CÔ GÁI DƯỚI TẦNG HẦM là cuốn tiểu thuyết lịch sử vô cùng hấp dẫn cho chúng ta góc nhìn về cuộc sống của những con người bị đối xử bất công bởi chủng tộc và màu da, trong đó có những người nhập cư Trung Quốc, vào thời kỳ hậu Tái thiết.
Jo Kuan mười bảy tuổi, cho dù khéo léo và tài năng, nhưng luôn buộc mình phải sống như vô hình để tránh xa rắc rối. Cô cùng cha nuôi ở trong căn hầm bí mật nằm dưới một toà soạn báo, và an phận với công việc làm mũ cho các quý bà quý cô yêu thời trang. Nhưng khi bị mất việc và làm hầu gái cho một quý cô của gia đình giàu có bậc nhất Atlanta, Jo đã chứng kiến rất nhiều sự bất công diễn ra trong thành phố của mình. Thất vọng, cô bắt đầu trở thành tác giả ẩn danh cho chuyên mục tư vấn báo chí có tên “Quý cô Ngọt ngào”. Khi chuyên mục của cô trở nên nổi tiếng với những quan điểm cấp tiến về mọi lĩnh vực, đặc biệt là về những bất công trong xã hội, cũng là lúc danh tính của cô bị săn lùng ráo riết khiến cô phải quyết định xem liệu một con người vốn quen ẩn mình trong bóng tối như cô có sẵn sàng bước ra ánh sáng hay không.
Ngoài những dấu ấn lịch sử có thực của thời kỳ này, chúng ta cũng được chứng kiến một bức tranh chân thực về những người phụ nữ da màu bị xã hội cô lập phải đấu tranh trong hai trận chiến - vì bình đẳng giới và bình đẳng chủng tộc.
***
Cô Gái Dưới Tầng Hầm – Bức Tranh Về Phân Biệt Chủng Tộc Thời Hậu Tái Thiết Nước Mỹ
Cầu Vồng 03/12/2020
Cuộc sống là một bàn cờ, mà nếu bạn chơi ngay thẳng những quân cờ tốt nhất của bạn sẽ đứng vào những ô thích hợp nhất khi bạn cần chúng nhất.
Cô gái dưới tầng hầm, một cuốn sách hư-cấu-lịch sử cho thanh thiếu niên về nạn phân biệt chủng tộc, nam nữ dưới thời kì hậu tái thiết của Mỹ vô cùng chân thực và trần trụi.
MUA SÁCH TRÊN FAHASA
Nhân vật chính của Cô gái dưới tầng hầm là Jo Kuan, một thiếu nữ mang dòng máu Trung Quốc bị bố mẹ ruột bỏ rơi, may mắn được Già Gin yêu thương và nuôi nấng. Hai người nương tựa và đỡ đần nhau trong cuộc sống. Jo Kuan và Già Gin không có một ngôi nhà tử tế để ở, họ phải sống trong căn hầm của những người theo chế độ bãi nô xưa.
Sự Phân Biệt Chủng Tộc Quá Đỗi Đáng Sợ
Jo rất thông minh và sở hữu bàn tay vô cùng tài hoa. Jo làm thuê trong một tiệm mũ, có năng lực vượt trội hơn những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, Jo bị đuổi việc chỉ vì cô là người da vàng, và người ta bao biện rằng “cô quá ngang ngược”. Rời tiệm làm mũ, Jo được giới thiệu tới giúp việc tại nhà của một trong những gia tộc giàu có, danh giá nhất tại Atlanta. Không chịu khuất phục trước số phận, Jo quyết định viết cho tờ báo Focus với “thân phận” Quý Cô Ngọt Ngào. Tại đây, cô thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, sự phân hoá giai cấp của xã hội và về quyền lợi của người phụ nữ. Cái nhìn, lý lẽ sắc bén của Jo đã đánh trúng và kích thích suy nghĩ, tâm tư của những người cùng số phận với cô. Một cái gì đó như đang ánh lên, len lỏi trong họ…
Công bằng và tử tế dành cho người khác, ô chỉ xòe che trên những mái đầu nhất định. Người Trung Quốc chỉ có thể cố tránh xa cơn mưa; và nếu mắc phải một trận mưa rào, chúng tôi phải xoay xở mà sống, vì hiểu rằng chẳng có cơn mưa nào kéo dài mãi mãi.
Trong những năm cuối thế kỉ XIX ấy, tiếng nói của những người da màu thật nhỏ bé đến thảm thương. Sợ lệnh cấm phụ nữ da màu đi xe đạp, Noemi, cô bạn hầu gái của Jo sẵn sàng cắn răng mua xe đạp trước khi điều đó xảy ra. Robby bán hàng vô cùng tốt nhưng mãi ông chủ vẫn chưa quyết định cho chàng trở thành nhân viên chính thức vì Robby là người da màu. Hay sự phân biệt đối xử công khai trên xe điện dành cho người da trắng và da màu… và còn rất nhiều, rất nhiều điều khác nữa. Tất cả như một bức tranh khắc họa trần trụi về sự bất công của những người da màu, những người thấp bé nhất trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ.
