Review godylevol:
Điểm: 7/10
Thứ tự đọc các cuốn trinh thám của Robert Dugoni (đã dịch sang tiếng Việt) là Căn Hầm Tối, Hơi Thở Cuối Cùng, Trảng Đất Trống, Mắc Kẹt, nhưng Biển thì đọc lung tung tùy hứng, sau khi đọc hết mấy cuốn kia thì đến giờ mới đọc Hơi Thở Cuối Cùng.
Trong quyển “Căn Hầm Tối” có đề cập một chút đến vụ án cô vũ công Nicole Hansen, vốn được phân công cho phòng ban của Tracy Crosswhite. Khi Tracy trở về Cedar Grove để điều tra lại vụ mất tích của cô em gái Sarah Crosswhite thì vụ án Nicole được xếp vào nhóm hồ sơ tồn đọng. Trong quyển “Hơi Thở Cuối Cùng”, tác giả đưa người đọc trở lại với vụ án sát hại Nicole Hansen cùng hàng loạt những vũ công khác. Tất cả họ đều bị tra tấn một cách tàn nhẫn trước khi chết: tay chân bị trói ngược ra sau và tròng một vòng dây thòng lọng quanh cổ, khi họ không chịu nổi nữa và duỗi chân ra thì thòng lọng sẽ siết chặt khiến họ nghẹt thở chết. Chưa hết, tên sát nhân – được nhóm điều tra đặt cho biệt danh Cao Bồi – còn dụi thuốc lá cháy đỏ vào lòng bàn chân các vũ công. Trong lúc toàn bộ phòng điều tra của Tracy làm việc cật lực và nghiêm túc để sớm bắt Cao Bồi, ngăn chặn các hành vi sát nhân tàn ác của hắn, thì ông sếp Johnny Nolassco vẫn là một kẻ tiểu nhân thảm hại như mọi khi, vừa cố dìm hàng Tracy vừa bán tin tức cho giới truyền thông để gây khó dễ cho công tác điều tra. Rất may, Tracy nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ chàng luật sư Daniel O’Leary – là bạn thời thơ ấu và là người yêu hiện tại của cô.
Do thiết kế bìa sách và tựa sách có vẻ không hấp dẫn lắm nên Biển để dành cuốn này khá lâu và đọc nó sau cùng trong loạt truyện của Robert Dugoni. Câu chuyện không có nhiều khoảnh khắc vỡ ra sự thật đau lòng như trong cuốn “Trảng Đất Trống”, không có những cảnh tranh cãi ấn tượng của Daniel O’Leary ở tòa án như trong cuốn “Căn Hầm Tối”, nhưng “Hơi Thở Cuối Cùng” vẫn là một truyện được tác giả viết khá chắc tay, tình tiết thống nhất với những quyển khác trong cùng loạt sách về Tracy Crosswhite. Có một điều chưa thỏa mãn là trong quyển này chàng luật sư Dan ít đất diễn, chỉ được khắc họa hình ảnh như một người đàn ông gần như hoàn hảo, vừa giúp đỡ Tracy trong việc điều tra vừa nấu cho cô ấy những bữa ăn ngon. Biển còn chủ quan cho rằng có một chi tiết tác giả đã dìm hàng anh Dan: nhập mã số mở khóa cửa nhà mà không che lại, khiến người khác quan sát được qua ống nhòm.
Biển bỏ qua hoàn toàn những đoạn giữa ông sếp Johnny Nolassco và cô phóng viên Maria Vanpelt, vì không đọc cũng chẳng ảnh hưởng đến việc hiểu cốt truyện. Phần kết thúc truyện có chút vô lý nhưng có lẽ diễn biến như thế là sát với thực tế, không quá ảo, tuy nhiên kết như vậy khiến Biển không thỏa mãn chút nào. Cuộc đời là thế chăng, người vô tội thì chết còn những thể loại phản diện vẫn sống trơ trơ để làm khổ kẻ khác, có lẽ phải trải qua đau thương thì người ta mới biết giá trị của hạnh phúc, phải trải qua khó chịu thì mới biết giá trị của thoải mái!
Cá nhân Biển cho rằng quyển “Hơi Thở Cuối Cùng” không xuất sắc lắm, đọc tạm được. Nghe đồn Đinh Tị sẽ xuất bản thêm một cuốn nữa của Robert Dugoni, hy vọng đó sẽ là một câu chuyện máu lửa bùng cháy, đem lại ấn tượng sâu đậm khó quên cho độc giả (khó tính như Biển).
***
Review Binh Boog:
Tiếp theo Căn Hầm Tối, Hơi Thở Cuối Cùng nằm trong hành trình phá án tiếp theo của nữ cảnh sát xinh đẹp Tracy Crosswhite và đồng đội.
