Mưa Đỏ là tiểu thuyết sử thi mới nhất của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là 81 ngày đêm huyết chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè rực lửa năm 1972. “Đáy sông Thạch Hãn đâu chỉ có “bạn ta nằm” mà còn có cả những đồng loại nhưng không đồng chiến tuyến nằm” - nhà văn Chu Lai chia sẻ tại buổi giao lưu. Chủ ý của nhà văn khi viết cuốn sách này là muốn trình hiện thêm một tiếng nói quyền lực của văn chương, trong việc lay thức con người nỗ lực phòng tránh chiến tranh cũng như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chiến truyến.
“Mưa đỏ” là ký ức lương thiện của một thế hệ “đem thân xơ xác giữ sơn hà”, là một tác phẩm ghi dấu sự thành công mới của Chu Lai, chứng tỏ sự trường sức, trường vốn của nhà văn này, khẳng định độ phong nhiêu của đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
***
***
Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chính Chu Lai từng bộc bạch "Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính". Có thể nói mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực.
Một số tác phẩm của tác giả Chu Lai:
***
Nhà văn quân đội Chu Lai là tác giả của những tiểu thuyết đồ sộ về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, như: “Nắng đồng bằng” (1978), “Ăn mày dĩ vãng” (1991), “Phố” (1992), “Ba lần và một lần” (1999), “Cuộc đời dài lắm” (2001), “Khúc bi tráng cuối cùng” (2004), “Chỉ còn một lần” (2006)… Và một số kịch bản phim như: “Hà Nội đêm trở gió”, “Người đi tìm dĩ vãng”, “Người Hà Nội”…
“Mưa đỏ” là tiểu thuyết sử thi mới nhất của ông, kết quả sau nhiều năm trăn trở và sáng tạo. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, cả ở hai bên chiến tuyến (ta và địch), xoay quanh trục hai nhân vật chính: Cường (chiến sĩ Giải phóng) và Quang (tên chỉ huy hắc báo của ngụy). Bên cạnh đó là bối cảnh trên bàn đàm phán ở Pa-ri với nhân vật bà mẹ của Cường - một nhà ngoại giao là thành viên của đoàn đàm phán phía ta…
Tác giả đã mượn phông nền của một sự kiện lịch sử điển hình nhưng cũng khá “nhạy cảm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bằng ngòi bút đậm chất văn miêu tả, không ôm đồm đi vào “bề rộng” của không gian cuộc chiến, mà đi vào chiều sâu của những chi tiết, những nhân vật; lột tả tính chất khốc liệt và bi tráng, tác giả nhập hồn vào từng nhân vật để giúp bạn đọc thấy được tâm trạng giằng xé trong từng cảnh huống: Cả sự dũng cảm và đớn hèn, cái thiện và cái ác,… sự bùng nổ những trạng thái tích cực và tiêu cực… của những con người từng giây, từng phút phải đối mặt với sự hy sinh, chết chóc đến bất cứ lúc nào. Đan cài trong những trang miêu tả cuộc chiến đọc đến gai người là những khoảng bình yên, lãng mạn đầy chất thơ của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn, của những sự hào hoa, phóng túng rất đời…
Nhóm nhân vật “phía ta” trong tiểu thuyết (chiếm dung lượng nhiều nhất) chỉ là một đơn vị cấp tiểu đội. Tiểu đội ấy như một gia đình nhỏ, với một Tiểu đội trưởng Tạ “chừng ba mươi tuổi, tóc rễ tre, trán vuông cằm vuông, cái chóp mũi hình như cũng vuông nốt, da đen mun, dáng nông dân chắc nịch vùng đồng bãi…”, và các chiến sĩ thì mỗi người một quê, một vẻ: Sen - chiến sĩ lớn tuổi người Sài Gòn, Cường - sinh viên nhạc viện người Hà Nội, Bình vẩu - cựu sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Hải gù - công nhân điện nước quê Hà Tây, và người trẻ nhất là Tú, một chiến sĩ mới tròn tuổi mười sáu (sau đó, tiểu đội còn được bổ sung một chiến sĩ mới mười lăm tuổi là Tấn).
