Một người là thầy thuốc nữ giả nam trang phiêu bạt giang hồ.
Một người là thiên kim quận chúa khuynh quốc khuynh thành.
Gặp nhau trong hoạn nạn, rồi yêu nhau.
Trải qua bao nhiêu khó khăn trắc trở để cuối cùng không thể tách rời….
***
Vốn dĩ tôi dự định sẽ để dành tác phẩm Nhật Ký Sau Khi Chết hoàn thành rồi mới bắt đọc bởi vì tôi là một người khá nóng vội và hơi thiếu kiên nhẫn. Song, chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi đã một đêm hoàn thành xong đến chương hiện tại của Nhật Ký Sau Khi Chết sau đó thì ngồi băn khoăn thêm một vài đêm nữa để nhận ra mình bị sự tò mò của bản thân hại thê thảm như thế nào. Đó cũng là một sự mở đầu cho bài viết của tôi về tác giả Hổ Đầu Miêu Diện này.
Sáng tạo là thói quen của người nghệ sĩ, nhưng tâm huyết cho việc không ngừng thay đổi và truy cầu một phong cách riêng thì không phải ai cũng dễ dàng duy trì được.
Tôi là người có thói quen để ý rất “vụn vặt”. Khi lựa chọn đọc tiểu thuyết Bách hợp, ngoài yếu tố nội dung, nghệ thuật là thứ khiến tôi chú tâm nhiều hơn hết thảy. Cũng vì sự “vụn vặt” này mà tôi bắt đầu chú ý đến Vợ Ta Là Quận Chúa, đặc biệt là lối trần thuật của tác giả.
Vợ Ta Là Quận Chúa – Kể bằng ngôi thứ nhất, thứ ba hay là… thứ hai ?
Cách kể của Hổ Đầu Miêu Diện trong Vợ Ta Là Quần Chúa khiến tôi băn khoăn nhiều bởi lựa chọn của chị rất kỳ lạ, nếu không nói là là khó nắm bắt (và đôi khi là loạn xạ đối với một số người chỉ mới bắt đầu đọc truyện). Từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, ngoài Thành Nhược Hề, còn có Nhị sư huynh, Nguyệt Nhi, Sư phụ, Tư Đồ Ức, Tướng Quân Tịch Dực, Gia đinh Quận chúa, v.v… thay phiên nhau đóng vai trò là người trần thuật. Toàn bộ tác phẩm, nhân vật trung tâm là Tấn Ngưng Quận chúa, nhưng lời trần thuật của nàng cũng chỉ có một câu ngắn ngủn, còn khiến một vài người đọc lên cảm thấy buồn cười. Hổ Đầu Miêu Diện tại sao lại chọn cách sáng tác kỳ lạ như thế?
Thông thường, khi kể chuyện, người viết hoặc sẽ chọn kể theo ngôi thứ nhất vì đó là cách kể khá phổ biến và dễ viết nhất, hoặc sẽ chọn lối kể theo ngôi thứ ba, vì đó là cách kể khách quan và dễ tạo các yếu tố bối cảnh nhất. Nhưng, theo dõi Vợ Ta Là Quận Chúa thì tôi sẽ không cho rằng Hổ Đầu Miêu Diện chọn lối kể theo ngôi thứ nhất hay thứ ba, mặc dù độc giả nhận thấy rõ ràng lời kể là từ ngôi thứ nhất.
