Không lâu trước đây, bằng đại học được coi là tấm vé để đảm bảo cho chúng ta tìm được công việc ổn định ngay sau khi ra trường, tiếp đó là một sự nghiệp thành công. Những mối lo âu của các bậc phụ huynh và sinh viên chủ yếu bị hạn chế bởi những vấn đề khác như: làm thế nào để được nhận vào trường, tìm cách trả học phí, chọn đúng ngành học, v.v..
Hiếm khi sinh viên quan tâm đến việc môi trường đại học có thể không cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống sót trong thế giới công sở. Tấm bằng đại học là yếu tố để những nhà tuyển dụng lao động dễ dàng nhận biết tiềm năng và kỷ luật của ứng viên - những tín hiệu mà sức mạnh của nó tỷ lệ thuận với danh tiếng của ngôi trường được ghi trên bản tóm tắt lý lịch.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều tạp âm xuất hiện làm nhiễu tín hiệu đó. Việc ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân khiến các nhà tuyển dụng ngày càng ít tin tưởng rằng đây là kim chỉ nam cho sự sẵn sàng làm việc. Kết quả là một sinh viên năm cuối đại học không còn có định hướng sự nghiệp rõ ràng như những thế hệ trước kia.
Rất dễ để đổ lỗi cho sự phục hồi kinh tế không mấy sáng sủa trên thế giới trong những năm qua khiến cho sinh viên phải cạnh tranh khốc liệt để tìm được một công việc ưng ý. Tuy nhiên, hoàn cảnh của những người trẻ ngày nay không bị hạn chế bởi một thời điểm duy nhất của chu kỳ kinh tế, mà đó là kết quả của sự chuyển đổi dài hạn trong lực lượng lao động toàn cầu, điều đang gây ra ảnh hưởng to lớn đối với những thanh niên ở độ tuổi 20 còn thiếu kinh nghiệm làm việc.
Thời gian gần đây, tình trạng thất nghiệp của thế hệ trẻ đã tăng lên mức độ chưa từng có trong bốn thập kỷ qua, với tỷ lệ đáng báo động 9% trong lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học dưới 25 tuổi. Với những sinh viên tìm được việc, mức lương trung bình với tấm bằng cử nhân đã giảm 10% trong những năm đầu của thế kỷ này.
Đáng lo ngại hơn cả là việc gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được công việc xứng đáng, có nghĩa là những công việc của họ thường không yêu cầu bằng cử nhân. “Giờ đây, việc có được tấm bằng đại học mang lại ít cơ hội kiếm được những công việc quản lý hoặc liên quan đến công nghệ với mức lương cao, nhưng lại mang đến nhiều cơ hội đánh bại những người lao động có học vấn thấp khi xin các công việc như pha chế, hành chính văn phòng.” là kết luận từ một báo cáo của ba nhà kinh tế học nổi tiếng năm 2014. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng những lao động có học thức ở tầm đại học đã giảm dần vì cuộc cách mạng công nghệ ngày càng hoàn thiện. Nói cách khác, hiện tượng những sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc ở Starbucks, nhà hàng hay quán bia giờ không phải hiếm nữa. Và điều đó cho thấy rằng tình trạng này có thể là một sự bình thường mới: một tấm bằng đại học là cần thiết để tìm được bất kỳ công việc nào, chứ không chỉ là một công việc lương cao và đòi hỏi kỹ năng nhiều nữa.
Vào năm 2013, không lâu sau khi tôi xuất bản cuốn sách viết về tương lai của giáo dục bậc cao có tên là College (Un) bound (tạm dịch: Đại học (không) hạn chế), tôi đã gặp nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và đang bỡ ngỡ với sự nghiệp của mình. Khi tôi đi đến các nơi để nói chuyện về viễn cảnh đại học trong tương lai, không ít sinh viên đã kể cho tôi nghe về việc họ đã chuyển từ chương trình thực tập này sang chương trình thực tập khác mà không tìm được công việc toàn thời gian như thế nào. Những bậc phụ huynh hỏi tôi rằng con cái họ – những người đã tốt nghiệp đại học mà không tìm được một công việc toàn thời gian – đã làm gì sai. Những chuyên viên tư vấn giáo dục phân vân rằng liệu họ nên đưa cho sinh viên của mình những lời khuyên gì về việc học đại học.
