Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Giá Trị Học

Thật là một ngẫu nhiên hiếm có, một may mắn lớn cho tôi làm một số công việc cuối cùng của cuốn sách này vào các dịp kỉ niệm:

- 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

- 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

- 65 năm ngày thành lập nước VNDCCH nay là CHXHCNVN

- 56 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

- 35 năm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Các sự kiện lịch sử trọng đại này rất gắn bó với nhau trong dòng giá trị tinh thần bất diệt của dân tộc. Và mỗi một chúng ta, trong đó có tác giả các dòng chữ này, là một thành phần, đều có quan hệ keo sơn với các giá trị bất hủ của những chiến công thần thánh đem lại cho chúng ta cuộc sống ngày hôm nay. Tác giả cuốn sách xin được bày tỏ lời cảm ơn vô cùng sâu sắc tới Bác Hồ, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam và Liên Xô (cũ) đã đào tạo tôi thành một cán bộ khoa học, các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các bà mẹ anh hùng, các chiến sĩ, nhất là các bạn cùng trang lứa, trong đó có các nhà giáo đi B và các nhà giáo kháng chiến trong vùng địch tạm chiếm, đồng bào đã hy sinh thân mình hoặc một bộ phận thân thể, đã chịu đựng những năm tháng biết bao gian khổ cực kỳ mà ngày nay không thể tưởng tượng nổi, cho nền độc lập, thống nhất Tổ quốc, cuộc sống hoà bình, an vui, hạnh phúc, cho nền giáo dục nhân dân, nền khoa học nước nhà từng bước sánh vai với bạn bè năm châu, bốn biển, như Bác Hồ hằng mong ước. Nước nhà không được như ngày nay, chắc khó có tác phẩm này. Tác giả hy vọng có đóng góp nhỏ, dù chỉ như hạt cát, giữ gìn và phát triển, phát huy các giá trị của dân tộc và con người Việt Nam.

Tôi đi từ giáo dục học, tâm lý học đến với giá trị học trong thời điểm nhấn mạnh hơn bao giờ hết đường lối “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại” và cũng là lúc trong xã hội, thang giá trị, định hướng giá trị, thước đo giá trị có những biến động mạnh, những thay đổi lớn lao, thậm chí có chỗ đảo lộn, gây nhiều bức xúc, băn khoăn, lo lắng có khi đến cay đắng, đau lòng từ trong nhà ra ngoài ngõ. Người người, nhà nhà quan tâm đến giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách. Cuốn sách này mong được đáp ứng, dù phần nhỏ, vào công việc hết sức trọng đại này của dân tộc. Để làm được việc đó, vì là một công trình khoa học, nên lại phải đi từ ngọn nguồn, dù chưa có điều kiện, cả về thời gian cả về tư liệu, có khi cả trình độ cũng có chỗ hạn chế, thực hiện đến nơi đến chốn, mong bạn đọc thông cảm. Thế là một cuộc hành trình không ít gian nan bắt đầu từ tìm tòi xem ý tưởng “Giá trị con người” có tự bao giờ, ai là tác giả, ý tưởng đó phát triển qua vài mốc chính đến khoa học về giá trị hiện đại, quan tâm nhiều hơn tới hệ giá trị một số nơi trên thế giới – châu Âu, Mỹ, Đông Á, Đông Nam Á – bao gồm những gì và tác dụng của chúng đối với tiến bộ xã hội trở thành văn minh, giàu có - mục đích chính của cuốn sách nhỏ này. Cuộc hành trình muốn đến đích này, lại phải dừng lại một số vấn đề cơ bản, như đối tượng và cơ sở triết học của giá trị học, trải nghiệm là cơ chế tạo lập và vận hành của giá trị và thái độ giá trị. Một điều tác phẩm nhất thiết phải đề cập đến, dù chưa được như mong muốn, là tìm hiểu các giá trị chung của loài người và con người: Tính người, tình người, các giá trị “Chân, Thiện, Mỹ”, giá trị sống còn, giá trị lao động, quan hệ người - người, giá trị trách nhiệm xã hội…

Tóm lại, giá trị học trình bày trong tập sách này là bước đi mới ban đầu ở nước ta, gắn bó mật thiết với các khoa học:

- Đạo đức học,

- Văn hoá chính trị học,

- Nghiên cứu con người – Nhân học văn hoá,

- Tâm lý học – Tâm lý học giá trị,

- Giáo dục học – Giáo dục học giá trị.

