Lời đầu tiên tôi muốn gửi lời cám ơn đến Alpha Books một nhà xuất bản có nhiều đầu sách hay đã tiếp tục dày công tuyển chọn “Buffett: Con đường hình thành một nhà tư bản Mỹ” của Loger Lowenstein do Minh Diệu – Phương Lan dịch để giới thiệu với bạn đọc yêu thích doanh nhân nói riêng và bạn đọc Việt nam nói chung. Tôi cũng chân thành cảm ơn Alpha Books đã tin cậy, mời tôi giới thiệu cuốn sách này. Nhận làm việc này, tôi đã đạt được 3 điều tốt đẹp mà tôi tâm đắc muốn làm, đó là giới thiệu được một tác phẩm hay với độc giả, được chia sẻ đôi điều suy nghĩ và hiểu thêm về một trong những nhân vật là thần tượng của mình – Warren Buffett, và đáp ứng sự tin cậy của anh em với mình.
Xuyên qua 750 trang sách, bằng cách viết ngắn gọn và ngôn từ phong phú, Roger Lowenstein không chỉ đã vẽ nên những hình ảnh rất thật về Warren Buffett, một người Tài giỏi mà không Xa cách, Giàu có mà không Kiêu sa, một người Kỳ dị trong đầu tư, Dung dị trong phong cách và Giản dị trong cuộc sống mà qua đó còn giúp cho người đọc hiểu hơn về nền kinh tế tư bản của Hoa Kỳ với xương sống để vận hành là các hoạt động và thị trường tài chính.
Quyển sách này dễ đọc ở lối hành văn và lời dịch, mặc dù chuyển ngữ luôn có những giới hạn nhất định. Theo tôi, sách cần thiết không chỉ cho những người đang làm quen và dấn thân vào thị trường chứng khoán, mà hơn nữa cho các doanh gia nghiệp chủ cần có khả năng tổng hợp và phân tích tài chính, cần có cách tư duy chiến lược và cả cho những người không làm trong lĩnh vực kinh doanh hiểu hơn về kinh doanh và con người làm kinh doanh chân chính. Tôi đặc biệt đánh giá tốt đến thần tượng Buffett không phải ở kết quả, hiệu quả việc kinh doanh mà đặc biệt là về nhân cách của nhà hiền triết của Omaha, phù thủy về đầu tư chứng khoán và một nhà từ thiện vĩ đại ẩn danh Warren Buffett.
Có thể thấy chính nền kinh tế và xã hội Mỹ đã là cái nôi tốt để người xuất chúng như Warren Buffett ra đời và phát triển, dù thế nào, giữa bộn bề số đông chạy theo các giá trị ngắn hạn và chỉ lướt sóng kiếm lời trên sàn chứng khoán thì Buffett thực sự là một trường hợp rất cá biệt. Câu chuyện cổ tích về ông trong đầu tư chứng khoán và sự thành công lớn, chắc chắn, ổn định và vững bền của Buffett đã tạo hứng khởi cho nhiều nhà sản xuất hay những người không được giàu từ trong trứng thêm vững niềm tin. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ bằng cách lựa chọn đúng các cổ phiếu để đầu tư, Buffett đã tích lũy và ông ở vào số ít người có tài sản đồ sộ nhất thế giới trong thế kỷ XX, cũng có người bảo là may mắn thôi, nhưng với tôi may mắn là từ của người thành công khiêm tốn và là lý do ngụy biện của kẻ không thành công, ở trường hợp của Buffett nếu xem xét kỹ thì quãng thời gian kéo dài đến năm thập kỷ mà mức lợi nhuận rất ấn tượng (gần gấp ba mức trung bình), hơn thế nữa lại có tính ổn định cao, ít rủi ro và chưa có thua lỗ nặng nề, điều mà các nhà đầu tư khác luôn mơ ước và các học giả luôn cho rằng không thể đạt được kể cả khi may mắn, chắc cũng đủ để nói may mắn là điều không dễ dàng có với trường hợp của ông.
