Hiện nay, thế giới đang trở nên thông minh hơn. Chúng ta đang theo dõi và lưu trữ dữ liệu về mọi thứ, nên chúng ta có khả năng tiếp cận với nhiều khối dữ liệu lớn. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề xoay quanh các khối dữ liệu lớn này. Tất cả chúng ta đều cần phải biết nó là gì và hoạt động như thế nào. Nhưng sự hiểu biết cơ bản về lý thuyết liệu có đủ cho bạn để tổ chức một cuộc họp chiến lược không? Điều khiến bạn trở nên khác với phần còn lại là biết cách sử dụng dữ liệu lớn để cải thiện hiệu suất và có được kết quả kinh doanh vững chắc. Cuốn sách Big Data – Dữ liệu lớn sẽ cung cấp cho bạn một sự hiểu biết rõ ràng, kế hoạch chi tiết và từng bước tiếp cận thông qua mô hình SMART: Khởi dầu với chiến lược, Đo lường các chỉ số và dữ liệu, Áp dụng các phương pháp phân tích, Báo cáo kết quả, Biến đổi doanh nghiệp.
***
Đây là bản tóm tắt của sách Big Data - Dữ liệu lớn. Các nội dung trong sách đã được Alpha Books giản lược một cách ngắn gọn và cô đọng nhất song tổng thể vẫn đầy đủ so với bản gốc.
Hiện nay, thế giới đang trở nên thông minh hơn. Chúng ta đang theo dõi và lưu trữ dữ liệu về mọi thứ, nên chúng ta có khả năng tiếp cận với nhiều khối dữ liệu lớn. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề xoay quanh các khối dữ liệu lớn này. Tất cả chúng ta đều cần phải biết nó là gì và hoạt động như thế nào. Nhưng sự hiểu biết cơ bản về lý thuyết liệu có đủ cho bạn để tổ chức một cuộc họp chiến lược không? Điều khiến bạn trở nên khác với phần còn lại là biết cách sử dụng dữ liệu lớn để cải thiện hiệu suất và có được kết quả kinh doanh vững chắc. Cuốn sách Big Data – Dữ liệu lớn sẽ cung cấp cho bạn một sự hiểu biết rõ ràng, kế hoạch chi tiết và từng bước tiếp cận thông qua mô hình SMART: Khởi đầu với chiến lược, Đo lường các chỉ số và dữ liệu, Áp dụng các phương pháp phân tích, Báo cáo kết quả, Biến đổi doanh nghiệp.
Cuốn sách sẽ:
- Thảo luận về việc các công ty cần phải xác định rõ ràng những gì họ cần biết.
- Chỉ ra cách thức công ty có thể thu thập dữ liệu liên quan và việc đo lường các số liệu sẽ giúp họ trả lời những câu hỏi kinh doanh quan trọng nhật.
- Giải thích cách thức các kết quả phân tích dữ liệu lớn có thể được hình dung và truyền đạt để đảm bảo những người ra quyết định chính hiểu được chúng.
Cuốn sách còn bao gồm nhiều nghiên cứu trong các trường hợp nổi tiếng của tác giả đối với một số thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới.
***
Chào mừng đến với một thế giới thông minh hơn
Thế giới đang ngày càng trở nên thông minh hơn.
Chúng ta có thể nhận thấy sự tiến hóa ở khắp mọi nơi, không ngoại trừ bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào. Hãy xem xét một ngành nghề cổ xưa và lâu đời, chẳng hạn như đánh bắt cá. Tuy loài người đã bắt đầu câu cá từ thuở sơ khai, nhưng mãi đến thế kỷ XVI, các ngư dân mới sở hữu những con thuyền đủ sức băng qua biển lớn. Sự tiến bộ này đã lập tức thay đổi vận mệnh của nghề đánh bắt cá, đồng thời lần đầu tiên mang lại những mẻ cá lớn và có thể sinh lời. Đoàn thuyền cứ thế tiến ra ngư trường, chỉ với một chiếc la bàn, kính lục phân cùng “bí quyết gia truyền” được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nếu ra khơi vào ban đêm, họ sẽ vận dụng các kỹ thuật định hướng và dựa theo các chòm sao để xác định lộ trình đến đúng vùng lân cận. Khi các ngư dân đến ngư trường, họ sẽ thả lưới và hy vọng điều tốt đẹp nhất.
