Michael Rogan nhìn kỹ cái biển hiệu rực rỡ bên ngoài hộp đêm nóng nhất ở Hamburg. Sinnlich! Schamlos! Sündig! Kích dục! Không mát-x-cỡ! Tội lỗi đầy mình! Đúng là cái hộp đêm này, Roter Peter, không thèm giấu giếm cái gì nó đang rao bán. Rogan rút từ túi mình ra một tấm ảnh nhỏ và ngắm nghía cẩn thận dưới ánh sáng màu đỏ của ngọn đèn nơi cánh cửa có hình con heo. Chàng đã nhìn rất kỹ bức ảnh này hàng trăm lần rồi , nhưng chàng vẫn còn bối rối về chuyện nhận diện kẻ mà chàng tìm kiếm lâu nay. Trong vòng mười năm người ta thay đổi nhiều lắm, Rogan biết thế. Chính mình cũng thay đổi nhiều mà, nói chi ai.
Chàng đi qua anh chàng gác cửa đang cúi người một cách xun xoe, khúm núm, để đi vào hộp đêm. Bên trong tối mò ngoại trừ cuốn phim “xanh” (blue movie) đang sáng nhấp nháy trên một màn hình chữ nhật nhỏ. Rogan vạch đường đi xuyên qua những cái bàn đông người, một đám đông ồn ào, nồng nặc mùi rượu bia. Bỗng dưng mọi ngọn đèn trong nhà sáng lên và đóng khung chàng sát sân khấu, với những cô gái tóc vàng trần truồng đang giựt người tưng tưng phía trên đầu chàng! Đôi mắt Rogan vẫn chòng chọc vào mấy khuôn mặt của những kẻ ngồi ở các bàn vòng quanh sân khấu. Một cô tiếp viên chạm vào cánh tay chàng. Cô ả nói bằng giọng đỏm dáng,” Có phải Herr Amerikaner tìm kiếm một món đặc biệt?”
Rogan chà xát lướt qua nàng, cảm thấy bực mình vì đã dễ dàng để bị nhận ra là một “ông Mẽo. ”Chàng có thể cảm nhận máu đang đập vào tấm thẻ bằng bạc vốn đang giữ hộp sọ chàng gắn lại với nhau – một dấu hiệu nguy hiểm. Có lẽ chàng sẽ phải nhanh chóng hoàn thành chuyện này và quay về lại khách sạn. Chàng di động qua hộp đêm, kiểm tra các góc tối nơi các ông chủ nốc bia từ những chiếc vại khổng lồ và sờ soạng nhéo bóp bất kỳ em nào gần bên. Chàng liếc mắt vào những bàn có che màn nơi các ông khách nằm ngồi lổn ngổn trên mấy ghế sofas bọc da, “ngâm kiếu” các cô nàng trên sân khấu trước khi nhấc điện thoại lên để “triệu tập” em nào vừa mắt đến hầu quan.
Bây giờ Rogan đang mất kiên nhẫn. Chàng không còn nhiều thời gian cho lắm. Chàng quay người và đối mặt với sân khấu. Phía sau những cô gái trần truồng đang nhảy có một bức vách trong suốt. Xuyên qua bức vách đó các ông chủ có thể thấy hàng kế tiếp các cô gái đang sẵn sàng bước lên sân khấu, và bọn họ vỗ tay mỗi khi một trong các cô gái cỡi áo nịt ngực hay tuột vớ ra. Một giọng nhừa nhựa say xỉn gọi vọng ra, ”Ôi các em cưng, các em đáng yêu – ta có thể đánh quả với tất cả các em.”
Rogan quay người về phía giọng nói kia và cười trong bóng tối. Chàng nhớ lại giọng ấy rồi. Mười năm đã không làm cái giọng ấy thay đổi là mấy. Đó là một giọng vùng Ba-vi-e chói tai với vẻ thân tình giả tạo. Rất nhanh, Rogan di chuyển về hướng ấy. Chàng mở áo jacket, tháo một cái nút bằng da vốn giữ cho khẩu Walther an toàn trong cái bao đeo nơi vai. Tay kia chàng rút ống hãm thanh ra khỏi túi áo jacket và cầm nó như thể đó là một chiếc tẩu thuốc.
