Tác phẩm
- Năm 1989, Những cậu bé kẽm lần đầu được xuất bản
- Tháng 7 năm 1992, những đơn kiện Những cậu bé kẽm và S. Alexievich đầu tiên được gửi đi
- Ngày 20 tháng 1 năm 1993, phiên xử đầu tiên diễn ra
- Ngày 10 tháng 8 năm 2015, giải Nobel Văn học thứ 112 trong lịch sử gọi tên Svetlana Alexievich, dư luận một lần nữa lại dậy sóng…
Vì điều gì mà từ những dòng văn xuôi tư liệu về chiến tranh Afghanistan lại dẫn đến phiên tòa xử án văn chương?
Những cậu bé kẽm là thiên thứ ba trong loạt năm quyển của bộ Những giọng nói không tưởng gồm: Những nhân chứng cuối cùng, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, [Lời nguyện cầu Chernobyl](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Lời nguyện cầu Chernobyl) và [Thời second hand](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=Thời second hand).
Những cậu bé kẽm, một nhan đề khốc liệt – những xác người trong quan tài kẽm – những cái xác vừa mới mười tám đôi mươi – những cậu bé đẹp đẽ rạng ngời, vừa rời vòng tay cha mẹ, người thương để rồi trở về trong những cỗ quan tài kín bưng – “hàng vận chuyển 200”.
Được viết bằng thể loại văn xuôi tư liệu cùng với tâm thế của một con người vị nhân phản chiến, cuốn sách đã khuấy lên một giai đoạn lịch sử đầy những tổn thương đau đớn, đã phác họa một bối cảnh, đã soi chiếu bằng một góc nhìn trước nay chưa từng được công bố. Những cậu bé kẽm là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất. Đó là những dòng hồi ức khốc liệt, đẫm máu, thống khổ và vĩnh viễn làm thương tổn không chỉ thân thể mà còn tinh thần con người. Nó phơi bày cái phi nghĩa, vô nhân của một cuộc chiến tranh vô vọng. Những “Afghan” – những người Nga tham gia chiến tranh ở Afghanistan 1979 – 1989, những người ra đi trên danh nghĩa làm “nghĩa vụ quốc tế” rồi rút về trong thất bại, không bao giờ được biết niềm tự hào của thế hệ cha ông trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại. Người “may mắn” nằm lại trong những chiếc quan tài kẽm, số khác thân xác lang bạt nơi chiến trận. Kẻ sống sót trở về cũng không bao giờ có thể quay lại cuộc sống của một người bình thường bởi những sang chấn khủng khiếp mang tên hội chứng Afghanistan. Người ngoài cuộc nhìn nhận họ như những kẻ sát nhân, kẻ bại trận, còn chính họ cũng quên mất phải sống bình thường là thế nào!
Hơn năm trăm cuộc phỏng vấn đã được Svetlana Alexievich thực hiện để tạo nên bức tranh toàn cảnh về những góc khuất của chiến tranh. Cũng chính những trang tư liệu về nỗi đau của những nỗi đau này, ngày 20 tháng 1 năm 1993, cuốn sách của Svetlana Alexievich bị đưa ra tòa xét xử bởi những người cung cấp tư liệu đâm đơn kiện với lý do phỉ báng danh dự và ngụy tạo lời kể. Phiên tòa kéo theo sự chú ý của chính quyền và công chúng tạo thành làn sóng dư luận ở cả hai phía, ủng hộ và chống đối Svetlana Alexievich. Ở những lần tái xuất bản sau, Svetlana Alexievich đã đồng ý thêm vào toàn bộ biên bản vụ kiện cùng những sự kiện có liên quan.
Vậy, vì điều gì mà từ những dòng văn xuôi tư liệu về chiến tranh Afghanistan lại dẫn đến phiên tòa xử án văn chương? Có lẽ câu trả lời sẽ nằm trong suy nghĩ mỗi người khi bước vào thế giới của Những cậu bé kẽm.
“Tôi tự hỏi Svetlana Alexievich có cần phải viết một cuốn sách về những điều kinh khủng của chiến tranh không? Có! Những bà mẹ có cần phải bảo vệ con trai mình không? Có! Và những “người Afghan” có cần phải bảo vệ đồng đội mình không? Lại một lần nữa - c ó!
