Đây là bản dịch truyện ngắn “Giấc mơ của một người đàn ông kỳ quặc” (F. Dostoevsky) của mình. Trước hết, mình cảm giác phải nhắc đến việc đây là bản dịch của một người không dịch thuật chuyên nghiệp và nghiêm túc; chưa hết, người này đã nghĩ ra ý định dịch truyện ngắn này chỉ đơn giản vì một cảm giác tức thời mà phần nhiều là hứng khởi quá mức và thắc mắc tại sao một tác phẩm hay của một nhà văn nổi tiếng lại không phổ biến như nó xứng đáng. Và, mình nghĩ ai cũng thừa nhận điều này: Điều không thể tránh khỏi của những quyết định nhất thời là những lỗi lầm trẻ con trong nó, mặc dù kết quả của nó là thành công và tốt đẹp hay không còn phụ thuộc. Trong trường hợp này, những lỗi dịch là cái mình muốn nói đến. Trong khi sự thật là bản dịch này ở đây chỉ vì một mục đích là bạn được đọc nó, là nó được đọc và không có một vụ lợi gì khác; mình nghĩ sự góp ý có một chút khắt khe (khi nói “góp ý”, mình chỉ muốn nói về những góp ý thực sự có tính xây dựng) là hoàn toàn chấp nhận được và hoan nghênh. Lỗi dịch đầu tiên, có lẽ bạn có thể thấy từ đầu, là tên truyện; mình có lẽ đã chọn tên “Giấc mơ của một kẻ nực cười” – mình nghĩ lại và thấy đó là cái tên chính xác nhất. Ngoài lỗi này ra, có lẽ còn nhiều hơn nữa trong phần văn bản sau đây nhưng mình nói hơi nhiều rồi, phần đề tựa hết sức dài dòng phải dừng ở đây!
Vương Trọng Phú
Sài Gòn, 6/7/2017.
***
Tôi là một kẻ nực cười. Giờ thì người ta nói tôi điên luôn rồi. Và nếu tôi thật sự không còn nực cười trong mắt họ như trước nữa, đó hẳn có thể gọi là một bước tiến? Nhưng giờ tôi không còn giận dữ, bây giờ với tôi họ đều thật thân thương, và thậm chí khi họ cười nhạo tôi – và nhất là khi ấy, có lẽ tôi thương họ nhất . Tôi sẽ cười với họ, không hẳn là cười bản thân tôi, mà là vì tình thương cho họ, nếu tôi không quá buồn khi nhìn họ. Buồn vì họ không biết được sự thật, và tôi thì biết sự thật. Ôi, thật là khó khăn khi phải là người duy nhất biết được sự thật! Nhưng họ không hiểu điều đó. Không, họ sẽ chẳng hiểu được.