Và rồi chàng đến trước chiếc bàn kia, trước khuôn mặt của con người chàng không bao giờ quên, kẻ mà kí ức về hắn đã giúp cho chàng sống suốt mười năm qua.
Giọng nói đã không đánh lừa chàng; đúng là giọng nói của Karl Pfann. Tay cựu Đức quốc xã này hẳn đã tăng trọng thêm năm mươi pao nhưng lại mất đi gần hết đầu tóc – chỉ còn vài sợi màu vàng lơ thơ trên cái sọ bóng mỡ - nhưng cái mồm thì vẫn nhỏ tí và hầu như vẫn đầy vẻ hiểm ác như Rogan còn nhớ. Chàng ngồi xuống ở bàn kế bên và gọi thức uống. Khi mọi ánh đèn trong nhà tắt đi và cuốn phim xanh lại bật lên chàng rút khẩu Walther ra khỏi bao da và, giữ hai tay dưới bàn, gắn ống hãm thanh vào đầu nòng súng. Vũ khí hơi chùng xuống vì mất cân bằng; nó sẽ thiếu chính xác nếu cự ly quá năm yards. Rogan nghiêng người về phía phải và vỗ vào vai Karl Pfann.
Cái đầu to bự quay lại, cái sọ bóng nhẫy nghiêng qua và cái giọng thân tình giả tạo mà Rogan từng nghe trong những cơn mộng ròng rã đã mười năm, nói, ”À, mein Freund, bạn muốn gì ạ?”
Rogan nói giọng khàn khàn,” Tôi là một đồng chí cũ của bạn. Chúng ta có cuộc thương thảo công việc vào ngày Rosenmontag – Thứ hai Lễ hội Hoa hồng – năm 1945, nơi Tòa án Munich, bạn nhớ chứ?”
Cuốn phim với cảnh nóng lên cao trào khiến Karl Pfann xao lãng câu chuyện, và đôi mắt hắn dính vào màn hình. ”Không, không, không thể có chuyện đó,” hắn nói một cách sốt ruột, mất kiên nhẫn. ”Năm 1945 tôi đang phục vụ cho tổ quốc.Sau chiến tranh tôi mới trở thành doanh nhân.”
“Khi mi là một tên Quốc xã,” Rogan nói. ”Khi mi là một kẻ tra tấn… Khi mi là một tên sát nhân. ”Tấm bạc trong sọ Rogan phập phồng. ”Tên ta là Michael Rogan. Ta làm Tình báo Mỹ. Giờ đây mi nhớ ra ta chưa?”
Có tiếng thủy tinh vỡ trong lúc tấm thân phục phịch của Karl Pfann xoay quanh và mắt hắn chọc qua bóng tối nhìn Rogan. Tên Đức nói bình thản, có vẻ hăm dọa, ”Michael Rogan đã chết. Mi muốn gì ở ta?”
“Mạng sống của mi,” Rogan nói. Chàng rút khẩu Walther từ dưới bàn ra, ấn vào bụng Pfann và siết cò. Thân người của tên Đức giật nẩy lên.với sức mạnh của viên đạn.
Rogan chỉnh lại ống hãm thanh và bắn tiếp phát nữa. Tiếng kêu than lúc chết của Pfann bị nhận chìm bởi tràng cười rộ lên, lan ra khắp hộp đêm khi màn hình diễn ra cảnh rù quến buồn cười.
Thân hình Pfann đổ gục xuống vắt ngang qua bàn. Cuộc mưu sát hắn ta sẽ không được ai nhận ra cho đến khi cuốn phim kết thúc. Rogan rút ống hãm thanh ra khỏi đầu nòng súng và đút cả hai thứ trở vào trong các túi áo jacket. Chàng ta đứng lên và lặng lẽ di chuyển xuyên qua hộp đêm tối tăm. Anh chàng giữ cửa mặc đồ viền tua vàng chào chàng và huýt sáo đón taxi, nhưng Rogan quay mặt đi và bước xuống đường hướng về phía bến cảng. Chàng đi dọc theo bến cảng một lúc lâu cho đến khi nhịp tim và mạch máu dần trở lại mức bình thường. Trong ánh trăng lạnh của miền Bắc Đức, những bến tàu ngầm hoang phế và những con tàu rỉ sét mang trở lại những bóng ma ghê khiếp của một thời chiến tranh.
