Trong một thời đại mà những người nổi bật, ăn to nói lớn luôn thu hút mọi sự chú ý, lối sống khiêm nhường có thể được xem như là một điểm yếu. Nhưng sức mạnh của Giáo hoàng Francis lại bắt nguồn từ chính đức khiêm nhường của ông.
Đi lại chỉ bằng chiếc xe Ford Focus, từ chối sống tại căn hộ giáo hoàng xa hoa, quan tâm chăm sóc đến người nghèo ‒ những hành động này thể hiện một hình mẫu lãnh đạo mà từ lâu chúng ta không còn được trông thấy. Giáo hoàng đã trở thành một trong những người được bàn luận nhiều nhất trên thế giới, một nhân vật tôn giáo được tôn kính nhất, một nhà lãnh đạo giàu phẩm hạnh.
Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường sẽ chỉ cho bạn cách để có thể trở nên giàu lòng trắc ẩn, đáng tin cậy cũng như tăng tính hiệu quả trong công việc. Tác giả Jeffrey A. Krames đã diễn giải những quan điểm và hành động của Giáo hoàng thành những chiến lược thực tiễn mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng.
- Phá bỏ bức tường ngăn cách giữa mọi người.
- Chú trọng nâng cao thế mạnh của người khác.
- Cân nhắc và tham khảo mọi ý kiến.
- Giao tiếp với mọi người, bất kể vị trí của họ trong công ty.
Và nhiều nguyên tắc nữa…
Đây không chỉ là cẩm nang thiết thực đối với các nhà quản lý, lãnh đạo mà còn là cuốn sách hữu ích dành cho bất kỳ ai mong muốn kết nối với người khác bằng sự lịch thiệp và chân thành.
***
Đây không chỉ là một cuốn sách nữa của tôi viết về nghệ thuật lãnh đạo, mà còn là một cuốn sách mang nhiều tính cá nhân.
Tôi không phải là một tín đồ Công giáo, cũng không theo đạo Thiên chúa. Tôi là con cháu của những người sống sót qua nạn diệt chủng Holocaust. Cha tôi sinh ra tại Ba Lan và mất tất cả người thân dưới tay Đức Quốc xã. Câu chuyện kinh hoàng của ông đã được Tổ chức Shoah thu âm lại ‒ một tổ chức do đạo diễn lừng danh Steven Spielberg thành lập sau khi ông thực hiện bộ phim Danh sách của Schindler (Schindler’s List).
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Frankfurt. Bà trở thành trẻ mồ côi khi chuyển tới Anh với hàng ngàn đứa trẻ khác trên chuyến tàu Kindertransport vào cuối năm 1938.
Tôi chưa bao giờ đề cập đến những điều này trong các cuốn sách khác của mình vì nó không phù hợp. Nhưng lần này tôi cảm thấy cần nói ra, vì đó chính là động lực lớn thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này.
Cha mẹ tôi ‒ thành viên của những gia đình Do Thái sùng đạo ‒ đã bị cỗ máy giết người của Hilter gây tổn thương nghiêm trọng. Đối với họ, Thế chiến thứ hai chưa bao giờ kết thúc cả. Họ phải sống với những mất mát quá lớn cũng như từng chứng kiến và hứng chịu những hành động tàn bạo không có nhân tính.
Đã có vô số nghiên cứu về hệ quả của Holocaust đến thế hệ sau của những người sống sót. Đối với tôi, đó là nỗi sợ hãi mỗi khi rời khỏi căn hộ nhỏ ở Bronx ‒ cảm giác bất an trước những hiểm họa rình rập xung quanh. Tôi bị nhiễm suy nghĩ đó từ cha mình, Baruch Krames. Ông không tin tưởng bất kỳ ai sau hai năm trốn chạy phát xít.
Trong thời gian đó, ông đã phải sống như một con thú trong rừng, lấy trộm đồ ăn của nhà giàu để chia cho những người sắp chết đói tại khu Do Thái.
Những gì cha tôi trải qua và chứng kiến đã ám ảnh ông suốt cả cuộc đời. Ông đã tận mắt nhìn thấy người em trai của mình bị bắn khi ông và các anh trai chạy trốn khỏi lũ phát xít. Ông cũng đã nhìn thấy không chỉ một lần hàng trăm xác người Do Thái chồng chất trên những chiếc xe của quân đội Đức như vật liệu xây dựng trên công trường. Tất nhiên, tôi không phải chứng kiến những cảnh tượng đó nhưng chúng cũng hằn sâu trong tâm trí tôi.
