Xứ sở cây ổi còng
Mỗi năm, khi cây ổi hoang ra hoa thì lũ trẻ trong xóm lại tập trung để phân chia quyền sở hữu cây ổi. Mỗi đứa được chia một hoặc hai cành. Và khi ổi chín, những đứa trẻ chỉ được quyền ăn những quả ổi thuộc phần cành đã được chia của mình. Tên của mỗi đứa được khắc vào cành để tránh sự nhầm lẫn hay tranh giành nhau sau này. Bởi thế, kể từ khi cây ổi được phát hiện, cành của nó sần sùi những vết khắc.
Năm ấy cây ổi ra hoa muộn hơn mọi năm. Một buổi trưa, đám trẻ tập trung quanh gốc cây với vẻ mặt thất vọng.
"Có đứa nào chửi cây ổi không?". Thằng Hóa lên tiếng.
"Chửi thì sao?". Thằng Mô hỏi lại.
"Sao à? Thằng Hóa bĩu môi - Bà tao bảo nếu chửi cây, cây sẽ không ra quả nữa".
"Thằng Phức, hay là mày chửi?".
Thằng Bổ trừng mắt. Nó là đứa to và khỏe nhất bọn trẻ. Tóc nó lúc nào cũng húi cua, cằm vuông và có đôi mắt ốc nhồi.
"Tại sao tao lại chửi?". Thằng Phức cãi lại.
"Vì năm ngoái cành của mày có ít quả. Tao nghe thấy mày chửi bậy". Một đứa trẻ nói.
"Nhưng tao không chửi cây".
"Nếu năm nay cây không có hoa, tao cho mày một trận". Thằng Bổ trợn mắt, giơ nắm đấm dứ dứ trước mặt thằng Phúc.
Trưa hôm đó, bọn trẻ ở lại gốc ổi lâu hơn. Trên đám cỏ, đứa nằm, đứa ngồi, nói đủ thứ chuyện. Quanh cây ổi mọc um tùm những cây găng, cây duối, cây cứt lợn và nở trắng hoa bươm bướm. Có lẽ đây là thiên đường của chúng. Để đến được thiên đường này, chúng phải xuyên qua một con đường chằng chịt dây leo và cây vú bò.
Cái thiên đường đầy nước cây dại của bọn trẻ cách biệt hoàn toàn thế giới của cha mẹ chúng. Bọn trẻ thường tập trung ở đó vào những ngày không phải đến lớp hoặc không phải tham gia công việc đồng áng với cha mẹ và đặc biệt là thời gian từ lúc cây ổi đơm hoa cho đến khi quả chín. Ổi chín là vụ mùa náo nức và kỳ diệu nhất của chúng. Đối với chúng, những quả ổi chín vàng còn rực rỡ hơn cả nước viên ngọc đối với người lớn.
***
Tối tối, bọn trẻ gặp nhau ở đầu ngõ.
Việc cây ổi ra hoa là nỗi thất vọng lớn của chúng. Trong lúc đó những cây ổi vườn đã nở đầy hoa. Nhưng chúng không hề quan tâm đến những cây ổi vườn đó. Bọn trẻ ngồi trong bóng tối lờ mờ nói đủ thứ chuyện. Cuối cùng chúng lại bàn đến cây ổi hoang ở góc bờ đầm.
"Chúng mày ơi, đến bờ đầm đã đi". Thằng Hóa lên tiếng:
"Đến làm gì bây giờ?".
"Xem… xem có hoa không?"
"Mày điên - Thằng Bổ gắt - Vừa trưa này ở đấy, chẳng thấy gì cả. Vả lại, tối thế này, mày nhìn thấy à".
Cả bọn phá lên cười.
Trong bọn trẻ có một đứa bé nhất, tên nó là Nhu. Thằng Nhu lúc nào cũng lếch thếch theo sau bọn trẻ. Nó hầu như chẳng nói năng gì. Hàng năm, nó cũng được chia một, hai cành ổi nhỏ. Nó im lặng không nói gì. Vào những ngày ổi chín, nó chỉ rụt rè ăn một đến hai quả. Những quả chín khác nó bỏ nặng hai túi áo nhỏ mang về nhà.
"Này, chúng mày ơi - Thằng Bổ nói - Năm nay chia cho thằng Nhu cành to nhất, tha hồ mà ăn quả nhé".
Cả bọn nghe vậy lại phá lên cười. Thằng Nhu vẫn ngồi im lặng.