Nạn nhân lần này là những vũ nữ thoát y ở các câu lạc bộ đêm. Họ bị sát hại một cách rất tinh vi và man rợ: bị siết cổ, tay chân bị trói quặt ra đằng sau như trói lợn. Những nạn nhân về sau còn thêm cả vết bỏng do thuốc lá châm vào.
Một tên tội phạm nguy hiểm, tâm lý biến thái không được ổn định nhưng hết sức tinh vi khi không để lại bất cứ một dấu vết nào.
Một tác phẩm trinh thám để lại rất nhiều suy nghĩ.
Con đường mà những nạn nhân trở thành vũ nữ thoát y gây nhiều trăn trở.
Có người thì do có quá nhiều các hoá đơn thanh toán phải trả trong khi công việc ban ngày là làm kế toán không đủ để chi trả thì tiền boa khi múa có thể đáp ứng được điều đó. Có người chỉ vì bị bố dượng lạm dụng đã phải bỏ nhà ra đi, lại gặp phải người bạn trai cặn bã nghiện ngập, đánh đập rồi vòi tiền mà đi vào con đường đó.
Con đường trở thành tên tội phạm thần kinh điên khùng cũng là một điều đáng suy ngẫm. Bị ám ảnh tổn thương từ bé khi chứng kiến mẹ đưa đàn ông về nhà rồi nghe thấy những thứ không muốn nghe. Cộng thêm sự thất bại trong cuộc sống khi không thể vươn lên được do không biết đường luồn cúi, nịnh nọt.
Có lẽ chính cái mặt trái của gia đình và xã hội đã tạo nên một con quỷ, một thứ rác rưởi bệnh hoạn.
Một vấn đề nữa đó là vấn đề án oan.
Sự quan liêu, bệnh thành tích hay áp lực của xã hội cho ngành cảnh sát đã biến một số người trong ngành vì thành tích hay do áp lực đã vội vàng tìm ra một hung thủ trong khi không tìm hiểu sâu sắc, cặn kẽ vụ án. Điều đó đã đưa một người không phải là hung thủ vào khám ngồi trong khi hung thủ thực sự vẫn đang ở ngoài kia tiếp tục gây án. Sự bất cẩn, chèn ép nhau trong chính nội bộ của ngành cảnh sát.
Cũng không biết đây đã là tác phẩm viết xuất sắc nhất của Robert Dugoni về mảng trinh thám pháp đình chưa nhưng vẫn mong Đinh Tỵ tiếp tục làm nốt các tác phẩm cùng series này.
***
Bộ sách Tracy Crosswhite gồm có:
***
Robert Vincent Dugoni là một tác giả người Mỹ hiện đang sống ở Seattle, Washington. Tiểu thuyết của ông đã giành được những vị trí trên New York Times, Wall Street Journal, BookSense và danh sách bán chạy nhất của Amazon. Chúng được bán trên toàn thế giới tại hơn 25 quốc gia.
Tác giả Robert Dugoni khởi đầu trong mảng truyện trinh thám khá muộn (mãi 43 tuổi mới bắt đầu viết sách, còn trước đó ông làm phóng viên và luật sư thực tập), nhưng đã chứng minh cho độc giả thấy ‘gừng càng già càng cay’ là có thật. Tác phẩm ký sự đầu tay của ông viết về điều tra bất công, The Cyanide Canary, đã được bình chọn là cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2004 của tờ Washington Post. 10 năm sau, ông trở lại với đề tài này một lần nữa thông qua nhân vật nữ cảnh sát Tracy Crosswhite trong cuốn Căn hầm tối.
***
Tracy Crosswhite dõi theo chiếc minivan lái vào bãi đỗ, để ý thấy có ghế trẻ em nằm ở băng ghế sau cùng tấm bảng màu vàng ‘Có Trẻ Nhỏ Trong Xe’ treo lủng lẳng trên cửa sổ. Người phụ nữ mặc chiếc áo chống đạn màu đen, quần bò xanh cùng chiếc mũ bóng chày của đội Seattle Mariners bước ra khỏi xe.
“Điều tra viên Crosswhite?”
Tracy bắt tay người phụ nữ và nhận ra bàn tay cô ta thật nhỏ nhắn và mềm mại. “Cứ gọi chị là Tracy. Em là cảnh sát viên Pryor?”
“Katie thôi. Em thực sự đánh giá cao điều này. Em xin lỗi vì khiến chị mất thêm thời gian sau giờ làm việc.”
“Không sao. Việc giảng dạy giúp chị mài giũa kĩ năng. Em có kính và chụp tai chưa?”
“Em định đi mượn thôi.”
Tracy không nghĩ Pryor là kiểu người sẽ trang bị những thứ đó cho mình. “Vậy thì đi kiếm cho em thôi nào.”
