LỜI NGƯỜI DỊCH
Hơn 12 năm sau khi ấn bản đầu tiên ra đời, “Lãnh đạo - Chiến lược thực thi” của Warren Bennis và Burt Nanus đã trở lại với độc giả với một phong cách mới hơn nhưng vẫn không mất đi những giá trị tinh túy vốn có của nó. Cuốn sách đã thổi một luồng sinh khí mới về quan niệm lãnh đạo, giúp cho những người đã, đang và sẽ trở thành lãnh đạo nhận thức, nắm bắt và thích nghi với những thay đổi quá nhanh chóng và bất ngờ của thời đại ngày nay.
Với phương pháp phỏng vấn và quan sát 90 nhà lãnh đạo tại nhiều cấp bậc từ các tổ chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội Mỹ, không phân biệt màu da và giới tính, kết hợp với khả năng dẫn dắt và khai triển vấn đề, tác giả đã đúc kết thành những nguyên tắc cơ bản của lãnh đạo và chứng minh chúng qua những ví dụ thực tế một cách thuyết phục.
Có thể nói thành công lớn nhất, cũng là điều người dịch tâm đắc nhất khi học hỏi từ cuốn sách này là sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo. “Quản lý là đảm bảo công việc thực hiện đúng đường lối còn Lãnh đạo là tìm ra đường lối đúng đắn” . Khái niệm này có lẽ còn mới mẻ với rất nhiều người, khi trước đây “lãnh đạo” đa số bị đánh đồng với “quản lý”.
Người lãnh đạo phải biết tổ chức của mình cần gì, truyền đạt ý tưởng này cho mọi người, đặt tổ chức vào đúng chỗ và giao quyền cho nhân viên làm việc. Để thực hiện được việc nghe có vẻ đơn giản này, lãnh đạo cần phải có những kỹ năng phù hợp thông qua việc liên tục trau dồi, học hỏi và hoàn thiện bản thân cũng như tổ chức. Ngày nay, thành công không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà nó được đẩy lên tầm tập thể, một quan niệm mới cho lãnh đạo hôm nay là: “Team work is dream work,” tức là chỉ có làm việc tập thể thì giấc mơ thành công mới thành hiện thực. Xu hướng phân quyền ngày càng mở rộng làm cho các tổ chức trở nên phẳng hơn, ít cấp độ hơn, lãnh đạo cần có ở tất cả các cấp, bộ phận và lãnh đạo cấp cao sẽ trở thành “lãnh đạo của lãnh đạo”. Qua đó, quyền lực sẽ dần dần được thay thế bằng sự tôn trọng, chia sẻ và hợp tác giữa những con người trong một tổ chức cùng hướng tới một mục tiêu chung.
Tuy nhiên, đối tượng phỏng vấn mà tác giả đề cập xuyên suốt cuốn sách tập trung vào những nhà lãnh đạo Mỹ nên tư tưởng của cuốn sách ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Mỹ. Vì vậy, khi vận dụng các nguyên tắc lãnh đạo trong tác phẩm này cần quan tâm đến yếu tố văn hóa dân tộc vì văn hóa tổ chức chịu ảnh hưởng rất sâu đậm từ yếu tố này. Hiện nay, Việt Nam dù đã tiến bộ nhiều nhưng sức ỳ trong suy nghĩ vẫn còn lớn, làm ảnh hưởng tới sự sáng tạo, đổi mới. Ngoài ra, xu hướng tập trung quyền lực vào các cấp lãnh đạo cao tạo khoảng cách quyền lực khá lớn, gây trở ngại cho công tác phân quyền và huy động sự tham gia của mọi thành viên, mọi lãnh đạo ở các bộ phận vào mục tiêu chung của tổ chức.
Hy vọng qua việc vận dụng một cách linh hoạt kiến thức của cuốn sách này các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể dẫn dắt tổ chức trong quá trình sàng lọc, cải tiến cái cũ, tinh tuyển cái mới để vạch ra một tầm nhìn khả thi, truyền đạt ý nghĩa tầm nhìn trong văn hóa tổ chức, phát huy tinh thần học hỏi và chuyển đổi để thích nghi với môi trường bên ngoài, tạo một chỗ đứng vững chắc cho tổ chức trong xã hội.