Điều tôi đặc biệt ấn tượng là câu chuyện thuở thiếu thời của Buffett, từ việc ông bắt đầu “tập kiếm tiền” bằng cách bán 5 lon Coca-cola với giá 6 xu / lon khi mua 5 xu /lon lúc ông mới chỉ lên 6 tuổi, rồi ngay cả trong lúc ốm rất nặng, ông vẫn say mê ghi những con số thể hiện cho ước mơ làm giàu của mình để nói với các cô y tá, không chỉ vậy, ông thực hiện cả việc hùn hạp để bán nước chanh ở nhà người bạn thân Rusell, rồi qua các trò chơi với các nắp chai và con số để không chỉ rèn luyện và làm giàu trí tuệ mà cả việc hiểu được thị trường và làm quen với tư duy kinh doanh qua việc hiểu thị phần và sự phát triển của các thương hiệu. Không chỉ vậy điều đáng trân trọng ở Buffett là tính kiên định mục tiêu và kiên trì hành động không chỉ ở công việc mà cả trong tình yêu, theo tôi đây mới chính là những điều cần chú ý học hỏi nhất. Một trong những việc mà quỹ đầu tư của Buffett quan tâm và thường làm là “Tái bảo hiểm”, trong khi mọi người đổ xô đi săn bắn cơ hội thì ông rất kiên trì nuôi trồng việc kinh doanh của mình. Một lần nữa, câu chuyện này cùng các câu chuyện về cuộc đời và lời khuyên của các vĩ nhân khác khẳng định điều tôi luôn vững tin đó là work hard – làm việc cần cù theo mục tiêu tốt đẹp và positive thinking – suy nghĩ tích cực là cách tốt nhất để có thể work smart – làm việc thông minh và trở thành người thành công.
Hình ảnh của Warren Buffett càng lung linh hấp dẫn hơn vì dù ngay ở một quốc gia có tính chính trị rất cao trong mối quan hệ xã hội như Mỹ quốc, thì ông vẫn rất bình dị và chính trực trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, ông có sức hút lớn khiến nhiều người Mỹ tin và nghe theo từ những câu nói hóm hỉnh và sâu sắc đầy khí chất rất đàn ông có vẻ cổ điển của ông. Qua diễn giải của mình, Buffett biến những vấn đề phức tạp với số đông trở nên đơn giản dễ hiểu, ông có thể hài hước hóa các câu chuyện nặng nề với những quan hệ nghiêm túc như ông từng phát biểu “chính các chủ nhà băng mới là những người nên đeo mặt nạ” hay ông nói với một người bạn vừa nhận được công việc trong ngành tài chính rằng “đi theo làn đường chính trên Phố Wall, anh sẽ không phải gặp nhiều xe cộ đâu.”, “tôi chưa bao giờ gặp được ai có thể tiên đoán được thị trường” hay “nếu nghe lời của một chủ ngân hàng đầu tư về việc có nên thực hiện một thương vụ nào đó hay không bởi nó giống như là hỏi người thợ cắt tóc xem mình có nên cắt tóc hay không”. Tính kỷ luật và nghiêm túc với chính mình của Warren Buffett đã giúp ông thành công và hiển nhiên là một tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.
Tài năng của ông bắt nguồn từ sự độc lập trong tư duy và khả năng tập trung cao độ vào công việc mà không cần quan tâm đến thế giới, ông đi ra từ gia đình bình thường ở một vùng khốn khó của nước Mỹ. Bằng cách sống của mình, ông làm cho người ta cảm được Buffett “cao” mà không “xa”, có “tầm” ảnh hưởng lớn mà vẫn rất đời “thường”. Nhiều người tôn sùng ông và tin theo lời ông, ngay cả dân tài chính ngân hàng chuyên nghiệp phố Wall cũng mê Warren như điếu đổ và nâng niu từng bài phân tích tài chính, chen chỗ để lắng nghe cách ông bình luận và đầu tư, phải chăng cũng từ nhân cách như vậy?
Dù ở vị trí nào, tuổi nào và giàu thế nào, Buffett vẫn làm hết tất cả các ngày trong tuần và làm việc đến hơn 14h/ngày, thật phi thường! Có thể sẽ có người bảo rằng Buffett quá máy móc, nhưng thật ra ông quá tập trung, tập trung cao độ vào mục tiêu công việc và mục đích cuộc sống đến mức dễ quên những điều bình thường mà nhiều người khác vẫn phải nặng lòng, phân tâm. Đọc về ông, bạn sẽ hiểu hơn vì sao một con người có năng lực thuyết giáo phi thường mà lại rất kín đáo, một con người nhiệt huyết vô cùng mà lại rất điềm tĩnh, một con người khi phân tích đầu tư tính đến cả những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là người hào phóng làm từ thiện với lời nguyện hiến dâng hầu hết tài sản của mình mà không đòi hỏi – thậm chí cấm – người khác đặt tên mình vào các chương trình hay công trình từ thiện. Ông, hình tượng của thành công như nhiều người vĩ đại, luôn là người kết hợp nhuần nhuyễn các khái niệm tưởng như trái nghịch nhau.