Nội dung sách này có thể hỗ trợ các khoa học kể ra ở đây. Ngược lại, tri thức của các khoa học này có phần trợ giúp đắc lực cho tiếp thu sách này.

Nhưng công trình này không nhằm đơn thuần trình bày một số hiểu biết về giá trị học, mà, như tên gọi cuốn sách, chủ yếu nhằm mục đích cung cấp cơ sở lý luận để đúc kết và xây dựng Hệ giá trị chung của người Việt Nam trong thời đại công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, mở cửa hội nhập với khu vực, với thế giới (nói gọn: Thời nay). Vạn sự khởi đầu nan, hy vọng, khó khăn ban đầu được khắc phục, công việc sẽ thu được kết quả. Tiếp nối truyền thống dân tộc, từng người, gia đình và cả xã hội… hơn bao giờ hết giáo dục vun xới giá trị bản thân và cộng đồng, nhất là các nhà chức trách, các tổ chức, doanh nghiệp… thực sự trọng dụng, phát huy giá trị của từng con người, để chúng ta có nguồn nhân lực, “vốn người” hoàn toàn đủ sức (trên thực tế chúng ta có đủ tiềm năng, như lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh) đồng thuận, đoàn kết đưa nước ta thành một nước văn hiến phát triển, độc lập, giàu có, dân chủ, an bình, hạnh phúc. Đây cũng là ước muốn của tác giả, như tất cả các bạn.

Như trên đã nói, tác phẩm còn xa mới đạt mức hoàn thiện, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Chỉ mong sao có bạn đọc và chờ đợi các bạn chỉ giáo những khiếm khuyết. Được vậy, tôi xin vô cùng cảm ơn!

Hà Nội những ngày lịch sử năm 2010

TÁC GIẢ

***

Bài mục thứ nhất
Đi vào nghiên cứu giá trị học: Ý tưởng và triển khai
Cuốn sách này viết về Giá trị học là Khoa học về Giá trị. Bài mục này (mục lục sách không theo “Phần…”, “Chương…”, mà theo “Bài mục…”) trình bày “lịch sử” quá trình lao động viết nên công trình này.

Trong quá trình viết luận án Tiến sĩ khoa học “Hành vi và hoạt động” ở khoa tâm lý học, trường Đại học Tổng hợp Lômônôsốp (1973-1977), tôi đã quan tâm đến Giá trị học - Khoa học về Giá trị. Nhưng hồi ấy ở Liên xô chưa cho phép trình bày suy nghĩ đó, mãi khi về nước, tại Hội thảo tâm lý học toàn quốc tổ chức năm 1978 tại Nha Trang, trong báo cáo khoa học “Tâm lý học và khoa học nghiên cứu con người” tôi mới có thể trình bày khẳng định: “… tâm lý học phải coi trọng giá trị và quy luật giá trị đang tồn tại một cách khách quan…”, coi đó là “nội dung cơ bản của cuộc sống thực, trong đó đời sống người nảy sinh và phát triển…”(1). Khi nghiên cứu Tâm lý học Hành vi ở Mỹ - nơi có nền kinh tế thị trường từ lâu và đã thu được nhiều thành quả phát triển kinh tế rất khả quan - tôi ngày càng thấy rõ việc nghiên cứu tâm lý người trong trường tác động của quy luật giá trị, chính là con đường nghiên cứu tâm lý, như Các Mác đã chỉ ra, của “… những cá nhân hiện thực…, hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ”(2). Tuy nhiên, cuối thập kỷ 70 và suốt thập kỷ 80 thế kỷ trước, tôi được giao một số đề tài nghiên cứu khoa học khác, nên chưa đi vào đề tài giá trị học được, ngoại trừ dịp tôi nhận làm Tổng chủ biên tập sách “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học giáo dục” (Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục, 1981). Khi lập đề cương cho tập sách trên, tôi vẫn đeo đuổi ý tưởng đưa giá trị học vào khoa học giáo dục nên đã giao cho PGS. TS. Trần Tuấn Lộ viết một bài theo hướng này. Rất tiếc bài viết đó lại chủ yếu nói về các giá trị thẩm mỹ.

