Trong lịch sử bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước, đất nước ta đã xuất hiện nhiều phụ nữ anh hùng và tài hoa. Họ có những đóng góp quan trọng, có thể sánh với nam giới, thậm chí còn hơn cả nam giới ở một vài lĩnh vực nào đó. Đây là điều rất đáng tự hào. Lâu nay, chúng ta vẫn ý thức rằng, không có mặt trời thì hoa không nở, không có phụ nữ không có thế giới. Do đó, tìm hiểu vai trò và sự đóng góp của phụ nữ ở bất cứ thời điểm nào cũng là điều cần thiết và qua đó, chúng ta có thể học tập ở họ những đức tính cao quý khác mà nam giới khó có thể sánh được. Khi biên soạn tập sách Các vị nữ danh nhân Việt Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc cố gắng đóng góp phần nhỏ vào mục đích trên.
Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn, trước mắt tập sách đề cập đến những vị nữ danh nhân như chị em Hai Bà Trưng đã khởi binh đánh đuổi giặc phương Bắc, nói như sử gia Lê Văn Hưu thì Hai Bà đã “xưng vương dễ như trở bàn tay” và “trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”. Nữ tướng Lê Chân, chiến đấu dưới ngọn cờ chính nghĩa của Hai Bà Trưng, lập nên những chiến công hiển hách và được tấn phong là Thánh Chân công chúa. Nhưng đến nay ít người biết rằng, chính bà là người phụ nữ đầu tiên mở đất Hải Phòng và dựng lên trang sử oanh liệt. Những phụ nữ bước ra chiến trường như thế không hiếm trong lịch sử nước ta, ta còn có thể kể đến Bà Triệu - người đã thể hiện khí phách của mình: “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông” mà không phải đấng nam nhi nào cũng có được.
Nhìn suốt chiều dài của lịch sử, ta nhận thấy hình ảnh người phụ nữ trong thế kỷ XX đã có nhiều bước tiến bộ khác trước rất nhiều, họ không còn phải ru rú trong xó bếp với quan niệm cổ hủ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà đã ý thức bước ra ngoài xã hội, cùng nam giới đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “Lịch sử văn hóa, tư tưởng Việt Nam trước, nay và sau có thể tóm tắt bằng một chữ đánh”. Sau truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu… Sau này chúng ta lại có hàng loạt những phụ nữ nối tiếp truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đó là vợ ba Cai Vàng, nữ tướng Bùi Thị Xuân, liệt nữ Cô Giang, liệt nữ Trần Thị Trâm, Lê Thị Đàn, Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định… Những tấm gương hy sinh oanh liệt hoặc mưu trí trong lúc cầm quân của họ muôn đời sau vẫn còn khiến mọi người khâm phục.
Tùy theo điều kiện, mỗi phụ nữ có cách chọn lựa khác nhau đặng cống hiến nhiều nhất tài năng của mình cho đất nước, cho cộng đồng. Nếu bà Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Bảy… trực tiếp tham gia Nam kỳ khởi nghĩa thì bà Cao Thị Khanh, bà Đạm Phương nữ sử… chiến đấu trên diễn đàn văn chương, báo chí; bà Năm Phỉ hoạt động lãnh vực sân khấu… Cho đến nay cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là điểm son chói lọi trong lịch sử nước nhà, nó đã chứng minh tấm lòng yêu nước của con dân dưới ách nô lệ quyết đòi quyền sống, dù phải hy sinh tính mạng… Trong tập sách này chúng tôi cũng đề cập đến những phụ nữ tiêu biểu khác như mẹ Suốt, tên gọi thân thương dành cho bà mẹ có cái tên bình dị là Nguyễn Thị Suốt, quê ở Quảng Bình, đã chèo đò đưa bộ đội qua sông dưới bom đạn Mỹ mà không run sợ. Sự đóng góp của mẹ đã được Quốc hội nước ta tuyên dương Anh hùng. Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến thần kỳ vừa qua, mỗi người Việt Nam yêu nước, từ nhiều góc độ khác nhau đã có những cách đóng góp riêng. Với suy nghĩ đó, chúng tôi còn đề cập đến Ni trưởng Huỳnh Liên; hoặc một nữ sinh Sài Gòn chọn cái chết là tự thiêu để phản đối chiến tranh phi nghĩa, đánh thức lương tri yêu chuộng hòa bình của loài người. Đó là chị Phan Thị Mai mà hiện nay bút hiệu của chị được đặt tên đường: Nhất Chi Mai.
