các lập trường khác nhau của các triết gia đương thời về các vấn đề tương ứng. Nơi tôi bày tỏ sự nghi ngờ, nó thường hướng tới một thái độ triết học hơn là tới bất cứ diễn đạt nào trong số các diễn đạt được trình bày đầy đủ. Kết quả là, một số người biết và hoạt động với một trong các lập trường được trình bày đó có thể cảm thấy rằng tôi đã bỏ quên vấn đề của họ. Tôi nghĩ là họ sai, nhưng tiểu luận này không được dự tính để thuyết phục họ. Để thử làm việc đó cần đến một loại sách lớn hơn nhiều và rất khác.
Các mẩu tự truyện mà lời nói đầu này thổ lộ được dành cho việc công nhận cái tôi có thể nhận ra như sự mang ơn chính của tôi đối với cả các công trình uyên bác lẫn các tổ chức đã giúp hình thành tư duy của tôi. Phần còn lại của sự biết ơn đó tôi sẽ thử bày tỏ bằng việc nêu tên dưới đây. Tuy vậy, điều được nói ở trên hay ở dưới đây sẽ tuyệt nhiên không nhiều hơn một ám chỉ đến số lượng và bản chất các nghĩa vụ cá nhân của tôi đối với nhiều cá nhân mà những gợi ý và phê bình của họ lúc này lúc khác đã duy trì và hướng dẫn sự phát triển trí tuệ của tôi. Kể từ khi các ý tưởng của tiểu luận này bắt đầu thành hình thời gian trôi đi đã quá lâu; một danh mục về tất cả những người có thể thấy một cách thích đáng dấu hiệu nào đó của họ trên các trang của cuốn sách này sẽ cùng rộng như danh mục về các bạn và những người quen của tôi. Trong hoàn cảnh này, tôi phải tự hạn chế mình ở vài ảnh hưởng quan trọng nhất mà ngay cả trí nhớ không hoàn hảo cũng chẳng bao giờ ngăn hoàn toàn được.
Chính James B. Conant, chủ tịch khi đó của Đại học Harvard, là người đầu tiên đã dẫn tôi đến lịch sử khoa học và như thế khởi động sự biến đổi trong quan niệm của tôi về bản chất của tiến bộ khoa học. Suốt từ khi quá trình đó bắt đầu, ông đã luôn hào phóng về các ý tưởng, các phê bình, và thời gian của ông – kể cả thời gian cần để đọc và gợi ý các thay đổi quan trọng trong phác thảo của bản thảo của tôi. Leonard K. Nash, cùng ông suốt năm năm tôi đã dạy cua theo hướng lịch sử mà Dr. Conant đã khởi động, là một cộng tác viên thậm chí tích cực hơn trong các năm khi các ý tưởng của tôi bắt đầu hình thành, và đã rất thiếu ông trong các giai đoạn phát triển sau. Tuy vậy, may mắn là sau khi tôi rời Cambridge, vị trí của ông như màn hướng âm tích cực và hơn thế được đồng nghiệp của tôi ở Berkeley, Stanley Cavell, thay thế. Chính Cavell, một nhà triết học chủ yếu quan tâm đến đạo đức học và mĩ học, đạt tới các kết luận hoàn toàn phù hợp với các kết luận riêng của tôi, đã là một nguồn kích thích và động viên liên tục đối với tôi. Hơn nữa, ông là người duy nhất mà tôi đã từng có thể thăm dò các ý tưởng của mình trong những câu chưa hoàn thành. Phương thức truyền thông đó chứng thực một sự hiểu biết cho phép ông chỉ đường cho tôi vượt qua hay đi vòng qua nhiều rào cản lớn gặp phải khi tôi chuẩn bị bản thảo đầu tiên của mình.
Kể từ khi phiên bản đó được phác thảo, nhiều bạn khác đã giúp tôi trình bày lại nó. Tôi nghĩ, họ sẽ thứ lỗi cho tôi nếu tôi chỉ nhắc đến bốn đóng góp tỏ ra có tác động sâu xa và quyết định nhất: Paul K. Feyerabend ở Berkeley, Ernest Nagel ở Columbia, H. Pier Noyes ở Lawrence Radiation Laboratory, và sinh viên của tôi, John L. Heilbron, người đã thường làm việc gắn bó với tôi trong chuẩn bị phiên bản cuối cùng cho in ấn. Tôi thấy việc họ dành cho tôi và các gợi ý của họ là cực kì bổ ích, nhưng tôi không có lí do gì để tin (và lí do nào đó để nghi ngờ) rằng hoặc họ hay những người khác được nhắc tới ở trên chấp thuận bản thảo được sinh ra trong tính toàn vẹn của nó.
Những lời cảm ơn cuối cùng của tôi, dành cho cha mẹ, vợ và các con tôi, hẳn là một loại khác. Trong chừng mực nào đấy tôi có lẽ sẽ là người cuối cùng để nhận ra, mỗi trong số họ nữa đã cống hiến các thành phần trí tuệ cho công trình của tôi. Nhưng, ở các mức độ khác nhau, họ cũng đã làm cái gì đó quan trọng hơn. Tức là, họ đã để cho tôi làm và thậm chí khích lệ sự hiến dâng của tôi cho việc đó. Bất cứ ai đã vật lộn với một dự án giống như của tôi sẽ nhận ra cái giá đôi khi họ phải trả. Tôi không biết cảm ơn họ thế nào.
T. S. K.
BERKELEY, CALIFORNIA
Tháng 2, 1962
Mời các bạn đón đọc Cấu Trúc Các Cuộc Cách Mạng Khoa Học của tác giả Thomas Kuhn.