Karl Pfann đã chết. Rogan như vừa trút được gánh nặng nhưng rồi lại thấy hụt hẫng, chán chường. Và rồi mười năm mộng dữ đã được trả giá và chàng có thể giảng hòa với tấm bạc trong sọ mình, những tiếng kêu xé lòng còn vang vọng vô tận của Christine gọi tên chàng, kêu cầu sự cứu độ, và cái khúc đoạn mù quáng, lóa mắt khi bảy người trong một căn phòng vòm cao của Tòa án Munich đã hành hình chàng như thể chàng là một con thú. Chúng đã cố mưu sát chàng, không chút nhân phẩm, như một trò đùa độc ác.
Ngọn gió dọc theo bến cảng cắt vào da thịt chàng và Rogan quay lên phía lối đi Reeperbahn, đi qua đồn cảnh sát khi chàng bước vào Davidstrasser (Phố David). Chàng không có gì phải sợ cảnh sát. Ánh sáng trong hộp đêm quá tù mù để cho bất kỳ ai có thể thấy rõ mặt chàng, đủ rõ để có thể mô tả chàng tương đối chính xác. Tuy nhiên, để cho an toàn, chàng lỉnh vào con đường rẽ có treo tấm bảng bằng gỗ lớn: ”Cấm trẻ vị thành niên!”
Trông nó cũng giống như bất kỳ con phố nào khác cho đến khi chàng quẹo ở góc phố.
Chàng đã “sa chân lỡ bước” vào khu phố St Pauli nổi tiếng của Hamburg, khu vực được thành phố dành riêng cho việc mại dâm hợp pháp. Khu phố được chiếu sáng rực rỡ và đông đảo khách tìm hoa qua lại. Những căn nhà ba tầng thoạt trông có vẻ bình thường, ngoại trừ là mọi nơi đều rộn ràng như đang mở hội. Những tầng trệt có những cửa sổ thật rộng để phô bày, cho thấy các phòng bên trong. Ngồi trên các ghế bành, đọc sách báo, uống cà-phê và tán gẫu hay nằm ườn trên ghế sofa và nhìn lên trần mơ màng là một vài trong số những cô gái trẻ đẹp nhất mà Rogan từng thấy.
Một vài cô ả còn làm bộ như đang lau chùi nhà bếp và chỉ mặc có mỗi cái tạp dề buông xuống đến nửa đùi phía trước còn nguyên phía sau thì… trống trơn! Mỗi nhà đều có tấm biển: ” Ba mươi Marks cho Một Giờ Mê Ly. ”Trên một số cửa sổ màn được kéo xuống. In bằng chữ vàng trên các tấm màn đen là chữ Ausverkauft, “Hết hàng,” để thông báo một cách tự hào là có vị khách sộp nào đấy đã bao cô gái trọn đêm rồi.
Có một nàng tóc vàng đang đọc sách trên một cái bàn bằng thiếc nơi nhà bếp. Cô nàng có vẻ sầu muộn ủ ê, không bao giờ liếc nhìn ra ngoài phố phường nhộn nhịp; một ít giọt cà-phê rơi ra gần quyển sách đang mở của nàng. Rogan đứng bên ngoài căn nhà và chờ cho nàng ta ngẩng đầu lên để chàng có thể mục sở thị dung nhan của nàng. Nhưng có vẻ như nàng chẳng muốn nhìn lên. Chắc là tại nàng hơi xí? Cho nên nàng mặc cảm thua chị kém em, chàng Rogan đóan già đoán non như vậy. Cho dầu thế nào đi nữa chàng cũng sẵn lòng chi cho em ba mươi Marks chỉ để có thể nghỉ ngơi thư giãn một tí trước khi bắt đầu cuộc đi bộ khá dài để trở về khách sạn. Đối với thể trạng của chàng mà để bị kích thích tình dục thì cũng không tốt lắm đâu, các vị đốc tờ đã phán như thế, và một phụ nữ với khuôn mặt xấu xí thì sẽ không làm chàng hứng chí được và như thế lại hóa hay. Với tấm bạc đó trong sọ chàng Rogan bị cấm uống rượu nặng, cấm làm tình quá độ, và ngay cả là không được giận dữ. Nhưng các vị đốc tờ lại chẳng nói gì với chàng về chuyện có được giết người hay không.