Làm thế nào để hiểu hơn về cuộc đời và con đường thành công của một người có nhiều đặc điểm và đức tính như trên đã từ một em bé bán mấy lon Coca-cola giá 6 xu để thành một trong ba nhân vật có tài sản được công bố giàu trong hàng TOP3 của thế giới với sự kiên định đầu tư? Chắc hẳn như không muốn biết tỷ số trước khi xem trận đấu, tin rằng các bạn sẽ cho phép tôi dừng phần giới thiệu ở đây, để chính bạn là người khám phá những điều thú vị về nhân vật kiệt xuất này trong những trang sách của Alpha Books.
Chúc bạn sẽ đọc được thêm một cuốn sách hay và tin rằng cuốn sách này sẽ làm giàu thêm kho thông tin phong phú và phát triển hơn những kiến thức bổ ích cho cuộc sống của bạn!
Sài Gòn, ngày giỗ tổ Hùng Vương,
LÝ TRƯỜNG CHIẾN - Chuyên gia kinh tế cao cấp, tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược & phát triển nguồn lực
***
Trong lịch sử đầu tư trên thị trường chứng khoán, Warren Buffett là một trường hợp rất cá biệt. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chỉ bằng cách lựa chọn đúng các cổ phiếu để đầu tư, Buffett đã tích luỹ được một gia tài vào loại đồ sộ nhất trong thế kỷ XX. Trong quãng thời gian kéo dài bốn thập kỷ – quá đủ để loại trừ yếu tố may mắn – Buffett đã chứng tỏ mình là một nhà đầu tư xuất chúng, đạt được mức lợi nhuận ấn tượng mà không hề phải đối mặt với một rủi ro lớn hay một năm thua lỗ nặng nề nào. Đây là thành tích mà từ lâu các chuyên gia, học giả và cả những tay buôn lão luyện trên Phố Wall đã cho là không thể nào đạt được. Bằng những bước đi vững chắc cùng với những phẩm chất vượt trội, Buffett đã tạo ra khối tài sản với giá trị không tưởng là hơn 15 tỷ đô-la.
Từ thời Eisenhower cho đến Bill Clinton, từ những năm 1950 cho đến những năm 1990, từ thời chiến tranh Việt Nam cho đến thời người ta đua nhau lao vào những cổ phiếu có độ rủi ro cao để đổi lấy lãi suất lớn và cho đến cả kỷ nguyên mới của công nghệ thông tin, lúc nào cũng vậy, dù thị trường có đang bùng nổ hay rơi vào cảnh ảm đạm, dù nền kinh tế có đang vận hành trơn tru hay đang lâm vào khủng hoảng thì Buffett vẫn kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong những năm tháng đầu tiên của nước Mỹ thời hậu chiến, trong khi những cổ phiếu lớn trên thị trường chỉ tăng khoảng 11% giá trị mỗi năm, thì Buffett đạt được mức lợi nhuận gộp hàng năm 29,2%.
Thành tựu của ông còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn nữa bởi nó chính là sản phẩm của phương pháp đầu tư dài hạn theo lối cổ điển. Các tay buôn cổ phiếu hiện đại trên Phố Wall trở nên giàu có bằng cách điều khiển dòng tiền của dân chúng: mẹo của họ là chọn đúng thời điểm để mua vào – rồi bán ra – các cổ phiếu niêm yết trên sàn. Buffett tránh không đầu tư theo kiểu này, cũng như tránh không vướng vào những trò lừa đảo vô đạo đức vốn vẫn rất phổ biến trên Phố Wall. Thay vào đó, ông tìm về với chân lý của chủ nghĩa tư bản thuần túy – một trò chơi “máu lạnh” nhưng cũng rất công bằng cho tất cả mọi người.
Điều đáng nói là những nhà đầu tư khác trên thị trường, nếu kiên trì làm theo Buffett thì cũng sẽ trở nên giàu có và đạt được chính xác mức lợi nhuận mà ông kiếm được. Những con số sẽ làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Nếu ai đó đầu tư khoản tiền 10.000 đô-la vào các cổ phiếu giống như Buffet đã làm lúc ông bắt đầu sự nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp đại học tại Omaha vào năm 1956, và sau đó vẫn tiếp tục đầu tư giống như ông thì anh ta sẽ có được tài sản trị giá 125 triệu đô-la vào cuối năm 1995.
Tuy nhiên, chỉ những con số không thôi thì chưa thể nói lên được hết tầm ảnh hưởng sâu sắc mà Buffett đã tạo ra trên Phố Wall. Mỗi năm một lần, các nhà đầu tư cũng như những người theo đuổi các phương pháp đầu tư của ông đổ xô về Omaha như những tín đồ hành hương về nơi thánh địa để nghe ông phân tích những khía cạnh phức tạp của đầu tư, kinh doanh và tài chính. Những buổi thuyết trình của ông đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ, giống như các buổi biểu diễn của Elvis Presley hay sự phổ biến trở lại của các niềm tin và nghi thức tôn giáo. Những tín đồ tài chính đến Omaha, nâng niu những bài viết của Buffett như thể đó là Kinh thánh và trích dẫn lời nói của ông như thể đó là lời của Chúa Jesus.
Khả năng bẩm sinh luôn nhận ra những chân lý cơ bản và hết sức giản đơn trong mọi vấn đề đã khiến ông luôn trở thành trung tâm của mọi sự chú ý ngay từ khi còn rất trẻ. Trước những dòng người đổ xô đến Omaha hàng năm, thậm chí trước cả khi ông thành công và trở nên nổi tiếng, người ta đã thấy trong các bữa tiệc của một trường đại học có một chàng sinh viên trẻ tuổi với khuôn mặt thơ ngây và đôi mắt sáng, đứng trong góc phòng, cao giọng diễn thuyết trong khi đám bạn bè lớn tuổi hơn tụ tập xung quanh và lắng nghe. Vài năm sau đó, khi những người bạn này của cậu bắt đầu cùng nhau khởi nghiệp trên Phố Wall, mọi chuyện vẫn diễn ra y như thế. Buffett, người trẻ nhất trong nhóm, vẫn ngồi lọt thỏm trong một chiếc ghế bành to, nói chuyện về tài chính trong khi những người khác ngồi quây xung quanh, chăm chú nuốt từng lời.
Tại Phố Wall, cách đơn giản hóa mọi vấn đề của Buffet khiến ông được công chúng vô cùng yêu mến. Mặc dù tài chính là chủ đề vô cùng phức tạp nhưng ông lại có thể giải thích nó một cách dễ hiểu, như thể một người làm nghề thu ngân tại cửa hàng tạp hóa đang bàn luận về thời tiết. Ông không bao giờ quên rằng đằng sau bất kỳ một cổ phiếu hay trái phiếu công ty nào, dù có khó nắm bắt đến đâu chăng nữa, vẫn luôn tồn tại một doanh nghiệp bình thường, hữu hình. Đằng sau những từ ngữ chuyên môn khó hiểu của Phố Wall, ông dường như đã khám phá ra những chân lý rất giản đơn – đó vốn vẫn là phần cơ bản trong tính cách Mỹ.
Có một điều thật lạ lùng mà cũng thật trớ trêu là càng nhiều người Mỹ quan tâm đến đầu tư, Phố Wall càng trở nên phức tạp, khó hiểu, bí ẩn và khốc liệt hơn bao giờ hết. Khi Buffett chào đời, giữa cuộc Đại Suy thoái, một số ít ỏi những người Mỹ đang có một số vốn đầu tư đều cảm thấy mình đủ khả năng kiểm soát chúng. Họ làm được điều này bằng cách đầu tư vào những cổ phiếu blue-chip và trái phiếu loại AAA. Và mặc dù Cuộc Đại Suy thoái 1929-1939 đã phủ lên toàn thị trường đám mây đen tối, nhưng sự thịnh vượng thời hậu chiến đã ngăn chặn bớt tác động của nó. Ngược lại, ngày nay có hàng chục triệu người nắm trong tay những khoản vốn cả lớn lẫn nhỏ, thế nhưng chỉ rất ít người trong số đó là cảm thấy an tâm khi quản lý chúng, số người có được sự tự tin như xưa lại càng ít ỏi hơn nữa. Cách tốt nhất họ có thể làm là lục lọi tin tức trên các tờ báo tài chính mỗi ngày, cứ như thể việc xem xét các số liệu về nhà ở và lạm phát có thể cho họ câu trả lời mà họ vẫn chờ đợi từ lâu. Còn tệ nhất thì họ mua vào và bán ra các chứng chỉ quỹ một cách nóng vội tới mức có thể khiến cho ông cha họ, nếu có sống lại, cũng phải vô cùng choáng váng.
