Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nguyên Tắc 50 - Không Sợ Hãi

Sợ hãi là một trong những cảm xúc nguyên thủy nhất mà mỗi người cảm nhận được ngay từ lúc chào đời. Không ai thoát khỏi quy luật chung này. Vì vậy, vượt qua sợ hãi, với tất cả hình thức cung bậc đa dạng của nó, không phải là điều tự nhiên đến mà là kết quả của một quá trình nỗ lực kiên trì, có ý thức, có phương pháp. Robert Greene đã trình bày trong cuốn sách của mình, thông qua 10 chương sách, 10 chiến lược hành động khác nhau để vượt qua những khía cạnh khác nhau của cảm giác sợ hãi. Những gì được viết ra trong cuốn sách không phải là điều gì mới lạ do tác giả phát minh ra, mà đơn thuần chỉ là sự tổng kết có hệ thống những phương cách mà nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thuộc mọi lĩnh vực - từ chính trị, quân sự đến kinh doanh, từ thể thao đỉnh cao đến nghiên cứu khoa học – đã áp dụng thành công để vượt qua nỗi sợ hãi của chính họ nhằm tiến tới thành công. Bên cạnh những khuôn mặt nổi tiếng trong lịch sử, Greene dẫn dắt bạn đọc theo con đường vươn lên của ca sĩ nổi tiếng 50 Cent từ một đứa trẻ lang thang bán ma túy trên đường phố trở thành ông chủ đầy quyền lực của một đế chế kinh doanh phát đạt, cũng như cách mà anh vượt qua những thử thách mới, những nỗi sợ hãi mới gặp phải trong mỗi giai đoạn của cuộc sống.

***

Tôi gặp 50 Cent lần đầu tiên vào mùa đông năm 2006. Anh rất thích cuốn sách 48 nguyên tắc quyền lực của tôi, và cũng rất hứng thú với việc hợp tác trong một dự án sách mới. Trong buổi gặp gỡ đó, chúng tôi trò chuyện về chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố, và công việc kinh doanh âm nhạc. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là chúng tôi có cách nhìn nhận rất giống nhau về thế giới, một cách nghĩ chung vượt qua những khác biệt lớn lao về nguồn gốc xuất thân của chúng tôi. Chẳng hạn, khi trò chuyện về những trò chơi quyền lực mà anh đang tự mình trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc, cả hai chúng tôi đều gạt sang bên những lời giải thích nhẹ nhàng hiền lành của người đời về cách ứng xử của họ và cố gắng xác định xem thực ra họ đang muốn hướng tới cái gì. Anh đã tạo lập cho mình lối suy nghĩ này trên những con phố đầy rẫy hiểm nguy của khu Southside Queens, nơi nó thực sự là một kỹ năng sinh tồn; còn tôi đến với lối suy nghĩ này sau khi đã đọc không ít về lịch sử và quan sát những mánh lới xảo quyệt của nhiều loại người tại Hollywood, nơi tôi từng làm việc nhiều năm. Dù thế nào đi nữa, bức phối cảnh tổng thể vẫn chẳng có gì khác biệt.

Chúng tôi kết thúc cuộc gặp gỡ hôm đó bằng một ý tưởng mở về một dự án trong tương lai. Trong khi tôi ngẫm nghĩ trong những tháng tiếp theo để tìm một đề tài triển vọng cho cuốn sách này, càng ngày tôi càng bị cuốn hút bởi ý tưởng đưa hai thế giới của chúng tôi gần lại nhau. Điều khiến tôi thích thú nhất về nước Mỹ là xã hội linh hoạt không ngừng biến đổi của nó, liên tục có những người từ dưới đáy vươn lên tới đỉnh cao và làm thay đổi nền văn hóa trong quá trình đi lên của họ. Thế nhưng ở một cấp độ khác, đây vẫn là một quốc gia sống với những cộng đồng xã hội khép kín. Những người nổi tiếng thường tụ tập lại quanh những người nổi tiếng khác; các nhà học giả, trí thức khép kín bản thân trong thế giới riêng của họ; người ta thích liên hệ với những người giống như mình. Nếu như chúng ta rời bỏ những thế giới chật hẹp này, cuộc hành trình đó thường sẽ giống như quan sát hay du lịch vào một khía cạnh khác của đời sống. Vậy nên một đề xuất có vẻ rất thú vị ở đây là hãy cố quên đi càng nhiều càng tốt sự khác biệt bề ngoài của chúng ta và hợp tác dựa trên các ý tưởng - tức là soi sáng một vài sự thật về bản chất con người vượt qua tất cả khác biệt về đẳng cấp hay sắc tộc.