Kể từ sau “Đổi Mới”, Đảng và Nhà nước ta mới quan tâm thực sự thích đáng (cả về lý luận và thực tiễn) đối với quy luật giá trị, được tính đến không phải chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là đối với con người. Chính sách sử dụng nhân lực đã tạo thêm cơ sở xã hội thôi tôi thúc suy nghĩ tìm cách triển khai ý tưởng nghiên cứu giá trị học. Rất may mắn, những năm 1989 và 1990 tôi được Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học – Công nghệ) mời tham gia vào Tiểu ban chuẩn bị một số chương trình nghiên cứu khoa học, rồi tiếp đó làm Chủ nhiệm Chương trình khoa học – công nghệ Nhà nước (KHCN NN) KX-07 “Con người - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội” theo tư tưởng ghi trong Cương lĩnh của Đảng ta (1991). Phải nói thêm rằng đây là lần đầu tiên trong khoa học nước nhà có chương trình KHCN NN về con người: Cách tiếp cận mới với “nhân tố con người”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của “nhân tố con người”. Với tư cách là Chủ nhiệm chương trình, tôi đề xuất 19 đề tài, được Ban chủ nhiệm chương trình nhất trí thông qua. Trong đó có đề tài về “Nhân cách”(3). Khi triển khai đề tài này cùng với đề tài “Phương pháp luận”, Chương trình đã vận dụng phương pháp tiếp cận giá trị học vào triển khai; đồng thời, có đề tài nhánh nghiên cứu “Định hướng giá trị nhân cách” và “Giáo dục giá trị” (một đề tài do PGS (nay là GS) TSKH. Thái Duy Tuyên, một đề tài do PGS. (nay là GS.) TS. Nguyễn Quang Uẩn phụ trách(4).

Có thể nói, KX – 07 là công tình đầu tiên triển khai ý tưởng đi vào nghiên cứu khoa học về giá trị (giá trị học) ở Việt Nam và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Trong đó, đặc biệt, đã nêu lên nhận định khái quát về những biến đổi rất đáng kể trong định hướng giá trị ở thanh niên ta (nhận định này lần đầu tiên được công bố trong sách “Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới”, Phạm Minh Hạc, KX – 07, Hà Nội, 1994) và khẳng định một số giá trị chung của thế giới, như: Hoà bình, Phát triển, Dân chủ… và một số giá trị của dân tộc ta, như: Yêu nước, Cần cù, Hữu nghị…

Giai đoạn những năm 2000-2006, theo tư tưởng bên cạnh cột trụ chính trị, cột trụ kinh tế, cột trụ xã hội, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh cột trụ “văn hoá, con người và nguồn nhân lực”. Chương trình KHCN NN “Phát triển văn hoá, con người và nguồn lực trong thời kỳ CNH, HĐH” do tôi làm Chủ nhiệm, có ba mảng: Văn hoá - Con người - Nguồn nhân lực, rất gắn bó với nhau và do đó phải có sự kết nối trong quá trình nghiên cứu. Chương trình đưa ra kết luận: từ giá trị văn hoá đến giá trị con người, cuối cùng ra giá trị nhân lực chứa đựng “lực lượng bản chất của con người” (Các Mác) là một dòng chảy - sức mạnh vô tận quan trọng nhất của nội lực dân tộc. Đây chính là ý nghĩa của giá trị học đối với cuộc sống, cũng như với chính trị học, ngày nay thường gọi là giá trị quan: vận dụng quan điểm giá trị vào văn hoá chính trị. Chương trình có cơ hội vận dụng phương pháp tiếp cận giá trị học vào tâm lý học khi dành hẳn một đề tài nghiên cứu “giá trị nhân cách” theo phương pháp thực nghiệm đang dùng rộng rãi trên thế giới, kết quả phản ảnh trong một tập sách khá dày(5) những số liệu và nhận định rất lý thú, phần nào được giới thiệu ở bài mục Tâm lý học giá trị trong tác phẩm này.