Ai cũng muốn biết liệu có con đường nào khác dẫn đến một cuộc sống thành công hay không, ngoài con đường mà hầu hết các thanh thiếu niên được gợi ý: Tốt nghiệp trung học, đi học đại học và tìm một công việc. Nếu trường đại học đang trải qua vô số thay đổi lớn lao, vậy thế hệ trẻ có thể đi theo những con đường mới nào để chuẩn bị cho sự nghiệp và tìm được những công việc quan trọng đầu tiên trong cuộc đời?
Trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay, tôi đã thực hiện một hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Người trẻ phải làm gì để định vị con đường từ trung học đến đại học và bước vào nền kinh tế ngày càng nhiều nguy cơ? Họ cần có những kinh nghiệm nào để thành công trong thị trường lao động? Những kỹ năng nào được chứng tỏ là hữu ích nhất? Và quan trọng nhất: Tại sao có những người thành công trong khi người khác khác lại không?
Để tìm kiếm câu trả lời, tôi đã tham gia một chuyến đi bằng tàu hỏa với 24 sinh viên mới tốt nghiệp đại học, những người đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy.
Mặt trời giữa tháng 8 đang lặn dần khi chuyến tàu Amtrak’s Capitol Limited bắt đầu khởi hành từ ga Chicago’s Union. Trong vòng vài phút, chuyến tàu hướng về phía Đông đã đi qua hầu hết những kho xưởng được rào kín của Gary, Indiana. Ở phía sau con tàu, tại toa ăn với mái vòm bằng kính kiểu thập niên 1950 kêu lọc xọc, tôi đang ngồi cùng một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đại học, chìm đắm trong khung cảnh hoàng hôn cuối ngày.
“Đây là trụ sở của Tổng công ty Thép Mỹ! Nhà máy thép lớn nhất thế giới trước đây.” Ai đó ở cuối khoang hô to.
Một vài hành khách ngước lên nhìn di tích còn lại từ thế hệ ông bà họ, những người đã làm việc khi nền kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào các nhà máy và khi con đường sự nghiệp vẫn còn đơn giản: tốt nghiệp trung học hoặc đại học; tìm được một công việc với những cơ hội thăng tiến, các chương trình đào tạo và chế độ lương hưu; làm việc trong 30 năm và nghỉ hưu.
Nhóm sinh viên mà tôi đi cùng, hầu hết sinh ra vào cuối những năm 1980, là một phần của lực lượng lao động phức tạp và phân tán hơn với nhiều con đường chồng chéo lên nhau. Trong khi ông bà và thậm chí là cha mẹ họ sở hữu những tấm bản đồ với các cột mốc rõ ràng cho con đường sự nghiệp của mình, thì thế hệ này lại đối mặt với đại dương vô định khi phải tự vẽ hải đồ cho hơn 30 năm tiếp theo trong cuộc đời mình.
Đây là ngày thứ tám của dự án Millennial Trains Project (Những chuyến tàu của thanh niên thế kỷ XXI), một chuyến đi bằng tàu hỏa xuyên đất nước cho 24 thanh niên ở độ tuổi ngoài 20, mỗi người sẽ phải thuyết trình một dự án thực tế và khả thi trong hành trình từ San Francisco đến Washington D.C. Tại những điểm dừng chân vào ban ngày trong suốt chặng đường - Denver, Omaha, Chicago, họ tiến hành các nghiên cứu tại cộng đồng địa phương. Vào ban đêm, họ sẽ tham gia những buổi trò chuyện cùng các diễn giả khách mời.