Trong một thời đại phức tạp như vậy, Buffet đã tỏa sáng nhờ vào các phương pháp đầu tư có tính ứng dụng cao của mình. Bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể bắt chước được hầu như tất cả những gì ông làm (đó là lý do tại sao rất nhiều người đổ xô đến Omaha). Sự xuất sắc mà Buffett có được phần lớn là nhờ những đức tính tuyệt vời của ông – kiên nhẫn, có nguyên tắc và duy lí. Đó thực ra là những phẩm chất rất bình thường và cần thiết cho bất kỳ ai muốn thử sức trên thị trường chứng khoán, song lại trở nên quá hiếm hoi trước sức mạnh của khát vọng làm giàu. Chính bởi vậy mà tính cách và sự nghiệp của Buffett được xem như là một sự hướng dẫn về đầu tư và kinh doanh cho công chúng ở nước Mỹ. Buffett nhận thức được vai trò của mình từ rất sớm và ông đã tập cho mình một thói quen kỳ lạ là ghi chép lại các quyết định đầu tư của mình như thể ghi lại nhật ký cuộc đời vậy.
Là một nhà đầu tư, Buffett tránh không sử dụng các đòn bẩy tài chính, các hợp đồng mua bán giao sau, các kiểu đầu tư mạo hiểm, các phương pháp phân tích danh mục đầu tư hiện đại và tất cả các chiến lược trừu tượng khác do các học giả đưa ra. Khác với một nhà quản lý danh mục đầu tư hiện đại vốn mang lối tư duy của người chỉ buôn bán cổ phiếu đơn thuần, Buffett đánh cược tài sản của mình vào sự tăng trưởng dài hạn của một vài công ty đã được chọn lựa kỹ càng. Nhờ thế mà ông dường như mang trong mình sức hấp dẫn của thời đại cũ, giống như là J.P. Morgan của thời hiện đại vậy.
Nhưng ngài Morgan nhã nhặn và kín đáo đã thuộc về thời xưa cũ; Buffett, con người thẳng thắn đôi khi đến khiếm nhã đến từ miền Trung Tây, lại hoàn toàn tương phản. Ông nổi tiếng nhờ câu châm biếm rằng “chính các chủ nhà băng mới là những người nên đeo mặt nạ” hoặc như ông nói với một người bạn vừa nhận được công việc trong ngành tài chính rằng “đi theo làn đường chính trên Phố Wall, anh sẽ không phải gặp nhiều xe cộ đâu.” Đã có lần ông viết rằng ông sẽ không bao giờ nghe lời của một chủ ngân hàng đầu tư về việc có nên thực hiện một thương vụ nào đó hay không bởi nó giống như là hỏi người thợ cắt tóc xem mình có nên cắt tóc hay không. Sự hóm hỉnh pha lẫn châm biếm này khiến ông trở thành hình mẫu của một điều gì đó lớn lao và cơ bản hơn nhiều. Đó là mong muốn sâu xa của người Mỹ về những người anh hùng đích thực.
Đó là câu chuyện về ước mơ muôn thuở của nước Mỹ: có một con người bình thường chính trực xuất thân từ miền Trung Tây hay miền Tây, đứng ra đương đầu với những người miền Đông dễ bị mua chuộc – những nhà chính trị, chủ ngân hàng, doanh nhân hoặc tương tự. Đó có lẽ là cái giá phải trả cho một đất nước đa sắc tộc. Và câu chuyện này còn lưu truyền như một vật kỷ niệm của những người Mỹ trong sáng và thuần khiết của thời xa xưa đã mãi mãi ra đi. Cứ để cho châu Âu tôn sùng hoàng tử của riêng mình; mẫu người Mỹ lý tưởng luôn luôn là một con người bình thường xuất thân từ miền Trung của đất nước và đạt được thành công nhờ chính bàn tay và khối óc của mình – một Lincoln, một Twain, một Will Rogers. Và trong cái thời đại tạm thời chưa xuất hiện anh hùng của Buffett thì đây cũng chính là điều mà những người ngưỡng mộ ông muốn tìm kiếm ở Omaha.