Lý giải một chút về quan điểm này, hãy lấy ví dụ như bạn là một người quay phim (và đang quay một chương trình thực tế nào đó, đồng thời bạn buộc phải theo chân một vị khách suốt hành trình). Như cách mà Hổ Đầu Miêu Diện kể, Thành Nhược Hề chính là người quay phim, và xuyên suốt câu truyện, nàng đã theo bên cạnh mà quay lại hết toàn bộ nhất cử nhất động của Tấn Ngưng Quận chúa. Nhưng, bản thân lối kể này không bị quy vào ngôi thứ ba cũng bởi vì “người quay phim” này có giao tiếp trực tiếp với ngôi thứ hai (Tấn Ngưng) trong quá trình quay. Nói cách khác, dù là kể về Tấn Ngưng, nhưng qua hành đồng, cử chỉ, lời nói của Tấn Ngưng được trần thuật lại, ta có thể đoán được hành động, cử chỉ cũng như lời nói của người kể (Thành Nhược Hề), vì sự hiện diện của Thành Nhược Hề tồn tại trong chính lời kể của nàng về Tấn Ngưng Quận chúa. Tương tự, khi tác giả đổi người trần thuật thành Nguyệt Nhi hay là Nhị sư huynh, thì đơn giản sẽ được hiểu như việc chuyển giao ống kính máy quay cho người khác ở một đoạn hành trình khác, vì sự hiện hữu của họ cũng từ chính lời kể về Quận chúa mà được hình dung ra. Cũng chính vì sự lý giải trên mà tôi đã đưa ra một giả thiết rằng, Hổ Đầu Miêu Diện muốn kể ở ngôi thứ hai, một điều chưa từng có trong lịch sử văn học từ trước đến nay.
Có phải là thế hay không, khó mà nói được. Vì đến bây giờ, chưa có người nào xác nhận có thể dùng ngôi thứ hai kể chuyện. Và, ngay cả độc giả khi đọc tác phẩm của Hổ Đầu Miêu Diện cũng chỉ cho rằng đó là một cách kể độc đáo, hoặc tác giả muốn tác phẩm nổi bật một chút chứ không suy nghĩ sâu hơn rằng, văn sĩ này thật sự truy cầu một sự đột phá nào đó vượt ra ngoài khuôn khổ của lối kể thông thường.
Cũng nhờ vào Vợ Ta Là Quận Chúa mà tôi bắt đầu để ý nhiều hơn đến Hổ Đầu Miêu Diện, và cũng vì lối kể của chị khiến tôi khẳng định được đây là một nhà văn của sáng tạo, của niềm đam mê, và của sự truy cầu thay đổi trong nghệ thuật, là nhà văn cần mẫn và tỉ mỉ, cẩn trọng mà tinh tế và cũng là một con người dám nghĩ, dám làm và dám đột phá.
Nhật Ký Sau Khi Chết – Kể chuyện trong truyện.
Sau Vợ Ta Là Quận Chúa, Nhật Ký Sau Khi Chết càng khiến độc giả tò mò hơn về lối kể chuyện của Hổ Đầu Miêu Diện. Không như sự chuyển đổi “ống kính máy quay” ở Vợ Ta Là Quận Chúa, ở sáng tác này tác giả tạo cho người đọc cái cảm giác như lạc vào thế giới của Nghìn Lẻ Một Đêm, nghe kể chuyện trong truyện, nghe một nhân vật ở ngôi thức nhất đọc về một câu chuyện của ngôi thứ nhất khác. Đó là một sự lồng ghép có dụng ý, và cũng là một sự lồng ghép đầy nghệ thuật.
Nếu ở Vợ Ta Là Quận Chúa tôi chú ý đến lối kể trần thuật thì ở Nhật Ký Sau Khi Chết tôi lại quan tâm hơn ở bố cục và phân bố nội dung. Dùng một cuốn nhật ký theo dõi trực tiếp câu chuyện chưa kết thúc, để rồi bị chính nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, cuốn nhật ký của Lâm Tấu chắc có thể so sánh ngang ngửa với cuốn nhật ký của Tom Riddle trong Harry Potter, dù rằng thời điểm hiện tại Nhạc Phạm còn chưa bị lời nói trong cuốn nhật ký này điều khiển ở mức quá đà như Ginny Weasley (mà cũng có thể sẽ như vậy, vì đến giờ tác giả vẫn chưa kết thúc tác phẩm này).