…Các đạo diễn và nhạc trưởng, các chính khách và nguyên soái, những kẻ tổ chức cuộc chiến tranh này, không có mặt trong phòng xử án. Ở đây chỉ toàn những phía bị hại: là tình yêu, không chấp nhận sự thật cay đắng về chiến tranh; là sự thật, cần phải được nói ra mặc cho tình yêu thế nào chăng nữa; là danh dự, không thể chấp nhận tình yêu lẫn sự thật…”
Pavel Shetko
Một “cựu Afghan”
Tác giả
Nhà văn Svetlana Alexievich tại Ukraine trong một gia đình công chức. Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để “tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.” Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk.
Trong suốt vài thập niên bà đã viết biên niên tư liệu – nghệ thuật Những giọng không tưởng – gồm năm quyển sách (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - 1983, Những nhân chứng cuối cùng - 1985, Những cậu bé kẽm - 1989, Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997, Thời second-hand - 2013) và để những “con người nhỏ bé” đích thân kể về số phận của mình. Thực chất, đây là một thể loại đặc biệt, một loại tiểu thuyết chính trị đa giọng, trong đó những câu chuyện nhỏ bé hợp thành một lịch sử lớn.
Các tác phẩm của Svetlana Alevievich đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, là nền tảng cho hằng trăm bộ phim điện ảnh, kịch sân khấu và truyền thanh trên khắp thế giới, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
***
“Văn chương đang ngạt thở trong những biên giới của mình”. Với tâm tình đó, nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã quyết định chọn hình thức “truyện vừa tư liệu” cho cuốn sách Những cậu bé kẽm, được in lần đầu tiên năm 1989. Hai mươi sáu năm sau, cuốn sách đã góp phần đưa bà đến giải Nobel văn học năm 2015, cùng với bốn quyển sách khác trong loạt sách Những giọng nói không tưởng: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (1983), Những nhân chứng cuối cùng (1985), Lời nguyện cầu từ Chernobyl (1997) và Thời second hand (2013).
Nhưng cũng chính thể loại truyện vừa tư liệu của Những cậu bé kẽm đã khiến bà phải ra tòa (phần cuối quyển sách đã giới thiệu tiến trình tố tụng này). Phiên tòa mà, từ một phía bà bị cáo buộc là “xúc phạm danh dự và phẩm giá” của những người lính đã chết trong cuộc chiến tranh Afghanistan, của những người mẹ vẫn còn đang ngồi bên mộ chí con mình. Còn từ phía những người ủng hộ nữ nhà văn, đó là phiên tòa “xử án văn chương”, “xử án một quyển sách”, “xử án sự thật”. Cuộc tranh cãi đó, cuối cùng được cố gắng ngã ngũ ở việc thế nào là thể loại truyện vừa tư liệu; vẫn chưa giải đáp được câu hỏi “sự thật là sự thật nào”, khi chính nữ nhà văn cũng hoài nghi như Pilatus đặt câu hỏi về sự thật trong phiên tòa xử Chúa.
Phiên tòa đã khép lại đầu những năm 1990. Nhưng cuộc tranh cãi về sự nghiệp của nữ nhà văn Belarus viết bằng tiếng Nga một lần nữa được nhắc lại nhân Nobel 2015. Nếu bà được ngợi khen trên báo chí phương Tây như một “bậc thầy xuất sắc trong lĩnh vực văn xuôi nghệ thuật tư liệu”(Frankfurter Allgemeine), thì nhà phê bình Nga Olga Tukhanitsa, lại nhận xét vào tháng 12-2015: “Một mặt, Alexievich khăng khăng biện hộ mình không phải là nhà văn nhưng lại chứng minh những gì bà đang làm trong thế giới hiện đại là văn học chân chính; mặt khác, bà - như một nữ sinh, đoàn viên Komsomol, cố nhồi vào thông điệp của mình tất cả những khuôn mẫu định kiến về nước Nga…”
Dẫu sao, chúng ta sẽ không thể tranh luận với cả hai ý kiến trên nếu chưa đọc hết Những cậu bé kẽm. Bản dịch tiếng Việt dựa trên nguyên bản tiếng Nga đã được tác giả hiệu đính và NXB Vremya (Moskva) phát hành năm 2017. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả, và thành thật cảm ơn bà Marina Vladimirovna Sharoiko (Giảng viên Bộ môn Lý luận Văn học Nga, Đại học Tổng hợp Kuban) và bà Irina Letiagina (cựu biên tập viên NXB Cầu vồng, và NXB Tiến bộ - Liên Xô cũ) đã giúp chúng tôi hoàn thành bản dịch này.
