Khi nhắc đến Warren Edward Buffett, chúng ta đều biết ông là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới, được tạp chí Forbes xếp vị trí người giàu thứ hai trên thế giới sau Bill Gates. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn rất nổi tiếng với sự kiên định trong triết lý đầu tư theo giá trị cũng như lối sống tiết kiệm dù sở hữu khối tài sản khổng lổ. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, trên con đường trở nên thành công và giàu có, Warren Buffett cũng mắc rất nhiều sai lầm.
Với phong cách kể chuyện chân thực và chi tiết, Nhà đầu tư, Giáo sư Glen Arnold đi sâu tìm hiểu phương pháp luận cùa Buffett qua 22 thương vụ đầu tư đầu tiên. Ông tập trung phân tích cách Warren trẻ tuổi học hỏi từ những sai lầm, biến bại thành thắng và trở thành triệu phú ở tuổi 32. Cuối mỗi chương là những bài học đúc kết về nghệ thuật đầu tư của Warren Buffett, hãy học hỏi từ một doanh nhân bậc thầy để có được những quyết định đầu tư sáng suốt.
***
Lời nói đầu của Lawrence Cunningham
Bắt đầu với số tiền tiết kiệm 120 đô từ khi còn là một đứa trẻ 11 tuổi vào năm 1941, nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, Warren Buffett, đã tốn khoảng bốn thập kỷ để kiếm được 100 triệu đô la đầu tiên. Cuốn sách này dõi theo các thương vụ ông đã thực hiện trong 37 năm, lý giải nguyên nhân đằng sau mỗi khoản đầu tư quan trọng và cho ta thấy cách ông đã tích lũy tài sản từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình.
Không hiểu biết về đầu tư cổ phiếu ngay từ đầu, Buffett đã phải phát triển triết lý đầu tư của mình, và học hỏi thông qua những thành công cũng như thất bại trong việc lựa chọn các công ty có giá trị. Cuốn sách nói về việc triết lý đầu tư của Buffett đã được phát triển như thế nào và điều đó đã mang đến bài học gì cho các nhà đầu tư ngày nay?
Không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái với Buffett, đã có rất nhiều sai lầm trên đường đi. Có những giai đoạn dài của sự thất vọng trộn lẫn với thành công. Việc trên thực tế Buffett cũng từng sai lầm giúp trấn an các nhà đầu tư khác. Thật an ủi khi biết rằng một người cuối cùng làm nên hàng tỷ đô cũng từng hay mắc lỗi. Nó giúp chúng ta kiên cường trước những thất bại của chính mình. Sai lầm lớn nhất của tất cả chúng ta là mặc định rằng các nhà đầu tư phải luôn hoàn hảo. Về mặt tâm lý, các nhà đầu tư phải chuẩn bị cho rất nhiều những cú ngoặt, những cú đánh sai, để rồi phản công lại. Và sẽ luôn hữu ích khi nhớ rằng chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm của người khác cũng như của chính chúng ta; còn ai tốt hơn để học hỏi ngoài Buffett và nhận định của ông về những sai lầm của chính mình?
Trọng tâm của cuốn sách này là để phân tích các giao dịch đầu tư, bởi thế tôi ít chú tâm đến cuộc sống cá nhân của Buffett. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn tự truyện, cuốn sách này không dành cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn và muốn tìm hiểu cách làm thế nào một người có thể kiếm được một khoản tiền lớn bằng cách tuân theo các nguyên tắc đầu tư đúng đắn, thì bạn hãy đọc tiếp.
Đối tượng của cuốn sách này
Cuốn sách này dành cho các nhà đầu tư muốn học hỏi, hoặc cần được nhắc nhở để luôn ghi nhớ trong đầu các quy tắc quan trọng phục vụ đầu tư thành công. Quá trình học hỏi được thiết lập trong khuôn khổ của một loạt nghiên cứu hấp dẫn về các giao dịch đầu tư của Warren Buffett.
