Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Khoảng Cách Giữa Hai Người

Mùa xuân đến, nhóm Hotaro lên lớp Mười một và cùng đón chào cô bé đàn em mới tạm thời gia nhập câu lạc bộ Cổ Điển, Oohinata Tomoko.

Oohinata nhanh chóng trở nên thân thiết với Chitanda và những người khác, nhưng rồi một ngày nọ, cô đột ngột thông báo rằng mình sẽ không vào câu lạc bộ nữa.

Mọi chuyện thật bí ẩn, có thể bắt nguồn từ cuộc đối thoại giữa Chitanda và Oohinata trong phòng câu lạc bộ, nhưng Hotaro không thể lý giải được điều này.

Hạn cuối để nộp đơn xin chính thức gia nhập câu lạc bộ cũng chính là ngày diễn ra đại hội ma ra tông. Tin rằng Chitanda không phải là kiểu người có thể làm tổn thương người khác, Hotaro vừa chạy vừa suy nghĩ về chân tướng của sự thay lòng này…

Tập thứ năm trong bộ truyện về câu lạc bộ Cổ Điển.

VỀ TÁC GIẢ

Yonezawa Honobu

Yonezawa Honobu sinh năm 1978 tại tỉnh Gifu. Anh viết nhiều tác phẩm thuộc dòng giải trí, tuy nhiên sau khi đọc nhiều tác phẩm của nhà văn trinh thám Kitamura Kaoru, anh quyết định chuyển hướng sang thể loại trinh thám, kỳ bí. Kem Đá ban đầu được đăng tải trên trang web riêng của tác giả: “Phiếm Mộng Điện”. Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ độc giả, năm 2001 Yonezawa Honobu quyết định đưa tác phẩm đi dự giải thưởng dành cho các tác giả trẻ dòng light novel của nhà xuất bản Kadokawa và giành được giải thưởng ở thể loại kỳ bí - kinh dị. Giải thưởng đã giúp anh chính thức bước chân vào văn đàn Nhật Bản.

TRÍCH ĐOẠN

“Dù sao thì chúng ta cũng không thể vươn tay ra ngoài sân trường được. Ngay từ đầu chúng ta đã chẳng có cách nào rồi Hotaro ạ.”

Có lẽ là vậy chăng.

Thực lòng tôi thấy Satoshi nói không sai. Thời còn học cấp hai, trường Kaburaya từng là tất cả những gì tôi có thể thấy. Giờ đây chúng tôi đã là học sinh cấp ba, và cũng chẳng liên quan gì đến những điều nằm ngoài ngôi trường cấp ba Kamiyama. Nhưng… thực sự có phải là thế? Nếu cuộc đời học sinh cứ thuận lợi trôi qua, thì hai năm nữa chúng tôi sẽ để trường cấp ba Kamiyama lại phía sau. Rồi nếu học lên đại học thì sẽ lại tuần tự trải qua sáu năm nữa trước khi bước ra khỏi nơi được gọi là “trường học”. Nếu cứ mãi nghĩ rằng bàn tay của mình sẽ không vượt qua nổi bốn bức tường nơi chúng tôi học tập, thì sau khi rời khỏi mái trường chẳng phải chúng tôi sẽ mất phương hướng như đột ngột bị ném vào một vùng đất hoang vu sao?

Có lẽ tôi đã sai rồi. Giống như Chitanda phải đảm đương những công việc xã giao, hay như chị tôi chu du khắp thế giới, chúng ta phải vươn tay đến khắp mọi nơi. Vấn đề chỉ là chỗ ta có ý chí để làm điều đó hay không mà thôi.

Với tư cách một tín đồ của chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng, dĩ nhiên tôi không có ý chí đó.

***

Kem đá là một tiểu thuyết thuộc thể loại kỳ bí, học đường sáng tác bởi nhà văn Yonezawa Honobu xuất bản năm 2001.

Đây là tập sách đầu tiên trong seri "Câu lạc bộ Cổ Điển" gồm tổng cộng 6 tập tính đến năm 2016.