Phan Xuân Loan
10-2017
***
Tôi đi một mình. Giờ đây tôi sẽ phải đi một mình.
Nó giết người. Con trai tôi. Bằng cái rìu nhà bếp tôi dùng xẻ thịt. Nó quay về từ trận chiến và giờ thì giết người. Buổi sáng nó mang cái rìu đặt về chỗ cũ, trong tủ bếp, nơi tôi cất chén dĩa. Hình như ngày hôm đó tôi còn làm cho nó món sườn hầm. Một lúc sau ti vi và báo buổi chiều đưa tin các ngư dân vớt được một thi thể từ dưới hồ. Từng mảnh. Bạn tôi gọi điện:
- Chị đọc báo chưa? Một vụ giết người chuyên nghiệp. Kiểu Afghanistan.
Con trai tôi đang ở nhà, nằm đọc sách trên xô pha. Tôi không biết và cũng chẳng đoán ra gì, nhưng chẳng hiểu sao sau những lời ấy tôi lại nhìn nó. Trái tim người mẹ.
Cô có nghe tiếng chó sủa không? Không à? Còn tôi thì nghe đấy, vừa bắt đầu kể chuyện này là tôi đã nghe tiếng chó sủa. Lũ chó đang chạy. Ở đó, nơi con trai tôi đang ngồi tù có những con bẹc giê lớn. Và mọi người mặc toàn đen, rặt một màu đen. Tôi trở về Minsk, đi ngang qua cửa hàng bánh mì, qua vườn trẻ, tay cầm ổ bánh mì với sữa và nghe thấy tiếng sủa. Tiếng sủa chói tai. Nó làm tôi như đui mù. Có lần tôi suýt lọt vào gầm xe.
Tôi sẵn sàng ở rịt bên mộ con mình, sẵn sàng nằm cạnh nó. Nhưng tôi không biết… không biết sẽ sống thế nào với chuyện này. Đôi khi tôi sợ xuống bếp, sợ nhìn thấy cái tủ bếp đó, nơi cất cái rìu. Cô không nghe thấy gì hết à? Không à?
Giờ đây tôi không biết nó sẽ ra sao, con trai tôi. Tôi sẽ đón nó về thế nào sau mười lăm năm nữa. Nó bị tuyên mười lăm năm khổ sai. Tôi đã nuôi dạy nó thế nào? Nó mê khiêu vũ. Tôi và nó đã đến bảo tàng Hermitage ở Leningrad. Chúng tôi đã đọc sách cùng nhau. (Khóc.) Chính Afghanistan đã cướp mất con trai tôi.
…Tôi nhận được điện tín từ Tashkent: “Hãy đón chuyến bay số…” Tôi lao ra ban công, gào to hết sức:
- Còn sống! Con tôi còn sống! Cuộc chiến khủng khiếp này kết thúc với tôi rồi.
Rồi tôi ngất đi. Dĩ nhiên chúng tôi đã ra sân bay trễ, chuyến bay đã hạ cánh từ lâu, tôi tìm thấy con trai mình trong vườn hoa. Nó nằm trên đất và níu lấy cọng cỏ, ngạc nhiên sao cỏ xanh đến thế. Nó không tin mình có thể trở về. Nhưng gương mặt nó không có niềm vui.
Buổi tối những người láng giềng kéo sang nhà chúng tôi, họ có một cô con gái nhỏ, bé thắt một cái nơ xanh trên tóc. Nó đặt con bé ngồi lên gối, ôm vào lòng và khóc, nước mắt cứ thế lã chã tuôn rơi. Bởi ở đó chúng đã giết người, cả nó. Mãi sau này tôi mới hiểu ra.
Ở biên giới, hải quan đã “tỉa” quần lót của nó. Hàng Mỹ. Không được phép. Vì thế nó về nhà mà không có đồ lót. Nó mang về cho tôi cái áo choàng, cái áo cũng bị tịch thu. Nó mang cho bà ngoại cái khăn trùm đầu, họ cũng lấy mất. Nó đành về với những bông hoa lay ơn. Nhưng gương mặt nó không có niềm vui.
Buổi sáng thức dậy nó còn bình thường: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Đến chiều mặt nó tối dần, khóe mắt nặng trĩu. Tôi không thể tả nổi điều đó. Lúc đầu nó chẳng uống giọt nào. Nó ngồi quay vào tường rồi bật dậy khỏi xô pha, với lấy cái áo khoác.