Đến cuối thế kỷ XIX, ngành đánh bắt cá được thương mại hóa. Những con thuyền nhỏ nhường chỗ cho các con tàu lớn với khả năng xử lý thành phẩm ngay trên boong; việc phát hiện ra kinh độ và vĩ độ giúp cho việc định hướng trên biển trở nên dễ dàng hơn nhiều; và trong vài thập niên vừa qua, công nghệ đã biến đổi ngành đánh bắt cá từ nghệ thuật trở thành một môn khoa học. Những con thuyền đánh cá hiện đại được trang bị công nghệ phong phú, sử dụng các hệ thống định vị công nghệ cao và cả GPS. Các bộ cảm biến nhỏ thường được gắn vào thân cá để dò theo vị trí của đàn cá vào bất kỳ thời điểm nào, còn hệ thống định vị dưới nước được dùng để xác định mật độ, địa điểm và thời điểm giăng lưới. Những ngư dân hiện đại biết nơi nào có cá; họ biết nơi họ sẽ đến vào ngày mai và khi nào cần thả lưới để thu về mẻ cá nhiều nhất có thể. Nghề đánh cá đã “tiến hóa” để trở nên thông minh hơn. Và đây mới chỉ là một ví dụ. Ngày nay, thế giới đang thông minh hơn trong mọi thứ, từ thành tích thi đấu thể thao cho đến việc chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngay cả chuyện yêu đương và việc làm cha mẹ cũng thông minh hơn.
THỂ THAO THÔNG MINH HƠN
Hiện nay, công nghệ thông minh đang được sử dụng rộng rãi trong thể thao để tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài – cũng như giám sát và cải thiện thành tích – cả trong giới nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Giờ đây, chúng ta có thể sản xuất một quả bóng rổ với hơn 200 bộ cảm biến bên trong để cung cấp phản hồi chi tiết về thành tích cho cầu thủ và huấn luyện viên. Trong môn quần vợt, một hệ thống tên là SlamTracker có thể ghi nhận thành tích của tay vợt, thông qua cung cấp thông số về thời gian thực và phân tích tổng hợp về trận đấu. Nếu đã từng xem môn bóng bầu dục (hiệp hội hoặc liên đoàn), bạn có lẽ sẽ thắc mắc không biết tiếng gì va chạm giữa các lớp giáp vai trên người cầu thủ – đó chính là hệ thống theo dõi GPS, cho phép ban huấn luyện viên đánh giá thành tích theo thời gian thực. Thiết bị này sẽ đo tốc độ trung bình của cầu thủ, bất kể cầu thủ đó đang thi đấu trên hay dưới phong độ bình thường; cũng như nhịp tim, để nhận diện các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng xảy ra. Toàn bộ những dữ liệu trên có thể giúp huấn luyện viên tránh chấn thương và đưa ra các quyết định thay người phù hợp. Công nghệ tương tự cũng xuất hiện ở Giải bóng đá Ngoại hạng Anh và được sử dụng trong nhiều bộ môn Olympic, chẳng hạn như đua xe đạp.
Nhưng công nghệ không chỉ dành cho dân chuyên nghiệp. Có rất nhiều thiết bị mang theo người có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và thể trạng khi chúng ta di chuyển. Ví dụ như tôi đang đeo một chiếc vòng đeo tay theo dõi sức khỏe “Up”; nó cho tôi biết mình đã đi được bao nhiêu bước mỗi ngày, đốt cháy được bao nhiêu calo và hằng đêm có ngủ ngon không. Nó được đồng bộ với cân sức khỏe, để mỗi khi tôi tăng cân, nó sẽ nhắc tôi hoạt động nhiều hơn hoặc ăn ít đi.
