Ngôi trường nữ học danh giá nhất nước Anh xảy ra liên tiếp nhiều vụ án mạng. Với nhiều học sinh xuất thân từ hoàng tộc và gia đình giàu có, liệu nhà trường có liên quan đếm âm mưu nào lớn hơn? Giữa những nữ sinh và giáo viên nữ hiền lành, kẻ sát thủ giấu mặt như con mèo rơi vào giữa đàn bồ câu.
***
Review Phong:
Trước khi lên đường ra nước ngoài nhằm tránh khỏi cuộc cách mạng của phe nổi dậy, vị Quốc vương của Ramat là Ali Yusuf đã tin tưởng giao số đá quý trị giá bảy trăm năm mươi ngàn bảng cho viên phi công riêng là Bob Rawlinson. Sau khi cân nhắc, Bob đã tìm đến chị gái Sutcliffe của anh đang nghỉ dưỡng tại một khách sạn của Ramat. Nhưng khi đến nơi thì người chị gái đã đi ra ngoài, không có thời gian chờ đợi vì cuộc cách mạng có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bằng cách nào đó Bob đã đưa được số đá quý vào hành lý trong phòng người chị kèm theo một lời nhắn. Sau này, con gái của Sutcliffe là Jennifer được nhận vào học tại Meadowbank, trường nữ sinh danh giá nhất của nước Anh, cùng nhập học với cô bé còn có cái tên đáng chú ý: Công nương Shaista, em họ của Quốc vương Ali Yusuf. Cũng kể từ đây, liên tiếp những vụ giết người với đối tượng hướng đến là các cô giáo trong trường đã khiến danh tiếng của Meadowbank gần như hoàn toàn sụp đổ chỉ sau vài tuần bắt đầu kì học mới.
Cuốn thứ 7 của tác giả Agatha Christie mà mình đọc. So với những cuốn rất hay của bà mình đọc gần đây thì cuốn này chỉ dừng ở mức đọc được, bà viết cuốn này khi đã 69 tuổi nên mình thấy thế là được rồi. Vụ án không hấp dẫn, có nhiều hơn một cái chết nhưng tình tiết rất bình thường chứ không nhanh và hấp dẫn như những cuốn mình đọc trước đây như “Ngôi nhà quái dị”, “Án mạng trên sông Nile” hay “Tận cùng là cái chết”. Phần phá án của Hercule Poirot có lẽ là phần mình thấy thú vị duy nhất trong truyện. Mình thích truyện kết thúc ở chương 24 hơn, đúng với phong cách những điều bất ngờ dồn dập đến ở khoảng 20 trang cuối của bà. Chương 25 giúp giải quyết toàn bộ vấn đề còn lại được đưa ra, mình đọc thấy hơi dài dòng và cũng không hứng thú lắm nhưng mình tôn trọng toàn bộ dụng ý mà bà đưa ra trong truyện.
Cuốn này thực sự là một thảm họa về khâu biên tập, xứng đáng là cuốn sách đáng xấu hổ nhất của Trẻ mà mình hiện có. Trẻ là một NXB lớn, nắm bản quyền các tác phẩm của Agatha Christie nhưng tại sao họ có thể phát hành một cuốn sách đầy lỗi thế này thì mình không biết, những cuốn trước cuốn nào không ít thì nhiều cũng có lỗi, nhưng dày đặc thế này thì mình mới thấy lần đầu. Mình có kiểm tra lại lời nói đầu, thì đúng là họ cam kết đem đến những bản dịch tốt, hình thức đẹp chứ không nói gì đến việc biên tập kĩ lưỡng. Khi mình đề cập vấn đề này với admin fanpage NXB Trẻ thì nhận được phản hồi như hình dưới. Vậy hóa ra mỗi lần tái bản NXB chỉ in lại chứ không hề rà soát lỗi biên tập, trong khi việc này đã phải làm kĩ ngay khi phát hành. Không nói ra thì không chịu được vì sách của tác giả mình yêu thích lại không được quan tâm biên tập cho đúng mực, mà nói ra rồi lại thấy ức hơn vì giờ phải đọc lại toàn bộ sách, ghi chú lỗi lại với hy vọng ở lần tái bản sau, cuốn sách này sẽ được chăm chút tốt hơn. Tương lai nào cho những đứa con tinh thần của Agatha Christie khi được xuất bản tại Việt Nam …
***
Review Lucy:
Tại Ramat sắp có cuộc bạo động và quốc vương nước này được sắp xếp tẩu thoát ra nước ngoài. Ông đưa cho bạn thân đồng thời là phi công một chiếc túi chứa đầy kim cương dặn dò tìm cách đưa số kim cương này thoát ra khỏi Ramat. Bởi quốc vương nhận thấy cuộc tẩu thoát lành ít dữ nhiều và ông không muốn kẻ thù nhặt lấy nó từ xác của mình. Chàng phi công đã lén nhét vào hành lí của cô cháu gái Jennifer vì cô sắp về Anh để đi học.