Tôi đứng ngay cửa:
- Con đi đâu, Valyushka?
Nó nhìn tôi như nhìn vào thinh không. Rồi bỏ đi.
Tối muộn tôi đi làm về, nhà máy ở xa, lại làm ca hai, tôi gọi cửa nhưng nó không mở. Nó không nhận ra giọng tôi. Chuyện đó thật kỳ quặc, ừ thì giọng bạn bè có thể không nhận ra, nhưng đây là giọng mẹ nó! Hơn nữa, lại là “Valyushka” - chỉ có tôi mới gọi nó như thế. Dường như lúc nào nó cũng đang đợi ai đó, sợ sệt. Tôi mua cho nó cái sơ mi mới, ướm thử và thấy trên tay nó có những vết cắt.
- Cái gì đây?
- Chuyện nhỏ mà mẹ.
Sau đó tôi mới biết. Sau phiên tòa. Trong thời gian huấn luyện nó đã cắt cổ tay. Trong một giờ diễn tập, nó là nhân viên điện đài, nhưng không kịp ném điện đài xách tay lên cây đúng lúc, không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định nên thượng sĩ phạt nó múc 50 thùng chất thải từ nhà vệ sinh diễu qua đội hình. Nó đã xách và ngất xỉu. Bệnh viện chẩn đoán: chấn động tâm thần nhẹ. Đêm đó nó đã cắt ven tay. Lần thứ hai là ở Afghanistan. Trước cuộc bố ráp, họ kiểm tra và điện đài không hoạt động. Thiếu một số phụ kiện khan hiếm khi đó. “Kẻ nào đã lấy trộm chúng. Ai?” Chỉ huy cáo buộc nó hèn nhát giấu các chi tiết đó đi để không phải hành quân cùng mọi người. Mà ở đó trộm cắp như rươi, thậm chí các bộ phận ô tô cũng bị tháo rời đem bán cho các dukan*. Để mua ma túy, thuốc lá, thức ăn. Họ lúc nào cũng đói.
Trên truyền hình đang có chương trình về Edith Piaf*, chúng tôi luôn xem cùng nhau.
- Mẹ, - nó hỏi, - mẹ có biết ma túy là gì không?
- Không. - Tôi nói dối, còn chính mình bắt đầu dõi theo nó: nhỡ nó hút thì sao?
Tôi không phát hiện ra dấu vết nào. Nhưng ở đó họ sử dụng ma túy - tôi biết điều này.
- Ở Afghanistan thế nào hở con? - Có lần tôi hỏi.
- Thôi mà mẹ!
Khi nó đi khỏi nhà, tôi đọc lại hết những bức thư từ Afghanistan của nó, tôi muốn đào xới, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với nó. Tôi không tìm thấy gì đặc biệt, nó viết buồn nhớ cỏ xanh, bảo bà ngoại chụp hình trên nền tuyết rồi gởi cho nó. Nhưng tôi đã nhận ra, cảm thấy đã có gì đó xảy ra với nó. Họ đã trả về cho tôi một con người khác. Đó không phải là con tôi. Mà chính tôi đã đưa con vào quân ngũ, nó vốn được hoãn nghĩa vụ. Tôi muốn nó thành người dũng cảm. Tôi thuyết phục con và chính mình rằng quân đội sẽ trui rèn nó tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi tiễn nó đi Afghanistan với tiếng ghi-ta cùng một bữa tiệc ngọt chia tay. Nó mời bạn bè và các cô gái… Tôi nhớ đã mua tới mười cái bánh kem.
Chỉ có một lần nó nói về Afghanistan. Vào một buổi tối. Nó ghé vào bếp, lúc tôi đang làm thịt thỏ. Cái bát đầy máu. Nó nhúng các ngón tay vào máu rồi nhìn cái bát. Nhìn chằm chằm. Rồi nói với chính mình:
- Họ chở cậu ấy về với cái bụng bị thủng. Cậu ấy đề nghị mình bắn. Và mình đã bắn.
Những ngón tay đầy máu thỏ. Với những ngón tay dính máu đó nó vớ lấy điếu thuốc rồi bỏ ra ban công. Tối hôm đó nó không nói thêm với tôi một lời nào.
