Philip Fisher là một trong số các nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Triết lý đầu tư của ông không chỉ được nhiều chuyên gia hiện đại nghiên cứu và áp dụng mà còn được rất nhiều nhà đầu tư coi đó là cẩm nang dẫn đường cho bản thân. Những triết lý này đã được tập hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ông - Cổ phiếu thường - Lợi nhuận phi thường (Common Stocks and Uncommon Profits), một trong những giáo trình đầu tư kinh điển dành cho các nhà đầu tư hiện đại. Cuốn sách sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn toàn diện, từ những vấn đề hết sức cụ thể như sức mạnh của “lời đồn đại”, nên mua gì, khi nào, những điều nhà đầu tư cần tránh, cách tìm ra một cổ phiếu tiềm năng… cho đến phương pháp hình thành một triết lý đầu tư đem lại hiệu quả cao.
Fisher đã chỉ ra rằng có hai cách để thu được lợi nhuận đầu tư lớn nhất: thứ nhất là mua cổ phiếu khi thị trường đi xuống và đợi lúc thị trường hồi phục; hoặc áp dụng cách thứ hai ít rủi ro hơn và lợi nhuận tiềm năng lớn hơn, đó là đầu tư vào một số công ty đang tăng trưởng liên tục và thu lợi nhuận hàng năm. Để tìm được chính xác những công ty như vậy, ông cũng đưa ra 15 luận điểm lựa chọn cổ phiếu và những thành tố cần có cho một khoản đầu tư hiệu quả.
Có thể nói Cổ phiếu thường - Lợi nhuận phi thường sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của bạn về thị trường tài chính, một cuốn sách xứng đáng có một vị trí trang trọng trên giá sách của các nhà đầu tư và bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực này.
Cuốn sách nằm trong “Top 10 cuốn sách về chứng khoán hay nhất mọi thời đại”.
***
Kiếm lợi nhuận phi thường từ cổ phiếu thường
Được toàn thế giới ca ngợi và ngưỡng mộ, Philip Fisher là một trong số những nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Triết lý và những bí quyết đầu tư thành công trong suốt sự nghiệp của Fisher đã được ông đúc rút trong Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Ngay từ khi xuất bản năm 1958, cuốn sách đã được đánh giá rất cao và được xếp trong danh sách các cuốn sách về đầu tư bán chạy nhất. Và trong hơn 40 năm qua, các thế hệ nhà đầu tư hiện đại vẫn không ngừng nghiên cứu, áp dụng cuốn sách và coi đó là cẩm nang chỉ đường không thể thiếu. Ngay cả tỷ phú Warren Buffett cũng từng viết: “Tôi là một độc giả luôn háo hức chờ đợi được đọc những gì mà Phil viết và tôi xin giới thiệu ông cho các bạn”.
Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tăng trưởng, quan niệm đầu tư của Fisher, như con trai ông Kenneth Fisher đã tổng kết là: “Cha tôi muốn đầu tư vào một công ty có thể tăng trưởng, tăng trưởng không ngừng, và thích những cổ phiếu có thể mua vào với mức giá hợp lý và không bao giờ phải bán ra.” Khoản đầu tư nổi tiếng nhất của ông là những cổ phiếu của Motorola mà ông mua vào năm 1955 khi nó mới chỉ là nhà sản suất rađiô và nắm giữ cho tới tận khi qua đời chính là một minh chứng sống động cho thành công của quan niệm đầu tư tăng trưởng của ông.
Trọng tâm cuốn sách đặt vào hai vấn đề phương pháp “lời đồn đại” và cách chọn cổ phiếu. Với phương pháp “lời đồn đại”, Fisher đã chỉ ra cho các nhà đầu tư cách thức tìm nguồn thông tin xác thực để đầu tư với rủi ro thấp nhất nhưng thu lợi nhuận cao nhất. Nguồn thông tin đó không nằm trên Phố Wall nơi chứa đựng vô số những cơn đồng bóng, những mốt nhất thời khiến chúng ta không thể xác định nổi đâu là giá trị thực của một cổ phiếu. Không chạy theo đám đông, thay vào đó tìm nguồn thông tin từ các đối tác, đối thủ cạnh tranh, ngân hàng cho vay, khách hàng… của công ty mục tiêu, đó mới là nơi cho bạn nguồn thông tin cần thiết giúp đưa ra nhận định chính xác. Kết hợp phương pháp “lời đồn đại” với 15 tiêu chí chọn cổ phiếu, bạn sẽ tìm được cổ phiếu lý tưởng, nắm giữ trong thời gian dài, và thu lợi nhuận tối đa.
Ngoài ra, Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường còn đề cập đến những vấn đề quan trọng như cách chọn cổ phiếu tăng trưởng, thời điểm nên mua và nên bán, một số điều cần tránh, các thành tố của một khoản đầu tư an toàn…
Trong lần tái bản năm 1960, cuốn sách tiếp tục được bổ sung nhiều thông tin. Và trong các lần tái bản tiếp theo, tác giả đã ghép thêm hai cuốn sách viết sau của ông là Conservative Investors Sleep Well (Giấc ngủ ngon cho các nhà đầu tư cẩn trọng) và Developing an Investment Philosophy (Hình thành một triết lý đầu tư).