SỨC KHỎE THÔNG MINH HƠN
Việc chăm sóc sức khỏe cũng đang trở nên thông minh hơn, và điều đó đã cách mạng hóa cuộc sống của chúng ta.
Giáo sư Larry Smarr, một trong những nhà khoa học máy tính có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, cũng là người được giám sát nghiêm ngặt nhất trên thế giới, đã tự chẩn đoán được bệnh Crohn1 – rất lâu trước khi bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện và vừa kịp để ông kiểm soát tình trạng của mình hiệu quả. Smarr khẳng định:
“Trong một thế giới mà bạn có thể chứng kiến điều mình đang làm với bản thân trong khi đang chuyển động, chúng ta có thể hy vọng rằng mọi người sẽ có trách nhiệm hơn với chính họ, để giữ cho bản thân khỏe mạnh. Cứ như thể chúng ta đang sống trong khởi nguyên của một thế giới y học hoàn toàn mới, và kết quả sẽ là một xã hội khỏe mạnh hơn rất nhiều, tập trung duy trì cơ thể tráng kiện hơn là chữa bệnh khi đã quá muộn2”
Khả năng tự theo dõi sức khỏe của bản thân này đang báo hiệu một ranh giới mới đầy thú vị về y học phòng bệnh dựa trên dữ liệu.
Từ lâu, chúng ta đã hiểu rằng: Trên lý thuyết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng chính sự phối hợp giữa công nghệ và sức khỏe mới biến lý thuyết đó thành thực hành. Trong năm nay, dự kiến sẽ có 42 triệu thiết bị đeo thông minh theo dõi sức khỏe trao đến tay người dùng trên khắp thế giới. Theo hãng phân tích thị trường ABI Research: “Cho tới năm 2019, tổng số tiền chi cho các thiết bị hoạt động tiêu dùng không dây này sẽ tăng trưởng thành một thị trường trị giá 52 triệu đô-la.” Các dịch vụ dựa trên công nghệ điện toán đám mây như Ginger.io đã cho phép bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi bệnh nhân của họ thông qua những ứng dụng cảm ứng trên điện thoại thông minh 3. Proteus cũng phát minh ra máy quét “có thể nuốt được” với kích thước chỉ bằng hạt cát, dùng để thăm dò xem bệnh nhân uống thuốc khi nào và ra sao. Thứ này cũng mang lại cho bên cung cấp thông tin về “tỷ lệ tuân thủ” – tức mức độ thường xuyên mà bệnh nhân tuân theo chỉ thị của bác sĩ – và thậm chí có thể báo cho người nhà nhắc nhở họ.
Nhưng không chỉ có khả năng giám sát và kiểm soát sức khỏe của chúng ta tốt hơn; Dữ Liệu Lớn, các phân tích và cuộc cách mạng thông minh hiện đang thay đổi ngành y tế, với những phát minh như máy quét tình trạng chấn thương sọ não tiên tiến nhất, các hệ thống phát hiện và chẩn đoán sinh non cũng như ung thư. Khả năng là vô tận.
NHỮNG NGÔI NHÀ THÔNG MINH HƠN
Mọi thứ trong nhà cũng đang trở nên thông minh hơn, từ những chiếc xe hơi mà chúng ta lái cho đến hệ thống sưởi, thiết bị điện tử, đồ gia dụng và thậm chí là thảm trải sàn.
