Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Suy Niệm Mỗi Ngày

Đại văn hào Nga đã dành tám năm cuối đời hoàn thành tác phẩm "Suy niệm mỗi ngày" - cuốn sách được xem là đóng góp có giá trị lâu dài nhất của ông cho nhân loại.

Cuốn sách Suy niệm mỗi ngày của Lev Tolstoy (1828-1910) vừa được phát hành ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sách được giới thiệu đến bạn đọc qua bản dịch của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa.

Lev Tolstoy vốn nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, trong đó có hai bộ đại tiểu thuyết là Chiến tranh và hòa bìnhAnna Karenina. Nhưng Suy niệm mỗi ngày mới là cuốn sách ông yêu mến hơn tất cả những tác phẩm khác của mình. Tolstoy xem cuốn sách này là đóng góp quan trọng nhất của ông cho nhân loại.

Là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhưng khi bước vào tuổi già, Tolstoy không còn đánh giá cao những bộ tiểu thuyết vĩ đại của chính mình. Thay vào đó, đại văn hào tin rằng điều quan trọng hơn hết trong công việc viết lách là mang đến những tác phẩm hướng dẫn con người về đạo đức và tâm linh.

Ông bày tỏ quan điểm: "Sáng tác một cuốn sách dành cho đám đông, cho hàng triệu người thì lợi ích và tầm quan trọng không gì sánh nổi so với việc viết ra một cuốn tiểu thuyết chỉ cho một bộ phận người thuộc tầng lớp thượng lưu tiêu khiển trong khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi thì sau đó bị lãng quên mãi mãi".

Theo Tolstoy, hành trình để mỗi con người tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt trong nhân cách và đạo đức là hành trình đòi hỏi sự suy niệm, kiên trì và tu tập không ngừng nghỉ. Để biên soạn công trình 8 năm cuối đời, đại văn hào Nga chắt lọc, thu góp tài liệu từ nhiều nguồn: những thánh điển, tôn giáo chủ chốt, hệ thống triết học lớn và những tác phẩm văn học của hơn ba trăm trong số những tác giả ưa thích của ông…

Trong sách, Tolstoy trình bày minh triết tâm linh của nhiều dân tộc, nền văn hóa và giai đoạn lịch sử dưới dạng bộ sưu tập tư tưởng kiểu "nhật tụng". Sách có 30 chủ đề - ngụ ý về 30 ngày trong tháng. Mỗi chủ đề này được giảng giải, phân tích dưới dạng những đoạn văn ngắn.

Các chủ đề được lặp đi lặp lại theo chu kỳ - tương tự như các tháng lặp lại trong một năm. Đây được xem như một cuốn lịch về sự minh triết. Mỗi ngày, độc giả có thể lần giở từng trang để cùng Tolstoy suy ngẫm về từng chủ đề - vốn được sắp xếp theo trình tự logic, thuận tiện cho việc theo dõi. Đó là các chủ đề về: Đức Tin, Linh hồn, Thượng đế, Tình yêu đại đồng, Lòng kiêu mạn, Tự phụ và danh vọng, Tham lam và của cải, Phán xét và trừng phạt, Bạo động và chiến tranh, Khoa học sai lầm, Giận và thù, Nỗ lực, Lòng hy sinh, Hạnh phúc, Lao động và sự nhàn rỗi… Mỗi trang sách là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng Đông - Tây, như: tư tưởng Lão Tử, triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson, Pscal, The Talmud (được xem như "Kinh thánh" của người Do Thái), tục ngữ Trung Hoa, tục ngữ Ba Tư, minh triết Phật giáo…

Dù đề cập đến đề tài triết học, tâm linh hoặc đơn thuần là những cảm xúc thường nhật ở mỗi con người, Tolstoy đều dẫn giải chúng với giọng văn cô đọng, giản dị, dễ hiểu và lôi cuốn. Trong bản dịch, dịch Đỗ Tư Nghĩa còn đan xen những cước chú của chính ông về các quan điểm của Tolstoy. Điều này khiến cho việc đọc sách như là một cuộc luận đàm thú vị giữa ba bên: độc giả - tác giả và dịch giả.