***

Hiện tại: Điểm mốc 0 km

Mưa chẳng rơi dẫu tôi có cầu nguyện thế nào.

Giống như năm ngoái, lời cầu nguyện của tôi cũng không thành hiện thực. Tóm lại cầu mưa là một việc hoàn toàn vô nghĩa. Sau khi hiểu ra điều đó, năm sau chắc tôi sẽ chỉ ngoan ngoãn chấp nhận số phận thôi. Việc không cần làm thì khỏi làm, việc phải làm thì làm cho nhanh gọn. Hôm nay Oreki Hotaro đã nhận ra, cầu mưa là việc không cần làm.

Ban nãy một ngàn học sinh của trường cấp ba Kamiyama còn đứng chật sân trường, nhưng giờ một phần ba đã rời đi rồi. Họ đã bắt đầu hành trình hướng về chân trời xa xăm kia, dù biết rằng sự cố gắng đó chẳng mang lại lợi ích gì. Nhưng tôi cũng chẳng thể thương cảm cho họ, bởi sắp thôi, chính tôi cũng sẽ bước trên con đường đó. Tiếng hú chói tai vang lên, chiếc loa phóng thanh đã được bật. Một mệnh lệnh phát ra.

“Khối Mười hai đã hoàn thành! Lớp 11-A tiến về phía trước!”

Như bị lực nào đó kéo đi, đám bạn cùng lớp tôi lục tục tiến đến vị trí quy định. Trong số đó có những người mang dáng vẻ bừng bừng nhiệt huyết, nhưng đa phần lại chỉ đeo bộ mặt cam chịu khiến người ta liên tưởng tới những vị thánh khổ hạnh. Tôi có lẽ cũng từa tựa như vậy.

Một thành viên ban Tổng hợp đứng cạnh vạch xuất phát kẻ bằng phấn, tay cầm một khẩu súng hơi. Cậu ta chẳng có tí ti vẻ nghiêm nghị của một kẻ thi hành những phán quyết tàn nhẫn. Nhìn bộ mặt non choẹt chẳng khác gì học sinh cấp hai kia, thì chắc cậu ta mới lớp Mười. Cậu nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ bấm giờ như thể không cho phép mình lệch dù chỉ một giây. Suy cho cùng thì cậu ta cũng chỉ đơn thuần là làm theo mệnh lệnh, nên hẳn là không hề nghĩ đến việc hành động của mình có ý nghĩa thế nào với chúng tôi đâu. Mà nếu có nghĩ thì chắc cũng chỉ kiểu như là “Vụ này có phải tôi bày ra đâu? Người ta bảo làm thì tôi làm phần việc của mình thôi. Tôi đâu có cố tình làm, nên cũng chẳng có lỗi gì cả.”

Cũng chỉ đến mức đó thôi. Chắc chắn nhờ suy nghĩ như thế nên cậu ta mới có thể thực hiện hành động tàn nhẫn nhường này mà khuôn mặt vẫn hoàn toàn vô cảm. Cậu ta chầm chậm giơ súng lên.

Ngay lúc này và chính tại khoảnh khắc này, phải chăng chúng tôi vẫn còn cơ hội được chiêm ngưỡng một trận mưa như thác lũ, thứ hiện tượng kỳ vĩ như đánh dấu một trang sử mới của ngành khí tượng học? Thế nhưng bầu trời tháng Năm quang đãng quá chừng, quang đãng đến phát bực. Bọn hồ ly không định cưới xin gì à*?

“Chuẩn bị!”

A, đúng rồi. Chẳng phải tôi vừa mới nhận ra hồi nãy hay sao? Rằng thần linh chẳng bao giờ đáp lại những lời cầu nguyện. Không còn cách nào khác, chúng ta phải tự mở lối đi cho mình mà thôi. Đến tận thời khắc sau cùng, cậu thành viên ban Tổng hợp vẫn không ngẩng mặt lên. Ngón trỏ gầy guộc siết cò, thuốc súng được kích nổ, khói trắng phụt ra từ họng súng.