Theo dòng chảy của trận chiến 81 ngày đêm đó, tác giả đã khắc họa rõ nét tâm lý, cảm xúc, tình cảm của từng thành viên trong tiểu đội này như những thước phim quay chậm, có lúc toàn cảnh, có lúc cận cảnh, thậm chí đặc tả, đại đặc tả rõ đến từng chi tiết. Trong cuộc chiến sinh tử ấy, con người đã bộc lộ rõ nhất bản năng. Tất cả tiểu đội này đều ngã xuống (trừ nhân vật Tấn). Mỗi người hy sinh cũng một kiểu. Có sự hy sinh rất đỗi “nhẹ nhàng”, có sự hy sinh mà thi thể còn bao lần bị đạn bom cày đi xới lại, có sự hy sinh lại để “xóa lý lịch có vấn đề” (nhân vật Hải gù), hay có sự hy sinh đã xóa đi lỗi lầm hèn nhát trước đó của chính mình (nhân vật Sen)…
Nhân vật chính được khắc họa đầy đủ nhất trong tiểu thuyết là Đặng Huy Cường - một người lính đại diện cho lớp sinh viên “tài hoa ra trận”. Anh là một sinh viên nhạc viện xuất sắc, con trai một cựu chiến binh thời chống thực dân Pháp, có anh trai là liệt sĩ. Đáng lẽ sẽ đương nhiên được đi học nước ngoài, phát triển tài năng âm nhạc, nhưng anh đã tình nguyện “gác bút nghiên” để lên đường chiến đấu. Người lính cựu sinh viên ấy đã có mặt ở Thành cổ Quảng Trị trong suốt gần trọn 81 ngày đêm bi hùng đó. Và, trong sự sống mong manh, cái nét lãng mạn, hào hoa của chàng trai Hà Nội vẫn được bộc lộ, tỏa sáng; tâm hồn âm nhạc vẫn được thăng hoa để anh viết nên bản hòa tấu với những nốt nhạc đầy cảm xúc. Bản giao hưởng ấy rung lên những âm điệu bi tráng của chiến tranh, hòa trộn âm điệu của hòa bình, và cuối cùng, hòa bình vẫn là sự vĩnh cửu, trường tồn dù nó phải đổi bằng máu đỏ… Anh đã hy sinh trong trận đánh ở ngày gần cuối cùng của chiến dịch, máu của anh, của đồng đội anh như Tiểu đội trưởng Tạ, cùng bao chiến sĩ tuổi còn xanh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn ngầu đỏ để góp phần làm nên thắng lợi quyết định trên bàn đàm phán ở Pa-ri, buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định hòa bình.
Nhà văn Chu Lai cũng không áp đặt theo lối mòn (ta tốt, địch xấu…), mà đã khắc họa cả những nét nhân văn, nhân đạo đằng sau cái hung hãn, tàn bạo của kẻ địch (nhân vật Quang - toán trưởng hắc báo ngụy). Ở đây, nhóm nhân vật “phía bên kia chiến tuyến” được tác giả đầu tư rất công phu, sâu sắc, chiếm một dung lượng vừa đủ để những con người bằng xương bằng thịt và tính cách, diễn tiến tâm lý được lột tả đến tận cùng của bản ngã con người trong cuộc chiến khốc liệt, mà như một lẽ tự nhiên, không gò ép, đã khiến bạn đọc cảm giác thỏa mãn.