Hiện nay, các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, nhưng đồng thời họ cũng có nhiều cơ hội và tiềm năng để trở nên giàu có, thành công ngoài sức tưởng tượng. Triết lý đầu tư của Philip sẽ chỉ ra một hướng đầu tư vững chắc nhất để đi tới thành công, đó là đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, cũng như giúp các nhà đầu tư giữ vững niềm tin và lập trường đầu tư trong một thị trường chứng khoán tuy non trẻ và đầy biến động nhưng rất tiềm năng như Việt Nam.
Cùng với nhiều cuốn sách về chứng khoán do Alpha Books đã xuất bản, chúng tôi tin rằng cuốn sách này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm kiến thức và lời khuyên từ một trong những thiên tài chứng khoán để đầu tư lâu dài và gặt hái những thành công vượt xa hiện tại.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Tháng 7 năm 2009
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
***
Điều tôi học được từ các cuốn sách của cha
Cuốn sách này sẽ ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn, tôi biết vậy, bởi điều đó cũng từng xảy ra với tôi. Tôi đã mất mười lăm năm mới hiểu được Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Khi lần đầu tiên đọc cuốn sách, tôi đã nguyền rủa nó. Khi ấy, tôi mới tám tuổi. Thật phí phạm khi bắt đầu một kỳ nghỉ hè tuyệt vời bằng cuốn sách như vậy. Có quá nhiều từ ngữ khó hiểu khiến tôi phải tra từ điển liên tục. Nhưng đó là cuốn sách của cha, và tôi rất tự hào về ông. Mọi người ở trường, hàng xóm và báo chí đều nói rằng cuốn sách của ông gây tiếng vang lớn, rằng đó là một trong những tác phẩm best-seller về đầu tư chứng khoán theo bình chọn của New York Times. Vì thế, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đọc nó. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ này, tôi vô cùng sung sướng và dành toàn bộ thời gian còn lại hưởng thụ nốt kỳ nghỉ hè.
Ai có thể ngờ rằng về sau tôi lại sáng lập một hãng quản lý quỹ đầu tư lớn phục vụ hàng nghìn khách hàng, viết sách, trở thành người phụ trách một chuyên mục quan trọng của tạp chí Forbes danh tiếng, và viết nhiều bài bình luận về các cuốn sách đầu tư “Hay nhất trong năm”? Có thể nói rằng tất cả những điều trên đều bắt nguồn từ sự kiện tôi đọc cuốn sách dạy về đầu tư đầu tiên khi mới lên tám, mặc dù khi đó tôi chẳng hiểu gì cả.
Tôi đọc cuốn sách lần thứ hai khi 20 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Cha muốn tôi làm việc cùng ông và anh trai. Nhưng tôi băn khoăn không biết liệu đây có thật sự là một cơ hội tốt. Thế nên, tôi đọc lại Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. (Khi đó, chỉ còn rất ít từ ngữ trong cuốn sách mà tôi chưa hiểu).
Khi đọc đến 15 tiêu chí một cổ phiếu thường cần có, tôi tự hỏi liệu mình có thể áp dụng chúng để mua một loại chứng khoán địa phương được không. Tôi nghĩ, nếu thành công thì nó sẽ cho thấy ích lợi của việc cộng tác với cha.
Nhưng vụ làm ăn đó không thành công. Lúc bấy giờ, trên thị trường có cổ phiếu của một công ty gỗ tên là Pacific Lumber, dường như đây là cơ hội tốt để tôi kiếm lợi nhuận. Nhưng những người mà tôi tiếp xúc không ấn tượng với một đứa trẻ tò mò, muốn tìm kiếm các thông tin về tình hình cạnh tranh giữa các công ty, nhưng lại chưa hề có sự chuẩn bị và hoàn toàn thiếu khả năng phân tích thông tin. Thậm chí tôi còn không biết cách đặt những câu hỏi có ý nghĩa. Sau khi bị họ từ chối trả lời câu hỏi, tôi đã bỏ cuộc. Nhưng bài học đó giúp tôi nhận ra rằng cần phải tích cực học hỏi hơn nữa.
Làm việc với cha tôi là một lựa chọn đầy rủi ro, có thể sẽ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ các cổ phiếu tăng trưởng phi thường kiểu túi mười gang nhưng cũng có thể thua lỗ trắng tay.
Tôi kể những điều này để các bạn thấy rằng, tôi − một “cậu bé” 20 tuổi, không phải là một sinh viên luôn đứng đầu lớp, chưa từng học ở một trường đại học danh tiếng, không có thành tích gì đáng kể mà vẫn có thể không ngừng học hỏi và chỉ trong vài năm đã biết cách sử dụng hiệu quả những nguyên tắc trong cuốn sách này, thì các bạn cũng hoàn toàn có thể làm được điều đó.
15 tiêu chí chọn cổ phiếu
Khi bạn bắt đầu kinh doanh và chưa từng mua bất kỳ cổ phiếu nào như tôi hồi trẻ, thì việc tính toán xem mua gì dường như quan trọng hơn là bán gì. Thật may mắn, cuốn sách này chỉ ra rằng, nếu bạn tìm ra những cổ phiếu tốt để mua thì việc bán sẽ không còn quá quan trọng vì bạn hoàn toàn có thể giữ chúng bao lâu cũng được. 15 tiêu chí chọn cổ phiếu của cha tôi sẽ hướng dẫn bạn nên mua loại cổ phiếu nào.