Hãy nghĩ về nó như một tuần học đại học đầy căng thẳng, hầu như không ngủ nhưng rất thú vị của một nhóm người trẻ đang cố gắng tìm hiểu xem họ muốn sống cuộc sống như thế nào.
Khi màn đêm dần buông trên những nông trại vùng Indiana và bữa tối được bày ra, Cameron Hardesty và Jessica Straus đi qua chỗ tôi ngồi để vào trong khoang tàu chật hẹp. Đôi bạn 26 tuổi, thích kể chuyện phiếm này nói với tôi rằng họ đã tốt nghiệp từ năm 2007 với ngành ngôn ngữ Anh của Cao đẳng Davidson, ngôi trường giáo dục đại cương được đánh giá cao nằm ở phía Bắc thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina.
Davidson là một ngôi trường nhỏ tự lấy làm kiêu hãnh vì có thể cung cấp cho sinh viên kỹ năng đại cương, nhưng đó không phải là nơi đào tạo những kỹ năng chuyên môn. Ví dụ, bạn không thể học chuyên sâu về lĩnh vực quản lý thể thao, vật lý trị liệu hay thiết kế trò chơi điện tử ở Davidson. Tôi đã hỏi Cameron và Jessica xem họ nghĩ gì về những trải nghiệm trước khi tốt nghiệp của mình.
“Nơi đó không hề trang bị cho tôi hành trang vào đời,” Jessica nói có phần bất mãn.
Mặc dù có những kỷ niệm đáng nhớ với Davidson vì cô ấy có cơ hội theo đuổi mơ ước của mình – học tập tại Cambridge, làm việc trong một triển lãm nghệ thuật ở Barcelona, nhưng Jessica nói rằng những khóa học không khuyến khích cô chuyển đổi những điều học được thành những kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm bây giờ. “’Ở Davidson ‘‘chỉ cần khám phá’ là đủ,” cô ấy nói.
Dĩ nhiên, sự khám phá từng là bản chất của môi trường đại học: cung cấp thông tin cho thanh niên trước ngưỡng cửa trưởng thành. Tuy nhiên ngày nay, với chi phí học đại học lên tới 240.000 đô-la cho bốn năm học tại một ngôi trường như Davidson, những sinh viên (và phụ huynh) thực sự đang tìm kiếm một bộ kỹ năng chuyên môn giúp họ tìm được công việc sau khi tốt nghiệp. Họ vẫn muốn tiếp nhận chương trình giáo dục đại cương (tư duy phê phán, kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp và lập luận phân tích…), miễn là những điều đó không đến từ bên ngoài trường học, kinh nghiệm thực hành, những chương trình thực tập cụ thể.
Sự khám phá trong trường đại học bây giờ chỉ như một phần trong toàn bộ những trải nghiệm, và phần đó đang thu hẹp lại. Một vài tháng, thậm chí là vài tuần sau khi bắt đầu đến trường, những sinh viên mới sẽ chọn một hoặc hai chuyên ngành, thêm một ngành phụ, và bắt đầu đăng ký các chương trình thực tập để tìm được công việc tốt nhất sau khi tốt nghiệp.
Tôi lên chuyến tàu của Capitol Limited để diễn thuyết về tương lai của giáo dục bậc cao. Bây giờ đã gần đến nửa đêm, và hai người ngồi cùng ghế với tôi dường như đã lấy lại năng lượng và sự hào hứng sau một khoảng thời gian mệt mỏi. Họ nhận ra họ đang ngồi cùng một nhóm người tương đối có đặc quyền. Họ được ngồi trên chuyến tàu này vì mỗi người đã gây được quỹ 5.000 đô-la – vốn được coi như một yêu cầu bắt buộc của quy trình đăng ký đầy cạnh tranh. Giống như Cameron và Jessica, nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp từ những trường đại học xuất sắc.
Họ thông minh và tham vọng, và đó là điều khiến tôi lo lắng: Nếu ngay cả những sinh viên mới tốt nghiệp này cũng phải vật lộn thì những người không có nền tảng tốt thì sao?
Cuộc đối thoại của chúng tôi chuyển sang chủ đề giá trị của tấm bằng cử nhân trong thời kỳ mà tất cả những người họ biết đều có. Cameron và Jessica kể cho tôi về người bạn đang làm công việc tay trái là trợ lý cao cấp tại thành phố New York.
“Bằng đại học bây giờ đang phổ biến như bằng tốt nghiệp trung học,” Cameron đánh giá.
Cô ấy là một phần của thế hệ đi theo con đường mà họ được khuyên là “dẫn đến công việc và sự nghiệp vững chắc”. Họ vượt qua tất cả những thử thách cần thiết: thể hiện xuất sắc trong lớp dự bị đại học ở trường trung học, đạt được điểm cao trong kỳ thi SAT, và quan trọng nhất: chiến thắng sự may rủi của kỳ thi tuyển để được vào ngôi trường mong muốn. Sau khi được vào đó, họ tiếp tục đánh bóng lý lịch cá nhân bằng những điều mà họ cho rằng là điểm sáng đúng đắn: bằng kép, nhiều chương trình thực tập và một loạt các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, họ cũng là thế hệ được nuôi dưỡng bởi các bậc phụ huynh luôn quan tâm sâu sắc đến những sự việc và trải nghiệm của con mình, những người lên lịch trình đến từng phút cho mọi khoảng thời gian rảnh của con. Rồi họ bước vào trường đại học với một đội ngũ chuyên gia tư vấn về mọi mặt, từ việc chọn những lớp học giúp họ tốt nghiệp đúng kỳ cho đến việc thương lượng các vấn đề với bạn cùng phòng.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà tuyển dụng phàn nàn rằng những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây không có khả năng tự đưa ra quyết định trong công việc. Với rất nhiều người ở độ tuổi 20, cuộc đời khi đó giống như một ván cờ, mục đích là họ sẽ nhanh chóng kết thúc trò chơi và chơi được càng nhiều ván càng tốt.
Tất nhiên, chỉ có một số ít giải thưởng lớn sẵn có. Hầu hết những người ở độ tuổi 201 không tìm được công việc mơ ước sau khi tốt nghiệp. Nhiều người vẫn đang trong tình trạng lênh đênh và gặp phải những trở ngại trong quá trình chuyển tiếp sự nghiệp. Mới chỉ ba ngày trước, khi chuyến tàu dừng chân tại Denver, Jessica được biết rằng mình vừa bị sa thải khỏi một công ty khởi nghiệp ở New York. Cô ấy mới làm việc ở đó được bảy tháng. Giờ đây, cô ấy lại là một thành phần trong bản thống kê “Những thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi 20”.
1 Lưu ý: trong sách tác giả thường đề cập đến những người ở độ tuổi 20, ý chỉ những người trong khoảng 20-29 tuổi.
Tôi bắt đầu viết cuốn sách này vào một đêm tháng 8, khi đi từ Chicago đến Pittsburgh. Suốt những tháng tiếp theo, khi tìm kiếm dữ liệu cho cuốn sách, tôi phát hiện ra rằng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang lướt qua tuổi 20 mà không có một kế hoạch nào trong tay.
1/4 số người ở độ tuổi 20 đang làm một công việc không lương đơn giản chỉ để thể hiện rằng họ có kinh nghiệm làm việc, và chỉ 1/10 số người coi công việc hiện tại là sự nghiệp của mình. Những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây đang bắt đầu sự nghiệp của họ muộn hơn và trì hoãn những dấu mốc truyền thống của tuổi trưởng thành: hoàn thành chương trình học, rời khỏi gia đình, kết hôn và sinh con.