Khép lại tiểu thuyết là cảnh hai bà mẹ của hai nhân vật chính ở hai chiến tuyến cùng trở lại Thành cổ viếng mộ con, họ tình cờ gặp nhau, cùng thắp nén hương lên hai ngôi mộ, để lại nhiều sự day dứt trong lòng người đọc, nhưng lại sáng lên một niềm tin rằng, xóa bỏ những hận thù, khép lại quá khứ bi thương đã qua để cả dân tộc cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình…
Trong cuộc giao lưu chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-4) và giới thiệu tiểu thuyết “Mưa đỏ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức mới đây, nhà văn Chu Lai chia sẻ rằng, ông đã từng viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyện về những vùng đất mà ông từng trực tiếp chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và cả những địa bàn mà ông chỉ qua nghiên cứu tư liệu, tiếp xúc với nhân chứng… Nhưng riêng về Thành cổ Quảng Trị thì ông chưa một lần chạm vào, dù đã nung nấu từ bao năm như một món nợ lớn chưa trả được. Đã bao lần ông cùng vợ ông, nhà văn Vũ Thị Hồng đi về vùng đất ấy, và mỗi lần, trong trái tim người lính chiến từng trải của ông lại rung lên mãnh liệt rằng phải viết về nó, và phải viết một cách sâu sắc, chứ chưa dám nghĩ đến sự “xứng tầm” với những mất mát, hy sinh mà bao đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ từng xăng-ti-mét vuông Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972 ấy. Lăn lộn trong nhiều tháng trời ở nhiều nhà sáng tác do Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học nghệ thuật - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đầu tư, bao ngày đêm một mình đối mặt với từng con chữ, từng chi tiết, nhân vật, “Mưa đỏ” cũng từng trang từng trang hiện ra. Món nợ của ông cũng như được vơi đi… Và người đầu tiên, độc giả đầu tiên đọc nó, góp ý chỉnh sửa, hoàn thiện nó, không ai khác, chính là người bạn đời yêu quý của ông, nhà văn Vũ Thị Hồng. Bà tâm sự: “Khi đọc lần đầu tiên bản thảo ngổn ngang câu chữ, tôi đã nhiều lần ngấn nước mắt vì xúc động. Có lẽ sự đồng cảm của người từng có những năm tháng cầm súng, từng đối mặt với bao thử thách đã khiến tôi như người trong cuộc để cảm nhận những gì mà người lính trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ đã trải qua…”. Khi được hỏi, nhân vật nào, chi tiết nào mà bà tâm đắc nhất trong tiểu thuyết, nhà văn Vũ Thị Hồng chia sẻ rằng, rất nhiều, khó có thể kể hết, nhưng bà cứ day dứt mãi về những nhân vật nữ trong đó. Đặc biệt là nhân vật bà mẹ của Cường. Rồi nhân vật khác tên Hồng, một nữ cán bộ xã đội xinh đẹp, dũng cảm. Những đoạn văn mô tả chị chèo đò chở bộ đội qua sông, lộ bắp chân trần trắng nhễ nhại, hay chi tiết chị gặp Cường, nhân vật chính và đem lòng yêu anh… là những đoạn văn, chi tiết mà bà ám ảnh mãi…
Nhân đây, xin được dẫn lời nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú khi nói về cảm nhận ban đầu đọc “Mưa đỏ”: “Chu Lai trong “Mưa đỏ” đã đẩy ngòi bút lách sâu, nhập thân vào nhân vật, gọi ra ở nhân vật những trăn trở, dằn vặt rất con người không chỉ ở phía ta mà cả ở phía địch. Để cho bạn đọc thấy, thì ra đã là người Việt ai cũng đều máu đỏ chung dòng giống. Câu chữ khép lại còn ý nghĩa thì mở ra: Hãy cùng yêu thương nhau, cùng yêu hòa bình, cùng nhau gắn nối và gắn kết để dân tộc mãi trường tồn, đất nước ngày càng giàu mạnh…”.
Sự thành công của việc tái dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 còn chờ sự cảm nhận của bạn đọc và nhận xét của giới nghiên cứu, phê bình văn học. Nhưng qua tiểu thuyết mới của Chu Lai, có thể khẳng định, sức sống mãnh liệt và sức hấp dẫn vẫn còn vẹn nguyên, đủ để lay động trái tim người đọc của đề tài lớn: Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, mà có lúc nhiều người bi quan cho rằng dường như đang bị nhạt phai…
NGUYỄN HOÀNG SÁU
***
Hà Nội.