Áp dụng 15 tiêu chí này là một kinh nghiệm thực tiễn thường gặp kết hợp với phương pháp “lời đồn đại”, như cha tôi mô tả, tất cả đều nhằm nghiên cứu cổ phiếu. Tôi sẽ không thuật lại chi tiết những thành công trong sự nghiệp mà tôi sớm đạt được nhờ 15 tiêu chí này. Nhưng chúng đã mang lại cho tôi động lực sự nghiệp mạnh mẽ khi khám phá ra những cổ phiếu tuyệt vời đem đến những phần thưởng lớn lao. Từ 15 tiêu chí chọn cố phiếu, tôi tìm hiểu được ở đâu có công ty nào phù hợp với mục tiêu đầu tư của tôi, và bằng cách nào công ty đó trở nên thịnh vượng hay xuống dốc. Và nếu công ty xuống dốc thì nguyên nhân nằm ở đâu? Tôi nhanh chóng hiểu ra vì sao nhiều nhà đầu tư lại thất bại khi áp dụng 15 tiêu chí này. Bởi vì bí quyết nằm trong phương pháp “lời đồn đại”, và mọi bí quyết đều cần có thời gian mới chinh phục được. Mục tiêu của phương pháp “lời đồn đại” là tìm hiểu thực chất mạnh, yếu của một công ty từ những nguồn thông tin xác thực. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không sử dụng cách này, thay vào đó lại chủ yếu dựa vào những thông tin và sự cuồng nhiệt của đám đông trên phố Wall, mà phần lớn trong số đó là những người muốn bán cổ phiếu cho bạn.
Khi bước sang thế kỷ XXI, nhẽ ra công chúng phải ý thức được rõ ràng sức mạnh của phương pháp “lời đồn đại”, nhưng thực tế không như vậy. Nếu bạn từng áp dụng 15 tiêu chí trong cuốn sách và thu thập thông tin từ những nguồn xác thực nhất chứ không phải từ phố Wall, thì bạn sẽ không bao giờ mua phải bất kỳ loại cổ phiếu tai tiếng nào đang bị vô số tin tức của thị trường giá xuống giai đoạn 2000 – 2002 chi phối. Hoàn toàn có thể tránh được việc mua phải cổ phiếu của những công ty tai tiếng như Enron, Tyco và WorldCom. Các nhà đầu tư thất bại do mua phải cổ phiếu của những công ty trên là bởi họ đã dựa vào những tin đồn nhảm và nhận định của phố Wall, thay vì tìm kiếm sự thật về sức mạnh của các công ty này. Mười lăm tiêu chí trong cuốn sách trình bày và phân tích những đặc điểm kinh doanh rất cơ bản, không thể giả mạo của các doanh nghiệp. Phương pháp “lời đồn đại” của cuốn sách khuyên bạn nên tránh những trò bịp bợm và tìm kiếm thông tin về công ty mà bạn định mua cổ phiếu (công ty mục tiêu) từ những nguồn tin cậy như: đối thủ cạnh tranh, khách hàng và nhà cung cấp của nó, tất cả các đối tượng này đều có lợi ích chung khi đề cập đến những thông tin chân thực về công ty này, và họ hoàn toàn có đủ cơ hội, thông tin để nhận định chính xác về công ty. Điều này có nghĩa là nói chuyện với đại diện bán hàng của các công ty đối thủ, những người vốn có cơ sở để đánh giá tiêu cực về công ty mục tiêu của bạn nhưng sẽ không thể làm vậy nếu đối thủ quá lớn. Điều đó cũng có nghĩa là nói chuyện với những nhà nghiên cứu hay quản lý của các công ty đối thủ. Nói đơn giản là nếu tất cả những người bạn nói chuyện đó thấy được thực chất và năng lực hoạt động của công ty mục tiêu, và vị nể hoặc thậm chí kính sợ nó, thì các công ty đó nhất định không phải là các công ty tai tiếng như Enron hay Adelphia . Và với việc phân tích thông tin nghiêm túc trước khi đầu tư, họ hoàn toàn có thể yên tâm về các lựa chọn của mình.
Ở khía cạnh nào đó, phương pháp “lời đồn đại” là một loại hình nghệ thuật nhận diện các đặc trưng của 15 tiêu chí đầu tư chứng khoán. Nó là sự khác biệt giữa việc học chơi Piano (học đàn) và soạn nhạc (nghệ thuật). Theo đuổi nghệ thuật cần thời gian. Bạn sẽ không thể soạn nhạc cho đến khi có thể trình diễn điêu luyện. Ở hầu hết các lĩnh vực, bạn có thể học nghề bằng cách bắt chước, nhưng có một số lĩnh vực bạn không thể làm như vậy. Bạn có thể hiểu thấu nghệ thuật mà không cần có khả năng sáng tạo nghệ thuật. Hoặc sau khi đạt được trình độ điêu luyện, bạn có thể tự biến mình thành một nghệ sỹ. Nhưng cuốn sách này sẽ giúp bạn có thể cảm nhận được nghệ thuật, và thật may là nó sẽ không tốn nhiều thời gian của bạn, bởi hầu hết đó là những cảm nhận thông thường. Vấn đề của hầu hết các nhà đầu tư là không biết và cũng không hề cố gắng vận dụng những cảm nhận thông thường. Nhưng Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường sẽ chỉ cho bạn thấy phải làm thế nào.
Hãy suy nghĩ một chút về 15 tiêu chí này. Tôi biết các bạn chưa từng đọc chúng. Tôi sẽ mô tả ngắn gọn những gì 15 tiêu chí này đề cập đến, và các bạn sẽ thấy ngay sự hữu ích của chúng. Sau đó các bạn có thể đọc cuốn sách của cha tôi và cảm nhận nó.
15 tiêu chí của cha tôi đưa ra nguyên tắc chỉ dẫn loại chứng khoán nên mua. Chúng miêu tả một công ty cần có sản phẩm tuyệt vời và thị trường tiềm năng lớn, cùng một ban quản lý quyết tâm tiếp tục khai thác tiềm năng đó vượt xa dòng sản phẩm hiện tại. Nguyên tắc này chỉ ra hiệu quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, kết hợp với đội ngũ nhân viên kinh doanh giỏi sẽ vượt qua mọi trở ngại trong việc phân phối sản phẩm hiện tại cũng như tương lai đến với người tiêu dùng. Nó cũng có nghĩa là công ty phải có khả năng sinh lợi từ nhóm sản phẩm nòng cốt sao cho biên lợi nhuận gộp và tỷ lệ lợi nhuận gộp đủ để trang trải các khoản chi phí điều hành và phụ phí. Ngoài ra, nguyên tắc trên còn đòi hỏi công ty phải có kế hoạch cụ thể, thực tiễn nhằm duy trì và cải thiện vĩnh viễn khả năng gia tăng lợi nhuận, sự thỏa mãn, lòng trung thành và năng suất của người lao động, ở mọi vị trí khác nhau trong tương lai. Thêm vào đó, nguyên tắc này cũng đề cập việc kiểm soát chặt chi phí và một số khía cạnh đặc trưng của ngành sẽ cho phép công ty mục tiêu vượt trội hơn các công ty cùng lĩnh vực khác. Cuối cùng, tất cả những yếu tố trên cần phải được quản lý và điều hành bởi một bộ máy quản lý cởi mở, đoàn kết và liêm khiết.
Hãy xem xét những cổ phiếu bê bối hoặc danh mục đầu tư được định giá quá cao. Sẽ không có công ty nào trong số này vượt qua bài kiểm tra của phương pháp “lời đồn đại”, bởi nếu bạn từng thảo luận vấn đề đó với các đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ thấy họ chưa từng nể sợ những công ty kiểu này. Tương tự, nếu bạn hỏi khách hàng hay nhà cung cấp, họ cũng sẽ có cùng phản ứng như vậy. Khách hàng không bị ấn tượng bởi vì sản phẩm của công ty này không tốt hơn so với sản phẩm cùng loại của các công ty khác khác. Những đại lý bán lẻ và nhà cung cấp không ấn tượng bởi vì các khách hàng khác của họ vẫn mua và đặt hàng còn nhiều hơn ‒ doanh thu chủ yếu của các đại lý này không phải từ sản phẩm của công ty này. Và các đối thủ không cần phải sợ công ty này, vì nó không có khả năng khiến họ mất lợi thế cạnh tranh.
15 tiêu chí giúp bạn dễ dàng loại bỏ các cổ phiếu bê bối trên thị trường giá xuống những năm 2000-2002, và các cổ phiếu thuộc “câu lạc bộ 95%” − những cổ phiếu công nghệ bị mất ít nhất 95% giá trị trong suốt giai đoạn giá xuống của thị trường vì chúng chỉ là những giấc mơ viển vông về cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet hay bất cứ thứ gì được thổi phồng vào năm 1999 chứ chẳng hề có chút thực chất nào. Hãy thử tính xem có bao nhiêu cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet không có lực lượng bán hàng, tiếp thị thật sự (đương nhiên là chúng không tạo ra mối đe dọa nào đối với các đối thủ cạnh tranh), không hề có lợi nhuận, không có kế hoạch đạt được hay nâng cao lợi nhuận, không có nghiên cứu cơ bản, không có khả năng tồn tại nếu thiếu vốn trong tương lai v.v… Thậm chí chúng còn không thỏa mãn được một nửa trong số 15 tiêu chí chọn cổ phiếu. Bởi vậy, 15 tiêu chí chọn cổ phiếu sẽ giúp bạn loại bỏ rất rất nhiều công ty bất ổn khác nữa. Những tiêu chí này sẽ giúp bạn chọn được cổ phiếu của những công ty có giá trị thật sự, dù đắt hay rẻ, và cho phép bạn định hướng trong thị thường tài chính bất ổn đầy những mánh khóe lừa đảo cho dù bạn chọn cổ phiếu tăng trưởng hay cổ phiếu giá trị, của công ty nhỏ hay lớn.
Kỳ vọng và phương pháp “lời đồn đại”
Những mục tiêu của tôi và cha không bao giờ giống nhau. Nhưng cuốn sách này thỏa mãn kỳ vọng của cả hai − và của bạn nữa. Cha tôi gần như luôn luôn là nhà đầu tư chứng khoán tăng trưởng. Còn tôi, khi còn trẻ, vì rất nhiều lý do, đã chọn đầu tư chứng khoán giá trị. Dù vậy, với một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, 15 tiêu chí đầu tư vẫn giúp tôi rất nhiều, nhờ chúng tôi tìm được những công ty có giá trị cao nhưng thị giá cổ phiếu lại thấp, đó là những doanh nghiệp kinh doanh rất tốt nhưng bị thị trường bỏ qua vào giữa thập niên 1970. Cha tôi muốn đầu tư vào một công ty có thể tăng trưởng, tăng trưởng không ngừng, và thích những cổ phiếu có thể mua vào với mức giá hợp lý và không bao giờ phải bán ra. Còn tôi thì luôn mong muốn mua được cổ phiếu thật rẻ của các doanh nghiệp quy mô lớn nhưng hình ảnh lại không mấy tốt đẹp trong “con mắt” của phố Wall, loại cổ phiếu có thể tăng trưởng bền vững và được bán ra với mức giá tăng gấp nhiều lần hoặc với khoản trội giá lớn sau khoảng 5 đến 10 năm.
Theo quan điểm của tôi: Có thể áp dụng phương pháp “lời đồn đại” và 15 tiêu chí chọn cổ phiếu cho các cổ phiếu tăng trưởng cũng như các cổ phiếu giá trị, cho cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ, trung bình hay rất lớn. Lấy ví dụ tiêu chí thứ 5 – Biên lợi nhuận của công ty có cao không? Tiêu chí này đề cập tới tầm quan trọng của biên lợi nhuận. Ví dụ, trong một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không có sự tăng trưởng nhanh chóng, thì thị phần, chi phí sản xuất liên quan, và biên lợi nhuận dài hạn sẽ phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Bộ máy quản lý trình độ cao sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất và chiếm lĩnh thị phần nhờ tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Nếu trình độ của bộ máy quản lý yếu kém, biên lợi nhuận sẽ giảm sút, thậm chí là bằng không. Năm 1976, tôi đã phát hiện ra Nucor, một hãng kinh doanh sắt thép có bộ máy quản lý giỏi, công nghệ đổi mới, chi phí sản xuất thấp, và thị phần khá lớn trong những phân khúc thị trường hẹp. Tôi mua cổ phiếu của Nucor và coi đó là loại cổ phiếu giá trị; cha tôi cũng kịp thời mua cổ phiếu của Nucor như tôi, nhưng ông coi đó là loại cổ phiếu tăng trưởng. Vẫn sử dụng 15 tiêu chí đầu tư đó để chọn thời điểm bán ra. Tôi đã bán cổ phiếu của Nucor ngay vài năm sau và thu lợi nhuận kếch xù, còn cha tôi tiếp tục giữ chúng trong nhiều thập kỷ rồi mới bán ra và thu được khoản lợi nhuận lớn hơn của tôi nhiều. Khi đó, Nucor đã trở thành hãng sản xuất thép lớn thứ hai của Mỹ.
Nếu bạn muốn kéo dài sự nghiệp đầu tư thành công của mình, thì tôi thành thực khuyên bạn hãy đọc cuốn sách này nhiều lần. Lại lấy ví dụ phương pháp “lời đồn đại”. Tuy chương về phương pháp này chỉ dài ba trang, nhưng chúng lại là những trang quan trọng nhất của cuốn sách. Trong nhiều năm, tôi đã áp dụng “lời đồn đại” với rất nhiều cổ phiếu theo cách riêng của tôi và đã thu được vô số hiểu biết quý báu. Bí quyết ư? Tập trung vào khách hàng, đối thủ cạnh tranh và nhà cung cấp. Tôi đã mô tả những chiến thuật đầu tư đó trong cuốn sách đầu tiên của mình – Super stocks (Những cổ phiếu siêu hạng) và nó đã trở thành một trong những cuốn sách về thị trường chứng khoán bán chạy nhất trong năm 1984-1985. Tôi hãnh diện về nó, nhưng thật sự, nó không thể sánh với Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Cuốn sách của cha tôi có giá trị lâu dài hơn nhiều; và mặc dù cả hai cuốn sách đều đưa ra những khái niệm mới, nhưng những khái niệm của cha tôi mang ý nghĩa bao trùm và cơ bản hơn, có thể áp dụng với nhiều loại cổ phiếu và tốn ít thời gian hơn. Cuốn sách của tôi viết về việc “học đàn”, còn của cha tôi là về cả một nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là tìm kiếm câu trả lời, mà là khám phá thêm những câu hỏi hay sinh ra từ câu trả lời của các câu hỏi trước đó. Tôi đã gặp những người thích đưa ra danh sách câu hỏi quy phạm một cách cứng nhắc, bất chấp những kết quả mà họ nhận được. Đó không phải là nghệ thuật: Bạn hỏi; ai đó sẽ trả lời. Câu hỏi hay nhất xuất phát từ câu trả lời. Và cứ tiếp tục như vậy. Khi đã có thể thực hành nhuần nhuyễn điều điều này, bạn đã trở thành một nhà soạn nhạc, một nghệ sỹ, một nhà đầu tư sáng tạo và cẩn trọng.
Từ năm 1972 đến 1982, tôi cùng cha đã đi nói chuyện với các công ty rất nhiều lần. Tôi chỉ làm việc cho ông trong một năm, nhưng sau đó chúng tôi đã cùng nhau thực hiện rất nhiều thứ. Khi tìm hiểu các công ty, ông luôn chuẩn bị trước các câu hỏi, đánh máy chúng lên giấy với những khoảng trống giữa các câu hỏi dành để ghi chú thích. Ông luôn thích chuẩn bị trước mọi thứ, và muốn các công ty biết điều đó để họ đánh giá cao sự chuẩn bị này. Thông thường cha tôi đưa ra một bản tóm tắt các câu hỏi xung quanh vấn đề mà công ty quan tâm đề phòng trường hợp cuộc thảo luận đi vào bế tắc. Và như vậy, ông hoàn toàn có thể làm chủ cuộc thảo luận với những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Nhưng các câu hỏi đặc sắc nhất luôn xuất hiện bất chợt, không nằm trong số câu hỏi được chuẩn bị trước, không được viết ra, bởi ông chỉ nảy sinh câu hỏi này sau khi nghe câu trả lời. Những câu hỏi sáng tạo đó chính là nghệ thuật. Theo tôi, chúng là minh chứng cho sự xuất sắc trong việc đặt vấn đề của ông.