Võ Kiều Linh
Tháng 8/2008
***
LỜI TÁC GIẢ
Cách đây hơn 20 năm, lúc bắt đầu viết cuốn sách này, chúng tôi nghĩ đây có lẽ là thời điểm nên có một cái nhìn mới về chủ đề lãnh đạo. Theo quan điểm chúng tôi, có nhiều khía cạnh quan trọng về lãnh đạo đã bị bỏ qua hoặc xem thường trong giới quản trị. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cách nhìn nhận đánh giá khác khuyến khích nhiều suy nghĩ và nghiên cứu mới cần kíp cho lĩnh vực này.
Những phản hồi từ giới chuyên ngành về chủ đề cuốn sách này đã vượt xa sự mong đợi của chúng tôi, họ đã tiếp nhận và mở rộng thêm rất nhiều từ khái niệm chúng tôi đưa ra ban đầu. Hồi tưởng lại, chúng tôi có thể đúc kết vài ý tưởng hữu ích nhất như sau:
1. Phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý - Hầu hết những cuốn sách quản trị trước đây đều chỉ dừng lại ở chỗ lãnh đạo là một trong các chức năng của quản lý. Chúng tôi lại cho rằng lãnh đạo có một mục đích tổ chức khác với quản lý. Lãnh đạo cần có cách đánh giá độc đáo và nắm giữ nhiều trách nhiệm, đòi hỏi những năng khiếu và kỹ năng khác nhau. Chúng tôi thấy mọi người nhắc nhiều đến “quản lý là làm việc đúng cách, đúng đường lối, còn lãnh đạo là xác định cách làm đúng, đường lối đúng”. Ý kiến này đã đóng góp rất nhiều trong các chương trình giảng dạy và tư vấn ngày một tăng, đặc biệt về lĩnh vực phát triển khả năng lãnh đạo.
2. Giao quyền – Các cuốn sách trước thường cho rằng lãnh đạo cần phải khẳng định vai trò của mình qua việc thực thi quyền lực và quản lý, xuất phát từ địa vị quyền hành và trách nhiệm trong tổ chức của người này. Chúng tôi nghĩ ngược lại “lãnh đạo giao quyền lực cho người khác để họ biến ý định thành thực tế và duy trì nó”. Các tác giả sau này đã tiếp tục phát triển ý tưởng giao quyền này thành các khái niệm như “lãnh đạo đầy tớ” hay “lãnh đạo cộng tác”.
3. Tầm nhìn – Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một trong những yếu tố then chốt để lãnh đạo thành công là cần phải có một tầm nhìn rõ ràng cụ thể, hay một chí hướng, thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người trong tổ chức. Vấn đề này không chỉ đúng trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn cả trong lãnh đạo các tổ chức giáo dục, nhà thờ và các tổ chức phi lợi nhuận khác. Ngày nay, ai cũng nhận thấy rằng tất cả các tổ chức thành công không chỉ cần một nhiệm vụ hay mục đích rõ ràng, mà còn cần một lý tưởng được chia sẻ cho mọi thành viên, và lãnh đạo sẽ không thể thành công nếu thiếu một trong hai yếu tố này.
4. Niềm tin - Giới quản lý luôn biết rằng liêm chính rất quan trọng dù không phải lúc nào họ cũng chứng minh được điều này. Nhưng cuốn “Lãnh đạo” là một trong những cuốn sách đầu tiên nhấn mạnh xây dựng lòng tin là đặc điểm mấu chốt cho sự thành công trong lãnh đạo và thiếu vắng niềm tin sẽ là thảm họa cho tổ chức, minh chứng là hàng loạt các vụ tai tiếng tài chính và nhiều công ty phá sản.