Sự phát triển từ cơ bản đến thông minh đặc biệt nổi bật đối với xe hơi. Ban đầu, mẫu xe Model T của Ford chỉ có màu đen, bộ sang số bằng cần với vài nút bấm và không có đai an toàn. Nhưng ngày nay, chúng ta đã có những chiếc xe với cả một bảng điều khiển giống buồng lái máy bay, với các máy quay và cảm biến giúp đỗ xe dễ dàng, báo hiệu cho tài xế biết họ đang chạy quá sát lề đường hoặc xe khác. Một số xe có thể tự động đỗ song song và tự động phanh. Số khác lại tích hợp thông tin giao thông và tự điều chỉnh lại lộ trình tốt hơn để tránh các điểm mù giao thông hoặc tai nạn. Các bộ cảm biến trong động cơ sẽ theo dõi cách bạn lái xe, từ đó sẽ giảm (hoặc tăng) mức bảo hiểm và chủ động điều chỉnh các khoảng thời gian chăm sóc, bảo trì dựa trên phong cách lái của bạn.
Còn có các bộ điều chỉnh nhiệt thông minh trong nhà, chỉ sưởi ấm các khu vực có người sử dụng. Nhiệt độ trong nhà có thể thay đổi khi bạn đang đi làm, do đó ngôi nhà vẫn ấm cúng khi bạn trở về vào một tối mùa đông. Khả năng theo dõi và chủ động điều chỉnh nhiệt độ này có thể tiết kiệm tiền và năng lượng. Hiển nhiên, việc giải quyết khủng hoảng năng lượng không chỉ trông chờ vào việc chúng ta tìm ra những nguồn năng lượng mới như gió và mặt trời, mà còn phụ thuộc vào việc chúng ta tiết kiệm năng lượng đang có và sử dụng nó hiệu quả hơn.
Tivi thông minh sử dụng chức năng nhận diện khuôn mặt để đảm bảo con bạn không bao giờ xem thứ gì không phù hợp với độ tuổi; và thảm thông minh có thể nhắc bạn không nên để bố mẹ già yếu của mình pha cà phê vào mỗi buổi sáng như thường ngày.
Xét đến tất cả những thứ như đồ chơi, thiết bị điện tử và các vật dụng nhỏ thông minh, ngày nay chúng đều kết nối với Internet nhiều hơn là với con người. Và tất cả những món đồ thông minh đó đều đang thu thập dữ liệu, cũng như “giao tiếp” với nhau.
YÊU THÔNG MINH HƠN
Ngay cả một thứ mang tính cá nhân và nhiệm màu như tình yêu cũng đang trở nên thông minh hơn. Mọi người đều hy vọng tìm thấy tri kỷ của mình, nhưng công cuộc tìm kiếm ấy lại được thực hiện một cách gián tiếp. Trang hẹn hò trực tuyến eHarmony kết nối mọi người dựa trên 29 biến số khác nhau như đặc điểm tính cách, hành vi, tín ngưỡng, giá trị và kỹ năng xã hội. Mỗi người tham gia eHarmony phải hoàn thành một bảng điều tra lý lịch toàn diện, qua đó cung cấp dữ liệu để mô hình phân tích tìm ứng viên tiềm năng.
Amy Webb, một chuyên gia kỹ thuật số người Mỹ, thậm chí còn tiến xa hơn một bước với các thuật toán dữ liệu trực tuyến. Sau một cuộc hẹn cực kỳ tồi tệ, khi “Bạch mã Hoàng tử” của cô gọi những món đắt tiền nhất trong thực đơn, thưởng thức chúng và biến mất sau khi đi vệ sinh, Webb đã tự tạo ra hệ thống tính điểm của riêng cô, dựa trên những điều mà cô xem trọng ở người bạn đời tiềm năng. Thêm vào đó, cô phân tích các hồ sơ khác để xem có điều gì hấp dẫn không; thử nghiệm những thay đổi trong chính hồ sơ của cô để xem có thay đổi gì về số lượng, chất lượng của những lời hỏi thăm không. Cô sẽ chỉ nhận lời hẹn hò với một người đạt một điểm số nhất định. Và cách đó đã hiệu quả… Giờ đây, Amy đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một cô con gái4.
LÀM CHA MẸ THÔNG MINH HƠN
Nghệ thuật làm cha mẹ vốn phức tạp cũng trở nên thông minh hơn. Để xác định và giảm thiểu các nguy cơ trước và sau khi sinh, nhiều đứa trẻ trên khắp thế giới đang được theo dõi liên tục thông qua vô số chỉ số và điểm dữ liệu gồm nhịp tim và tình trạng hô hấp. Những chỉ số quan trọng trên có thể dự báo nhiễm trùng đến 24 giờ trước khi đứa trẻ cho thấy bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, đồng thời cho phép bác sĩ sớm can thiệp và thường là cứu được tính mạng.
Khi đứa bé đã chào đời bình an, nó cũng có thể ngủ trên một tấm đệm đầy các cảm biến để theo dõi tiến trình thở, nhịp tim và báo cho các bậc phụ huynh nếu có điều gì không ổn. Hãy hình dung xem ta có thể tránh được bao nhiêu ca đột tử bi thương ở trẻ sơ sinh với công nghệ thông minh này. Thậm chí, chúng ta có thể mua tã lót kỹ thuật số, chúng sẽ gửi thông báo đến điện thoại thông minh khi đứa bé cần thay tã. Hiển nhiên, người cha người mẹ tốt thực sự chẳng cần tới thông báo đó, nhưng các loại tã thế hệ mới nhất này sẽ tự động phân tích nước tiểu của trẻ và cảnh báo cho bậc cha mẹ về lượng na-tri tăng cao, có thể là do mất nước, cũng như khi trẻ bắt đầu bị nhiễm khuẩn – và tất cả những điều trên thậm chí sẽ diễn ra trước cả khi triệu chứng xuất hiện.
Sự kết hợp giữa dữ liệu và công nghệ đang nhanh chóng thay đổi thế giới của chúng ta, khiến nó thông minh hơn. Và việc kinh doanh cũng phải trở nên thông minh hơn.
Hãy quay lại phép so sánh với nghề đánh bắt cá một chút… Ban đầu, tính cạnh tranh của nghề đánh cá còn khá thấp và lượng cá cũng còn nhiều, nên ngư dân không cần phải đến chính xác một địa điểm mới được tận hưởng một ngày bội thu. Với kinh nghiệm, công cụ và số lượng cá biển, họ sẽ thành công, trừ khi gặp phải thời tiết cực kỳ xấu. Nhưng ngày nay, với tình hình cạnh tranh gay gắt và lượng cá có hạn, cần được kiểm soát một cách có trách nhiệm – các ngư dân phải “tiến hóa” và trở nên thông minh hơn. Và đó cũng là yêu cầu đối với mọi doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực.
Hiện nay, các doanh nghiệp thực sự thành công hiểu rõ khách hàng của họ ở đâu, và quan trọng hơn là họ đang làm gì và tiến tới đâu. Họ biết điều gì đang thực sự diễn ra, và họ cho phép thông tin đó dẫn đường cho chiến lược, cũng như thông báo cho họ khi cần ra quyết định.
Những doanh nghiệp nào không đi theo cuộc cách mạng THÔNG MINH sẽ bị bỏ lại phía sau.
CHÚ THÍCH
1. Bệnh Crohn là một bệnh viêm đường ruột. Nó gây ra chứng viêm màng đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và thậm chí cả suy dinh dưỡng trầm trọng.
2. BBC Two (2013) Horizon Monitor Me (tạm dịch: Chân trời quan sát tôi), do Tiến sĩ Kevin Fong tường thuật (2013).
3. Palmer, S., White, E., Romanski, P., Bendict, K. và Gardner, D. (2014) Intergrating Consumer Wearable Health Devices Will Drive Healthcare Big Data Adoption (tạm dịch: Các thiết bị sức khỏe tiêu dùng tích hợp mang theo người sẽ kéo theo sự thích nghi với y tế kiểu Dữ Liệu Lớn), ABI Research. http://bigdata.ulitzer.com/node/3058905.
4. http://www.ted.com/talks/amy_webb_how_i_hacked_online_dating.html.
Mời các bạn đón đọc Big Data - Dữ Liệu Lớn của tác giả Bernard Marr.