Đúng như dự đoán. Máy bay bị gài bom phát nổ, quốc vương và phi công lao vào núi rồi chết. Số kim cương cùng cô cháu gái đến trường Meadowbank một ngôi trường nữ sinh danh giá nhất nước Anh. Tại đây xảy ra hàng loạt vụ bắt cóc, giết người nhằm mục đích chiếm đoạt số kim cương mà Jennifer vẫn không hay biết mình đang giữ.
Chương mở đầu khá là rối vì giới thiệu một loạt nhân vật giáo viên, công nhân viên, học sinh, phụ huynh. Các nhân vật nối tiếp nhau xuất hiện khiến người đọc không nắm bắt kịp. Chương mở đầu không cung cấp manh mối gì nhiều chủ yếu dùng để phô chất riêng của tác giả. Nhưng cũng đừng lo vì chương sau đó sẽ tóm tắt lại các nhân vật chính và vai trò chủ chốt.
Có nhiều tình tiết khá là dài dòng như chuyện cô Bulstrode dự định nghĩ hưu lặp lại suốt, đọc ngán luôn.Nhân vật ấn tượng nhất cũng là cô Bulstrode, một người hiệu trưởng thực sự có bản lĩnh và luôn ghét từ "tẻ nhạt"
Mình chấm tác phẩm này 6/10 điểm. Cảm thấy bình thường, không quá thất vọng nhưng cũng không được như kỳ vọng
***
Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Hồi còn nhỏ, Agatha không được tới trường mà chỉ được gia đình thuê gia sư về dạy dỗ tại nhà.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình, ban đầu bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi đức lang quân bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường thì bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Những bí ẩn vùng Styles, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch Chiếc bẫy chuột của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
***
Hôm ấy là ngày khai giảng kì học hè ở trường Meadowbank. Ánh chiều tà đổ xuống con đường lát sỏi rộng thênh trước tòa học xá. Cửa trước rộng mở vui đón khách, và ngay ở cửa, tương xứng một cách đáng ngưỡng mộ theo đúng tỉ lệ kiến trúc thời Georgia của tòa nhà là cô giáo Vansittart, tóc gọn gàng, áo khoác và váy được cắt may không chê vào đâu được.
Một số bậc phụ huynh không biết rõ đã nhầm bà với bà Bulstrode, mà đâu hay bà Bulstrode có lệ rút lui vào cấm cung, ở đấy chỉ số ít bậc phụ huynh chọn lọc được hưởng đặc quyền mới được đón tiếp.
Đứng cạnh cô Vansittart, đang điều hành ở một mức độ hơi khác là bà Chadwick, với vẻ tự tin, hiểu biết, và ở Meadowbank này bà đóng một vai trò lớn đến độ thật khó tưởng tượng trường Meadowbank lại không có bà. Chưa bao giờ ngôi trường này thiếu vắng bà. Bà Bulstrode và bà Chadwick đã cùng nhau khởi lập Meadowbank. Bà Chadwick đeo kính không gọng, đầu hơi cúi, ăn mặc không mấy cầu kỳ, giọng nói hòa nhã, và tình cờ thay lại là một nhà toán học xuất sắc.
Những lời chào đón ân cần của cô Vansittart ân cần vang khắp tòa nhà.
“Bà có khỏe không, thưa bà Arnold? Ồ, Lydia, chuyến đi tàu Hellenic của em có vui không? Thật là một cơ hội tuyệt vời! Em có chụp được nhiều ảnh đẹp không?
“Vâng, thưa bà Garnett, bà Bulstrode đã nhận được thư của bà về Lớp Nghệ thuật, tất cả đã được thu xếp rồi.
“Bà khỏe không, thưa bà Bird?… Ô? Tôi nghĩ hôm nay bà Bulstrode không có thời gian để bàn bạc chuyện này. Cô Rowan ở đây, bà có muốn nói chuyện với cô ấy về vấn đề này không?
“Chúng tôi đã chuyển phòng ngủ của em rồi, Pamela ạ. Em giờ ở chái nhà phía xa, cạnh cây táo…
“Vâng, quả vậy, thưa bà Violet, từ đầu mùa xuân tới giờ thời tiết thật kinh khủng. Cháu bé nhất nhà bà đây phải không? Tên cháu gì nhỉ? Hector hả? Cháu có máy bay đẹp thế, Hector.
“Très heureuse de vous voir, Madame. Ah, je regrette, ce ne serait pas possible, cette après-midi. Mademoiselle Bulstrode est tellement occupée.Rất vui được gặp bà, thưa bà. Ồ, tôi rất tiếc chiều nay thì không thể rồi. Bà Bulstrode rất bận.
“Xin chào giáo sư. Ngài có khám phá thêm được điều gì thú vị không?”
Trong căn phòng nhỏ ở tầng một, Ann Shapland, thư ký của bà Bulstrode, đang đánh máy thoăn thoắt và chính xác. Ann năm nay ba lăm tuổi, vẻ ưa nhìn, mái tóc vừa vặn như chiếc mũ sa-tanh đen đội lên đầu. Nếu muốn, cô có thể trông quyến rũ hơn, nhưng cuộc đời đã dạy cô rằng năng lực và hiệu quả thường được trả công cao hơn vẻ ngoài, lại tránh được những phiền toái bực mình. Ở thời điểm này, cô đang tập trung vào tất cả mọi công việc mà một người thư ký hiệu trưởng của một trường nữ sinh nổi tiếng cần làm.