Jo Kuan – Mạnh Mẽ Và Can Đảm
Phải thú nhận rằng, mình vô cùng, vô cùng yêu thích cái cách mà Stacey Lee xây dựng nhân vật Jo Kuan. Một cô gái dám nghĩ, dám làm, cá tính và bướng bỉnh. Những màn “đấu tranh nội tâm” của Jo khiến mình không thể ngừng cười vì quá dí dỏm nhưng cũng rất cảm phục cô gái này. Hay ngay cả khi thân phận thực sự của Quý Cô Ngọt Ngào sắp bị bại lộ, dù rất hoảng loạn, lo lắng, Jo vẫn luôn mạnh mẽ, can đảm và liều lĩnh hơn bao giờ hết. “Tôi sẽ dành cả đời lo sợ rằng, âm thanh giọng nói của chính mình sẽ để lộ bản thân tôi, nhưng tôi sai rồi. Nếu tôi không chịu dùng tiếng nói của chính mình, tôi sẽ không có mặt ở đây, hôm nay.”
Lời Kết
Dưới ngòi bút của Stacey Lee, Cô gái dưới tầng hầm như tái hiện lại xã hội phân biệt chủng tộc nặng nề của nước Mỹ dưới thời hậu tái thiết. Đó là nơi chỉ có những người da trắng mới có thể lên tiếng, có quyền bầu cử và được hưởng những đặc quyền được mang lại bởi màu da của mình. Là nơi mà người da màu bị ức hiếp, phải sống dưới đáy xã hội… Bên cạnh đó thì những phân đoạn về tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu chung quanh Jo cũng hết sức cảm động và nghẹn ngào đấy.
Lời khen của mình dành cho Cô gái dưới tầng hầm chắc chắn không thể nào đếm xuể, cả về nhân vật, nội dung hay cách mà tác giả xây dựng cuốn sách. Hy vọng bạn cũng sẽ yêu thích nó như mình nhé.
***
Review Sách: CÔ GÁI DƯỚI TẦNG HẦM
Đăng vào 9 Tháng Tư, 2020 bởi Lai Up
Tác giả: Stacey Lee
“… nhưng thật có mà giải thích nổi sự cảnh giác suốt đời này. Công bằng và tử tế dành cho người khác, ô chỉ xòe che trên những mái đầu nhất định. Người Trung Quốc chỉ có thể cố tránh xa cơn mưa; và nếu mắc phải một trận mưa rào, chúng tôi phải xoay xở mà sống, vì hiểu rằng chẳng có cơn mưa nào kéo dài mãi mãi.”
Đây là lần đầu tiên mình đọc một tiểu thuyết viết trên nền bối cảnh lịch sử những năm 18xx của nước Mỹ nên cảm giác rất tò mò ấy. Dù điều này là nguyên nhân làm tốc độ đọc giảm đi khá nhiều, nhưng cũng là cơ hội để mình được dịp nghiền ngẫm từng câu chữ và cảm nhận cái hay trong văn phong của Stacey Lee.
Cô gái dưới tầng hầm là câu chuyện về cuộc đời của một cô bé 17 tuổi, Jo Kuan. Khéo léo, thông minh và chăm chỉ, Jo, theo lẽ thường tình, nên là cô gái được mọi người quý mến và yêu thương hết mực. Nhưng dưới thân phận một cô gái da màu người Trung Quốc sinh ra trong thời kỳ hậu Tái thiết ở miền Nam nước Mỹ, cuộc đời Jo là một chuỗi những bất công, bị cha mẹ ruồng bỏ ngay khi vừa lọt lòng, sống lén lút trong căn hầm ẩm thấp và tăm tối cùng Già Gin, bị đuổi khỏi xưởng làm mũ dù tay nghề rất giỏi, trở thành hầu gái cho cô tiểu thư Caroline đanh đá, lắm trò và chịu đủ sự bất công khác mà xã hội dành cho những người da màu…
Dù lấy bối cảnh một xã hội phân biệt màu da và giới tính, nhưng Cô gái dưới tầng hầm không phải một bức tranh u uất đầy tăm tối. Ở Jo luôn toát ra ánh sáng của niềm tin và hy vọng, nơi những suy nghĩ của cô không bị gò bó trong khuôn khổ của xã hội, và ý chí đủ nhiều để thay đổi cuộc sống của chính cô, cùng những người đang chịu áp bức bóc lột như cô. Bình thường, cô là Jo Kuan, một cô gái người Trung Quốc không có tiếng nói, phải lao động vất vả và bị phân biệt đối xử. Ở một cái tôi khác, cô là Quý cô Ngọt Ngào, chủ mục cho tờ báo Focus, người đưa ra những quan điểm cấp tiến dễ gây tranh cãi nhưng có tác động lớn đến tư tưởng của phụ nữ và tình hình xã hội lúc bấy giờ. Càng đọc, càng nhiều bí mật xoay quanh cuộc đời Jo được hé lộ và những tình tiết càng đến cuối càng cuốn hút ấy. Qua hình ảnh của Jo, bạn sẽ nhận ra số phận do chính mình quyết định. Hoàn cảnh sống có nhiều khi đẩy bạn đến vực thẳm, nhưng nhảy xuống dưới hay tung cánh bay lên là lựa chọn của chính bạn. Giống như Quý cô Ngọt Ngào, “Tôi sẽ dành cả đời lo sợ rằng, âm thanh giọng nói của chính mình sẽ để lộ bản thân tôi, nhưng tôi sai rồi. Nếu tôi không chịu dùng tiếng nói của chính mình, tôi sẽ không có mặt ở đây, hôm nay.”