Khi chàng bước vào phòng bếp được chiếu sáng choang kia chàng thấy rằng cô gái đang ngồi đọc sách đó đẹp quá đi chứ! Nàng gấp lại quyển sách với vẻ hối tiếc, đứng lên, rồi nắm tay chàng và dẫn chàng vào phòng riêng ở phía trong. Rogan cảm thấy một cơn thèm muốn nhanh chóng bốc lên khiến đôi chân chàng run rẩy, đầu chàng nặng và căng. Phản ứng của việc giết người và trốn chạy đập mạnh vào chàng và chàng cảm thấy muốn ngất đi. Chàng để rơi người xuống giường và giọng nói vi vu như tiếng sáo của cô gái trẻ dường như đến từ nơi xa xôi nào. ”Anh sao thế? Anh có đau ốm gì không?”
Rogan lắc đầu và lóng ngóng với cái ví tiền của mình. Chàng lôi ra một xấp tiền để trên giường và nói,” Anh bao em trọn đêm nay. Kéo màn xuống đi. Rồi để yên cho anh ngủ. ”Trong lúc nàng trở lại nhà bếp Rogan lấy một lọ thuốc nhỏ từ túi áo sơ-mi và thảy hai viên vào mồm. Đó là chuyện cuối cùng chàng làm mà chàng còn nhớ trước khi mất ý thức và chìm vào giấc ngủ mê man.
Khi Rogan thức giấc bình minh xám nhạt xuyên qua những cửa sổ bụi mờ để chào chàng. Chàng nhìn quanh. Cô gái đang ngủ trên sàn dưới một tấm nệm mỏng. Một mùi hương hoa hồng toát ra từ thân thể nàng. Rogan lăn mình để có thể ra khỏi giường ở phía bên kia. Những dấu hiệu nguy hiểm đã tan đi. Miếng bạc không còn phập phồng nữa; cơn nhức đầu cũng đã tan biến. Chàng cảm thấy thoải mái, thư thái và sung sức.
Không có gì trong ví của chàng bị lấy đi. Khẩu Walther vẫn nằm trong túi áo jacket. Chàng đã “hái lượm” được một cô gái lương thiện, biết điều, Rogan thầm nghĩ. Chàng đi vòng qua phía bên kia của chiếc giường để đánh thức nàng dậy, nhưng nàng đã ngọ ngoạy đôi chân, thân hình xinh đẹp của nàng đang run lên trong cái lạnh ban mai.
Căn phòng sực nức mùi hoa hồng, Rogan để ý và có nhiều hoa hồng được thêu nơi các màn cửa sổ và trên các tấm trải giường. Có cả những hoa hồng được thêu trên chiếc áo ngủ mỏng dính, hầu như trong suốt của cô gái. Nàng cười với chàng. “Tên em là Rosalie. Em thích mọi thứ với hoa hồng – nước hoa, quần áo, mọi thứ.”
Nàng có vẻ tự hào một cách rất là…con gái về tính mê hoa hồng của mình, như thể điều đó đem lại cho nàng một nét riêng, đặc biệt. Rogan thấy chuyện ấy cũng vui vui. Chàng ngồi trên giường và vẫy gọi nàng. Rosalie đến và đứng giữa hai chân chàng. Chàng có thể ngửi được mùi hương dìu dịu thoảng ra từ người nàng, và trong lúc nàng từ từ cỡi chiếc áo ngủ bằng lụa ra chàng có thể thấy bộ ngực nàng với hai đầu vú như hai trái dâu chín, đôi chân trắng dài; và rồi thân hình nàng bọc quanh thân xác chàng như những đài hoa lụa mịn màng và miệng nàng với đôi môi dày nhục cảm nở hoa bên dưới miệng chàng, bối rối xốn xang, vỗ cánh phất phới với đam mê nồng nàn.