Trước đây, tôi đau buồn vì tôi có vẻ nực cười. Không phải “có vẻ” nữa, mà đúng là như vậy. Tôi đã luôn nực cười và tôi biết điều đó, có thể là ngay khi chào đời. Có thể từ khi lên bảy tôi đã biết rằng tôi rất nực cười. Rồi tôi đến trường, rồi lên đại học, và sao nữa – càng học nhiều, tôi càng nhận ra là mình nực cười. Cho nên với tôi, toàn bộ việc học ở đại học của tôi tồn tại duy chỉ để chứng minh cho tôi thấy, càng đi sâu vào học hành thì tôi càng nực cười hơn. Và tương tự việc học, cuộc sống cũng như vậy. Mỗi năm trôi qua sự nhận thức đó lớn lên và mạnh lên trong tôi, rằng sự hiện diện của tôi trên mọi phương diện đều nực cười. Tôi luôn bị mọi người trêu đùa. Nhưng không ai trong họ biết hay nghi ngờ rằng, nếu có ai trên hành tinh nhận thức rõ hơn tất cả mọi người về sự nực cười của tôi, người đó chính là bản thân tôi, và đó là điều khó chịu nhất với tôi, rằng họ không biết điều ấy, nhưng tôi mới chính là kẻ đáng phải bị đổ lỗi: Tôi đã luôn rất tự hào rằng tôi chưa bao giờ thú nhận chuyện đó với bất kỳ ai với bất kỳ giá nào. Cái tôi ấy lớn lên trong tôi qua năm tháng, và nếu chăng nó có xảy ra, rằng tôi cho phép bản thân thú nhận điều đó với ai đó rằng tôi thật sự nực cười, tôi nghĩ ngay đêm đó tôi sẽ bắn vỡ sọ mình với một khẩu súng lục. Ôi, tôi đã khổ biết bao trong những năm tháng tuổi trẻ vì không thể kìm chế bản thân và đột nhiên thú nhận điều ấy với bạn hữu của mình. Nhưng một khi tôi chạm đến mốc tuổi trưởng thành, tôi trở nên bình tĩnh hơn vì một lý do nào đó, mặc dù với mỗi năm trôi qua tôi càng nhận thấy rõ hơn phẩm chất tệ hại này của mình. Chính xác là vì một lý do nào đó, bởi vì cho tới nay tôi vẫn không thể hiểu tại sao. Có thể vì một nỗi đau to lớn đang lớn dần trong tâm hồn tôi trong một hoàn cảnh to lớn hơn tất cả những gì thuộc về tôi: Ấy là, sự kết tội đang xâm chiếm lấy tôi, rằng mọi thứ trên thế giới đều vô nghĩa. Tôi đã lường trước được nó rất lâu về trước, nhưng sự kết tội ấy đột nhiên đến với tôi đầy đủ nhất vào năm ngoái. Tôi bỗng dưng cảm thấy việc thế giới này tồn tại hay không chẳng có ý nghĩa gì với tôi nữa. Tôi bắt đầu hiểu và cảm nhận bằng cả tâm hồn mình rằng chẳng còn gì tồn tại cả. Ban đầu tôi nghĩ rằng đã từng có nhiều thứ tồn tại, nhưng rồi tôi nhận ra rằng cũng chẳng có gì tồn tại trong quá khứ, vì một lý do nào đó tôi cảm thấy như vậy. Từng chút một tôi bị thuyết phục rằng sẽ cũng chẳng có thứ gì tồn tại. Nhưng rồi tôi chợt thôi giận dữ với mọi người và bắt đầu gần như không quan tâm tới họ nữa. Thật vậy, điều đó trở nên hiển nhiên ngay cả trong những chuyện nhỏ nhặt nhất: Ví dụ, tôi sẽ đi xuống phố và va phải ai đó. Không phải là vì tôi mãi mê suy nghĩ, tôi có thể suy nghĩ về cái gì được chứ? Tôi đã hoàn toàn dừng suy nghĩ: mọi thứ đều vô nghĩa với tôi. Và nếu tôi có giải đáp được những câu hỏi đó thì cũng ổn thôi – ôi, tôi chưa từng giải đáp được một câu hỏi nào và chúng thì luôn quá nhiều. Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên vô nghĩa với tôi, và rồi những câu hỏi cũng biến đi đâu mất.