Cuốn sách này được cấu trúc như thế nào
Cuốn sách này theo đuổi hành trình chinh phục 100 triệu đô la đầu tiên của Buffett. Chúng tôi bắt đầu với thương vụ đầu tư vào thị trường chứng khoán đầu tiên của Buffett khi ông còn là một cậu bé và xem xét lại lịch sử của 22 trong tổng số các khoản đầu tư của ông. Phần 2 được sắp xếp như một loạt các chương tập trung lần lượt vào các giao dịch này. Bạn có thể lướt qua và đọc riêng lẻ các giao dịch bạn đặc biệt quan tâm nếu muốn, nhưng trước tiên tôi khuyến khích bạn đọc theo thứ tự thời gian để thấu hiểu Buffett đã phát triển với tư cách một nhà đầu tư như thế nào. Mỗi câu chuyện trong cuộc hành trình đều có những bài học hữu ích cho chúng ta hôm nay.
Tôi sẽ không mô tả toàn bộ các khoản đầu tư Buffett thực hiện trong 37 năm - điều đó sẽ khiến cuốn sách này trở nên quá dài. Chỉ có những nghiên cứu điển hình để lại tác động lớn nhất lên sự giàu có của Buffett và triết lý của ông mới được chọn để phân tích.
Trước khi tôi bắt đầu đi vào xem xét một loạt các giao dịch, Phần 1 bao gồm hai chương giới thiệu rất quan trọng giúp đảm bảo cho bạn đọc thu được nhiều giá trị nhất từ cuốn sách này. Chương đầu cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn các thỏa thuận đầu tư được đề cập đến trong Phần 2. Trong chương thứ hai, tôi nghiên cứu về việc Benjamin Graham đã ảnh hưởng đến triết lý đầu tư của Buffett như thế nào.
Một lưu ý về các chữ viết tắt thông dụng: Tôi sử dụng chữ viết tắt BPL để chỉ Buffett Partnership Ltd. - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hợp tác Buffet, vốn là công ty hợp tác đầu tư của Warren Buffett trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu và viết cuốn sách này, tôi đã đọc rất nhiều lá thư Buffett viết cho các đối tác của mình trong BPL. Những lá thư này có sẵn trên mạng internet. Tôi cũng sử dụng BH để viết tắt cho Berkshire Hathaway.
***
Những điều cuốn sách này chia sẻ
Cuốn sách được khởi nguồn từ cách đây khoảng bốn năm khi tôi quyết định ngừng các hoạt động khác để cho phép bản thân tập trung đầy đủ vào đầu tư thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa là từ bỏ nhiệm kỳ giáo sư, ngừng việc giảng dạy đang mang lại tài chính cho tôi ở thành phố London và, mỉa mai thay, rút hẳn về phía sau để viết sách.
Là một phần của quá trình đầu tư toàn thời gian mới, để tạo ra một bản ghi nhớ về quá trình logic tôi đã trải qua để lựa chọn các cổ phần, tôi đã viết những bài blog ngắn đưa ra phân tích của mình trên một trang web miễn phí đơn giản. Tôi cảm thấy thật xúc động khi buộc phải thể hiện rõ ràng và công khai những lý do tại sao tôi đã phân bổ vốn một cách cụ thể như vậy. Và bên cạnh đó, trí nhớ của tôi tệ đến nỗi tôi cần một cách để vài tháng sau nhớ lại lý do mình đã thực hiện những khoản đầu tư đó.
Sau này, tôi đã được trang web đầu tư ADVFN mời viết bài trên trang bản tin của họ. Tôi chấp nhận và một phần những gì tôi viết đã trở thành một loạt các bài viết về các giao dịch đầu tư của Warren Buffett. Cuốn sách này được tạo nên từ những bài viết đó.
Câu hỏi “Tại sao?”
Bạn có thể nghĩ rằng Buffett đã được quá nhiều người khai thác và chẳng còn gì mới để nói nữa, nhưng khi đọc những tư liệu đó, tôi đọng lại một cảm giác không thoả mãn. Nhiều tác giả viết về Buffett tập trung vào việc ông đầu tư cái gì và kiếm được bao nhiêu từ những khoản đầu tư đó. Nhưng tôi muốn biết tại sao. Những điểm đặc biệt nào của các công ty Buffett chọn đã khiến chúng trở nên nổi bật? Có phải khác biệt nằm ở những con số trong bảng cân đối kế toán, lịch sử lợi nhuận, chiến lược định vị hay trong những phẩm chất quản lý? Tôi muốn biết chi tiết. Làm thế nào để Buffett đi từ bước này sang bước khác, từ việc gần như không có đồng nào để trở nên vô cùng giàu có?