Chúng tôi đang tham gia cúp Hoshigaya của trường cấp ba Kamiyama. Mệnh lệnh xuất phát của lớp 11-A cuối cùng cũng được phát đi rồi.

Trường cấp ba Kamiyama nổi tiếng bởi bộ sưu tập đồ sộ các hội nhóm về lĩnh vực văn hóa. Nhiều đến nỗi chỉ đếm không thôi cũng đã vã mồ hôi rồi. Chắc cũng phải cỡ trên năm mươi. Lễ hội văn hóa được tổ chức trong ba ngày mùa thu, huyên náo đến mức giờ bình tĩnh nghĩ lại mới thấy là hơi quá đà.

Ở phía bên kia, số hội nhóm thể thao cũng chẳng chịu kém phần. Tuy không có vận động viên nào giành vị trí cao trong giải liên trường năm ngoái, nhưng nghe bảo các câu lạc bộ võ thuật đều có bề dày truyền thống đáng ngưỡng mộ. Hết lễ hội văn hóa là đến một cái hội thao nho nhỏ, rồi đầu năm sau là đại hội các thể loại bóng banh. Nói vậy thôi chứ tôi không cảm thấy khó chịu. Dù không hoan hỉ tình nguyện xông pha, nhưng nếu có ai nhờ tôi góp một tay cho đủ đội bóng chuyền hay chạy hai trăm mét thì cũng không thành vấn đề. Nếu là việc phải làm, thì tôi còn có thể tươi cười mà nói “Toát mồ hôi đã thật đấy!” Nhưng nếu phải chạy quãng đường dài hơn thì tôi cười không nổi. Dài hơn ở đây cụ thể là hai mươi kilômét.

Cuộc thi chạy việt dã trường cấp ba Kamiyama được tổ chức thường niên vào mỗi cuối tháng Năm với tên gọi chính thức là “Cúp Hoshigaya”. Cái tên này được lấy theo tên một cựu học sinh của trường, vận động viên đã lập kỷ lục quốc gia ở bộ môn chạy việt dã, nhưng hình như chẳng ai thèm dùng tên này hết. Lễ hội văn hóa trường không có tên chính thức thì được đặt cho cái tên “Lễ hội Kanya”, còn cúp Hoshigaya có tên tuổi đàng hoàng thì chỉ được gọi chung chung là “cuộc thi ma ra tông”, thật đúng là ngược đời. Còn tôi do nghe ông bạn chí cốt Fukube Satoshi gọi là cúp Hoshigaya suốt nên bị nhiễm lúc nào chẳng hay.

Đúng ra tôi phải lấy làm mừng khi đường chạy của cuộc thi ma ra tông này ngắn hơn đường chạy chuẩn*, nhưng sự thực là tôi vẫn mong trời sẽ mưa. Nghe Satoshi bảo là theo quy định về việc sử dụng đường sá công cộng, nếu trời mưa cuộc thi sẽ bị hủy ngay chứ không chỉ hoãn sang ngày khác. Tuy nhiên cậu ta cũng nói thêm một câu.

“Nhưng lạ ghê ấy. Trong phạm vi những ghi chép còn lưu lại thì cúp Hoshigaya chưa từng bị hủy.”

Vậy khả năng cao là thần linh đã phù hộ cho cái cúp này rồi.

Đúng là vị thần dở hơi.

Tôi đang mặc một chiếc áo thun tay ngắn màu trắng và quần soóc có cái màu lai lai giữa đỏ và tím, hình như gọi là màu đỏ yên chi. Đám con gái mặc quần bó màu tương tự. Trên ngực áo thun có thêu huy hiệu trường, phía dưới đính một mảnh vải nhỏ ghi họ tên và lớp của mỗi học sinh. Cái bảng tên “11-A/Oreki” tôi vừa mới khâu hồi tháng Tư mà giờ trông như sắp sút chỉ. Cũng tại lười nên tôi đã khâu qua quýt cho xong, bởi vậy thành quả cũng rất chán đời.