Trước khi ông qua đời vào năm 1910, cuốn sách được phát triển dần qua nhiều lần hiệu đính. Ban đầu, sách ra đời với tên The Thoughts of Wise Men (tạm dịch: Minh triết của Hiền nhân, 1903). Sau đó, sách được hiệu đính, đặt lại tên là A Circle of Reading (Tạm dịch: Một chu kỳ đọc, 1906). Cuối cùng, tác phẩm được biết đến với tên như Wise Thoughts for Every Day, hay For Every Day (Tạm dịch: Minh triết cho mỗi ngày, hay Cho mỗi ngày, 1909). Tuy vậy, đến năm 1995, sách mới được phát hành ở Nga và mau chóng trở thành sách best seller. Năm 1997, Peter Sekirin dịch cuốn sách sang tiếng Anh và xuất bản với tên A Calendar of Wisdom (Lịch minh triết).

Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa sinh năm 1947 tại Quảng Trị. Ông tốt nghiệp môn Triết ở Đại học Văn khoa Huế và hiện sống ở Đà Lạt. Sau cuốn Suy niệm mỗi ngày, ông chuẩn bị giới thiệu đến độc giả các ấn phẩm dịch: Nghệ thuật sống - Epictetis, Tự thú của Lev Tolstoy, Những suy niệm của Marcus Aurelius.

Thoại Hà

***

ĐÔI DÒNG CỦA NGƯỜI DỊCH

1. Lev Tolstoy trình bày cuốn sách này như một “Lịch suy niệm”. Mỗi ngày có một chủ đề.
Thí dụ:
+ Ngày 1/1: Đức tin.
+ Ngày 2/1: Linh hồn.
+ Ngày 3/1: Một linh hồn trong tất cả.
Và cứ tiếp tục như vậy cho đến hết năm.
Ý của Tolstoy là muốn người đọc theo thứ tự ấy để suy niệm mỗi ngày.
2. Chúng tôi thấy rằng, nhìn chung cách trình bày đó dường như không còn phù hợp với con người trong thời đại bận rộn hiện nay.
Do vậy, xin được mạn phép tác giả trình bày lại, bằng cách đánh số. Thí dụ: 1/ Đức tin; 2/ Linh hồn; 3/ Một linh hồn trong tất cả. Và cứ tiếp tục cho đến con số sau cùng.
Như vậy, sẽ gọn gàng hơn. Và bạn đọc có tự do, muốn suy niệm về vấn đề nào trước cũng được, không cần theo một thứ tự nào cả.
3. Tất cả những in nghiêng trong bản dịch và những cước chú đều là của người dịch bản tiếng Việt.
4. Những cước chú nói trên cũng chỉ là một vài ghi nhận chủ quan của người dịch trong khi tiếp xúc với tác phẩm. Thay vì giữ lại cho riêng mình, người dịch muốn gửi đến bạn đọc như một chia sẻ thân tình giữa những người bạn. Bạn đọc hoàn toàn có thể bỏ qua, nếu không thấy cộng hưởng.
5. Chúng tôi có chua thêm một số từ tiếng Anh để bạn đọc dễ bề tham khảo.
6. Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chắc chắn khó tránh khỏi những sai sót. Rất mong bạn đọc và những bậc cao minh góp ý, để bản dịch được hoàn thiện hơn trong lần tái bản. Xin chân thành cảm ơn.
Đà Lạt, mùa Giáng sinh
20/12/2014

Đỗ Tư Nghĩa

***

Công trình trọng yếu cuối cùng của Tolstoy: Tầm quan trọng, lịch sử hình thành và phát triển, và thông điệp chủ yếu của nó.