Kết quả khảo sát được tiến hành đối với 750 thanh niên chỉ ra rằng 2/3 trong số họ không lập tức bắt đầu bất kỳ chương trình giáo dục sau trung học nào. Đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm thời với mức lương thấp trong nền kinh tế mà những công việc tạm thời ngày càng phổ biến và các công ty có xu hướng tuyển dụng những lao động tự do ngắn hạn, nhiều người trẻ trở về nhà sau thời gian học đại học, sống trong tầng hầm ngôi nhà của cha mẹ, chấp nhận bị gọi là “thế hệ boomerang2”.
2 Tên gọi dành cho thế hệ trẻ ở các nước phương Tây, những người quay trở lại sống cùng cha mẹ họ sau một khoảng thời gian sống tự lập – như những chiếc boomerang được ném đi sẽ trở lại nơi bắt đầu.
Nếu bạn là một phụ huynh đang chờ đợi con mình tốt nghiệp đại học để không phải hỗ trợ tài chính cho chúng nữa, thì hãy suy nghĩ lại. Có thể bạn đã lớn lên trong những năm 1970 và 1980, khi những sinh viên tốt nghiệp đại học thường sẽ đạt được sự độc lập về tài chính khi bước sang tuổi 26. Ngày nay, những sinh viên tốt nghiệp đại học thường không chạm được đến dấu mốc đó cho đến sinh nhật tuổi 30.
Thế hệ thanh thiếu niên ngày nay gặp phải nhiều rào cản trên con đường hoàn thiện cuộc sống sau khi tốt nghiệp trung học và đại học, và hơn lúc nào hết, họ cần phải quản lý tiến trình dẫn đến sự nghiệp của mình.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn có một khởi đầu đúng đắn trên hành trình đó. Tuy nhiên cuốn sách này không đưa ra một con đường hay một vài vành đai cho những thanh niên ở độ tuổi 20. Cuốn sách viết về cách chúng ta thay đổi suy nghĩ về cuộc sống sau đại học, về hành trình dẫn đến một sự nghiệp thành công – một hành trình không theo đường thẳng, nhưng mang tính cá nhân và độc nhất.
Trong những chương tiếp sau đây, tôi sẽ miêu tả một chuỗi những phương thức tiếp cận để theo dõi và các chương trình để khám phá những điều sẽ giúp bạn đứng vững trên đôi chân của mình sau khi tốt nghiệp đại học.
Số liệu thống kê việc làm của những sinh viên mới tốt nghiệp thực sự đáng lo ngại (thậm chí là đáng sợ), nhưng tôi sẽ phác thảo trong chương 1 chặng đường của tuổi trưởng thành và một sự nghiệp kéo dài đến vài thập kỷ. Ngày nay, 1/3 số trẻ em được sinh ra có thể đón sinh nhật lần thứ 100 của mình. Điều đó cho thấy chúng ta ngày càng sống lâu hơn và làm việc dài hơn.
Hãy tưởng tượng tiến trình trong cuộc đời của bạn, với thời điểm sinh ra ở phía bên trái và thời điểm qua đời ở phía bên phải: những dấu mốc sự nghiệp của chúng ta chuyển dần sang bên phải – chúng ta bắt đầu muộn hơn và kết thúc muộn hơn. Sự dịch chuyển đó cho phép những người trẻ tuổi kéo dài khoảng thời gian thanh thiếu niên và tuổi 20 để khám phá những sự lựa chọn cho sự nghiệp và đầu tư vào bản thân để chuẩn bị tốt hơn cho công việc.
Có một xu hướng khá rõ ràng rằng thời kỳ tìm việc và sự nghiệp đang kéo dài hơn, nhưng thật đáng buồn là hệ thống giáo dục của thế kỷ XX lại không đồng bộ với nền kinh tế của thế kỷ XXI, vốn đòi hỏi những lao động có nhiều kiến thức và sự linh hoạt.
