Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Đàn Ông Hoá Thành Đàn Bà

Tác phẩm của Sherwood Anderson (1876 – 1941) tạo cảm hứng sáng tạo tinh thuần và mới mẻ cho văn chương Mỹ, dọn đường cho những ánh sao huyền thoại như William Faulkner và Ernest Hemingway, cả hai đều đón nhận có ý thức món nợ và ân tình của ông… Ngoài ra, những John Steinbeck, Richard Wright, Thomas Wolfe, John Cheever… đều nằm trong bóng ảnh hưởng của Anderson.

Anderson tin rằng Sống là sáng tạo những hình thể mới (To live is to create new forms).

Và Faulkner kể: Từ Anderson ông học được rằng là một nhà văn, trước hết người ta phải là mình, như mình là, như mình được sinh ra. (To be a writer, one has first got to be what he is, what he was born…)

Anderson sinh ra ở Camden, Ohio trong một gia đình nghèo, bỏ học từ năm 14 tuổi để làm việc mưu sinh, trong đó có giữ ngựa và sơn nhà cửa… Nhập ngũ trong chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ. Sau đó đến với kinh doanh và hôn nhân nhưng chỉ để nhận lấy những đổ vỡ cay đắng. Cuối cùng, bỏ tất cả mà viết văn kể từ năm 1916, lúc đã trên 40 (ngoại tứ tuần).

Và đến năm 1919 thì Anderson thực sự thành danh khi ấn hành cuốn Winesburg, Ohio. Tập truyện ngắn liên hoàn 23 truyện này tạo dựng một thành phố nhỏ tưởng tượng gọi là Winesburg nhưng phần nào dựa vào thị trấn Clyde của Anderson thời thơ ấu ở Ohio.

Sau đó là các tập truyện ngắn khác:

– Chiến thắng của quả trứng (The Triumph of the Egg, 1921)

– Ngựa và Người (Horse and Men, 1923)

– Cái chết trong rừng (Death in the Woods, 1933)

Về tiểu thuyết của Anderson, đáng kể là Da trắng khốn cùng (Poor White, 1920) và Tiếng cười u tối (Dark Laughter, 1925).

Sherwood Anderson ghi dấu ấn vĩnh viễn trong văn chương bằng những truyện ngắn trữ tình và huyền bí, nơi ta thường bắt gặp những khoảnh khắc lóe sáng, những trải nghiệm bừng ngộ (the experience of epiphany). Người đàn ông hóa thành đàn bà (The Man who became a Woman) từ tập truyện Ngựa và Người là một truyện linh ánh như vậy.

Truyện ngắn của Anderson thường có ba tố chất: giản đơn, trữ tình và huyền bí.

Hóa thành đàn bà ở đây mang tính chất tâm lý, có cốt truyện giản đơn trong một ngôn ngữ giàu chất thơ và đậm biểu tượng. Và tất nhiên, có huyền bí âm dương: Đàn ông và đàn bà, bạo lực và êm dịu, người và vật, trường đua và lò sát sinh, mưa và xương:

“Nhưng tại sao tôi không thể hét lên tôi cũng không biết nữa. Phải chăng vì trong giây phút đó tôi vừa là đàn bà, đồng thời cũng không phải là người đàn bà? Có lẽ tôi quá xấu hổ vì thấy mình đã biến thành phụ nữ, cùng lúc đó người phụ nữ trong tôi sợ hãi đàn ông đến nỗi không dám gây ra tiếng động nào. Tôi không biết và chẳng có cách nào hiểu nổi.”

“Ngay lập tức tôi cảm thấy khỏe hơn và bò ra khỏi đống xương. Sau đó tôi đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Tôi không còn là một người đàn bà, hay một cô gái trẻ nữa. Tôi là tôi, một người đàn ông. Kể từ đó về sau tôi sống theo cách của một người đàn ông. Thậm chí đêm đen cũng trở nên ấm áp và sống động, như người mẹ đối với đứa con trong bóng tối.”

Một kiệt tác truyện ngắn khác của Anderson là Cái chết trong rừng ấn hành trong tập truyện cùng tên. Nó được Anderson viết đi viết lại nhiều lần cho đến khi hoàn hảo dù nó là một câu chuyện trông thật giản đơn (the simple story).

Một bà lão kiệt sức chết trong rừng dưới ánh trăng và tuyết rơi trong vòng tròn nghi thức kỳ lạ: Cuộc tuần hành của bầy chó quanh bà.

Sau đó là người:

“Tôi chỉ còn nhớ bức tranh trong rừng, những người đàn ông vây chung quanh, hình hài thiếu nữ của bà lão, khuôn mặt vùi trong tuyết, dấu hình đường đua của những con chó và bầu trời mùa Đông lạnh lẽo sáng trong trên đầu. Những mảnh mây trắng trôi rời rạc. Mây đuổi theo nhau băng qua khoảng trời lộ ra giữa tán cây.”

