Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn

Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thời cuộc.

Ký ức một ảnh viện Sài Gòn hay Câu chuyện Viễn Kính có thể xem như một dự án du khảo được tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện trong suốt gần một năm. Cuốn sách hơn 220 trang là một câu chuyện đồ sộ về nhiếp ảnh, những hình ảnh quý giá một thời vàng son lẫn cay đắng của lịch sử.

Ông Đinh Tiến Mậu, nhân vật chính của câu chuyện – chủ hiệu ảnh Viễn Kính tiếng tăm của Sài Gòn, kể về sản nghiệp của một đời thợ ảnh cứ như không có chuyện vậy, nhẹ tênh, phẳng phiu, liền lạc. Như chẳng có chuyện gì, tay thợ ảnh ấy từng trở thành chứng nhân của lịch sử hay có ảnh đăng trên những trang báo hàng đầu. Như chẳng có chuyện gì, ảnh viện của ông là chỗ chụp chân dung của các ngôi sao hàng đầu làng giải trí miền Nam.

Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả của nhiều tựa sách hay, được bạn đọc yêu thích như: Đà Lạt một thời hương xa (NXB Trẻ 2016), Những thành phố trôi dạt (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn 2017), Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (NXB Trẻ 2015)và hàng loạt cuốn tạp văn, truyện ngắn khác. Đặc biệt, với tác phẩm Đà Lạt một thời hương xaanh đã đạt giải Sách hay 2017, hạng mục Phát hiện mới.

***

Review Phạm Huyền Trang:

Tôi rất thích nhìn ngắm những hình ảnh của một thời xưa cũ đặc biệt là những tư liệu liên quan đến thành phố Sài Gòn. Và tôi đã tìm thấy tất cả những điều ấy qua cuốn sách của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên với cái tên "Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn - Câu Chuyện Viễn Kính".

Những ai quan tâm đến nhiếp ảnh Sài Gòn chắc đều không thấy xa lạ với hiệu ảnh Viễn Kính. Đó là một cửa hiệu của "thợ ảnh" Đinh Tiến Mậu được mở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) của Sài Gòn từ năm 1963. Trái ngược với nhiều người hay quan trọng những danh xưng như "nghệ sĩ nhiếp ảnh" hay "nhiếp ảnh gia", Đinh Tiến Mậu chỉ luôn nhận mình là "thợ ảnh". Ấy thế mà những bức ảnh lưu lại của ông đều cho thấy những khoảnh khắc thần sầu của những người đẹp vang danh một thuở hay những khung hình tuyệt đẹp của "hòn ngọc viễn đông".

Cuốn sách chỉ đơn giản là những lời kể rời rạc của Đinh Tiến Mậu về những con người của Sài Gòn những ngày quá vãng hay những câu chuyện xung quanh nghề nghiệp của ông. Vậy nhưng nó đủ sức khơi gợi hình ảnh và không khí cả một đô thị sầm uất những năm trước 1975.

Đó là Thẩm Thúy Hằng - "người đẹp Bình Dương" với vẻ đẹp bất tử trong tà áo dài bà Nhu sang trọng, quý phái. Là ca sĩ Diễm Thúy đẹp gợi cảm với "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Là nghệ sĩ cải lương Thanh Nga nền nã trong chiếc áo dài cổ cao, đeo vòng ngọc trai, với những ngón tay thanh mảnh nâng niu một nhành hoa nhỏ.

Đúng như Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định “Những bức chân dung thách thức thời gian ấy vẫn toát lên sinh khí của một thời kỳ văn hóa đô thị giàu có và tươi đẹp”. Giai nhân không đơn giản chỉ là "người đẹp", họ còn là người lưu giữ cái đẹp vượt thời gian của cả một vùng văn hóa.

***

Ảnh viện không đơn thuần là nơi làm dịch vụ ghi chép hình ảnh, nơi diễn ra những giao dịch sòng phẳng nhất thời giữa những người cần ảnh với thợ chụp ảnh, đó là một kho tàng ký ức về con người và nơi chốn, một nguồn dữ liệu nhân học, nhân trắc học, xã hội học, sử liệu cộng đồng.

Nhưng đó lại có thể không hơn gì một đống tro tàn sau những bể dâu thế cuộc.

Từ lâu, người viết cuốn sách này bị cái thế giới của những ảnh viện truyền thống mê hoặc, dẫn dụ đi vào nhiều mảnh sử cá nhân thú vị qua những tấm ảnh, bộ ảnh cũ xưa trong cuộc hành trình tìm kiếm ký ức đô thị. Tôi có thể đứng hàng giờ nhìn những người thợ ảnh tỉ mỉ chấm từng nét li ti để tạo ra một mảng tối trên bức chân dung khiến bóng hình tiền nhân quá vãng trở nên “có thần”. Tôi cũng thầm nể phục người làm buồng tối loay hoay như những phù thủy pha chế chất hiện hình để dung nhan người xưa hiện lên rõ nét trên nền giấy ảnh mới… Người đã chết hay người còn sống. Tuổi trẻ và tuổi già. Khung cảnh còn và mất. Tất cả. Dòng thời gian trôi qua khốc liệt dưới bàn tay tỉ mẩn của họ.