Trong tương lai, chúng ta sẽ không còn bắt đầu chương trình giáo dục đại học ở tuổi 18 và kết thúc ở tuổi 22 nữa. Thay vào đó, đại học sẽ là nền tảng khởi đầu cho quá trình học tập trọn đời mà chúng ta sẽ thực hiện khi cần học hỏi và đào tạo thêm để thăng tiến trong công việc hoặc thay đổi sự nghiệp. Các chương trình giáo dục sẽ thiên về hướng “đúng lúc” hơn là “chỉ một lần”. Và nó sẽ được cung cấp theo nhiều hình thức hơn – những trường đại học truyền thống như ngày nay, cũng như những đơn vị giáo dục cung cấp các khóa học ngắn hạn và dài hạn.
Việc được nhận vào một trường đại học hàng đầu rồi gia nhập thị trường lao động không còn là đủ nữa. Bạn có một vài thời điểm để phát hiện ra điều này, nhưng để định vị những con đường mới và đường nhánh trên đó, bạn cần một kế hoạch để kết nối tài năng và hứng thú của bản thân.
Để giúp bạn lập ra kế hoạch đó, trọng tâm của cuốn sách là một hướng dẫn, được cấu trúc xoay quanh những dấu mốc từ tuổi thanh thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành: con đường đến đại học, trải nghiệm trong trường đại học, và dĩ nhiên, những năm đầu tiên quan trọng sau khi tốt nghiệp.
Cuốn sách liệt kê những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng ngày nay đang tìm kiếm và mô tả biết bao nhiêu thanh thiếu niên vẫn còn đang nghỉ ngơi giữa sự chuyển tiếp vội vàng từ giai đoạn trung học sang đại học. Cuốn sách khám phá lý do vì sao vị trí của ngôi trường đại học mà bạn theo học lại ảnh hưởng nhiều đến việc tích lũy những trải nghiệm thực tế mà bạn cần để tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Cuốn sách cũng mô tả việc bắt đầu cuộc sống sau đại học và hỗ trợ sinh viên với những kỹ năng cần thiết cho công việc.
Phần cuối cùng của cuốn sách sẽ phác thảo tương lai của nghề nghiệp, các công ty sẽ tuyển dụng như thế nào, và làm sao để những sinh viên tương lai có thể chuyển đổi kinh nghiệm và kỹ năng của họ thành một câu chuyện liền mạch về sự thành công một cách tốt hơn.
Khi đang bắt đầu phần báo cáo của cuốn sách này, tôi đọc được một nghiên cứu từ Đại học Oxford, nói rằng trong tương lai, gần một nửa số công việc ở Mỹ có nguy cơ bị thay thế bởi sự tự động hóa và trí thông minh nhân tạo. Tất nhiên, lịch sử cho thấy những dự đoán đó có phần được cường điệu hóa. Câu chuyện của thế kỷ XX là xu thế tự động hóa gia tăng và những công việc tốt hơn được trả lương cao hơn. Hai nhà kinh tế học của Harvard là Claudia Goldin và Lawrence Katz phát hiện ra rằng trong cuộc đua trường kỳ giữa hai lĩnh vực giáo dục và công nghệ, công nghệ luôn giành chiến thắng.
Tuy nhiên lần này, sự việc dường như đã khác. Những người trẻ tuổi đang làm mọi điều theo định hướng của cha mẹ và các chuyên gia tư vấn, và họ vẫn thất bại khi tìm những công việc phù hợp với mình. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thanh niên ở độ tuổi 20 đang thành công trong việc lập bản đồ của riêng mình để định vị thế giới khó lường ngày nay theo một cách rất khác so với thế hệ của chúng tôi hai thập kỷ trước. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp các bạn xua tan nỗi lo lắng về cuộc sống sau đại học.
Mời các bạn đón đọc Những Ngã Rẽ Nghề Nghiệp của tác giả Jeffrey J. Selingo.