5. Truyền đạt ý nghĩa - Nhiều cuốn sách đã được xuất bản về chủ đề văn hóa tổ chức, nhưng cuốn sách này chỉ tập trung vào vai trò người lãnh đạo trong việc hình thành và truyền đạt nền văn hóa đó. Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo là người đóng vai trò chủ chốt trong việc phát ngôn các giá trị tổ chức, diễn dịch chúng sang thực tiễn, xác định và phát huy ý nghĩa, tạo những biểu tượng và hình mẫu cần thiết để truyền đạt một hình ảnh xuyên suốt về các nguyên tắc chi phối hành vi tổ chức. Có một kết cục không ai mong muốn xuất phát từ quan điểm này, đó là những người điều hành, trước các phương tiện truyền thông, thay vì phát ngôn hay đại diện cho lợi ích của tổ chức thì họ lợi dụng danh tiếng vì quyền lợi cá nhân. Đây là một xu hướng không tốt mà chúng tôi thực sự lo lắng cho tình trạng hiện nay.
Chúng tôi, tác giả của cuốn sách này, cảm thấy vui mừng vì đã có thể giúp những nhà lãnh đạo, học giả và những người khác có một cái nhìn mới về chủ đề lãnh đạo. Trong thế giới ngày càng trở nên phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau, và hỗn loạn, không gì quan trọng hơn tài năng và uy tín của lãnh đạo, người đưa ra những kế hoạch xác đáng, huy động những nguồn lực cần thiết, và giao quyền cho những người khác hành động vì lợi ích tối ưu cho tổ chức và cho xã hội.
WARREN BENNIS - BURT NANUS
Tháng 3, năm 2003
***
LỜI TỰA
Khách quan nhìn lại ấn bản đầu tiên của cuốn “Lãnh đạo”, với tất cả những nỗ lực trước đây, chúng tôi, tác giả cuốn sách, nghĩ rằng nhiều khái niệm chúng tôi đưa ra như tầm nhìn, giao quyền, học hỏi trong tổ chức và niềm tin, vẫn có giá trị đến ngày nay cũng như cách đây 12 năm. Mặt khác, khi đọc lại ấn bản đầu tiên, chúng tôi thấy có một số điểm cần phải được nhấn mạnh hơn. Người Pháp có câu l’esprit d’escalier , nghĩa đen là linh hồn của chiếc cầu thang, ngụ ý khi đi xuống cầu thang chúng ta mới nghĩ ra những điều chúng ta muốn nói nhưng cuộc họp đã kết thúc. Vì thế chúng tôi quyết định bổ sung thêm cho ấn bản trước bằng nhiều thông tin mới rải rác trong cuốn sách và một phần hoàn toàn mới, chương cuối, nêu ý kiến của chúng tôi về tương lai của lãnh đạo. Sau đây là những điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh.
1 . Lãnh đạo là vấn đề về nhân cách. Nhân cách có thể liên tục được cải thiện. Quá trình trở thành nhà lãnh đạo cũng giống như quá trình trở thành một con người hoàn thiện vậy.
Chúng ta thường thấy hầu hết các tổ chức đánh giá nhân viên theo bảy tiêu chí sau: năng lực kỹ thuật, kỹ năng cá nhân, kỹ năng phân tích, khả năng lưu trữ thông tin, sở thích, óc phán xét và nhân cách. Trong số này, hai tiêu chí cuối là khó xác định, khó đánh giá và phát triển nhất. Chúng ta không biết cách đào tạo chúng như thế nào: không có trường lớp nào dạy điều này. Nhưng chúng ta biết chúng được hình thành như thế nào. Thực tế là có nhiều nhà điều hành đã đi trật đường ray, hay đã thất bại vì thiếu nhân cách và óc phán xét, chứ chúng ta chưa hề thấy sự nghiệp nào bị chết yểu vì thiếu năng lực kỹ thuật. Thật không may là những yếu tố quan trọng nhất đối với lãnh đạo lại không thể dễ dàng định lượng được.
2. Để tổ chức có tính cạnh tranh cao, người lãnh đạo phải đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng một cấu trúc xã hội nhằm tạo nên nguồn vốn tri thức cho tổ chức. Các yếu tố quan trọng của cấu trúc, cơ cấu hay hình thức tổ chức được mô phỏng qua 4 F của Rosabeth Moss Kanter, đó là: focused - tập trung, flexible – linh hoạt, fast – chắc chắn, và friendly – thân thiện. Chúng tôi xin thêm vào một F thứ năm là: fun – thú vị. Một cơ cấu sẽ chỉ thành công khi các thành viên muốn nó thành công. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến cơ cấu tổ chức, mà chủ yếu tập trung vào cách lãnh đạo kiến tạo và phát triển nên một nền văn hóa trong đó mọi người tôn trọng, quan tâm và tin tưởng lẫn nhau.