Cha tôi có một trí tuệ siêu việt về tài chính, kinh tế. Tôi muốn kể cho bạn câu chuyện về câu hỏi hay nhất mà ông thường sử dụng khi phỏng vấn các doanh nghiệp, đó là: “Cái gì doanh nghiệp của ngài đang định làm mà những đối thủ cạnh tranh của ngài chưa làm?” Một câu hỏi tuyệt vời! Điểm nhấn ở đây nằm trong từ “chưa làm” (“yet”). Đáng ngạc nhiên là ở chỗ khi các bạn hỏi các nhà đầu tư câu này, họ thường cảm thấy bối rối vì chưa bao giờ nghĩ đến việc công ty mà họ đầu tư sẽ làm những gì các đối thủ khác bỏ qua.
Một doanh nghiệp luôn tự đặt cho mình câu hỏi đó sẽ không bao giờ thỏa mãn với bản thân. Doanh nghiệp đó sẽ không bị tụt lại phía sau và không bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn vì thiếu những kế hoạch phù hợp cho tương lai. Doanh nghiệp đó kết hợp được bộ máy quản lý thông minh với tính liêm khiết và đảm bảo đủ 15 tiêu chí của cha tôi. Câu hỏi “Cái gì doanh nghiệp của ngài đang định làm mà những đối thủ cạnh tranh của ngài chưa làm?” mang ý nghĩa định hướng phát triển sản phẩm mới, thị trường mới cạnh tranh với những sản phẩm của các hãng khác để phát triển và vượt lên nhằm mang lại sự thỏa mãn cao nhất cho khách hàng, các nhân viên, và các cổ đông. Câu hỏi đó chính là khát vọng theo đuổi suốt cuộc đời cha tôi và cũng là nền tảng của 15 tiêu chí mà cuốn sách này đề cập.
Công ty quản lý quỹ đầu tư của tôi đã áp dụng 15 tiêu chí này và phương pháp lời đồn đại vào các công ty của nhiều ngành khác nhau − những công ty ban đầu có quy mô nhỏ nhưng bứt phá về sau. Chúng bao gồm các công ty bán lẻ, các công ty công nghệ cao, các công ty cung cấp dịch vụ, các công ty sản xuất, kinh doanh thép, hóa chất, hàng tiêu dùng, kinh doanh sòng bạc…
Hiện tại, công ty quản lý quỹ đầu tư của tôi có hơn 500 nhân viên, quản lý hàng tỷ đô-la nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau khi mua các loại cổ phiếu trên khắp thế giới. Nếu bạn là một nhà đầu tư cá nhân, bạn vẫn hoàn toàn có thể áp dụng 15 tiêu chí đầu tư trong cuốn sách này. Hãy sử dụng chúng khôn khéo theo cách mà tôi đã làm khi còn là một chàng trai trẻ không có trong tay những máy móc mà ngày nay tôi đang sở hữu. Và có lẽ bạn không thể đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu như tôi, nhưng bạn cũng không cần điều đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, 15 tiêu chí này đáng để nghiên cứu, cho dù bạn chỉ sử dụng chúng theo cách cha tôi hình dung ban đầu hay sáng tạo thêm, tất cả hay chỉ một vài tiêu chí riêng biệt, để lựa chọn các cổ phiếu nội địa hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp nước ngoài, các cổ phiếu giá trị hay cổ phiếu tăng trưởng, đầu tư vào cổ phiếu của một công ty đại chúng hay bỏ vốn mua các doanh nghiệp tư nhân. Tất cả đều có thể áp dụng các tiêu chí này.
Những vấn đề lý thú khác
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có phương pháp “lời đồn đại” và 15 tiêu chí đầu tư chứng khoán là có giá trị trong Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Đó chỉ là những điều mà tôi nghĩ là đáng giá nhất trong cuốn sách này. Giống như viên kim cương nhiều cạnh, cuốn sách còn những điểm sáng khác, nhỏ hơn cũng rất đáng lưu ý. Ví dụ, vào năm 1990, tôi đã là một chuyên gia đầu tư thành công với 18 năm kinh nghiệm và phụ trách một chuyên mục cho tạp chí Forbes nổi tiếng được sáu năm. Tôi đã tham gia viết phóng sự về nguy cơ cuộc chiến tranh ở Trung Đông do Saddam Hussein phát động. Khi nguy cơ này ngày càng tăng, các nhà đầu tư trở nên rụt rè hơn và thị trường trở nên ảm đạm. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về lịch sử và từng viết hai cuốn sách về lịch sử tài chính. Các kinh nghiệm trong quá khứ chỉ ra cho tôi thấy đó là thời điểm “Hãy mua vào”. Cuối tuần, tôi quyết tâm xem kỹ lại Chương 8, “Năm điều các nhà đầu tư nên tránh”, và Chương 9 “Thêm năm điều các nhà đầu tư nên tránh” trong phần một của cuốn sách. Tôi biết rằng, nỗi lo sợ chiến tranh chính là một cơ hội mua vào tuyệt vời. Từ tình hình thị trường, cùng với một vài dự đoán về nền kinh tế, tôi đã mạnh dạn khuyến khích mọi người “mua vào” trên tạp chí Forbes. Nhận định của tôi đã đúng. Các bạn cũng có thể tìm thấy những điều có ích giống như vậy từ biến động trong cuộc khủng hoảng của thị trường giá xuống những năm 2000-2002, và biết đâu là một cuộc chiến Saddam Hussein II.
