Thời nay, một nhà khoa học say mê văn chương không còn là hiện tượng hiếm thấy trong cuộc sống. Nhưng một nhà khoa học mà yêu văn học đến mức mấy chục năm liền, cùng với thời gian dành cho những công trình nghiên cứu và những cuốn giáo trình, không lúc nào rời khỏi những trang văn và những trang thơ, vẫn đều đặn có mặt trong đời sống văn học và báo chí, thì quả là một hiện tượng hiếm có.
Tác giả tập sách này là một người như vậy. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành quản trị hành chính công, chiến lược phát triển kinh tế và nguồn nhân lực, sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Hà Lan, hơn mười năm qua, Trương Quang được mời sang giảng dạy tại các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vientiane, Bangkok, Chiangmai, Thượng Hải… theo chương trình hợp tác đào tạo giảng viên của Thuỵ Sĩ và Viện Công nghệ châu Á (AIT). Thời gian đó ông thường xuyên cộng tác với một số tờ báo trong nước và đã cho xuất bản một tập thơ có nhan đề Giọt sương lạc loài. Riêng về thể tạp bút, Trương Quang là một cái tên quen thuộc với những đoản văn vừa tinh tế vừa giàu chất suy tưởng.
Từ khoảng một thập niên trở lại đây, trí thức người Việt cầm bút ở hải ngoại tham dự vào đời sống văn hóa trong nước cũng không còn là một hiện tượng lạ. Nhưng một trí thức làm việc ở xa Tổ quốc, chỉ thi thoảng về thăm quê hương, mà hầu như lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng về những vấn đề của đất nước mình, từ chuyện vỉa hè bới lên đào xuống, chuyện tiếp thị món ăn Việt và xe buýt mẫu cho đến chuyện tổ chức Sea Games và quá trình đô thị hóa, như Trương Quang, thì không phải nhiều lắm. Đây là một người trí thức ưu thời mẫn thế, không bàng quan đến từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống dân tộc mình.
***
Tùy bút Mùa Đông Phương Tây Và Nỗi Lòng Phương Đông gồm có:
***
Nỗi lòng tuyết trắng
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Thời nay, một nhà khoa học say mê văn chương không còn là hiện tượng hiếm thấy trong cuộc sống. Nhưng một nhà khoa học mà yêu văn học đến mức mấy chục năm liền, cùng với thời gian dành cho những công trình nghiên cứu và những cuốn giáo trình, không lúc nào rời khỏi những trang văn và những trang thơ, vẫn đều đặn có mặt trong đời sống văn học và báo chí, thì quả là một hiện tượng hiếm có.
Tác giả tập sách này là một người như vậy. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành quản trị hành chính công, chiến lược phát triển kinh tế và nguồn nhân lực, sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Hà Lan, hơn mười năm qua, Trương Quang được mời sang giảng dạy tại các trường đại học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vientiane, Bangkok, Chiangmai, Thượng Hải… theo chương trình hợp tác đào tạo giảng viên của Thụy Sĩ và Viện Công nghệ châu Á (AIT). Thời gian đó ông thường xuyên cộng tác với một số tờ báo trong nước và đã cho xuất bản một tập thơ có nhan đề Giọt sương lạc loài. Riêng về thể tạp bút, Trương Quang là một cái tên quen thuộc với những đoản văn vừa tinh tế vừa giàu chất suy tưởng.
Từ khoảng một thập niên trở lại đây, trí thức người Việt cầm bút ở hải ngoại tham dự vào đời sống văn hóa trong nước cũng không còn là một hiện tượng lạ. Nhưng một trí thức làm việc ở xa Tổ quốc, chỉ thi thoảng về thăm quê hương, mà hầu như lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng về những vấn đề của đất nước mình, từ chuyện vỉa hè bới lên đào xuống, chuyện tiếp thị món ăn Việt và xe buýt mẫu cho đến chuyện tổ chức Sea Games và quá trình đô thị hóa, như Trương Quang, thì không phải nhiều lắm. Đây là một người trí thức ưu thời mẫn thế, không bàng quan đến từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống dân tộc mình.
Nhưng quan tâm cũng có nhiều cách. Và sự quan tâm nào thì cũng không thể tách với cái riêng của từng người. Là nhà khoa học, có điều kiện đi đến nhiều nơi, thường xuyên tiếp xúc với thế giới hiện đại, tất nhiên, trong những điều cuốn sách bàn luận, Trương Quang dành ưu tiên để quảng bá tính tiêu chuẩn và tính tổ chức của nền văn minh công nghiệp. Tác giả suy nghĩ về tính thực dụng của người Thái và xem có thể áp dụng nó vào cách quản lý và làm ăn của người Việt mình hay không. Ông trăn trở về việc nâng cao chất lượng phương tiện giao thông và văn hóa công cộng. Ông đưa ra những giải pháp khả thi để thúc đẩy sự cạnh tranh bằng văn hóa kinh doanh. Thậm chí ông còn gợi ý cả việc cải tiến những chuyến xe khách đường dài.