Cách xây dựng hình tượng nhân vật trong cuốn sách này của Stacey Lee khiến mình ồ lên thích thú, thật sự vô cùng ấn tượng ấy. Mọi tình tiết đều xoay quanh Jo, nhưng không vì vậy mà các nhân vật khác bị lu mờ. Từ Già Gin, Noemi, Robby, ông bà Bell, Nathan, cho đến những nhân vật phản diện như Billy Riggs hay ngài Q đều “có đất diễn”. Mỗi người đều có những nét đặc trưng riêng khiến người đọc không thể quên, và chính bản thân họ, dù góp phần quan trọng trong những tác động đến tình cảm và suy nghĩ của Jo, thì vẫn bộc lộ được tính cách, thái độ và lý tưởng sống của riêng mình.
Ban đầu mình cứ nghĩ nội dung của cuốn sách sẽ tập trung vào những tranh đấu nội tâm của Jo, khi thân phận của Quý cô Ngọt Ngào bị săn lùng ráo riết và Jo buộc phải lựa chọn tiếp tục sống trong bóng tối hay bước ra ngoài ánh sáng. Và vượt xa hơn cả những gì mình kì vọng, tác phẩm đã mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và thân phận của những người da màu, đặc biệt là người phụ nữ da màu, khi sống trong xã hội phân biệt đối xử, cùng sự mạnh mẽ và ý chí kiên cường của họ trên con đường đấu tranh giành lại quyền bình đẳng. Một bức tranh về khung cảnh Atlanta thời kỳ hậu Tái thiết được vẽ ra, với sự tương phản rõ nét giữa người giàu và người nghèo, người da trắng và da đen, những dinh thự cao sang với căn hầm tăm tối. Và ở một khía cạnh khác, cuốn sách còn lột tả được những tình cảm rất đẹp, như tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu.
Ở phần cuối của cuốn sách còn có ghi chú của tác giả về giai đoạn lịch sử được lấy làm bối cảnh cho tác phẩm và giải thích rõ hơn thực trạng miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ Tái thiết và hậu Tái thiết. Phần này đã giúp mình giải thích được một vài tình tiết còn khúc mắc trong truyện và gom nhặt được thêm một chút kiến thức cho mình.
Nhìn chung lại thì cuốn sách này chứa đựng nhiều ý nghĩa mà giọng văn vẫn rất nhẹ nhàng, sâu lắng và dễ cảm (không bị cứng nhắc, khô khan như những gì mình nghĩ trước đó về những sách có liên quan đến lịch sử). À và còn những phép ẩn dụ, so sánh trong tác phẩm này rất đỉnh ý, như hình ảnh những con cừu đen trong bức tranh trên tường nhà bà Payne, hay căn hầm nơi Jo và Già Gin cùng nhau sinh sống, cả chiếc xe đạp an toàn và vài lần so sánh đầy tinh nghịch trong những màn đối đáp của Jo nữa. Và mình rất thích những đoạn về Jo và Nathan, những khi hai người ở cạnh nhau. Bao trùm lên khung cảnh là một bầu không khí thấu hiểu và ngọt ngào lâng lâng. Không quá vội vàng, không những lời tán tỉnh hay hứa hẹn xa xôi, với Jo và Nathan, mọi thứ cứ từ tốn, nhẹ nhàng như một tách trà chiều, mà say đắm.
Mời bạn đón đọc Cô Gái Dưới Tầng Hầm của tác giả Stacey Lee & Thanh Yên (dịch).