Holocaust là chủ đề cho một cuốn sách khác nhưng tôi cảm thấy cần nói đến ở đây vì tôi luôn có thể cảm nhận sâu sắc nỗi đau của cha mẹ mình. Như thể tôi sinh ra trong một gia đình ma ‒ hồn ma những người thân đã mất của cha mẹ tôi dưới thời Hitler. Thế nên, tôi luôn trân trọng lòng tự tôn của người khác. Đó cũng là lý do tôi cực kỳ nhạy cảm khi ai đó xâm phạm những gì tôi coi là giá trị cốt lõi trong cá tính tạo nên con người mình.
Vậy tất cả những điều này có liên quan gì đến một cuốn sách nói về nghệ thuật lãnh đạo của Giáo hoàng Francis?
Một thời gian ngắn sau khi đảm nhận cương vị Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013, Francis nổi bật với hình tượng một người chống Hilter ‒ một người tôn trọng phẩm hạnh và đề cao con người bất kể màu da, tầng lớp, xuất thân.
Ông là lời đáp trả của thế kỷ XXI đối với tội ác diệt chủng từ thế kỷ XX.
Đoạn trích sau đây từ bài thuyết giảng nổi tiếng nhất của Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh điều này: “Điều răn ‘Chớ giết người’ đã khẳng định quan điểm bảo vệ giá trị cuộc sống con người. Ngày nay, chúng ta cũng phải ‘nói không’ với nền kinh tế đặc quyền đặc lợi và bất bình đẳng.”
Con số có thể cho thấy sự trái ngược giữa hai nhà lãnh đạo thế giới này. Hầu hết mọi người đều biết rằng Hitler đã giết hại hơn sáu triệu người Do Thái. Điều ít người biết là trong năm 2013, năm đầu tiên của Giáo hoàng Francis tại Rome, các sự kiện và các buổi lễ mi-xa của ông thu hút hơn sáu triệu người đến dự, rất nhiều trong số họ là người mới gia nhập hoặc vừa trở lại Giáo hội.
Có vô vàn bằng chứng về sự khiêm nhường và nhân văn của Giáo hoàng Francis. Trước khi trở thành Giáo hoàng, Tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio(1) thường ra ngoài vào ban đêm ở Buenos Aires để giúp đỡ người nghèo. Giờ đây, ở vị trí Giáo hoàng, ông giao phó cho một Tổng giám mục khác làm việc đó.
Trước thời điểm diễn ra Mật nghị Hồng y và được lựa chọn làm Giáo hoàng, Bergoglio đã ở tại một nhà tập thể đơn sơ trong vùng.
Trong bài thuyết trình với tư cách là Giáo hoàng mới, Francis quyết định không đứng trên bục phát biểu như những người tiền nhiệm. Thay vào đó, theo như Hồng y Timothy Dolan, ông đã nói, “Tôi đứng ở dưới này”.
Trong buổi tiệc sinh nhật 77 tuổi vào tháng 12 năm 2013, Giáo hoàng Francis đã mời bốn người vô gia cư đến dự sinh nhật. Đó không phải là cách để quảng bá hình ảnh như các chính trị gia thường làm mà bởi ông cảm thấy thoải mái nhất khi ở bên cạnh những người này.
Trong năm đầu tiên làm Giáo hoàng cũng như thời gian tại Argentina, Francis luôn thể hiện là một người khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường không có nghĩa ông là một nhà lãnh đạo hời hợt. Giống như tất cả những nhà lãnh đạo nổi bật, ông có vô số công việc cần giải quyết. Trên thực tế, theo những phóng viên đã theo dõi Bergoglio nhiều năm, ông là một người luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội và chính trị. Ông cũng là một người có trí tuệ lớn nhưng ít được chú ý bởi lối sống khiêm nhường của mình.
“Ông không phải là một thiếu nữ ngây thơ bước vào thế giới”, Elisabetta Pique, một nhà báo Argentina quen biết Bergoglio từ những năm 1990 và là tác giả cuốnsách Francisco: Vida y Revolucion (Francis: Cuộc đời và cách mạng) đã miêu tả vấn đề ông phải đối mặt tại Rome, “Ông gần như đã phải chiến đấu với một bộ phận của Giáo triều Rome.(2)”
Một nhà báo khác đã sử dụng từ “không thương xót” để miêu tả cách điều hành của Francis.