The Thoughts of Wise Men (Minh triết của Hiền nhân) là công trình cuối cùng của Lev Tolstoy, công trình mà ông yêu mến hơn tất cả những tác phẩm khác, và ông xem nó là đóng góp quan trọng nhất của ông(1) cho nhân loại. Trong tác phẩm này, Tolstoy chắt lọc và trình bày minh triết tâm linh của nhiều dân tộc, nền văn hóa và giai đoạn lịch sử, để tạo ra một tác phẩm độc đáo, vô song, so với bất cứ cái gì khác trong nền văn học thế giới. Để biên soạn công trình này, ông đã thu góp tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau: Những thánh điển, những tôn giáo chủ chốt, những hệ thống triết học lớn, và những tác phẩm văn học của hơn ba trăm trong số những tác giả ưa thích của ông.

Tolstoy dành 8 năm cuối cùng của đời mình cho dự án này, mà thành hình như là một “bộ ba”, phát triển dần qua dăm bảy lần hiệu đính:

1. The Thoughts of Wise Men (Minh triết của Hiền nhân, 1903).

2. A Circle of Reading (Một chu kỳ đọc, 1906), xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh năm 1997 - Nhà xuất bản Scribner, dưới nhan đề A Calendar of Wisdom (Lịch Minh triết).

3. Wise Thoughts for Every Day, hay For Every Day (Minh triết cho mỗi ngày, hay Cho mỗi ngày, 1909), mới được phát hiện ra gần đây tại Nga, và bây giờ được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên.

Bộ ba này được hình thành và phát triển như sau:

* The Thoughts of Wise Men (1903):

Đây là cuốn sách đầu tiên. Nó chỉ chứa đựng từ 1-3 ý tưởng cho mỗi ngày(2), vào khoảng 800 ý tưởng, của 41 tác giả. Nó tương đối ngắn, những ý tưởng được sắp xếp một cách ngẫu nhiên, không được liên kết theo chủ đề - chúng chỉ là một bộ sưu tập gồm những hạt ngọc tri thức của những tác giả ưa thích của Tolstoy. Cuốn sách nhỏ này đạt thành công đáng kể, và đi qua hơn 12 kỳ xuất bản hằng năm - kể từ năm 1903. Thậm chí, nó còn được xuất bản như là một “lịch để bàn”. Mức độ phổ biến của nó khiến cho Tolstoy xem xét lại dự án này vào năm 1904, với dự tính tạo ra một cuốn sách mà sẽ “cần thiết cho mọi người”, và ông dành phần lớn thời gian và năng lượng văn học cho nó.

* A Circle of Reading (1906):

Ban đầu, Tolstoy bắt tay vào việc hiệu đính và nới rộng The Thoughts of Wise Men. Vào đầu năm 1904, ông viết trong nhật ký: “Tôi đang bận rộn cải thiện The Thoughts”. Mặc dù vậy, vài tháng sau đó, rõ ràng là ông không chỉ đang “biên tập lại”, mà còn tiến hành tạo ra một cuốn sách hoàn toàn khác biệt, khác với The Thoughts trong cấu trúc, kích cỡ, dung lượng và phẩm chất. Từ ban đầu, Tolstoy nói đến dự án mới này như là A New Calendar (Một lịch mới), hay đôi khi là A Calendar of Wisdom (Lịch Minh triết), nhưng chẳng bao lâu sau ông bắt đầu gọi nó là A Circle of Reading (Một chu kỳ đọc). Lần đầu tiên ông đề cập đến nó theo nhan đề này, là trong lá thư gửi cho G. Rusanov, ngày 24/9/1904: “Trong những ngày vừa qua, tôi đang bận rộn: Tôi không còn làm việc trên Calendar của tôi nữa, mà trên A Circle of Reading, mọi ngày”.

Những ý tưởng trong cuốn sách mới này được tổ chức xung quanh những chủ đề hằng ngày như: Tình yêu, Thượng đế, Tình bạn, Cuộc sống và Con cái, trải ra suốt 12 tháng. Công trình này tiến hành chậm chạp, do số lượng khổng lồ của những nguồn tài liệu. Tolstoy đọc đi đọc lại hơn 300 cuốn sách trong khi ông làm việc trên phần thứ hai của “bộ ba”, và Calendar phát triển từ khoảng hơn 30 trang, kéo dài ra thành hàng trăm trang. Mỗi danh mục gồm có 5-7, và đôi khi nhiều hơn, những tư tưởng minh triết - tổng cộng trên 2.000 tư tưởng - được chọn lựa kỹ càng từ thư viện riêng của Tolstoy (có trên 22.000 đầu sách), từ tác phẩm của trên 250 trong số những nhà tư tưởng và nhà văn vĩ đại nhất của mọi thời đại; và khoảng vài trăm tư tưởng khác, được chọn từ 50 tuyển tập danh ngôn khác nhau, bằng tiếng Nga, Pháp, Anh, và Đức.

