Bên trời ngân mãi khúc đào hoa" là bản nhạc da diết bi thương về câu chuyện của ba nhân vật chính: Thịnh Nhan, Thượng Giới và Thượng Huấn.
Ngày Thịnh Nhan ra đời, cha nàng chưa kịp nhìn mặt con gái thì đã bị triệu vào trong cung gặp mặt Hoàng đế để làm thơ chúc tụng cho hoàng tử cũng vừa chào đời. Bởi vì Thịnh Nhan ra đời trùng ngày với hoàng tử Thượng Huấn nên đã được Hoang đế ban tên.
Dù được hoàng đế ưu ái, cha Thịnh Nhan vẫn bị biếm đến một nơi xa xôi hẻo lánh giữ chức Ty thương vì bị liên lụy việc đấu đá trong triều. Cha của Thịnh Nhan trở thành Ty thương, là "một chức quan coi kho, bổng lộc ít ỏi, chẳng chấm mút được gì." Cha nàng lại nhu nhược, thường xuyên bị người khác lừa gạt, nếu trong kho có thiếu hụt ông đều phải tự lấy tièn túi ra bù đắp, con số thường lớn đến kinh người. Cũng vì thế mà chẳng bao lâu sau, nhà họ Thịnh đã dần trở nên nghèo túng đến thảm thương.
Khi Thịnh Nhan mười một tuổi, Hoàng đế lâm bệnh qua đời, hoàng tử Thượng Huấn sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với Thịnh Nhan được quần thần phò trợ trở thành Hoàng đế.
Cha của Thịnh Nhan đổ bệnh nặng, thầy thuốc chẳng buồn bận tâm thăm bệnh vì gia cảnh nhà nàng bần hàn. Chẳng lâu sau cha nàng qua đời. Từ đó cuộc sống của Thịnh Nhan lại cơ cực hơn nhiều. Nàng và mẹ phải nương tựa vào nhau mà sống bằng nghề may vá thêu thùa. Gia sản ít ỏi cha để lại bị người trong họ xâu xé, cuối cùng chừa lại cho hai mẹ con nàng một gian nhà rỗng toác ở ngoại ô, miễn cưỡng nương thân.
Đến khi Thịnh Nhan mười bảy tuổi, khi nấp dưới mái hiên để trú mưa, nàng tình cờ nhìn thấy một thiếu niên tuấn lãng, đúng vào lúc ấy, người ấy cũng ngoảnh sang nhìn nàng, ánh mắt đôi bên giao nhau trong khoảnh khắc.
"Chỉ có mưa, mưa trắng cả đất trời, khi gần khi xa."
Cơn mưa ấy, ánh mắt ấy, đã mang theo lưu luyến đau thương cả đời người.
…
Sau vài câu trò chuyện, Thịnh Nhan đột nhiên nhận ra nam tử này và mình năm xưa đã từng gặp nhau chơi đùa trong cung khi nàng bảy tuổi. Nhưng giờ đây y không còn là đứa trẻ đã từng cùng nàng bầu bạn nữa mà đã trở thành một thiếu niên xuất thân cao quý. Thế nhưng, y lại không ngại thân phận Thịnh Nhan thấp kém mà ngỏ lời cầu hôn nàng.
"Mọi người đều chờ mong ta cưới một tiểu thư gia thế hiển hách, nhưng ta không cần. Ta muốn cưới người mình thích, dù thân phận cô ấy thấp kém cũng chẳng sao. Giống như cô vậy.''
Lời cầu hôn đột ngột khiến Thịnh Nhan không biết phản ứng ra sao. Vui mừng có, kinh ngạc có, lo ngại có, bởi vì Thịnh Nhan biết khoảng cách giữa hai người quá xa, y là kẻ trên ngôi cao, nàng là người đứng dưới.
Thế nhưng, Thịnh Nhan vẫn muốn đánh cược vận mệnh của mình, nàng đồng ý trở thành thê tử kết tóc của y. Cả hai thề hẹn bên hồ Tam Sinh, tặng trao ước vật cho nhau.
…
Năm xưa trong cung có hai hoàng tử, hoàng trưởng tử lớn hơn Thịnh Nhan ba tuổi, là Thụy Vương Thượng Giới, anh trai của đương kim Hoàng thượng. Thế nên Thịnh Nhan đã nghĩ y anh tuấn ôn nhuận như thế, ắt hẳn là em, là người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với nàng, cũng là Đương kim Hoàng đế Thượng Huấn.
Ngày người trong cung đến nhà nàng, cho nàng cơ hội trở thành tú nữ, Thịnh Nhan đã đồng ý nhập cung.
Cứ nghĩ sẽ nên mối duyên lành, nhưng số phận luôn biết cách trêu đùa, nàng được tuyển vào cung, trở thành phi tần của đương kim Hoàng đế. Thế nhưng, Hoàng đế lại chẳng phải là y, chẳng phải là nam tử tuấn lãng đã cùng nàng thề hẹn. Mà y thật ra là Thụy Vương Thượng Giới nắm quyền hô phong hoán vũ trong triều đình.