Nhà báo Mark Binelli của tạp chí Rolling Stone viết rằng, “Bergoglio đã thể hiện mình là một người thi hành pháp luật có khả năng ra lệnh đầy uy lực để phục vụ mục đích cao cả hơn.”
Giáo hoàng Francis rõ ràng là một nhà điều hành sắc sảo. Ông đã loại bỏ một loạt lãnh đạo bảo thủ ra khỏi Giáo triều, những người có thể ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của Giáo hoàng trong quá trình biến Giáo hội trở nên cởi mở và tập trung hơn vào việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Giáo hoàng Francis, Về thiên đường và trái đất, lại được chấp bút cùng Abraham Skorka, một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng người Argentina và cũng là một người bạn của ông. Cũng chẳng ngẫu nhiên mà cuốn sách đó miêu tả việc Bergoglio và Skorka đã dành nhiều năm để “xây dựng cầu nối giữa Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và thế giới nói chung.”
Với tư cách là Giáo hoàng, Francis thách thức những người bảo thủ cực đoan trong Giáo hội bằng cách mở lòng với những người mà các Giáo hoàng khác không bao giờ lưu tâm: Ông rửa chân cho tù nhân (bao gồm hai nữ tù nhân, việc này đã gây tranh cãi không nhỏ với những bậc trưởng lão trong Giáo hội; chưa từng có Giáo hoàng nào rửa chân cho phụ nữ); ông cũng đã ôm một người nhiễm trùng da, điều mà nhiều người không dám làm.
Việc Giáo hoàng ghét thói lãng phí và khoe khoang tài sản không có gì đáng ngạc nhiên, đặc biệt là đối với các giám mục, và ông thể hiện quan điểm của mình bằng hành động. Cuối năm 2013, Giáo hoàng Francis (tạm thời) “trục xuất” một giám mục người Đức bởi ông này đã trơ tráo sử dụng số tiền khổng lồ 31 triệu euro để xây dựng một ngôi nhà riêng bề thế. Một cuộc điều tra đã được thực hiện để quyết định tương lai của “vị giám mục treo” này. Cuối tháng 3 năm 2014, “vị giám mục treo” người Đức đã bị trục xuất khỏi giáo phận của mình vĩnh viễn.
Giáo hoàng Francis nhận thấy trong Giáo hội không có chỗ cho kẻ tiêu xài lãng phí, nhất là khi trên thế giới còn quá nhiều người nghèo đói. Giáo hoàng đã thể hiện cái nhìn của ông đối với vấn đề này:
Tại sao một người vô gia cư già cả chết đi thì chẳng ai bận tâm, nhưng thị trường chứng khoán mất hai điểm lại là tin tức thời sự cơ chứ?
Hình ảnh con người ông được gói gọn trong một câu nói. Giáo hoàng Francis cho chúng ta thấy thế giới đang đi chệch hướng và các giá trị bị đảo lộn. Kể cả cách lựa chọn tông hiệu ‒ lấy cảm hứng từ Thánh Francis thành Assisi ‒ cũng thể hiện với thế giới rằng ông sẽ tập trung vào tầng lớp người nghèo, cũng như những người bệnh tật và yếu đuối nhất trong xã hội chúng ta.
Thánh Francis thành Assisi sống vào đầu thế kỷ XIII và trở thành vị thánh bảo trợ của động vật và hệ sinh thái. Dù sinh ra trong gia đình giàu có, Thánh Francis đã từ bỏ tất cả những gì mình sở hữu kể cả quần áo để làm theo lời dạy của Chúa Jesus, “Không sở hữu vàng bạc hoặc đồng xu nào trong ví, không túi hành lý, không giày dép, không người tùy tùng.” Thánh Francis thành Assisi hẳn sẽ bằng lòng với Giáo hoàng Francis đương thời.
Tuy nhiên, lời nhận xét của Giáo hoàng về người vô gia cư và chỉ số chứng khoán Dow Jones là một thanh kiếm hai lưỡi: Ngoài việc tiết lộ đáng kể về Francis, nó cũng bộc lộ thách thức lớn nhất trong việc viết một cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo xoay quanh nhân vật đặc biệt này.