Nhìn từ những “thiết kế” được kể trên, Hổ Đầu Miêu Diện hiện rõ là một nhà văn đầy trăn trở trong lối kể của mình, đồng thời cũng là một người khá nhạy cảm. Để ý một chút sẽ thấy được, tác giả thật sự rất yêu quý những đứa con tinh thần của mình, yêu quý đến mức sợ họ tổn thương, sự họ đau khổ, và sợ viết một cái kết bất hạnh cho họ. Cũng vì thế, để tìm ra một phương án vẹn toàn nhất gỡ rối cho những “thiết kế” của mình ở các chương trước, Hổ Đầu Miêu Diện đã để ngõ tác phẩm Nhật Ký Sau Khi Chết này gần 4 năm, một con số đủ để tạo nên sự quên lãng của độc giả đối với cốt truyện (dù có mấy người quên được cái cốt truyện đầy ám ảnh đó đây?)
Trong những tình tiết Hổ Đầu Miêu Diện đưa ra, có một số chi tiết vẫn luôn là câu hỏi đối với độc giả (và có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của tác giả). Thứ nhất, chi tiết ban đầu của truyện cho thấy Hoa Tiện Lạc cố ý để lại cuốn nhật ký trên đường (sau đó còn nhắc khéo Nhạc Phạm nhặt nó lên) trong khi nếu theo dõi đến chương hiện tại của tác phẩm (hay chính là tốc độ đọc hiện tại của Nhạc Phạm) thì Hoa Tiện Lạc vẫn rất coi trọng cuốn nhật ký, xem đó như là hiện diện của Lâm Tấu trong thế giới thực. Điều này sẽ dẫn đến thắc mắc là tại sao Hoa Tiện Lạc lại bỏ lại cuốn nhật ký trên đường hôm đó? Gắn liền với chi tiết về thời gian này chính là ngày tháng được viết ở trang cuối của cuốn nhật ký. Như vậy, cuốn nhật ký hiện tại trong tay Nhạc Phạm được viết đến tận tháng 8, là tương lai bốn tháng sau. Vậy khoảng thời gian 4 tháng đó đã xảy ra chuyện gì? Tại sao Lâm Tấu lại cho phép Hoa Tiện Lạc bỏ lại cuốn nhật ký của mình, và liệu có phải trong cuốn nhật ký có những dự đoán về tương lai hay không?
Từ những câu hỏi này, độc giả sẽ băn khoăn:
Có phải thời điểm vô tình gặp kia, Nhạc Phạm đã gặp Hoa Tiện Lạc của tương lai chứ không phải của hiện tại không? Nếu đúng là như vậy, làm thế nào mà Hoa Tiện Lạc từ tương lai về lại được quá khứ? Và hành động bỏ lại cuốn nhật ký bên đường kia có phải là vì muốn chọn một người hữu duyên (hay cố tình chọn Nhạc Phạm) để thay đổi điều gì đó?
Đột nhiên những câu hỏi này khiến tôi nhớ đến bộ truyện tranh Nhật Bản Mứt Cam (hay Orange) của Ichigo Takano và lý thuyết về thế giới song song. Nếu ai đã từng tìm hiểu qua tác phẩm Orange sẽ biết về câu chuyện một người 26 tuổi gửi thư cho chính bản thân ở tuổi 16 để thay đổi những gì mà bản thân đã hối tiếc 10 năm trước. Thế giới song song? Thay đổi quá khứ nhưng chỉ là tạo ra một thế giới khác tồn tại song song với thế giới hiện tại chứ không thay đổi hiện tại, mặc dù số phận và cuộc đời của những nhân vật ở thế giới song song sẽ khác đi rất nhiều. Tôi không mong Hổ Đầu Miêu Diện sẽ tạo một cốt truyện giống như Ichigo Takano, nhưng là số hiếm những người Trung Quốc yêu thích Văn hóa Nhật Bản, có lẽ, chị sẽ lấy cảm hứng từ đó chăng? Quay trở lại với Nhật Ký Sau Khi Chết, có phải trong một hiện thực khác Tả Y Y và Nhạc Phạm không có kết cục như hiện tại nên Hoa Tiện Lạc dùng cuốn nhật ký để giúp họ thay đổi ở hiện thực này. Hay là vì Nhạc Phạm ở thế giới kia giúp Hoa Tiện Lạc và Lâm Tấu nên họ muốn quay lại thế giới này để giúp Nhạc Phạm và Tả Y Y?
