Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thế Giới Ngầm Của Ripley

“Trong thế giới giả tạo này, chỉ có người thực dụng như Tom sống sót, và anh ta là người duy nhất nhận ra rằng chẳng có sự khác biệt đáng kể nào giữa cái thật và cái trông giống thật.”

Nhân vật phản anh hùng được yêu thích nhất của Patricia Highsmith đã trở lại!

Sáu năm sau vụ Dickie Greenleaf, Tom Ripley tận hưởng cuộc sống đáng mơ ước cùng cô vợ giàu có ở Pháp. Anh cố tránh xa mọi rắc rối để bảo vệ danh tiếng đã bị tổn hại của mình. Nhưng rắc rối vẫn liên tục bám theo Tom.

Một người đột nhiên mất tích và nơi cuối cùng người ta nhìn thấy ông ta là nhà Tom. Cảnh sát nghi ngờ Tom khi những người xung quanh anh lần lượt biến mất hoặc bị giết một cách bí ẩn.

Top Ripley liệu có thể vượt qua được thử thách lần này đến từ giới chấp pháp…và cả thần Chết?

***

Review Thế Giới Ngầm Của Ripley - Patricia Highsmith
Phải chăng, cách duy nhất để che giấu một tội ác là một tội ác?
Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn buộc phải gây ra một vụ giết người để che giấu một vụ lừa đảo, để rồi tiếp tục phải gây ra nhiều vụ giết người theo những cách thức "cồng kềnh" khác để che giấu vụ giết người vừa diễn ra?
Tội ác diễn ra trong ngắn ngủi, nhưng hậu quả của nó ám ảnh người thủ ác đến suốt cuộc đời, cả sự dằn vặt của lương tâm, của cả những manh mối sẽ bất chợt kết liễu cuộc sống hiện tại, của cả những cặp mắt "đầy hàm ý" của những kẻ xung quanh như đang chực chờ lật tẩy…
Đã từ khá lâu rồi, mình mới đọc trinh thám với sự say mê thèm khát những diễn biến tiếp theo như thế.
Cũng đã từ khá lâu rồi, mình mới đứng về phe phản diện để lo lắng cho cho những sai lầm mà nhân vật chính có thể diễn ra bất chợt chấm dứt chuỗi những diễn xuất bậc thầy của tên tội phạm.
Mình đã cố gắng đọc thật chậm, nhiều đoạn mạch suy nghĩ của mình phấn khích đến mức phải dừng lại để tận hưởng cái cảm giác mà cuốn sách đem lại, đi đi lại lại để cho cảm giác phấn khích ấy dần tiêu đi rồi tiếp tục đọc tiếp những trang tiếp theo.
Một cuốn trinh thám nên đọc, dù đầy những sơ hở mà bất kỳ fan trinh thám nào cũng sẵn sàng đáp đá, nhưng hấp dẫn và có hồn.
Sai lầm lớn nhất của mình là có được cuốn sách này, bởi vì đọc xong nó mình đã móc ngay hầu bao để mua tập 1 dù gần như có thể đọc cuốn sách một cách độc lập…
Tất cả tại bà tác giả - Patricia Highsmith viết quá hay. ????
_Nguyễn Linh_

***

Tác phẩm đã được đề cử cho Giải Edgar năm 1956 trong thể loại “Tiểu thuyết hay nhất”


CHÚNG TA VẪN LUÔN THIỆN – CHO ĐẾN KHI ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO BẢN ÁC TRỖI DẬY XUẤT HIỆN.

Tranh cãi về vấn đề Nhân chi sơ – tính bổn ác hay bổn thiện? Tôi hướng về tính bổn ác nhiều hơn. Chúng ta vẫn luôn cho rằng, bản thân mình hướng thiện, nhưng tôi tin rằng chẳng qua bạn chưa có điều kiện thuận lợi để làm việc ác mà thôi.

Thật ra, tôi cho rằng, Ripley chưa hẳn đã là thiện. Anh ta có chút ranh ma, thêm một chút tâm trạng bất cần cùng với sự sốc nổi nữa. Nhưng phải thừa nhận, Ripley lăn lộn dưới tầng đáy xã hội, giao tiếp với nhiều loại người, đủ để khiến bản thân mình trở bên khéo léo, cẩn thận và thậm chí táo bạo nữa.

Vậy nên, khi một con người đã sống sung sướng trong thiên đường, với khoản tiền tiêu thoải mái, được đi đây đi đó, ăn trong những nhà hàng sang trọng nhất, ở trong những khách sạn lớn như cung điện. Liệu, khi phải quay lại cuộc sống chui nhủi của tầng đáy xã hội, họ có còn chịu đựng được hay không? Và Ripley, kẻ đã bước chân đến thiên đường không còn muốn quay trở lại địa ngục. Và anh ta đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo mà không tưởng.