Do những kết quả nghiên cứu về con người trong mười năm (1990-2000), nhất là với sự kiện ngày 20 tháng 9 năm 1999, Viện nghiên cứu Con người (NCCN) thuộc Viện Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam, Dự án Điều tra Giá trị Thế giới (ĐTGTTG) - viết tắt là WVS - đã quyết định kết nạp Việt Nam vào Dự án ĐTGTTG. Với việc tham gia hai đợt điều tra vào năm 2001 và 2006 theo một phương pháp chung, tham gia một số hội thảo quốc tế trong khuôn khổ Dự án (có báo cáo khoa học) và công bố một số kết quả nghiên cứu trên sách và tạp chí quốc tế nên chúng tôi có thêm nhiều thông tin mới để cập nhật hơn về lý luận và phương pháp nghiên cứu. Nói theo ngôn ngữ thường nhật bây giờ, đề tài của chúng tôi đã “hội nhập” với thế giới.

Thực ra, khoa học từ sau thời Cổ đại, đặc biệt từ giữa thiên niên kỷ trước, luôn luôn mang tính quốc tế. Ở ta, khoa học còn mới mẻ, chắc có thể tính từ sau Cách mạng tháng Tám hoặc chính xác hơn từ sau năm 1954. Từ lâu chúng ta đã nói về các giá trị di sản văn hoá - lịch sử - cách mạng, nhưng chủ đề Giá trị học, như trình bày trong sách này, mới được đề cập lần đầu tiên trong thời kì Đổi mới và mãi sang đầu thế kỷ XXI chúng tôi mới có điều kiện bước đầu tìm hiểu lịch sử khoa học này: Năm 2004 công bố bài đầu tiên và phần lớn các bài mục trong tập sách này đã công bố trong 6 năm qua (2004 - 2010) trên tạp chí Nghiên cứu Con người, đôi bài trên tạp chí Giáo dục, Khoa học giáo dục, Tuyên giáo.

Ngày 25 tháng 4 năm 2008 đánh dấu một mốc đáng ghi nhớ của công trình này: Theo sự phân công của Hội đồng lý luận Trung ương (HĐLLTƯ) và Viện KHXH Việt Nam, với tư cách nguyên là Viện trưởng Viện NCCN, tôi được trình bày báo cáo khoa học “Vấn đề xây dựng con người và nguồn nhân lực: Quan niệm, chính sách” với Bộ Chính trị. Báo cáo rút ngắn đã được HĐLLTƯ in trong một tập sách(6) và Viện NCCN đăng tải trong sách nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện(7). Trong phần cuối của báo cáo chúng tôi đề xuất và kiến nghị Đảng và Nhà nước công bố đúc kết Hệ giá trị Việt Nam. Được chính thức báo cáo như vậy đối với chúng tôi hết sức có ý nghĩa: đó là đã có “đầu ra” (phục vụ xã hội) có ý nghĩa quan trọng nhất đối với công trình khoa học – điều mà ai trong giới khoa học cũng mong muốn.