Ở một tình tiết khác, tác giả viết Lâm Tấu nhờ chạm vào Hoa Tiện Lạc mà có thể cảm nhận được các vật thể xung quanh. Chi tiết này vô tình khiến tôi nhớ đến một tác phẩm khác nữa, nhưng lần này là của một nhà văn Pháp, Nếu Em Không Phải Là Giấc Mơ (Et Si C’est Vrai) của Marc Levy. Liệu câu chuyện của Hoa Tiện Lạc và Lâm Tấu sẽ tương đồng với câu chuyện của Lauren và Arthur trong Et Si C’est Vrai? Phải chăng chỉ khi Hoa Tiện Lạc và Lâm Tấu quan hệ xác thịt thì Lâm Tấu mới thật sự tồn tại lần nữa. Liệu Lâm Tấu đã hoàn toàn chết? xác của cô liệu đã thực sự bị hỏa táng? hay thực tại ở một nơi nào đó cái xác đang được bảo dưỡng kĩ càng, và trong tình trạng đời sống thực vật?
Hoặc, như giả thiết về nhật ký Riddle, Lâm Tấu sẽ sử dụng thân xác của Nhạc Phạm. Nếu là tình huống này thì cũng đồng nghĩa với việc Nhạc Phạm sẽ phải rời khỏi thân xác một thời gian (hoặc vĩnh viễn) và Tả Y Y sẽ như Hoa Tiện Lạc là người duy nhất cảm nhận và nhìn thấy được sự tồn tại của Nhạc Phạm ở trạng thái linh hồn kia?
Những dự đoán – hệ lụy
Sẽ là một thế giới song song, là một con người bị linh hồn điều khiển, hay là sự tráo đổi linh hồn? Tất cả những giả thiết chỉ mang tính tạm thời này có thể sẽ là những cái kết mà Hổ Đầu Miêu Diện sẽ viết, cũng có thể không. Tuy nhiên có thể khẳng định một điều, Hổ Đầu Miêu Diện muốn viết cho nhân vật của mình cái kết hạnh phúc, và đang cố gắng tìm cách vẹn toàn nhất cho cả hai cặp đôi Hoa Tiện Lạc – Lâm Tấu và Tả Y Y – Nhạc Phạm.
Mặc dù vậy, trong hai cặp chính thì Nhạc Phạm và Tả Y Y có nhiều khả năng hạnh phúc hơn. Nếu bỏ qua chi tiết về cuốn nhật ký, mối tình của họ là một mô-típ khá quen thuộc trong các truyện Bách hợp: thầm mến, ở chung một chỗ. Tác giả sẽ phải viết chút gì đó về gia đình, về quan hệ xã hội và những ngăn trở này có lẽ là tất yếu. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng Hổ Đầu Miêu Diện không thích những yếu tố vụn vặt, chính xác thì có đôi khi chị sẽ lượt bớt những cản trở mà chị cho rằng quá khuôn mẫu hay phổ biến mà thay bằng một cái gì đó độc đáo hơn. Ở điểm này có lẽ Lạc Hoa Liễu Thủy sẽ nói rõ hơn phong cách của tác giả ở những truyện hiện đại (mặc dù cả tác phẩm này tác giả cũng chưa hoàn thành). Song, một điều tất yếu chính là cuốn nhật ký của Lâm Tấu sẽ là chìa khóa quan trọng hoặc là phá hỏng hoặc là hỗ trợ cho mối tình của họ trong tương lai.