Dickie, một chàng công tử con nhà giàu. Cách sống của anh ta là rời xa quê hương, du lịch và đi loanh quanh khắp mọi nơi, sống với số tiền lợi tức $500 mỗi tháng. Không buồn đoái hoài gì đến trách nhiệm, bố mẹ và những người lo lắng cho mình ở nhà. Theo đuổi thứ mà mình muốn, tập tành vẽ vời và muốn làm nghệ sĩ, nhưng dường như anh ta không thành công lắm đối với đam mê của mình. Và dĩ nhiên hậu quả tai hại của cách sống đó đã đến.

Bỗng nhiên tối có một liên hệ cực kì buồn cười. Ở Việt Nam việc tội ác xảy ra hay một người nào đó bỗng dưng bốc hơi khỏi thế giới này là rất khó xảy ra. Bởi lẽ người châu Á sống có cộng đồng, tập thể, hay tò mò thóc mách vào việc của người khác dưới cái mác “quan tâm”. Vậy nên nói không quá chứ việc bạn bước chân ra khỏi nhà lúc mấy giờ sáng và về nhà lúc mấy giờ đêm, ngày đi chợ mấy lần, hẹn hò với những ai, có những ai đến nhà,…khéo mấy bà hàng xóm còn rõ ràng hơn chính bản thân bạn nữa. Nhưng ở Mỹ hay Châu Âu, việc người ta tuyệt đối tôn trọng tự do cá nhân, ít tọc mạch và thóc mách vào việc riêng tư của ai đó cũng là một ưu điểm mà cũng là cả một nhược điểm lớn. Một cuộc sống mà chẳng ai quan tâm đến ai, quyền cá nhân của mỗi con người được đặt lên mức cao nhất. Thì khi một việc tồi tệ nào đó xảy đến, cũng thật khó mà có thể truy tìm thông tin hay dấu vết một cách nhanh chóng được. Bằng chứng là đến tận 4 tháng trời người ta mới nhận ra rằng có ai đó đang mất tích.

Đọc hết cả cuốn sách rồi, tôi vẫn không chắc chắn rằng Ripley có khả năng nào đó là người đồng tính hay không. À, và cả một thế giới mà người ta kì thị người đồng tính nữa. Đến tận cuối cuốn sách, tôi vẫn chưa chắc lắm về nguyên nhân Ripley giết chết Dickie, việc anh ta muốn thay thế cuộc sống của Dickie chỉ là một phần mà thôi. Tôi nghĩ còn có khả năng, là do anh ta đã lỡ quý mến và yêu Dickie, nhưng Dickie lại nghe theo một cô nàng bánh bèo, người tình mà lại chẳng phải người tình mà ruồng bỏ cũng như xa lánh Ripley. À, còn cả việc Dickie muốn tránh xa Ripley một phần vì nghĩ anh là người đồng tính nữa. Và tâm tính Dickie cũng không được tốt cho lắm. Và…trong một giây phút xúc động, một ý tưởng hình thành. Một điều kiện thuận lợi. …

Mà còn chưa kể đến một việc mà tôi cảm thấy tác giả phê phán lối sống hào nhoáng, sự tò mò tọc mạch một cách công khai về các sự kiện. Dân Ý coi một vụ án mạng là một sự việc nổi trội, và người ta quan tâm đến nó, như thể đó là một sự việc nào đó đáng tò mò hơn là với sự cảm thông và căm phẫn. Và họ có nhu cầu tiếp cận những người liên quan đến vụ án để hỏi han, dò hỏi thông tin và rồi để đem khoe với nhau trong những bữa tiệc hào nhoáng của những kẻ thượng lưu. Cũng chẳng buồn quan tâm đến tình trạng bi thương của chính gia đình bạn bè nạn nhân cùng những người liên quan.

Nhìn chung thì, tôi chưa từng thấy một tác giả nào, đem thủ phạm làm nhân vật chính, đã vậy còn chẳng có công lý nào được thực thi ở đây cả. Tôi nghĩ cũng không phải tác giả đang cổ súy cho cái ác đâu ha. Còn một nhận xét nữa, Patricia Hightsmith có năng lực xây dựng cốt truyện mạnh mẽ phết. Tôi tò mò đọc cuốn này cũng vì năm 1999 nó được 5 đề cử giải Oscar. Để rảnh rảnh mò phim xem nữa.

Ít nhất thì trong cả mớ trinh thám của Bách Việt, có seri về tác giả này họ làm ổn. Mấy cuốn khác như dở người.

Trang Đào

Mời bạn đón đọc Thế Giới Ngầm Của Ripley của tác giả Patricia Highsmith & Nguyễn Mai Trang (dịch).