Francis thường bị chỉ trích do khuynh hướng chống chủ nghĩa tư bản của mình. Tuy nhiên, ông không phải là người chống công nghiệp hoá. Ông chỉ có cái nhìn phê phán đối với các tập đoàn lớn khi hàng nghìn người lao động bị sa thải, ông viết rằng: “Nền kinh tế không còn là một biện pháp cứu trợ mà là một loại chất độc mới. Điều này thể hiện qua mưu toan tăng lợi nhuận bằng cách cắt giảm nhân công và gia tăng số lượng người thất nghiệp.”
Tại sao không nên coi đây là lời phản đối giới kinh doanh? Trong cùng một bài tông huấn mà ông có viết về “những người thất nghiệp”, ông cũng đã viết về tính cao quý của thương nghiệp và đặc biệt là các hoạt động kinh doanh tạo điều kiện cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn: “Kinh doanh cũng là một nghề, và là một nghề cao quý nếu những người dấn thân vào nghề này hiểu rằng họ có cơ hội để làm những điều ý nghĩa lớn lao hơn trong cuộc sống. Từ đó, họ có thể phục vụ lợi ích chung bằng cách nỗ lực gia tăng của cải trên thế giới và đưa tất cả mọi người thoát khỏi đói nghèo… Tôi tin chắc một điều rằng: những thay đổi vĩ đại của lịch sử xảy ra khi hiện thực được nhìn nhận từ những người được coi là ngoài rìa xã hội hơn là những người ở trung tâm.”
Vì vậy, mặc dù các chuyên gia vẫn luôn chỉ trích khuynh hướng bài trừ doanh nghiệp của Giáo hoàng Francis, nhưng những lời chỉ trích đó hoặc quá đơn giản hoặc chưa đầy đủ, và một số trường hợp là hoàn toàn sai lầm. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, Francis là người bài trừ thói tham lam, cụ thể là bất bình đẳng thu nhập.
Giáo hoàng Francis đã hùng hồn nói về nguyên nhân cơ bản của sự bất bình đẳng thu nhập đang không ngừng gia tăng. “Từ đó, sinh ra một chế độ chuyên chế mới, vô hình nhưng đơn phương và không ngừng nghỉ áp đặt những quy tắc và luật lệ của riêng nó. Cơn khát quyền lực và vật chất là không có giới hạn. Ở hệ thống này, có một nguyên tắc duy nhất là nó có xu hướng hủy hoại tất cả những gì cản trở sự gia tăng lợi nhuận, kể cả những thứ mỏng manh như môi trường chẳng hạn, cũng không được bảo vệ trước lợi ích thị trường.”
Nhằm ngăn chặn thói tham quyền và ham vật chất, Giáo hoàng Francis đã khiển trách những thành viên Giáo hội mua xe đắt tiền, yêu cầu họ mua ô tô đã qua sử dụng, và ủng hộ số tiền chênh lệch cho trẻ em nghèo đói, vô gia cư.
Đầu năm 2014, Oxfam, một tổ chức chống đói nghèo tại hơn chín chục quốc gia công bố: 85 người giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tiền hơn 3,5 tỷ người nghèo nhất trên thế giới cộng lại. Điều này có nghĩa là 1% người giàu nhất thế giới kiểm soát 46% (gần một nửa) tài sản của cả thế giới. Với con số này, ai có thể chỉ trích Giáo hoàng khi ông yêu cầu những người giàu nhất phải cho đi nhiều hơn?
Tuy nhiên, điều này không thể giảm bớt khó khăn trong việc viết một cuốn sách xoay quanh một nhân vật với mục tiêu lớn nhất là tạo ra sân chơi bình đẳng về kinh tế. Nhưng đây không chỉ là một cuốn sách về nghệ thuật kinh doanh, mà còn là một cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo. Để tránh nhầm lẫn sau này, đây là định nghĩa về lãnh đạo sẽ được sử dụng xuyên suốt trong cuốn sách này:
Lãnh đạo là khả năng chia sẻ một tầm nhìn và kêu gọi người khác cùng thực hiện.
Có một sự mỉa mai là khái niệm này được đưa ra bởi vị lãnh đạo của một trong những tập đoàn lớn mạnh và lâu đời nhất, người đã sa thải hơn 125.000 người lao động: Jack Welch, nguyên CEO của General Electric (được Tạp chí Fortune bình chọn là Nhà lãnh đạo của thế kỷ và là đối tượng của một vài cuốn sách tôi từng viết).
