Cuộc thử thách trí tuệ là một tập truyện tưởng tượng khoa học dịch của nhiều nước, trong đó có Liên Xô, Mỹ, Ba Lan … là những nước rất phát triển thể loại này.
Nội dung của tập sách khá đa dạng, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Nếu như truyện “Con ngỗng đẻ trứng vàng” có thể coi là một giả thuyết khoa học độc đáo, táo bạo, thì các truyện “Thần dược Cơpphin”, “Cuộc đuổi bắt ban đêm” lại là lời cảnh báo đối với cá phát minh khoa học đẻ non, dẫn đến những hậu quả tai hại; nếu các truyện “Sợi râu của Môhamet”, “Cuộc thử thách trí tuệ” đề cấp tới khả năng tồn tại của những nền văn minh khác ngoài Trái Đất, thì các truyện “Một cuộc thí nghiệm”, “Mối tình ngoài thời gian” lại trở về những đề tài muôn thuở là tình yêu và lẽ sống ở đời; nếu ở truyện “Vụ giết người bằng tinh thể”, tri thức khoa học là phương tiện để tìm ra chân lý, thì ở truyện “Lời giải”, phẩm chất của nhà khoa học lại là yếu tố được nhấn mạnh… Những truyện trên có thể khác nhau về chủ đề, phong cách tác giả, nhưng tựu trung lại đều là những bài học bổ ích về phương pháp tư duy lôgic, khoa học trong các vấn đề đặt ra.
Tuy vậy, đây chưa phải là một tập tuyển với đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt của nó, mà chỉ là một tập hợp các truyện được chọn dịch ít nhiều mang tính ngẫu nhiên. Trong quá trình làm, chắc chắn tập sách không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Mong bạn đọc lượng thứ và cho ý kiến giúp đỡ.
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
Nguồn sách, chụp ảnh: 4DHN
Xử lý file pdf: @putin503
***
Không thể quay ngược kim đồng hồ, sống trong thời gian đã trôi qua trước khi chúng ta được sinh ra. Quá khứ đối với chúng ta là không thể nào đảo ngược được.
Tuy vậy tôi đã có dịp đến thăm thời kỳ xa xưa và sống trên Trái Đất hàng trăm nghìn năm trước. Đó là tôi và cũng không phải là tôi.
Tôi đã nhìn thấy tất cả bằng chính “mắt mình”, mặc dù đó là mắt của một người khác không quen biết.
Một người ư? Liệu có thể gọi đó là người được không?
Có một lần, Strashimir Lozev đến thăm tôi. Trước đây, lúc ở trường trung học chúng tôi là bạn thân với nhau. Rồi cuộc sống đã chia lìa hai đứa. Mãi sau này ngẫu nhiên gặp lại nhau trên đường phố, chúng tôi quyết định nhất thiết phải đến thăm nhau để hồi tưởng lại “cái thời xưa ấy”.
Sau những câu đùa thân mật theo thông lệ, Lozev lấy từ trong túi áo ra một chiếc lọ con và đặt nó lên bàn.
– Cậu hãy nhìn kỹ cái vật này và nói cho mình biết nó được làm từ chất liệu gì và dùng để làm gì? Mình muốn biết ý kiến cậu.
Thoạt đầu tôi nhìn anh bạn tôi rồi đến đồ vật. Đó là một ống trụ nhỏ trong suốt. Phía trong hiện rõ một cái lõi mảnh trăng trắng. Hình như chiếc lọ có vẻ rất nặng so với kích thước của nó. Tôi lật đi lật lại chiếc lọ trên tay, đoạn hỏi:
– Cậu lấy nó ở đâu ra thế?
– Hượm đã, đừng vội – Lozev cầm lấy chiếc lọ, mở ra với vẻ thành thạo và đưa cho tôi cái lõi. – Xem này, đây mới là cái quan trọng nhất.
Một sợi dây trắng quấn quanh cái lõi mảnh. Tôi tìm thấy đầu sợi dây và bắt đầu gỡ ra. Mềm, dễ uốn giống như một sợi dây thép mảnh, nó nặng một cách lạ lùng.
Lozev bật diêm, đốt một đầu sợi dây. Rồi cậu ta đề nghị tôi cũng làm như vậy. Sợi dây không những không cháy mà vẫn còn lạnh nguyên, thậm chí không hề bị đen đi. Tiếp đến Lozev bắt tôi tìm dao và đề nghị tôi cắt lấy một mẩu. Nhưng cố gắng của tôi chỉ vô ích: sợi dây uốn mình, trượt ra. Tôi cố gắng hết sức nhưng chỉ làm đứt ngón tay.
– Nào, cậu nói gì nào? – anh bạn tôi hỏi.
