Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Một Nụ Cười Nào Đó

Sau “Buồn ơi chào mi” vang dội rực rỡ, FrançoiseSagan cho ra mắt thuyết thứ hai “Một nụ cười nào đó” vào năm 1956, tiếp tục khẳng định tài năng và phong cách độc nhất vô nhị.

Câu chuyện xoay quanh một cô sinh viên Luật đại học Sorbonne phải lòng một người đàn ông lớn tuổi đã có vợ, oái oăm thay lại là cậu ruột của người bạn trai. Một câu chuyện giản đơn, thậm chí là tầm thường với những nỗi buồn vặt vãnh, những ray rứt trẻ con, những nghi ngờ, khám phá về mặt tinh thần lẫn thể xác mà ở thời đại đó đã bị gán cho cái mác băng hoại đạo đức, khiêu dâm. Nhưng tiểu thuyết thứ hai này cho thấy một sự ngây thơ và dễ tổn thương mà “Buồn ơi chào mi” không có được. Hơn nữa, “Một nụ cười nào đó” đằm thắm hơn, cố chấp hơn với tình yêu để rồi vỡ mộng hơn, nhưng là một vỡ mộng không tàn bạo mà dịu dàng như một bản nhạc. Nhân vật nam chính – một người đàn ông “mắt xám, trông mỏi mệt, gần như u buồn” – là người duy nhất làm cho cô gái hạnh phúc vì chỉ hai người họ mới giống nhau và chia sẻ cho nhau nỗi chán chường cố hữu của đời sống. Nhân vật nữ chính – trung tâm của cuộc tình tay tư – là một cô nàng vô ưu, lẳng lơ, có những lúc tự nhận bản thân vô sỉ, song từ đầu đến cuối luôn bị giày vò bởi nỗi cô đơn của một đời sống vô vị và nhàm chán.

Mối quan hệ lén lút giữa Dominique và Luc sẽ không khiến hai người phải ray rứt và khổ đau như họ đã cảm thấy nếu, Françoise – vợ Luc không tỏ ra là một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng và từ ái. Françoise luôn đối xử với Dominique như một người mẹ thương con, bởi vì bà cho rằng cô sinh viên ấy cùng một bản chất với chồng bà: họ là những kẻ có đôi chút bất hạnh cần được vỗ về. Ở cuối tác phẩm, Francoise vẫn không đổi thay trong lối cư xử và trong tình cảm với tình địch dù đã biết câu chuyện dan díu, nhưng chỉ bằng một câu nói, bà đã đập tan cái cố chấp của cô gái trẻ, khiến cô không còn gì ngoài tan nát…

***

Một nụ cười nào đó – Françoise Sagan

Một chút nỗi buồn cũng đáng giá hơn cả vạn niềm vui, bởi nó đọng lại, day dứt, dằn vặt con người ta quá nhiều, quá sức khủng khiếp. Sagan khi chỉ mới là nàng thiếu nữ chưa trải hết mọi sự đời đã kịp nắm bắt, rồi mô tả lại từng đường nét của nỗi buồn ấy một cách tinh tế và tỉ mỉ nhất có thể.
Nếu trong tác phẩm đầu tay Buồn ơi chào mi gây chấn động văn đàn Pháp của mình, Sagan để cô tiểu thư mục ruỗng Cecile gọi tên nỗi buồn khá muộn màng thì tới cuốn sách thứ hai, ra đời chỉ hai năm sau đó, nỗi buồn một lần nữa quấn quýt không rời khỏi từng câu chữ, những lúc Dominique ngơ ngẩn, những khi cô ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, những thứ không hề khơi gợi trong cô xúc cảm mãnh liệt nào, hay thậm chí cả tận khi cô khao khát được hồi đáp tình cảm từ nhân tình, người đàn ông với đôi mắt xám u buồn đã gây ấn tượng cho cô ngay buổi đầu gặp gỡ. Chưa từng có phút giây nào nỗi buồn không hiện diện trên trang giấy. Thậm chí tới hình hài của từng nhân vật cũng nhòa dần đi theo cảm giác buồn nản chán chường nhàn nhạt ấy.
Ta chỉ còn mơ hồ nhận ra, Dominique hời hợt và dễ dãi, Luc già dặn và dịu dàng, Francoise lại quá đỗi đôn hậu cùng khoan dung, Bertrand tuy đôi phần xốc nổi nhưng vẫn khá rộng lượng. Các nhân vật của Sagan quẩn quanh trong một vòng tròn vốn đã mục ruỗng từ lâu, nơi mỗi cá nhân từ phóng khoáng tới phóng túng, hoặc hiền hòa tới đáng thương.