Dù vậy, tính chất hiện đại trong những bài tạp bút của Trương Quang không những không che khuất mà còn hòa quyện với chất thơ trong văn ông, thậm chí có thể nói đó là hai mặt của một tờ giấy. Ở đây, chất thơ của thiên nhiên và của hồn người đã tạo thành phong cách của những bài tạp bút. Tôi rất thích những đoạn văn Trương Quang viết về thiên nhiên. Hãy nghe ông tả những bông súng tím trong vườn trường AIT: “Từ một củ nhỏ giấu mình trong lớp bùn dày suốt mùa đông, một hôm nào đó không hẹn trước, một sức sống bứt ra, hối hả đẩy cọng cây xanh qua lớp nước sâu, rồi thở phào dưới ánh mặt trời rạng rỡ. Hoa và lá cùng ngã sóng soài trên mặt nước chan hòa ánh sáng. Thoạt tiên chỉ là một chút màu tím nhạt, e ấp nhú khỏi một chiếc nụ xanh đầy đặn, như đôi môi ngọt của một thiếu nữ mới tập thoa son. Rồi bỗng dưng cái nền màu tím nhạt đó tăng nồng độ, mọng lên những đường cong đậm nét, dưới mặt trời rừng rực sức sống. Những cánh hoa tách ra, mở rộng, phơi bày hết tất cả những góc cạnh cần giấu giếm, trong một động tác dâng hiến hoàn toàn, giữa những tán lá tròn bao quanh như muốn bảo vệ, trông chừng”. Viết về vẻ đẹp và sức quyến rũ của hoa mà như hòa điệu với vẻ đẹp và sức quyến rũ của con người.
Còn đây là những dấu chân chim én trong một mùa đông giá rét châu Âu: “Một tuần trước cuối năm, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết trắng phau, nhẹ nhàng đậu trên cây cỏ trong vườn như rải bột. Khắp nơi chỉ một màu trắng nhưng nhức. Lâu lắm mới thấy một “Giáng sinh trắng”. Tôi nhìn ra vườn, trên tấm thảm tuyết bỗng hiện rõ những vết chân chim tách bạch ba chạc. Những con chim én đã dùng chiếc mỏ bé tí, khơi những mẩu bánh mì khô đã bị tuyết phủ kín từ đêm qua. Chúng bước những bước chậm rãi, như quên đi cái lạnh giá mang theo từ những bông tuyết trắng đổ xuống trên đám lông đen tuyền. Những dấu chân chim để lại như chính vết chân tôi, lạc lõng vô cùng trên một vùng đất mông lung, không bến bờ”. Thiên nhiên đã đi vào đời người và mang giữ hình bóng của con người như vậy đó.
Thiên nhiên thì gợi cảm, còn những phận người mới là niềm ám ảnh. Những khoảng lặng trong văn Trương Quang khiến người đọc phải dừng lại còn là khi ông kể về nỗi lòng cố tri giữa người khách tha phương với cụ già bán khoai nướng trong một góc sân Trường Đại học Nam Kinh; về “những người đàn bà gồng gánh, chân trần chạy qua những đồi cát cháy bỏng ở Quảng Trị, nơi mà những ngọn cỏ non chưa kịp ngậm sương buổi sớm đã bị mặt trời nung đến khô queo, đến nỗi chỉ cần đụng tay vào là bay tơi tả như bụi tro”; về tiếng ru con u uẩn chứa đầy tâm sự của người thiếu phụ trong một buổi trưa hè xứ Huế.
Có một sợi dây liên lạc nào đó thật mảnh mai mà cũng thật bền chặt nối kết tâm hồn tác giả với những con người ấy. “Nói cho cùng, tôi chỉ cách quê hương hơn một giờ bay!”. Nhưng một giờ bay hay hai mươi bốn giờ bay hẳn đâu phải là điều quan trọng, khi mà “quê hương vẫn theo sát tôi trong từng bước chân, mỗi nhịp đập”, như Trương Quang đã viết.
2006 H.N.P.
Mời các bạn đón đọc Mùa Đông Phương Tây Và Nỗi Lòng Phương Đông của tác giả Trương Quang.