“Hai làng Tả Phình và Động Hía” kể về tình bạn của một cậu bé người Mán và một cậu bé người Mèo ở vùng cao Tây Bắc vào những năm 1950. Hai làng có mối hiềm khích không sao hóa giải, nhưng tình bạn trong sáng của tuổi thơ đã kết nối tình thân giữa các gia đình, dân tộc anh em trong những năm tháng kháng chiến.
Đây là tác phẩm nổi tiếng một thời được nhà văn Bắc Thôn viết trước ngày lên đường ra mặt trận. Đây cũng là tặng vật gửi tặng bạn độc nhỏ tuổi của người chiến sĩ – liệt sĩ, với ước muốn các em thêm hiểu, thêm yêu đất nước, quê hương.
***
Hôm nay, tôi kể cho các bạn thân mến câu chuyện Tà Pình và Động Hía. Trước khi vào chuyện, tốt hơn hết là tôi kể ngay cho các bạn một đoạn cần thiết của câu chuyện.
Trên các miền rừng núi, người Mèo và người Mán thường ở rất cao. Mãi tận đỉnh núi hay mãi tít mây xanh cũng được. Người ta gọi đó là những rẻo cao hẻo lánh của Tổ quốc chúng ta.
Hồi nước ta chưa độc lập, giặc Pháp còn cai trị, nhân dân các bản ít giao thiệp với nhau. Phần vì đường xa lắm dốc, phần vì cũng chẳng có chợ búa, phố phường gì mà buôn bán, trao đổi. Người Mèo với người Mèo đã như vậy. Người Mèo và người Mán lại càng xa nhau hơn nữa. Thường có những chuyện thù hằn hàng mấy đời để lại. Có khi làm lễ ăn thề cúng ma rừng ma núi mà nguyền rủa lẫn nhau.
Tà Pình và Động Hía cũng như vậy. Hai làng cách nhau nào có bao xa. Chỉ bốn khoảnh đồi cỏ là đến. Một con ngựa của người Tà Pình thả ra ăn cỏ thuận chân hoặc chú ngựa mải ăn một tí, chỉ một tí thôi là nhảng vó sang đất Động Hía của người Mán.
Làng Mèo Tà Pình và làng Mán Động Hía cũng giống như các làng Mèo làng Mán khác, thường có những người cầm đầu. Người cầm đầu làng Mèo gọi là thống lý. Người cầm đầu động Mán thường là dòng họ Lý, họ Triệu, làm vua các người Mán khắp nơi.
Trước khi xảy ra câu chuyện tôi sắp kể vào khoảng hai ba đời gì đó, có một con ngựa của nhà thống lý họ Hoàng. Con ngựa này đẹp thật. Trước kia nó không phải là giống ngựa nhà thống lý họ Hoàng. Nó là của một gia đình họ Vừ. Anh ta có con ngựa đẹp nhưng lại không phải là thống lý nên khó giữ ngựa ở trong nhà. Một hôm, ngựa của anh đi qua nhà thống lý họ Hoàng. Thống lý họ Hoàng đang đứng phanh bụng ở trước cửa. Chòm tóc của lão ta đã bạc nhưng người còn rất khoẻ. Lão ta đứng chống háng, ngậm cái tẩu thuốc bào dài dằng dặc, vừa hút thuốc vừa nheo mắt nhìn con ngựa. Thế là ngày mai, lão ta cho người sang “xin”. Anh họ Vừ bụng tiếc của nhưng miệng vẫn phải cười, dắt ngựa sang nhà thống lý họ Hoàng. Lão gật gật gù gù làm ra chiều đon đả, vui mừng. Thống lý trả cho chén tống muối đem về.
Từ đó thống lý rất chăm chuốt con ngựa. Chú ngựa tốt số sang nhà thống lý ngày một khoẻ đẹp. Lông hồng mượt như nhung. Thống lý quý con ngựa như vàng.
Một hôm con ngựa được thả ra ăn cỏ. Ngựa lững thững, vẫy đuôi. Đầu nó cúi xuống gặm cỏ soàn soạt. Dáng nó cũng đủng đỉnh như con nhà quan vậy. Ngựa ăn cỏ non ngon miệng đi quá cả gốc cây bứa làm ranh giới chia hai làng Tà Pình và Động Hía. Ngựa đạp bừa, nhai nát nương dưa của vua Mán họ Lý ở Động Hía. Cũng là lúc mẹ vua Mán họ Lý đi thăm nương, thấy vậy đỏ mắt lên. Cái mặt nhăn nheo của người già dúm lại. Con mắt quắc lên như nảy lửa. Mẹ vua Mán rút con dao rừng đeo ở cạnh sườn, chém liền hai nhát vào đầu gối vó ngựa sau. Con ngựa co một chân lọc xọc chạy về tàu. Đầu nó gác lên một gióng gỗ nhưng chân không hạ xuống được nữa, máu chảy ròng ròng.
Con trai thống lý thấy ngựa bị người chém què, tiếc ngựa khóc lên hu hu. Hắn ta bảo vợ lấy cái nỏ và mũi tên thuốc độc, giắt lên mang tai lần theo vết máu ngựa mà tìm.