Các tổ chức ngày càng có nhiều ý tưởng, sáng kiến, óc tưởng tượng, sáng tạo, nói chung là dựa trên vốn tri thức. Những vị lãnh đạo sáng suốt phải nắm bắt được điều này. Percy Barnevik, chủ tịch người khổng lồ ABB, bảo chúng tôi rằng “giải phóng chất xám” là thách thức lớn nhất đối với ông. Micheal Eisner của Disney khi đề cập đến nhóm làm phim hoạt hình, nói rằng “ý tưởng theo chúng tôi về tận nhà”.
3. Chỉ có ý chí quyết tâm đạt được mục tiêu hay hiện thực hóa tầm nhìn, ước mơ không thôi chưa đủ . Max Depree, cựu chủ tịch công ty Herman Miller, đã từng nói rằng “nhiệm vụ đầu tiên của lãnh đạo là xác định thực tiễn”. Đó là một cách nói khác về mục tiêu và phương hướng. Nếu mọi người không cùng hướng đến một mục tiêu chung thì công ty sẽ không thể thành công. Không có mục tiêu thì công ty chỉ vật vờ, trôi nổi. Mặt khác, nếu mục tiêu cũ rích cũng không thể khuyến khích, truyền cảm hứng và sinh lực cho mọi người. Nó phải luôn được hâm nóng và có ý nghĩa đối với mọi người.
Chúng tôi có một ví dụ thú vị từ nhóm nhạc kịch “Peanuts” như sau: Lucy hỏi Schroeder, người đang chơi dương cầm và dĩ nhiên không ngó ngàng gì đến cô, rằng anh có biết tình yêu là gì không. Shroeder đứng lên và ngâm: “Tình yêu - một danh từ diễn tả cảm xúc sâu sắc, mạnh mẽ, và không thể diễn đạt bằng lời của người này đối với người khác.”. Xong, anh ta ngồi xuống và tiếp tục chơi đàn. Trong cảnh cuối, Lucy nhìn xa xăm, cay đắng nói rằng, “Nghe thì hay lắm nhưng chỉ là nói suông”. Đa số các câu khẩu hiệu cũng vậy: Nghe rất hay nhưng chỉ là sách vở.
Vì vậy mục đích phải có một ý nghĩa phù hợp với những người ủng hộ, nếu không nó thật vô nghĩa. Trong vở kịch của Shakespeare, Henry IV, phần I, vị thông thái xứ Wales, Glendower, khoác lác với Hotspur rằng, “Ta có thể gọi các linh hồn từ đáy biển sâu”. Hotspur đập lại rằng, “Thì đã sao? Ta và những người khác cũng có thể làm được như thế; Quan trọng là những linh hồn có xuất hiện khi ngươi thật sự cần chúng không?”.
4. Khả năng xây dựng và duy trì niềm tin là yếu tố trung tâm của công tác lãnh đạo . Lý tưởng dù có hay đến đâu cũng trở nên vô nghĩa nếu mọi người không tin tưởng nó. Lòng tin là chất keo kết nối mọi hệ thống trong xã hội lại với nhau. Niềm tin là thứ khó khăn mới có được nhưng lại dễ dàng bị đánh mất.
Cách đây không lâu chúng tôi nhận được một bức thư từ một vị giám đốc điều hành (CEO) trong danh sách Fortune 500 viết rằng, “Chúng tôi có tới hàng ngàn người, hàng ngàn công nhân, những người chỉ muốn chấp nhận một thế giới bất biến, và họ không đón nhận những dự đoán thay đổi trong tương lai.”. Vấn đề nan giải của công ty là không có lòng tin trong đội ngũ CEO và quản lý cấp cao. Vị CEO với đường lối ấu trĩ chỉ biết ra lệnh và kiểm soát đã không có khả năng xây dựng niềm tin giữa các thành viên chủ chốt của công ty. Còn công đoàn thì sao, họ đã làm nên chuyện. Có thể nói rằng vị lãnh đạo công đoàn là một trong những người mạo hiểm nhất nhưng nếu không tạo được niềm tin họ không thể “gọi các linh hồn từ đáy biển sâu”.