Liệu có thể tiếp cận cuộc đời họ theo một cách thức nào đó? Câu hỏi trở thành một mối day dứt, một món nợ khi tôi gặp ông – nhân vật của cuốn sách này. Báo chí đương thời gọi ông là nhà nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh – những danh hiệu cao quý – bởi loạt chân dung ông thực hiện và gìn giữ nhan sắc Sài Gòn một thuở. Nhưng không ít lần tôi thấy ông lúng túng trước đám đông khi được hỏi về quan điểm nghệ thuật, lý thuyết nhiếp ảnh và các vấn đề có vẻ hệ trọng khác. Tôi lại gặp ở ông sự lúng túng tương tự trong quá trình ba tháng tiếp cận, lấy chất liệu cho cuốn sách mỏng này. Với nhiều người, hẳn có chút hụt hẫng. Nhưng với tôi, đó là niềm hứng thú hạnh ngộ. Trong thời buổi mọi danh hiệu, thành tích có thể dễ dàng được phong tặng, tôi quý những con người bình thản nói rằng, họ không chịu trách nhiệm về những lời phong tặng hay định kiến từ người khác. Trong thời buổi vô số người muốn mình trỗi vượt trên đám đông, tôi nể phục những người chọn sự bình thường, làm chủ đời sống và sống hài hòa với cộng đồng. Trong thời buổi ai cũng có thể tự xưng tụng, bày tỏ quan điểm nọ kia, từ chính trị, tư tưởng đến văn hóa nghệ thuật, tôi ngưỡng mộ người tự nhận mình là một thị dân bình thường.

K_008-1

Nhưng viết về một người bình thường không hề là chuyện đơn giản. Bởi dù muốn dù không, cái bình thường ấy cũng không tránh khỏi việc diễn giải bằng hệ thống nọ, thuyết luận kia (đời sống vốn là một rừng hệ quy chiếu!). Tôi chọn giải pháp kể chuyện tuyến tính, có những chương ghi chép lời kể của nhân vật để tạo ra sắc thái khách quan, tự nhiên nhất có thể.

Hai phần đầu sách, thiết nghĩ, cũng cần điểm qua vắn tắt về lịch sử phát minh bộ môn nhiếp ảnh, cuộc du hành của nhiếp ảnh phương Tây vào Việt Nam và tư duy “nghệ nhân - làng nghề” trong đời sống mỹ thuật truyền thống của người Việt từ xa xưa đến đầu thế kỷ XX; chuyện những “nhà chụp ảnh” đầu tiên ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Phần 3 là câu chuyện nghề ảnh từ Lai Xá đến Sài Gòn, “lộ trình” mà nhân vật của cuốn sách – một cậu bé quê Lai Xá đi qua.

Phần giữa cuốn sách là giọng kể của nhân vật, thuật lại chuyện học nghề ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn rồi khởi nghiệp tại Chợ Lớn. Việc trung thành sự thật, theo sát lời kể là nguyên tắc đầu tiên. Và điều này không ít lần khiến người viết gặp khó khăn vì nhân vật nay đã tuổi cao sức yếu, có những chi tiết nhầm lẫn và cả những vùng mờ ký ức, khó tường tận. Chưa kể, có những điều thuộc về quá vãng, một thời kỳ mà để thích ứng thực tế, người ta đã phải cố quên đi nhiều thứ quý giá thuộc về đời sống tinh thần, và, lâu ngày thì cái cố quên đã trở nên lãng quên thật. May sao, người bạn đời của ông cũng đã giúp tôi một phần trong việc phục dựng vài mẩu chuyện gia đình và hiệu ảnh, dù không hoàn toàn.

Nhưng hẳn là cuốn sách này không chỉ dừng lại ở câu chuyện thăng trầm của một hiệu ảnh. Nó ngầm mang một tham vọng lớn hơn, khi độc giả nhận ra vào những phần cuối, câu chuyện chính biến Sài Gòn được đặt bên cạnh cái nhìn “bình thường” của anh thợ ảnh; những thay đổi thế cuộc tạo ra sang chấn đối với cuộc sống người bình dân trong xã hội, dù có lúc lẽ ra anh ta đã có thể là nhân chứng cho một sự kiện, một bước ngoặt trong lịch sử thành phố hay từng ở khoảng cách rất gần những yếu nhân…

Bởi là người bình thường, anh ta không bước vào những đại tự sự, càng không dự phần vào những sự kiện hệ trọng, mà âm thầm kiếm sống bằng cái nghề một cách chuyên nghiệp, rồi như bao nhiêu thợ ảnh, nghệ nhân khác trên đất nước này, anh ta vô tình lưu giữ một kho tàng hình ảnh cộng đồng, hơn thế, những dung nhan mà cộng đồng một thời ái mộ.

Hai phần cuối sách là hành trình trở lại thực tại đầy dung dị nhẹ nhõm. Như đi hết một vòng tròn sự nghiệp, ông Viễn Kính – Đinh Tiến Mậu – trở về với tư cách chính của mình, sự hiện diện của ông trong Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, là một thợ ảnh, một nghệ nhân đúng nghĩa.

Xoay quanh câu chuyện của ông Đinh Tiến Mậu, ít nhiều tôi có chạm đến những tên tuổi lẫy lừng trong một số lãnh vực của xã hội Sài Gòn cũ. Không cách nào khác, những mảnh chuyện rời rạc, sự dính líu của họ đến trục chính câu chuyện hy vọng sẽ gợi phần nào không khí đời sống tinh thần của miền Nam trước năm 1975.

Kể lại lịch sử một ảnh viện trong một đô thị lớp lớp phế hưng là một việc làm khó khăn nhưng rất cụ thể trong cuộc kiếm tìm ký ức đô thị nói chung. Một hành trình không dài, người viết cuốn sách này tin rằng, không hề đơn độc.

Rất mong được sự đón nhận, đồng cảm, góp ý, gợi ý của quý độc giả.

Tác giả

Sài Gòn, tháng 6-2017

Mời các bạn đón đọc Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.