Lúc bấy giờ mẹ vua Mán chém con ngựa xong cũng chẳng buồn dọn lại dưa, quay về. Chẳng may có chị con gái nhà thường dân ở Động Hía đi hái chè trong rừng vừa tới nơi thì gặp con trai thống lý bên kia cây bứa. Con trai thống lý tì nỏ vào bụng, dán dây và bật tách một cái trúng ngay ngực chị con gái Mán. Chị ta nghiến răng vừa chạy về vừa rút mũi tên ra. Thuốc độc ngấm trong máu, chạy vào tim. Tới khe nước đầu động, chị uống một hụm, rồi cố chạy được tới động thì lảo đảo ngã gục xuống, tay còn nắm chặt mũi tên của người Mèo.
Thế là hai làng thù nhau từ đời này qua đời khác chỉ vì cái chuyện giữa nhà thống lý Mèo và nhà vua Mán mà thôi. Cây bứa lâu đời vẫn chưa đổ, giờ nó già cỗi cao chon von.
Cho tới năm 1948. Giặc Pháp chiếm dưới chân núi, bắn súng cối lên nương người Mán, nương người Mèo. Có lần liền mấy nương dưa của người Mán bị đạn phá tung lên hỏng cả. Nương thuốc phiện của người Mèo đẹp như những cánh đồng hoa cũng bị nát. Cả hai làng Tà Pình và Động Hía đều không thích thằng Pháp.
Mấy lần liền, cán bộ Cụ Hồ lên dạy người Mán đánh giặc giữ làng, tăng gia sản xuất. Thiếu niên Mán tổ chức thành một đội liên lạc. Cán bộ biết câu chuyện thù hằn giữa Tà Pình và Động Hía, đem ra giải thích, khuyên dân Mán nên đoàn kết với người Mèo. Người Mán mới đầu không nghe, sau dần dần cán bộ nói: Cụ Hồ bảo: Kinh, Thổ, Thái, Mán, Mèo, Mường là anh em một nhà. Câu chuyện thù hằn kia không tốt. Đáng lẽ là việc của hai nhà thống lý Mèo và vua Mán là chính, sao lại liên lụy đến dân hai làng.
Chồng nghe được cho là phải, về nói với vợ, vợ về nói với con cái. Thiếu niên nghe được cũng đem ra nói với nhau. Ai cũng khen cán bộ nói phải. Làng Mán đã muốn làm lành với làng Mèo, nhưng họ nhà vua Mán không bằng lòng. Người Mán có người nghĩ rằng: Nếu cán bộ vào được làng Mèo mà nói, thì người Mèo cũng hiểu được như người Mán.
Rồi sau đó, cán bộ từ làng Mán sang làng Mèo cũng làm như vậy. Nhưng thống lý dòng dõi họ Hoàng lắc đầu quầy quậy. Hắn hút cái tẩu thuốc lá dài, mắt lim dim, nói:
- Mán Động Hía mang cán bộ về, sau này cán bộ đem bộ đội lên bênh nó giết người Mèo ta đó.
Có lần hắn nói:
- Cán bộ khinh người Mèo, đến với người Mán trước.
Người ta bàn tán:
- Không biết ông thống lý nói có thật không?
Hắn nheo mắt, đập cái trôn chén xuống sàn.
- Bảo sao? Bảo sao?
Thế là mọi người lại im và quá tin lời thống lý, người Mèo lại đuổi cán bộ, chưa muốn làm lành với người Mán.
Câu chuyện tôi bắt đầu sau đây, các bạn ạ, nó vào giữa lúc đó. Và, đây mới thật là câu chuyện mà các bạn cần biết kỹ, nó mới là câu chuyên chính mà tôi kể cho các bạn nghe. Mời các bạn đến Tà Pình trước.
* * *
Buổi sáng. Mặt trời lên ửng đỏ trên các ngọn núi trước mặt. Nhưng ngọn đồi cỏ lau ngút đầu và con đường đá dăm đất đỏ còn ẩm sương sớm. Vừ A Sình tỉnh dậy. Cậu bé mở hai con mất ra đã nghe thấy tiếng xay ngô ù ù. Cậu nhảy tót ra ngoài cửa, lấy tay hứng vòi nước đắp lên mặt.
Bỗng nhiên một đàn chim từ mái nhà bay vù vù về phía Động Hía. Vừa bay vừa hót “Chà chích, chà chích”.
Sình khoanh tay trước ngực, đứng phưỡn cái bụng phệ trắng hếu ra nhìn. Sình nói một mình:
- Nhiều con chim. Sao nó không ở Tà Pình mà lại bay về phía Động Hía? Tao bắt được một con thì thích quá.
Nói một mình như vậy, cậu nâng vạt áo lên lau mặt. Nghĩ một lát, cậu vò chỏm tóc như một chiếc áo búp đa nằm trên đầu, chạy thụt ngay vào trong nhà.