Như tôi đã trình bày, vào năm 2002, thị trường giá xuống gặp phải khủng hoảng tệ hại nhất tính từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp năm 1974, thậm chí là từ cuộc Đại suy thoái 1937-1938. Rất nhiều nhà đầu tư trắng tay khi đặt quá nhiều kỳ vọng vào các phi vụ lớn nhưng bị thất bại. Những nhà đầu tư có quan điểm khác cũng gặp phải sự chán chường, trống rỗng. Liệu cha tôi sẽ nói gì trong hoàn cảnh đó. Có lẽ cha sẽ nói với các bạn là hãy mong đợi. Ông sẽ giải thích đơn giản là chủ nghĩa tư bản sẽ sớm hồi phục, Hoa Kỳ và các nước phương Tây sẽ tiến bộ, rằng các bạn sẽ tranh cãi về đâu là điểm đáy của thị trường, và rằng chính ông cũng không giỏi dự đoán nó. Ông sẽ nói nếu sở hữu cổ phiếu của những công ty thỏa mãn 15 tiêu chí ông đưa ra và không bán chúng đi do chạy theo “mốt” và tính đồng bóng nhất thời, thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cha tôi cũng sẽ khuyên những ai chưa sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp, thì đây là thời điểm thích hợp nhất để mua các loại chứng khoán thỏa mãn 15 tiêu chí của ông. Thị trường vào năm 2000-2002 đã cẩn trọng với điều đó. Liệu thị trường có suy giảm hơn nữa trước khi hồi phục trở lại không? Có lẽ cha tôi luôn biết khả năng đó là có thể. Tuy nhiên, ông sẽ nói thị trường không thể suy giảm trong dài hạn. Liệu cha tôi có tính cắt giảm, bán bớt cổ phiếu đi để tránh những rủi ro sẽ gặp phải? Không bao giờ. Đó là việc ông ghét nhất. Đúng vậy, cha tôi đã từng bán bớt cổ phiếu để cắt lỗ vài lần trong sự nghiệp đầu tư lâu dài của mình, nhưng đó là khi ông đã biết chắc thị trường vẫn chưa rớt giá và vẫn đứng vững, chứ không phải là sau khi nó đã sụt giảm.
Liệu cha tôi có sợ Saddam Hussein, Osama bin Laden, hay nạn khủng bố? Không. Hay ông sợ chiến tranh? Trong cuốn sách này, cha tôi sẽ trực tiếp nói với các bạn là không phải vậy. Hay ông ngưỡng mộ Tổng thống Bush vì đã thúc đẩy chiến tranh? Không. Cha tôi không ngưỡng mộ các vị Tổng thống lắm bởi họ là chính khách, mà ông thì không quan tâm nhiều đến chính trị; một số ít các chính trị gia ông từng quan tâm không nắm giữ chức vụ cao. Cha tôi đã nói, “Chức vụ càng cao, càng nói dối nhiều”. Ông ghét chiến tranh và hiếm khi chấp nhận lời bào chữa cho việc đó. Liệu ông có lo lắng về những điều tiêu cực khác trong giới truyền thông đương thời, như tính liêm chính của một doanh nghiệp, khả năng ngập sâu thêm vào suy thoái kinh tế, tỷ lệ P/E cao, chính phủ của Brazil có thể bị vỡ nợ, hay bất cứ điều gì khác? Không, không nhiều. Thay vì chăm chăm nhìn vào những khía cạnh tiêu cực, cha tôi dành nhiều thời gian để phân tích nền tảng cơ bản của các cổ phiếu mà ông đang sở hữu, và xem có nên tiếp tục giữ chúng hay không. Cũng có thể ông sẽ thay thế các cổ phiếu yếu nhất trong danh mục của mình bằng các cổ phiếu mới tốt hơn. Ông luôn xem thị trường biến động, suy giảm như một cơ hội tuyệt vời để nâng cấp chất lượng số đầu cổ phiếu mà ông đang sở hữu.
Vào cuối sự nghiệp của mình, khi được hỏi về việc dự đoán thời điểm nên mua hay bán chứng khoán và các vấn đề của ngành chứng khoán, cha tôi thường trả lời theo kiểu: “Con trai tôi đã chứng minh rằng nó có thể làm được những điều hơn hẳn tôi, và đây là những gì nó nói… nhưng, tôi vẫn chưa tin tưởng nó.” Cha tôi chưa bao giờ tin tưởng bất cứ ai có thể đưa ra những quyết định như vậy cho ông. Ông chỉ tin tưởng vào việc sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp thỏa mãn 15 tiêu chí (của ông). Và ngày nay, ông vẫn vậy.
Trong sự nghiệp của mình, tôi thường xuyên nghe mọi người nói rằng: (a) tôi đã sai lầm (điều này có lẽ khá đúng) và (b) cha tôi sẽ không bao giờ làm những điều tôi đang làm. Nói chung, tôi biết rằng họ không thể hiểu rõ suy nghĩ của cha tôi như tôi, và hầu hết họ chưa từng đọc cuốn sách của ông nhiều lần như tôi. Vì vậy, tôi không bao giờ quan tâm đến những lời bình phẩm của họ về những gì có lẽ cha tôi đã làm và không làm. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, cho dù là một người hiểu rõ nhất về cha tôi trong kinh doanh, tôi vẫn đọc sách của ông nhiều hơn bất cứ ai. Thậm chí, ngay cả khi đã hiểu rõ về cuốn sách thì khi đọc lại, bạn vẫn có thể tìm thấy được những điều hữu ích. Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường giống như một cuốn Kinh Thánh nhỏ về đầu tư – cuốn sách để đọc đi đọc lại nhiều lần, và những ích lợi mà nó mang lại sẽ không kết thúc ở trang cuối cùng.
