Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Thời Thanh Niên Của Bác Hồ

Cuốn sách Thời thanh niên của Bác Hồ, tác giả Hồng Hà, do Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản lần đầu năm 1976. Sách kể chuyện những hoạt động của Bác Hồ từ lúc Người rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước tháng 6 năm 1911 đến tháng 6 năm 1923 khi Người rời Pháp đi sang Liên Xô.

Tác giả viết cuốn sách này dựa vào những hồ sơ, tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cơ quan lưu trữ quốc gia của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô mà tác giả đến công tác. Ngoài ra, còn có những cuộc phỏng vấn của tác giả đối với các đồng chí, đồng sự, bạn bè người nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các nước nói trên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời của Người, như Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh giá là “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Thời thanh niên của Người đi qua các châu lục và đại dương, chứng kiến nhiều dân tộc, nhiều màu da khác nhau sinh sống và đấu tranh, là vô cùng sôi nổi với nhiều kỳ tích, chỉ nhằm thực hiện lý tưởng vì nước, vì dân.

Bằng nguồn tài liệu phong phú thu thập được qua các chuyến đi ở nhiều nước trên thế giới, nhà báo Hồng Hà đã viết tác phẩm Thời thanh niên của Bác Hồ này.

***

Mùa xuân năm 1908, giữa lúc hàng ngàn nhân dân Huế nằm chắn ngang cầu Tràng Tiền và vay quanh tòa Khâm sứ để chống thuế, chống đi phu thì anh Nguyễn Tất Thành đang cắp sách đến trường Quốc học Huế. Cổng trường xây hình gác chuông đắp hai con rồng bằng mảnh sứ. Từ trong sân trường, các học sinh nghe vọng tới tiếng đồng bào kéo đi đấu tranh dọc bờ sông Hương. Anh Thành không thể không suy nghĩ về thời cuộc và anh nhìn rõ thêm kẻ thù của dân tộc.

Điều đó anh hiểu từ lúc anh còn ở quê làng Sen, tỉnh Nghệ An, sống giữa những người thân của anh. Nguyễn Tất Đạt, tức cả Khiêm, anh ruột, và Nguyễn Thị Thanh, tức Bạch Liên, chị ruột của anh, đều là những người hoạt động ủng hộ nghĩa quân Nghệ An lúc bấy giờ và bị tù nhiều năm. Cha anh là bạn của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Những lần ông Phan Bội Châu đến chơi nhà, anh lắng nghe giọng nói đầy sức lôi cuốn của ông. Thơ văn của Phan Bội Châu để lại trong tâm hồn anh những cảm xúc mãnh liệt, dạt dào tình yêu Tổ quốc.

Anh Thành thích câu thơ của Tùy Viên mà ông Phan Bội Châu thường ngâm:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối hạ thị văn chương

(Mỗi bữa không quên ghi sổ sách

Lập thân hèn nhất ấy văn chương)

Ông Phan mượn những câu thơ ấy để tỏ sự khinh ghét thứ văn chương trống rỗng và làm cầu bước tới ghế ông quan. Đối với anh Thành, những câu thơ ấy khêu gợi ở anh lòng ham muốn hành đông ích nước, lợi dân. Anh là một thanh niên sôi nổi nhưng có óc nghĩ sâu sắc. Anh nhận ra những bài học xuyên tạc lịch sử dân tộc, những ngày giờ tập dịch tiếng Pháp trong lớp chỉ nhằm đào tạo những người thừa ngoan ngoãn cho chế độ thống trị. Đấy không phải là con đường và lý tưởng của anh. Anh muốn cống hiến tuổi trẻ của anh cho việc thực hiện hoài bão mà anh và cả gia đình ấp ủ.

Dạo ấy trong các sĩ phu yêu nước Việt Nam có một chuyển biến mới. Họ muốn thoát ra một phần khỏi ý thức hệ phong kiến và hấp thụ một phần ý thức hệ từ giai cấp tư sản từ Âu, Mỹ truyền sang qua các sách dịch bằng tiếng Trung Hoa. Trào lưu tư tưởng mới ấy suất phát từ một nền kinh tế tư sản dân tộc đang hình thành và cố gắng ngoi lên chống sự chèn ép của chủ nghĩa thực dân. Các nhà văn thân chủ trương mở hội kinh doanh và mở trường học để truyền bá tinh thần yêu nước trong nhân dân. Hà Nội có những nhà hàng lớn như Đồng Lợi Tế, Hồng Tân Hưng, Quảng Hưng Long, Đông Thành Hưng. Nghệ An có Triệu Dương thương quán. Quảng Nam có Quảng Nam hiệp thương công ty. Sài Gòn và Cần Thơ có nhà Nam Đồng Hương và Minh Tân công nghệ xã. Phan Thiết có hội Liên Thành sản xuất và buôn nước mắm. Hội Liên Thành mở trường Dục Thanh dạy chữ quốc ngữ.

Trường cất bằng gạch, lợp ngói âm dương nhìn ra con sông Mương Máng. Một cây cổ thụ phía trước, một hồ sen phía sau trường tạo một khung cảnh thích hợp cho học tập và tư duy. Trường tổ chức rất quy củ, có cả chỗ nội trú và phòng ăn cho thầy giáo và học sinh. Đồng bào một số địa phương ủng hộ mục đích cao cả của trường, tự nguyện hiến ruộng cho trường để lấy hoa lợi làm học bổng cho học sinh.

Dục Thanh là một trường tư tưởng tiến bộ nhất thời bấy giờ ở miền Trung. Tiếng tăm của nó truyền đi khắp nơi, thu hút nhiều người yêu nước quan tâm đến vận mệnh của dân tộc. Anh Nguyễn Tất Thành bỏ học ở Huế vào thẳng Phan Thiết dạy lớp ba, lớp nhì ở trường Dục Thanh.