***
Con của những người nhập cư Ý đến sinh sống tại khu Hell’s Kitchen của Thành phố New York, Mario Puzo sinh ngày 15, tháng mười, 1920. Sau Đệ nhị Thế chiến – trong thời gian đó ông là một Hạ sĩ của Quân đội Mỹ - ông theo học Trường Cao đẳng Thành phố New York và bắt đầu làm một nhà văn tự do. Trong thời kỳ này ông viết hai quyển truyện đầu tay "Đấu Trường Đen Tối" (The Dark Arena, 1955) và "Người Hành Hương May Mắn" (The Fortunate Pilgrim, 1965). Khi những quyển sách của ông làm ra ít tiền mặc dầu được giới phê bình hoan nghênh, ông thề phải viết ra một quyển bestseller làm rung động văn đàn. "Bố già" (The Godfather - 1969) là một thành công vang dội không chỉ tại nước Mỹ mà hầu như trên gần khắp thế giới. Ông cộng tác với đạo diễn Francis Ford Coppola để viết kịch bản cho cả ba phim Godfather và thắng giải của Hàn lâm viện Điện ảnh cho cả hai phim The Godfather (1972) và The Godfather, Part II (1974). Ông cũng hợp tác viết kịch bản cho những phim như Superman (1978), Superman II (1981), và The Cotton Club (1984).
Ông tiếp tục viết những quyển truyện thành công rất ấn tượng như "Fools Die (1978)", "The Sicilian(1984)", "The Fourth K (1991)", và "The Last Don (1996)".
Mario Puzo mất ngày 02, tháng bảy, 1999. Quyển truyện cuối của ông "Omerta" -(Luật Im Lặng), được xuất bản trong năm 2000.
Tại Việt Nam, hầu hết các tác phẩm của Mario Puzo đều đã được Nhà xuất bản Phương Đông mua tác quyền và chuyển ngữ tiếng Việt.
***
Tác giả Mario Puzo, quốc tịch Mỹ, gốc Ý, sang Mỹ sống ly hương trong khu dành riêng cho dân ngụ cư người Ý ở Long Island (New York). Khởi sự bằng những truyện ngắn viết nhỏ ở ban đầu, tiền nhuận bút kiếm chẳng đủ nuôi miệng. Vợ làm nghề thợ may chẳng đủ nuôi miệng vợ và chồng chưa đủ nuôi thân chồng. Chồng dại vợ đi ngủ, khẽ gập bàn máy may lại, kê bàn máy chữ lên, dưới để chiếc chăn không gây tiếng động, bắt đầu viết. Thật cuộc sống không ngày mai; nhưng kiên nhẫn vẫn cứ kéo dài ngày qua ngày. Khi Mario Puzo hàn vi, cũng may mắn gặp dược một người bạn thật tốt. Hàng ngày bạn này lui tới, khuyến khích chàng văn sĩ, không những về tinh thần mà giúp cả vật chất nữa. Thường là cho Mario Puzo vay tiền, lúc năm, hoặc mười đô la; khi hai chục. Rồi một ngày, bạn đưa ra ý kiến: khuyên nên viết một tác phẩm theo ý thích: nhân vật, chất liệu, tình tiết cũng như bối cảnh mà chàng có được. Nếu cứ viết như bây giờ, chuyện nhỏ theo lối đặt hàng chủ báo, thì cuộc đời văn sĩ sẽ chẳng bao giờ mọc mũi, sủi tăm - tiền cũng chẳng có mà sự nghiệp cũng không! Mario Puzo nghe tới đây rất thích thú, nhưng có một điều; chẳng lẽ chàng lại nói ra. Cuối cùng đành phải tiết lộ, món tiền nhuận bút kia nhỏ thật; nhưng đủ uống nước lạnh và gặm mẩu bánh mì dằn bụng. Chàng cũng đành thú thật, viết tác phẩm theo sở thích, thì lấy đâu ra tiền để sống hàng ngày? Bạn chàng gật dầu, đáp ứng ngay, hôm nay hai; mai ba; mốt bốn; kia năm mươi đô đủ sống mà viết. Ngày, tuần, tháng; bạn lui tới kiểm tra sáng tác tới đâu. Và mỗi lần cho vay tiền đều rút sổ tay ghi nợ. Một ngày kia, khi gần hoàn tất tác phẩm, bạn chàng cho vay số tiền khá lớn, và cầm bản thảo đến các nhà xuất bản thương lượng.
Các tác phẩm của Mario Puzo:
Mời các bạn đón đọc Công Lý & Báo Thù của tác giả Mario Puzo.