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị, tháng 9 năm 2008, Viện KHXH VN đã giao cho tôi đề tài NCKH cấp Bộ “Những luận cứ khoa học của việc xây dựng Hệ giá trị chung của người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập dưới tác động của toàn cầu hoá”, thực hiện trong 2 năm 2009 và 2010, theo đó tập trung vào cơ sở lý luận, chủ yếu sử dụng các cứ liệu của các chương trình, đề tài kể trên và chỉ điều tra định tính bổ sung cứ liệu cần thiết. Đề tài đã tạo điều kiện giúp tôi hoàn tất bản thảo cuốn sách này; mạnh dạn đề xuất đúc kết, xây dựng Hệ thống giá trị chung của Việt Nam thời nay; thử đưa ra một phương án để xin ý kiến rộng rãi, phát huy tác dụng của Giá trị học, hy vọng có đóng góp - dù rất nhỏ nhoi - vào giữ gìn và xây đắp nền tảng tinh thần của dân tộc, từng cộng đồng…, đặc biệt, giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ, làm sao mỗi người đều tự mình, cũng như nhà trường, gia đình, xã hội giúp từng người kiến tạo nên những giá trị bản thân – giá trị nhân cách: Tâm lực, trí lực, thể lực; Phát huy các giá trị này, đồng thời (yêu cầu này rất quan trọng) cộng đồng xã hội tạo môi trường (điều kiện) lành mạnh cho mọi người tạo lập và sử dụng các giá trị bản thân: Quý trọng con người, đề cao, tận dụng giá trị con người (nguồn nhân lực - vốn người), nhất là trọng dụng nhân tài - đầu tàu của nguồn nhân lực, tạo nên cuộc sống an bình, thịnh vượng, hạnh phúc.

Đóng góp nhỏ bé này, nếu thực hiện được, là mục tiêu tối thượng của tập sách và nói chung, của cả cuộc đời làm khoa học của tác giả.

Lời nói đầu tiên không thể thiếu: tự đáy lòng tôi muốn được bầy tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cán bộ quản lý khoa học nước nhà, các cơ quan chủ trì chương trình, đề tài cùng các bạn đồng nghiệp cộng tác trong các chương trình, đề tài do tôi phụ trách, các nhà xuất bản, các tạp chí đã công bố các sản phẩm của tôi trong suốt 20 năm qua (1990 - 2010) - nhờ vậy mà hôm nay có tác phẩm này. Giá trị học là một lĩnh vực khoa học rất phức tạp, khá nhạy cảm, đặc biệt trong thời gian này, lại là một chủ đề mới đối với tôi, nhiều chỗ có tính chất nêu vấn đề hơn giải quyết vấn đề. Cho nên không tránh khỏi thiếu sót, rất mong các bạn gần xa chỉ giáo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO (TLTK)
1. Phạm Minh Hạc. Tuyển tập tâm lý học. tr.493, tr.647, NXB. Giáo dục (GD), Hà Nội (HN), 2001; NXB. Chính trị quốc gia (CTQG), HN, 2005.

2. Các Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, t.3, tr.28. NXB. CTQG, HN,1995.

3. Phạm Minh Hạc. Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào CNH, HĐH. NXB. CTQG, HN, 2001.

4. Thái Duy Tuyên (Chủ biên), Lê Đức Phúc, Nguyễn Đức Uy, Đặng Thành Hưng, Nguyễn Đức Thạc, Nguyễn Thanh Hoàn, Nguyễn Thế Hùng. Giá trị Định hướng giá trị - Sự biến đổi định hướng giá trị con người Việt Nam hiện nay (tư liệu). KX-07-10.HN, 1993.

Phạm Minh Hạc. Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới. KX- 07, HN, 1994.

Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thạc, Mạc Văn Trang. Giá trị - Định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị. KX- 07 – 04, HN, 1995.

5. Phạm Minh Hạc (Chủ biên), Vũ Thị Minh Chi, Nguyễn Văn Huy, Lê Thanh Hương, Phạm Mai Hương, Đào Thị Minh Hương, Nguyễn Công Khanh, Lê Đức Phúc. Nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI-R cải biên. NXB. Khoa học xã hội (KHXH), HN, 2007.

6. Hội đồng lý luận Trung ương. Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra trong tình hình hiện nay. Tập I. NXB. CTQG, HN, 2008.

7. Mai Quỳnh Nam (Chủ biên). Con người, Văn hoá - Quyền và phát triển. NXB. Từ điển bách khoa, HN, 2009.

Công trình 20 năm
1991 - 2010
---------------
3 Chương trình KHCN NN
1 đề tài cấp Bộ:
Kết quả bước đầu

Mời các bạn đón đọc Giá Trị Học của tác giả Phạm Minh Hạc.