Xanh.
Một màu xanh yên ả nhưng trống trải trong những ngày hòa bình đầu tiên.
★
Hà Nội đã chớm bước vào hè, trời nín gió nhưng phố phường lại bồi hồi dịu mát như có ngọn gió hanh hao mơ hồ nào thổi dọc theo những hàng cây, mái ngói vào tận mỗi khoảnh sân, góc nhà khiến cho niềm vui bảng lảng, ngây ngất trong ánh mắt người cứ rờ rỡ nhen lên, vỡ ra, lan tỏa, lẫn cả lắng chìm, hụt hẫng. Dẫu biết rằng cái gì phải đến sẽ đến nhưng khi nó đến sao lòng dạ lại cứ thấy bất chợt ngổn ngang, xốn xang, ngỡ ngàng dường như không phải, không có thật, dường như đang mơ thế này!
Phải chăng chưa có thời khắc linh diệu nào của dân tộc, của một vùng đất lại xen lẫn nhiều tâm trạng trái chiều nhau đến thế? Bởi có những người cha, người chồng, người con, từ trong rừng xanh đã xiêu vẹo trở về, nhưng cũng còn biết bao người cha, người chồng, người con cho đến giờ phút này vẫn chưa thấy hình bóng và có thể sẽ không bao giờ thấy hình bóng ở nơi đâu. Nụ cười xen nước mắt, nỗi đau trộn niềm vui, cái sống cái chết, cái thăng hoa điều mất mát cùng lúc òa ập, len lỏi, giằng xé, quẫy đạp trong đáy sâu lòng dạ những con người vừa kiệt sức vặn mình trong chiến cuộc, trong đợi chờ.
Hà Nội hân hoan như sống lại, trẻ lại nhưng Hà Nội cũng lặng thầm xao xác. Mặt Hồ Gươm sáng nay xanh hơn nhưng cũng dường như man mác buồn hơn.
★
Giữa cái đan xen, ngào trộn ấy, vẫn có một nơi mà ở đó con người đang tìm về cõi tĩnh để được nghe, được thả hồn, được giãi bày, được lắng kết, được vơi nhẹ phần nào cái tâm trạng không mấy nhẹ nhàng của mình trong một không gian kiến trúc thâm nghiêm, cổ kính có từ đầu thế kỷ 20 do người Pháp để lại.
Không gian Nhà hát Lớn.
Trong ánh sáng mờ ảo thấp thoáng chút cô tịch thần thánh, một bản giao hưởng hợp xướng sâu thẳm đang vang lên vỗ ào ạt vào khắp bốn bức tường mang màu hồng nhạt. Bản nhạc như một âm hưởng thao thiết chạy suốt chiều dài cuộc chiến, làm thức dậy trong lòng người những cảm xúc bồi hồi khác lạ. Cả khán phòng im phắc với những đôi mắt nhìn lên đắm chìm như thấm từng nốt nhạc. Đó là những giai điệu về chiến tranh, về khát vọng yên hàn, về sự mất mát và lòng kiêu hãnh, về tình yêu và chia ly, về cái lãng mạn và điều trần trụi, về cái nhất thời và cái vĩnh cửu của cuộc đời… về tất cả.
Nét nhạc bùng lên lúc cuồn cuộn lúc sâu lắng, lúc trải ra lúc nén lại, khi vỡ nổ khi trở trăn, chân thật, gợi mở, mãnh liệt đến khốn cùng, khi lại như tiếng gọi thì thầm đưa con người trở về với những khoảng tối của rừng, khiến cho không ít người đã không kìm được những giọt nước mắt cứ chực trào ra nơi bờ mi.