Jack Welch và Giáo hoàng Francis tuy có thể bất đồng trong nhiều vấn đề nhưng họ có chung một số quan điểm chính về lãnh đạo. Ví dụ, Welch hay so sánh công ty 100 tỷ đôla với một cửa hàng tiện ích tại góc đường. Điều đó có nghĩa là ông yêu cầu tất cả nhân viên nắm rõ từng sản phẩm trên kệ hàng cũng như các khách hàng thân thiết.
Welch và Giáo hoàng Francis cũng đồng tình với nguyên tắc kinh doanh sau: Điểm nổi bật của bất kỳ lãnh đạo nào là cách họ dẫn đầu làm gương. Đây là điểm nổi trội của Giáo hoàng Francis. Ông có lối sống giản dị hơn tất cả những người tiền nhiệm. Trước khi trở thành Giáo hoàng, Francis từng được biết tới với hình ảnh ông sử dụng phương tiện công cộng và sống tại căn hộ nhỏ ở Buenos Aires. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ông đã rời bỏ tòa nhà của Giáo hoàng tại Vatican để sống tại một lưu xá với hai phòng ngủ đơn giản. Francis sống với nguyên tắc đặt người khác lên trước mình và coi bản thân là người đầy tớ: “Đừng quên quyền lực đích thực là phụng sự”, Giáo hoàng Francis đã tuyên bố trong lễ nhậm chức như vậy. Phụng sự là chủ để xuyên suốt trong cuốn sách này.
***
Trước khi tiếp tục, tôi muốn khẳng định bản thân không phải là tác giả đầu tiên so sánh nghệ thuật lãnh đạo trong Giáo hội với các tổ chức như doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và các loại hình khác. Một trong những người đầu tiên làm điều này là Peter Drucker, “cha đẻ của mô hình quản lý hiện đại”.
Tôi coi cuốn sách năm 1946 của ông, Khái niệm về công ty (Concept of the Corporation), dựa trên nghiên cứu quy mô đầu tiên về một doanh nghiệp lớn (General Motors), là cuốn sách nền tảng của các sách kinh doanh hiện đại, và rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này vẫn phù hợp cho đến tận bây giờ. Drucker viết rằng: “Mọi xã hội đều cần những tổ chức mà bản chất không liên quan đến mục tiêu xã hội. Ví dụ, bản chất của gia đình là tồn tại sinh học nhưng đây không phải là mục tiêu tồn tại của xã hội. Điều này tương tự với một nhà thờ mà vương quốc của nó không nằm trong thế giới này mà thuộc về một nơi vượt khỏi xã hội.”
Drucker sau đó đã bổ sung: “Khi tổ chức xã hội gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được giá trị đạo đức cơ bản, khi đó chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng… Điều thường bị bỏ qua là sự bình đẳng về cơ hội và địa vị của mỗi cá nhân trong mối quan hệ tương quan với nhau.”
Điều này được Giáo hoàng Francis lặp lại:
“Các lãnh đạo chính phủ và tổ chức tài chính cần lưu ý mở rộng tầm nhìn, đảm bảo tất cả các thành viên đều có công ăn việc làm, được giáo dục và chăm sóc sức khoẻ đàng hoàng.”
Giáo hoàng Francis cũng bình luận về sự chuyển dịch của cấu trúc xã hội: “Cấu trúc xã hội thay đổi mà không tạo ra niềm tin và thái độ mới thì sớm muộn gì cũng sẽ trở nên mục ruỗng, ngột ngạt và vô tác dụng”.
Trong cuốn sách Quản lý trong thời điểm chuyển đổi lớn (Managing in a Time of great Change), Drucker cũng đã viết về cấu trúc mới: “Việc đấu tranh với xu hướng chuyển đổi cấu trúc là khó khăn trong thời gian ngắn và vô vọng về lâu về dài. Xu hướng này sẽ tự giảm dần hoặc tự đổi chiều… một số sẽ không đổi và có thể hoàn toàn biến mất.” Ông tiếp tục, “Thay đổi lớn trong năng lực kiến tạo tài sản đã được sử dụng cho việc giải trí, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.”
Giáo hoàng Francis cũng từng nói: “Sự thay đổi về mặt cấu trúc yêu cầu từng linh mục cũng phải thay đổi theo chiều hướng sao cho công tác của Giáo hội cởi mở và tiếp cận đến từng người.”