Nhưng như Jack Newfield viết cho Robert Kennedy, Buffett không phải anh hùng mà là một tia hy vọng; không phải một huyền thoại, mà chỉ là một con người bình thường. Mặc dù rất thông minh, ông lại có rất nhiều nhược điểm. Khi đến Paris, ông không hề hứng thú với việc ngắm cảnh và cho rằng thức ăn của Omaha còn ngon hơn ở đó nhiều. Tài năng của ông bắt nguồn từ sự độc lập trong tư duy và khả năng tập trung cao độ vào công việc mà không cần quan tâm đến thế giới, nhưng những đức tính này cũng tạo ra rất nhiều khiếm khuyết trong con người ông. Một lần nọ, khi Buffett đến thăm nhà xuất bản của Katharine Graham tại Martha’s Vineyard, một người bạn đường có bình luận về vẻ đẹp của buổi hoàng hôn, Buffett đã đáp rằng mình không để ý đến điều đó, cứ như thể ông cần phải chủ tâm tập trung trí óc của mình ở một mức độ nào đó thì mới thấy được vẻ đẹp của một buổi hoàng hôn. Thậm chí ngay tại ngôi nhà để nghỉ ngơi sát biển của mình tại California, Buffett cũng làm việc tất cả các ngày trong tuần mà hiếm khi bước chân ra đến bờ biển.
Cũng giống như quy luật vẫn thường thấy ở những nhân vật phi thường khác, Buffet đã phải trả một cái giá khá đắt cho tài năng của mình. Lớn lên trong một gia đình không thực sự đầm ấm, ông luôn giấu mình trong một “pháo đài” cảm xúc. Một số ít người làm chung văn phòng còn không biết gì về con người nội tâm của ông, kể cả sau hàng chục năm. Thậm chí ngay cả những người con của ông cũng hiếm khi nhớ được một lần ông lột bỏ cái vỏ điềm tĩnh bên ngoài của mình và biểu lộ chút cảm xúc.
Mặc dù có tính cách của một người có khả năng thuyết giáo nhưng Buffet lại là người kín đáo vô cùng. Peter Lynch, phù thủy của các quỹ đầu tư tín thác, trong một lần viếng thăm ông vào những năm 1980 đã bị bất ngờ trước sự tĩnh lặng nơi phòng làm việc riêng của ông. Ở đó, các tài liệu lưu trữ được xếp ngăn nắp theo thứ tự trong những tủ hồ sơ bằng kim loại, trông cứ thể chúng thuộc về một thời đại nào xa xôi lắm. Ông không hề có hàng đám nhân viên môi giới hay hàng dãy màn hình điện tử giống như Lynch. Trên bàn của Buffett không có các biểu đồ giá, không có cả máy tính – chỉ có một bài báo được cắt ra từ năm 1929 và một chiếc đồng hồ cổ nhỏ bên dưới một cái lồng chụp bằng thuỷ tinh. Chúng là nhân chứng lịch sử duy nhất của các quyết định mua bán mà ông đã thực hiện. Trong khi Lynch bán ngay những cổ phiếu thua lỗ chỉ trong vài tuần lễ thì Buffett sở hữu hầu như cùng một vài loại cổ phiếu hết năm này đến năm khác. Lynch đã cảm thấy vô cùng choáng váng, như thể ông đang đi ngược thời gian vậy.
Vật dụng hiện đại duy nhất mà Buffett sở hữu là một chiếc máy bay phản lực riêng. Ngoài ra, ông không cảm thấy hứng thú với việc tiêu xài số tài sản khổng lồ của mình. Ông không sở hữu các bộ sưu tập nghệ thuật hay những chiếc xe thời thượng, và ông chưa bao giờ quên hương vị của chiếc bánh mỳ kẹp hamburger. Ông sống trong một ngôi nhà bình thường, nơi con đường rợp bóng cây ngay gần chỗ làm việc. Đam mê lớn nhất của ông – và cũng là niềm vui duy nhất – chính là công việc, hoặc như cách ông gọi nó là nơi trú ẩn của ông. Chính tại đây ông đã khám phá ra những bí mật trong đầu tư chứng khoán cũng như để lại bức chân dung tự hoạ của chính mình.
Mời các bạn đón đọc Warren Buffett - Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ của tác giả Roger Lowenstein.