Cô Dâu Đen (The Bride Wore Black) được xuất bản lần đầu năm 1940, là mốc son trong sự nghiệp cầm bút của Cornell Woolrich, khởi đầu cho danh tiếng tác giả “trinh thám đen” bậc thầy.
Câu chuyện xoay quanh một phụ nữ xinh đẹp và bí ẩn ra tay mưu sát những đàn ông theo nhiều cách thức. Đâu đó trong thành phố, một gã đàn ông trước đấy hãy còn cảm thán về tương lai tươi sáng của mình thì ngay sau đó, cuộc đời gã kết thúc trong bi thảm. Bỏ lại kẻ xấu số sau lưng, CÔ DÂU ĐEN tiếp tục hành trình trả thù đẫm máu của mình, vẫn còn những cái tên phải gạch bỏ, vẫn còn những kẻ thù cần trừng phạt.
Woolrich đưa nội tâm nhạy cảm và xu hướng bi quan của chính mình vào trong tác phẩm. Đêm đen, bóng tối và cái chết bao trùm khắp câu chuyện tạo nên không khí bất an và hồi hộp. Những câu văn mềm mại dẫn lối câu chuyện đến một kết cục đầy ngỡ ngàng. Phải chăng mọi sai lầm đều có thể sửa chữa và những mối hận thù có thể hoàn trả đầy đủ?
***
Review Nguyễn Ngoc Nam:
Cô Dâu Đen thuộc thể loại trinh thám đen, một thể loại mà lần đầu tiên tôi đọc, với bố cục sách khá là vừa tầm và dung lượng sách không quá nhiều thì việc ngốn nó trong khoảng thời gian ngắn là điều dễ dàng.
Câu truyện bắt đầu bằng cái chết của nạn nhân đầu tiên khi anh ta đang trong một buổi tiệc với người vợ tương lai của mình. Tiếp theo đó là hàng loạt những cái chết đầy bí ẩn của những người đàn ông khác. Điểm chung của những vụ án mày mà đều liên quan đến một người phụ nữ xinh đẹp mặc đồ đen. Tác giả đã xây dựng nên hình ảnh hung thủ thực sự thú vị với sự biến hóa ngoại hình tài tình, cách nói chuyện đầy mê hoặc, quyến rũ. Nó tạo cho người đọc cảm giác chân thực đến nỗi nếu đặt chính tôi vào vị trí các nạn nhân thì có lẽ tôi sẽ cùng chung số phận với họ. Xuyên suốt quá trình đọc tôi thấy ấn tượng với cái chất hài mà tác giả mang lại, 1 cái hài rất đặc trưng của nền văn học thế kỷ trước.
Điều làm nên sức cuốn hút, điểm nhấn, giá trị cho toàn bộ tác phẩm chính là cái cách mà hung thủ tiếp cận con mồi của mình: Công phu - Kiên nhẫn - Tàn độc. Như cách mà phụ nữ trừng phạt những kẻ làm tổn thương mình vậy.
Và điều cuối cùng mà tôi muốn nói chính là truyện có nhiều lỗi chính tả và đánh máy làm người đọc cảm thấy khó chịu. Nxb và đv phát hành cần phải xem xét lại vấn đề này cho những tác phẩm xb tiếp theo.
Qua truyện này tôi rút ra 6 điều:
Thứ nhất, nấm đẹp là nấm độc. Đừng để nhan sắc đàn bà giết chết sự kiêu hãnh của người đàn ông.
Thứ hai, đ' có cái gì là tự nhiên cả, tất cả đều có nguyên do của nó.
Thứ ba, phụ nữ là những diễn viên xuất sắc.
Thứ tư, đừng bao giờ chọc điên hay gây thù với phụ nữ vì bạn không biết họ sẽ làm gì sau đấy đâu ????
Thứ năm, phụ nữ là những người giỏi chịu đựng và rất chung thủy một khi đã yêu thật sự.
Thứ sáu, trái tim của người phụ nữ thật sự rất mong manh.