Vậy tuần hành quanh hình hài thiếu nữ lộ trần và úp mặt trong tuyết của bà lão là chó, người và mây. Biểu tượng của huyền bí hay huyền bí của biểu tượng?

Nhật Chiêu

***

Tập truyện ngắn Người Đàn Ông Hoá Thành Đàn Bà gồm có:

  • 01 QUẢ TRỨNG
  • 02 TÔI LÀ MỘT GÃ KHỜ
  • 03 NGƯỜI ĐÀN ÔNG HÓA THÀNH ĐÀN BÀ
  • 04 CÁI CHẾT TRONG RỪNG
  • 05 EM ĐANG TẮM
  • 06 PHƯƠNG NAM HỘI NGỘ
  • 07 ĐI DẠO DƯỚI ÁNH TRĂNG

***

QUẢ TRỨNG

Cha tôi, tôi đoan chắc, là người có thiên hướng tử tế và vui vẻ bẩm sinh. Cha làm thuê trong nông trại của Thomas Butterworth gần thị trấn Bidwell, bang Ohio, cho đến năm ba mươi tư tuổi. Sau đó cha mới đủ tiền tậu cho mình một con ngựa, rồi vào mỗi tối thứ Bảy lại cưỡi nó vào thị trấn, tiêu tốn vài giờ xã giao với những tá điền khác. Ở đó, cha tôi quẩn quanh cái quán của Ben Head uống vài ly bia. Quán gã thường ken đặc tá điền vào tối thứ Bảy. Âm thanh của những bài hát cất lên cùng với tiếng ly bia nện thình thình xuống quầy bar. Đúng mười giờ, cha lại cưỡi ngựa men theo con đường làng quạnh quẽ trở về nhà, cho ngựa nghỉ ngơi còn mình thì lên giường ngủ, hoàn toàn hạnh phúc với đời. Lúc đó, cha không hề có ý niệm nào về sự phấn đấu vươn lên trong xã hội.

Rồi vào mùa Xuân năm cha ba mươi lăm tuổi, ông cưới mẹ, một cô giáo miền quê. Vào mùa Xuân năm sau tôi cựa mình oe oe chào đời. Và có điều gì đó đã xảy đến với cha mẹ tôi. Hai người bỗng trở nên tham vọng. Sự đam mê trỗi dậy của nước Mỹ trước thế giới đã chiếm cứ họ.

Có lẽ mẹ tôi chính là người chịu trách nhiệm cho toàn bộ việc này. Làm cô giáo ở quê, mẹ tất nhiên phải đọc sách và tạp chí. Tôi đoán chừng mẹ đã đọc về Garfield, Lincoln và những người Mỹ khác vươn lên từ nghèo đói để trở nên nổi tiếng và vĩ đại ra sao. Khi tôi nằm bên mẹ, trong thời gian người ở cữ, hẳn mẹ đã mơ đến ngày tôi trị vì dân chúng và các thành phố. Dần dần mẹ xúi cha từ bỏ việc làm thuê trong nông trang, bán ngựa đi và khởi nghiệp kinh doanh của riêng mình. Mẹ là một người cao và ít nói, có chiếc mũi lớn và đôi mắt xám đầy âu lo. Mẹ không mong muốn gì cho riêng mình. Nhưng lúc nào Người cũng tràn trề tham vọng với cha và tôi.

Thương vụ đầu tiên của cha mẹ kết thúc thật tệ. Họ thuê mười mẫu đất bạc màu lổn nhổn đá trên đường Griggs, cách thị trấn Bidwell tám dặm để khởi nghiệp nuôi gà. Thời thơ ấu của tôi lớn lên ở đây và những ấn tượng đầu tiên của tôi về cuộc đời là tại chốn này. Ấn tượng đó chỉ toàn là tai ương và dịch bệnh. Vì vậy sau này nếu tôi trở thành một gã u sầu, nhìn đâu cũng thấy phần thảm nhất của cuộc sống, thì chắc hẳn là do những ngày thơ ấu sống trong trại nuôi gà đó, mà đáng lẽ phải thật sung sướng vui vẻ mới đúng.

