“Một là không có bối cảnh, hai là không có tiền, ba là không có mối quan hệ, chỉ có thể trông cậy vào chính mình”. Nếu bạn đã từng có ý nghĩ như vậy, thì một cuốn sách như “Tôi thích bản thân nỗ lực hơn” chính là tiếng lòng dành cho bạn.
Bạn có từng bị ngăn cấm, bị coi là gàn dở khi từ bỏ một công việc “ ổn định, nhàn hạ” để theo đuổi thứ gọi là “đam mê” mà bạn chấp nhận đánh đổi bằng bất cứ giá nào? Thất bại ư? Nhưng nếu bạn thực sự thành công như tác giả của cuốn sách này
Liệu mẹ bạn sẽ nói “Trước đây mẹ cũng thấy con ngốc, không ngờ người ngốc cũng có phúc của người ngốc, số mạng cũng không tệ…”
“Mẹ à, chớ tin vào số mạng, phải tin vào chính mình!
Tôi vẫn luôn tin rằng con người mới là Đấng Cứu Thế của mình. Khi gặp khó khăn hay bế tắc, cầu xin thế lực bên ngoài giúp đỡ, dù là số mạng hay thần linh cũng thế, cũng chỉ vô ích và nực cười mà thôi. Người có thể tạo ra sự thay đổi không phải ai khác mà là chính bạn. Bạn chỉ cần cúi xuống nói với sự yếu đuối của chính mình: “Đứng dậy đi!” Khi bạn đứng dậy rồi sẽ thấy được đường đi.”
Trong xã hội này, chúng ta dễ dàng nghe được những câu nói về sự buông thả, lười biếng, vô kỷ luật được tô vẽ thật đẹp để an ủi chính mình.
Chúng ta sẽ nói, buông thả bản thân chính là đối xử tốt với chính mình.
Chúng ta sẽ nói, làm gì cũng phải cẩn thận từng li từng tí thật sự quá bức bối, quá thất bại…
Thật ra không hề.
Đừng tin vào những thứ hễ đưa tay ra là có được, nhanh chóng, xuất phát từ bản năng, tùy hứng, không rõ ràng. Hãy tin vào sự từ tốn, bình thản, sức mạnh tích tiểu thành đại, thiết thực, bình tĩnh.
Đầu thai, chúng ta không có sự lựa chọn.
Đây là số phận không thể khống chế.
Nhưng có một cuộc sống như thế nào, chúng ta có thể tạo ra.
Đây là vận mệnh có thể khống chế.
Cha mẹ không thể cho bạn tất cả, nhưng bạn có thể cho mình mọi thứ mình muốn. Giống như một cơn gió, ảnh hưởng đến một cơn gió khác; Một đợt sóng, ảnh hưởng đến một đợt sóng khác; Một người chán ghét chính mình, tất nhiên sẽ chứa đầy bất mãn với thế giới nhưng nếu bạn chọn sống một cuộc đời “thú vị” thì hãy nỗ lực hơn bạn của ngày hôm qua!
Cuốn sách là lời nhắn gửi của một tác giả Chu Xung đến các bạn trẻ đang loay hoay trên đường đời rằng: Đằng nào cũng “mất công sống một lần”, hãy sống sao cho xứng đáng với tuổi trẻ của chính mình!
***
Phụ nữ càng tự biết kiểm soát, mức sống sẽ càng cao.
------
Dương Lệ Bình từng được phỏng vấn trong phòng tập của cô, có một người hỏi cô rằng: 'Chị gầy như thế, mỗi ngày phải ăn bao nhiêu?'
Cô mở hộp cơm của mình ra: một lát nhỏ thịt bò, nửa trái táo, một quả trứng gà. Đây chính là bữa trưa của cô ấy. Hơn nữa, đây còn là bữa ăn dùng trong giai đoạn tập múa liên tục ở cường độ cao.
Khi nhìn thấy bữa ăn của cô ấy, tôi tin rằng ai cũng sẽ cảm thấy mình không khác gì một con trâu.
Một ngày từ sáng đến tối, chỉ cần ngồi yên một chỗ thôi chúng ta cũng đã nuốt vào hàng đống thực phẩm dầu mỡ giàu calo, không thể kiểm soát, hệt như một kẻ háu ăn, dẫn đến béo phì, mệt mỏi, rồi cứ trượt dốc không phanh, ngày càng xa rời trạng thái nhanh nhẹn nhẹ nhàng.
Phóng viên hỏi tiếp: 'Cô có đói không?'
Cô đáp: 'Thế này đã đủ năng lượng rồi. Anh thấy đấy, chẳng phải tôi vẫn nhảy múa đàng hoàng, chưa từng gục ngã trên sân khấu đó sao.'