Với một cái nhìn mở và mong muốn xác định xem cuốn sách này cần nói về điều gì, tôi đã trao đổi với 50 Cent trong gần hết năm 2007. Tôi gần như được phép thâm nhập hoàn toàn vào thế giới của anh. Tôi đi cùng anh tới nhiều cuộc gặp gỡ bàn chuyện kinh doanh với các nhân vật quyền thế, lặng lẽ ngồi xuống ở một góc và quan sát anh hành động. Có một hôm tôi tận mắt chứng kiến một bàn so nắm đấm ngay trong văn phòng của anh giữa hai nhân viên dưới quyền, dữ dội đến mức 50 Cent đã phải đích thân can thiệp để chấm dứt. Tôi đã quan sát một cơn khủng hoảng giả tạo mà anh đã dàn dựng nên cho giới báo chí nhằm mục đích quảng cáo cho mình. Tôi đã đi theo anh trong khi anh gặp gỡ những ngôi sao khác, những người bạn thuở thiếu thời, các nhân vật hoàng gia ở châu Âu, hay các khuôn mặt trong chính giới. Tôi từng tới thăm ngôi nhà thời thơ ấu của anh ở khu Southside Queens, trò chuyện cùng những người bạn của anh từ thời còn lang thang trên đường phố, và cảm nhận được lớn lên trong thế giới đó là như thế nào. Và càng được chứng kiến anh hành động trong tất cả những bối cảnh này nhiều hơn, tôi càng cảm thấy 50 Cent chính là một ví dụ sống động của những nhân vật lịch sử mà tôi đã đề cập trong ba cuốn sách của mình. Anh chính là một tay chơi thượng thặng trong trò chơi quyền lực, một Napoleon Bonaparte của kỷ nguyên hip-hop.

Khi viết về những nhân vật quyền uy khác nhau trong lịch sử, tôi đã xây dựng một lý thuyết cho rằng nguồn gốc thành công của họ gần như luôn luôn có thể tìm thấy ở một kỹ năng duy nhất, một phẩm chất độc nhất vô nhị nào đó khiến họ trở nên khác biệt so với những người khác. Với Napoleon đó là khả năng đáng nể của ông trong việc hấp thu một khối lượng khổng lồ các chi tiết và tổ chức, sắp xếp chúng lại trong đầu. Điều này đã cho phép ông hầu như luôn biết rõ hơn các tướng lĩnh đối phương về những gì đang diễn ra. Sau khi đã quan sát 50 Cent và trò chuyện về quá khứ của anh, tôi khẳng định rằng nguồn gốc sức mạnh của anh chính là hoàn toàn không hề biết sợ.

Phẩm chất này không thể hiện công khai qua những màn gào thét hay những chiến thuật hăm dọa một cách quá lộ liễu. Bất cứ khi nào 50 Cent làm như vậy trước công chúng đều chỉ là diễn xuất đơn thuần. Phía sau cánh gà, anh là một người lạnh lùng đầy toan tính. Sự không biết sợ của anh được thể hiện qua cả thái độ lẫn hành động. Anh đã chứng kiến và sống sót qua quá nhiều cuộc chạm trán nguy hiểm trên đường phố nên không còn cảm thấy lúng túng, dù chỉ là một chút thoáng qua, trong thế giới có tổ chức. Nếu anh không thích một thỏa thuận nào đó, anh sẽ lập tức bỏ đi ngay không buồn quan tâm đến. Nếu anh cần phải chơi rắn với một đối thủ, anh lập tức thực hiện không do dự. Anh luôn cảm thấy hoàn toàn tự tin vào chính mình. Sống trong một thế giới nơi phần lớn mọi người nói chung đều rụt rè và bảo thủ, anh luôn có lợi thế ở quyết tâm muốn làm nhiều hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và hành sự bất chấp quy tắc. Xuất thân từ một môi trường nơi anh chưa bao giờ trông đợi có thể sống quá hai mươi lăm tuổi, anh cảm thấy mình chẳng có gì để mất, và điều đó mang đến cho anh sức mạnh lớn lao.