Và sau đó, tôi đã biết được sự thật. Tôi biết được sự thật vào tháng 11 trước, chính xác là ngày 3 tháng 11, và từ đó tôi ghi nhớ mọi khoảnh khắc. Đó là một buổi chiều u tối, u tối nhất có thể. Tôi đang trên đường về nhà, khoảng 10 đến 11 giờ, và tôi nhớ tôi đã chính xác nghĩ rằng không có thời gian nào u tối hơn nữa. Kể cả về mặt thể xác. Mưa trút xuống cả ngày và đó là cơn mưa lạnh và u tối nhất, tôi nhớ điều này, với một sự căm ghét rõ ràng với con người và bây giờ, giữa 10 và 11 giờ, nó tự nhiên tạnh, và một sự ẩm ướt thế chỗ. Ẩm và lạnh hơn cả khi trời đang mưa, và một loại hơi nước bốc lên từ mọi thứ, từ mọi viên đá trên đường và từ mọi con hẻm, nếu bạn nhìn xa vào sự sâu thẳm của con đường. Tôi đột nhiên tưởng tượng rằng nếu đèn bị tắt ở mọi nơi, nó sẽ vui hơn, và với những ngọn đèn khi con tim trở nên buồn hơn, vì chúng thắp sáng tất cả. Tôi gần như chưa ăn tối hôm ấy và từ chiều sớm đã ngồi với một kỹ sư và hai người bạn nữa. Tôi giữ im lặng và họ có vẻ chán ngấy tôi. Họ nói về cái gì đó sôi nổi và tự nhiên trở nên sôi nổi hơn. Nhưng nó không có ý nghĩa gì với họ, tôi có thể thấy điều đó, và họ chỉ sôi nổi vậy thôi. Tôi đột nhiên bảo họ rằng: “Các ông,” tôi nói, “nó không có ý nghĩa gì với các ông.” Họ không cảm thấy xúc phạm nhưng họ bắt đầu cười vào mặt tôi. Vì tôi nói điều đó không phải để quở mắng họ và đơn thuần vì nó không có ý nghĩa gì với tôi. Và họ có thể thấy rằng nó không có ý nghĩa gì với tôi, và thấy nó vui.
Khi tôi trên đường đang suy nghĩ về những ngọn đèn khí, tôi nhìn lên bầu trời. Trời vẫn rất tối, nhưng ta vẫn có thể thấy rõ những đám mây bị xé toạc và những hố đen không đáy giữ chúng. Đột nhiên giữa một trong những hố đen ấy tôi để ý thấy một ngôi sao và bắt đầu ngắm nó chăm chú. Vì ngôi sao nhỏ này cho tôi một ý tưởng: Tôi quyết định sẽ kết liễu mình đêm ấy. Tôi đã quyết định một cách chắc chắn việc ấy hai tháng trước và, nghèo như tôi, đã mua được một khẩu súng lục tuyệt vời và nạp đạn vào đúng ngày hôm đó. Nhưng hai tháng trôi qua và khẩu súng vẫn nằm trong ngăn kéo, nhưng nó thật vô nghĩa với tôi nên tôi muốn chờ một khoảnh khắc khi nó bớt vô nghĩa hơn – tại sao, tôi không biết. Và cho nên, trong suốt hai tháng, trở về nhà mỗi tối, tôi nghĩ tôi sẽ bắn chết mình. Tôi chờ đợi một khoảnh khắc. Và bây giờ ngôi sao nhỏ này đã cho tôi một ý tưởng, và tôi quyết định hôm nay sẽ là đêm ấy. Và tại sao ngôi sao cho tôi ý tưởng ấy – Tôi không biết.