Giờ đang là cuối tháng Năm, vào mùa mưa rồi nhưng thời tiết vẫn khá khô ráo*. Tính ra thì trường cũng khá chu đáo khi tổ chức vào thứ Sáu, vì sau đó là hai ngày nghỉ. Thời điểm xuất phát là chín giờ sáng, lúc này trời vẫn còn khá lạnh. Nhưng mặt trời lên cao thì thời tiết cũng sẽ ấm lên, ấm đến mức khiến người ta phải đổ mồ hôi.

Ngoài cổng trước ra thì còn một lối khác dẫn từ trong sân ra ngoài. Tất cả học sinh lớp 11-A sẽ bắt đầu chạy từ lối đó. Tạm biệt trường cấp ba Kamiyama, hẹn gặp lại sau hai mươi kilômét.

Lộ trình của cúp Hoshigaya được quy định một cách ước lệ là “một vòng quanh núi phía sau trường”. Tuy nhiên phía sau trường cấp ba Kamiyama là một vùng núi trải rộng và kéo dài tới tận dãy Kamikakiuchi ngàn năm tuyết phủ, nên nếu thực sự “chạy một vòng” thật thì sẽ thành thi leo núi chứ chẳng phải chạy việt dã nữa.

Tôi đã nắm được lộ trình rồi.

Đầu tiên chúng tôi sẽ chạy một quãng ngắn dọc theo bờ sông phía trước trường, tới ngã tư đầu tiên thì chạy lên dốc. Ban đầu đường khá thoải, nhưng sau đó độ dốc sẽ tăng đáng kể, đến gần đỉnh có thể làm người ta vỡ tim chứ chẳng chơi. Leo đến đỉnh rồi thì đương nhiên là phải xuống. Đường xuống dài và dốc hơn cả đường lên, không cẩn thận là chấn thương đầu gối như chơi. Qua hết con đồi, cảnh đồng ruộng bắt đầu trải rộng trước mắt, còn có thể thấy lác đác vài nhà dân. Lúc này đường không còn dốc mà bắt đầu kéo dài và thẳng tắp. Đây là phần khiến tinh thần các thí sinh dễ bị triệt hạ nhất. Cuối con đường bằng phẳng kia là một ngọn đồi nữa, lần này tuy không quá dốc nhưng đường đi ngoắt ngoéo và có vô số khúc cua khiến người chạy phải đổi hướng liên tục, rất dễ bị loạn nhịp.

Qua con đồi đó là đến Jinde, vùng Đông Bắc của thành phố Kamiyama. Nhà Chitanda chính là ở vùng này. Tới đây chúng ta phải chạy xuống một con dốc hẹp men theo bờ sông, cứ như vậy rời khỏi vùng núi mà về với thành thị. Nói vậy thôi chứ không thể chạy băng qua những con đường tấp nập xe cộ được mà phải đi đường vòng. Chạy qua phía trước đền Arekusu rồi vòng ra phía sau của tòa nhà trắng toát đúng-kiểu-bệnh-viện của bệnh viện Rengo, bóng dáng trường cấp ba Kamiyama sẽ hiện ra.

Dù gì thì cũng đã chạy một lần rồi, nên tôi tường tận từ điểm xuất phát cho đến đích, nhưng điều đó cũng chẳng giúp quãng đường phải chạy ngắn lại. Tôi cho rằng nếu đã biết kết luận rồi thì ta có thể nhảy cóc qua phần quá trình luôn. Mà nếu không thể thì nên chọn cách nào hiệu quả nhất. Cụ thể hơn, tôi muốn đề đạt rằng nếu cần phải di chuyển hai mươi kilômét thì ta nên dùng xe đạp hay xe buýt gì đó, có điều lần này cách nghĩ cực kỳ hợp lý của tôi có vẻ không dùng được.

Mời các bạn mượn đọc sách Khoảng Cách Giữa Hai Người của tác giả Honobu Yonezawa & Vũ Đức Thông (dịch).