Đối với mỗi bước tiến chính của ông, tôi luôn cố gắng hiểu sâu hơn dưới góc độ tại sao. Đối với mỗi khoản đầu tư, việc này đòi hỏi một sự điều tra từ đầu và việc sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau. Ưu tiên của tôi là tập trung vào các tài liệu phân tích về các công ty mà Buffett đã lựa chọn và tôi không dành nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân của Buffett, điều vốn đã được đề cập ở những cuốn khác. Bởi lẽ đó, bạn sẽ không tìm thấy nhiều về cuộc sống cá nhân của Buffett trong cuốn sách này.
Có hàng chục thỏa thuận đầu tư quan trọng cần được nhắc đến và mỗi thương vụ đều cần một phân tích đầy đủ. Sẽ thật không công bằng nếu chúng bị nhồi nhét vào trong một cuốn sách và vì vậy, tôi nghĩ việc cuốn sách dừng lại tại thời điểm Buffett đạt được mốc quan trọng 100 triệu đô giá trị tài sản ròng, khi ông hợp nhất tất cả các khoản đầu tư vào một công ty cổ phần mang tên Berkshire Hathaway là đúng đắn. Ông làm việc này vào năm 1978, ở độ tuổi 48, và đó là nơi cuốn sách đầu tiên trong loạt sách này kết thúc.
Mối liên kết với Buffett
Tôi đã được mở mang tầm mắt trước sự phong phú về mặt ý tưởng của Buffett nhiều năm trước đây. Một cách tự nhiên, tôi đã trở thành một cổ đông của Berkshire Hathaway, và thường xuyên tới thăm Omaha trong Đại hội đồng cổ đông của Berkshire Hathaway.
Giai thoại yêu thích từ các chuyến viếng thăm Omaha là khi tôi, chỉ mình tôi, đã buộc Buffett phải bỏ ra 40 tỷ đô la. Bạn có thể nghĩ rằng Buffett là một người rất mạnh mẽ và không dễ bị ảnh hưởng chỉ bởi một vị khách người Anh. Nhưng tôi biết những điều khác nữa - và tôi biết mình đã đúng!
Việc này xảy ra vào năm 2006 khi Bill Gates (tôi đang nhắc đến cái tên này một cách nghiêm túc đấy) đang ngồi cùng Buffett. Gates là bạn thân của Buffett, đồng thời cũng là giám đốc của Berkshire Hathaway. Tôi cảm ơn Gates vì những việc tuyệt vời mà ông và Melinda - vợ ông đã làm với Tổ chức của họ - tôi đã rất xúc động, có lẽ là hơi quá một chút.
Rồi tôi quay sang Buffett, người đang đứng ngay cạnh lắng nghe và nói: “Cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đang làm cho cổ đông của Berkshire Hathaway." Tôi không biết tại sao, nhưng giọng nói của tôi có vẻ không hứng khởi về những thành tựu của Buffett như cách tôi đã nói về những nỗ lực của Gates.
Bạn có tin không? Chỉ vài tuần sau đó, Buffett đã thông báo rằng ông sẽ chuyển giao cho Quỹ Bill và Melinda Gates phần lớn tài sản của mình, để được sử dụng cho các mục đích từ thiện trên khắp thế giới. Rõ ràng, Buffett đã suy nghĩ sâu sắc về lý do tại sao gã người Anh này lại chẳng mấy ấn tượng bởi Berkshire Hathaway, di sản của ông so với Quỹ Gates, kiến tạo của bạn ông. Ông ấy đã hành động vì điều đó.
Đó là của câu chuyện của tôi và tôi sẽ nhất quyết tin vào nó đến ngày tôi chết!
Tôi hy vọng bạn sẽ đọc một cách thích thú câu chuyện về cách Buffett đạt được 100 triệu đô la đầu tiên.
Glen Arnold,
Mùa hè năm 2017
Mời các bạn đón đọc Warren Buffett: 22 Thương Vụ Đầu Tiên Và Bài Học Đắt Giá Từ Những Sai Lầm của tác giả Glen Arnold.