Mỗi ngày khởi đầu và kết thúc bằng một tư tưởng của chính Tolstoy, được viết bằng chữ in nghiêng. Nhà văn cũng thêm vào 52 “bài đọc hằng tuần”, gồm có một câu chuyện ngắn hay một chương từ một cuốn tiểu thuyết bởi một trong số những tác giả ưa thích của ông, trong đó có Anton Chekhov, F. Dostoievsky, Gustave Flaubert, Victor Hugo và Plato. Cuốn sách trở nên quá dày, đến nỗi nó được xuất bản không phải như là một cuốn trọn vẹn, mà chia nhỏ ra thành nhiều tập sách mỏng hằng tháng, suốt 12 tháng, vào năm 1906. Nó đi qua nhiều kỳ xuất bản giữa năm 1907 và năm 1915.

Tuy nhiên, công trình thứ hai này của “bộ ba”, ở mức độ nào đó, thiếu sự mạch lạc và tính toàn vẹn. Không có cấu trúc tổng quát hay thông điệp chung cho toàn bộ cuốn sách, và những chủ đề được lặp lại ít nhiều ngẫu nhiên, và không được nối kết với một ngày đặc thù của tháng, có những ngày thiếu tiêu đề, và thậm chí, những “bài đọc hằng tuần” lại không nhất quán, thay đổi giữa thể loại “hư cấu” và “phi hư cấu”.

* Wise Thoughts for Every Day, hay For Every Day (1909):

Từ năm 1906-1909, Tolstoy trở nên quá bận tâm với dự án này, đến nỗi ông quyết định tạo ra một cuốn sách khác tương tự, mà sẽ có nhan đề là The Thoughts of Wise Men for Every Day. Nhan đề này, sau cùng, được rút ngắn thành For Every Day. Với công trình này, nhà văn đã thành tựu trọn vẹn cái mà ông đã dự tính: For Every Day có một cấu trúc xác định, với một chu kỳ đọc hằng tháng, gồm những chủ đề lặp đi lặp lại, và nó được xoáy vào tiêu điểm nhiều hơn, chính xác hơn, và đồng thời, dễ tiếp cận hơn với công chúng rộng rãi.

Mỗi ngày của năm gồm có từ 9-12 câu “cách ngôn” hay tư tưởng. Tolstoy đã đưa vào thêm 200 tác giả, so với số lượng tác giả được trích dẫn trong cuốn thứ nhất. Tuy nhiên, lần này phần chính của cuốn sách lại bao gồm những tư tưởng minh triết của chính Tolstoy. Rồi Tolstoy nảy ra một ý tưởng khác thường, “bứt phá”: Ông tạo ra 30 chủ đề (Thượng đế, Tình yêu, Đức tin, Linh hồn, Chân lý…) tương ứng với mỗi ngày của tháng, và với một số “biến thể”, hằng tháng lặp lại cùng một cấu trúc. Trong thư gửi cho bạn ông - nhà phê bình văn học V. Posse - Tolstoy nói rằng, cuốn sách này khác biệt với bất cứ cái gì mà ông đã từng viết, do quy mô và loại tài liệu.