Càng nghĩ nhiều về sức mạnh độc đáo này của anh, dường như tôi càng thấy nó đem đến cho tôi nhiều cảm hứng và ý tưởng. Tôi có thể thấy chính bản thân mình được hưởng lợi từ tấm gương của anh và vượt qua được nỗi sợ hãi của chính tôi. Tôi đi tới quyết định rằng không sợ hãi, dưới mọi hình thức đa dạng của nó, sẽ là chủ đề của cuốn sách.

Quá trình viết Nguyên tắc 50 rất đơn giản. Trong khi quan sát và trò chuyện với 50 Cent, tôi ghi nhận một số hình thái xử thế và chủ đề mà cuối cùng trở thành mười chương của cuốn sách này. Sau khi đã xác định các chủ đề, tôi thảo luận về chúng với 50 Cent, và chúng tôi cùng nhau gọt giũa, định hình chúng cụ thể hơn nữa. Chúng tôi nói về việc vượt qua nỗi sợ cái chết, về khả năng đón nhận sự hỗn loạn và thay đổi, về sự biến đổi kỳ diệu trong tâm tưởng bạn có thể tạo ra bằng cách xem bất cứ nghịch cảnh nào như một cơ hội để nắm lấy sức mạnh. Chúng tôi liên hệ những ý tưởng này với trải nghiệm của chính bản thân mình, cũng như với thế giới nói chung. Sau đó tôi phát triển những cuộc thảo luận này bằng những nghiên cứu của chính mình, kết hợp giữa ví dụ của 50 Cent với những câu chuyện về những người khác cũng từng thể hiện phẩm chất can đảm như vậy trong suốt chiều dài lịch sử.

Cuối cùng, đây là một cuốn sách về một triết lý sống cụ thể có thể được tóm lược lại như sau: những nỗi sợ hãi của bạn là một thứ nhà tù giam hãm bạn trong một ranh giới hành động chật hẹp. Càng ít sợ, bạn càng có nhiều sức mạnh hơn, và sống trọn vẹn hơn. Chúng tôi hy vọng rằng Nguyên tắc 50 sẽ là nguồn cảm hứng giúp bạn khám phá ra sức mạnh này cho chính mình.

***

Thứ đang đè nặng lên bạn chính là kẻ thù lớn nhất của mỗi con người, và đó là nỗi sợ hãi. Tôi biết một số trong các bạn sợ phải nghe sự thật - các bạn đã được nuôi dạy bằng sự sợ hãi và dối trá. Nhưng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra cho các bạn sự thật, đến khi các bạn thoát được nỗi sợ hãi đó…

MALCOLM X

DỊCH BỆNH SỢ HÃI

Nước Mỹ đã trở thành miền đất của sợ hãi - nỗi sợ hãi chẳng vì một cái gì cụ thể. Nó là một thứ gì đó trong bầu không khí mà chúng ta đã hít thở và hấp thu vào trong người. Và hậu quả dễ lây nhiễm của nó lên chúng ta đã trở thành một dịch bệnh.

Nguồn gốc rõ rệt nhất gây ra nỗi sợ hãi hiện tại của dân Mỹ đến từ giới truyền thông - công cụ mà chúng ta sử dụng ngày càng nhiều hơn với vai trò như tai mắt cho mình để nhìn thế giới rộng lớn. Giới truyền thông dội xuống đầu chúng ta những câu chuyện về các dạng tội phạm mới, về những kẻ khủng bố đang lẩn khuất giữa chúng ta, về những người nhập cư đang đe dọa lối sống của chúng ta, sự suy giảm các giá trị đạo đức, khủng hoảng kinh tế, những mối đe dọa tới sức khỏe từ những nguồn gốc tưởng như vô hại nhất, và vô số viễn cảnh khác nhau về ngày tận thế.

Nhặt riêng ra từng thứ một, những thông tin này đều là phóng đại, và thường chúng ta có thể nhận ra điều đó. Tỷ lệ tội phạm đã giảm xuống liên tục từ nhiều năm qua. Sự suy đồi đạo đức đã trở thành đề tài cho các nhà văn và nhà tư tưởng từ thời Hy Lạp cổ đại, vậy thì tại sao thời đại của chúng ta lại có gì khác biệt? Kể từ cuối những năm 1960 tới nay, đã có nhiều người Mỹ chết vì bị sét đánh, vì những vụ tai nạn xe hơi do loài hươu, hay vì dị ứng với đậu phộng, hơn vì chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trên thực tế, nếu so sánh với những mối nguy hiểm mà cha ông của họ hay những người đang sống tại những nơi khác trên trái đất phải đối mặt, hay những hy sinh mà người Mỹ phải chịu trong Thế chiến thứ II, môi trường mà người Mỹ hiện nay đang sống an toàn và ổn định hơn rất nhiều.