Cặp đôi còn lại, Hoa Tiện Lạc và Lâm Tấu có xác xuất hạnh phúc thấp hơn một chút, nếu không nói chính xác thì chưa đến 30%. Nguyên nhân cơ bản mà ai cũng nhận thấy đó là cả hai không cùng tồn tại trong một thế giới, người và linh hồn, ngay từ đầu sự gặp gỡ của họ đã là một nghịch lý và rất khó có được kết quả vẹn toàn. Lý do thứ hai là yếu tố gia đình. Mặc dù tác giả không đề cập nhiều đến bối cảnh gia đình Lâm Tấu (và có vẻ sẽ không nếu tác giả xác nhận Lâm Tấu hoàn toàn chết), nhưng ta có thể đoán được gia đình của cô khá bảo thủ và khó đàm phán. Bên cạnh đó, gia đình của Hoa Tiện Lạc cũng có vô số những bất ổn nội bộ, nhất là trong mối quan hệ của cô và ông bố giàu có. Nếu thoát khỏi hình thái linh hồn, liệu Lâm Tấu có thể cùng Hoa Tiện Lạc vượt qua được rào cản gia đình để sánh bước cùng nhau? Đây là một câu hỏi khó mà chính tác giả cũng đang cố tìm câu trả lời.
Ngoài ra, vai trò của Mạnh Nhất Loan là gì? Sự xuất hiện của An Nghiên, cô bé được Lâm Tấu cứu thoát hay Ương Ương có vai trò gì không? Tất cả những nhân vật trong câu chuyện liệu có mối quan hệ như thế nào chúng ta hoàn toàn chưa thể dự đoán được, và cũng vì Hổ Đầu Miêu Diện là một con người khá tỉ mỉ trong việc lựa chọn nhân vật, chị sẽ không để một nhân vật nào xuất hiện một cách vô nghĩa. Đây cũng là lý do mà chị “ngâm” tác phẩm này lâu như vậy, nói sao nhỉ, tự mình làm khó mình có lẽ là nhược điểm lớn nhất của những người yêu sáng tạo đây.
Ở những giả thiết trên, tôi còn đưa ra một dự đoán về việc hoán đổi vị trí giữa Lâm Tấu và Nhạc Phạm. Điều này có lẽ cũng là một khả năng tuy nhiên vì tác giả muốn viết một cái kết hạnh phúc, phương án này có lẽ sẽ không giúp nhà văn đạt được mục đích đó. Hoặc giả, nếu tác giả để cho Lâm Tấu và Hoa Tiện Lạc không đến được với nhau, cách đơn giản nhất là làm cho Lâm Tấu hoàn toàn biến mất, còn Hoa Tiện Lạc thì hoàn toàn mất đi trí nhớ về khoản thời gian bên cạnh Lâm Tấu. Đó có lẽ là một cách giải quyết dễ dàng nhất, tuy nhiên sẽ khiến độc giả mà chính bản thân của tác giả không hài lòng. Vậy chị sẽ viết như thế nào đây?
Tạm Kết
Dự đoán cái kết cho một tác phẩm chưa kết thúc cũng như đưa ra dự đoán cho tương lai của chính mình. Song, sự khác biệt là ở chỗ, ở dự đoán này, tôi nắm vai trò bị động, mà tác giả, người chủ động hơn lại có thể tùy ý sáng tạo theo cách mà tôi không phải lúc nào cũng dự đoán được. Hay nói cách khác, sáng tạo đã khó, và dự đoán cho sự sáng tạo thì lại càng không hề đơn giản chút nào. Vì lẽ đó, bài viết chỉ mang tính giải tỏa những vấn đề tồn đọng sau khi đọc tác phẩm (chưa kết thúc) mà thôi, chứ cũng chả giúp được gì. Trừ khi, tác giả chủ động cùng độc giả “đánh cờ”, bàn cờ đó có lẽ sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Mặc dù vậy, tôi tin Hổ Đầu Miêu Diện sẽ có sự lựa chọn tốt nhất và tạo ra đứa con tinh thần để chính bản thân hài lòng và làm độc giả ngưỡng mộ.
Mong chờ sự trở lại của chị.
***
Trăng lên cao, một đêm giết người.
Tuy rằng ta không phải là muốn giết người, nhưng đây cũng là một cơ hội tốt để xuống tay.
Nhìn bốn phía xung quanh không có ai, ta cười thầm một tiếng. Rồi đưa tay vươn qua cửa sổ, hướng đến chỗ cạnh cửa mò mẫm. May mắn là cửa sổ cách cửa vào không quá xa, chỉ một lát sau, đã mò thấy khóa chốt, ta vội vàng kéo.