Dự án vĩ đại cuối cùng của Tolstoy dường như đã phát triển từ cuộc đối mặt kề cận của ông với cái chết về cuối đời. Vào mùa xuân của năm 1902, lúc ông 75 tuổi, Tolstoy ngã bệnh nặng, trước tiên là bệnh viêm phổi, và sau đó là bệnh sốt thương hàn. Vào thời đó, thuốc kháng sinh chưa được phát minh, và cả hai bệnh này được xem như là bệnh nan y. Tolstoy bị “treo” lơ lửng giữa sống và chết trong dăm bảy tháng. Việc ông thoát chết, cũng gần như là một phép lạ. Trong khi ông đang dần hồi phục vào tháng 11-12 của năm 1902, trong một thị trấn nhỏ của Gaspra, gần Yalta tại Crimea, ông không thể làm việc như lệ thường; do vậy, ông gặp gỡ những văn hữu Chekhov, Gorky và những người khác, và nói về cuộc sống, cái chết, văn học, và ý nghĩa cuộc đời. Ông có thói quen đọc và suy tưởng về một “mảng minh triết” mỗi ngày, lấy từ một cuốn lịch tường treo trong phòng ông. Cuốn lịch kết thúc vào tháng 12/1902.

Tháng kế đó, tháng 1/1903, gặp phải việc thiếu đề tài có sẵn cho suy niệm, Tolstoy nhận thức rằng, ông đã phát triển một thói quen hữu ích và “đáng đồng tiền bát gạo”. Khi ông đã hoàn toàn bình phục, ông bắt đầu sưu tầm những tư tưởng của những hiền nhân từ thư viện riêng của mình để thưởng thức riêng.

Như thế, ông dần dần bắt tay vào một dự án mà sẽ chiếm gần hết 8 năm cuối cùng của đời ông, có nghĩa là từ năm 1903-1910, và sẽ trở thành một “bộ ba” - dài hơn 1.200 trang. Công trình này sẽ đúc kết những quan điểm của Tolstoy về cuộc sống và Thượng đế, và ông thường nói đến nó như là “quan trọng hơn nhiều”, so với bất cứ cái gì mà ông đã từng viết trước đó. Ý tưởng đầu tiên cho cuốn sách này đã thực sự xuất hiện sớm hơn nhiều, khoảng 20 năm trước cơn bệnh của ông, khi mà Tolstoy viết trong nhật ký ngày 15/3/1884: “Sẽ là thú vị khi làm một ‘chu kỳ đọc’: Epictetus, Marcus Aurelius, Phật Thích Ca, Pascal và Tân Ước. Và nó cần thiết cho mọi người”. Một năm sau, ông lặp lại cùng ý tưởng đó trong một lá thư gửi cho Chertkov, trợ lý của ông, vào 4-5/6/1885: “Tôi muốn biên soạn một cuốn ‘chu kỳ đọc’ - nghĩa là, những trích đoạn từ những cuốn sách nói cho ta biết cái mà con người cần nhất trong đời mình, và cái gì là tốt cho y”. Mặc dù những dự án văn học khác của ông khiến ông phải hoãn lại công trình này, ông trở lại với ý tưởng đó vào năm 1903, sau cơn bệnh và sau cuộc hồi phục của mình.

Sau cùng, một vài nhận xét về lần xuất bản hiện tại và giá trị bền vững, có tính thời sự của Wise Thoughts for Every Day. Bộ ba của Tolstoy hết sức phổ biến từ lần xuất bản tập thứ nhất vào năm 1903 cho đến 1917. Rồi tất cả 3 cuốn đều không được xuất bản trong thời kỳ Xô-viết trong gần 80 năm, vì nội dung tôn giáo của chúng. Và được xuất bản lại sau sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, chúng đã đạt thành công to lớn tại Nga trong những năm gần đây, với trên 3 kỳ xuất bản và 300.000 bản in. Wise Thoughts for Every Day là tập cuối được phát hiện lại, nó được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở đây lần đầu tiên.

Hôm nay, gần 100 năm sau khi nó được biên soạn, cuốn sách này - tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Tolstoy, vẫn còn nguyên giá trị như khi nó được xuất bản lần đầu tiên. Chiều sâu minh triết của Tolstoy, đức tin của ông, và sự thông minh của ông chiếu sáng xuyên suốt một cách rực rỡ. Những tư tưởng của ông là sự chắt lọc cái tinh hoa nhất của dăm bảy ngàn năm của kinh nghiệm con người, và chúng vẫn tươi mới, chân thực, và có thể áp dụng bây giờ, như chúng đã từng như vậy. Tolstoy dạy người đọc suy ngẫm, kinh ngạc, cười, và nhất là hiểu “thân phận con người” với sự sáng tỏ và mối đồng cảm sâu xa. Đây là một tác phẩm “cổ điển” - và phi thời gian: Chicken Soup (Súp gà cho Linh Hồn bạn).