Thịnh Nhan bàng hoàng nhận ra sự thật. Đúng lúc ấy, Hoàng đế Thượng Huấn lại đưa cho nàng những manh mối về cái chết của cha nàng năm xưa. Và thế là nàng với Thượng Huấn cùng nhau điều tra về những gì đã diễn ra liên quan đến cha nàng và mẫu phi của Thượng Huấn.
Thịnh Nhan có cơ hội lật lại bản án oan của cha năm xưa, nhưng từng bước từng bước lại làm nàng cách xa Thụy Vương Thượng Giới mà nàng đã từng cùng thề hẹn, nhưng nàng lại chẳng thể quay đầu được nữa rồi.
Còn y, Thụy vương Thượng Giới sao có thể đành lòng trơ mắt đánh mất người mình yêu thương trong cửu trùng cung khuyết. Y là một người thâm trầm, độc đoán giết người không ghê tay. Y âm thầm tính toán, từng bước hãm hại em trai mình hòng cướp ngai vị, tính kế đem Thịnh Nhan trở về bên mình.
Nhưng ông trời có bao giờ toại lòng người, cứ tưởng mọi kế hoạch của Thượng Giới là hoàn hảo, nhưng y lại vô tình đẩy Thịnh Nhan xuống vực sâu vạn trượng, không thể quay đầu.
Để rồi y nắm trong tay tất cả, có giang sơn gấm vóc phồn hoa, có quyền lực một tay che trời, nhưng lại chẳng có được người con gái năm nào đứng dưới mưa xuân nữa. Tất cả, chỉ còn lại đau đớn và tiếc hận khôn nguôi.
…
Với văn phong hài hòa quen thuộc của Châu Văn Văn trong bộ "Trầm" thì "Bên trời ngân mãi khúc đào hoa" cũng đã vẽ nên bức họa về tình yêu ám ảnh và những quyết định có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời một con người.
Những phân đoạn phá án trong truyện khá logic và hấp dẫn, nhưng mạch tình cảm của nữ chính lại khiến tớ không thích lắm. Trong suốt quá trình đọc truyện tớ thường bị hoang mang không biết nàng có thật sự yêu Thượng Huấn không nữa?
Tớ cũng rất ấn tượng với nhân vật Thụy vương Thượng Giới, y từ nhỏ là một đứa trẻ đáng thương. Mẹ y tuy mang long thai nhưng do thân phận hèn kém mà chẳng ai ngó ngàng quan tâm. Từ nhỏ y đã chịu sự khinh bỉ ghẻ lạnh của tất cả mọi người. Ngày y chín tuổi đã gặp được Thịnh Nhan, nàng đã cho y điểm tâm, hái cho y cành đào e ấp. Từ đó y đã nhớ mãi nàng chẳng nguôi. Sau khi Thịnh Nhan lưu lạc đã luôn thăm dò tin tức của nàng, y chờ đợi nàng suốt 9 năm dài đằng đẵng. Thế những, đời đời kiếp kiếp y vẫn chẳng thể chung đôi với người con gái duy nhất mà y yêu.
Quay đầu, tất cả chỉ còn lại chua xót và bi ai ngập trời.
________
" ": trích từ truyện
Review by #Anh Dung Hoa - fb/ReviewNgonTinh0105
***
Cuối xuân đầu hạ, chính khi xuân sắp qua hạ chưa tới, muôn hoa đua nở, tựa hồ dốc cạn nhựa sống hòng góp mặt vào cảnh phồn hoa lúc này.
Thịnh Nhan chào đời đúng vào độ ấy, mùng sáu tháng Tư.
Ngày cô sinh, cha đứng chờ ngoài cửa vừa nghe thấy tiếng oe oe, còn chưa kịp nhìn mặt con thì người trong cung đã ập đến.
"Thịnh đại nhân, thánh thượng vừa sinh được hoàng tử, cho mời đại nhân vào cung diện thánh."
Có lẽ duyên phận đã xui khiến để cô sinh cùng ngày với Thượng Huấn để sau này, Thịnh Di, cha cô, bấy giờ giữ chức ở gác thiên chương, tài văn lừng danh thiên hạ, ắt hẳn bệ hạ muốn triệu ông vào cung làm thơ chúc tụng. Chỉ kịp nghe người dưới báo là một tiểu thư, ông đã phải tất tả đi ngay.
Sùng Đức đế rấ mực sủng ái phi tần vừa sinh hoàng tử này nên tuy là con thứ hai, nhưng ngài vẫn mừng rỡ như lần đầu làm cha vậy. Thấy Thịnh Di miễn cưỡng ngồi xuống làm thơ, không giấu được vẻ nôn nóng, Sùng Đức đế liền hỏi: " Hình như khanh đương bận tâm chuyện gì khác?"
Thịnh Di vội quỳ sụp xuống thỉnh tội: "Vi thần biết tội, vi thần đang nghĩ đến vợ ở nhà hôm nay vợ thần cũng lâm bồn, trước khi thần ra cửa thì vừa sinh con gái nên bất giác nhớ đến…"
Vừa nãy Sùng Đức đế cũng phải đứng ngoài điện đợi con, nghe Thịnh Di nói vậy liền giục giã: " Sao chẳng nói sớm? Là trẫm sơ suất, khanh mau về nhà nhìn mặt con gái đi, lát trẫm sẽ sai đưa quà mừng đến."