Xem đến đây, có một từ đột nhiên nảy lên trong đầu tôi: tự kiểm soát. Nhờ vào cách phân tích của lí trí, cô ấy đã đem ý thức tự kiểm soát của mình hoà trong mạch máu, trở thành một chiếc điều khiển từ xa, như một loại trình tự tâm lý, hễ đến giờ ăn sẽ tự động làm theo. Bất kì ai có thể tự kiểm soát như thế sẽ không có mức sống quá thấp. Thế nên Dương Lệ Bình tuy đã 58 tuổi nhưng vẫn xinh đẹp và có khí chất như một tâm hồn tươi trẻ thoát tục, có không ít người nếu đem ra so sánh với cô ấy thì đã phủ lên mình một lớp tục khí khá dày.
Hơn 40 năm trước, giáo sư tâm lí học Walter Mischel đã làm một thí nghiệm kẹo bông rất nổi tiếng.
Ông tìm hàng trăm đứa trẻ 4 tuổi, để chúng đợi ông trong một căn phòng có một viên kẹo bông hoặc bánh quy trên bàn. Ông nói với chúng: ông sẽ ra ngoài một lúc, bánh kẹo trên bàn có thể ăn, nhưng nếu đợi được đến khi ông quay lại mới ăn thì sẽ thưởng gấp đôi.
Sau khi giáo sư ra ngoài, một vài đứa bé đợi chưa đến một phút đã ăn mất bánh kẹo, một số khác lại có thể đợi được hai mươi phút và nhận phần thưởng gấp đôi.
Điểm thú vị của thí nghiệm này chính là ở biểu hiện của đứa trẻ sau khi chúng trưởng thành.
Năm 1981, 653 bé từng tham gia thí nghiệm kẹo bông đều đã lên cấp ba, Walter Mischel đưa phiếu khảo sát cho cha mẹ và thầy cô của chúng.
Kết quả cho thấy, dù ở trường học hay ở nhà, thì những bé không chờ đợi được phần lớn đều có nhiều vấn đề về hành vi. Thành tích thi SAT (kiểm tra đánh giá năng lực) của chúng khá kém, không giỏi ứng phó môi trường áp lực, thiếu tập trung, khó kết giao bạn bè. So với những bé chỉ đợi được ba mươi giây thì những bé đợi được hai mươi phút có điểm số thi SAT bình quân đạt hơn 210 điểm.
Thí nghiệm vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Sau khi đám trẻ trưởng thành, chúng bắt đầu xuất hiện những biểu hiện khác nhau rõ rệt. Những đứa trẻ không giỏi chờ đợi sẽ sa vào con đường nghiện ngập. Còn những đứa trẻ chờ đợi được thường có thành tựu lớn, gia đình êm ấm hơn.
Qua tuổi 30 tôi mới dần hiểu được tính quan trọng của việc tự kiểm soát bản thân.
Tôi cũng từng nghĩ con người nên giữ một cách nhìn thoải mái về cuộc sống, muốn ăn thì ăn, muốn uống thì uống, dẫu sao đời người ngắn ngủi, vui vẻ tùy thích mới không uổng phí. Nhưng khi lớn dần, tôi mới nhận ra suy nghĩ này không đúng.
Trong cuốn 'Sức mạnh của ý chí: Tâm lý học về sự tập trung, tự kiểm soát và hiệu suất' có một đoạn viết thế này:
'Cốt lõi của những vấn đề cá nhân và xã hội nằm ở chỗ thiếu khả năng tự kiểm soát: không tự làm chủ được mà tiêu tiền vay tiền, đánh người trong lúc kích động, thành tích học tập kém, làm việc chậm chạp rề rà, rượu chè nghiện ngập, ăn uống không lành mạnh, ít vận động, thường xuyên lo âu, tính tình nóng nảy…'
Thiếu khả năng tự kiểm soát sẽ dẫn đến hàng loạt bi kịch trong cuộc sống: cơ thể biến dạng, đau khổ bệnh tật, đánh mất bạn bè, bị sa thải, ly hôn, vướng vào lao tù…
Chẳng hạn, một người luôn ăn uống thả ga thì hiện tại có thể rất mập; một cô gái từ sáng đến tối chỉ muốn chơi bời, bữa nhậu nhẹt tụ tập nào cũng góp mặt, quán bar hay karaoke nào cũng từng đến, cứ nghĩ bản thân phóng khoáng quyến rũ lắm, nhưng không hay biết mỗi khi người khác nhắc đến cô ấy đa số đều tỏ ý khinh thường, chẳng mấy ai xem trọng; một người cuồng mua sắm, hễ thấy giảm giá là mua sắm điên cuồng, có thể đến bây giờ vẫn lôi thôi lếch thếch, không biếng, vô kỷ luật được tô vẽ thật đẹp để an ủi mình.
Chúng ta sẽ nói, buông thả bản thân cũng là cách đối xử tốt với chính mình.
Chúng ta sẽ nói, làm gì cũng phải cẩn thận từng li từng tí thật sự quá bức bối, quá thất bại…
Thật ra không phải như vậy. Cho dù là trong học tập, công việc, hay trong cuộc sống cá nhân, tự kiểm soát chính là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Có một nghiên cứu tâm lý học điều tra những nhân tố ảnh hưởng đến thành tích học tập của các sinh viên đại học.