"Thằng Nhu được cành to tha hồ mà quét lá đun cám lợn". Một đứa lên tiếng.
"Mày nhận cành to chứ Nhu?" Thằng Bổ hỏi.
"Cành nào cũng được". Giọng thằng Nhu lí nhí.
Hai hôm sau bọn trẻ lại mới rủ nhau đi thăm cây ổi. Khi đến gần bờ đầm thằng Nhu chợt dừng lại và nói: "Ổi ra hoa rồi!".
"Ổi nào?". Một đứa hỏi.
"Cây ổi còng đấy!". Thằng Nhu đáp.
"Mày đừng có mà nói phét".
"Em ngửi thấy mùi hoa". Giọng thằng Nhu đầy vẻ tự tin.
"Không có hoa thì từ nay chúng tao không cho mày đến cây ổi còng nữa, nhớ chưa?" Thằng Hóa dọa.
"Vâng". Thằng Nhu đáp và bước vượt lên phía trước.
Bọn trẻ lại chui qua nước đám dây leo và nước đám cây vú bò để đến với thiên đường của chúng. Và chúng vô cùng ngạc nhiên khi thấy cây ổi đã đơm hoa. Chúng bước từng bước đến bên gốc ổi và ngửa mặt lên. Chỉ mình thằng Nhu đứng ở ngoài xa. Nó im lặng và xúc động. Thằng Bổ quay lại nhìn thằng Nhu và cười hềnh hệch.
"Mày thoát chết đấy Nhu nhé. Ổi mà không có hoa thì chúng tao đuổi cổ mày".
Thằng Nhu không để ý đến câu nói của thẳng Bổ. Nó vẫn đứng im lặng nhìn không chớp mắt những bông hoa ổi như đang tỏa sáng. Và hương ổi dịu dàn lan tỏa trong thiên đường có lẽ chỉ của riêng nó. Hay nói đúng hơn, chỉ nó biết được.
"Thế nào chúng mày, chia hôm nay chứ?".
Thằng Bổ chống tay vào sườn lên tiếng.
"Đợi hoa ra hết đã".
"Cứ làm như năm ngoái ấy".
"Năm nay tao phải lấy cành khác".
"Thôi được" - Thằng Bổ nói - "Đợi ra hết hoa thì chia. Bây giờ giải tán".
Ngày phân chia những cành ổi là ngày náo nức nhất. Bọn trẻ đều mang theo nước con dao nhỏ để khắc tên lên những cành ổi được chia. Hoa ổi hầu như đã nở hết.
Trên đầu lũ trẻ là một vòm hoa phớt trắng, tỏa hương ngào ngạt. Thằng Bổ kiểm kê toàn bộ số cành ổi chính và bắt đầu chia. Khi đến phần thằng Hóa, nó cãi:
"Tao không lấy phần này".
"Mày không lấy không được" - Thằng Bổ trừng mắt "Tao nện cho một trận bây giờ".
Thằng Hóa im lặng, mặt nó tái đi. Nó nhớ đến trận đòn của thằng Bổ trong lần chia năm ngoái. Thằng Bổ lần lượt chia phần cho lũ trẻ. Và người được chia cuối cùng là thằng Nhu. Nó được nhận một cành ổi lác đác hoa. Khi chỉ cành ổi cho thằng Nhu, thằng Bổ nhe răng cười:
"Mày bé nhất thì được cành bé nhất và thấp nhất để còn dễ trèo.
Thằng Nhu im lặng nhận phần. Nó ngước nhìn những chùm hoa nhỏ. Trong mắt nó, hiện lên những quả ổi vàng, lấp lánh như những viên ngọc lớn.
***
Với lũ trẻ, những quả ổi lúc nào cũng chậm lớn. Dăm ba ngày lũ trẻ lại tụ tập nhau dưới gốc cây ổi để ngắm nhìn những quả ổi trên phần cành của chúng. Lũ trẻ sốt ruột, đôi lúc trở nên bực tức. Chỉ riêng thằng Nhu là chẳng nói gì. Nó kiên nhẫn đợi chờ những quả ổi lớn lên như mơ hồ. Nhưng năm đó là một năm thất bát.