Người thầy giáo 21 tuổi ấy truyền cho học trò mình không chỉ những kiến thức văn hóa mà cả tư tưởng yêu nước nữa. Mỗi sáng, trong bộ bà ba trắng, thắt lưng màu hoa lý, chân đi guốc gỗ, thầy Thành vào lớp chọn bốn học sinh, hai trai, hai gái đứng lên bình mấy câu văn trong tập sách của Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong Tiếng gió biển thổi qua song cửa gỗ là tiếng thầy Thành giảng văn:

… Trời đất hỡi! Dân ta khốn khổ!

Đủ các đường thuế nọ thuế kia

Lưới vây, chải quét trăm bề,

Róc xương róc thịt còn gì nữa đâu!

… Tiếng tiếng giỏ ra từng giọt máu

Đêm đêm khuya tỉnh giấc hồn mê!

Ai ơi, có mến non cùng nước

Nhớ tổ, mau mau ngoảnh cổ về.

Mỗi tháng một lần, thầy Thành dẫn học sinh lên chơi động Thành Đức. Thầy trò mang theo cơm nước, ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện bên gốc những cây thị đến chiều tối mới về. Những dịp sáng trăng, thầy Thành đưa học sinh ra bãi biển ngồi trên những ghềnh đá ngắm trăng và ngâm hát những bài ca yêu nước:

Á tế á năm châu là bậc nhất.

Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn…

Đứng làm trai trong vòng trời đất.

Phải làm sao cho rõ mặt non sông.

Kìa kìa, mấy bậc anh hùng.

Cũng vì thuở trước học không sai đường…

Thầy Thành giảng cho học sinh hiểu tư tưởng của Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ, Von-te…, những văn hào và triết gia Pháp đã xướng ra những thuyết nhân đạo, dân quyền tự do bình đẳng, bác ái trong khuôn khổ chế độ tư bản chủ nghĩa chống lại những học thuyết phong kiến cổ hủ. Những học thuyết ấy còn đè nặng xã hội Việt Nam gấp nhiều lần so với xã hội các nước châu Âu.

Thầy Thành còn chú ý rèn luyện thể lực cho học sinh. Cứ đúng 5 giờ sáng, thầy trò ra sân trường tập thể dục. Hàng tuần, vào ngày thứ năm, tập các môn điền kinh như nhảy sào, nhảy cao, xà đơn, kéo dây. Anh Thành đã chinh phục và cảm hóa được lớp trẻ của trường Dục Thanh, của thị xã Phan Thiết bằng sự nhiệt tình, sự tận tâm và cái đẹp của tâm hồn anh. Anh tiêu biểu cho một kiểu thầy giáo và người thanh niên mới nhất và có trí tuệ nhất. Vì anh sống có lý tưởng trong sáng, có lòng ham muốn học hỏi. Và nhất là có khả năng tổng kết kinh nghiệm để tìm ra lẽ phải.

Anh rất khâm phục tinh thần của các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhưng anh không hoàn toàn tán thành cách làm của họ. Một người dựa vào hoàng phái, quan lại và Nhật Bản, một người dựa vào chính ngay thực dân Pháp để mong giành lại độc lập cho nhân dân ta. Anh cảm thấy những chủ trương đó là không đúng. Các phong trào yêu nước liên tiếp thất bại. Trần Quý Cáp bị thực dân xử tử. Phan Chu Trinh bị đày đi Côn Đảo. Vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội không thành công. Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, và nhiều người lãnh đạo bị bắt. Phong trào Duy Tân bị đàn áp. Quân Pháp mở cuộc tiến công cuối cùng vào căn cứ của Hoàng Hoa Thám. Giai cấp phong kiến không còn đủ sức tập hợp lực lượng nhân dân chống lại quân thù. Cách mạng Việt Nam đang trải qua những năm tháng khủng hoảng cả về lý luận, đường lối và phương thức.

Anh Thành không bi quan trước tình hình ấy. Anh nhìn thấy ở đấy sức quật khởi của đồng bào, truyền thống buất khuất của dân tộc và thôi thúc tìm đường cứu nước. Trong thoái trào chung của cách mạng, hội Liên Thành phải thu hẹp hoạt động và trường Dục Thanh chuẩn bị đóng cửa.

*

* *

Năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành từ giã trường học thân yêu vào ở Sài Gòn. Lúc này đang là thời kì bọn thực dân Pháp, sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, triệt để khai thác có hệ thống các nguồn tài nguyên phong phú và sức lao động rẻ mạt của nhân dân ta. Đường xá, cầu cống, nhà máy mọc lên cùng với sự hình thành đầu tiên của một giai cấp công nhân. Và cũng lần đầu tiên, anh Thành thấy lớp người mới ấy của Xã hội làm việc trong các nhà mấy xây, máy cưa, nấu rượu, làm nước đá, làm đường các xưởng đóng tàu và sửa chữa ô tô, khuân vác hàng trên các bến tàu. Bọn thực dan tự do cướp đất, mở nhiều đồn điền quanh Sài Gòn, trồng chè, cà phê, cao su và bắt đầu cho xuất cảng một khối lượng khá lớn nông sản, lâm sản. Cảng Sài Gòn mở thêm bến, xây thêm kho, mộ thêm công nhân tăng thêm xe vận tải. Các tàu Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản mỗi tháng vào cảng dăm ba chục chiếc.

Mời các bạn đón đọc Thời Thanh Niên Của Bác Hồ của tác giả Hồng Hà.