Đầu tiên, người làm thí nghiệm liệt kê hết những phẩm chất có thể dùng được ra, có hơn 30 phẩm chất được liệt kê như tích cực, cởi mở, vui tính, nghiêm túc, cẩn thận, hoạt ngôn, hướng nội, thích đọc sách… Sau đó, họ tìm hàng trăm sinh viên để tiến hành thử nghiệm. Cuối cùng, họ phát hiện ra những phẩm chất này không hề ảnh hưởng trực tiếp gì đến thành tích học tập. Điểm duy nhất có thể ảnh hưởng đến thành tích là khả năng tự kiểm soát. Thậm chí sức ảnh hưởng của nó còn cao hơn cả chỉ số IQ.
Có thể kiểm soát chính mình, khi nên học bài thì học bài, khi cần nghe giảng thì nghe giảng, khi phải làm bài tập thì làm bài tập, cứ thế người đó rất có khả năng sẽ đạt được thành tích hơn người.
Trong đời sống cũng thế.
Người có khả năng tự kiểm soát mạnh thường ít mắc bệnh tâm lý, hiệu suất làm việc cao, phần lớn có lòng đồng cảm, được người khác tin tưởng và dễ thành công hơn.
Vì thế, ở phần đầu cuốn 'Sức mạnh của ý chí: Tâm lý học về sự tập trung, tự kiểm soát và hiệu suất', Roy Baumeister đã viết thế này:
'Dù bạn định nghĩa thành công thế nào đi nữa: gia đình êm ấm, có được tri kỷ, cuộc sống giàu sang, đảm bảo kinh tế, làm việc mình thích, tâm hồn khỏe mạnh, nội tâm phong phú… Tất cả đều cần chuẩn bị sẵn vài phẩm chất cho mình.'
Khi các nhà tâm lý học đi tìm các phẩm chất ấy, họ đều phát hiện: Khả năng tự kiểm soát mới là phẩm chất quan trọng nhất trong số chúng.
Tất nhiên, lực chọn cách sống thế nào là việc của mỗi cá nhân.
Bất cứ một ai có ý chí, có thú vui, có phẩm chất đều muốn hướng đến điều tốt hơn, cố gắng thoát khỏi sự kém cỏi của chính mình để có được cuộc sống chân thiện mỹ. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể cảm thán: Được sinh ra làm người thật tốt biết bao!
Vậy, phải như thế nào mới có thể làm được điều đó!
Kant từng nói, khả năng tự kiểm soát khiến chúng ta khác với mọi người. Tự kiểm soát giúp chúng ta có mức sống cao hơn, cũng giúp chúng ta có một cuộc sống tự do hơn. Ông đã suy luận thế này: Giả sử chúng ta giống các loài động vật, đi theo ham muốn của bản thân, né tránh khổ đau, khi đó chúng ta hoàn toàn không phải đang hành động một cách tự do thật sự. Vì sao không phải? Vì chúng ta đã trở thành một tên nô lệ cho ham muốn và sự kích động. Không phải chúng ta đang lựa chọn, mà chúng ta đang phụ tùng.
Nhưng, sở dĩ con người là người, vì con người không phải do ham muốn mà là do chính mình làm chủ. Chỉ khi chính mình làm chủ mới thật sự có được tự do.
Mấy hôm trước tôi đọc được một bài đăng rất hay của một người bạn.
Bài viết như sau:
'Tôi không có lòng tin đối với những thứ hễ đưa tay ra là có được, những thứ cấp tốc, tùy hứng, không rõ ràng, xuất phát từ bản năng. Tôi tin vào sự từ tốn, bình thản, thiết thực, bình tĩnh, vào sức mạnh tích tiểu thành đại.
Tôi không tin rằng thiếu tinh thần tự giác, không tự mình bồi đắp, không nỗ lực lại có thể giải phóng được một cá nhân hay tập thể nào. Khi bạn rút gươm chĩa về tứ phía đầy vẻ hoang mang, bạn sẽ bị vây hãm trong hoang mang của cuộc sống trong lồng giam của hiện thực, không biết đi đâu về đâu.
Xin hãy ghi nhớ, con đường duy nhất để tìm đến tự do chính là: Dùng cách tự kiểm soát để tránh khỏi rắc rối, để thoát khỏi xiềng xích, tập trung tinh thần, dốc toàn lực để tiến về nơi mà bạn muốn đến.
Dù có thể dùng cách này thì đến hết cuộc đời bạn cũng không thể đến được Utopia trong mơ ước, nhưng dọc đường đi chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều niềm vui, rất nhiều hạnh phúc, gặp được chốn đào nguyên của mình, đến được vùng đất lí tưởng của lí chí. Ở trong thế giới đại đồng ấy, bạn sẽ lại yêu thương chính mình, sẽ nắm tay hòa thuận với người khác, đồng thời nói với thế giới rằng: 'Tôi được sống, tôi được yêu thương, tôi không hối tiếc!'
Mời các bạn đón đọc Tôi Thích Bản Thân Nỗ Lực Hơn của tác giả Chu Xung.