Cấu trúc của Wise Thoughts for Every Day thì công phu, tỉ mỉ, nhưng cũng linh hoạt. Mỗi tháng được chia thành 4 tiểu mục - mối quan hệ của chúng ta với Thượng đế, những thách thức của chúng ta, những hành động của chúng ta, và cuộc sống tâm linh của chúng ta - chúng quán xuyến nhiều chủ đề khác nhau, một chủ đề cho mỗi ngày. Thí dụ, Mối quan hệ của chúng ta bắt đầu mỗi tháng, và bao gồm những chủ đề: Đức tin, Linh hồn, Một linh hồn trong tất cả, Thượng đế, Sự hợp nhất trong linh hồn, và Tình yêu đại đồng. Nhóm kế tiếp, Những thách thức của chúng ta giới thiệu những chủ đề: Tội lỗi của chúng ta, Sự cám dỗ, Sự bất bình đẳng, Khoa học sai lầm, Phán xét và trừng phạt, Bạo động và chiến tranh. Những hành động của chúng ta được dành cho những chủ đề: Nỗ lực tâm linh, Đức hạnh, Ý nghĩ, Lời nói và hành động, Chân lý và dối trá, Khiêm cung, Hy sinh, Cầu nguyện, và Lao động. Tiểu mục cuối, Cuộc sống tâm linh của chúng ta, bao gồm những chủ đề: sống trong hiện tại, Điều xấu và sự khổ, Cái chết, Cuộc sống sau cái chết, Hạnh phúc, và Tình yêu. Những chủ đề được lặp lại từ tháng này sang tháng nọ, tùy theo chu kỳ này, nhưng những ngày có thể thay đổi chút ít, và một chủ đề có thể được lặp lại hay vắng mặt trong một tháng nhất định nào đó.

Cho kỳ xuất bản này, có tính tuyển chọn, tôi đã chọn những ý tưởng mà có vẻ như độc đáo nhất và phù hợp với thời đại của chúng ta, và không bị lặp lại. Trong loại sưu tập này, mà ở đó Tolstoy xem xét những ý tưởng từ nhiều góc độ khác nhau, tất yếu phải có một sự lặp lại nào đó.

Tolstoy giữ cái “cẩm nang” cho một cuộc sống tốt này trên bàn làm việc của ông trong suốt những năm cuối cùng đời mình cho đến phút cuối (thậm chí ông còn yêu cầu trợ lý của mình, V. Chertkov, đưa ông xem bản in thử trên giường chết của ông)(3). Ông có thói quen đọc nó cho gia đình và trân trọng giới thiệu nó cho bạn hữu ông. Bây giờ, trong thời đại mà sự “nhận biết về tâm linh” đang ngày càng tăng, thì kiệt tác này - một cuốn sách “tự giúp mình” vĩ đại, một lần nữa, có thể cung cấp cho người đọc khắp nơi nguồn cảm hứng và an ủi, và như ông đã mơ ước, “giúp họ trong cuộc sống và lao động của họ”.

Peter Serikin

(1) Cuốn sách này ít người biết đến, so với cuốn Chiến tranh và Hòa bình,Anna Karenina, nhưng lại được Tolstoy đánh giá cao như vậy. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

(2) Tolstoy xem cuốn sách này là một “cuốn lịch suy niệm” dùng cho cả năm, mỗi ngày có từ 1-3 ý tưởng để suy niệm.

(3) Chi tiết nhỏ này cho thấy Tolstoy yêu quý tác phẩm này xiết bao!

Mời các bạn đón đọc Suy Niệm Mỗi Ngày của tác giả Lev Tolstoy.