Không hiểu có gì mà ổi non rụng rất nhiều. Trên những cành ổi, quả cứ mỗi ngày một vơi đi. Và rồi cơn bão đầu tiên tràn đến. Suốt đêm gió gào thét. Đến sáng thì ngớt gió. Cây cối trong làng xơ xác. Lũ trẻ đã nhanh chóng tập trung ở gốc ổi. Quanh gốc cây, ổi xanh rụng la liệt. Nhưng trên cành của thằng Nhu vẫn lặng lẽ dăm quả ổi như từ đầu mùa.
Thằng Bổ và những đứa trẻ khác nhìn thằng Nhu.
"Sao ổi cành mày lại không rụng nhỉ?".
Thằng Nhu vẫn chẳng nói gì. Những quả ổi trong nắng sớm long lanh trước mắt nó.
Thằng Bổ đến bên thằng Nhu gạ gẫm:
"Tao có ba cành to, tao đổi một cành để lấy cành nhỏ của mày, được không?".
Thằng Nhu nhìn thằng Bổ và nói:
"Em không đổi".
Thằng Bổ gầm gừ:
"Tao cho mày một trận bây giờ. Đổi không?".
"Không!".
Giọng thằng Nhu đanh lại.
"Rồi mày biết tay ông".
Thằng Bổ nhổ một bãi nước bọt trước mặt thằng Nhu. Hôm đó bọn trẻ giải tán im lặng.
Cuối cùng, như một sự trớ trêu, ổi trên cành của những đứa trẻ khác rụng gần hết. Chỉ còn lại vài ba quả ổi còn sót lai. Nhưng trên cành ổi nhỏ của thằng Nhu, những quả ổi như to ra một cách lạ thường.
Bọn trẻ tụ tập dưới gốc cây ổi vào một buổi trưa. Quanh chúng đã leo lẻo tiếng chào mào. Chưa bao giờ bọn trẻ lại im lặng như buổi trưa hôm đó. Thi thoảng chúng lại đưa mắt nhìn thằng Nhu. Thằng Bổ thì đứng ngồi không yên. Nó đi đi lại lại trước mặt thằng Nhu. Cuối cùng nó hất hàm:
"Thế nào Nhu, phải chia đều ổi của cành mày cho chúng tao chứ?".
Thằng Nhu đáp:
"Chia hay không là quyền của em!".
"Bây giờ không có quyền gì hết, mày phải chia, phải không chúng mày?".
Thằng Bổ nhìn một lượt những đứa trẻ. Tất cả đều im lặng. Một vài đứa định nói gì đó lại thôi. Trong sự im lặng của bầy trẻ, hương ổi bắt đầu chín như bỗng ngào ngạt cả không gian. Và tiếng chào mào như náo nức hơn và cũng sốt ruột hơn.
Thằng Bổ ngước nhìn những quả ổi trên cành của thằng Nhu, rồi hỏi:
"Mày đồng ý chia chứ?".
"Anh muốn ăn thì em cho một quả, chứ em không phải chia". Thằng Nhu đáp.
"Mày đừng có mà cứng đầu" - Thằng Bổ hùng hổ - Thôi thì bây giờ thế này. Tao với mày vật nhau, đứa nào thắng thì được lấy ổi. Đúng không chúng mày?".
Nghe vậy, bọn trẻ nhao nhao:
"Đúng rồi, đúng rồi, vật nhau, vật nhau".
"Được làm vua, thua làm lính".
Mặt thằng Nhu đỏ ửng:
"Em không vật nhau. Cành chia cho em cơ mà".
Thằng Bổ sấn đến trước mặt thằng Nhu:
"Chia hay không là quyền của tao".
"Anh đếch có quyền". Thằng Nhu cãi.
Bọn trẻ lại hò reo:
"Vật nhau đi. Đừng có hèn".
"Nó sợ vãi đái ra kìa!".
Lúc đó, thằng Bổ đã cởi áo và vứt xuống cỏ.
Thằng Nhu vẫn đứng im lặng. Mặt nó đã tái đi. Thằng Bổ bỗng lao vào đẩy thằng Nhu. Thằng Nhu mất thăng bằng loạng choạng. Bọn trẻ reo hò ầm ĩ, đánh trống mồm "tùng tùng".
Thằng Nhu nhìn thằng Bổ không chớp. Mắt nó trở nên khác thường. Và như một mũi tên, nó lao vào thằng Bổ. Tiếng trống mồm của bọn trẻ nổi lên liên hồi.