***
Cornell Woolrich (1903-1968) - cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám đen, bậc thầy của sự hồi hộp. Với cách kể và dẫn dắt đầy lôi cuốn, mỗi tác phẩm của ông không hẳn là cuộc kiếm tìm chân dung kẻ sát nhân mà còn đưa lên sân khấu những nghịch lý về sự thật bị che giấu và những bất ngờ không đoán trước.
Cornell Woolrich được coi là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn, đưa thể loại truyện noir fiction (tiểu thuyết đen) đến đỉnh cao của sự thành công. Ông cũng là tác giả trinh thám có số lượng truyện chuyển thể thành phim nhiều nhất thế giới, trên trang IMDB có tới 103 bộ phim được ghi tên ông. Những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Woolrich thường trở thành đề tài nghiên cứu sáng giá liên quan đến “kỷ nguyên của thể loại phim noir”.
Tấn công, hoang tưởng, mối đe dọa, cái chết, là những chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của Woolrich. Ngoài ra, khi nói đến tiểu thuyết của tác giả này, hình tượng người phụ nữ với “tính nữ” cũng là một nét tiêu biểu.
Trong truyện của ông có những nỗi sợ hãi chẳng rõ ràng, cảm giác luôn bị đe dọa. Các nhân vật thì luôn trong một cuộc chạy đua với thời gian. Theo đó là những nỗi tuyệt vọng ngày càng lấp đầy. Điều đặc biệt trong truyện của Woolrich chính là những “anh hùng” thường là nạn nhân, bị buộc tội về tội ác mà họ không thực hiện, hoặc phạm tội vì những đau buồn, tuyệt vọng và bất công trong cuộc sống.
Thế giới Woolrich tạo ra giống như một mê cung, đánh lạc hướng suy luận của người đọc. Tác giả đặt ra những “cái bẫy” cho các nhân vật chính không may mắn của mình và sau đó chờ đợi nhân vật chính sa vào bẫy và độc giả bị đánh lừa. Đầu tiên là tính bất khả thi. Tính “không thể” được sử dụng Woolrich làm cho tình huống trở nên khó hiểu hơn, che giấu sự thật đằng sau.
Dường như, trong các tác phẩm của Woolrich các nhân vật ban đầu bao giờ cũng khởi điểm từ tình yêu, sự chung thủy, từ những điều tốt đẹp nhưng sau đó, bởi vì sự "tham lam" mà dần dần đánh mất đi bản ngã của chính bản thân mình. Kết hợp với đó, yếu tố bạo lực cũng được áp dụng triệt để để mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người đọc.
Với sự khai phá mới cho tiểu thuyết trinh thám, Cornell Woolrich đã cung cấp những ẩn dụ về sinh mệnh con người thật rẻ mạt, cái thứ đạo đức trắng đen lẫn lộn. Bằng lối kể hấp dẫn, luôn giấu kín sự thật, mỗi tác phẩm của ông luôn làm người xem phải tò mò. Ở Việt Nam, nhiều truyện ngắn của Cornell Woolrich đã được dịch và đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay vào cuối thập niên 1990, Cô Dâu Đen (The Bride Wore Black) được xuất bản năm 2018.
Tác phẩm:
***
“Julie, Julie ơi!” Tiếng gọi bám theo người phụ nữ suốt bốn đợt cầu thang. Tiếng gọi đó là âm thanh mềm mại nhất mà cũng mạnh mẽ nhất mà đôi môi có thể phát ra được. Nhưng nó không khiến cô do dự, không ngập ngừng một bước. Khuôn mặt cô chỉ trắng bệch khi bước ra đón ánh mặt trời, chỉ thế thôi.
Có một thiếu nữ đứng cạnh vali đợi cô ở cửa, dường như không tin vào mắt mình khi thấy cô bước tới, lòng phân vân không biết cô lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua chuyện đó. Cô như đọc được suy nghĩ này, liền trả lời câu hỏi chưa thốt ra, “Mình từ biệt họ chẳng dễ dàng gì, họ cũng vậy. Có điều mình đã quen rồi, còn họ thì chưa. Mình đã có nhiều đêm dài khiến bản thân cứng rắn, còn họ mới chỉ một lần. Mình đã trải qua cả nghìn lần rồi.” Không hề đổi ngữ điệu, cô nói tiếp, “Bắt taxi thôi, có một chiếc đằng kia!”