Thỉnh thoảng, khi đặt một tờ giấy vào máy chữ, cô lại nhìn ra cửa sổ và lộ rõ niềm thích thú về những vị khách mới đến.
‘Trời đất ơi!’ Ann tự nhủ, vẻ ngưỡng mộ, ‘Mình không biết ở nước Anh vẫn còn nhiều tài xế riêng đến vậy!’
Rồi cô bất giác mỉm cười, khi một chiếc xe Rolls uy nghi chạy đi và một chiếc xe Austin nhỏ xíu, cũ mèm và méo mó tiến vào. Một ông bố vẻ lo lắng từ xe bước ra, cùng cô con gái trông bình tĩnh hơn nhiều so với ông bố.
Khi ông dừng lại chừng như sắp ngã đến nơi, thì cô Vansittart từ trong nhà bước ra và làm chủ tình huống.
“Thiếu tá Hargreaves phải không ạ? Đây hẳn là Alison rồi? Xin mời vào trong nhà. Mong ngài vào xem phòng của Alison…”
Ann nhếch mép cười rồi tiếp tục đánh máy.
‘Ôi đúng là Vansittart, người đóng thế vinh quang,’ cô tự nhủ. ‘Cô ta có thể học theo mọi mánh lới của bà Bulstrode. Quả thật, cô ta rất thuộc bài!’
Một chiếc xe Cadillac to lớn và xa hoa đến khó tin, sơn hai tông màu, đỏ mâm xôi và xanh dương, rẽ vào (hơi khó khăn do chiều dài của nó) và đỗ phía sau chiếc xe cũ của Thiếu tá Alistair Hargreaves.
Tài xế bật mở cửa, một người da sẫm, bộ râu dày, mặc áo choàng aba là lượt bước ra, theo sau là một tín đồ thời trang Pari và sau đó nữa là một cô bé mỏng mảnh, da sẫm.
‘Đấy chắc hẳn là Công nương… tên là gì ấy nhỉ,’ Ann nghĩ. ‘Không thể tưởng tượng nổi cô bé ấy mặc đồng phục, nhưng mình cho rằng điều thần kỳ sẽ xuất hiện ngày mai…’
Lần này cả cô Vansittart và bà Chadwick đều xuất hiện.
‘Họ sẽ được đưa vào danh sách diện kiến,’ Ann quả quyết.
Rồi cô nghĩ, cũng khá lạ, rằng người ta không thích đùa cợt về bà Bulstrode. Bà Bulstrode là Người Ai Cũng Biết. ‘Tốt hơn nên tập trung vào chuyên môn đi,’ cô tự nhủ, ‘và gõ xong mấy bức thư này không sai lỗi thì hơn.’
Ann không phải là người hay phạm lỗi lầm. Cô đủ giỏi để có quyền chọn việc như ý. Cô từng là trợ lý riêng cho tổng giám đốc một công ty dầu mỏ, thư ký riêng cho ngài Mervyn Todhunter, nổi tiếng về sự uyên bác, thói cáu bẳn và chữ viết tay khó đọc. Trong số những người thuê cô làm việc, có hai người là Chủ tịch Nội các và một vị công chức quan trọng trong cơ quan chính phủ. Nhưng nhìn chung, công việc của cô luôn là giữa đám đàn ông. Cô băn khoăn mình sẽ thế nào, như cách nói của cô, khi hoàn toàn giữa đám phụ nữ. Ờ - thì đằng nào cũng là những trải nghiệm thôi. Và dù thế nào cũng có Dennis! Dennis thủy chung từ Malaya, từ Burma, từ nhiều nơi trên thế giới trở về, và vẫn như xưa, vẫn tận tình, và hỏi cưới cô lần nữa. Dennis thân thương! Nhưng thật là tẻ nhạt lắm mới đi cưới Dennis.
Trong tương lai sắp tới, cô sẽ nhớ đến thời gian được làm việc cùng nam giới. Tất cả những giáo viên ở đây - không có lấy một mống đàn ông nào cả, ngoại trừ lão làm vườn đã tám chục tuổi.
Nhưng đến đây Ann bỗng ngạc nhiên. Nhìn ra cửa sổ, cô thấy một người đàn ông đang xén hàng rào ngay phía bên kia lối đi dành cho ô tô - rõ ràng là một người làm vườn nhưng mà còn lâu mới tám chục tuổi. Trẻ, tóc đen, và điển trai. Ann ngẫm ngợi, hình như người ta có nhắc đến chuyện thuê người phụ việc, nhưng người này đâu phải dân quê mùa. À thì, ngày nay người ta làm đủ thứ việc. Một số thanh niên đang cố tích góp tiền cho dự định này nọ trong tương lai, hay chỉ kiếm đủ sống qua ngày. Nhưng anh ta đang xén hàng rào theo cách rất chuyên nghiệp. Chắc hẳn anh ta là một người làm vườn thực thụ.
Mời các bạn đón đọc Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu của tác giả Agatha Christie.