"Thần không dám." Thịnh Di lập tức cáo từ quay về, nhưng Sùng Đức đế bất giác phì cười: "Hai đứa bé này sinh cùng ngày, xem như cũng có duyên để trẫm ban cho nó một cái tê."
"Đa tạ thánh thượng." Thịnh Di vội tạ ơn.
Sùng Đức đế tự tay viết lên giấy một chữ "nhan", ban chô ông.
Có lẽ trong mắt đế vương, con gái chỉ cần xinh đẹp là đủ những thứ khác chẳng có cũng không sao.
Dù được hoàng đế ưu ái ban tên, nhưng năm Thịnh Nhan lên chín, cha co vẫn bị giáng chức đến một nơi xa xôi hẻo lánh giữ chức ty thương vì liên lụy tới việc đấu đá trong triều.
Ty thương chỉ chức quan coi kho, bổng lộc ít ỏi, chẳng chấm mút được gì. Thịnh Di vừa vô dụng vừa nhu nhược chẳng hiểu gì về quản lý thu chi, hễ bề trên đòi lấy tiền lấy lương, ông lại ù ù cạc cạc giao ra, không hề biết thủ tục giao nhận, có lầm lẫn ở đầu đành tự bỏ tiền túi ra bù đắp, con số thường lớn đến kinh người.
Chẳng bao lâu sau, vì phải bỏ tiền túi ra bù đắp phần thâm hụt nên nhà họ Thịnh đã nghèo kiết xác. Thịnh Nhan sớm hiểu chuyện, trước cảnh nhà ngày càng sa sút, cô đói đến nói không ra hơi, nhưng chỉ lặng lẽ kéo tay áo mẹ, ngước đôi mắt sâu và to khác thường vì ốm yếu nhìn bà khấn cầu. Song mẹ cô cũng phận đàn bà, trước gian phòng trống không, bà chỉ biết vỗ vai cô quay đầu đi khóc lóc.
Mùa đông năm cô mười một tuổi Sùng Đức đế trong kinh lâm bệnh qua đời, hoàng tử trưởng còn đang ở Mông Địch làm con tin, không về kịp, nên cậu bé sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với Thịnh Nhan được quần thần phò trợ lên làm hoàng đế.
Nghe nói khi được hoàng thúc đưa lên ngôi, Thượng Huấn đế còn khóc đến đứt hơi vì phụ hoàng vừa qua đời. Cậu bé yếu ớt lớn lên trong cung dưới bàn tay nuôi dạy của nữ nhân, vốn chẳng hiểu gì về chính sự, nên quần thần lại đề cử hoàng thúc của hoàng đế làm Nhiếp chính vương.
Trước khi bị giáng chức, Thịnh Di cũng mới vào triều chưa lâu, bởi thế dù đã thay triều đổi đại, cũng chẳng ai nhớ tới ông, càng không ai triệu ông về kinh. Đợi mãi đợi mãi, ông cũng nản lòng thoái chí, rồi đổ bệnh nặng.
Thầy thuốc được mời tới thấy cảnh nhà họ bần hàn nên cũng chẳng buồn bận tâm thăm bệnh, kê đơn qua quýt cho xong. Lúc Thịnh Di qua đời, ngoài trời đang đổ tuyết lớn, nhưng gương mặt ông chưa bao giờ yên bình đến thế. Bởi ông biết, từ nay mình không cần phải lo lắng về ngày mai hay sau này nữa.
Giữa trời đất mênh mông trắng xóa một màu, trơ lại hai mẹ con Thịnh Nhan ngồi trước thi thể lạnh ngắt của Thịnh Di. Thiên hạ rộng lớn như thế, mọi người đều đang vui vẻ đón năm mới, cái chết của người thân nhất của họ chẳng khác nào một bông tuyết âm thầm rơi, không ai hay biết.
Mẹ siết chặt tay cô nói: "Chúng ta phải tiếp tục sống thật tốt."
Thịnh Nhan mãi mãi không quên bấy giờ tiếng gió bên ngoài nghe như tiếng cả đất trời than khóc.
Mẹ cô dốc hết của cải, đem theo quan tài chống, dắt con gái còn thơ dại lặn lội quay lại kinh thành. Sau khi chôn cất cha cô, gia sản lại bị người trong họ xâu xé, cuối cùng chỉ để lại cho hai mẹ con một gian nhà nhỏ trống hoác ở ngoại ô, miễn cưỡng nương thân.
Trong gian nhà tranh tối tranh sáng ấy, mẹ cô ngày đêm miệt mài may vá kiếm sống, chẳng bao lâu mắt cứ kém dần đi. Thịnh Nhan cũng nhanh chóng học lo liệu việc nhà mặc cho mười ngón tay búp măng nõn nà dần thô ráp, hai mẹ con cũng chẳng để tâm.
Mời các bạn đón đọc Bên Trời Ngân Mãi Khúc Đào Hoa của tác giả Châu Văn Văn.