Với thân hình to gấp đôi thằng Nhu, chỉ sau đó ít phút, thằng Bổ đã đè dúi thằng Nhu xuống cỏ. Thằng Bổ ngồi lên bụng thằng Nhu, mặt nó đỏ phừng phừng, mắt ốc nhồi trợn ngược. Bọn trẻ reo hò ầm ĩ. Thằng Bổ giơ tay lên, hổn hển:
"Tao thắng. Cành ổi thuộc về tao. Đứa nào động đến thì liệu hồn".
Bọn trẻ im thin thít. Thằng Bổ đứng dậy, khoác áo lên vai. Thằng Nhu nằm úp mặt xuống cỏ. Vai nó rung lên nhè nhẹ, không biết no đang khóc hay là đang run lên uất ức.
Thằng Bổ trèo lên cây và bứt quả ổi to nhất và chín nhất. Nó ngồi vắt vẻo trên cành ổi to nhất cây mà nó tự chia cho nó nhưng không có một quả nào. Thằng Bổ ăn quả ổi ngon lành.
Đêm ấy, thằng Nhu nằm thao thức mãi không ngủ. Trong đầu óc non tơ của nó dâng lên một đám mây đen. Và đến lúc đó nó mới khóc. Nó khóc thầm. Nước mắt giàn giụa gương mặt yếu đuối của nó. Nó không phải vì tiếc những quả ổi bị cướp. Nó khóc vì một nỗi cay đắng mà nó chưa nhận biết được. Nhưng có một điều rất rõ trong lòng nó là góc đầm hoang với cây ổi còng, những cây vú bò, hoa bươm bướm… không còn thơ mộng và hồi hộp với nó nữa.
Đêm ấy là đêm đầu tiên trong giấc ngủ của thằng Nhu trút một tiếng thở dài.
***
Hôm sau, bọn trẻ lại rủ nhau đến góc đầm hoang. Thằng Nhu không đi. Nó không trả lời tiếng gọi của những đứa trẻ khác ở ngoài đầu ngõ.
Thằng Bổ dẫn đầu bọn trẻ chui qua những bụi dây leo và những bụi cây vú bò. Khi đến gần cây ổi, bọn trẻ kinh hoàng không kêu được một tiếng. Cả cây ổi đã phủ kín sâu. Những con sâu lông xù bò lúc nhúc từ gốc đến ngọn cây ổi. Tiếng bầy sâu bò rào rào. Cây ổi nhìn như một con quái vật. Không còn một chiếc lá, không còn quả ổi nào, tất cả chỉ là một thế giới những con sâu bẩn thỉu và gớm ghiếc.
Bọn trẻ lùi dần, lùi dần và vùng bỏ chạy. Nhiều đứa bị vấp dây ngã xuống đầm nước.
Đêm ấy, thêm những đứa trẻ không ngủ được. Và từ ngày hôm đó, lũ trẻ không rủ nhau đến thiên đường của chúng nữa. Cây ổi cũng héo dần và chết! Thằng Nhu bận giúp mẹ nó công việc trong nhà. Mỗi lần đi qua góc đầm nó lại ngước đôi mắt buồn bã nhìn về phía đó. Tuổi thơ ngây của nó ra đi từ lúc nào chẳng biết.
***
Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.
Ông quê tại Thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), Xã Sơn Công, Huyên Ứng Hòa, Tỉnh Hà Tây. Ông vào làm việc tại báo Văn nghệ từ năm 1992 và rời khỏi đây năm 2007.
Thơ: Ngôi nhà tuổi 17 (1990); Sự mất ngủ của lửa, 1992; Những người đàn bà gánh nước sông, 1995; Những người lính của làng, 1996; Nhịp điệu châu thổ mới, 1997; Bài ca những con chim đêm, 1999
Tiểu thuyết, truyện ngắn: Mùa hoa cải bên sông, 1989; Kẻ ám sát cánh đồng, 1995; Cái chết của bầy mối, 1991; Người đàn bà tóc trắng, 1993; Đứa con của hai dòng họ, 1996; Thành phố chỉ sống 60 ngày, 1991; Vòng nguyệt quế cô đơn, 1991; Cỏ hoang, tiểu thuyết, 1992; Tiếng gọi tình yêu, 1993
Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tập thơ mới nhất của anh, Cây ánh sáng - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009 đang thu hút sự chú của dư luận và giới phê bình.
Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998
Ông được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.
Mời các bạn đón đọc Câu Chuyện Về Ngọn Núi Bà Già Mù của tác giả Nguyễn Quang Thiều.