Chúng tôi cũng không quên những bậc nữ lưu nổi tiếng trong các lĩnh vực khác. Đó là thiền sư Diệu Nhân ở thế kỷ XI, với bài kệ nổi tiếng để lại cho đời sau, được giới nghiên cứu văn học nước nhà xếp vào các nữ tác gia tiêu biểu của đời Lý. Hoàng thái hậu Ỷ Lan, người được nhân dân đồng hóa với nhân vật cô Tấm trong cổ tích và cũng là người giúp vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông trong việc trị nước. Bà Nguyễn Thị Duệ uyên bác đời nhà Mạc - một người phụ nữ đầu tiên thi đậu Tiến sĩ trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Cho dù trong xã hội thời trước người phụ nữ không có cơ hội lều chõng để đem tài năng ra giúp nước, nhưng bà đã giả trai để ra thi thố với các đấng mày râu đương thời!
Ta còn có thể kể đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - một trong những người đã có công dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm từ chữ Hán ra chữ Nôm. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với những bài thơ sử dụng ngôn ngữ dân tộc đạt đến đỉnh cao, nhà thơ Xuân Diệu và người đời sau ca ngợi là “Bà chúa thơ Nôm”. Bà Huyện Thanh Quan - nữ sĩ tài hoa với những áng thơ trang nhã, điêu luyện mà nhiều thế hệ sau vẫn còn thuộc nằm lòng. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - con gái của cụ Đồ Chiểu, người phụ nữ tiết hạnh đã đứng ra làm tờ báo Nữ giới chung đầu tiên dành cho nữ giới. Cũng tronmg giai đoạn này, ta còn có thể kể đến bà Bang Nhãn một nữ sĩ tiêu biểu của đất Quảng Nam ở giữa thế kỷ XIX mà lâu nay do thiếu tài liệu nên chưa nhiều người biết đến. Tất nhiên chúng tôi không thể không đề cập đến vai trò của bà Từ Dũ- người mẹ đã nghiêm khắc lấy lòng nhân dạy con nên người - dù người con ấy là vua Tự Đức mà lịch sử còn phán xét, nhưng đức độ của bà rất tiêu biểu cho hình ảnh các bà mẹ Việt Nam trong phép dạy con. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà bệnh viện sản phụ lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh đã đặt tên của bà như một sự nhắc nhở cho các bà mẹ tương lai trong ý thức giáo dục con sau này.
Thật đáng kính phục cho tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam, có người dù không phải là bậc nữ sĩ có nhiều áng văn bất hủ trong văn học sử, hoặc là người cầm quân thao lược đánh đông dẹp bắc, nhưng đời sau vẫn nhớ mãi vì đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng về việc làm từ thiện. Người đó là bà Cả Mọc và bà cũng là người đầu tiên thành lập Hội Tế Sinh nuôi dưỡng trẻ em ở Hà Nội mà trong tác phẩm của mình nhà văn Vũ Trọng Phụng đã ca ngợi bà với tất cả sự ngưỡng mộ v.v…
Xin được nhắc lại, Các vị nữ danh nhân Việt Nam là tập sách sách thuộc bộ KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn. Đến nay, theo yêu cầu của độc giả, NXB Trẻ đã xuất bản các tập Danh nhân khoa học, Danh nhân quân sự, Các vị tổ ngành nghề, Danh nhân sư phạm, Các vị nữ danh nhân, Những nhà cải cách, Danh nhân cách mạng, Những người Việt Nam đi tiên phong, Danh nhân văn hóa. Điều này cho thấy bạn đọc trẻ ngày nay vẫn quan tâm đến nhân vật và sự kiện của lịch sử nước nhà. Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc - nhất là các bạn thanh thiếu niên - chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để bộ sách này ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin quý độc giả ghi nhận nơi đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
***
Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam gồm có:
Mời các bạn đón đọc Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam: Các Vị Nữ Danh Nhân Việt Namcủa tác giả Lê Minh Quốc.