***

TRỌN BUỔI CHIỀU CHÚNG TÔI NGỒI TRONG một quán cà phê đường Saint-Jacques, một buổi chiều mùa xuân như mọi buổi chiều khác. Tôi cảm thấy hơi buồn, buồn một cách khiêm tốn. Tôi đi đi lại lại từ chỗ để cái máy quay dĩa hát đến cửa sổ trong lúc Bertrand đang bàn cãi bài giảng của Spire. Tôi nhớ có một lúc, đứng tựa máy hát, tôi nhìn cái đĩa hát được từ từ nâng lên đến nằm nghiêng bên cây kim “xa-phia”, âu yếm tựa như ta áp má vào một ai. Và, không hiểu tại sao, lúc đó lòng tôi dạt dào hạnh phúc, tôi có trực giác tràn trề một ngày nào đó tôi sẽ chết, bàn tay tôi không còn đặt trên cái cạnh tủ mạ kền nầy nữa, mắt tôi không còn đựng ánh mặt trời.

Tôi quay về phía Bertrand. Anh nhìn tôi, và khi thấy tôi mỉm cười anh đứng lên. Anh không chịu được sự tôi sung sướng riêng rẽ một mình, lúc nào cũng phải có anh bên cạnh. Những phút vui sướng của tôi phải chỉ là những lúc cần thiết cho cuộc sống tay đôi của chúng tôi. Điều này tôi cũng đã biết mập mờ từ lâu, nhưng hôm đó nghĩ tới, tôi không chịu được nên quay mặt chỗ khác. Dương cầm bắt đầu chơi bản Lone and Sweet, tiếng kèn cla-ri-nét tiếp sức tiếng đàn, tôi biết rõ từng hơi thổi một.

Tôi gặp Bertrand trong mùa thi năm ngoái. Chúng tôi sống cạnh nhau trọn một tuần, cả hai cùng âu lo hồi hộp, sau đó tôi về nghỉ hè tại nhà ba má tôi. Đêm chót, khi chia tay, anh hôn tôi. Rồi anh gởi thư cho tôi. Ban đầu trong thư anh chỉ nói lơ là. Nhưng về sau, giọng thư đổi khác. Tôi theo dõi sự thay đổi đó của anh mà lòng không khỏi run, thành thử khi anh viết : “Tôi thấy sự tỏ tình nầy buồn cười, nhưng có lẽ tôi đã yêu em”, thì tôi có thể trả lời anh cũng bằng một giọng như thế, rất thành thật, không dối trá chút nào : “Sự tỏ tình của anh buồn cười đó, nhưng em cũng yêu anh”. Câu trả lời nầy đến với tôi một cách tự nhiên, hay nói đúng hơn đến với tôi như một tiếng vang. Vườn của ba má tôi nằm trên bờ sông Yonne, ở đó không có gì thú vị để tôi tiêu khiển. Tôi đi xuống bờ sông, nhìn những đám rong vàng uốn mình trên mặt nước rồi nhặt những miếng đá mỏng màu đen ném cho bay lướt trên mặt sông như một bầy chim én. Suốt mùa hè đó, tôi thì thầm gọi tên Bertrand và miên man nghĩ đến tương lai. Kể ra tôi cũng thích cái lối yêu nhau và viết cho nhau như thế.

Bây giờ thì Bertrand đang đứng sau tôi. Anh đưa cho tôi cái ly đang uống, lúc quay lại người tôi sát vào người anh. Anh hay làm mặt giận khi thấy tôi tỏ ý lơ đãng không chú ý đến những cuộc thảo luận giữa anh và các bạn anh. Tuy thích đọc nhưng tôi lại không ưa bàn cãi văn chương.

Anh không quen được với cái tánh đó của tôi. Anh nói :

- Lúc nào em cũng cho nghe điệu nhạc cũ nầy. Nhưng không hiểu sao, anh lại thích. Em có thấy thế không.

Câu chót nầy anh nói bằng một giọng bình thản làm tôi nhớ lại lúc mới quen nhau lần đầu hai đứa chúng tôi đã ngồi cạnh nhau để nghe cái đĩa đó. Bao giờ tôi cũng tìm thấy ở Bertrand những lối bộc lộ tình cảm kín đáo như thế, những cái mốc đánh dấu mối tình của chúng tôi, những cái mốc mà hiện giờ tôi không còn nhớ nữa. Đột nhiên tôi nghĩ : “Đối với mình Bertrand nào có nghĩa gì. Mình chán anh ta, mình dửng dưng với mọi sự; mình không là gì, hoàn toàn không là gì cả”. Rồi cũng chính cái cảm giác vô lý nầy đã xâm chiếm trọn tôi.