Cô dẫn Pryor vào tòa nhà thấp kiên cố, văn phòng của Hiệp hội Thể thao Cảnh sát Seattle. Giống như phần lớn các trường bắn, nó nằm ở một vị trí biệt lập, cuối con đường nhỏ trong khu công nghiệp cách trung tâm thành phố Seattle khoảng hai mươi phút lái xe về phía nam.
Người đàn ông đứng sau quầy chào Tracy bằng tên, và Tracy giới thiệu: “Virgil, đây là cảnh sát viên Pryor. Cô ấy sẽ cần kính và chụp tai. Chúng tôi cũng cần một tấm bia tập bắn, vài hộp đạn và một cuộn giấy dán.”
“Đào tạo cho kỳ thi sát hạch à? Còn vài tuần nữa thôi nhỉ?” Virgil mỉm cười với Pryor. “Cô có một người thầy giỏi đấy!” Anh ta lôi mấy hộp đạn cùng kính bảo hộ khỏi giá để đồ và những cái móc phía sau quầy. “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục Tracy về đây hẳn để đào tạo người mới. Ý cô thế nào, Tracy?”
“Vẫn như cũ thôi, Virgil. Khi nào người ta ngừng giết hại lẫn nhau thì tôi sẽ về.”
“Phải rồi, khi mặt trời mọc ở đằng tây.” Virgil nhìn quanh quầy. “Tôi phải đi lấy giấy dán ở đằng sau.”
Khi Virgil rời đi, Pryor hỏi: “Sao chúng ta lại cần đến giấy dán?”
“Để che các lỗ hổng trên bia bắn của em.”
“Em chưa bao giờ thấy chuyện đó.”
“Em cũng chưa bao giờ bắn nhiều như em sắp bắn đâu.”
Virgil quay trở lại và đưa Tracy một cuộn giấy dán màu xanh. Cô cảm ơn anh ta và đưa Pryor ra ngoài. “Theo chị nào.” Cô nói và ngồi vào buồng lái chiếc xe bán tải Ford F—150 đời 1973 của mình. Cô đã bán chiếc Subaru sau khi trở về từ Cedar Grove. Cô có đủ tiền để mua một chiếc xe mới, nhưng xe tải đời cũ hợp với cô hơn. Mất vài phút để làm nóng động cơ, đặc biệt là vào những buổi sáng trời lạnh, thân xe cũng có vài vết lõm và xước, nhưng tổng thể thì nó trông không tệ như số tuổi của mình. Bên cạnh đó, chiếc xe này làm Tracy nhớ đến chiếc xe tải mà bố cô từng lái đến các cuộc thi bắn súng khi cô cùng em gái Sarah vẫn còn là những đứa trẻ.
Đi được gần hai trăm mét xuôi theo con đường đầy ổ gà, Tracy đỗ xe gần lối vào khu huấn luyện của cảnh sát Seattle. Cô nhận ra tiếng pốp pốp quen thuộc của những cú xả súng và tiếng sủa của những con chó to. Cô không biết tên ngốc nào ra quyết định đặt chuồng nuôi chó nghiệp vụ K-9 liền kề khu tập bắn, nhưng cô cảm thấy thương hại lũ chó và bất cứ ai phải nghe tiếng chúng sủa nhiều hơn một phút.
Khu tập bắn nằm phía trong cánh cổng bao quanh bởi dãy hàng rào mắt cáo cao gần hai mét rưỡi cùng một đường dây thép gai giăng ngang trên đỉnh. Tracy hà hơi vào hai lòng bàn tay cho ấm trong khi chờ Pryor. Đây là kiểu thời tiết điển hình của một buổi tối tháng Ba, lạnh và có mưa phùn. Hoàn hảo cho mục đích đào tạo.
“Chúng ta nên bắt đầu thế nào đây?” Pryor hỏi.
“Em bắn. Chị xem.” Tracy nói.
Mười lăm tấm ván gỗ ép chi chít lỗ đạn, hay còn gọi là đích ngắm, treo trên một khung treo kim loại đặt dọc theo sườn đồi dốc. Tracy chọn đích ngắm xa nhất phía bên trái, gần khu chuồng chó nhưng cách xa hai người đàn ông đang tập bắn ở khu vực cánh phải của dãy. Cô nói to át tiếng chó sủa và tiếng đạn nổ dội lại từ chỗ các tay súng: “Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc ngắm bắn đã nhé, cách mục tiêu ba mét, bắn bốn phát trong ba giây. Hai viên trúng thân, hai viên vào đầu.”
“Đã rõ!” Pryor nói.
Mời các bạn đón đọc Hơi Thở Cuối Cùng của tác giả Robert Dugoni.