Đầu năm 2014, Francis kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới họp bàn tại Davos, Thụy Sĩ để xem xét vai trò to lớn của họ đối với trật tự thế giới: “Tôi yêu cầu các bạn hãy đảm bảo rằng tài sản phục vụ con người, chứ không chi phối con người.”
Điều đáng chú ý là nhiều bài viết của Drucker có cùng quan điểm và suy nghĩ như Giáo hoàng Francis. Họ chia sẻ nhiều điểm tương đồng khác, trong đó có đức tính khiêm nhường, cả hai đều sống khiêm tốn so với năng lực của bản thân. Họ đều là người có tư tưởng sáng suốt. Kể cả cách diễn đạt của họ cũng tương đồng.
Thực tế, sau khi nghiên cứu hầu hết các CEO vĩ đại cuối thế kỷ XX, tôi không nghĩ có một lãnh đạo doanh nghiệp nào có thể viết đầy đủ về bản chất toàn cầu của doanh nghiệp và tài sản như Giáo hoàng Francis. Đó là lý do vì sao lời nói và hành động của ông lại có trọng lượng đến vậy.
Ví dụ, khi nói về cuộc khủng hoàng năm 2008 – 2009, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu và bất bình đẳng thu nhập, thật khó để tranh cãi với tuyên bố này của Giáo hoàng: “Vậy mà một số người vẫn tiếp tục bảo vệ cho lý thuyết ‘thẩm thấu’(3), cho rằng kinh tế phát triển hỗ trợ thị trường tự do, mang lại bình đẳng, và cơ hội được tiếp cận thế giới.”
Francis có thể tự mô tả mình là một “tội nhân” ‒ ông từng nói: “Một người theo đạo tự coi mình yếu đuối và có tội không phải để giảm ánh mắt soi xét anh ta màlà để phát triển bản thân. Điều này đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.” ‒ nhưng không thể phủ nhận Francis là một lựa chọn phù hợp, với công việc phù hợp, vào thời điểm phù hợp.
Tôi xin lưu ý về cách giả định và tiếp cận của mình trước khi viết cuốn sách: Cho dù Giáo hoàng Francis đặt ra mục tiêu phá bỏ hiện trạng bất bình đẳng thu nhập, bài giảng và hành động của ông là ví dụ phù hợp cho lãnh đạo của bất kỳ tổ chức nào.
Một vấn đề quan trọng khác đó là cách tiếp cận cuốn sách. Đây là cuốn sách viết về Giáo hoàng Francis, không phải là cuốn sách của Giáo hoàng. Vì vậy, tôi chịu trách nhiệm về nội dung của cuốn sách này. Đây là cách nhìn của tôi về lời nói và hành động của Giáo hoàng.
Hơn nữa, tôi không phải là một nhà thần học cũng chẳng là một chuyên gia trong lĩnh vực Công giáo. Chuyên môn của tôi là về quản trị lãnh đạo. Tôi đã từng phỏng vấn và nghiên cứu rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất thế kỷ XX và một vài người thế kỷ XXI.
Quan điểm của tôi về Giáo hoàng Francis sẽ khác so với quan điểm của Giáo hội Công giáo hoặc một nhà thần học. Tôi nhìn ông qua một lăng kích thế tục hơn, từ đó phân tích các nguyên tắc lãnh đạo mà ông đã thực hiện và giảng dạy. Tôi ngạc nhiên bởi con đường khác biệt mà Giáo hoàng lựa chọn để biến Giáo hội trở nêncởi mở và thu hút quần chúng hơn. Cuối tháng 5 năm 2014, Giáo hoàng Francis đã nói với các phóng viên trên chuyến bay trở lại Rome (sau chuyến công du Trung Đông) về vấn đề cho phép linh mục kết hôn: “Cánh cửa luôn mở”. Trong suốt cuốn sách này, bạn sẽ thấy Giáo hoàng đã “mở cửa” rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như vấn đề ly hôn và hôn nhân đồng tính. Những tuyên bố gây choáng váng này đã giáng mạnh vào các thành viên cánh hữu cực đoan của Giáo hội nhưng cũng đồng thời biến Giám mục Bergoglio thành Giáo hoàng Francis, một hành trình đầy khiêm nhường, phẩm hạnh và can trường.
Mời các bạn đón đọc Lãnh Đạo Bằng Sự Khiêm Nhường của tác giả Jeffrey A. Krames.