Và rồi, khi tôi nhìn lên bầu trời, cô bé này đột nhiên nắm khuỷu tay tôi. Con đường vắng và gần như không có ai xung quanh. Đằng xa có một tên lái xe ngựa đang ngủ trong chiếc xe của hắn. Đứa bé vào khoảng 8 tuổi, với một chiếc khăn đeo trên đầu và mặc một cái váy nghèo nàn thấm đẫm nước, nhưng tôi đặc biệt nhớ đôi giày ướt và rách nát của nó, và tôi nhớ tới chúng lúc này. Cô bé bỗng dưng kéo lấy khuỷu tay tôi và gọi to. Cô không khóc, nhưng đứt quãng la lên từng chữ mà cô không phát âm rõ ràng được hẳn là vì cô bé đang lạnh và run bần bật. Đứa bé đang hốt hoảng vì một cái gì đó và la lên tuyệt vọng: “Mama! Mama!” Tôi quay mặt lại nhìn cô bé, nhưng không nói một lời và bỏ đi, nhưng cô bé chạy theo và kéo lấy tôi, và trong giọng nói của cô có một âm thanh mà những đứa trẻ phát ra khi sợ hãi, cho thấy nỗi tuyệt vọng. Tôi biết thứ âm thanh đó. Mặc dù cô bé không nói hết mọi từ, tôi hiểu rằng mẹ cô bé đang hấp hối nơi nào đó hoặc chuyện gì đó đã xảy ra với họ ở đó, và cô bé phải chạy ra để tìm ai đó, hoặc cái gì đó để cứu mẹ mình. Nhưng tôi không đi với cô bé, ngược lại đột nhiên có ý nghĩ đuổi cô bé đi. Đầu tiên tôi bảo cô bé biến đi và tìm một viên cảnh sát. Nhưng cô bé bỗng dưng chắp tay lại, thút thít, nghẹn ngào, tiếp tục chạy bên tôi và không chịu để tôi đi. Và lúc đó tôi dậm chân thật mạnh trước cô bé và quát. Cô bé thốt lên: “Thưa ông! Thưa ông!…” nhưng rồi đột nhiên cô ấy bỏ tôi và chạy băng qua bên kia đường: một người qua đường xuất hiện ở đó và có lẽ cô bé bỏ tôi để chạy đến chỗ anh ta.
Tôi lên căn hộ của mình ở tầng năm. Tôi sống trong một căn hộ có sẵn nội thất. Nó là một căn phòng nhỏ và nghèo nàn, với một cửa sổ gác mái hình bán nguyệt. Tôi có một chiếc sofa bọc vải dầu và một cái bàn với vài quyển sách trên đó, hai cái ghế, một chiếc ghế bành cũ nhất có thể nhưng lại là ghế Voltaire. Tôi ngồi xuống, thắp một cây nến và bắt đầu suy nghĩ. Cạnh bên, trong một căn phòng khác, đằng sau tấm vách ngăn, một cảnh hỗn loạn đang diễn ra. Nó đã kéo dài suốt hai ngày. Một thuyền trưởng đã về hưu sống bên đó, và ông ta có khách – khoảng sáu tên, uống vodka và chơi xì dách với cọc bài cũ. Đêm trước họ có một trận ẩu đã, và tôi biết rằng hai trong số họ đã giựt lấy tóc nhau một lúc lâu. Bà chủ nhà muốn than phiền nhưng lại sợ gã thuyền trưởng. Người duy nhất còn ở thuê trong những căn hộ có sẵn nội thất này là một phụ nữ nhỏ gầy, một người phụ nữ xa xứ có chồng trong quân đội và ba đứa con nhỏ đang bệnh của cô. Cô và những đứa con của cô cũng sợ gã thuyền trưởng tới mức ngất đi, run sợ và ôm lấy nhau cả đêm, đứa nhỏ nhất ngất đi vì sợ. Gã thuyền trưởng này, tôi biết chắc, đôi khi chặn đường lữ khách ở Nevsky Prospect và xin tiền từ họ. Họ không màng tới ông ta, nhưng lạ thay (đây là lý do vì sao tôi đang kể chuyện này), trong cả tháng trời từ lúc ông ta sống với chúng tôi, gã thuyền trưởng chưa bao giờ làm tôi bực dọc. đương nhiên, tôi tránh làm thân với ông ta từ ngày đầu tiên, và bản thân ông ta cũng chán ngấy tôi từ ngày đầu tiên, nhưng dù họ quát tháo cỡ nào đằng sau bức vách ngăn, và dù có bao nhiêu người trong số họ – điều ấy vẫn không có ý nghĩa gì với tôi. Tôi ngồi cả đêm và chẳng thèm nghe họ – đến giờ tôi gần như quên về họ. Tôi không ngủ từ tối cho đến lúc bình minh, chuyện đó kéo dài như vậy được một năm rồi. Tôi ngồi cả đêm tại chiếc bàn, trên chiếc ghế bành và không làm gì. Tôi chỉ đọc sách vào ban ngày. Tôi ngồi và thậm chí chẳng suy nghĩ gì, chỉ vậy thôi, một vài ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu và rồi biến đi. Cả cây nến cháy sạch qua một đêm. Tôi ngồi im lặng tại chiếc bàn, lấy khẩu súng lục ra, và đặt nó trước mặt mình. Trong lúc đặt nó ở đó, tôi nhớ đã tự vấn mình: “Sẽ như vậy sao?” và tự trả lời một cách khá chắc chắn: “Phải.” Nghĩa là tôi sẽ tự bắn chết mình. Tôi biết chắc tôi sẽ bắn chết mình ngay đêm đó, nhưng tôi sẽ ngồi ở đây bao lâu trước khi làm việc ấy – cái đó tôi không biết. Và dĩ nhiên tôi sẽ bắn chết mình nếu không phải vì cô bé ấy.