Giống như tôi, các bạn sẽ tìm thấy một kho báu thật sự trong những trang sách này. Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những nguyên tắc đầu tư chứng khoán cơ bản. Nó không những đưa ra cơ sở thật sự của nền tảng đầu tư, mà còn là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo các nhà đầu tư chứng khoán hàng đầu. Trong nhiều năm, nó là một phần của các chương trình giảng dạy trong các khóa học về đầu tư tại Stanford Graduate School of Business. Mọi sinh viên từng học tại đây đều đọc cuốn sách này, và một số đã trở thành nhà đầu tư chứng khoán hàng đầu. Nhưng không chỉ có vậy. Warren Buffett, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, luôn kính trọng cha tôi và coi Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường là nền tảng phát triển triết lý đầu tư của ông. Có thể thấy điều đầu tiên trong những điều cha tôi khuyên các nhà đầu tư nên tránh (chương 9) “Không nên đa dạng hóa quá mức danh mục đầu tư” – chính là chìa khóa trong triết lý đầu tư của Buffett.
Từ khi cha tôi viết cuốn sách đầu tiên cho tới cuốn thứ ba, và cũng là cuối cùng Conservative Investors Sleep Well (Giấc ngủ ngon cho các nhà đầu tư cẩn trọng), không có nhiều thay đổi trong các quan điểm đầu tư chính thống. Nhưng từ năm 1958 đến năm 1974, đã có rất nhiều biến đổi trong đầu tư: một đợt thị trường giá lên và một đợt thị trường giá xuống lớn, với rất nhiều mốt nhất thời và tính đồng bóng. Lúc đó, cha tôi đã 67 tuổi. Cuốn sách sau cùng của ông rất hay, nhưng không thành công bằng Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Ông đã viết cuốn sách đầu xuất sắc đến nỗi hai cuốn sau của ông chỉ là sự tiếp nối bổ sung cho nó. Vì thế, nếu bạn chỉ có thể đọc một cuốn sách do cha tôi viết, hãy đọc cuốn đầu tay này. Còn nếu bạn vẫn muốn đọc thêm, thì cuốn quan trọng tiếp theo là cuốn sách cuối cùng. Trong đó, các bạn cũng có thể tìm thấy những ý kiến căn bản về đầu tư. Nó chứa đựng những chủ đề mang tính thời sự nhưng luôn sống mãi với thời gian.
Tôi nghĩ rằng phần viết về công ty Motorola trong Chương 6 cuốn Giấc ngủ ngon cho các nhà đầu tư cẩn trọng là điển hình cho phong cách của cha tôi. Trong chương đó, ông đã chỉ ra tại sao Motorola, một doanh nghiệp khi đó không được nhiều người ưa chuộng, lại là một công ty lớn và vì tính toán cho tương lai dài hạn, ông sẵn sàng giữ khoản đầu tư vào công ty này bằng mọi giá. Hai mươi lăm năm sau đó, cổ phiếu của Motorola đã tăng trưởng lên gấp hơn 30 lần. Có khi nào bạn được ai đó phân tích sâu xa về tương lai của một tập đoàn trong nhiều thập kỷ tới? Gần như là không bao giờ. Liệu có ai đó sẽ giữ khư khư một loại cổ phiếu trong tận 25 năm? Đúng vậy, chắc chắn chỉ có mỗi Phil A. Fisher đã làm điều đó, và những chứng khoán Motorola − phần tài sản cá nhân lớn nhất của ông − đã luôn làm chao đảo chỉ số S&P 500. Đó đã và đang là tất cả những gì về Phil Fisher. Tìm ra một số rất ít các công ty lớn mà ông có thể thật sự hiểu và giữ cổ phiếu của chúng rất rất lâu trong khi các cổ phiếu đó đã tăng giá chóng mặt. Giấc ngủ ngon cho các nhà đầu tư cẩn trọng là cuốn sách tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc chỉ ra cách để mua và giữ những cổ phiếu tăng trưởng mà không phải chịu rủi ro.
Nhiều năm qua, mọi người thường hỏi tôi về mối quan hệ, những kỷ niệm đáng nhớ của hai cha con và tất cả những điều khác. Trong ký ức của tôi, ông là người kể chuyện trước giờ đi ngủ hay nhất thế giới, và những câu chuyện của ông hoàn toàn chẳng liên quan gì đến thị trường chứng khoán. Rất nhiều câu chuyện trong số đó là do ông tưởng tượng ra. Giống như những đứa trẻ nhỏ, tôi yêu từng khoảnh khắc trong câu chuyện của ông. Mọi người cũng thường hỏi tôi: “Nếu anh có thể cô đọng lời khuyên của cha mình chỉ trong một câu, thì đó sẽ là gì?”. Câu trả lời của tôi là: “Hãy đọc những gì ông viết và áp dụng chúng vào thực tế.” Đó là những gì các bạn thu nhận được từ cuốn sách này. Hãy thưởng thức chúng.
KENNETH L. FISHER
Kings Mountain, California
Tháng 7 năm 2003
Mời các bạn đón đọc Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường của tác giả Philip A. Fisher.