Tôi tìm tới các bác sĩ. “Hãy trả lại con trai cho tôi! Xin cứu giúp!” Tôi kể lại tất cả… Họ kiểm tra nó, thăm khám, nhưng ngoài chứng đau thần kinh tọa, họ chẳng phát hiện gì.
Một lần nọ về nhà, tôi thấy bốn cậu trai lạ ngồi sau bàn.
- Mẹ, họ từ Afghanistan về. Con gặp họ ở nhà ga. Họ chẳng có chỗ nào để qua đêm cả.
- Tôi sẽ nướng một cái bánh ngọt cho các cậu. Nhanh lắm. - Chẳng hiểu sao tôi lại mừng rỡ.
Chúng sống ở nhà tôi một tuần lễ. Tôi không đếm, nhưng tôi nghĩ chúng uống cỡ bốn thùng vodka. Mỗi tối tôi lại gặp ở nhà năm người lạ, người thứ năm là con tôi. Tôi không muốn nghe những câu chuyện của chúng, tôi sợ lắm. Nhưng vì ở chung một nhà nên tôi tình cờ nghe thấy. Chúng kể suốt hai tuần mai phục, chúng được phát thuốc kích thích để bạo gan hơn. Nhưng tất cả những chuyện đó được giữ kín. Vũ khí nào giết người hiệu quả hơn. Từ khoảng cách nào… Sau này tôi mới nhớ lại những câu chuyện đó, khi sự việc đã xảy ra. Chỉ sau đó tôi mới nghĩ ra, hoảng hốt nhớ lại. Còn trước đó chỉ có nỗi sợ: “Ôi,” tôi nói thầm, “chúng điên làm sao. Tất cả đều dở người”.
Ban đêm. Trước cái ngày nó giết người. Tôi nằm mơ thấy mình đang đợi con nhưng mãi vẫn không thấy nó. Thế rồi người ta đưa nó về. Bốn “người Afghan” đó đưa về. Và họ ném nó xuống sàn xi măng dơ dáy. Cô hiểu không, sàn xi măng trong gian bếp chúng tôi ấy…* Cái sàn như sàn nhà tù.
Lúc đó nó đã vào học khoa dự bị trường Đại học Kỹ thuật Phát thanh. Nó viết tốt bài luận. Nó hạnh phúc và mọi việc đều ổn. Tôi đã nghĩ nó đang nguôi ngoai. Sẽ đi học. Rồi cưới vợ. Nhưng cứ tối đến, tôi sợ những buổi tối, nó ngồi và nhìn chằm chằm vào vách rồi thiếp ngủ trên ghế bành. Tôi muốn nhào tới, lấy thân mình che chở và không thả cho nó đi đâu nữa hết. Bây giờ tôi nằm mơ thấy nó còn nhỏ và đòi ăn. Lúc nào nó cũng đói. Nó chìa hai tay. Trong mơ lúc nào tôi cũng thấy nó nhỏ bé và bị hạ nhục. Còn trong đời thật? Mỗi tháng hai cuộc gặp. Bốn tiếng chuyện trò qua lớp kính. Mỗi năm hai lần thăm nuôi, đó là khi tôi được mang gì đó cho nó ăn. Và tiếng chó sủa. Tôi nằm mơ thấy tiếng chó sủa. Chúng đuổi theo tôi khắp chốn.
Có một người đàn ông tán tỉnh tôi. Tặng cả hoa. Khi ông ta mang hoa tới, “Ông tránh xa khỏi tôi,” tôi bắt đầu hét, “tôi là mẹ của tên giết người”. Thời gian đầu tôi sợ gặp những người quen, tôi trốn trong nhà tắm và chờ những bức tường đổ sập xuống người. Tôi ngỡ như người ngoài đường đều nhận ra tôi, chỉ trỏ nhau xem rồi xầm xì: “Nhớ vụ ghê rợn đó không? Chính con trai bà ta giết người đấy. Chặt làm tư. Kiểu Afghanistan”. Tôi chỉ ra đường vào buổi tối, tìm hiểu hết những loài chim đêm. Tôi nhận biết chúng qua tiếng hót.
Vụ án được điều tra. Vài tháng trôi qua. Nó im lặng. Tôi đến quân y viện Burdenko ở Moskva. Ở đó tôi tìm được vài cậu trai từng phục vụ trong đội đặc nhiệm như nó. Tôi bộc bạch cùng họ.
- Các cháu này, vì cái gì mà con trai bác giết người?
- Hẳn là có chuyện gì đó.