Những ai không biết gì về việc nuôi gà hẳn sẽ không có ý niệm nào về những bi kịch xảy ra cho một con gà. Gà đập trứng chui ra. Hình ảnh chú gà bé bỏng phủ lông tơ xinh xắn thường thấy trong những tấm thiếp lễ Phục sinh chỉ tồn tại vỏn vẹn vài tuần. Sau đó chúng bị trụi lông, gần như lõa lồ một cách gớm ghiếc. Chúng ăn hàng đống ngũ cốc và thức ăn được mua từ những giọt mồ hôi trên trán cha bạn, rồi bắt đầu mắc các dịch bệnh như bệnh ứ đờm gà, dịch tả hay nhiều loại bệnh khác nữa. Lũ gà cứ đứng đó, ngơ ngác ngửa mặt nhìn trời bằng cặp mắt xuẩn ngốc, rồi dần dần suy yếu và chết đi. Cũng có một vài con gà mái, và thỉnh thoảng là một chú gà trống, vốn tưởng như phải phụng sự cho kết cục huyền bí của Chúa trời rồi, lại gắng gượng đấu tranh để sinh tồn. Gà mái lại đẻ trứng và gà con ra đời. Cái vòng tròn khiếp đảm đó cứ như vậy mà đi một cách trọn vẹn. Đó là cả một sự phức tạp khó tin nổi. Hầu hết các triết gia hẳn phải lớn lên ở trại nuôi gà. Chắc hẳn họ cũng là những kẻ đã đặt hy vọng quá nhiều vào một chú gà và bị vỡ mộng đớn đau. Những con gà con, khi mới ra đời, trông thật tươi tắn và lanh lợi, nhưng thực tế là chúng ngu ngốc khủng khiếp. Gà không khác chi con người, vẫn hoài mờ mịt trước những giờ phán quyết của cuộc đời. Nếu dịch bệnh không giết chết chúng, thì chúng sẽ đợi đến một ngày khi niềm hy vọng của bạn dâng cao tràn trề, rồi đột nhiên chui tọt vào dưới những bánh xe ngựa, bị cán qua thân và quay về với đấng tạo hóa. Côn trùng sâu bọ cũng gặm nhấm tuổi trẻ của những chú gà, bao nhiêu tiền của đều bay biến vì mua thuốc chữa bệnh cho chúng. Sau này, tôi có đọc một tác phẩm kể lại chuyện người ta đã tạo ra cả một sản nghiệp bắt đầu từ cái trại nuôi gà như thế nào. Những cuốn sách kiểu đó chắc viết ra để cho các vị thần đã ăn hết cả Cây Thiện Ác đọc. Đó là một cuốn sách viết đầy những tuyên ngôn tràn trề hy vọng, bởi những kẻ đơn giản chỉ tham vọng sở hữu một vài con gà. Đừng để những câu chuyện kiểu đó làm bạn bị chệch khỏi đường ray. Câu chuyện đó không dành cho bạn đâu. Bạn có thể đi đào vàng tại những ngọn đồi băng giá của Alaska, có thể đặt niềm tin vào sự chân thật của các chính trị gia, có thể nghĩ rằng nếu bạn tin tưởng họ thì thế giới sẽ đẹp đẽ hơn và điều thiện sẽ chiến thắng điều ác, nhưng bạn đừng đọc và đừng tin vào những tác phẩm liên quan đến con gà. Những chuyện đó không dành cho bạn đâu.

Tuy nhiên tôi đã hơi lạc đề rồi. Câu chuyện tôi kể chủ yếu không liên quan đến con gà. Đúng hơn thì chuyện chỉ tập trung vào quả trứng gà mà thôi. Trong mười năm cha mẹ tôi vất vả kiếm kế sinh nhai từ trại nuôi gà, cuối cùng họ đành phải đầu hàng để chuyển sang một thương vụ mới. Họ chuyển vào thị trấn Bidwell, bang Ohio và bắt tay vào việc kinh doanh nhà hàng. Sau mười năm lo toan với những cái lồng ấp trứng không giúp nở ra nổi một con gà nào, cũng như với những trái banh lông đáng yêu nhỏ xíu biết đi, trưởng thành thì giống như những cái đầu móc tả tơi, và khi lớn lên thành gà mái thì lần lượt tiến vào cõi chết, chúng tôi vất hết mọi thứ qua một bên và gói ghém hành lý chất lên xe ngựa, đánh chiếc xe theo đường Griggs hướng về thị trấn Bidwell. Kéo theo con ngựa là chiếc thùng xe nho nhỏ của niềm hy vọng, đi tìm một bờ bến mới, để từ đó lại bắt đầu một hành trình tiến về phía trước của cuộc sống.

Nhìn chúng tôi hẳn là tệ lắm, nhưng không, lúc đó tôi đã tưởng là mình chắc chẳng đến nỗi giống như những người tị nạn vừa đào thoát khỏi cuộc chiến đâu. Mẹ và tôi đi bộ trên đường. Thùng xe chứa đồ đạc mượn của nhà ông Albert Griggs hàng xóm. Hai bên thành xe lòi ra những cái chân của bộ ghế rẻ tiền, còn phía sau mớ chất chồng nào giường, bàn và những thùng đồ bếp là lủng lẳng một cái sọt đựng mấy con gà. Trên cùng đống đồ đạc treo cái nôi đã đung đưa suốt tuổi thơ tôi. Tại sao chúng tôi phải mang theo chiếc nôi tôi không thể hiểu. Cũng chẳng có chuyện một đứa bé nữa sẽ ra đời, mà mấy bánh xe của cái nôi cũng đã hỏng rồi. Nhà nghèo với chút ít tài sản trong tay thường khư khư giữ chặt những gì họ có. Đó là một trong những sự thật khiến đời sống trở nên chán nản.

Mời các bạn đón đọc Người Đàn Ông Hoá Thành Đàn Bà của tác giả Sherwood Anderson.