Thế nhưng, một cách tổng thể, chúng ta chẳng thể nào tránh khỏi nhiễm phải ít nhiều nỗi sợ hãi mà giới truyền thông trút xuống đầu mình. Không phải bản thân những bản tin đó, mà chính là giọng nói run rẩy đã thông báo chúng, cũng như những hình ảnh được nhấn mạnh và âm nhạc đầy kịch tính. Tất cả chúng trở thành một phần của bức tranh toàn cảnh và tạo ra một cảm giác hoảng hốt, có thể bùng nổ thành một tâm trạng khác trầm trọng hơn khi mối nguy hiểm thực sự xuất hiện. Thay cho hình ảnh của bản thân, chúng ta lại dần cảm thấy mình như những tạo vật yếu ớt trong một môi trường đầy đe dọa và cần được che chở.

Vấn đề đáng quan ngại là ở chỗ sự hiện diện của cảm giác sợ hãi làm méo mó đi cái nhìn về thực tế của chúng ta. Điều thực ra rất nhỏ thường có xu hướng trở nên lớn hơn nhiều trong tâm trí chúng ta, và chúng ta đưa ra quyết định dựa trên những hình ảnh méo mó này, gây nên đủ loại hậu quả không mong muốn. Cũng giống như trong tất cả các giai đoạn lịch sử trước đây, chúng ta hiện phải đối mặt với một số mối đe dọa không thể chối cãi. Ngày nay chúng ta có thể xếp mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và cuộc khủng hoảng năng lượng vào nhóm những nguy cơ lớn. Nhưng ngay cả nếu ta nhìn nhận chúng như những mối đe dọa có mức độ nguy hiểm tương đối ngang bằng, thì chủ nghĩa khủng bố vẫn luôn là điều thu hút sự quan tâm của phần lớn các nhà lãnh đạo, nhất là sau sự kiện 11-9. Vì mối đe dọa này hiển hiện một cách rõ ràng hơn, ấn tượng hơn, dễ làm người ta hoảng sợ hơn, mà nó trở nên có vẻ nguy hiểm hơn.

Do cảm xúc này, những nhà lãnh đạo đã tập trung hết tỷ đô la này tới tỷ đô la khác vào cuộc chiến chống khủng bố. Sự mất cân bằng về nguồn lực (cả về tiền bạc và con người) được dồn vào để chống lại sự sợ hãi thay vì đáp ứng nhu cầu về nguồn năng lượng thay thế đã lớn đến mức không thể hiểu nổi. Nhưng những người đang bị nỗi sợ hãi kìm kẹp lại có thứ tự ưu tiên bị bóp méo đi theo đúng cách như vậy. Và sự quan tâm chúng ta dành cho những phần tử khủng bố đã gây ra hệ quả ngoài ý muốn là không ngừng mở rộng sự hiện diện của chúng, cho chúng cơ hội để tự quảng bá, thu hút thành viên mới, và tạo ra sự hỗn loạn mà chúng tận dụng để tồn tại.

Những nỗi sợ hãi này - bị khuấy động lên bởi giới truyền thông và các nhà lãnh đạo chính trị “đã xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ xã hội của chúng ta. Những bậc làm cha làm mẹ chợt cảm thấy con cái họ thật dễ bị tổn thương trước đủ loại đe dọa cả về thể chất và tinh thần; họ bao bọc lấy con mình (những bậc cha mẹ “đi đưa về đón”), cố gắng che chở chúng khỏi mọi nguy cơ, nghịch cảnh hay bất cứ tình huống khó khăn nào có thể hình dung ra được. Nhìn chung, cái tôi của con người ta trở nên nhạy cảm hơn. Việc góp ý với người khác hay thách thức niềm tin của họ, cho dù với cách thức nhẹ nhàng nhất, cũng thường bị nhìn nhận như một hình thức công kích cá nhân, một tình huống khiến cho mọi trao đổi ý kiến lành mạnh đều hầu như bất khả thi. Chúng ta đành phải nhón chân thật khẽ khi đi qua bên cạnh người khác vì sợ sẽ làm họ phật ý.

Mời các bạn đón đọc Nguyên Tắc 50 - Không Sợ Hãi của tác giả Robert Greene & 50 Cent.