Trong số báo New York Times ngày 12 tháng 11 năm 1995, Tom Friedman viết về vụ ám sát Yitzhak Rabin, chia sẻ bí quyết thành công của Rabin như sau: “Ông Rabin có được yếu tố quan trọng nhất của lãnh đạo, đó là tính xác thực. Ông không vẽ vời, không đeo mặt nạ giả dối, những gì bạn thấy hoàn toàn là sự thật.” Người Israel biết họ có thể tin tưởng Rabin và hoàn toàn có niềm tin rằng ông luôn làm điều đúng. Không có niềm tin này, Rabin đã không thể đạt được những nhân nhượng mạo hiểm trong tiến trình hòa bình với PLO (Tổ chức giải phóng Palestine).
5. Những nhà lãnh đạo chân chính thu hút mọi người đi theo lý tưởng của mình một cách khéo léo thông qua niềm tin lạc quan của họ, thậm chí đôi khi có thể là sự lạc quan không có cơ sở . Với họ, không phải là chỉ còn nửa cốc nước, mà còn đầy tới nửa cốc. Tất cả những vị lãnh đạo gương mẫu chúng tôi đã phỏng vấn đều tin tưởng rằng họ có thể thay đổi thế giới, hay ít nhất họ có thể tạo một dấu ấn trong vũ trụ này.
Họ là những người mang đến niềm hy vọng. Confucius đã nói rằng lãnh đạo là “những người phân phát niềm hy vọng”. Cựu Tổng thống Ronald Reagan là điển hình hay cũng có thể gọi là minh họa tích cực cho quan điểm này hơn bất kỳ ai kể từ thời FDR (Franklin D. Roosevelt), dù ông vừa bị bắn trong một cuộc ám sát hụt. Richard
Wirthlin, người từng thu thập thông tin cho Reagan trong 6 năm, kể về câu chuyện năm 1982: trong tâm trạng đầy tuyệt vọng, ông bước vào Phòng Bầu dục với bản báo cáo giữa tháng, thông báo cho Reagan một tin xấu: “Chỉ có 32% phiếu bầu, tỷ lệ thấp nhất so với các tổng thống đương nhiệm ở năm thứ hai.”. Reagan đáp lại bằng một nụ cười và nói: “Ngốc ơi… đừng lo. Để tôi chạy ra ngoài nhận thêm một cú đạn nữa.”.
6. Lãnh đạo phải có thiên hướng hành động để thành công. Đó là khả năng diễn dịch tầm nhìn và mục tiêu vào thực tế. Chỉ có tầm nhìn, niềm tin và lòng lạc quan không chưa đủ. Lãnh đạo phải có những bước đi vững chắc và năng động để mang lại kết quả thành công. Lãnh đạo là những người thúc đẩy công việc, họ biết cách “kết nối” từ mục tiêu tới thực tế. Như Steve Jobs đã từng nói trong thời hoàng kim của máy tính Mac là “con tàu của những người lãnh đạo chân chính”. Cần phải có sự tập trung cao độ, liên tục vào nhiệm vụ cho đến khi công việc hoàn thành.
Tất cả những điều này nhắc nhở chúng tôi rằng tác phẩm của chúng tôi về lãnh đạo vẫn chưa hoàn thành và chúng tôi đã có thêm nhiều “ý tưởng khi đi xuống cầu thang”. Một câu nói của triết gia vĩ đại Wayne Gretzky mà chúng tôi yêu thích là: “Không bắn thì làm sao trúng đích được”. Vì thế chúng tôi đã bắn một cú nữa trong cuốn sách này.
Warren Bennis và Burt Nanus
Santa Monica, California
Tháng 8 năm 1996
Mời các bạn đón đọc Lãnh Đạo của tác giả Warren Bennis & Burt Nanus.