– Giống như một sợi tơ gì đó mặc dầu mình chưa bao giờ thấy một cái gì tương tự. Ống trụ và lõi như làm bằng thủy tinh, nhưng rất nặng, còn sợi dây… Mình không thể xác định được nó làm bằng vật liệu gì. Có thể đó là một loại chất dẻo mới có tính chất đặc biệt chăng?…
– Không, – Lozev phản đối một cách tin chắc, – nó không phải là chất dẻo.
– Thế thì mình chịu. Cậu nói xem nào.
– Được, mình sẽ nói. Đó là sợi râu của Mohammed*.
Mohammed: nhà tiên tri, sáng lập ra đạo Hồi – ND.
– Sợi râu nào? Mohammed nào?
– Đây là sợi râu của nhà tiên tri Mohammed.
Đoạn Lozev kể cho tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ.
Bác của Lozev là đại úy Proinov, chỉ huy một đại đội trong thời kỳ chiến tranh ở vùng Balkan, đã lấy sợi râu này từ nhà thờ đạo Hồi trong thành phố nhỏ Keshan vào mùa thu năm 1912. Sợi râu đó đã làm nổi danh thành phố này trong toàn đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tương truyền nó có đặc tính rất kỳ diệu: tự mọc, tự cuốn quanh cái lõi và chứa đựng một kho tàng thông thái lớn ngang tất cả các nhà thông thái trên Trái Đất cộng lại. Viên đại úy không giữ chiến lợi phẩm đó bên mình: làm sao mà lường được cái gì sẽ xảy ra trong chiến tranh. Bởi vậy, ông gửi chiếc lọ con có sợi tóc cho chị ông là mẹ bạn mình. Chẳng bao lâu sau đại úy Proinov chết trận. Bà chị ông không đưa cho ai xem chiếc lọ, hình như bà sợ. Chỉ sau khi bà chết nó mới đến tay bạn mình.
Lozev lặng im và cẩn thận cuốn sợi tóc vào cái lõi.
– Mình hy vọng, – tôi lên tiếng, – cậu cũng chẳng cần thiết phải chứng minh, nó không thể là sợi râu.
– Đấy chỉ là lai lịch của nó. Bây giờ hãy nghe mình nói tại sao mình lại tìm đến cậu. Mình muốn cậu giữ lấy chiếc lọ kỳ lạ này. Không, đây hoàn toàn không phải là sự mê tín. Đơn giản là mình muốn đề nghị cậu nghiên cứu nó trong phòng thí nghiệm.
Quả thực, chính tôi cũng muốn đề nghị với anh bạn tôi điều đó: tôi rất muốn hiểu rõ sợi dây bí ẩn này. Lúc đầu tôi sẽ không hé răng nói nửa lời với các bạn đồng nghiệp của tôi ở Viện hóa kỹ thuật (mà tôi là phụ giảng bộ môn điện hóa ở đó), bởi vì việc nghiên cứu sợi râu của Mohammed, chỉ có thể làm cho mọi người cười nhạo mà thôi.
Trước hết, tôi muốn cắt lấy một mẩu của sợi dây bí ẩn đó. Nhưng thất bại hoàn toàn. Tôi dùng kéo, sau đến rìu, và kết thúc bằng chiếc máy lớn dùng để thử sức chịu kéo của vật liệu. Sợi dây dày gần 0,07mm (vừa bằng chiều dày của một sợi tóc) chịu được một tải trọng khổng lồ – năm tấn. Nó không đứt mà chỉ bị trượt ra khỏi trục gá. Tôi tiến hành vô số những phương thức nghiên cứu khác nhau đối với sợi dây. Nó không bị đứt, không chịu tác động của bất kỳ hoạt chất hóa học nào, không bị nóng chảy dưới ngọn lửa đèn khí, không dẫn điện, không nhiễm từ, không… và không… Tóm lại, trong tay tôi là một vật được cấu tạo từ một chất mà khoa học chưa biết đến. Nhưng đó là cái gì? Làm bằng chất liệu nào?
Đúng như dự đoán, khi tôi thông báo với ban lãnh đạo Viện về “sợi râu của Mohammed”, họ đã không tin. Tôi đề nghị họ làm lại các thí nghiệm của tôi. Kết quả đúng như đã xảy ra. Có lẽ sự việc kết thúc ở đó, nếu tôi không có dịp được sang Liên Xô. Tôi quyết định chia xẻ những băn khoăn của mình với các đồng nghiệp Xô viết.
Sau khi tới Moskva tôi chuyển chiếc lọ đến phòng thí nghiệm của một viện nghiên cứu và kể tất cả mọi điều tôi biết về nó. Sau hai tuần người ta gọi điện thoại cho tôi và báo rằng viện trưởng muốn gặp tôi. Ông là một nhà bác học có tên tuổi trên thế giới. Tất nhiên, tôi vội vã đến gặp ông:
Mời các bạn đón đọc Cuộc Thử Thách Trí Tuệ của tác giả Nhiều Tác Giả.