Tôi phải thuyết phục mình rằng con tôi có thể đã làm điều đó. Giết người. Tôi gặng hỏi họ rất lâu để hiểu ra rằng: nó có thể! Tôi hỏi họ về cái chết. Không, không phải về cái chết, mà về việc giết chóc. Nhưng cuộc trò chuyện đó không gợi được ở họ những cảm xúc đặc biệt nào, những cảm xúc mà bất kỳ việc giết chóc nào cũng đều có thể gợi lên ở một con người bình thường chưa từng thấy máu. Họ nói về chiến tranh như nói về một công việc, một công việc cần phải giết người. Sau đó tôi đến gặp những cậu trai cũng từng ở Afghanistan, và khi Armenia động đất họ đã tới đó cùng những đội cứu hộ. Tôi muốn biết, tôi bị ám ảnh vì chuyện đó: họ có sợ không? Họ cảm giác thế nào khi chứng kiến cái chết? Không, họ chẳng thấy sợ gì cả, thậm chí lòng thương hại ở họ cũng đã cùn mằn. Những hộp sọ vỡ tung, bẹp dí, những khúc xương người… Nhiều trường học bị vùi trong lòng đất. Những lớp học. Bọn trẻ ngồi học và cứ thế mà đi vào lòng đất. Còn họ thì nhớ và kể lại những chuyện khác, nào là họ đã đào được những kho rượu vang béo bở ra sao, họ đã uống những loại vang nào, loại cô nhắc nào. Họ đùa cợt: phải chi có thêm động đất ở đâu đó. Nhưng phải ở chỗ nào ấm áp cơ, nơi nho có thể mọc và làm được vang ngon. Họ sao thế? Tâm lý họ có bình thường không vậy?
“Con căm thù cái đứa bị giết đó.” Nó viết cho tôi như thế cách đây không lâu. Sau năm năm. Chuyện gì đã xảy ra ở đó? Nó câm nín. Tôi chỉ biết, cậu trai đó tên Yura, khoác lác rằng đã kiếm chác được nhiều chi phiếu ở Afghanistan. Nhưng sau đó hóa ra cậu ta phục vụ ở Ethiopia, là chuẩn úy. Cậu ta đã nói dối về Afghanistan.
Tại phiên tòa, chỉ một mình luật sư biện hộ nói rằng chúng ta đang xử án một người bệnh. Trên ghế bị can không phải là tội nhân, mà là bệnh nhân. Anh ta cần được điều trị. Nhưng đó là bảy năm về trước, khi sự thật về Afghanistan chưa được hé lộ. Và chúng ta đã gọi tất cả là anh hùng. Những chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế. Còn con trai tôi là kẻ giết người. Bởi nó làm cái việc mà họ từng làm ở đó. Vì việc đó mà họ được trao mề đay và huân chương. Nhưng tại sao họ lại buộc tội mình con tôi? Tại sao không buộc tội những kẻ đẩy nó vào nơi đó? Dạy nó giết người! Tôi đâu có dạy con mình việc đó. (Bùng nổ và gào thét.)
Nó giết người bằng cái rìu bếp của tôi. Rồi buổi sáng nó mang đặt cái rìu lại vào tủ bếp. Như một cái muỗng hay một cái nĩa bình thường.
Tôi ganh tị với những bà mẹ có con trở về cụt cả hai chân. Cứ để nó căm thù mẹ mình sau khi đã nốc say. Căm thù cả thế giới. Cứ để nó lao vào bà ta, như lao tới kẻ thù. Bà ta sẽ trả tiền cho gái mại dâm, để nó không phát rồ. Bản thân bà ta từng một lần trở thành tình nhân cho nó, bởi nó đã trườn ra ban công và muốn lao xuống từ tầng mười. Tôi chấp nhận tất cả. Tôi ganh tị với tất cả những bà mẹ, kể cả những ai có con đã nằm trong huyệt mộ. Tôi sẽ ngồi bên mộ chí của con và hạnh phúc. Tôi sẽ mang hoa tới.
Cô có nghe tiếng chó sủa không? Nó đuổi theo tôi. Tôi nghe thấy chúng.
Một bà mẹ
Mời các bạn đón đọc Những Cậu Bé Kẽm - Viết (Hay Kể) Toàn Bộ Sự Thật Về Chính Mình Là Bất Khả của tác giả Svetlana Alexievich & Phan Xuân Loan (dịch).