Một tiểu thuyết bằng 3 truyện dài.
TRUYỆN THỨ NHẤT: Thư đi không thấy thư lại
TRUYỆN THỨ HAI: Đời biết mấy chuyến xe
TRUYỆN THỨ BA: Chuyến thu gom xuyên Việt
Những trang đầu tiên là chuyện du học vô cùng thời sự. Khiến lập tức có thể thu hút tất cả những bậc cha mẹ nếu có quan tâm đến tương lai của con cái. Và dường như là đương nhiên, sau đó, rải rác, là những bất hạnh bí mật của từng gia đình bắt nguồn từ hạnh phúc của người khác mà không phải ai cũng không biết. Nhưng đây không phải là cuốn sách viết về chuyện gia đình. Dù là chuyện dẫn theo cuộc đời của nhân vật vốn làm lái xe trong thời chiến và cả trong thời bình.
Một lối viết hiện thực xen lẫn huyền ảo đã là phong cách của Hồ Anh Thái hơn chục năm nay, vậy mà vẫn có thể đọc liền một mạch và khó thể rời. Tác giả đã gói gọn nhiều sự kiện của từng thời vào trong một câu chuyện. Sự ác liệt, tàn bạo, đầy bất trắc của chiến tranh. Nỗi thống khổ, sự nhũng nhương, cứng nhắc của thời bao cấp. Và sự hỗn loạn khi vào cơ chế thị trường: tham nhũng, thực dụng, vô đạo đức… cũng có đầy đủ tại đây.
Những đặc điểm rõ nét của từng thời hiện lên mồn một, đến mức khắc nghiệt. Và đều là điển hình.Không cần phải đọc đến chuyện buôn người, vượt biên, hay cả chuyện mua bằng của tiến sĩ giấy, mà ngay từ đầu, luôn đi theo là hoảng hốt trong lòng người đọc, một nỗi hoang mang, đâu là chân, đâu là giả. Luôn luôn tồn tại một nỗi sợ mơ hồ.
“Đời sống trải dài mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang hòa bình, thời cải tạo tư thương qua ngăn sông cấm chợ, từ thời bao cấp cho đến khi mở cửa kinh tế thị trường. Những số phận tha hương ở xứ người và xứ mình nhiều trắc trở, cùng những kết cục có hậu và không có hậu. Hiện thực đan xen huyền ảo. Tất thảy được tái hiện bằng giọng văn nghiêm ngặt, bi thương hòa trộn với giễu cợt, hài hước.”
***
Bố ạ, ở trường con vừa rồi xảy ra một chuyện ghê rợn vô cùng. Một thằng bên trường Kiến trúc vác súng sang bắn chết thầy hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế. Con chứng kiến. Ngay trước mắt.
Nói cho chính xác thì thầy ấy không chết. Ai cũng tưởng thầy ấy đã chết nhưng đưa đi cấp cứu thì hóa ra không chết. Không chết nhưng đạn bắn toét người. Sống cũng thành dở người.
Sinh viên phải quyên góp trợ giúp thầy. Ai cũng đóng góp. Con cũng phải đóng góp. Một khoản không hề nhỏ bố ạ.
Bố chuyển tiền sớm cho con nhé.
Ban đầu nó định viết là thầy hiệu trưởng chết, chết hẳn hoi, chết đứ đừ, làm sao để cho bố nó hoảng, bố nó rợn tóc gáy, bố nó tim đập chân run, từ đó mà cuống lên gửi tiền ngay. Nghĩ lại, thấy không nên để thầy giáo chết, nó viết thêm đoạn thứ hai, chính xác thì thầy ấy không chết. Nỗi kinh hoảng ở đoạn đầu tiên được dây dưa kéo dài sang đoạn thứ hai, đây chính là chỗ dành cho việc miêu tả chi tiết. Đạn bắn toét người. Không chết mà như thế thì mức độ cũng quá nghiêm trọng. Lại còn bình luận về tình trạng cuộc sống bi đát của thầy trong tương lai. Khơi gợi sự mủi lòng ở người đọc thư.
Tất cả những điều nó viết ở trên rốt cục là dẫn đến việc nhắc nhở bố nó gửi tiền. Tiền. Tiền. Tiền. Và phải sớm. Kinh hoàng như thế. Ghê rợn như thế. Bi thảm như thế. Thế thì phải gửi sớm. Sớm. Sớm. Sớm.
Đây là khoản tiền đột xuất. Chắc là bố mẹ nó đã quen với những bức thư xin tiền đột xuất kiểu này. Quen với những bức thư nhắc gửi tiền định kỳ ba tháng một lần. Du học nước ngoài, tiền học, tiền ăn ở, tiền sinh hoạt và các khoản phụ trợ, mỗi năm mấy chục nghìn đô la Mỹ. Mấy chục nghìn đô không gửi luôn một lần mà chia ra thành từng quý, mỗi năm gửi bốn lần. Nhưng không phải bốn lần mà xong.
Thỉnh thoảng có những bức thư bất chợt như bức thư xin tiền đột xuất này. Quyên góp bất ngờ. Thầy giáo chết. Quên, thầy không chết mà chỉ bị thương be bét khắp khắp người. Lần khác thì bà cụ thân sinh của ông chủ nhà chết, phải đi cùng ông ấy về thị trấn quê hương cách vài trăm dặm. Lần khác thì một đứa bạn cùng lớp chết. Toàn là chết. Nó không ngại chết nhiều thế sẽ thành một lý do đáng ngờ. Chết đúng ra là lý do chí lý. Còn có gì đau buồn hơn. Còn có gì gây chấn động hơn. Còn có gì đáng mủi lòng hơn.
Thực ra thì trong những bức thư trước, nó còn nêu những lý do khác nữa, nhưng người đọc cứ bình tĩnh, tuần tự rồi sẽ biết tất cả.
Trở lại với bức thư điện tỏ lần này. Có chuyện một thằng bên trường Kiến trúc vác súng sang trường Nghiên cứu quốc tế thật. Có thật. Nhung nó sang bắn thầy hiệu trưởng bên này thì không đúng. Không có. Hoặc là chính xác nó bắn ai thì đang điều tra, chưa biết được. Chưa biết.
Đúng lúc nó vác súng vào trường thì chú chàng nhà ta bị gọi lên phòng hiệu trưởng. Lên phòng thầy hiệu trưởng uống nước chè đã thành tục ngữ trong đám sinh viên. To take a cup of tea with the director. Ở đây người ta gọi thầy hiệu trưởng là giám đốc chứ không gọi là hiệu trưởng headmaster. Suốt cả năm học có khi chẳng bao giờ nhìn thấy mặt thầy hiệu trường, mà cũng chẳng cần nhìn thấy mặt thầy làm gì. Thình lình một ngày đẹp trời giáo viên chủ nhiệm bảo ta giờ ấy ngày ấy đến phòng thầy hiệu trưởng. Chả được cốc nước chè nào đâu. Lên đấy hoặc là nhắc nhở hoặc là răn đe hoặc là kỷ luật hoặc là buộc nghỉ học. Nói chung là lành ít dữ nhiều. Chè cà phê nước ngọt bia bọt, đừng có mơ.
Mời các bạn đón đọc Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường của tác giả Hồ Anh Thái.