Hì hì, quả nhiên lần nào cũng đúng.
Kiễng nhẹ đầu ngón chân bước tới, nhẹ nhàng ta lấy hai tay đẩy cửa, "Cót -- két --" Tiếng trục cửa chuyển động khiến cả người ta giật bắn, ngay lập tức ta vội giữ cửa lại. Không tốt, ngày mai nhất định phải nhớ lau chút dầu mỡ vào trục. Nín thở, ta chột dạ lại hướng bốn phía liếc nhìn, tốt lắm, ngoài mấy cơn gió lạnh đang điên cuồng thổi thì không có bất cứ gì khả nghi.
Cứ thế đi, ta sắp đạt được mục đích rồi.
Trong phòng một màu tối đen, đưa tay không thấy được cả năm ngón. Nhưng không sao, ta đã quá quen với cách bố trí của phòng này rồi, sờ soạng một lát, ta đã tiếp cận được đến nơi có mục tiêu.
Mày là làm ta chờ lâu lắm đó nha. Trong lòng mừng vui khôn xiết, ta đắc ý đưa chân nhảy lên bệ, hai tay hướng mục tiêu đánh tới.
"Ai! Ai đang ở phòng bếp lén lút??!!"
Ta lập tức đứng hình.
Không sai, nơi ta tiến vào chính là phòng bếp, và mục tiêu của ta, nằm ngay trong cái nồi phía trên bếp lò kia… Là mấy chiếc bánh bao táo chín. Nhưng bây giờ xem ra, kế hoạch của ta đã bị phá hư rồi.
Không được, trước tiên phải biết rõ đối phương là ai. Nghĩ thế ta nhẹ nhàng quay đầu lại.
Hô -- Ra là hắn.
"Nhị sư huynh, là ta là ta!" Ta vội hướng hắn làm rõ thân phận của mình.
"Ồ ~ ra là sư muội, ta còn tưởng rằng --" Nhị sư huynh cũng nhẹ nhõm thở phào một hơi, không dám thốt ra hết câu.
Nhị sư huynh vốn không chỉ là người có cái đầu gỗ, mà còn chẳng giỏi nổi việc gì, võ công tuy rằng cao, nhưng lại cực kỳ sợ quỷ thần. Mỗi lần đến ngày mười bốn trăng khuyết, hắn đều võ trang đầy đủ phòng thân, khắp người đeo đầy kiếm gỗ đào trừ quỷ. Có lẽ nguyên nhân hắn nãy giờ không hề tức giận ta. cũng là vì biết ta không phải quỷ.
"Nhưng sư muội, ngươi ở đây để làm gì?" Nhị sư huynh cầm chiếc đèn lồng, hướng khắp nơi trong phòng soi rọi để xác định có thật an toàn.
"Ta…" Không tốt, chẳng lẽ đem việc mình muốn trộm bánh bao nói ra cho hắn biết, tùy tiện ta bịa một lý do, "Tới bắt chuột, ngươi cũng biết đấy, phòng bếp mà có chuột thì rất nguy."
"Có cần ta giúp không?" Dù nói thế, nhưng Nhị sư huynh như chẳng muốn giúp ta, chỉ hồi hộp chờ đợi câu trả lời.
"Không cần không cần, chuyện nhỏ nhặt thế này mình ta cũng được rồi." Ta vội vàng cự tuyệt.
"Cũng đúng, cũng đúng." Nhị sư huynh lại nhẹ nhàng thở phào, quả là chẳng tình nguyện đây mà, hắn đang muốn xoay người bỏ đi nhưng vẫn ngượng ngùng nói, "Vậy sư muội cố lên."
"Nhất định, nhất định rồi." Ta gật gật đầu thúc giục hắn nhanh đi đi.
Chờ bóng đèn lồng đã xa, ta mới thả lỏng chính mình. Quay đầu nhìn mấy cái bánh bao trong nồi, lại vuốt vuốt tay áo, các ngươi, đêm nay không thoát khỏi ta.
Mời các bạn đón đọc Vợ Của Ta Là Quận Chúa của tác giả Hổ Đầu Miêu Diện.