Người thiếu nữ nhìn cô dò hỏi khi chiếc xe chạy tới.
“Ừ, cậu muốn thì tiễn mình cũng được. Bác tài, tới ga trung tâm nhé.”
Cô không ngoái nhìn ngôi nhà, không ngoái nhìn con phố đang lùi dần phía sau. Cô cũng chẳng nhìn ra những con phố thân quen kế tiếp vốn là biểu trưng cho thành phố này, nơi cô lớn lên và trưởng thành.
Ở quầy vé, họ phải chờ vì có người đã đến trước. Người thiếu nữ đứng bơ vơ một bên. “Cậu định đi đâu?”
“Cũng chưa biết nữa. Mình chưa tính toán được gì cả.” Cô mở túi xách tay, chia cuộn tiền nhỏ làm hai phần không đều nhau, cầm lấy phần nhỏ hơn. Cô bước tới cửa bán vé, đẩy tiền vào.
“Chỗ này đủ cho tôi đi bao xa, chuyến trong ngày ấy?”
“Ngần này đủ cho cô đến Chicago. Còn thừa chín mươi xu.”
“Thế thì cho tôi vé một chiều.” Cô quay lại với người thiếu nữ. “Giờ cậu về nói với họ như vậy nhé.”
“Nếu cậu không muốn thì mình sẽ không tiết lộ đâu, Julie à.”
“Có sao đâu. Tên của một nơi nào đó có quan trọng gì khi mình một đi không trở lại?”
Hai người ngồi trong phòng chờ một lúc, rồi đi xuống phía đường tàu, đứng ở cửa ra chờ tiếp.
“Hôn tạm biệt nào, như bọn mình thường làm hồi bé ấy.” Môi họ chạm nhẹ. “Đúng rồi.”
“Julie ơi, mình biết nói gì bây giờ?”
“Cứ nói ‘vĩnh biệt’ thôi. Trong cuộc đời này, người ta còn gì để nói với nhau nữa cơ chứ?”
“Julie yêu quý, mình hi vọng sẽ sớm gặp lại cậu.”
“Không bao giờ đâu.”
Sân ga lướt về phía sau. Con tàu lao qua một hầm dài rồi lại ngoi lên trong ánh nắng, lăn bánh trên những trụ cầu cao ngang với tầng trên của những tòa chung cư, những con phố lướt qua như những khe hẹp trên hàng rào.
Đoàn tàu chạy chậm lại trước cả khi nó đạt vận tốc tối đa. “Phố Hai Lăm”, tiếng người soát vé vang trong toa. Người phụ nữ quyết tâm ra đi này với lấy chiếc vali, đứng lên, bước giữa hai hàng ghế như thể đây là trạm cuối của hành trình chứ không phải điểm khởi đầu.
Cô đứng chờ sẵn ở cửa khi tàu dừng. Cô bước ra ngoài, đi dọc sân ga tới cổng, men theo cầu thang ra phố. Cô mua một tờ báo ở quầy tại phòng chờ, chọn một cái ghế ngồi xuống, lật trang cuối ra xem phần rao vặt. Cô cuộn tờ báo lại cho vừa rồi lấy ngón tay dò theo cột có tựa Phòng đủ tiện nghi.
Ngón tay dừng ngẫu nhiên ở một cái tên mà cô chả buồn để ý xem những tiện nghi kèm theo là gì. Móng tay cô bấm sâu vào giấy để đánh dấu vị trí. Cô kẹp tờ báo vào nách, nhấc va li rồi ra ngoài gọi taxi. “Đưa tôi tới chỗ này. Đây.” Cô đưa tờ báo cho tài xế.
Bà chủ nhà lặng lẽ đứng chờ cô quyết định, cửa phòng vẫn mở. Cô quay lại nói với bà ta. “Tôi thấy chỗ này phù hợp rồi. Tôi sẽ trả tiền ngay cho hai tuần đầu.”
Bà chủ nhà đếm tiền xong mới viết giấy biên nhận. “Cô tên gì?” Bà ta ngước lên hỏi.
Mời các bạn đón đọc Cô Dâu Đen của tác giả Cornell Woolrich.