***
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821- 1881), sinh ngày 11.11.1821, là nhà văn nổi tiếng người Nga.
Cùng với Gogol, L. Toystol, ông được xem là một trong ba văn hào vĩ đại của Nga thế kỉ 19.
Dostoevsky sinh tại thành phố Moscow, là con trai thứ hai trong 7 người con của ông Mikhail, một bác sĩ quân y được biệt phái qua phục vụ tại Bệnh Viện Maryinski chuyên chữa trị các người nghèo. Ông Mikhail là một con người cứng rắn, thẳng thắn trong khi bà mẹ lại có bản tính trái ngược, bà ta rất thụ động, tử tế và rộng lượng. Các sự kiện của gia đình quý tộc xa xưa này với cha mẹ có một vùng đất và hơn một trăm nông nô, đã là hình ảnh của các nhân vật với các bản tính thái cực trong các cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky sau này.
Trong thời gian Fyodor đi học xa nhà, ông Mikhail đã bị giết chết do các nông nô trong vùng nổi loạn và hình ảnh giết người bất ngờ và tàn bạo này luôn luôn ám ảnh Fyodor Dostoevsky khiến cho các tác phẩm của ông thường dùng đề tài là các tội ác. Và vào cuối cuộc đời, cái chết của người cha đã là căn bản cho tác phẩm danh tiếng Anh Em Nhà Karamazov.
Fyodor Dostoevsky rất yêu thích văn chương. Vào tuổi 25, Fyodor đã cầm bút, sáng tác ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên với tên là Những kẻ bần hàn xuất bản vào năm 1846. Đây là một câu chuyện tình cảm mô tả một cách bóng bẩy các cảnh tàn phá của kiếp nghèo. Cuốn truyện này đã được các nhà phê bình khen ngợi, đặc biệt là Vissarion Belinsky, và nhà văn trẻ tuổi Dostoevsky được gọi là một "Gogol mới", tác phẩm của ông trở nên bán chạy nhất, bởi vì từ xưa tới nay chưa có một nhà văn người Nga nào cứu xét một cách kỹ càng sự phức tạp tâm lý của các cảm xúc bên trong tâm hồn con người. Fyodor Dostoevsky đã dùng tới phương pháp phân tích tâm lý để tìm hiểu các hoạt động rất tinh tế của tâm lý mọi người. Sau tác phẩm Những kẻ bần hàn , Fyodor Dostoevsky sáng tác ra cuốn Con người kép đề cập tới sự phân đôi cá tính và đây là căn bản dùng cho nhân vật Raskolnikov của đại tác phẩm Tội Ác và Trừng Phạt.
Qua tác phẩm này, Fyodor Dostoevsky được toàn thế giới công nhận là một trong các Đại Văn Hào của nước Nga, được xem là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20.
Tác phẩm tiêu biểu:
Mời các bạn đón đọc Giấc Mơ Của Một Người Đàn Ông Kỳ Quặc của tác giả Fyodor Dostoevsky.