Trong đó, ở hàng ghế giữa, nhòa chìm trong bóng tối huyền ảo là khuôn mặt thanh thoát, phúc hậu của một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi. Bà không khóc nhưng đôi mắt mù mịt, trống rỗng của bà đang nhìn lên kia còn đau hơn là khóc. Cô gái mặc áo bà ba, quấn khăn rằn khá xinh đẹp, một vẻ đẹp mộc mạc mặn mòi đặc trưng cho nét đẹp nắng gió của con gái miền Trung ngồi bên cạnh thỉnh thoảng lại đưa tay sang nắm lấy tay bà, siết nhẹ. Bà để yên, khẽ mỉm cười, một cái cười trống trải, vô hồn, héo hắt…
Trên kia, dưới ngón tay của những nhạc công tài hoa và của vị nhạc trưởng đứng tuổi, gầy gò, nét nhạc từ từ rơi vào khoảng lặng rồi bất thần vươn tới cao trào như một tiếng kêu kiêu hãnh và bi thiết của định mệnh. Bản nhạc dừng lại kết thúc chương Một trong tiếng Saxophone trầm khàn, ánh ỏi ngân lên lần cuối. Cả nhà hát lắng đi giây lát trước khi bật vang lên những tràng vỗ tay không ngớt, kéo dài.
Để chuyển tiếp sang chương kế tiếp, từ trong cánh gà, một người đàn ông tóc bạc bước ra, giọng ông trầm ấm nhưng không giấu được chút nghẹn ngào cố nén phát ra từ lồng ngực:
- Thưa tất cả các quý vị và các bạn! Bản giao hưởng hợp xướng mà các quý vị được nghe phần một vừa rồi là tác phẩm đầu tay nhưng cũng là tác phẩm cuối cùng của một nhạc sĩ tài hoa. Bởi vì trước, trong và sau bản nhạc này, anh đã chiến đấu và ngã xuống như một người lính dũng cảm trên chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bản nhạc này anh viết tặng mẹ và lúc này đây, người mẹ ấy đang ở đâu, làm gì, rất tiếc là chúng tôi chưa bắt liên lạc được.
Bàn tay cô gái lại nắm chặt lấy tay người đàn bà. Toàn thân bà rung lên nhưng khuôn mặt lại cúi xuống như để che đi, giấu đi sự hiện diện của mình.
Bản nhạc lại tiếp tục, trầm hùng, bi tráng, da diết hơn với những giai điệu dồn dập, xoáy buốt, nóng rẫy như có lửa cháy phần phật bên trong.
Đôi mắt người đàn bà nhìn lên, mở to, mở to nữa rồi từ trong đôi mắt ấy, như có một tiếng nổ khủng khiếp xé toạc không gian. Sân khấu biến mất, dàn nhạc biến mất, cả khán phòng cũng biến mất. Trước mắt bà chỉ còn là bom đạn mù mịt, lửa khói cuộn sôi, gạch đá và cả những thân xác cũng văng lên, hạ xuống… Rồi một bức tường thành hiện ra lở loét, trắng xác, nát vụn như một bộ xương hóa thạch méo xếch và từ trên cao, bầu trời bỗng nổi cơn sấm chớp thịnh nộ, soi nhấp nhóa xuống dòng sông chạy cạnh khu thành đang dâng nước réo gào như có trận đại hồng thủy kinh hoàng từ thế giới hồng hoang ngàn xưa tràn về. Nước dâng ngang trời, nước ngập kín đất, nước đỏ bầm màu máu. Mưa xối xả, những giọt mưa cũng mang màu máu…
Đôi vai mảnh của người đàn bà co rút lại, mắt nhắm chặt, hai tay ôm cứng lấy đầu, toàn thân rung lên như đang vào cơn sốt rét ác tính.
“Má ơi!”… Cô gái khẽ kêu lên một tiếng rứt ruột rồi ôm chặt lấy bà, ép sát tấm thân bà vào ngực mình như chở che, như an ủi. Người đàn bà dần hồi tỉnh, mồ hôi vã ra, khẽ nở một nụ cười mộng mị, lúc ấy mới để mặc cho những giọt nước mắt khe khẽ chảy ra…
Mời các bạn đón đọc Mưa Đỏ của tác giả Chu Lai.