Mẹ cậu đang xay ngô. Cái váy hàng trăm nếp của bà rung rinh. Bà thấy con đang xách cái lồng chim từ trên vách xuống. Đó là một cái lồng bẫy. Bên trong con chim mồi nhảy lách cách, lách cách. Bà hét lên cho to hơn tiếng cối xay:
- Mày đi chơi à, lại bắt con chim à?
Sình vừa sửa cái lồng vừa trả lời mẹ:
- Tôi đi bắt con chim chứ!
- Dề. Mày bắt chim, Tây nó lên mày chạy sao kịp, Sình à?
- Tôi chạy kịp chứ. Nó đến Mán Động Hía trước chứ.
- Ờ, mày đi cho gần cũng có con chim đấy. Mày đừng sang quá đất Tà Pình. Mán Động Hía nó giết chết đấy. Nó chém cho đấy.
Sình chưa nghe hết lời mẹ, cậu xách cái lồng chạy ton ton về phía có đàn chim bay.
Bà mẹ buông tay cối, lật đật ra cửa. Thấy con chạy về phía Động Hía, bà dang thẳng hai tay lên trời, cúi gập người xuống, chân giậm bành bạch, bà hét lên:
- Sang phía rừng ăn măng này này. Mày sang Mán nó chém chết.
Cậu bé nghe mẹ hét, lảng vảng, đi từ từ sang phía rừng măng. Bà mẹ thấy vậy mới yên tâm quay vào, lại xay ngô ù ù.
Cậu bé thấy mẹ vào rồi thì len lén, co chân lên thật cao, rón rén quay lại rồi ù té chạy về phía Động Hía. Bà mẹ cứ tưởng con đi về phía rừng ăn măng nên không nhìn ra nữa.
Sình chạy khuất một khoảnh đồi. Cậu yên trí đi từ từ. Miệng cậu chúm lại hót sáo theo tiếng chim. Con chim mồi trong lồng cành cạch nhảy hót theo. Đi được một quãng thì đã vắng tanh. Bờ cỏ lặng lẽ như một nơi bỏ hoang từ lâu đời. Con chim hú hò nào bỗng dưng kêu bạn giữa ban ngay làm cho cậu bắt đầu sợ. Cậu lẩm bẩm một mình:
- Thằng Mán nó chém tao thì tao chết à?
Tiếng chim trong lồng lại hót lên “chà chích, chà chích”. Tiếng chim trong vắt như khêu gợi làm cho cậu chúm mồm hót theo. Rồi cậu lẩm bẩm:
- Tao thấy nó thì tao chạy chứ. Con chim nó bay về phía ấy mà. Nó chỉ ở gần vườn chè của thằng Mán thôi.
Thế là Sình lại đi.
Cây bứa đã sờ sờ trước mắt. Cây bứa từ mấy đời trước là cái mốc ngăn cách hai láng Tà Pình và Động Hía bây giờ vẫn còn. Cậu bé dừng ngay lại, nhìn quanh. Mấy cây thâm thấp ngay cạnh đường là chỗ Sình có thể treo lồng chim được rồi. Cậu chuẩn bị lạt và buộc lồng chim lên một cành cây. Cậu mở ngăn bẫy ra, rồi thử mấy cái. Cửa lồng vẫn tốt. Cậu liền ngồi núp vào một bụi cây dại. Mồm hót sáo theo tiếng chim. Con chim mồi cũng hót theo. Mấy con chim nghe thấy tiếng hót, từ trên cành cao nhảy dần xuống thấp.
Trống ngực Sình đập thình thình. Nhưng lũ chim chẳng vào lồng cho. Chúng cứ nhảy loanh quanh.
Bỗng dưng “cách” một cái. Không phải lũ chim dại dột đã mắc cạm của Sình mà chính con chim mồi đã nhoi ra từ lúc nào. Sợi dây buộc chân làm vướng cánh nên nó chỉ nhảy chứ không bay được.
Con chim nhảy xuống mặt đường, cố vươn cánh lên mà bay. Cái chân nó chỉ bổng lên chút ít rồi lại sà xuống.
Cậu bé Mèo hoảng hốt. Từ trong bụi cây, cậu nhảy xổ ra đuổi con chim. Mấy lần cậu lao cả thân cậu xuống bờ cỏ mà đuổi nhưng con chim chưa bị nắm trong tay cậu. Nó vẫn loạng choạng chưa cất nổi cánh. Cậu vừa đuổi vừa vồ, vừa nói một mình:
- Mày bay à, tao bắt mày, tao bắt được mày.
Con chim thoắt chốc bỗng lao sang bên kia cây bứa. Thôi thế là đất Động Hía rồi. Sình bỗng dưng thừ người ra. Cậu xoa xoa cái bụng: “Tao sang bắt chim à? Thằng Mán nó chém tao chết. Tao mất chim thì tao tiếc lắm.”
Sình định bước bạo sang. Nhưng rồi cậu không dám: Con chim bay loạng choạng vài khúc nhỏ, rồi nằm nép mình trong một bụi cây.
Mời các bạn đón đọc Hai làng Tà Pình và Động Hía của tác gải Bắc Thôn.