Bertrand nói :

- Anh phải đến thăm cậu anh, ông cậu giang hồ. Em đi với anh không ?

Nói xong anh quay đi trước và tôi lẽo đẽo theo sau. Tôi không quen ông cậu Bertrand và cũng không muốn quen với ông ta. Nhưng trong tôi có một cái gì thúc giục tôi đi theo sau mớ tóc cắt gọn ghẽ của một chàng trai, có một cái gì khiến tôi hóa ra thụ động để ai muốn dắt đi đâu cũng được mà không cưỡng lại bao giờ. Có những ý nghĩ vụn vặt, lạnh buốt, trơn như những con cá nhỏ len lỏi trong đầu tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mến Bertrand lạ. Hai đứa chúng tôi đi dài theo con đường lớn trong thành phố. Bước chân hai đứa ăn nhịp nhau không khác gì xác thịt hai đứa trong những đêm hai đứa yêu nhau. Bertrand cầm tay tôi. Chúng tôi hợp thành một cặp nhân tình mảnh mai, dễ yêu, giống như những cặp nhân tình trong tranh vẽ.

Suốt lúc đi trên con đường lớn và suốt lúc đứng trên chiếc xe buýt đưa Bertrand và tôi đến gặp ông cậu giang hồ tôi thấy yêu Bertrand hết sức. Xe xóc, làm tôi ngả vào mình anh, anh cười, choàng tay qua lưng tôi ra dáng che chở. Tôi dựa vào áo anh, nép sát vào vai anh, đôi vai đàn ông cứng cáp rất tiện cho tôi ngả đầu vào. Tôi hít mùi thơm của người anh, mùi quen thuộc, mùi thơm đó làm tôi cảm động. Bertrand là mối tình thứ nhất của đời tôi. Nhờ anh tôi mới biết được mùi thơm của chính người tôi. Bao giờ cũng thế, phải nhờ đến thân thể của một người khác mình mới khám phá được thân thể của chính mình, khám phá cả chiều dài, cả mùi thơm của thân thể đó. Ban đầu với đôi chút ngờ vực, về sau với tất cả sự biết ơn.

Bertrand đem những chuyện về ông cậu ra kể cho tôi nghe, coi bộ anh không ưa ông cậu anh cho lắm. Anh kể những chuyện buồn cười đã xảy ra trong cuộc đời rày đây mai đó của cậu anh. Bertrand có một tật xấu : anh thích moi móc những tấn hài kịch xảy ra trong đời thiên hạ đến nỗi lúc nào anh cũng hồi hộp e có ngày thiên hạ sẽ nhìn thấy được những khía cạnh mà anh không ngờ là có thể lố bịch của đời anh. Tôi thường chế nhạo anh về điểm nầy khiến anh nổi khùng vì tôi không ít.

Ông cậu Bertrand ngồi chờ Bertrand dưới mái hiên một quán cà phê. Thoạt trông thấy ông ta tôi bảo ngay với Bertrand là ông ta có một bộ dáng không đến nỗi nào. Lúc chúng tôi đến gần ông kéo ghế đứng lên, Bertrand giới thiệu :

- Cháu đến với một cô bạn, cô Dominique. Còn đây cậu Luc, ông cậu giang hồ.

Tôi ngạc nhiên một cách thích thú. Tôi nói thầm : “Có thể lắm. Đúng là dáng điệu một nhà đại giang hồ”. Ông ta có đôi mắt màu nâu, một vẻ vừa buồn vừa mệt mỏi. Tóm lại, có thể nói ông ta khá đẹp trai.

Bertrand hỏi :

- Chuyến đi vừa rồi của cậu ra sao ? Vui chớ ?

- Chán chết được. Đến Boston lại phải giải quyết một vụ thừa kế rất lôi thôi. Đi đâu cũng gặp toàn những loại thầy cãi gàn đến cái mực chết người. Chán lắm. Còn cháu ?

Bertrand đáp :

- Hai tháng nữa là bọn nầy thi cử đến nơi.

Anh nhấn mạnh khi nói hai chữ “bọn nầy”. Chính điểm đó đã khiến các cô cậu sinh viên Sorbonne cảm thấy gần nhau như vợ với chồng. Họ nói đến thi cử âu yếm như nói đến một đứa con nhỏ.

Ông cậu quay nhìn tôi :

- Còn cô, cô cũng thi nữa chớ ?

Tôi trả lời mơ hồ :

- Dạ.