Hình như trong thế gian không có một nước nào trải qua nhiều phen vong quốc cho bằng nước Nam mình.
Thuở xưa Bắc thuộc 3 lần trước sau 1050 năm. Ngày nay Tây thuộc chưa biết đến bao giờ.
Vậy thì sự bại vong của ta có lai lịch và duyên do thế nào, ta càng phải nên tìm tòi hiểu biết.
Song chuyện bại vong dĩ vãng đã có những khúc vãn hồi của lịch sử và mây mù thời gian che khuất đi lâu rồi, không cần bươi móc trở lại nữa. Sự cần thiết là nên tìm tòi câu chuyện bại vong gần đây.
Vì đó mà cuốn "VIỆT NAM TÂY THUỘC SỬ" nầy viết ra, chỉ cốt nghiên cứu biên chép về đoạn lịch sử từ lúc bắt đầu có người Tây phương để gót cẳng vào đất nước ta, cho đến lúc có chánh sách đóng cửa và cấm đạo của vua quan mình, làm nguyên nhơn cho nước Pháp phải can thiệp vào việc nước Nam rồi chinh phục, bảo hộ…
Trích Gọi là tựa - Đào Trinh Nhất
"Thế là cách nhau 10 năm, lần này là lần thứ hai, có những tiếng súng Tây-phương nổ ngay giữa mặt bên tai để đánh thức ta; đáng lý ta phải tỉnh-ngộ mình yếu hèn hủ bại mà lo duy tân tự cường. Nhưng vua quan ta cũng không tỉnh!…
Cũng như - chỗ nầy tôi chợt trông người gẫm ta - Nhựt-bổn họ được trở nên hùng cường là đáng. Là vì cũng một cảnh ngộ tương tợ ấy, nhưng vua quan sĩ-dân họ tỉnh ngay.
Ban đầu, người họ cũng hũ-bại yếu hèn cũng cấm đạo Thiên-chúa, cũng ôm riết đạo nho mà tự tôn tự đại, khinh khi Tây-phương như ta vậy. Tây-phương muốn tới giao-hảo thông-thương, họ cũng chần chờ thối thác, tưởng mình dư sức chống cự với người. Muốn cho họ biết mặt biết sức, năm 1863, mấy chiếc binh-thuyền Anh kéo tới Lộc-nhi-đảo chĩa súng bắn phá một hiệp thứ nhứt, để họ thấy sức mạnh Tây-phương ra sao cho biết. Liền qua năm sau, 1864, binh-thuyền bốn nước Anh, Pháp, Mỹ, Lan, hiệp nhau tới trước Hạ-quan, lại chĩa súng bắn hiệp thứ hai nữa. Hai hiệp súng ấy khiến họ tỉnh ngay sức yếu của mình, sức mạnh của người, cần phải bắt chước sửa mình mới khỏi vong quốc. Tức thời họ mạnh bạo bỏ cũ theo mới, rồi mở ra kỷ-nguyên Minh-trị.
Cùng là hai hiệp súng đánh thức: họ sấn bước lên đường duy-tân, còn ta thì hôn mê lầm lũi vào cảnh vong-quốc.
Cái kết cuộc khác nhau trời vực ấy còn có chỗ nầy người ta nên chú ý nữa: ở Nhật-bổn, vua quan họ đã tự tỉnh ngộ, lại thêm có bọn chí sĩ duy-tân đông đảo và dân tâm sĩ khí cũng phấn chấn hăng hái. Nhờ vậy mà họ duy tân tự cường được và mau lẹ nữa là khác. Còn như mình đây, gặp phải các nhà cầm quyền hôn mê cố chấp rồi, lại sĩ-phu cũng không ai hiểu biết thời thế, không ai phản-động, gọi là nhơn tâm dân trí đều bị dồn ép lù mù quen rồi."
***
Đào Trinh Nhất (1900-1951), tự Quán Chi, là nhà nhà văn, nhà báo Việt Nam giữa thế kỷ 20. Khi viết văn, viết báo, ông ký nhiều bút hiệu: Nam Chúc, Viên Nạp, Hậu Đình, Tinh Vệ, Bất Nghị, Vô Nhị, Hồng Phong, Anh Đào, XYZ…. Ông được người trong giới cầm bút đánh giá là người có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam
Đào Trinh Nhất sinh năm Canh Tý (1900) tại Huế. Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.
Ông là con trưởng Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) Đào Nguyên Phổ. Vợ là Lương Thị Hòa, con gái Lương Ngọc Quyến và là cháu nội Lương Văn Can.
Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
***
Vốn là nhà báo viết văn, cho nên hầu hết các tác phẩm của Đào Trinh Nhất đều đăng từng kỳ trên báo rồi sau mới in thành sách. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau 30 năm cầm bút (1921-1951), ông đã để lại khá nhiều tác phẩm như sau: