Cung oán ngâm khúc (chữ Hán: 宮怨吟曲) hay gọi tắt là Cung oán là tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ Nôm, gồm 356 câu thơ làm theo thể song thất lục bát.
Cung oán ngâm khúc là bài ca ai oán của người cung nữ có tài sắc, lúc đầu được nhà vua yêu chuộng, ái ân hết sức nồng nàn thắm thiết "mây mưa mấy giọt chung tình - đình trầm hương khoá một cành mẫu đơn", nhưng chẳng bao lâu đã bị ruồng bỏ. Ở trong cung, nàng xót thương cho thân phận mình và oán trách nhà vua phụ bạc "chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi". Cung nữ khát khao muốn "đạp tiêu phòng mà ra" để trở về với cảnh đời "cục mịch nhà quê" thuở trước, nhưng nàng vẫn tiếp tục bị giam cầm trong cung điện vàng son, trong nỗi buồn đau sầu thảm và oán hờn chất chứa. Cuối cùng, nàng vẫn khát khao có lại những cuộc ân ái hiếm hoi khi xưa "giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày", vẫn mong chờ được nhà vua đoái hoài đến trong nỗi niềm tuyệt vọng:
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi
Những hương sầu phấn tủi sao xong?
Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa?
***
Văn học Việt Nam thế kỷ 18 đạt những thành tựu rực rỡ vì đã chứng kiến sự ra đời nhiều tác phẩm Nôm xuất sắc ở cả hai mặt: nội dung phản ánh thời đại sâu sắc và trình độ nghệ thuật điêu luyện. Một trong những tác giả có công lao đóng góp vào thành tựu ấy là Nguyễn Gia Thiều.
Thời đại Nguyễn Gia Thiều sống là thời đại có nhiều biến động. Loạn lạc, đói kém khắp nơi. Vua chúa quan lại ăn chơi trụy lạc, tranh chấp, loại trừ nhau. Dân nghèo bị đàn áp, bóc lột. Binh sĩ bỏ thây ở các chiến trường. Trong triều đình, ngoài thôn xóm, từ quý tộc đến bình dân đều cảm thấy hãi hùng, bế tắc.
Sự lo lắng về thân phận con người mặc nhiên được đặt ra cho những ai có ý thức quan tâm đến hiện thực bất bình và vấn đề nhân đạo. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (có nhiều bản dịch) đã là một tiếng nói phản đối chiến tranh. Cung oán ngâm khúc góp thêm lời tố cáo cuộc sống chán chường mệt mỏi, bất bình vì những cay nghiệt: Cảnh phù du trông thấy mà đau!
Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vũ hầu. Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ của những cung nữ bị bỏ rơi.
Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ. Người phụ nữ trong khúc ngâm đã lên tiếng. Nàng ý thức rõ rệt về phẩm chất, tài năng của mình, nàng tố cáo cuộc sống phè phỡn xa hoa của bọn vua chúa, biến người cung nữ thành thứ đồ chơi. Nàng miêu tả nỗi thê thảm trong cuộc sống cô đơn, tù túng. Từ sự phản ánh hiện thực với lòng phẫn nộ và sự oán hờn như vậy, nàng triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng:
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Ở đây, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời cung nữ để nói lên tâm sự bế tắc của mình, cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông, chán chường và mệt mỏi.
Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc về mặt cấu trúc cũng như về mặt ngôn từ đều sắc sảo. Không gian Cung oán ngâm khúc là không gian bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Thời gian Cung oán ngâm khúc chủ yếu là mùa thu và bóng đêm. Cảnh trong Cung oán ngâm khúc là cảnh lồng qua màn sương hồi ức và tưởng tượng. Đặc biệt, lối biểu hiện bằng cảm giác là cách viết độc đáo của Nguyễn Gia Thiều có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam, rất tập trung và cô đọng.
Những hình dung từ về xúc giác, thị giác, thích giác chọn lọc tài tình, bất ngờ mà đúng chỗ, đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Vần điệu song thất lục bát nhuần nhuyễn, phép đối ngẫu được tôn trọng chặt chẽ. Hơi văn, giọng văn réo rắt não nùng, thích hợp với nội dung và tâm trạng con người trong khúc ngâm.
Nguyễn Gia Thiều là một tài năng đa dạng. Ông thuộc gia đình quý tộc, xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như ý Thiền).
Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở từ điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông có được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.
Giáo sư văn học Vũ Ngọc Khánh
***
Nguyễn Gia Thiều sinh năm 1741, không rõ ngày tháng nào, ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình đại qúy tộc, có nhiều người làm tướng, làm quan cho triều đình. Sinh thời ông được chúa Trịnh tin dùng, giao cho giữ các chức Hiệu úy, quản Trung mã tả đội; sau đó ông làm chỉ huy Thiêm sự, rồi thăng làm Tổng binh coi giữ xứ Hưng Hóa, sau có công lại được phong đến tước Ôn Như Hầu. Tuy theo nghiệp võ quan nhưng Nguyễn Gia Thiều lại thích làm thơ và bàn luận về triết học.
Năm 1786, Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, Nguyễn Gia Thiều trốn lên miền núi xứ Hưng Hóa. Năm 1789, Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh, lập ra triều đại mớị Vua Quang Trung trọng người tài, thu dụng một số quan lại cũ của triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Gia Thiều được mời ra cộng tác, nhưng ông cáo bệnh từ chốị Nguyễn Gia Thiều về lại làng cũ, sống ở đấy, hằng ngày uống rượu tiêu sầu, giả ngây giả dại và đến ngày 9 tháng 5 Mậu ngọ, tức ngày 22 tháng 6 năm 1798 thì mất, thọ 57 tuổi.
"Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều là một tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc bản dịch "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm, từ thể loại ngâm khúc viết bằng song thất lục bát đến cách phát triển chủ đề cũng như bút pháp nghệ thuật. Có thể nói sự ra đời của "Cung oán ngâm khúc" cùng với sự ra đời của "Chinh phụ ngâm đã khẳng định một cách vững chắc thể ngâm trong văn học của giai đoạn nàỵ
Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc về mặt cấu trúc cũng như về mặt ngôn từ đều sắc sảo. Không gian Cung oán ngâm khúc là không gian bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Thời gian Cung oán ngâm khúc chủ yếu là mùa thu và bóng đêm. Cảnh trong Cung oán ngâm khúc là cảnh lồng qua màn sương hồi ức và tưởng tượng. Đặc biệt, lối biểu hiện bằng cảm giác là cách viết độc đáo của Nguyễn Gia Thiều có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam, rất tập trung và cô đọng. Những hình dung từ về xúc giác, thị giác, thích giác chọn lọc tài tình, bất ngờ mà đúng chỗ, đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Vần điệu song thất lục bát nhuần nhuyễn, phép đối ngẫu được tôn trọng chặt chẽ. Hơi văn, giọng văn réo rắt não nùng, thích hợp với nội dung và tâm trạng con người trong khúc ngâm.
Mời các bạn đón đọc Cung Oán Ngâm Khúc của tác giả Nguyễn Gia Thiều.